Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.078
 
(Lại (lạm) bàn về Dịch)
Phạm Lưu Vũ

Có thơ rằng:

“Vạch liền, vạch đứt xoay vần

Thì ra Trời, Đất... có ngần ấy thôi.”...

Hai câu lục bát trên là nói về Kinh Dịch, một bộ sách tối cổ của người phương Đông. Sau đây xin được phép (lạm) bàn (một tí ti) về bộ sách ấy.

 

Kinh Dịch, hẹp thì bàn chuyện thăng, trầm của một kiếp người, cũng như kiếp cỏ cây, đồ vật, muông thú... Rộng ra tí nữa thì bàn chuyện thịnh, suy của một nhà, cũng như một dòng họ, một chòm xóm, một làng... Lại rộng thêm nữa thì bàn chuyện hưng, vong của một quốc gia. Cứ thế mà mở rộng thêm, nghĩa là có thể bàn đến việc trị, loạn của cả thiên hạ... Nếu cần thì (Dịch) chỉ ra một khoảnh khắc, một kiếp, một thời... Nếu cần nữa thì sẵn sàng chỉ ra cả trăm năm, nghìn năm, vạn năm... Lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, dài hay ngắn... không điều gì nằm ngoài những quy luật đã vạch ra trong bộ Kinh ấy.

 

Có thể mượn ngôn ngữ toán học để (tạm) hình dung cái “lý” ấy. Ví dụ đời người tất có lúc thăng, lúc trầm. Một “nhà” gồm có nhiều người, tức là cũng gồm cả những thăng, trầm ấy. Thăng, trầm của mỗi kiếp người có thể khác nhau. Nhưng gộp những thăng, trầm ấy lại, thể nào cũng có lúc cái này hoặc cái kia chiếm phần đa số, thể nào cũng có một “bội số chung”. Thế thì cái bội số chung kia của những thăng, trầm, sẽ chính là thịnh, suy của “nhà” ấy vậy. Cũng y như thế đối với một quốc gia. Một quốc gia gồm nhiều “nhà”, tức là cũng gồm cả những thịnh, suy ấy. Thế thì bội số chung của những thịnh, suy kia sẽ chính là hưng, vong của một quốc gia vậy. Cũng y như thế đối với cả thiên hạ. Cả thiên hạ gồm nhiều quốc gia, tức là cũng gồm cả những hưng, vong ấy. Thế thì bội số chung của những hưng, vong kia sẽ chính là trị, loạn của cả thiên hạ vậy.

 

Lại có thể thay những “thăng, trầm”; “thịnh, suy”; “hưng, vong”; “trị, loạn” trên bằng “hay, dở”; “mạnh, yếu”; “yên, nguy”; “thiện, ác”... kiểu gì cũng... đều như thế cả.

 

Để chỉ ra những điều vừa “ghê gớm”, vừa “giản dị” ấy, Kinh Dịch sau khi đã “vạch” xong cả trời đất, vũ trụ, nhân thế... chỉ bằng đúng hai thứ chữ cái không thể nào tối giản hơn (một vạch liền và một vạch đứt), thì bắt đầu căn cứ vào cái nhìn thấy để suy ra cái không nhìn thấy và ngược lại. Tương ứng với thời nào, khắc có “tượng” (cái nhìn thấy) của thời ấy, cũng đương nhiên có “lý” (cái không nhìn thấy) kèm theo. “Tượng” là “lý”, mà “lý” cũng là “tượng”. Xem “tượng” để biết “lý” và ngược lại, xem “lý” để biết “tượng”. Không thể nào khác được.

 

Ví dụ quẻ “TỈNH”. “Tỉnh” (tượng) là cái giếng nước. Thế là cứ xem cái giếng nó thế nào, thì “lý” của thời “Tỉnh” nó cũng như thế ấy. Thời “Tỉnh” bất biến và dửng dưng với mọi bể dâu. “Tỉnh” không mất gì, cũng không được gì, kẻ đến không mừng, kẻ đi chẳng tiếc. Đã là “giếng” thì múc lên không cạn bớt, rót xuống chẳng đầy thêm... “Tỉnh” (giếng) là một thứ vĩnh hằng. Làng có cái giếng dùng để lấy nước ăn, vừa ngọt vừa mát, quý lắm đấy. Nhưng đó là thứ tài sản duy nhất không thể mang đi được dù chỉ một bước chân. Làng có thể di dời, nhưng giếng thì ở lại. Đó là cái “lý” của tuyền quẻ. Còn ruột quẻ, thì từ đáy giếng lên tới miệng giếng, bắt đầu chỉ thấy bùn, dần dần lên tới miệng giếng là có thể thấy được gió thổi, nghe được chim hót, ngắm được trời xanh bao la... Ai đã từng lặn mò dưới đáy giếng, người đó mới cảm nhận hết sự sung sướng, nhẹ nhõm và trong lành tuyệt đỉnh lúc leo lên tới miệng. Kẻ lúc nào cũng ở trên miệng giếng, tất nhiên chỉ toàn thấy tầm thường, không bao giờ có được những cảm giác đó. Đáy giếng tối tăm vừa rập rình khí độc, vừa ngập ngụa hơi bùn, thậm chí còn làm con người ta chết ngạt. Nhưng nước đã múc lên đến miệng giếng rồi, thì cứ yên tâm mà uống, bởi bao giờ cũng chỉ ngọt mát mà thôi, khí độc kia đã lập tức không còn lại tí dấu vết nào. Hào “thượng lục” của quẻ “Tỉnh”, chính là chỉ cái thời khắc tuyệt vời nơi miệng giếng ấy, nơi chỉ cách cái chốn độc địa, chết người kia có vài sải tay. Đó là một hào “thượng” thuộc vào loại tốt nhất trong số những hào “thượng” của tuyền bộ Dịch.

 

Cuộc đời không thiếu gì những “miệng giếng” như thế. Nhưng chỉ có những ai vừa từ dưới “đáy giếng” chui lên, mới giác ngộ được cái thời khắc tuyệt đỉnh ấy nơi “miệng giếng” mà thôi. Và ý tưởng của một cuộc cải cách, muốn có sự thay đổi, ý tưởng làm cách mạng... cũng chính từ cái thời khắc có một không hai ấy mà sinh ra. Nên ngay sau quẻ “Tỉnh”, tiếp liền đến quẻ “Cách” (“cách” = cải cách, cách mạng...). Vừa ra khỏi thời “Tỉnh”, liền bước ngay vào thời “Cách”, không thể nào khác được. Ghê thật, Dịch quả nhiên đã thấy trước, tính trước và nhìn thấu cả thế thái nhân tình.

 

Khoa học (của người phương Tây) từng phát minh ra bao lý thuyết, cứ lý thuyết sau lại trùm lên, lại thông thái hơn lý thuyết trước. Lý thuyết sau càng ngày càng tiến tới tổng quát, tiến tới gần chân lý hơn. Nhưng có một lý thuyết (cuối cùng, rốt ráo) mà các nhà khoa học đã gọi tên, đã cảm thấy sự tồn tại của nó, gọi nó là: “lý thuyết thống nhất vĩ đại”. Lý thuyết ấy cho đến nay vẫn chưa được tìm ra. Đó là một lý thuyết trùm lên mọi lý thuyết, một lý thuyết trùm hết các thiên hà, một lý thuyết dài suốt cả tuổi thọ của vũ trụ kể từ lúc mới sinh ra cho đến tận vô cùng...

 

Không những đã đặt tên, đả cảm thấy sự tồn tại của nó, các nhà khoa học còn cam đoan rằng lý thuyết vĩ đại ấy, một khi được tìm ra, thì nó lại... cực kì đơn giản.

 

Oái oăm thay, chính sự “cực kì đơn giản” kia, lại là cái khó tìm ra nhất của tri thức nhân loại.

Cái “cực kì đơn giản” ấy nằm ở đâu? (Nói không ngoa), nằm trong chính Kinh Dịch. Ai giải mã được Kinh Dịch, người đó sẽ nắm được “lý thuyết thống nhất vĩ đại”.

Ở Mĩ, đã từng có thời kì Kinh Dịch là sách gối đầu giường của cả một thế hệ thanh niên ưa khám phá. Số lượng sách Kinh Dịch xuất bản nếu đem so sánh trên thế giới lúc bấy giờ, thì chỉ thua có... Mao tuyển mà thôi.

 

Nhưng đã năm nghìn năm kể từ lúc Kinh Dịch ra đời, vẫn chưa ai dám nói là có thể hiểu được nó. Mặc dù trong sử sách, những người từng ứng dụng được (một phần) bộ Kinh ấy, đều trở thành những bậc “kì nhân” mà từ cuộc đời đến sự nghiệp... đều đã biến thành huyền thoại...

Nhưng Kinh Dịch dù đã có từ cách đây năm nghìn năm, thì cũng do chính con người tìm ra, chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Cũng tức là con người đã từng “nắm” vững nó, từng “thuộc” nó như trong lòng bàn tay. Thế mà ngày nay, con người văn minh và hiện đại, hậu hiện đại... này lại không thể nào “giải mã” được? Nghĩa là cái điều “cực kì đơn giản” mà vĩ đại vào bậc nhất kia cho đến nay, có thể coi là đã bị “thất truyền”!

 

Tại sao lại đến nỗi thất truyền?

Thất truyền vì Kinh Dịch ngày trước là một trong “Ngũ kinh”, một trong những “giáo khoa” bắt buộc các học trò phải học nếu muốn theo đòi khoa cử. Còn ngày nay, nó chỉ là một thứ sách... đọc chơi? Thậm chí có lúc, nó còn bị coi là một trong những “tàn dư” của chế độ phong kiến (thối nát), (cùng với “Tứ thư”, “Ngũ kinh”... cùng với những đình chùa, miếu mạo...) cần phải bị loại trừ(?). Ôi! Dịch dù vô cùng bí hiểm, thì trước tiên (cũng như cả những bộ “Tứ thư, Ngũ kinh” kia), nó cũng chỉ là một bộ sách... dạy làm người đó mà thôi. Và... số phận của những sách dạy làm người ấy, thì ra cũng phải thăng, trầm như chính kiếp người xưa nay vậy.

 

Thất truyền vì nhân loại bao đời mải miết “bận” vào vô số chuyện khác? Tuy cũng có tình yêu, thi ca, văn tự... đấy, nhưng lại có chia rẽ, bất công, rồi chiến tranh, khủng bố... chung quy vẫn chỉ là cái sự tranh giành. Mấy nghìn năm rồi, nhân loại chưa ra khỏi tranh giành?

Sự tranh giành làm cho nhân loại luôn luôn tiến lên phía trước, càng tranh giành, tốc độ tiến càng nhanh? Có như thế thật đấy. Nhưng con người tìm ra lửa, thì đồng thời chế ra mũi tên. Phát minh ra máy hơi nước, thì trước đó đã chế ra đại bác... Trí tuệ loài người cho đến nay vẫn chưa tìm thấy trong vũ trụ có người anh em song sinh với mình. Nhưng bom nguyên tử thì đã nổ sẵn trên Quả Đất này từ cách đây già nửa thế kỉ rồi...

 

Tranh giành, dù lớn hay nhỏ, từ lâu đã được “định nghĩa”, đã được “đong” bằng chính máu xương nhân loại. Bao kiếp người đã trở nên vô nghĩa, hạnh phúc từ bao giờ đã trở thành một khái niệm mong manh... chung qui cũng bởi những tranh giành.

 

Vậy tranh giành nằm ở đâu trong Dịch? Nằm ở quẻ “TỤNG” (tranh tụng). Mấy nghìn năm, nhân loại chưa ra khỏi tranh giành, cũng tức là chưa ra khỏi quẻ “Tụng”! Quẻ “Tụng” ấy nằm ngay sau quẻ “NHU” (đạo ăn uống...). Có “ăn uống”, tất có “tranh giành”. Vì ăn uống, vì quyền, vì danh, vì lợi lộc, vì những cái “tôi” nhỏ bé, vì những điều tự lừa mình và bịp người khác... nên mới sinh ra tranh giành, kiện tụng. Cái “lý” ấy, muôn đời nay... vẫn thế.

 

Cái gọi là những “quẻ” trong bộ Dịch kia, chính là những trạng thái, là “thời”. Kinh Dịch gồm sáu mươi tư quẻ. Một “quẻ” (một trạng thái, một thời) bất kì, lại bao gồm nhiều lần sáu mươi tư “quẻ” (sáu mươi tư thời) ấy, dẫu chia nhỏ “thời” ra bao nhiêu, thì cũng phải lần lượt trải qua như vậy. Đây là một trong những tuyệt tác về tính tổng quát của triết học phương Đông, cũng như ngũ hành, can chi.  Cái “bội số chung” có kết quả là “Tụng” ấy, không ngờ lại kéo dài đến thế. Mấy nghìn năm, nhân loại đã đi qua bao nhiêu thời “Cách”, đã trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng lớn nhỏ... Nhưng chung quy vẫn chưa ra khỏi cái thời “Tụng” lớn và vĩ đại này. Cũng giống như đã trải qua tháng “Dậu”, rồi bao nhiêu ngày “Dậu”, giờ “Dậu” rồi? Mà chắc gì đã ra khỏi năm “Dậu”... Có điều bất cứ “năm” gì ở trong Trời Đất, thì cũng chỉ dài ba trăm sáu mươi lăm ngày thôi. Nhưng cái “năm” “Tụng” kia ở trong Dịch, thì dài đến bao giờ?, để đến nỗi phải gọi là “đêm trường...”?

 

Quy luật ấy thật “đơn giản”, và cũng thật khó biết đến chừng nào.

Mới hay Thánh nhân ngày xưa khi vạch đến quẻ “Tụng”, chắc cũng biết trước rằng vào cái “thời” “Tụng” này, kiếp người sẽ nhẹ như lông tơ, máu xương sẽ vun thành nhiều núi, và độ dài, sẽ phải tính bằng nghìn năm... Bài thơ trên còn hai câu “kết” như thế này:

“Biết rằng chẳng tránh khỏi “thời”

Nhưng vào thời “Tụng”, biết đời nào ra?”

 

Ăn cơm nhà... (phần 24)

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3890
Ngày đăng: 27.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“HAI LÚA” học FULBRIGHT - Hồ Hùng
Ăn cơm nhà... (phần 20) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 18 - 19) (Trích Quốc văn Tây du dị bản) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 16) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 17) - Phạm Lưu Vũ
Bông điên điển - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 13) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 14) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Dám sống, vượt qua rào cản chính mình - Huỳnh Sơn Phước
Ăn cơm nhà... (phần 11) - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)