Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.212.379
 
Gam Màu, Nốt Nhạc, Lời Thơ Lênh Đênh Ở Quê Nhà, Quê Người
Nguyễn Hàng Tình

                                                                                      

 

 

 

 

 

          Tôi đã nghe thấy những người bạn Hà Nội của mình tự hào khi khoe săn tìm và sở hữu được những cuốn sách xuất bản ở miền Nam trước 1975. Nay, họ dám mua những cuốn sách cũ mèm ấy có khi với giá hai, ba triệu đồng. May mà tình trạng “sợ sách” và“đốt sách” đã không còn diễn ra như tháng năm ngay sau ngày thống nhất.

      Và đi qua nhiều làng quê kinh tế mới, di cư trái phép trong rừng thanh vắng xa khuất, rồi những thành phố của ngày nay, tôi nhận thấy bà con người miền Bắc hay vừa lao động vừa nghêu ngao hát những ca khúc của miền Nam trước kia, mà không chỉ thường dân. Nhiều khi cảm giác họ cứ như thuộc dòng văn nghệ quá vãng này còn hơn cả nhiều người dân miển Nam khác bây giờ… Hình như  là “món lạ”, hoặc có một kiểu bù đắp nào đó cho tâm hồn con người...

      

 

 

 

 

 

 

          Không phải ngẫu nhiên mà dòng nhạc Boléro của miền Nam giờ người miền Bắc thích nghe đến vậy. Khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thôn trang đến thị thành, không riêng tôi, mà ai cũng dễ dàng nhận ra sự thật này trong đời sống ở đó. Trong các trường đại học ngay ở phía nam giờ, sinh viên từ Bắc vào, bao giờ cũng là sinh viên ưa hát nhạc Boléro nhất. Con người là thế, đơn giản, khi cần những gì cho tâm hồn thật của mình, thường tìm đến cái gì mình thấy gần gụi, nghe nó, tiêu dao, thư giãn, tựa vào, với nó. Và cũng không phải ngẫu nhiên, hiện tượng Lệ Quyên, một ca sĩ phía Bắc mới vào Nam, lại là ca sĩ say đắm và hát Boléro hay nhất trong nước bây giờ_đến mức cô như là người “làm mới” lại được dòng nhạc đã “bên lề” này của miền Nam. Dòng nhạc ấy là của ai vậy ? Thì là của người Việt tôi(nói về sản phẩm chứ không cần nói đến thể loại, hay xuất xứ), nó được viết ra trên quê hương mình, không gian văn hóa quê hương, bằng da thịt và tâm hồn của những đứa con Việt. Vậy thì cho dù nó có “bên lề” thì vẫn là một bộ phận của nền âm nhạc Việt Nam. Jason Gibbs, một người không phải Việt, cụ thể là người Mỹ, đã trân trọng mọi thứ nhạc xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam hiện đại, khi anh viết giúp chúng ta câu chuyện âm nhạc trong xã hội Việt Nam(và ngược lại) qua cuốn “Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long”. Anh ta đã nối những “giá trị nhạc” lại. Trong khi trên quê hương này, không ai, kể cả Viện âm nhạc, đi làm cái công việc ấy.

 

 

                                                       *

 

 

         Vậy thì, những bộ phim như “Xa Lộ Không Đèn”, “Trường Tôi”, “Nhạc Lòng Năm Cũ”,  “Điệu Ru Nước Mắt”, “Bão Tình”, “Người Cô Đơn”, “Tứ Quái Sài Gòn”, “Chân Trời Tím”… có phải phim do người của quê hương này làm ra không ? Có lúc chợt nghĩ, sao người ta không nối những bộ phim đó vào trong tài sản chung là nền điện ảnh dân tộc này với những “Chung Một Dòng Sông”, “Con Chim Vành Khuyên”, “Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm”, “Chị Tư Hậu”, “Nổi Gió”, “Bao Giờ Cho Đến Tháng 10”…?!  Diễn viên Trà Giang ở phía Bắc đem tài năng đóng góp cho nền điện ảnh thì Kiều Chinh tài hoa ở phía Nam hôm nào cũng rót ruột cho những bộ phin nàng này đóng. Hải Ninh, Hồng Sến, Đặng Nhật Minh tâm huyết khi làm phim thì Hoàng Thanh Tuấn, Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa cũng vật vã để cho ra những bộ phim. Và những bộ phim đó, gọi là phim gì, “Made in” gì, nếu không là “Phim Việt Nam”. Chỉ có chúng ta phân biệt, bỏ ra, nhưng người Nhật, người Indonesia, người Mỹ, người Châu Phi, Nam Mỹ, Châu Âu  hẳn cứ gọi là “Phim Việt Nam” thôi_chẳng lẽ họ gọi đây là  “phim Thái”, “phim Hàn”, “phim Tàu”  ?.

         Dù tượng điêu khắc của Lê Công Thành, Vũ Cao Đàm, Phạm Gia Giang… có tạc từ tỉnh thành nào ở phía Bắc thì tượng của Lê Thành Nhơn, Trương  Đình Quế, Phạm Thông… cũng tạc tượng trên những tỉnh thành ở phía Nam của đất Việt, cùng quê. Dù trẻ thơ bây giờ cùng đọc văn chương của Nguyễn Nhật Ánh thì cũng vào một thời chưa xa đó, khi trẻ thơ miền Bắc đọc Tô Hoài thì trẻ thơ miền nam đọc Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh. Vậy thì những cuốn sách của Túy Hồng, Hồ Biểu Chánh, Mai Thảo, Nhã Ca, Bà Tùng Long, Dương Nghiễm Mậu, Bình Nguyên Lộc có phải sách của người Việt Nam ? Thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh là thơ Việt, vậy thơ của Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Bắc Sơn có phải thơ của người Việt ? Những thi phẩm của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Lâm Anh là thơ của dân tộc nào ? Và cả, những văn phẩm phê bình của Đặng Tiến(ở Pháp), Nguyễn Đức Tùng( ở Canada) Nguyễn Hưng Quốc( ở Úc), chắc cũng không kém hấp dẫn, góp ích gì đó cho đời sống thế nhân như phê bình của Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy, Inrasara, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đăng Điệp, Đoàn Ánh Dương ở trong nước chứ. Những trước tác về học thuật của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Hiến Lê, và cả Thích Nhất Hạnh… khó mà xem nó không có ích gì cho chúng sinh trên quê xứ nó. Và dù muốn dẫn ý chí đi theo kiểu nào thì văn chương của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh cũng cảm tác những gì diễn ra trên đất mẹ như văn chương của Phan Nhật Nam, Nguyễn Mộng Giác với chất liệu là từ đất mẹ, hơi thở quê hương, nổi trôi buồn vui quê mình. Hay văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư mới là văn chương đích thực còn văn chương của Nguyễn Thanh Việt(ở Mỹ), Nam Le(ở Úc), Nguyễn Văn Thọ(ở Đức), Thuận(ở Pháp) “chưa”  thể  là vẻ đẹp văn chương người Việt?! Ở thế kỷ này rồi, rất khó để khuyên công chúng rằng, như với thơ, thật ý vị : “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ”(của Phạm Tiến Duật, phía Bắc, thời đó) là thơ, còn: “Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính/ Bắt lê la mang một chiếc mai rùa/ Nên tâm hồn ta là cánh đồng úng thủy/ Và nỗi buồn như nước những đêm mưa ”(của Nguyễn Bắc Sơn, phía Nam, thời đó) chẳng phải là thơ. Cũng như: “Tre xanh xanh tự bao giờ/ Chuyện  ngày xưa đã có bờ tre xanh” (của Nguyễn Duy, phía Bắc, thời đó) là tâm hồn Việt, còn: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông” (của Phạm Công Thiện, phía Nam, thời đó) là thô lậu, không phải tâm hồn Việt, không thuộc về Việt.

            Và có là “Việt Nam” không, ở đương thời này, với phim của Trần Anh Hùng(“Xích Lô”, “Mùa Đu Đủ Xanh”, “Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng”,…) ?! Phim “Sống Trong Sợ Hãi” của Bùi Thạc Chuyên,“Đập Cánh Giữa Không Trung” của Nguyễn Hoàng Điệp (hai người Việt ở Hà Nội) ráp vào cùng “Mùa Đu Đủ Xanh” của Trần Anh Hùng (người Việt ở Pháp), “Buổi Sáng Đầu Năm” của Vitor Vũ (người Việt ở Mỹ) có làm cho  hình ảnh Việt Nam, trí tuệ Việt,  giá trị người Việt, quốc gia Việt “đi xuống”_ là bó lại hay thu hái về ?! Hay là  bất cần, xem thường những phim của Trần Anh Hùng, sách viết về người Việt Nam của Nguyễn Thanh Việt, Nam Le, Trịnh Xuân Thuận(người viết về vật lý bằng ngôn ngữ văn chương), Nguyễn Văn Thọ thì đất nước này văn minh hơn, oai phong, được tôn trọng hơn trên trường quốc tế, cũng như trong nội quốc? Thì cũng như tranh của Thành Chương, Nguyễn Minh Thành ở trong nước vậy, với tranh của Trịnh Cung, Đinh Cường ngày nay ở trời xa nước ngoài, luôn có sắc màu ghồ ghề và cả sắc màu hiền khô, cùng lấp lánh da vàng, lấp lánh lúa nước, lấp lánh nhà ba gian hai chái, rau muống luộc, mắm tôm với dưa muối cà pháo. Vẻ đẹp dồi dào của nền văn hóa nào mà không từ sự tự nhiên, đa dạng, sinh động, hiền khô và gồ ghề, biến hóa chứ_ sự vốn là. Giống như ta của bây giờ thưởng thức văn hóa của các thời đại đã qua, triều đại đã qua, những thế kỷ trước vậy, là tìm sự hấp dẫn bởi nhiều hình dạng sáng tạo, sắc thái, cung bậc. Cho dù có khó khăn thế nào thì nền văn hóa của một dân tộc bao giờ cũng vẫn đứng trên mọi triều đại, chính trị. Vì chính trị, cũ, mới, bất kỳ, cứ đi và cứ đến, rồi đi, và cứ thế, vận chuyển theo qui luật sinh - hoại, còn dân tộc ấy và nền văn hóa của họ vẫn mãi mãi, ở lại. Con người thì bao giờ cũng có qui luật chung, về tâm hồn, trong nhu cầu đời sống tinh thần.

           Đó là một nền/dòng/ quĩ văn hóa phát triển tiếp nối những sinh động  tân học, Tây học, Pháp, của đầu thế kỷ 20 trên đất Việt, mà không bị đứt gãy, ở miền Nam, trước 1975 ấy.

          Như những hàm số, con người và đất nước nào mà chẳng ánh xạ nó qua văn chương, nghệ thuật. Tất cả đều là tài sản của dân tộc, đất nước_cùng với nền/dòng văn hóa, văn nghệ Cách mạng. Nếu hấp thụ hết, ta nhìn ra ta, dân tộc này, quê hương này, với mọi chiều kích, đủ tự hào lẫn đủ buồn vui, đủ thăng hoa lẫn đủ kiểm nghiệm.

 

 

                                                       *

 

      

        Cùng với quĩ văn hóa dân gian truyền thống bao đời của tổ tiên để lại,  không kể thuộc triều đại nào trong tiến trình của dân tộc,  nay cộng dồn thêm hết những gì của cận đại và đương đại do người chung dòng máu Việt sáng tạo ra hẳn quĩ văn hóa của đất nước này nở ra, lớn hơn biết mấy. Cùng đất Mẹ Việt này sinh ra cả mà. Thì cũng tự nhiên thôi, bình thường như nguồn ngoại tệ hàng năm chào đón gửi về, là “luôn coi người Việt Nam dù ở đâu cũng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam” này. Bạc tiền còn không tách rời huống chi văn hóa, tâm hồn, sáng tạo_cái cao cả, tốn kém thời gian- sức lực- trí tuệ - đớn đau để có_ tiền mua không được.

        Thành tâm từ tình cảm đến tâm hồn, văn hóa, chỉ có làm người ta lớn hơn chứ không bao giờ nhỏ lại. Khi lơ đi, hay từ chối, đồng nghĩa với sự  nhỏ mọn, hoặc trịch thượng, kênh kiệu, né tránh, khước từ, hay nữa là không tự tin ở sức đề kháng của mình, tức thiếu bản lĩnh. Sức đề kháng của dân tộc Việt Nam mấy chục thế kỷ qua luôn mạnh và tự tin mà. Đến phương Bắc bên kia thâm hiểm, tàn bạo và kiên trì mà còn không đồng hóa được dân tộc Việt này. Thì cô bác trong hay ngoài nước đều nhìn thấy ta “thật”, thành tâm, ngay chính, có trách nhiệm, thực sự  vì đại cuộc, dân tộc này. Ở đâu đó từng nhìn không tới, không thấy “xa lộ”, hoặc hẹp hòi, “cong cong”, nhiều lúc nói và làm không “khớp” thì nay cơ hội  vẫn còn nguyên đó để làm người công bình, hào sảng, khoa học, trách nhiệm được mà. Không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc đã đưa văn hóa(phim ảnh), Nhật đưa hoạt hình, và nhiều nước khác nữa, trở thành sứ giả, đi theo nhà đầu tư(doanh nghiệp, kinh tế), niềm tự hào_ một thứ quyền lực mềm của quốc gia mình trong cuộc cạnh tranh quốc gia giữa thời buổi toàn cầu hóa này. Không phải ngẫu nhiên mà các nước đang đua nhau chiến lược phát triển ngành “Công nghiệp văn hóa”, từ phim ảnh, hội họa, văn chương, âm nhạc, kịch nghệ đến trò chơi điện tử. Chỉ với một điệu nhạc đương đại Gangnam Style Hàn Quốc cũng bắt cả thế giới chú ý về sự sáng tạo văn hóa của mình. Giữa thời buổi toàn cầu hóa này, góp được một cái gì đó có giá trị phổ quát, cả thế giới chấp nhận, nghiên mình, thì đó là đẳng cấp quốc gia, dân tộc, là tình yêu nước sáng rõ và cụ thể vậy.

 

 

                                                      *

 

 

       Tài sản văn hóa của dân tộc này, đất nước này không nhiều nhặn gì, khi mà lịch sử đầy đưa làm chúng ta thiệt thòi, mất mác quá lớn, ly tan quá nhiều rồi. Bao đời gầy dựng, đã bị Nhà Minh của phương Bắc xóa sạch khi xâm lược. Rồi Lê -Trịnh, Nhà Nguyễn gầy dựng lại, rồi Pháp vô, rồi đất nước chia đôi, Mỹ xuất hiện, rồi biên giới Tây Nam, rồi trở lại đối phó với Trung Hoa ở biên giới phía Bắc, và nay đang luôn phải bồn chồn với sự dọa nạt cưỡng chiếm dần ở biển Đông. Bể dâu và nghèo đói, các triều đại lo cho gìn giữ biên cương, dân chúng lo cho cái bao tử, đâu tạo tác căn cơ, thực sự cho tầm vóc văn hóa. Văn hóa xây dựng trên ly loạn. Trên quê hương này, văn hóa thực sự là thứ xa xỉ được gầy dựng từng tí, góp nhặt từng chút, theo những nổi trôi của ba đào, dù nó được bao triều chính đều xem là “Nền tảng tinh thần của xã hội”.  

         Chỉ có một nền văn hóa Việt Nam thôi, với tất cả những gì tích hợp, tạc lên đó, trên dọc dài cổ kim lịch sử dân tộc. Nên dòng văn hóa, văn nghệ nào cũng nên qui về, đều là của “Nước Mình”. Phải nhận ra rằng, quĩ văn hóa của ta đang thế nào trong cuộc đua tranh phổ biến nó với dân tộc khác, đất nước khác, và rằng nó có được dồi dào, hấp dẫn(vượt khỏi lãnh thổ), có sức cạnh tranh ? Vần đề  ngày nay, trước hết, là người ta phải vượt qua chính mình để nhìn thấy đại cục. Có muốn Quĩ văn hóa của dân tộc to, đẳng cấp không ? Có muốn nền văn hóa dân tộc rực rỡ không ? Có muốn cạnh tranh văn hóa với các dân tộc, đất nước khác hay không thôi ?  Nhớ cho, là thời buổi này, đất nước nọ cạnh tranh với đất nước kia không chỉ bằng sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, mà còn cả sức mạnh văn hóa. Xuất khẩu văn hóa đang diễn ra khắp nơi, với tốc độ nhanh, khẩn.  Ví như chuyện không có quốc gia nào không muốn phim nước mình, tranh nước mình, sách nước mình, nhạc nước mình được người nước khác xem, nghe, đọc, dịch, mà cận cảnh là như chẳng quốc gia nào khinh thường phim đoạt giải Oscar. Hệ sinh thái văn hóa tốt, tự nhiên, rộng mở, ai bảo không kích thích sự hưng thịnh, cạnh tranh quốc gia, ở thời buổi quyết liệt này. Đang rất cần một Chiến lược cạnh tranh phát triển nền văn hóa quốc gia, hiện đại, thực dụng, và thực tế, như những thứ chiến lược khác, để đất nước không bị ở lại đằng sau, hoặc bị vênh giữa nền kinh tế(nhiều của cải) với nền văn hóa có nguy cơ ọp ẹp (công chúng/dân chúng phải chọn dùng toàn những sản phẩm văn hóa đa dạng và hiện đại của nước khác sáng tạo ra). Nên nhớ, chưa bao giờ trên thế giới, cơ hội lựa chọn văn hóa đáp ứng đúng nhu cầu bên trong của mình của dân chúng được dễ như bây giờ(hội nhập, giao lưu, di chuyển, và phương tiện kỹ thuật số). Nông cạn, tiểu nhân, hay hẹp hòi trong đối xử với văn hóa của người Việt sẽ bị lời ra tiếng vào, chúng sinh, tha nhân không tâm phục khẩu phục. Còn để mất mát văn hóa của người Việt, bá tánh sẽ nhìn như “thiếu trách nhiệm”, chứ chưa cần nói là “tội”.

 

           Tầng và quĩ văn hóa dân tộc thật dày, đa dạng, sinh động, thì người dân mình có nhiều cơ hội để thụ hưởng và tự hào những gì thuộc về tinh thần.  Cầu cho điều này đến, và  trước hết là với những gì mà người mang dòng máu Việt đã tạo ra. Còn cái gì dỏm, dở, xấu, đen, phản động, lừa mị, có ý đồ “không trong sáng”, phản văn hóa, phản dân tộc giờ dân Việt biết liền mà. Dân trí đã tiến một bước dài ngút rồi, và tầm nhìn của họ cũng đã rất xa, vì  tổ tiên “gen” Việt vốn thông minh, và rất giỏi cảm thụ, và ưa so sánh nữa. Cái đầu dân Việt là cái lưới khổng lồ, tuyệt vời và khủng khiếp trong việc lọc xấu-đẹp, tốt-dở, hữu thiện-bất thiện, chân chính- không chân chính. Và pháp luật trên đất nước, đến đoạn này của lịch sử cũng đã không thiếu để điều chỉnh cái gì bất thiện, bất chân, vô mỹ, vô bổ, không vì cộng đồng, tổ tiên, dân tộc mình, và bản thân công dân.

        Năm rồi, 2017, trong 5 cuốn sách ông  tỉ phú lĩnh vực điện toán Bill Gates tìm chọn đọc có hai cuốn văn chương do người Việt viết, cho dù tác giả Việt ở hải ngoại. Một con người thông minh, dồi dào văn hóa,  giàu có rõ ràng và chân chính điển hình của thế giới, đức hạnh(dành phần lớn tiền bạc cả đời mình làm ra để làm từ thiện cho con người nghèo khổ ở khắp nơi trên thế giới), không làm chính trị, nhưng có nhiều ảnh hưởng ở thời đại ngày nay như ông ấy hẳn không tệ, không trật trong việc chọn sách để đọc rồi. Đến Bill Gates còn yêu mến, trân quí, chân tình với văn hóa Việt Nam, chuyện về Việt Nam, người Việt.

         

 

                                                         *

 

 

         Văn hóa là văn hóa, mà mọi thứ khác phải cố gắng để vượt qua, để gặp nó, mẫu số_Mẫu số Văn hóa. Lúc đó, tất cả đều đẹp, chan hòa, trong sáng, xua tan những ám khí. Sự bình thường trở về trên đời sống quê hương, đơn giản như bà con mình ăn cơm, uống nước, nhìn cảnh vật.

         Cái gì dân chúng lặng im, âm thầm nghe, xem, đọc, ngắm, và “ngấm”, thì trong lòng họ chỗ đang quản trị xã hội mất đi cái quyền thiết lập chủ trương lẫn phát ngôn, loại chủ trương hướng đến nhu cầu tinh thần, nâng cao tri thức, tâm hồn, trách nhiệm, và sự thư giãn của họ với bản thân, vì trước qui luật của tạo hóa, cuộc đời con người nào cũng đều quá ngắn ngủi khi có mặt trên mặt đất này. Tự mình bung lời thừa nhận cái gì có giá trị, và thể hiện trách nhiệm cao cho tầm vóc nước nhà thì mình sẽ bề thế hơn, sòng phẳng, công tâm, đẳng cấp, chịu chơi, và trên hết là đúng chân lý vốn là của đời sống tự nhiên. Thống nhất được văn hóa, thống nhất được lòng người. Và, ắt sẽ tăng năng lượng cho quốc gia, dân tộc, dồn lực tranh đua với thế giới. Để văn hóa “chảy” bình thường thì mọi thứ sẽ bình thường, giản dị. Còn không, thì dòng chảy đời sống và dòng chảy trong lòng người vẫn đang diễn ra tự nhiên như nó là. Ngay cả Sử thi(Ót Nrông, Khan , Hơmon), sản phẩm văn hóa hình thành buổi sơ xưa, thời con người chưa có chữ viết, sống theo bộ tộc, ở Tây Nguyên, vậy mà rồi một ngày chúng ta còn phải cố đi tìm lại cho được, đã in thành sách, đưa vào quĩ văn hóa của đất nước mình, dân tộc Việt Nam mình( bằng một Chương trình quốc gia).

 

         Tôi không can dự và tham dự bất cứ tổ chức gì, hội, nhóm ở lĩnh vực nào, cho dù ở đâu trên mặt đất, xưa nay. Tôi một mình, yêu cái đẹp thiện lành, sự tử tế, văn minh, tiến bộ, nghiêm túc, chân thành, thẩm thấu cuộc sống như nó diễn ra, vốn là, mình nhận biết. Tư tưởng của tôi là Tình Thương Yêu, trung đạo, như Phật chỉ ra từ xa xưa. Là kẻ sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, thấy điều gì tốt cho đất nước giữa buổi nhiều chênh vênh, xao động, hẫng hụt, nhốn nháo nhưng lại cạnh tranh khốc liệt này thì cất tiếng, góp vào, bằng xúc cảm quê hương và trách nhiệm của đứa con trong không gian sống này mà ở đó như bất cứ chúng sinh nào đều cũng chỉ có một lần đời trên dương thế thôi.

          Nền văn hóa của một dân tộc càng dồi dào năng lượng, thì sức đề kháng của nó càng mạnh, xã hội càng tự nhiên, và ổn định, vững chãi, ngay trong lòng người.

 

          Mọi ý thức hệ, thể chế chính trị, chính quyền nào cũng đều ra sau dân tộc này, trên đất nước này, trong suốt tám mươi năm nay. Dân tộc tôi, tổ quốc tôi, nòi giống tôi, có từ nhiều ngàn năm rồi mà. Nó đã để lại những  quĩ văn hóa cho chúng dân ngày nay thụ hưởng, và tự hào. Văn hóa một dân tộc chỉ được phát triển tự nhiên, sinh động, đa chiều, và dồi dào khi không chịu sự kiểm soát, kìm kẹp, trói cột. Đời sau sẽ cật vấn ngược về quá khứ, trong đó có cả oán trách với đời trước, thời đại trước, về trách nhiệm đã qua trong kiến tạo văn hóa cho họ. Nền văn hóa dân tộc mạnh sẽ làm bệ đỡ cho nền kinh tế của dân tộc đó và là sức đề kháng cho bản sắc, phẩm giá dân tộc, cũng như an ninh quốc phòng, tình yêu quê xứ sâu kín, ý chí gìn giữ chủ quyền cương vực, lãnh thổ một cách tự nhiên, bền sâu, mãi mãi.

         Nền văn hóa văn nghệ miền Nam đó đang rất bơ vơ, bên lề, lạc loài. Mà không chỉ nó, nhìn từ tọa độ sâu xa và xuyên suốt của  dân tộc tôi, thì cả nền văn hóa dân tộc hiện nay hình như  cũng rất bơ vơ, cô đơn. Nó không tự nhiên. Nó không vỡ òa tâm hồn, sự khai phóng cùng cảm xúc muôn tầng, muôn chiều. Nó sẽ không tự tình sâu kín, bản thể, riêng tư_bởi tận cùng cái riêng tư là gặp cái chung ở thể cao nhất, thâm hậu, vĩnh cửu như văn hóa văn nghệ thật thà nhân hậu vốn là. Như những nốt nhạc kia, không công minh thừa nhận thì nó len lỏi vào tai người. Không cho nó “quê hương” thì nó về miền hư ảo, dân gian, vĩnh cửu.

 

          Cái kiếp nghèo bần hàn thì cứ hay luẩn quẩn, thu mình lại, nghĩ nhỏ, so kè, dòm ngó, đa nghi, cẩn mật, tự ti và tự kiêu, cự tuyệt sự phóng khoáng, quảng đại, cao thượng, nghĩa khí, nhân ái, và trên hết là “Tinh thần tự nhiên”, dù thế nhân trên hoàn vũ này thì  đã đi đến tận đẩu tận đâu rồi trong cảm thức về  giá trị vật chất lẫn tinh thần phổ quát của giống loài. Tôi dừng lại bút ký văn hóa tài tử này trong một quán cà phê tĩnh lặng trên quê hương mình, trong khi người chủ quán là dân miền Bắc mới nhập cư vào phương Nam kiếm sống vẫn chưa chịu thay những list nhạc xưa ở miền Nam mở từ Wifi qua máy tính của quán. “Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai”…, giọng cô ca sĩ nào đó trong máy hát như thay mặt muôn dân về đất nước. Hình như nó ở bài “Kiếp Nghèo” của Lam Phương, ông nhạc sĩ từng sinh ra ở rẻo đất tận cùng cực Nam của đất nước, Rạch Giá, Kiên Giang./.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 1823
Ngày đăng: 29.04.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Hà Nội - Trần Hạ Vi
Dlie K’chik Erang, Diệp Lục Thoát Đi - Nguyễn Hàng Tình
Cuối năm viếng mộ Tản Đà - Phan Anh
Đến với Mẫu Sơn kỳ thú - Nguyễn Đại Duẫn
Nam Bộ trong ký ức tôi - Hoàng Thị Thu Thủy
Tự khúc ngày Noel - Phan Anh
Ngôi trường thời thơ ấu - Trần Trung Sáng
Dọc đường văn nghệ (phần 34) Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Trần Doãn Nho - Trần Dzạ Lữ
Nhớ Thầy tôi – Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng - Phan Văn Thạnh
Màu mắt em trong như cõi người vốn là - Nguyễn Hàng Tình
Cùng một tác giả