Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.201.977
 
Renoir – Họa sĩ ấn tượng bậc thầy
Đan Thanh

 

              Pierre Auguste Renoir (1841-1919), là một họa sĩ nổi tiếng người Pháp, thuộc trường phái Ấn tượng (Impressionism) trong thập niên cuối thế kỷ 19 và hai đầu thập niên thế kỷ 20. Cùng vẽ phong cảnh, chân dung phụ nữ, tạc tượng, …, Renoir là nghệ sĩ tạo hình có khuynh hướng mở đầu cho trường phái Biểu hiệu (Expressionism), đề cao vẻ đẹp của phụ nữ và là hiện thân sau cùng của truyền thống chuyển tiếp từ Rubens (1577-1649, Flandre) tới Watteau (1684-1721, Pháp). Danh họa Renoir sáng tác phong phú trong 60 năm, khoảng 6.000 họa phẩm, chỉ đứng sau Pablo Picasso (1881-1973, Tây Ban Nha). Họa sĩ Renoir được truy tặng Bắc Đẩu Bội tinh và nghệ sĩ cũng đã vinh dự chứng kiến sự kiện Chính phủ Pháp mua bức tranh “Bà Géorge Charpentier” (vẽ năm 1877) để treo tại Viện Bảo tàng Louvre  (Paris), nơi ngự trị bởi kiệt tác của những nghệ sĩ lớn trên thế giới. Hiện nay, họa phẩm của Renoir còn được  trưng bày trang trọng tại Anh, Nga), Mỹ, Đức, Thụy Điền Áo Hung ga ri ,…

              

                Ngay từ thời cổ đại, với đôi chân không mỏi trên con đường nghệ thuật diệu vợi không có điểm dừng, nghệ sĩ là người hành giả tâm tư luôn trĩu nặng ước mơ vươn tới kiếm tìm Cái Đẹp Nghệ thuật theo lý tưởng chân thiện mỹ. Thời kỳ Phục Hưng (1420-1600), thời đại Hoàng kim của không gian mỹ thuật cổ điển Châu Âu, đã được thống trị bởi các nghệ sĩ lớn tại Ý. Sang đầu thế kỷ 19, một số nghệ sĩ Pháp có tư tưởng tiến bộ, khát khao muốn thổi luồng gió mới vào tác phẩm nghệ thuật. Họ đã trực tiếp tìm đến với thiên nhiên hoặc lấy đề tài từ trong đời sống xã hội. Thành tựu đã đến với ước mơ cách tân tác phẩm nghệ thuật là các họa sĩ đã thể hiện được cách nhìn mới, không còn theo đuôi cách diễn tả của các bậc thầy cổ điển (Classicism) ngày trước. Được khích lệ bởi các nhà danh họa tiền phong đàn anh Pháp Gustave Courbet (1819-1877), Édouart Manet (1832-1883), Renoir với tinh thần say mê hội họa, đã vượt lên hoàn cảnh, học tập và trở thành một họa sĩ hàng đầu của trường phái “Ấn tượng” (Impressionism)  trong nền hội họa Pháp và thế giới.

                Mở mắt chào đời ngày 25-02-1841 tại Limoges (Pháp) trong một gia đình làm nghề may, không bao lâu sau, cậu bé Renoir theo cha mẹ dọn lên sống ở thành phố

                                                                       1

Paris để mong tìm được cơ hội sinh sống tốt đẹp hơn. Paris lúc bấy giờ là thủ đô ánh sáng của một nước Pháp hùng mạnh về nhiều mặt, trong đó có văn học nghệ thuật và kiến trúc. Về văn học, giai đoạn này tại Pháp, các nhà văn Gustave Flaubert (1821-1880), Emile Zola (1840-1902) dù còn rất trẻ nhưng tiếng tăm đã lừng lẫy trên văn đàn. Trong khi trên sân khấu hí viện, những vở kịch của Victorien Sardou (1831-1908), Alexandre Dumas cha (1804-1870) (1), các buổi hòa nhạc, múa ba-lê được trình diễn, và đông đảo công chúng hâm mộ nhiệt liệt thưởng thức. Tại Paris, các tòa dinh thự lớn, đại hí viện (Grand Opéra) cũng được xây dựng bằng thép và thủy tinh được trang trí bời các nhà điêu khắc danh tiếng. Về hội họa, nhiều họa sĩ vẽ tranh sơn dầu được mang treo tại các phòng triển lãm, phòng tiếp tân rạp hát, tại các nhà hàng hoặc địa điểm họp mặt quan trọng. Việc đánh giá họa phẩm tại Phòng Triển lãm (Salon) trong thời kỳ này, đều do những giáo sư đến từ các Hàn Lâm viện Nghệ thuật thẩm định.

                    Trong bối cảnh văn hóa xã hội này, Renoir đã trưởng thành từ một cậu bé có năng khiếu và say mê hội họa từ nhỏ. Ban đầu, Renoir được gia đình cho đi học nghề vẽ tại một xưởng làm đồ gốm. Công việc của Renoir là trang trí các tách, đĩa cà phê bằng hình ảnh các bông hoa nhỏ hoặc vẽ cảnh chăn cừu hay nét mặt nghiêng của hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) trên sản phẩm. Năng khiếu đặc biệt của Renoir về mỹ thuật đã khiến cho mọi người không tiếc lời luôn gọi cậu là Rembrandt (1606-1669), một họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan. Sau đó, nhờ giai đoạn sao chép các tượng ý (motifs) của các nghệ sĩ bậc thầy người Pháp thuộc thế kỷ 18 như Boucher (1703-1770), Fragonard (1732-1806)… Renoir sớm tạo được một bút pháp riêng có sắc thái đặc biệt với bút pháp tinh tế nhuần nhị trên các màu rực rỡ của trái cây, rong rêu …thích hợp cho loại hàng đồ sứ. Không ngại khó khăn mệt nhọc, các ngày nghỉ làm việc ở xưởng, Renoir lại chịu khó đến Viện Bảo tàng Louvre quan sát và ghi chép lại tính cách nghệ thuật đặc thù từ những kiệt tác kinh điển, vẽ lại những tượng điêu khắc danh tiếng. Làm việc tại xưởng gốm 4 năm, do sự phát minh ra được máy in hình trên đồ sứ, Renoir cùng các bạn thợ phải nghỉ việc, chàng quay sang tỉ mỉ làm công việc trang trí các cây quạt tay, những lá cờ của nhà thờ cho người anh. Dành dụm đủ tiền, Renoir theo học căn bản ngành Hội họa rồi sau đó xin vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Paris (École Supérieure des Beaux-Arts). Vị giám đốc nhà trường là Alfred de Nieuwekerke (1811-1892) cho sinh viên họa lại các tác phẩm cổ điển, vẽ các tượng nổi tiếng theo đường lối Phục hưng. Ngoài những giờ học trực tiếp, chính thức với Giáo sư Charles Gleyre (1806-1874) nổi tiếng về những bức vẽ biểu tượng (allegorical), Renoir còn tham dự thêm lớp học tư để vẽ các người mẫu khỏa thân và cảnh thiên nhiên. Renoir và các bạn cùng lớp khác như Monet (1840-1926), Sisley (1839-

                                                                      2

1899), Bazille (1841-1870)… rất ngưỡng mộ và thích gần gũi với các họa sĩ thuộc nhóm Barbizon như Rousseau (1844-1910), Millet (1814-1875), … những họa sĩ cũng thích trực tiếp vẽ cảnh thiên nhiên, và quan tâm đặc biệt tới pẩm chất của ánh sáng. Nhóm này, dù còn hạn chế về cách dùng màu sắc và cách bố cục nhưng, đường lối mới trong phong cách thể hiện của họ, đã đóng góp vào phong trào Ấn tượng về sau mà Họa sĩ Renoir là một thành viên chủ lực.      

                                                                       *                 

                    Buổi bình minh của nhóm họa sĩ Ấn tượng ban đầu đôi lúc còn bị âm u vì những đám mây mù. Tại “Phòng Triển lãm các Họa phẩm bị từ chối” (tháng 5/1963), bức tranh “ Bữa ăn trưa trên cỏ” của bạn Renoir là Manet, bị công chúng chỉ trích vì có vấn đề ở chủ đề và cách dùng màu quá sặc sỡ. Năm sau (1864), lần đầu tiên Renoir nộp họa phẩm “Esmeralda đang nhẩy với một con dê” được Narcisse Diaz góp ý là không nên dùng nhựa đường vào trong tranh. Một năm sau (1965), nhân mùa hè, Renoir cùng bạn Sisley xuôi thuyền trên dòng sông Seine, để xem cuộc đua thuyền. Họ đã vẽ các cảnh bờ sông, và những họa phẩm này cũng được Phòng Triển lãm chấp nhận để trưng bày. Trong giai đoạn này, những họa sĩ có khuynh hướng cấp tiến cò bị đả kích vì đường lối nghệ thuật mới nên nhiều họa sĩ trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn. Cũng như  Monet từng có lúc không tiền mua sơn dầu, Renoir dù được người bạn khá giả Bazille giúp đỡ, vẫn phải vẽ thêm bưu thiếp, rồi về sau phải dọn về ở với cha mẹ nơi ngoại ô thành phố Paris. Vào các tháng hè năm 1969, Renoir và Monet (2) thường lui tới khu hố tắm công cộng tại Bougival có tên là La Grenouillère  (Ao Ếch Nhái) bên bờ sông Seine để cùng sáng tác. Họa phẩm của họ bắt đầu rạng rỡ các sắc màu tươi sáng hơn. Cho dù cuộc sống của tác giả có thiếu thốn gian nan, nhưng qua tác phẩm họ, chẳng hề biểu lộ chút nào về niềm ưu tư, bi quan hay sự thất vọng. Thời kỳ này, Renoir và các bạn họa sĩ đồng hội đồng thuyền như      Monet, Sisley, Pissaro, Degas (1834-1917)…sau này là Paul Cézanne (1839-1906) thường tụ họp tại quán cà phê Guerbois trên đại lộ Batignolles…cùng những nhà văn, phê bình gia : Emile Zola, Théodore Duret (1838-1927)… Dáng dấp con người mảnh khảnh, tính ưa khôi hài, không thích tham gia vào các cuộc tranh luận, nhưng Renoir lại sở hữu những họa phẩm mang tính cấp tiến nhất lúc bấy giờ. Renoir chủ trương “Vẽ những gì con mắt nhìn thấy và phải diễn tả lại bằng các sắc màu trung thực” thêm vào đó là phải có sự can thiệp của ánh sáng để cho bức tranh được sáng sủa. Rời xưởng vẽ ra ngoài thiên nhiên, hoặc chịu khó đi xa hơn, môi trường sống bên ngoài đã mở ra cho họa sĩ những đề tài sinh động trước mắt với muôn vẻ muôn màu: tàng cây, bờ rạch, dòng nước, mây trời, hoa tươi trên mặt hồ, khói lam từ mái nhà, những con thuyền

                                                                   3

trên sông, chiếc dù che nắng trên đường cả những chiếc váy sặc sỡ của phụ nữ trong các buổi lễ hội…

                      Nhờ học tập được ở các nghệ sĩ bậc thầy nơi Viện Bảo Tàng Louvre, Renoir đã có những tác phẩm nổi tiếng đầu tiên : “Lise”, “Alfred Sisley và vợ". Năm 1870, nhà buôn tranh  Durand Ruel, sau khi gặp Monet và Pissaro tại London, đã trả cho Renoir một số tiền nhỏ dù biết rằng số phận họa phẩm của chàng họa sĩ nghèo này còn long đong trên thị trường nghệ thuật. Tranh của Renoir gởi đi triển lãm năm 1863 cùng tác phẩm của Monet, Pissaro, Degas, Sisley và Cézanne vẫn còn bị chỉ trích trên tạp chí chí châm biếm Charivari dù rằng bức tranh “Ao Ếch Nhái” của Renoir là một họa phẩm mô tả thiên nhiên rất đẹp vì tỏa ra chất dịu dàng hồn nhiên khả dĩ làm thư thái, tĩnh lặng được trí óc con người giữa thế giới vật chất bon chen.

                       Trong kỳ Triển lãm năm 1874 của nhóm theo khuynh hướng mới, tại 35 Boulevard des Capucines - Paris, mở từ 15-4 đến 15-5-1874, họa sĩ Renoir đã trưng bày nơi đây 6 tấm tranh sơn dầu (oil painting) và một bức phấn tiên (pastels) và cũng chính Renoir đã chủ động làm hết mọi việc. Ngoài ra còn có họa phẩm của : Monet, Pissaro, Degas, Sisley và Cézanne. Riêng họa sĩ Monet, với tác phẩm “Impression, soleil levant- Ấn tượng mặt trời lên” đã gây chấn động thế giới sắc màu bút cọ một thời. Do vậy, có thể nói năm 1874 là thời điểm khai sinh ra trường phái Ấn tượng với tuyên ngôn nghệ thuật là họa phẩm của Monet. Mục đích cuộc triển lãm này là để có cơ hội cho các họa sĩ mới thoát khỏi những kìm ép của Salon de Paris với sự can thiệp của hội thẩm tra. Bất cứ ai sẵn sàng trả 60 francs là có thể gởi tranh tham dự. Năm 1876, các họa sĩ Ấn tượng lại tổ chức Triển lãm lần thứ hai, riêng với Renoir  là 15 tác phẩm. Trong dư luận của giới quan tâm đến nghệ thuật, vẫn có những đánh giá cường điệu và ý kiến trái chiều. Đáng để ý là cũng có người ủng hộ các họa sĩ Ấn tượng như nhà văn hiện thực Edmond Duranty.  Trong lần tổ chức triển lãm lần thứ ba, họa sĩ Renoir đã góp hơn 20 họa phẩm tham dự trong đó có các bức : “Chiếc du” (the Swing) và “Le moulin de la Galette”. Trong hầu hết các bức tranh trưng bày kỳ này, hình ảnh con người như lẫn nhẹ vào nhau và sự vật như quyện vào không gian thoáng mát chung quanh, chứa chan cảm giác tươi vui, gây man mác niềm sảng khoái cho người thưởng ngoạn. Thời gian này, một bạn mới rất cảm thông với họa sĩ Renoir là Georges Rivière xuất bản một tạp chí, mang tên “Ấn tượng-Tạp chí Nghệ thuật” (Impressionist, Journal d’Art) trong đó bênh vực cho đường lối nghệ thuật mới. Phải đợi đến tác phẩm “Ly sô-cô-la nóng” mới được Phòng Triển Lãm chấp nhận. Năm sau (1879), tác phẩm “Bà Charpentier và các con” của Renoir trưng bày mới được quần chúng cảm thụ và công nhận. Hai năm tiếp theo, Renoir  ở Normandy và ít gởi tranh

                                                                         4

tham gia triển lãm vì bất đồng quan điểm chính trị với một số họa sĩ trong nhóm.

                    Năm 1881, sau khi kết hôn với cô Aline Charigot, họ cùng đi du lịch sang nước Ý , trong thời kỳ trăng mật, thăm viếng khu thành cổ Pompeii và các viện Bảo tàng nổi tiếng. Họa sĩ hết sức say mê những phong cảnh ngập tràn ánh sáng và mặt nước lung linh tại thành phố Venice, ngưỡng mộ phong cách nghệ thuật của Raphael trong điện Vatican. Một năm sau, trong kỳ Triển lãm lần 7 của “Nhóm các nghệ sĩ độc lập thuộc phái Hiện thực  (Realism) và Ấn tượng (Impressionism)”, Renoir đã gởi trưng bày 25 họa phẩm trong đó có bức tranh “Bữa ăn trưa của cuộc du ngoạn trên thuyền” là một họa phẩm lớn đầy ánh sáng ấm áp, rực rỡ, diễn tả các nét duyên dáng của phụ nữ, toát lên bao cảm xúc của con người nghệ sĩ. Renoir không diễn tả cảnh đau khổ bi thương, cũng chẳng bao giờ nói đến sự đấu tranh. Đặc biệt, qua tác phẩm mô tả chân dung phụ nữ, lúc nào ta cũng thấy họa sĩ muốn nói lên sự duyên dáng đáng yêu, tính mộc mạc dịu dàng thể hiện trong sắc màu tươi thắm, qua từng hình ảnh hồng hào hay nét cọ đậm nhạt tinh tế, thích nghi trong từng mảng tranh. Vẽ trẻ em thì Renoir diễn đạt với diện mạo hồng hào, đôi mắt dịu dàng và trong sáng, bộc lộ được hết vẻ ngây thơ, hồn nhiên  đúng mức của đối tượng còn đang  trong thời tuổi dại. Tranh vẽ những phụ nữ thời đại tiêu biểu hoặc khỏa thân nữ dễ tiêu thụ, Renoir có bút pháp độc đáo của nhà họa sĩ ấn tượng. Trong họa phẩm chân dung vẽ khỏa thân người mẫu Anna (1875) “ Nude in the Sunlight”, nhà danh họa như đã khiến cho chính Anna trở thành một thứ hoa, nở trong các bụi cây muôn màu, chủ thể trong tranh đã hòa lịm vào ánh sáng và thiên nhiên. Và người ta nghĩ ra ngay là nếu nghệ sĩ Renoir thiếu cảm xúc thì không thể nào thực hiện được danh tác này.

                   Nhưng từ năm 1883, nhiều người khá ngạc nhiên khi nghe nhà danh cho biết ông se “ép đường lối Ấn Tượng cho khô lại”- thời kỳ Khô - nghĩa là Renoir sẽ thay đổi chiều hướng hội họa. Liên tiếp trong 6 năm, nhà danh họa nghiêng về lối vẽ nét, bố cục tranh mạnh bạo hơn với những đường viền của đề tài rõ nét hơn và họa phẩm trở lại phong cách cổ điển hơn. Các bức hình thành trong giai đoạn này là : “Các ô dù” (the Umbrellas-1883), “Những người tắm” (the Bathers-1887) nhưng bị đánh giá là kém thành công. Trong quan hệ  nghề nghiệp với bạn bè, cuối thập niên 1880, Renoir có cơ hội làm việc với Paul Cézanne () và nữ họa sĩ tài danh Berthe Morisot (1841-1895). Cùng người bạn là Gallimard, Renoir đã tham quan xứ Tây Tạng (1892), rất cảm xúc trước tác phẩm của Diego Velazquez (1599-1660) và Goyas (1746-1820). Họa sĩ cũng được cho Chính phủ Pháp mua họa phẩm “Yvonne và Christine Lerolle chơi đàn” (1897) để tặng cho Viện Bảo Tàng Luxembourg.

                                                                   5

      Lao động nghệ thuật cật lực, di chuyển đây đó nhiều để săn bắt đề tài, năm 1888, họa sĩ bắt đầu mắc bệnh viêm khớp, khiến cho nhà danh họa gặp khó khăn trong sáng tác và buộc phải sống tại Cagnes-sur-Mer tại miền Nam nước Pháp. Nơi đây, Renoir đã được nhiều nghệ sĩ, điêu khắc gia danh tiếng như : Albert André, Auguste Rodin (1840-1917) đến thăm viếng. Tài năng càng đến độ chín mùi cùng với sự tôn vinh của giới nghệ thuật thế giới, tác phẩm của Renoir được trang trọng trưng bày tại : London, Berlin, Moscow, Budapest, Stockholm…

                     Bắt đầu từ năm 1912, tuổi cao thêm bệnh tật, dù phải ngồi trên xe lăn, Renoir phải buộc chặt chiếc cọ vào cánh tay để vẽ. Khi nghe lời nhà buôn tranh Ambroise Vollard, Renoir chuyển sang ngành điêu khắc (1913) và phải nhờ nhà điêu khắc trẻ Richard Guino hỗ trợ tiếp trong việc đục tượng, nặn mẫu hình… Khi bà Renoir qua đời (1915),  vừa bệ rạc vì thể xác, vừa đau buồn nhưng không bao giờ người ta thấy họa sĩ để lộ sự chán nản, buồn đau qua hàng trăm tác phẩm của nhà danh họa tài hoa  trong những năm cuối đời.

                      Ngày nay, các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá tích cực Pierre Auguste Renoir ngang tầm một nhà danh họa lớn trong nền mỹ thuật thế giới. Công chúng nghệ thuật mãi trân trọng Renoir như một nghệ sĩ tài hoa và nhân cách của trường  phái Ấn tượng. Vì lẽ, đứng trước hầu hết tác phẩm hội họa chan hòa sắc màu rực rỡ thắm tươi, tràn ngập ánh sáng long lanh của Renoir, khách thưởng ngoạn luôn cảm thấy ấm áp dâng trào lên trong lòng một niềm lạc quan hy vọng, để được sống vui sống đẹp trong đời.

                                                                                         2.05. 2019

                                                                                         

 (1)Có hai Alexandre Dumas : Alexandre Dumas hay Alexandre Dumas cha (1802-1870), kịch tác gia và Alexandre con (1824-1895), nhà văn.

(2)Nổi tiếng với tác phẩm tiêu biểu “Impression, soleil levant- Ấn tượng, mặt trời lên”

 

 

 

 

 

 

 

 

Đan Thanh
Số lần đọc: 1726
Ngày đăng: 04.05.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thân thể con người dưới mắt hội họa - Võ Công Liêm
Mặc khải xuân thì qua tuyệt phẩm Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ - Bùi Đức Hào
Tìm thấy một họa phẩm của thi sĩ Phạm Hầu - Hòa Văn
Danh họa Picasso - Ông hoàng lập thể - Nguyễn Thanh
Levitan - Vị đắng của Thiên Tài - Nguyễn Thanh
Bùi Xuân Phái - Họa sĩ nặng lòng hoài cổ - Nguyễn Thanh
NGUYỄN TRUNG - Một tài năng Hội họa đất Nam bộ - Nguyễn Thanh
Tô Ngọc Vân - nhà danh họa khả kính - Nguyễn Thanh
Tranh lụa Nguyễn Thị Tâm - Nguyễn Thanh
Họa sĩ Tú Duyên và trường phái "Thủ Ấn Họa" - Nguyễn Thanh