Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.211.114
 
Vậy mà tôi đã bỏ đó mà đi!
Trương Văn Dân

 

     Đọc tập truyện &Tùy bút:  Bên Kia Cầu Chữ Y

(Tác giả Huỳnh Ngọc Nga, nxb Tổng Hợp tp HCM, 4-2018)

 

            Khi người ta nói bên này bên kia thì này chỉ nơi gần, kia chỉ nơi xa.  Xa có thể là cách một dòng kênh, nhưng cũng có thể là cách một đại dương. Và tập truyện bên kia cầu cữ Y của Huỳnh Ngọc Nga xuất hiện  giữa mùa nóng tháng 4/2018 giữa Sài Gòn như  bao gồm cả hai ý ấy, vì trang văn của chị đậm đặc chất hoài niệm về những điều mà với chị nay đã xa xôi, đã không còn nữa.

            Tôi biết chị Nga từ nhiều năm trước. Và có lẽ chị là người bạn văn duy nhất của tôi ở Ý. Phần đông những bạn bè đi du học cùng thời chỉ theo học những môn kỹ thuật, tuy cũng có người thích đọc nhưng phần lớn xem văn chương là một điều vô bổ.

            Tôi làm việc và sinh sống ở Milano, còn chị Nga và gia đình sống ở Torino, hai thành phố cách nhau chừng 150km, chỉ 2 tiếng đi xe lưả nhưng chị em ít gặp nhau, ai cũng bận rộn và chỉ gặp nhau qua điện thoại, hay sau này, qua những bài viết, chuyển qua email.

 Là người đảm đang, chị như  một cầu thủ bao sân, hết chăm sóc ba mẹ, các em, con cháu rồi còn lo việc quán xuyến gia đình. Đời sống của chị vì thế nên khá bận rộn, thời gian không có nhiều mà vẫn thích “cày” trên cánh đồng chữ. Để viết, tôi biết chị phải cố gắng chu toàn mọi việc xong xuôi mới có thể yên tâm ngồi vào bàn viết. Lúc đó, sớm nhất cũng là 23h, thường thì quá nửa đêm, có khi đến 2h sáng chị vẫn còn ngồi cóc cóc trên bàn phiếm. Nhiều lần đau lưng, hoa mắt mà vẫn không… chừa, cái tật mê văn: "Là một người nội trợ chỉ biết lo việc gia đình, tôi viết, trước hết là để đừng quên tiếng Việt, sau để mượn những trang chữ kể chuyện đời người, đời ta. Viết khi chờ cơm sôi, canh chín; viết lúc chiều đèn lên, bóng phủ".

       Sức khỏe sau này suy giảm, đã từng có đôi lúc làm chị cũng nản lòng. Muốn buông bút. Nhưng  đã “ từng là học trò cưng của cô giáo dạy văn, đứng nhất trong các kỳ thi lục cá nguyệt” và từ năm đệ ngũ và đệ tam được trường Gia Long đề cử dự thi văn chương phụ nữ toàn quốc”… sau này xa quê còn “táy máy” cầm lấy bút thì đã là cái nghiệp, dễ gì buông. Những lúc nản lòng chị gọi điện và tôi thường an ủi, khích lệ để chị  tiếp tục viết, nhưng tránh thức (quá) khuya có hại cho sức khỏe.

            Từ đó chúng tôi thường trao đổi các truyện ngắn để nhận xét hay góp ý. Và bây giờ những truyện ngắn rời rạc của chị vừa được tập hợp lại thành một tập truyện BKCCY…  nhìn qua tổng thể tôi hiểu ngay đó là  những trang viết về những điều đã xa và đã mất.

                        

Như bao khách tha hương “tôi ra đi với trái tim còn ở lại”nỗi nhớ theo năm tháng đong đầy để tôi biến thành con chim Việt nhớ trời Nam”. Và nỗi nhớ nào hơn là về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nên bối cảnh xung quanh cây cầu chữ Y là không gian mà chị quay về để  “kể lại cho các bạn nghe những địa điểm đơn sơ nhưng đầy tình người với những tập tục ăn sâu vào đời sống người dân địa phương. Đây đình miếu, đó chùa chiền bến đò giữa hai con kênh nối liền cùng Sài Gòn - Chợ Lớn, nhà máy gạo, xưởng cây, lò than, lò heo, chợ Ba Đình, chợ Xóm Củi, chợ Phạm Thế Hiển… tạo nên những nghĩa tình bình thường mà sâu đậm khó quên".

Những địa danh mà chị nhắc đến có thể ngày nay chỉ quen thuộc với người Sài Gòn lớn tuổi, vì theo tháng năm vật đổi sao dời.

             Tất cả những nơi chốn ấy lúc này đã quá xa tầm tay chị, ra đi là bỏ lại, nhưng qua những trang viết, người đọc có thể nhận ra  hành trang mà chị mang theo là tình yêu “tiếng nước tôi” luôn cháy bỏng trong lòng mình. Tình yêu đó đã bật ra khi nghe đưá con gái của mình tập nói: "Tôi rạng rỡ uống từng câu, từng lời Việt con tôi đang tự nhiên ríu rít với tôi. Con tôi đó, thiên thần của vợ chồng tôi đó, nó đang dang đôi tay nối hai bờ đại lục bằng cả hai ngôn ngữ của mẹ và cha. Thanh bằng, thanh trắc của các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng thoát trên môi cô gái như các cung nhạc của một bản giao hưởng êm đềm đang vang nhẹ bên tai tôi" (Quê hương của mẹ).

Trong cái bối cảnh nhỏ bé mà mênh mông trong lòng chị, đã xảy ra bao nhiêu sự việc, bao nhiêu cảnh đời mà chị đã chứng kiến hay nghe kể lại, giờ đây, với thời gian biến thành những dòng cảm xúc hiện ra trên giấy: “Bên kia cầu Chữ Y là thế,  một ốc đảo xanh màu xanh của nước những dòng kênh, màu xanh của cỏ cây trên mặt đất và màu xanh của lòng người hướng vọng tương lai. Vậy mà tôi đã bỏ đó mà đi, đi khi chưa làm được một điều gì ích lợi cho nơi đã nuôi nấng tôi thành người, đi khi nước kinh Đôi chưa cạn và những con đò vẫn tiếp tục ngày hai buổi nối Chánh Hưng với Chợ Lớn – Sài Gòn. Hai mươi mốt năm dài sống đời viễn xứ, đã bao lần tôi thở dài:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về xóm cũ ruột đau chín chiều”.

Ruột đau khi nhớ về bóng dáng mẹ cha, bạn bè, những con người sinh ra và và sống bên chiếc cầu đặc biệt này của thành phố Sài Gòn:  "Người Chánh Hương hiền hòa, cục mịch, giận hờn không giấu giếm, thương ghét chẳng đậy che. Mắng chửi nhau hôm trước, hôm sau cúng giỗ đã thấy bánh rượu, trà mời. Cửa không khóa, sân không đóng, tin nhau như tin người thân ruột thịt, tiền của không nhiều nhưng tình nghĩa mênh mông" (Bên kia cầu chữ Y).

 

Những câu chuyện chị kể vì thế  là những hoài niệm xoay quanh một ốc đảo, về quãng thời gian mà chị đã sống và trưởng thành.

Hoài niệm (Nostalgia) là nhớ về những gì đã xa, đã không còn trong tầm tay nữa hay đã mất đi. Nhưng mất ở đây là qua thị giác, chứ trí nhớ và cảm xúc vẫn còn, như chưa từng thay đổi. Nên mỗi lần nhìn lại, hồi ức làm sự vật sống dậy như một sự tái sinh và chuỗi cảm xúc ấy làm lòng ta bồi hồi. Nhiều người cho rằng hoài niệm là nhớ về một nơi chốn, còn tôi thì nghĩ rằng cảnh vật nào cũng chỉ là một cảnh sắc vô hồn. Buồn vui trong lòng người thì cảnh vật sẽ buồn vui theo chứ không thể nào ngược lại. Con đường dẫn đến nhà người yêu, mái trường thời đi học, dòng sông tuổi thơ… thật ra đó chỉ là một con đường đất, một mái ngói, một dòng nước… và nó chẳng lưu giữ trong tim  ta lâu dài nếu không có những cảm xúc, những rung động bồi hồi khi ta nhớ về những kỷ niệm, về cái thời mà chúng ta lớn lên, nhưng thời gian đã đánh lừa và phủ lên nó một khuôn mặt của không gian.

Vì chỉ những rung động riêng ta mới có đã thổi hồn vào cảnh vật, và nỗi nhớ luôn làm ta cảm thấy êm đềm, đáng yêu, đáng quý. Có khi nỗi nhớ ấy còn mang 1 chút nuối tiếc “giá như” “nếu” “phải chi”… để những chuyện “hồi đó” sống cho trọn vẹn, nên cũng mang theo một chút ngậm ngùi. Và cái hồn mà ta đã gửi gắm vào những dòng chữ trải lên trang viết đã hóa thành sợi dây kết nối, đi vào tâm hồn bạn đọc.

Trong truyện ngắn sách lược Tào Tháo chị Nga kể lại một thời thơ ngây, e ấp của tuổi học trò, “suốt thời gian ba năm đeo đuổi nhau, cả hắn và tôi chưa ai mở lời yêu đương” “không ai vướng mắc lời thề” và chàng đã đi du học, nhưng giận hờn vu vơ vẫn có, tuy không còn gặp gỡ hay nhìn thấy nhau nên cũng “mau quên trong sự vô tư trẻ dại” có lẽ có một chút hối tiếc nhưng chỉ có thế thôi vì chị đã chấp nhận hệ quả đó vì chuyện đời “như kim đồng hồ không quay ngược lại phía sau bao giờ”. Viết thế nhưng người đọc tinh ý sẽ thoáng thấy đâu đó còn vương một chút ngậm ngùi, nhưng chỉ thoáng thôi, vì chị không đến nỗi ra ngẩn vào ngơ, nuối tiếc mơ hồ để mạnh mẽ và toàn tâm toàn ý sống với thực tại của mình. Chị hiểu rõ lẽ vô thường, yêu chồng, yêu con và thương quý gia đình.

 “Hẻm nhỏ” là câu chuyện tình 2 trong 1, một truyện ngắn cảm động kể về hai thế hệ tình yêu và có một cái kết thật đẹp. Tâm trạng của Duy khi xa nhà có lẽ cũng chính là tâm hồn tác giả “Sống bên đây chàng nhớ bên kia, về bên kia chàng hoài vọng bên này”; sau cơn sinh nở, mất cả vợ lẫn con và chàng vì công việc nên phải ở lại Pháp chứ chưa thể về VN sinh sống cùng ba mẹ: nhưng sau đó chàng cũng trở về nước và từ 1 đứa con rơi vì mẹ bị một nhóm thanh niên cưỡng hiếp nên chưa từng biết cha mình là ai, bỗng “chàng kêu người đàn ông gần như xa lạ bằng một tiếng “ba” bằng cả một sự dửng dưng, cha người ta không sinh cũng dưỡng, cha của mình không dưỡng chẳng cố tình sanh, chàng ra đời chỉ với một cơn vui tàn bạo trên thân xác của mẹ chàng…” . Sau vui buồn lẫn lộn, về Pháp chàng còn  nghe tin ba mẹ chính thức “làm đám cưới, tuy muộn màng nhưng vẫn đầy yêu thương và hạnh phúc” .

Là người chân thật, chị Nga viết ra cảm xúc thật của mình mà không che đậy, không núp sau câu chữ, với những câu văn hiền lành, chân chất. Trong truyện ngắn “Bài luận tuyệt vời” chị kể là khi gặp mặt một chàng trai qua mục “tìm bạn bốn phương”, tưởng sẽ gặp “chàng hoàng tử mắt xanh” nhưng thực tế phũ phàng vì đó là một thương phế binh nạng gỗ. Chị ngỡ ngàng, thất vọng… “và bối rối, thoái thác gặp lại lần nữa mà như đuổi xua”  để rồi “Hơn 40 năm nhưng tôi không quên được đôi mắt của Hưng giây phút đó. Đôi mắt của Từ Hải khi chết đứng, như bàng hoàng, có nét buồn vương ẩn, có nét giận thoáng cau, hòa trộn lại để thấy đó là một nỗi đau sỉ nhục. Không hiểu sao toi bỗng đâm sợ, không phải sợ cái chân thương binh của chàng mà sợ tia nhìn trong đôi mắt đó. Hưng không nói gì, đứng lặng, sững người như tôi đã sững sờ khi vừa gặp chàng. Không chờ đợi lâu, tôi cúi đầu chào chàng rồi quay lưng đi như trốn chạy…” “Đó là lần duy nhất tôi gặp Hưng vì tôi không đủ dũng cảm của một con người có trái tim nhân hậu”. Tôi hiểu là chị đã suy nghĩ nhiều khi viết ra tự truyện này, như 1 ăn năn, để sám hối cho lòng mình nhẹ bớt: “Tôi đã ứa nước mắt… không biết khóc thương người bạc hạnh hay khóc xấu hổ cho sự bạc lòng của tôi. Ngày đó tôi mới 19 tuổi, tôi còn quá trẻ để biết cách cư xử ra sao cho phải đạo làm người. Tôi không biết màu mè  giả dối để nở nụ cười tươi, đưa đôi tay nhỏ nắm lấy bàn tay Hưng, chứng tỏ sự cảm thông, ra điều niềm chia sẻ những bất hạnh hiển hiện trên đôi nạng gỗ của chàng”. “Tết năm đó tôi không dám đi chùa lễ Phật, tôi sợ cái tâm xấu xa của tôi làm héo hoa lá nhà Chùa, sợ khói hương ngày Tết không phủ hết tội dối người của tôi với câu viết “em chọn viết cho anh vì muốn xóa lấp những không may anh gặp phải trên đường đời.” vì 40 năm sau trong đầu mình có lúc còn vang lên nhịp gõ của chiếc nạng gỗ lúc anh lặng lẽ bước đi. Tôi đọc những dòng này của chị mà lòng xúc động, bồi hôi pha lẫn thương cảm.

 

Trong câu chuyện về “Ngải mặn Cà Chum” chị kể về một câu chuyện tình tay ba vừa ly kỳ vừa tha thiết, kẻ nhiều tiền thất thế, vì lụy tình nên phải viện dẫn bùa ngải để chiếm đoạt người yêu... Truyện đan xen ảo và thực nên gây tò mò, làm hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Còn câu chuyện “Chuông đêm giáng sinh” nói lên tính nhân hậu và thành công của chị trong việc  giáo huấn cái tình người cho các con mình.

Nói chung, những ký ức, những kỷ niệm về vùng đất phía bên kia cây cầu đã được chị Nga vẽ thành một bức tranh nhiều màu sắc và lần lượt kể lại qua những truyện ngắn trong tập truyện bên kia cầu chữ Y, mà chị đã “sống” cùng với nó.

 

Phần lớn truyện ngắn của chị đều dài, được viết bởi giọng văn chân phương, mộc mạc, nhưng không vì thế mà người đọc dễ buông sách vì tính hấp dẫn của câu chuyện: cảm giác như  được chị nắm tay nhẩn nha kể chuyện. Tập truyện vì thế như đưa người đọc vào một không gian mát lành của một thời xa xưa với những điều thiện, lành. Điều nổi bật trong tập truyện chính là tình người hồn hậu, chân chất và đậm đà.

Tự nhận mình là người viết lách “tay ngang”: “Không phải tự dưng tôi mê chuyện viết lách, cũng không phải tự dưng tôi chọn quãng thời gian tuổi nhỏ làm điểm mốc cho hành trình chữ nghĩa của tôi hiện giờ dù thực sự ở môi trường này tôi chỉ là dân không chuyên”… “Thiên hạ viết đa số nhờ thiên phú hay nhờ đam mê, duyên nghiệp… còn tôi viết nhờ xấu hổ (Thuở nhỏ có lần chị copy bài viết trong “Quốc Văn toàn thư” đưa vào bài luận văn ở lớp ba, bị cô giáo phát hiện, trách mắng) nên tức mình tập tành học hỏi để viết sao cho không đến nỗi tệ…” Tôi nghĩ là chỉ vì khiêm tốn nên chị đã giải bày như thế chứ thật ra chị viết chắc tay, có bút pháp và chiến lược riêng khi kể lại các mẩu truyện nhằm lý giải những diễn biến theo một trục hợp lý riêng để  chuyển tải những cảm nhận tâm lý và hoàn cảnh xã hội.

 

Là người có tâm hồn bén nhạy các trang viết của chị Nga là cảm xúc, là nỗi lòng, và chị trải ra để giải tỏa nỗi niềm nên câu chữ hị mang đậm nỗi ám ảnh về một quê hương đã rời xa. Hơn ai hết chị hiểu  “ra đi có nghĩa là bỏ hết lại sau lưng, đi có nghĩa là chấp nhận tương lai chưa biết được nơi quê người” và nỗi niềm ấy chưa bao giờ nguôi trong lòng chị.

 

 Nếu “ông điên Kiệt Tấn” sau 50 năm sống ở Canada và Pháp đã nhiều lần thốt lên “Ôi sao tôi cần quê hương đến vậy!” thì câu chữ của chị Nga “Vậy mà tôi đã bỏ đó mà đi” người ta như nghe được mùi thơm của bụi đất lam lũ bám lên những chiếc áo đẫm mồ hôi của người dân nghèo vùng Chánh Hưng, và trong mùi thơm đó còn có một vị mặn vì nước mắt của những kẻ ở xa đau đáu nhìn về chốn cũ. Nếu có thể tóm tắt những trang viết của chị trong một độ nén, thì tôi sẽ không ngần ngại viết về nỗi niềm của chị mà chị gửi gắm trong BKCCY:  “Thương quá quê hương”.

       Milano 3/2019

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 1818
Ngày đăng: 31.05.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Siddhartha Tất – Đạt - Đa - Võ Công Liêm
Tô Thùy Yên, chia xẻ chút tình cay mặn cũ - Nguyễn Đức Tùng
Mãi đừng xa tôi – Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm Trâm
Tấn Hoài Dạ Vũ – Hồn thơ dạt dào đa cảm - Hoàng Thị Bích Hà
Dấu ấn văn hóa sông nước đồng bằng sông cửu long trong Lớp Lớp Phù Sa của Kiệt Tân - Cao Thị Hồng
Chekhov với sân khấu cuộc đời - Võ Công Liêm
EDGAR ALLAN POE với văn học thế giới và văn học Việt Nam - Hoàng Kim Oanh
Khuất Nguyên trong trái tim Nguyễn Du. Bài III : Bạn đồng tâm xưa nay được mấy người ? - Nguyễn Anh Tuấn
Con người hiện hữu tồn lưu - Võ Công Liêm
Hiện hữu tồn lưu đặc chất ưu tiên - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)