Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.853
 
Người mất bóng
Vương Kiều

                                                                                    

 SÀI-GÒN – 1983

 

    Trần-Phá-Nhạc, tên tuổi tôi đã thầm phục trước năm 1975 qua các bài thơ đăng trên báo “ ĐỐI-DIỆN “ , hồi ấy tôi cảm nghĩ “ con người dũng cảm mới có chất thơ nầy “. Trong những năm chiến tranh ác liệt, Nhạc đang học ở Đai-Học Văn-Khoa – Huế, là nhiệt huyết trong phong trào đấu tranh của thầy Ngô-Kha. Vào những năm cuối cuộc chiến, Nhạc lên đường  “ Đi Giữa  Rừng Súng Máy “ cho đến ngày miền Nam sụp đổ.

     Tết năm 1977, tôi từ Đơn-Dương – Đà-Lạt về Huế, qua Phạm-Tấn-Hầu tôi đã gặp Nhạc uống vài cốc rượu sơ giao. Đến năm 1983, tôi từ Huế vào Sài-Gòn tìm Nhạc, đó là buổi trưa trời nắng gắt, khó khăn lắm tôi mới tìm ra căn phòng trên lầu 7 ở chung cư 218 - Nguyễn-Đình-Chiểu. Q.3. Tôi ngại ngùng chưa dám gõ cửa, vòng quanh cửa sổ thì  thấy một người ở trần, mặc quần đùi trắng đang loay hoay bếp núc. Tôi lên tiếng :

  • Xin lỗi cho tôi hỏi, có phải phòng anh Nhạc đây không ?  

Nhạc quay đầu nhìn ra cửa sổ đáp :

  • Ừ ! Đúng rồi, vào đây.

    Tôi bớt dè dặt qua câu trả lời sẵn lòng mở rộng của Nhạc khi chưa nhớ tôi là người quen kẻ biết. Tôi đưa bức thư giới thiệu của Phạm-Tấn-Hầu nội dung “ Tôi là bạn Hầu, vào Sài-Gòn tìm chốn nương thân, mong Nhạc tận tình giúp

      Đọc xong thư Nhạc nói :

  • Ở lại ăn cơm đã rồi mình bàn sau.   

       Hồi ấy được ăn một bữa cơm có cả rượu nữa thì sướng thiệt, ấn tượng buổi đầu mới gặp, là Nhạc cho tôi cảm giác tự do của tình bạn. Rượu được vài chung, Nhạc hỏi tôi :

                                                                     - 1 -

-  Tối qua Tựu ngủ đâu ?

-  Mình ngủ ở Ga Hòa-Hưng.

-  Chừ như thế nầy, tạm thời T đi bán báo dạo, mình có quầy sách ở 81 – Trần-Quốc-Thảo, buổi sáng mình đưa báo cho T, bán được bao nhiêu giữ lấy lo cơm nước, tối về ngủ ở quầy sách với mình hoặc ở đâu tùy ý.                                                                                            

        Sài-Gòn với những con đường dài đi hoài không hết, mỗi buổi sáng tôi ôm một chồng sách báo lang thang từ Q.3 đến Q. 1, lên Q.5, vừa đi vừa rao, vừa mời khách. Nào là khách đi đường, khách ngồi ở quán, khách ở trong mọi ngõ phố, nhưng hầu hết họ lắc đầu, họa hoằn mới có một người mua. Tôi bán được ba hôm, chiều nào chồng sách báo trên tay hầu như còn nguyên.  Nh. thấy không khá nổi mới bàn kế :

       -  Ngày  mai mình đưa T. lên bến xe Chợ-Lớn, bán ở bến xe được hơn.

      Sáng hôm sau Nh. đèo tôi bằng xe đạp lên Chợ-Lớn, hướng dẫn cho tôi cách rao báo, mời mọc thế nào để khách mua. Thế là tôi xông xáo vào bến xe, leo lên xe nầy xe nọ, giới thiệu từng tờ báo, từng đầu sách. Quả thật bán ở bến xe rất được, gần tới trưa chồng báo trên tay tôi nhẹ dần. Khi tôi tới chiếc xe nọ rao tiếp thì có bàn tay đập mạnh sau vai :

  • Ê ! Thằng kia !

Tôi quay đầu lại, thấy hai ba thằng bán báo trừng mắt :

  • Mầy ở đâu mà đến bán đây ? Cút đi !

  • Các anh kiếm sống thì tôi cũng kiếm sống.

Bọn chúng định đánh tôi, tôi thấy tình thế không xong đành nói :

  • Các anh không cho bán thì tôi đi.

      Đúng rồi, miếng cơm của họ mà mình chen vào giành giựt thì họ phản ứng cũng phải. Tôi ôm số sách báo còn lại, lang thang về hướng Sài-Gòn bán dạo, nhớ câu thơ của Bùi-Giáng mà Nh. hay đọc mới thấm thía. “ Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ, Ai ngờ xó chợ cũng chơi nhau. “. Về tới chợ Bến-Thành mới 2g chiều, tôi hướng về Sở Thú, hy vọng khách dạo chơi có lắm người mua, nhưng hầu hết họ lắc đầu, thôi thì tìm bãi cỏ ngủ một giấc đã, chiều tối rồi về.

      Quầy sách báo của Nh. là quán bên đường, là nơi dừng chân của bạn bè trôi dạt, nơi gởi gắm buồn vui của bạn hữu đứng bên lề. Nhiều khi tôi lạ lùng tự hỏi : “ Trần-Phá-Nhạc, một con người tên tuổi, quá trình nhiệt huyết như vậy, sau ngày toàn thắng là trưởng phòng biên tập Đài Truyền-Thanh – Huế, nơi quy tụ biết bao tài danh của Huế : Ngụy-Ngữ, Lê-Văn-Ngăn, Trần-Đình Sơn-Cước . . ., nhưng sao lại bồng bế vợ con vào Nam, làm kẻ lê dân kiếm sống ở đầu đường ? “.

       Một hôm Nh. uống rượu cùng tôi ở quán Thị-Mầu – Võ-Văn-Tần. Nh. cởi lòng :

       “ Hà-Nội đối với mình là thánh địa, là biểu tượng yên hùng của lịch sử, những năm ở rừng, mình khát khao đi Hà-Nội,

                                                                           - 2 -

thế là giải phóng xong, mình tìm cách đi ngay. Bàng hoàng với ước mơ đã thành khi mình đứng ở hồ Gươm ngắm tháp Rùa, sau đó mình ghé một quán phở thưởng thức hương vị miền Bắc, mới ăn nửa tô thì Công-An đến hỏi. Hồi ấy mới “                                                          

Giải Phóng “ có giấy tờ gì đâu ! Thế là họ ra lệnh : Đứng lên ! Đi ngay. “ Các anh cho tôi ăn hết tô phở đã chứ ? Không được, đi ngay. “ Trời đánh tránh bữa ăn,” chưa kịp uống nước họ đã bắt mình về đồn, suốt đêm trăn trở trong phòng giam, mới đến Hà-Nội chân ướt chân ráo, vậy mà Hà-Nội đón chào mình như thế nầy, thật tức chết đi được, cái đau ngày mai là lễ 2/9. Ngày lễ  độc lập, trong lúc mình đang mất tự do. “ .” Qua lễ công-an mới bắt đầu hạch cung, minh khai lý lịch, khai những chiến hữu ở Hà-Nội. Mấy ngày sau anh Nguyễn-Văn-Đồng phải chạy báo cho ông Nguyễn-Khoa-Điềm để xác minh, công-an mới chịu thả.”  Sau nầy Nh. cũng như bao nhiêu tài năng của Huế như giáo-sư – dịch-giả Lê-Khắc-Cầm, nhà thơ Chu-Sơn, nhà giáo Trần-Khanh . . . mỗi người với nổi lòng riêng không thể sống ở Huế được, đành xuôi về Nam kiếm sống.

      Khi tôi thức giấc thì Sở Thú đã thưa người, hoàng hôn đã xuống, đêm bắt đầu lên. Những con sư tử, cọp, báo . . .gầy nhom, mệt mỏi nhìn những người khách cuối cùng rời Sở Thú. Tôi tự hỏi : “ Không biết chúng nghĩ gì trong đầu ? Chắc là chúng sắp điên với “ nỗi đói căm hờn trong cũi sắt “ giữa thời củi châu gạo quế. Tôi đến bên chuồng cọp thì thầm với chúng :

      -  Các chú cọp ơi ! Tôi lang thang bán báo suốt ngày mà chỉ đủ ăn khoai với sắn, sức mấy các chú giữa thời buổi nầy có thịt mà ăn.

      Từ Sở Thú tôi đi về quầy sách của Nh. Qua những phố đèn khi tắt khi đỏ, dù cuộc sống có thay cờ thì cái sức sống của Sài-Gòn vốn dĩ vẫn náo nhiệt ồn ào không khác. Khi tôi đến nơi thì Nh. đang loay hoay thắp ngọn đèn dầu trong quầy sách. Nh. Hỏi tôi :

     -  A ! Về rồi hả ! Ăn cơm chưa ?

     -  Trên đường về mình ăn rồi.

     -  Có để sẵn cơm, lát nữa đói thì ăn. T. đợi một chút, mình đi đây sẽ về ngay.

Nh. cầm túi xách đi bộ về đường Võ-VănTần, nhìn theo tôi biết hảo hán đi đâu rồi, nửa tiếng sau Nh. quay lại hỏi tôi :

      -  T. thấy anh Đồng đến chưa ?

      -  Chưa thấy.

     Nh. lục túi lấy chai rượu mua ở quán Thị-Mầu, vài thức nhắm bày ra giữa quầy, đốt hương, rót rượu cúng Ô. Địa cùng những vị vô hình rồi nói :

 

 

                                                                        - 3 -

    -  Ta ngồi đây chứ quanh ta có nhiều vị khuất mặt đó.

      Uống cạn chung rượu, tôi báo cho Nh. tình hình bán báo hôm nay. Nh. nói :                                                            

    -  Bậy thật ! Để mai mình tính.

     Anh Đồng đến mang theo đồ nhắm, thế là chúng tôi ly cụng ly, câu chuyện càng về đêm càng nồng ấm. Anh Đồng hỏi tôi :

    -  Sao ! Vĩnh-Tựu có sống nổi với Sài-Gòn không ? Tôi cười đáp :

    -  Qua mấy mùa luyện ngục rồi thì có gì mà không nổi.

    -  Ta hỏi vậy thôi ! Chứ ta biết rồi !  Nầy có thích đi mãi võ Sơn-Đông không ? Nếu thích ngày mai ta giới thiệu với thằng Quang.

      Ý tưởng nầy cũng vui thật. Thủa nhỏ được xem những người mãi võ biểu diễn, làm xiếc quanh chợ ở làng quê, bọn trẻ chúng tôi đều phục lăn, cứ tưởng họ là Thần là Thánh. Bây giờ được dịp nên dấn thân vào thế giới nầy, mình cũng có vài ngón nghề đâu kém cạnh ai. Thế là tôi đồng ý.

      Nh. Nói :

      -  Được ! Đi theo Quang mà vui đó.

      Khi những người phu quét đường xuất hiện, chúng tôi đã hóa thân vào những nhân vật của Kim-Dung qua ngôn ngữ, động tác của Nh. mỗi nhân vật Nh. vẽ nên chân dung hắc bạch, chính tà, biện biệt người thời nay, thời xưa thật rạch ròi. Những lúc ngồi chung với nhau như vậy, chúng tôi đã thoát ra được cái nhọc nhằn cơm áo thường ngày, để tự do tưởng tượng, tự do ham muốn mà những đêm lưu linh mới có cảm giác ấy được, dù biết ngày mai tỉnh giấc là phải đối diện với thực tại, một thực tại quá mức bi hài của Sài-Gòn áo cơm xương máu.

      Hôm sau tôi đến nhà anh Đồng ở góc đương Nam-Kỳ Khởi-Nghĩa – Lê-Thánh-Tôn – Q. 1 để gặp Quang, qua cái bắt tay, chúng tôi nói chuyện như đã quen nhau từ trước, xem chừng Quang bằng tuổi tôi là cùng, nhưng qua lời anh Đồng và Nh. thì Q. là cao thủ võ lâm, giới giang hồ đều nể mặt. Q. đã từng bôn ba tới Huế, Hà-Nội mãi võ, đã từng lăn lóc có dư mười mấy tỉnh, bốn phương là nhà. Thế là sau lần gặp ấy, tôi từ giã nghề bán báo rong để theo Q. mãi võ khắp thành đô.

       Đồ nghề của sư huynh Q. chỉ có vài ba chiêu thức giản dị, hai lưỡi kiếm cái dài cái ngắn, một túi vải màu đen, vài dụng cụ linh tinh, mấy vỏ bia, vài trái dừa. Trước khi chiều xuống, Q. dặn dò đệ tử chuẩn bị mọi thứ rồi cùng tôi đến tiệm thuốc bắc cân thuốc theo toa gia truyền của ngành võ, sau đó chúng tôi đến điểm hẹn đã định trước. Những tụ điểm thường biểu diễn là ngã sáu Hùng-Vương – Q.10, bến Bạch-Đằng, chợ Bà-Chiểu . . .Những ngón nghề của Q. quả thật lợi hại, thu hút

 

                                                                          - 4 -

người xem. Mãi võ Sơn-Đông lúc nào thời nào cũng hấp dẫn, đầy tính chất lạ thường mà chỉ có những cao thủ mới dám phô trương tài năng giữa bàn dân thiên hạ. Sư huynh Q. là người lịch lãm trong nghề.

      Khi tôi và đệ tử của Q. bày binh bố trận xong, khách hiếu kỳ đã dừng lại khá đông. Q. đi một vòng giới thiệu bằng động tác, ngôn ngữ Sơn-Đông :                                                                        

    -  Thưa bà con cô bác, chiều nay chúng tôi sẽ cống hiến cho bà con xem những môn võ của hai phái hắc bạch, chính tà mà trước nay cô bác chỉ nhìn thấy trong phim ảnh hoặc trong truyện kiếm hiệp. Trước tiên tôi xin giới thiệu võ sĩ Hùng-Sơn [ đệ tử của Q. chắp tay vái chào khán giả] với sự khổ luyện từ nhỏ, Hùng-Sơn sẽ dùng nội lực đánh vỡ tất cả đít chai nầy cho bà con xem.

Trước khi ra tay, Hùng-Sơn đưa từng cái chai cho khán giả sờ nắn, xem có đường nứt kẻ vỡ nào không, rồi cậu ta đứng thẳng, hít sâu xuống tấn. Bằng động tác nhẹ nhàng của bàn tay phải, Hùng-Sơn vỗ nhẹ lên đầu miệng chai 1. 2. 3. . .đột nhiên cái đít chai vỡ bung, người xem vỗ tay tán thưởng. Tôi nhìn những khuôn mặt bao quanh, biết rằng họ đã bị cuốn hút vào không khí Sơn-Đông từ màn biểu diễn đầu tiên. Nhưng chưa, đến lượt sư huynh Q. ra tài họ mới tâm phục khẩu phục. Sau khi Hùng-Sơn dùng nội công đập vỡ năm cái chai xong, sư huynh Q. tiếp tục :

      -  Thưa bà con cô bác, đệ tử của tôi vừa phô chút tài mọn, sau đây tôi sẽ chứng minh cho quý vị, tại sao Chí-Thiện Thiền-Sư, chưởng môn phái Thiếu-Lâm dùng đầu húc vào đá, đá vỡ, húc vào cây, cây đổ, ở đây tôi sẽ dùng đầu đập vỡ mấy trái dừa để quý vị biết hư thực.

Tôi lấy hai trái dừa đi một vòng cho khán giả xem là trái dừa còn nguyên vẹn rồi đưa cho sư huynh, Quang cầm lấy trái dừa vận công, xuống tấn, rồi dùng trán húc vào trái dừa, 1,2,3,4. . .5 đến lượt thứ 5 thì trái dừa vỡ hai, nước non tung tóe lên cả đầu cả mặt. Khán giả ồ lên nhìn chúng tôi thán phục. Rồi Q. bắt đầu giới thiệu những gói thuốc gia truyền, đây chính là cái màn đói no của chúng tôi, quả thật người xem như đã bị thôi miên, lúc đầu tôi chỉ thấy vài người đưa tay, nhưng sau đấy nhiều cánh tay đưa lên đếm không hết. Nhiệm vụ của tôi là trao thuốc thâu tiền bằng cái mũ đội trên đầu. Khi vòng tròn chung quanh còn nhiều cánh tay chưa lấy thuốc được thì sư huynh Q. bảo ngưng, bằng nghệ thuật dụ khị vô sâu, Q. nói :

    -  Thưa quý vị ! Thuốc gia truyền có hạn, xin để dành cho những người đến sau, tiếp đây tôi xin cống hiến bà con thưởng thức môn kiếm pháp.

     Nói tới đây, Q. chụp lấy hai thanh kiếm loang loáng múa một bài kiếm gì đó, nhưng chưa, đây mới là màn biểu diễn xứng đồng tiền bát gạo. Xong quyền kiếm, sắc mặt của sư huynh vẫn không đổi. Q. tiếp tục :

  

                                                                       - 5 -

     -  Thưa bà con, vừa rồi là quyền kiếm của Thủy-Thượng-Phi, đệ tử của Chí-Thiện Thiền Sư, sau đây tôi sẽ nuốt lưỡi kiếm nầy vào bụng.

     Trời ! Lưỡi kiếm dài tới 70 – 80 cm mà nuốt vào bụng, cọp nuốt cũng chết huống chi là người, tôi bán tín bán nghi, khán giả chung quanh còn hoang mang hơn tôi nữa, nhưng sự thực diễn ra đúng như sư huynh Q. nói.   

       Q. xuống tấn, ngước đầu lên trời, há rộng miệng, hai tay cầm mũi kiếm đưa lên cao rồi bắt đầu đâm vào miệng, lưỡi                                                                           

kiếm từ từ xuống . . .Khán giả chung quanh trố mắt nhìn, mấy cô gái thì che mặt, nhưng rồi cả lưỡi kiếm dài đã nằm trong bụng Q. chỉ còn lại cán kiếm, đó là giây phút nghẹt thở, ai nấy mặt mày thất sắc. Rồi bằng động tác lão luyện, Q. từ từ rút kiếm ra cũng nhẹ nhàng sâu thẳm như khi đưa vào. Thanh kiếm vừa ra khỏi miệng, tôi thấy trên mũi kiếm dính vài hạt cơm chưa tiêu với nước miếng. Khán giả ồ lên thán phục, họ nhìn Q. như người cõi trên xuống.

      Thế là số thuốc còn lại chúng tôi bán trong thoáng chốc là hết sạch, bà con cô bác đã tâm phục khẩu phục thì những gói thuốc nầy trở thành thuốc thần thuốc thánh. Sư huynh còn nhiều cái tài khác nữa, trước khi từ giã khách phương, Q. biểu diễn thêm một môn ảo thuật, đó là màn biến giấy ra tiền. Với cái túi vải đen, Q. lấy một mớ giấy trắng bỏ vào, rồi úm-ba-la ! úm-ba-la . . .vài phút sau Q. lôi ra vô số tiền nhưng lại là tiền Campuchia trước 1975 không phải tiền VN. Thuốc đã bán hết, phố đã lên đèn, khán giả lần lượt ra về, một buổi kiếm sống như vậy là đạt ý, chúng tôi thu dọn đồ nghề. Hùng-Sơn đem tất cả về nhà trọ, còn tôi và Q. đi xích lô nhắm hướng Sài-Gòn tìm bạn.

      Ngồi trên xích lô tôi hỏi Q. :

     -  Nầy huynh ! Môn ảo thuật ra tiền ấy, sao không biến thành tiền VN thì tốt biết mấy ?  Q. cười đáp :

       -  Biến được tiền VN thì cả Sài-Gòn nầy thuộc mình rồi, nhưng ảo thuật là ảo thuật, mộng và thực hai cõi khác nhau.

       Đúng rồi, ông Tề-Thiên dẫu có 72 phép cũng phải đi kiếm thức ăn cho thầy trò Đường-Tăng, con người dẫu tài năng đến mấy vẫn phải chấp nhận nguyên tắc sống, phải đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm.

      Mỗi lần biểu diễn như vậy, chúng tôi sống được đôi ba ngày thoải mái, đi nơi nầy nơi nọ, thăm bạn nầy bạn kia cho đến khi túi Q. còn đủ tiền cân thuốc, chúng tôi lại chọn điểm trổ tài, tiếc rằng những chiêu pháp của Q. tôi chưa kịp học thì một hôm ngồi ở quán bên đường Q. nói :

        -  Hai hôm nữa mình về An-Giang có việc, nếu trở lại bọn mình sẽ gặp nhau.

        Đinh ninh sẽ gặp lại người tuổi trẻ tài cao ấy, nhưng không ngờ đó là câu từ biệt, mãi mãi tôi không còn gặp Q. nữa.       Mấy năm sau mỗi lần gặp anh Đồng tôi vẫn hỏi Q. thì anh Đồng nói :

        -  Có lẽ nó đã vượt biên hoặc chưa biết chừng đã chết.

   

                                                                       - 6 -

       Những ngày tháng sau khi Q. đi rồi, tôi về tá túc ở kho tăm nhang của chị Sáu Phượng, nằm ở Đoạn Đầu Máy Chí-Hòa, Sài-Gòn mênh mông, dưỡng chất trần gian đầy mọi ngõ phố, ngày tháng lang bạt ấy sống và không mong gì hết, bởi tôi đã sống quen với tinh thần : Biết nhịn đói, chờ đợi, thỉnh thoảng làm thơ. Một hôm tôi gặp Trần-Dzạ-Lữ ở quầy sách của Nh. Lữ và tôi đều mừng rỡ, bởi gần cả mười năm hai đứa mới thấy mặt nhau.

      -  Mấy lâu ở mô mà không nghe tin gì hết ? Lữ hỏi tôi.

        Tôi hỏi Lữ :

      -  Vợ con thế nào rồi ?                                                       

      -  Cực quá ! ngày đi mua ve chai, vợ bán rau muống. Rứa mi làm chi ?

        Nh. trả lời thay tôi :

      -  T. ở Huế vào gần cả năm rồi, đang kiếm việc đó.

L. buột miệng cười :

        - Vậy thì theo tau mua ve chai cho rồi.

        Tôi liền đáp :

  -     Ừ ! Đi thì đi.

        Thế là khúc bi ca của Lữ và tôi bắt đầu giữa Sài-Gòn chi xứ.

 

                                                                       - 7 -

                                                                            II

 

 

 

SÀI-GÒN  6/1975

 

      Trần-Dzạ-Lữ làm thơ và xuất hiện rất sớm. Vào năm 1965 tôi đã đọc nhiều bài thơ của L. trên báo, có cả bài giới thiệu tác giả trẻ. Thời ấy L. học ở Quốc-Học, còn tôi học ở Hàm-Nghi. Lòng thư sinh thủa ấy trong sáng làm sao, thế giới thơ đẹp ngời như sao trên trời. Đã nhiều lần tôi về Vân-Thê, quê của L. mong làm quen nhưng mà duyên chưa có nên không gặp. Mãi đến tháng 5/1975, đất trời thay đổi, tôi gặp L. lần đầu ở Đai-Học Vạn-Hạnh. Lữ như con chim gãy cánh, khuôn mặt bi khổ. Lúc ấy L. đang ở chung với Nguyễn-Đức-Cẩm [nhà thơ Nguyễn-Đức Bạt-Ngàn] trên căn gác ở đường Trương-Minh-Giảng [bây giờ là Lê-Văn-Sỹ], ngày ngày người yêu của L. đem cơm gạo tiếp tế. Còn tôi, người tu sĩ nửa tăng, nửa tục, khi thì ở chùa, khi thì bụi đời hệ lụy, bèn chấp cánh lang thang cùng L. giữa thành đô phất phới cờ đỏ sao vàng, lòng người dáo dác ngó tới ngó lui, ai ai cũng có một dấu hỏi to tướng giữa cuộc sống lạ hoắc, ngỡ ngàng trong mọi ngõ phố.

      Một hôm L. nói với tôi :

Vài hôm nữa tau có việc làm rồi.

  • Việc chi ?

  • Có người quen mở quán cà-phê ở đường Gia-Long [bây giờ là Lý-Tự-Trọng], tao làm “ serviteur” ban ngày mi đi đâu thì đi, tối về với tau cho vui, nhưng phải sau 22g, đợi quán đóng cửa rồi ghé

  Đó là những ngày tháng ngậm ngùi đáng nhớ sau ngày “ Giải-Phóng “. Sài-Gòn đối với tôi cũng như Cẩm còn quá mới, nên hai chúng tôi tha hồ đi không mệt mỏi, để nhìn ánh sáng “ Hòn Ngọc Viễn-Đông “ còn le lói chút nào không, hay đã tắt ngấm sau cơn bão lửa ?

      Một sáng hai chúng tôi ngồi uống cà-phê trước cổng trường Đại-Học Vạn-Hạnh thì gặp họa-sĩ Hoàng-Đăng-Nhuận. Nh. ngạc nhiên :                                                     

 -  A ! Sư T. sư cũng có mặt ở Sài-Gòn à ?

 -  Ừ ! Nơi nào có ông là có tui.

Nh. quay sang C. nói :                                                               

      -  Đi đâu cũng gặp ông sư nầy, Đà-Lạt, Pleiku ở đâu cũng gặp, lạ thiệt.

Chúng tôi kể cho nhau nghe cuộc chạy loạn vừa qua, bao lần chết, bao lần sống, mới đến được Sài-Gòn. Tôi đề nghị :

                                                                      - 8 -

 - Ngày mai bọn mình đi Biên-Hòa chơi hè ?

Cà C. và Nh. cùng lên tiếng :

      -  Đi thì đi, sợ gì !

     Thế là hôm sau chúng tôi làm chuyến du hành bằng xe lửa đầu tiên về Biên-Hòa. Cảm giác tự do, miền Nam ngàn dặm thẳng, đi tới đâu cũng thấy cờ đỏ và dép cao-su, đến chợ Biên-Hòa Nh. kéo tôi vào chợ nhìn qua ngắm lại. Nh. nói với tôi |

  •                               -  Mi mua cho tau đôi dép cao-su !

      Tôi hơi lạ hỏi :

      -  Ông thích dép đồng chí à ?

      -  Ừ ! Tau ưa.                  

      Tôi mua tặng Nh. đôi dép ông Hồ, Nh cởi dày mang ngay, và đó là ý tưởng sáng tác của họa sĩ sau mấy tháng “ Giải Phóng “, sau nầy, thập niên 80, tôi nghe Hoàng-Đăng-Nhuận đoạt giải tranh vẽ trên bao bố, triển lãm chung với họa-sĩ Bửu-Chỉ ở Hà-Nội qua bức tranh “ Đôi Dép Trường-Sơn “.

      Hôm sau chúng tôi về lại Sài-Gòn, buổi tối ghé L. đứng ở công viên trước dinh Gia-Long, tôi nhìn qua bên kia đường, thấy quán vẫn còn khách, thấy hình hài nhỏ nhắn của L. lui tới bàn nầy bàn nọ. Công viên mấy tháng sau ngày “ Giải-Phóng “ chẳng có ma nào dạo chơi, chỉ có vài ba kẻ cô hồn như tôi vãng lai nghỉ ngơi trên ghế đá, cỏ hoa tha hồ mọc chẳng cần ai cắt xén, và may cho những kẻ không nhà, dưới gốc cây cổ thụ to lớn có một vòi nước liên tục chảy ngày đêm. Thế là vòi rồng ấy là nơi tắm giặt, ăn uống của những kẻ bụi đời. Khi tôi tắm xong cũng là lúc L. đang dọn dẹp quán, tôi băng qua đường, giờ phút ấy cái quán cà-phê thuộc về chúng tôi, tự do muốn nấu nướng chuyện trò gì tùy thích. L. hỏi tôi :   

     -  Hai hôm ni mi đi mô ?                                             

     -  Đi Biên-Hòa chơi với Cẩm và Nhuận.                                 

            -  Chà ! Tụi bây sướng thiệt, này qua xách thùng nước tau nấu cơm ăn.

      Đó là những bữa cơm ăn với chao cảm động giữa Sài-Gòn về khuya , bụng đói, cơm nóng hổi, mùi vị chao thâm thẩm, vậy mà ăn hết nồi cơm vẫn chưa thấy no. L. thường tâm sự với tôi về cô Tính, người yêu của L. Tính là sinh viên, yêu L. qua những bài thơ đăng báo, rồi lặn lội đi tìm thi-sĩ ở quân-trường Thủ-Đức. L. ra trường chưa được bao tháng, lon sĩ quan đeo chưa kịp nóng, mộng đời chưa kịp hái, đành ngậm đắng làm lê dân lây lất bên đường. Nhưng trong cuộc bể dâu mới biết lòng người đen trắng ra sao. Tình yêu của T. trong những ngày điên đảo ấy thắm thiết hơn bao giờ hết. Mặc dù cha mẹ T. cự tuyệt cái thằng Huế sa cơ lỡ vận, đến nổi L. nói với tôi “ mỗi lần đến thăm T. ông bà thiếu đường lấy chổi quét mình đi “. Trong một bài thơ L làm thủa ấy, tôi còn nhớ hai câu :

              - 9 -

     Mẹ cha em khinh thường anh rơm cỏ

     bởi thời cùng ai nhận đứa ngu ngơ

      Những đêm ngủ với L tôi để ý một cậu bé con lai khoảng 9 – 10 tuổi, áo quần rách bương, mặt mày lấm lem, giờ tôi đến quán đã thấy câu ta ôm cột điện ngủ say, tay chân sải dài, tha hồ cho muỗi mòng tự tung tự tác. Hình ảnh cậu bé lai Mỹ giữa chế độ căm thù “ Mỹ Ngụy “ thật đau xót, cậu bé không dám nói chuyện với ai và chẳng ai thèm bận tậm tới giọt máu của kẻ thù rơi rớt trên đất nầy. Một hôm tôi đến bên cậu nói chuyện :

      -  Em ăn gì chưa ?                      

      -  Dạ ! em ăn rồi.  

      Tôi hỏi mẹ gốc gác ở đâu, cậu lắc đầu không biết.

      Đúng rồi, hàng ngàn con lai Mỹ ra đời giữa chiến tranh, phần đông là vô thừa nhận, cha chúng là lính viễn chinh. Hầu hết họ không biết mình đã để lại giọt máu tổ tiên của họ trên đất nước oan khiên nầy, còn mẹ chúng, khi sinh rồi thì chạy trốn cái ghẻ lạnh của bà con giòng họ, hàng xóm láng giềng. Những con lai Mỹ, bi kịch của bài ca cội nguồn, sẽ còn mãi trong lòng những đứa con bất hạnh như cậu bé tôi đã gặp.

      Những ngày tháng tôi còn ở Sài-Gòn, cậu bé đi theo tôi. Tôi chia xẻ với cậu từng gói xôi, ổ bánh mì, củ khoai, củ sắn. Nhiều khi tôi dẫn cậu vào chùa, ăn vài bữa cơm chay, thanh tịnh với không khí u trầm của tiếng chuông, tiếng mõ. Cậu mến tôi, tôi thương cậu, hai thầy trò như bóng hình giữa một Sài-Gòn còn nhiều ngổn ngang sau cuộc chiến. Nhiều khi ăn không đủ no, cậu phải chực chờ nơi quán nầy quán nọ, đợi khách ăn xong rồi vào húp nước nôi còn sót trong tô như bao kẻ hành khất khác.                                                                   

      Một hôm L. nói với tôi :

      - T. ơi ! Chắc mình và Tính. phải trốn về Huế. Cha mẹ Tính không chấp nhận mà mình và Tính không thể xa nhau được. Hơn nữa phải về Huế thôi ! Tính đồng ý đi bất cứ nơi đâu.

      Tôi nói với Lữ :

      -  Nếu ông về Huế thì mình trở lại Đà-Lạt. Thế định bao giờ đi ?

      -  Tính đang sắp xếp, nhiều lắm là một tuần nữa.

      Tôi báo tin nầy cho Cẩm, hỏi bạn có thích đi Đà-Lạt với tôi không ? C. nói :

      -  Ôi! Xứ hoa đào, tau mong đi Đà-lạt lâu rồi. Vậy khi nào đi ? Tôi đáp :

      -  Để L. và T. đi Huế xong, bọn mình lên đường ngay.

    

         - 10 -

 Vào một buổi sáng tháng 7/1975, tôi đứng đợi đôi tình nhân liều mình vì tình yêu ở cầu Trương-Minh-Giảng trốn khỏi Sài-Gòn về Huế, khoảng ½ tiếng sau thì L. và T. đến. Cả hai đều hối hả, sợ gia đình hay biết đuổi theo, phần thấy núi sông ngàn dặm trước mắt mà lo ngại, nhìn hình ảnh L. nặng nề vát cái bao đồ đạt bước lên xe, khuôn mặt nhẫn nhục, chịu đựng mà se lòng. Tôi đưa tay cười vui lạc quan :

      -  Chúc hai bạn hạnh phúc, ráng chiến đấu với cái lạnh, cái đói ở Huế, có thể ngày mai mình và C. đi Đà-Lạt. Hẹn ngày gặp.

      Tôi đi tìm C. để chuẩn bị về Đà-Lạt. Còn cậu bé, có dẫn theo không ? Đà-Lạt bây giờ ra sao ? Căn nhà tôi thuê ở gần Viện Đại-Học có còn không ? Và chuyện cơm áo hàng ngày ? Tối hôm đó tôi đến công viên Gia-Long tìm cậu bé, cầm tay cậu tôi nói :

      -  Em ạ ! Ngày mai thầy phải lên Đà-Lạt.

      -  Thầy cho em theo với !

      -  Thầy không thể đem em theo được, thôi em ráng  . . .

      Tôi thấy hai giọt nước mắt rơi xuống trong đôi mắt màu xanh, tôi làm bộ không biết, móc mấy trăm đồng VNCH cho cậu rồi nói :

      -  Thôi ! Thầy đi . . .

      Từ biệt cậu bé con lai, vội vã bước đi, nhìn lui tôi thấy cậu bé đưa tay lau nước mắt, mái tóc vàng khuất sau gốc bồ đề, nơi có vòi nước ngày đêm chảy mãi không thôi.                                                                  

       Ngồi với Cẩm trên xe trở về Đà-Lạt, lòng tôi ray rứt, hình ảnh cậu bé ám ảnh tôi. “ tại sao mình không dẫn nó theo ? Đà-Lạt dẫu thế nào thì vẫn sống được mà ” nhưng mọi điều đã muộn, cậu bé lạc loài ngày ngày húp thức ăn thừa rồi sẽ ra sao ? Có trời mà biết. 

       Đà-Lạt, ngày tôi trở về thì còn đâu hồn mộng mơ như trong nhạc phẩm “ Ai Lên Xứ Hoa Đào “ của nhạc sĩ Hoàng-Nguyên “ Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi . . .nghe tâm tư mơ ước mộng Đào-Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa “ . Căn nhà chúng tôi thuê ở 1 – Nguyễn-Công-Trứ, chủ nhà ngậm ngùi đợi chúng tôi quay lại. Tôi đưa Cẩm. vào ở đó, chỉ có hai chúng tôi thôi, anh em đồng đạo không biết đi đâu về đâu. Cẩm muốn biết Đà-Lạt cảm xúc đến đâu mà thơ ca, âm nhạc đã để lại nhiều tác phẩm bất tử. Nhưng hỡi ôi ! Đà-Lạt những ngày ấy đang quấn vành khăn tang như màng sương buổi sáng bao trùm lên những đồi thông, vườn hoa cây cỏ . . .con người Đà-Lạt không còn những nụ cười tươi như trước 1975 nữa, những nàng tiên má đã phai hồng. Tôi chỉ biết đưa Cẩm dạo quanh hồ Xuân-Hương để nghe gió thông thở dài, vào quán cà-phê Tùng mà văn nhân thi-sĩ miền Nam đã lên Đà-Lạt là tìm đến. Đà-Lạt những ngày ấy giá

                - 11 -

lạnh, Cẩm phải tìm nhà cô giáo nào đó mà Cẩm quen để mượn chiếc áo len màu vàng của cô. Có những đêm tôi lang thang một mình về khuya, lặng lẽ nhìn qua khe cửa, thấy Cẩm đang co ro ngồi dưới ánh đèn vàng, căn nhà tôi thuê ngó qua bên kia là Mã-Thánh, tuổi trẻ hay nghịch tặc, tội trời ! Tôi giả ma quỷ tới quậy phá, lấy đá ném lên mái tôn . . .Cẩm ở trong phòng hoảng hồn hoảng vía leo lên giường trùm chăn kín mít . . .tôi cười phá lên, Cẩm mới hoàng hồn chạy ra mở cửa mắng tôi một trận để xua đi nỗi sợ.

      Nửa tháng sau không chịu nỗi cái giá lạnh và buồn bã của Đà-Lạt, Cẩm từ giã tôi, đưa bạn ra bến xe, tôi nói được một câu thế nầy : “ Thôi ông về lại Sài-Gòn đi rồi ra Huế, mình ở đây một mình tự do cô đơn “

      Nhà thơ Nguyễn-Đức Bạt-Ngàn có để lại cho tôi tập thơ chép tay trong tập vỡ học trò, tôi chỉ nhớ một câu trong tập thơ ấy : “ Ngày tháng tận má hường em vẫn vậy “. . .

       Sau nầy tôi gặp lại Lữ hỏi về Cẩm. thì Lữ nói : “ Hắn về Huế tiếp tục học Đai-Học Sư-Phạm ra trường đổi vô dạy ở Vũng-Tàu, lấy vợ rồi vượt biên.

       Năm 1998, Vima Nguyễn, con rễ của nhạc-sĩ Phan-Bá-Chức, ở Canada về, Cẩm có gởi cho tôi và Lữ món quà để nhớ lại năm tháng buồn vui sau ngày miền Nam sụp đổ.                                                                

      Chín năm sau tôi gặp lại Trần-Dzạ-Lữ ở quầy sách Trần-Phá-Nhạc và cái nợ áo cơm đã buộc hai chúng tôi thành hai kẻ lang thang mua ve chai khắp Sài-Gòn chi xứ. Hồi ấy Lữ sắm được chiếc xe đạp, vốn liếng ít nhiều gì đó. Thế là yên ngựa đầy đủ, sẵn sàng cho những cuộc hành vào hang cùng ngõ hẻm để moi móc, lượm lặt bao nhiêu thứ tàn dư có thể đem phân kim ra vàng ra bạc được.

      Mỗi sáng tôi đi bộ tới ngã tư Lê-Văn-Sỹ - Trần-Quang-Diệu. Đúng 7g Lữ đạp xe đến, lúc nào cũng đeo túi xách ngang vai, ở trong là hai bộ đồ nghề. Đồ nghề là mấy cái muỗng bạc, ba cái đồ linh tinh mạ vàng buộc vào nhau để làm tín hiệu bằng âm thanh cho người ta chú ý. Trước khi lên đường cầu may, chúng tôi ghé quán cà-phê của nhà thơ Huy-Tưởng ở đường Bà Lê-Chân – Tân-Định gặp gỡ một vài anh em nói năm điều ba chuyện về cuộc sống, về quá khứ, lấy chút niềm vui, chút tinh thần. Sau đó Lữ mới nói cho tôi hôm nay đi về hướng nào, quận nào. Thường là tôi làm tài xế, Lữ ngồi sau hướng đạo. Đường sá, ngõ ngách ở Sài-Gòn như mạng nhện, thế mà đại lộ nào, ngõ hẻm nào thi-sĩ cũng rành rẽ, quẹo trái, quẹo phải ít khi sai đường. Tôi nghĩ bụng “ Vậy là anh chàng đã lăn lóc ve chai lâu lắm rồi “. Không lâu sao được, những người phu vệ sinh ở các đống rác Lữ quen mặt biết tên hết 11 quận đô thành. Cứ mỗi buổi sáng uống cà-phê xong là Lữ bảo tôi đạp về mấy đống rác to đồng như ngọn núi, chưa đến nơi tôi đã cảm giác mùi hôi thối, trong bụng thầm nghĩ, “ Sáng nào cũng good morning đống rác thế nầy thì làm sao khá nổi “. Mỗi lần đến nơi, tôi dừng xe lãng tránh mùi không khí ô trược ấy, còn Lữ thì tiến tới gần mấy người phu đang xốc xốc, đổ đổ . . .chống nạnh hai tay lên hông hỏi :

    

          - 12 -

 -  Ê ! Hôm nay có gì không ?          

      Nếu người phu nào bơi được gì đó thì họ bỏ xẻn cuốc ra ngay, móc túi đưa cho Lữ. Chàng mau mắn trả giá từng cái, khi thì cái nắp viết, khi thì cái gọng kiếng, muỗng nĩa mạ bạc . . .nhiều khi họ chưa bới được gì, Lữ bảo tôi đứng đợi cả tiếng đồng hồ để hít thở không khí địa ngục ấy, đợi cho đám phu xốc lên đổ xuống, bươi bươi, lượm lượm, đãi rác tìm vàng tìm bạc cho đến khi đống rác vơi dần . . . xem chừng không hy vọng gì mới “ good bye “ đống rác lên đường. Tôi chở “ Ông Thần Đọa Ve Chai “ đạp mang mang, hết đại lộ nầy, rẽ sang đường khác. Lữ ngồi sau nghiên cứu địa hình, địa vật nhắm chừng hành quân được là bảo tôi dừng xe, lấy đồ nghề ra cầm tay. Tôi dắt xe, Lữ đi bên trái đường, tôi bên phải cách nhau năm mười bước và cứ thế mà tiến tới, tay lắc, miệng rao. Lữ rao một câu, tôi một câu :

      -  Ai có đồng hồ, gọng kiếng, lắc kê, huy chương, muỗng bạc, đồ mạ vàng, mạ bạc bán không ?

      -  Mua gọng kiến, đồng hồ, huy chương, đồ mạ vàng, mạ bạc, đồng tiền xưa . . .

      Ôi ! Cái giọng rao của Lữ và tôi nghe não nùng làm sao ! Cái giọng Huế có uốn éo mấy đi nữa cũng không hết nổi âm thanh của hồn lang thang Do-Thái, mỗi khi có người kêu lại, chúng tôi mừng rỡ. Tôi dựng xe cùng bạn vào nhà, chủ nhà                                                                    

đem đồ cần bán cho chúng tôi xem, Lữ rành rẽ cái nghề phân biệt vàng thau, cầm một cái huy chương Lữ đưa lên miệng cắn rồi thả xuống nền, nếu huy chương có độ mềm, âm thanh kêu “ bẹc bẹc “ thì đích thị là bạc, còn độ cứng và tiếng kêu khác thì là sắc hoặc đồng không mua được, các loại khác cũng vậy. Lữ chưa hề nhầm lẫn khi mua hàng. Mỗi lần trúng một món gì có giá trị, anh chàng cười sung sướng, khuôn mặt lúc ấy tôi mới thấy mùa xuân, tôi cũng vui lây vì biết trưa nay có thể gọi thêm dĩa thức ăn, chiều nay có thêm vài chục bỏ túi.

         Năm 1984, chín năm thắng lợi của chính sách ngăn sông cấm chợ, đánh gục tư sản mại bản. Kết quả từ dân nghèo cũng như dân giàu, bao nhiêu của cải tích lũy cả đời đều đem bán sạch, thời tôi và Lữ lùng sục mua ve chai, người ta bán đủ thứ, từ bàn ghế, quạt điện đến tủ thờ . . .đều bán hết. Thời điểm chúng tôi ngậm ngãi tìm vàng tìm bạc thì đã cuối mùa, binh đoàn ve chai trong chín năm đã càn quét sạch. Lữ kể cho tôi có nhiều anh em trúng lớn, đổi đời nhờ cái nghề lang thang nầy. Lý do người bán thì ngây thơ, người mua thì đại cáo, thậm chí có kẻ mua trúng cả đồng đen. Lữ cũng thường vang vái quỷ thần. Nhưng hỡi ôi ! Cầu thì cầu nhưng ngày nầy tiếp ngày kia chúng tôi chỉ gặp con số đen, số bạc. Đã hai hôm tôi gò mình đạp xe mỗi ngày 40 tới 50 km, hai hôm rao khô cả cổ mà không mua được gì, hai đứa mặt mày lơ láo, kiểu nầy dài dài thì hết vốn nguy cho vợ con Lữ. Ngày thứ ba, buổi sáng chúng tôi vẫn lạc quan ghé quán cà-phê Huy-Tưởng thong dong chuyện trò, đợi nắng vàng lên rực con đường mới bắt đầu đi. Lữ bảo tôi hướng về Gò-Vấp, Hóc-Môn, tôi gò lưng đạp từ Trần-Quang-Khải đến Hai Bà-Trưng, tới ngã tư Phú-Nhuận qua Võ-Di-Nguy, Lữ ngồi sau báo động : “ Ngày nầy không mua được gì thì nguy “. Đến gần nghĩa trang Mạc-Đỉnh-Chi, phía trước là một đống rác khổng lồ, Lữ nói tôi dừng xe gọi vọng vào :

            - 13 -

 -  Ê ! Hôm nay có gì không ?

      Mấy người phu ngó ra, cả ba đưa tay lên khoát “ không “

      Chúng tôi tiếp tục đạp về hướng quân trường Quang-Trung, tới chợ Cầu vừa đi vừa rao :

      -  Mua gọng kiếng, huy chương mạ vàng, mạ bạc ! Ai có nắp viết, đồng tiền xưa . . .bán không ?                                          

      Cứ thế mà rao, tôi bên trái, Lữ bên phải, mọi con đường, mọi ngõ hẻm đều đi qua không bỏ sót. Chúng tôi rao cứ rao, nhà nhà, người người nghe cứ nghe . . .Trời sắp đứng bóng, nắng ơi ! Là nắng, hai kẻ hành hương bất đắc chí nhìn nhau mặt mày buồn xo, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Pouchkine bèn đọc :

 Tiếng ngươi vọng không ai buồn đáp cả

 số phận ngươi cũng thế hỡi 1 Thi nhân.

 Lữ ngước mặt lên trời than :

 Tiếng kêu đã động tới trời

  mà trong xã hội không người nào nghe.

      Từ xa lộ Đại-Hàn chúng tôi đi ngược lên lại chợ Cầu, Lữ hỏi tôi :

      -  Mi biết Nguyễn-Duy-Kông không ?

      -  A ! Thằng Kông, bạn tau đó. Vậy mình đi qua Đông-Hưng-Thuận ghé nhà nó ăn cơm, tao chưa đến nhưng có địa chỉ.

      Hai chúng tôi tiếp tục đạp dưới trời đổ lửa, Lữ nói :

      -  Rẽ vào vựa ve chai nầy xem sao !

      Gần nhà Duy-Kông có một vựa, chúng tôi đến thì mọi người đang ăn cơm, Lữ chào chủ vựa :

      -  Hôm nay có gì mới không chị ?

      Chủ là một thị nữ miền Nam, nhan sắc son phấn, vừa ăn vừa cười :

      -  Chào chú Lữ, lâu ngày, chú ngồi uống nước đợi chút.

      Vựa ve chai có đủ các loại phế thải, mỗi loại một đống, đồng, sắt, ny-lon, chai lọ . . .không thiếu thứ gì mà tập đoàn thu gom rác phân loại đem bán, hầu hết là ba cái đồ tàn dư của “ Mỹ Ngụy “, nghĩ cũng tức cười, chín năm sau ngày “ Giải Phóng “ các binh đoàn ve chai càn qua quét lại vẫn không hết rác của “ Mỹ Ngụy “, chủ lớn nhỏ thì giàu lên, còn những kẻ cùng đinh như chúng tôi nhờ đó mà sống qua ngày.

      Chủ vựa ăn cơm xong, xách ra mấy bao đủ thứ linh tinh đổ xuống nền nhà.Lữ ngồi lựa từng cái trong cái đống hùm bà lằng, lựa được ba cái lang tang để riêng, còn hầu hết trả cho chủ, Lữ nói :

 

      - 14 -       

     -  Sao mà yếu vậy chị ?

     -  Đợi chú lâu quá không thấy đến, mấy hôm trước có người vào thu tôi bán hết.

     Thôi thì “ Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định “ hôm nay an ủi chừng đó cũng đành, không chi cũng được hai dĩa cơm.

     Chúng tôi rời vựa ve chai đi tìm nhà Kông, thầm mong gặp bạn để có cơm ăn rượu uống, quên đi cái nhọc nhằn, cái thất vọng ba hôm nay. Tìm được nhà bạn thật vả mồ hôi. Một người phụ nữ Nam Bộ có khuôn mặt tươi cười ra mở cửa, tôi đoán chừng là vợ Kông, chúng tôi chào :

      -  Chào chị, có anh ở nhà không ạ ?

      -  Anh đi làm chiều mới về, mời hai anh vô nhà uống nước.

      Vậy là không xong rồi, có Kông ở nhà mới dám mở miệng “ Kông ! Nấu cơm cho hai đưa tau ăn, mua rượu cho hai đưa tau uống “ . Chúng tôi đành ngồi uống nước, hỏi thăm sự nghiệp gia cảnh của vợ chồng bạn. Kông làm thuế vụ, vợ giáo viên, nhà cửa đàng hoàng. Từ một thằng giang hồ trước 1975, thường cùng tôi nương gió nương mây đi đây đi đó, thế mà giờ đây vợ đẹp con thơ, nhà cửa ngon lành, nghĩ đời người vốn có phần số ở trong.                                                                         

     Chào vợ Kông ra đi, mặt mày chúng tôi thất vọng như mới dò số trật một con. Lữ nói :

     -  Kiếm quán cơm nào ăn đã, Đ.M mấy ngày nầy xui quá xui.

     Chợt tôi nghe đâu đây có tiếng chuông chùa, lòng thấy lâng lâng tôi rủ bạn :

     -  Hai đứa mình vào chùa nghỉ chút đã, lát nữa rồi tính.

      Cách nhà Kông khoảng 200 m, có một ngôi chùa khuất mái sau một hẻm lớn. Đó là chùa Tân-Thành, chúng tôi lần bước theo tiếng chuông đi vào, cỏ cây hai bên xanh tươi mát mẻ, cảnh vật yên tịnh. Ngôi chùa kiến trúc theo kiểu cổ pha tân, có hành lang lát gạch hoa dưới hàng cây cao rười rượi gió. Cổng chùa rộng mở. Lữ khóa xe rồi cùng tôi ngã mình xuống nền gạch, cảm thấy khỏe lạ thường. Lữ ngâm vài câu thơ của Nguyễn-Bính :

    Hỡi ôi ! Trời đất vô cùng rộng

    nào biết tìm đâu một mái nhà ?

       . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

      Và giấc ngủ vuốt lên mắt tôi khi nào không biết.

      Cơn mưa buổi chiều đã đánh thức chúng tôi dậy, đã 4g chiều, Lữ vươn vai :

      -  Ngủ một giấc đã thiệt, đợi tạnh mưa rồi về, ngày mai bọn mình sang Q. 4, cái nghề nầy như ngậm ngãi tìm trầm, đã vào rừng thì phải kiên nhẫn, hễ tìm ra một cây thì chung quanh sẽ hiện ra rất nhiều cây khác.

      -  Chi chứ kiên nhẫn thì tau có thừa, sợ mầy thôi !

          - 15 -

      Lữ cười hì hì :

      -  Tau là Thánh đọa mà sợ.

      -  Nầy mưa ngớt rồi, kiếm chi ăn hè ?

      -  Ráng về nhà ăn luôn, mi mệt tau chở cho.

      Chúng tôi đến cổng xe lửa số 6 thì trời vừa tối. Lữ đưa tôi mấy đống ăn cơm rồi đạp xe vào nghĩa địa, nhà ông bà bô vợ ở cạnh nghĩa trang thiếu vắng khói hương, vợ chồng Lữ nương tựa sau ngày sinh bé Nguyệt-Cầm ở Huế, không chịu nổi cái đói cái lạnh ở Huế đành phải vào Nam. Tất nhiên cha mẹ Tính phải chấp nhận cậu con rể người Huế.

      Trong tập thơ trình bày bằng bút mực rất đẹp mà Lữ tặng tôi trước khi chia tay vào tháng 7/1975, hầu hết là những bài thơ thời khói lửa, mà tôi chỉ nhớ có một bài. Có lẽ thi-sĩ làm bài nầy khi đang yêu lúc còn đi học.                                                          

 

                                                                        

 

    TÌNH  KHÔNG  MAY

 

   Thủa đó em là sương

   trắng trong mùa niên thiếu

   đi qua bờ Đập-Đá

    mắt biếc mộng Thanh-Bình.

 

   Có anh là cơn gió

   đắm đuối tình theo em

   tóc em từng sợi nhỏ

   em có cột đời anh ?

 

   Tưởng bình minh trong mắt

   thắm thiết một tình yêu

   đâu có ngờ sự thật

   là mối tình không may.

 

       - 16 -

     Anh sang sông ngậm thẻ

     chiều xa xứ cô hồn

    em lên rừng hạnh phúc

    hái tuổi vàng chon von.

 

    Thế mà đã mười năm

    rượu mềm môi anh uống

    quên không nổi bóng hình

    đầu đời ta gặp gỡ.                                                          

                                                                  

    Tình cờ nay gặp lại

    ta gọi nhau cố nhân

    riêng anh cơn bão ngầm

    thổi trong lòng không dứt.

 

     Em vẫn là em xưa

     mộng Thanh-Bình trong mắt

    riêng anh kẻ giang hồ

     sao chiều nay muốn khóc.

 

     Yêu người yêu không trọn

     không may một mối tình

    chưa lần ghé môi hôn

      mà chia ly đã sẵn.

 

     Đứng bên trời lận đận

      gọi tên em Thanh-Bình

     một lần thôi cũng đủ

     để anh nhớ trăm năm.

       - 17 -

                                                                

       III

 

 

 

      Nhạc trải tấm nylon giữa vỉa hè bên cạnh quầy sách, tôi lấy chai rượu và hai cái ly trong túi xách bỏ xuống, Nhạc thắp hương rót rượu mời những vị khuất mặt. Còn vài hôm nữa là tết Trung-Thu, đêm ấy điện đường không sáng, qua những hàng cây cổ thụ rạt rào gió, tôi thấy nửa vầng trăng sáng đẹp lơ lửng trên trời.

      Chúng tôi hai đứa ngồi đối ẩm giữa Sài-Gòn về khuya, tôi đi gom mấy đống lá của phu quét đường, Nhạc đốt lửa lên, tiếng lửa reo vui, ánh sáng bập bùng . . .Nhạc và tôi cũng như ngọn lửa phút giây ấy hào khí tự do. Nhạc nâng ly :

      -  Uống đi, một trăm năm nữa hết thảy là hư không.

                                  Tôi đáp :

      -  Phút trước phút sau đã là hư không rồi !

      -  Được ! Thằng T hôm kia bán báo, hôm qua mãi võ Sơn-Đông, hôm nay mua ve chai đã là hư không rồi và ngày mai gì nữa cũng không phải là người, vậy ta hỏi ngươi là ai ?

      -  Kẻ hành hương không có đất Thánh.

      -  Vậy hãy lên núi Tung-Sơn cầu Tổ-Sư, còn một chiếc dép trên đó, xỏ chân vào chiếc dép ấy mà tìm đất Thánh.

      -  Xỏ chân vào chiếc dép ấy sẽ cụt giò, mình sẽ hành hương bằng đôi giày của mình.

      -  Ngươi đi đâu ? Về đâu ?

      -  Về Cố-Đô, vài hôm nữa mình sẽ hành ca về Huế.

      -  Nầy ! Uống đi, lời ngươi có kẻ khuất mặt nghe đó.

      Nhạc đi vào quầy sách lấy ra chiếc ghế gỗ đập vỡ, bỏ vào đống lửa sắp tàn, gỗ khô mau cháy, ánh lửa lại sáng lên, Nhạc cầm một chân ghế đang cháy đỏ trừng mắt nhìn tôi :

      -  Đây là giây phút có quỷ thần chứng giám, đưa tay đây để ta xem Thần Anhi có chấp nhận cuộc hành hương của ngươi không ?

     Tôi đưa cánh tay trái lên, Nhạc cầm chặt tay tôi, áp chân ghế đang cháy vào, một cảm giác tê tê chạy rần rần, không nóng.

     -  Được ! Thần Anhi đã chấp nhận ngươi rồi đó.

    

        - 18 -

     Nhạc bỏ chân ghế vào đống lửa, cầm ly rượu lên :

     -  T. uống đi, chúc hành ca của ngươi tới bờ.                                                             

      Hôm sau tôi báo tin cho Lữ, thi-sĩ cười nhăn mặt :

     -  Mi dám đi bộ về Huế à ?

     -  Ừ ! Ở Sài-Gòn lâu quá chết khi nào không hay.

     -  Ha ! Ha ! Giang hồ ! Rimbaud, vậy sáng mai chở rau muống xong tao ghé 81 đưa mi đi.

         Đêm cuối ở Sài-gòn, Nhạc và tôi uống tới mềm môi với những câu chuyện nửa mộng nửa thực, rồi trong cơn ngã nghiêng, Nhạc một góc, tôi một góc lăn kềnh ngủ say mặc cho đèn đốm, chai lọ, ly tách theo chúng tôi nghiêng ngã.        Chúng tôi mê man đến nổi Sài-Gòn thức giấc lúc nào không hay. Người gọi chúng tôi dậy là Trần-Dzạ-Lữ bằng tiếng cười to :      -  Ha ! Ha ! Hảo hán, giang hồ dậy đi.

      Trời đã hừng sáng, chúng tôi bật dậy như người bị lỡ hẹn vì chợt nhớ hôm nay là ngày “ Hành Hương Về Huế “.

      Lữ móc túi cho tôi mấy đồng nói lời chia tay :

      -  Chúc mi đi bình an, khi mô vô lại Sài-Gòn nhớ ghé tao.

                Nhạc nói :

      -  Đợi mình một chút, dọn dẹp quầy báo xong đợi Vinh xuống bọn mình đi.

      Vinh vợ Nhạc, cô gái Kim-Long hiền dịu, chịu đựng hết mực, bạn bè khắp nơi đều cảm mến, có lẽ tấm lòng của Vinh đối với chồng con phải lấy hình ảnh vợ Trần-Tế-Xương mới nói hết được sự thương khó của người phụ nữ Huế nầy.

      Nhạc đèo tôi đi về đường Nguyễn-Đình-Chiểu ghé vào quán phở. Đêm qua uống rượu suông bụng dạ hai đứa đều cồn cào với cơn say đang còn. Cái thời khó ấy mà buổi sáng ăn phở là cái sự sang. Nhạc nói tôi ăn tô nữa lấy sức mà lên đường nhưng tôi đủ no rồi. Đi qua nhà, Nhạc dừng xe nói :

      -  Đợi mình lên phòng lấy cái nầy xuống ngay.

       Mười phút sau Nhạc đi xuống cầm theo một gói đồ, lấy ra từng món đưa cho tôi dặn dò :

      - Đây là tấm nylon để che mưa, còn đây bịch gạo, muối ớt, mấy hộp diêm, thuốc lá.  

      Nhạc chở tôi đi quanh quanh thành phố, cả hai đều im lặng, đến trước nhà thờ Đức Bà Nhạc dừng xe.

      - T. giờ bọn mình chia tay, gởi lời thăm anh em ở ngoài ấy, về đến Huế nhớ viết thư.

      Nhạc đạp xe đi , tôi nhìn theo rồi nhìn tượng Chúa trước nhà thờ. Đức Giêsu có Đức Dũng của Thánh Nhân, Nhạc có cái dũng của con người, người không thể có đức hạnh nếu thiếu dũng cảm. Đức Dũng là bài học đầu tiên và cuối cùng để thành tựu bản thân. Từ ý nghĩ đó tôi xiết chặt lại dây giày, cột lại ba lô hướng về Sở Thú với bước chân phiêu lưu, phiêu hốt.

                                                                            - 19 -

 

      Trần-Phá-Nhạc mấy năm sau đã để lại bài thơ với cuộc đời mà bạn hữu đọc đều rúng động tâm thức.

 

      SUỐI  LUÂN  HỒI

 

 Đào mai hạnh mang thai và chảy sữa

hồn lang thang đòi nhập đúng giao thừa

người thiên cổ hiện về quanh bếp lửa

quỷ thần thèm hơi ấm mẹ bồng đưa.

 

Ai sẽ ra đời ba bữa nữa ?

Muối dẽ ngọt và rừng cay sẽ hát

suối luân hồi tuôn nước ối chan chan chan

đường dài quá trăm năm muôn vạn lối

ngã ba đời mẹ đón buổi sinh ra.

 

Con bật khóc lần đầu qua ngõ hẹp

giọt buồn vui từ đó chảy thành sông.

 

Chúc các em đời đời như má đỏ

mầm tươi mươi trỗi dậy dưới tàn tro

ngày rụng hạt có hồn anh trong đó

mình trao nhau lời mộng vỡ rồi tan . . .


 

      Tôi dừng chân trên cầu Thị-Nghè, nhìn con kênh tù hãm, mùi hôi xông lên nồng nặc, thế mà trên dòng kênh ấy có lắm ghe thuyền, có lắm sinh linh bơi lội để vớt cái nầy cái kia, âu cũng là cuộc mưu sinh của tầng lớp bần hàn. Năm tháng tôi sống ở Sài-Gòn đã không ngụp lặn như vậy sao ? Qua khỏi cầu Sai-Gòn cái ồn ào nặng nề đã ở sau lưng. Còn tôi đang đi về phía trước, nắng trên đầu, gió trong tóc và màu xanh vời vợi làm mát mắt người bộ hành.

    

             - 20 -

 

       Một chiếc xe khách trờ ngang bên cạnh, lơ xe tay chân miệng mồm mau mắn :   

     -  Ê ! Đi đâu ! Đi đâu ?  

     -  Đà-lạt.

     Thế là nó cầm tay tôi kéo lên, gió thổi mây bay biết đâu mà lường, ngồi xuống chiếc ghế trống như người có lỗi, tôi nhắm mắt lại, biết rằng cuộc chơi phía trước còn nhiều cái giá phải trả. Ừ ! Đời người có duyên có nghiệp, cứ sống hết cái ưa muốn của mình rồi sẽ biết thân phận phàm phu nầy về đâu.

     Tôi choàng tỉnh dậy khi lơ xe vỗ vào vai tôi :

     -  Xuống đi ông, tới bến rồi !

     Tôi đã ngủ một giấc thật dài như bị thuốc mê, tôi hỏi tên lơ :

     -  Đây là đâu ?

     -  Bến xe Phú-Cường – Đồng-Nai.

     -  Bao nhiêu ?

     - . . .đồng.

      Tôi trả tiền xong, hỏi nó hướng nào lên Đà-Lạt, nó nói :

     -  Ông ngớ ! Đi ra đường Đà-Lạt tay trái, muốn về lại Sái-Gòn thì tay phải, ra ngoài mà đón xe.

     Ra khỏi bến xe, nhìn trời mây bắt đầu kéo, có lẽ khoảng 1 – 2g chiều, tôi theo hướng trái mà đi. Qua khỏi thị trấn Phú-Cường, trước mắt tôi là rừng cao-su bạt gió, đường vắng, chỉ có những chiếc xe khách thỉnh thoảng vù qua vù lại. Tôi tiếp tục bước, lắng nghe âm thanh của gió . . .khi thì dạt dào như nước chảy qua cầu, khi thì vi vu như ai thổi sáo ở đầu xanh, khi thì nỉ non như tiếng chim lạc đàn, khi thì gầm lên như mãnh thú ở rừng sâu. A ! Rừng cây không phải là cây đàn muôn điệu đó sao ? Và gió không phải là nghệ sĩ đó sao ? Âm thanh của gió đã nói lên hết buồn vui, hờn giận của kiếp người. trời đất đã làm nên biểu tượng, con người chiêm nghiệm biểu tượng ấy bằng nội tâm của mình, nhưng con người hỏi rằng : “ Tôi Là Ai ? “ không ai trả lời câu hỏi nầy được ngoài bản thân hắn, tự hắn phải công phu biện biệt được biểu tượng của trời đất.

      Mây đen đã bao phủ khu rừng, sấm chớp đùng đùng, trời sắp mưa lớn. Tôi nhìn gần, nhìn xa xem có mái nhà nào thấp thoáng không ! Nhưng không ! Chỉ có những chiếc xe vèo qua vèo lại, vài công nhân cạo mủ cao-su vội vã đường về. Một cơn gió lớn ào tới cuốn bay muôn số lá rơi, một tiếng sét đánh ngang đầu . . .mưa trút xuống, trong thoáng chốc cả khu rừng mù mịt mưa. Tôi chạy vội vào một gốc cao-su, lấy tấm nylon của Nhạc che kín lên đầu. Nhạc kỹ lưỡng thật, nếu

 

             - 21 -     

không có tấm nylon giờ nầy tôi đã ướt sũng. Phải bảo vệ mấy gói thuốc, hộp quẹt, khói thuốc lãng du nhiều khi cần thiết hơn cả thức ăn, nhiều khi chân thành hơn tình cảm con người. Tôi châm một điếu thuốc, cũng may mấy quẹt diêm xà que                                                                   

còn cháy lên được. Trong một phút giây giữa cơn mưa bạt ngàn, nhìn khói thuốc, lòng chợt hạnh phúc kỳ lạ giữa rừng mưa một hình không bóng.

      Mưa càng lúc càng ào ào, dù tôi có che chắn bên nầy bên kia cũng phải ướt nửa thân, cảm thấy lạnh và đói, tôi lấy gói xôi ra ăn ngon lành, ăn xong là phải uống, lo gì ! Cái bát hứng mủ cao su gắn ở gốc cây đầy ắp nước mưa trong, tôi kề miệng uống một hơi, châm một điếu thuốc và đợi cơn mưa ngưng tạnh. . .

      Khi tôi đến Định-Quán thì trời đã tối, vầng trăng sáng đẹp ở Phương Đông, ánh trăng huyền diệu như chiếc y vàng choàng lên cả núi rừng, thị trấn, làm nổi bật những tảng đá khổng lồ chồng lên nhau. Ở trên cao có tiếng chuông ngân và một tượng Phật to lớn tự tại tưởng chừng như bất diệt giữa quần thể đá tảng kỳ lạ ấy. Có nên lên chùa xin ngủ qua đêm không ? Đôi chân còn khỏe, cứ tiếp tục đi đến đâu hay đó, tôi thầm nhủ ; “ thị trấn đêm không điện, chỉ có ánh trăng và những ngọn đèn lấp loáng nhà nầy nhà nọ, tất cả đều âm thầm. Qua khỏi những tảng đá khổng lồ vài cây số, nhà cửa thưa dần, đi thêm đoạn đường xa, tôi thấy một quán tranh nằm cạnh đường, người nhà còn thức, họ đang quây quần bên ngọn đèn dầu để lượm nhặt đậu phụng. Tôi bước vào, hai con chó đón tôi bằng tiếng sủa hung dữ, một cô gái khoảng đôi tám đi ra. Tôi mở miệng ngay :

     -  Cháu, chú đi lỡ đường không đón xe lên Đà-Lạt được, cháu cho chú nấu lon gạo. . .

     -  Chú người Huế à ?

     Cô gái hỏi tôi bằng giọng Huế ngọt, tôi mừng thầm, vậy là gặp đồng hương rồi. Cô nói thêm :

     -  Để cháu vào hỏi mạ đã.

     Phút sau cô gái quay ra nói :

      -  Mạ cháu nói chú cứ vào nhà.

      Tôi theo cô gái vào trong, đó là căn nhà bằng gỗ, lợp tranh, gian trước gian sau, kiểu nhà miền quê ở Huế. Tôi chào người đàn bà khoảng chừng 40t đang ngồi lặt đậu phụng.

      -  Chào thím, thím cho nấu lon gạo được không ?

      Người thiếu phụ có vẻ cảm động nói :

      -  Chú ở mô ngoài Huế mà vào đây ?

      Tôi nói cho người đồng hương yên bụng :

      -  Dạ ! Tôi làm việc ở Đơn-Dương, về Sài-Gòn thăm bà con . . .

     

          - 22 -

      Người thiếu phụ quay sang cô con gái :

      -  Con ra lấy cái xoong nấu cơm dùm chú.                                                                  

      Tôi lấy bịch gạo đưa cho cô gái, nói chuyện tiếp với người thiếu phụ :    

      -  Vậy thím ở mô ngoài Huế ?

      -  Quê ở Phước-Yên, Quảng-Điền, bị V.C đuổi mới chạy vào đây.

      Nãy giờ tôi để ý không thấy có đàn ông, bèn hỏi :

      -  Vậy chú đâu ?

      Người thiếu phụ lặng lẽ nói :

      -  Cha mấy đứa còn thì tui đâu khổ.

      -  Một mình thím nuôi ba đứa ? Mấy cháu còn đi học chớ ?

      -  Hai đưa đầu nghỉ học rồi, con của Ngụy học hành khó khăn lắm, chỉ có đứa sau đang học cấp I.

      Trong lúc chờ cơm, tôi tiện tay lặt giúp đậu phụng với người đàn bà, qua ánh đèn sáng hơn, tôi nhìn kỷ khuôn mặt người thiếu phụ, khuôn mặt xoan xoan, nắng mưa vẫn chưa phai hết nét xuân của một thời, tay chân, vóc dáng không phải  là người quanh năm cần mẫn với nương rẫy, có lẽ người chồng chết trận là sĩ quan. Sau 1975 người thiếu phụ nầy theo cơn lốc kinh tế mới tay dắt bồng bế ba đưa nhỏ trôi dạt vào đây.

      Cô gái lớn từ bếp đi ra nói với mẹ :

     -  Mạ ơi ! Cơm chín rồi !

     -  Con đem vào nhà để chú ăn.

     Quay sang tôi người đàn bà hỏi :

     -  Chú có gì ăn không ?

     -  Được rồi thím, có muối ớt đây.

     -  Gái lớn, con lấy ruốt sã cho chú.

      Cơm nóng hổi, mùi ruốt sã xông nồng, tôi ăn không còn một hột quanh xoong. “ Cơm là hạt ngọc của trời, ăn đừng để rơi vãi, đói chết “. Nhân gian thường nói như vậy.

     Để cho người thiếu phụ tránh cái điều khó nghĩ, uống nước xong tôi nói :

      -  Thím ! Thím cho tôi ngủ tạm ngoài quán, để sáng mai đón xe sớm.

      -  Ừ ! Chú ra nằm đỡ ngoài cho tiện.

   

         - 23 -

       Từ nãy tôi vào nhà, hai con chó cứ sủa miết. Khi tôi bước ra chúng còn sủa to mồm hơn, cô gái xua đuổi la mắng, chúng ngưng được một chốc rồi lại sủa. Tôi trãi tấm nylon xuống nền đất, lấy ba lô làm gối, châm một điếu thuốc nhìn trời  tìm vầng trăng . Mây lại kéo đen, bầu trời không còn trăng sao gì hết, không khéo đêm nay trời lại mưa, hai con chó cứ                                                                 

chạy vòng vòng quanh tôi mà sủa không mệt mỏi. Tôi lấy khúc cây hăm dọa chúng, chúng chạy ra xa rồi lại xông vào sủa, thế nầy thì mẹ con người thiếu phụ không ngủ được, thật bực bội hai con chó.

      Trời lại đổ mưa, mưa đêm ở núi rừng không hiền. Vậy mà hay, thử xem hai con chó có dám đứng giữa mưa mà sủa không !. Quả thật chúng chạy vào nhà núp mưa, tôi quấn phần nylon còn lại đắp mình, tiếng mưa lẫn tiếng gừ gừ của hai con chó đã đưa tôi vào giấc ngủ.

      “ Gâu ! Gâu ! Gâu ! “ tôi thức giấc vì tiếng chó, lại hai con chó quỷ quái. Mưa đã tạnh từ bao giờ, chếch về hướng tây, vầng trăng sáng lạng như khuôn mặt nàng trinh mới tắm xong, ánh trăng hòa trong hơi thở của núi rừng huyền diệu làm sao. Tôi cảm thấy sảng khoái, tỉnh ngủ trước sự vô vi của trời đất, chỉ có tiếng sủa xua đuổi của lũ chó phá tan không gian yên lành làm tôi phải khăn gói lên đường. Độc hành giữa núi rừng, dưới vầng trăng đẹp thế kia mà hay, quay mặt vào nhà, tôi thầm cám ơn lòng tốt của người thiếu phụ, cầm lấy cây gậy tôi nhắm hướng Madagoui sải bước. Có lẽ từ thôn xóm nầy đến bản làng kia, trên con đường lên tây nguyên chỉ có mình tôi liều lĩnh đi giữa đêm khuya, không sợ ma, không sợ gì hết, sẵn sàng đón nhận mọi bất trắc.

      Tôi lầm lũi đi, khi thì bước nhanh, khi thì bước chậm, cũng may trên đường không có chốt dân phòng, trở ngại duy nhất là chó, hầu hết mọi nhà đều nuôi chó, chó trước mặt, chó sau lưng, có con vểnh mỏ lên sủa liên hồi, có con xông vào tôi muốn cắn, rồi hai ba con đồng loạt tấn công, tôi phải dùng gậy đánh đuổi vừa bước nhanh để thoát. Khốn nổi thoát được đoạn đường chó nầy, tới đoạn kia thì bọn chó như đã phục sẵn, cứ nhắm vào tôi mà nhe nanh, đồng loạt sủa vang đông cả núi rừng. Đến khi trước mặt tôi không còn một mái nhà nào nữa, tiếng chó sủa xa dần ở sau lưng rồi ngưng hẳn, tôi biết đây là đoạn đường chỉ có núi và rừng, hết đối phó với lũ chó khỏe làm sao, thèm một điếu thuốc, móc túi lấy hộp quẹt thì mấy que diêm bị ẩm hết, quẹt que nầy đến que kia, chẳng có que nào cháy cả, “ tức thật “, tôi đành lầm lũi đi, thiếu thuốc lòng trống vắng, trăng vẫn bao la, còn lâu ngày mới tới, đường dài, tôi đi và đợi, đợi một mái tranh bên đường có ánh đèn để vào xin chút lửa. Kìa phía xa có ánh đèn, chân bước nhanh hơn . . .đến gần căn nhà có đèn hắt tôi nhìn vào, thấy một người đàn ông đang ngồi uống trà, hút thuốc, tôi mạnh dạn bước vào lên tiếng :

      -  Chú ơi ! Cho vào nhà thắp điếu thuốc ?

      Người đàn ông giật mình đứng lên, tôi làm bộ tự nhiên :

      -  Chú cho thắp điếu thuốc.

     

       - 24 -      

     Ông ta nhìn tôi nghi ngại :

     -  Ừ ! Cậu thắp đi.

     Tôi châm thuốc vào ngọn đèn con, hút một hơi dài, hỏi ông ta :

     -  Madagoui còn xa không chú ?                                                                       

     -  Khoảng 20 cây số nữa.

     -  Chú đi làm ở đâu mà dậy sớm vậy ?

     -  Đi rừng phải dậy sớm, vào tới rừng là sáng rồi, ở đây người ta sống nhờ rừng.

      Vừa bắt chuyện vừa hong khô mấy hộp quẹt, tôi chào người đàn ông ra đi, qua ánh mắt tôi biết ông ta tự hỏi : “ Không biết thằng cha đi đâu vào giờ nầy ? “

      Áo khoát và tóc trên đầu đã ướt đẫm mưa sương, tôi đến Madagoui thì trời vừa hừng đông, thị trấn rừng đã thức dậy, quang cảnh người đi kẻ làm chẳng ai vội vã cả, khu chợ thì lác đác vài ba kẻ mua bán gì đó, mà thời ngăn sông cấm chợ thì có gì mà mua bán, chỉ có hình ảnh những bà già, những cô bé ngồi bán rau rừng và măng rừng là hấp dẫn hơn cả, những quan thúng luột chín đầy măng, những khúc măng vàng lượm như những chiếc đùi gà trông mà tưởng tượng . . .chợt tôi nghe giọng ca của Khánh-Ly cất lên ở quán cà-phê đâu đây “ thương ai lòng mong ước, ngày đất nước yên vui . .  .” bài ca tôi thích mười mấy năm rồi bây giờ mới được nghe lại, tôi theo lời ca tìm đến quán cà-phê . . .một con chó đen, to xù xông ra chào khách, lại chó, đi đâu cũng gặp chó, chủ quán chạy ra dậm chân nó mới chịu yên. Tôi bước vào, bỏ ba lô xuống ghế, ngồi xuông chiếc ghế gỗ có lưng dựa kêu một ly cà-phê đen, phút giây ấy mới trút dần hết bao nhiêu mệt mỏi qua một đêm dạ hành, tôi uống hết bình trà nóng trong lúc đợi cà-phê nhỏ từng giọt, mùi hương của trà, mùi thơm cà-phê, bình minh sương ở Madagoui bắt đầu lên và tiếng ca “ thương ai ngoài sương gió, mênh mang tình non nước, thương ai, mãi mãi thương ai . . .” tôi dựa lưng vào ghế thưởng thức giọng ca giải thoát của Khánh-Ly và ngủ đi ngon lành.

 

      Chiếc bóng mình không còn trong nắng

      Ôi ! Mong manh sợi tóc trên đầu

     và cánh cửa đường về khép lại

     chân mình đi dẫm gót mình đau.

 

                                                         

 

 

           - 25 -

    Chiếc bóng mình không còn theo gió

   làm chim xanh bay giữa muôn cành

    đôi khi nắm tay mình cứ ngỡ

    bàn tay ai cầm lấy tay mình.                                                   

                                                                        

    Đôi khi thấy trăng đời đẹp quá !

    Muốn làm hoa thương nhớ nàng Kiều

     trăng chẳng chiếu bóng mình trên lá

    chợt nhớ người non nước cô liêu.

 

        Đôi khi muốn về ngàn ngồi khóc

         nhưng rưng rưng nay cũng không còn

nước đã chảy về xanh biển cả

mắt mỏi mòn từ thủa sang sông.

 

Thôi đành thôi ! Lẫn mìn

làm tình nhân của kẻ không nhà

  còn sợi tóc sắc màu bóng tối

mình gọi mình gãy độc huyền ca.

 

 

Vương Kiều

Trích từ "Những kỷ niệm"

                                                                                                           

Vương Kiều
Số lần đọc: 1934
Ngày đăng: 13.05.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rồi mùa tóc rạ rơm khô - Nguyễn Đức Tùng
Gam Màu, Nốt Nhạc, Lời Thơ Lênh Đênh Ở Quê Nhà, Quê Người - Nguyễn Hàng Tình
Đêm Hà Nội - Trần Hạ Vi
Dlie K’chik Erang, Diệp Lục Thoát Đi - Nguyễn Hàng Tình
Cuối năm viếng mộ Tản Đà - Phan Anh
Đến với Mẫu Sơn kỳ thú - Nguyễn Đại Duẫn
Nam Bộ trong ký ức tôi - Hoàng Thị Thu Thủy
Tự khúc ngày Noel - Phan Anh
Ngôi trường thời thơ ấu - Trần Trung Sáng
Dọc đường văn nghệ (phần 34) Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Trần Doãn Nho - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)