Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.207.222
 
Nghe tin Tô Thùy Yên từ giã cõi trần, đọc rời thơ ông
Phan Trang Hy

 

 

 

      Tô Thùy Yên là thi nhân không xa lạ với văn học Việt Nam. Ông đã góp công cho nền thi ca nước nhà trong những năm 1960, 1970. Nhiều bài thơ của ông đã được bạn đọc yêu quý. Quý bởi câu chữ sáng tạo, giọng điệu rất riêng của ông, quý bởi dù hoàn cảnh nào, ông vẫn không giận đời, không oán ghét thế nhân. Đã có rất nhiều người nhận định về thơ ông. Riêng tôi, trong phạm vi của bài viết này xin được nêu chút cảm nhận khi đọc rời lại một số bài thơ của ông.

      Trước hết, trong bài “Trường Sa hành” (3 -1974), ông như kéo người đọc cũng có cái cảm giác như ông. Ai đã từng say sóng, say xe mới cảm nhận thân thể “chuếnh choáng” dù đi đến nơi về đến chốn. Đến Trường Sa, trải qua bao sóng gió bồng bềnh, gào thét, bao hiểm nguy rình rập mới hiểu hết tâm thế của nhà thơ:

          “Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!

          Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề

          Lính thú mươi người lạ sóng nước

          Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”

      Đọc câu thơ “Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”, tưởng chừng ta có cái cảm giác bồng bềnh, chênh chao khi trải qua chuyến hải trình trên biển Đông. Và đây, cũng là cái cảm giác ở ngoài Trường Sa mong nhớ đất liền. Đây là tiếng gọi từ con tim, từ những đứa con theo cha Lạc Long Quân cai quản biển Đông vọng về đất Mẹ:

          “Đất liền, ta gọi, nghe ta không?

          Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng

          Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc

          Con chim động giấc gào cô đơn”

      Một thời, ta bắt gặp nhà thơ Thái Can “Ngạo với nhân gian một nụ cười” trong bài thơ “Cảnh đoạn trường”. Và giờ, ta bắt gặp Tô Thùy Yên trong bài “Chiều trên phá Tam Giang” (6-1972), một con người kiêu bạc, dẫu thi nhân tự nhận là “gã hề cuồng”. “Gã hề cuồng” ấy có khác chi những bậc trí giả, cao nhân nhìn thế sự đảo điên mà cười. Ở đây, không phải là tiếng cười mỉa mai, khinh bỉ mà là “tiếng cười lạnh rợn”. Không gian, thời gian trong bài thơ chỉ là cái cớ để ông cất cao giọng cùng đời:

          “Chiều trên phá Tam Giang
          Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
          Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
          Dớn dác ngó”

 

      Trong bài “Tàu đêm” (1980), cảm giác khi đi trên tàu đêm nghe tiếng va chạm của những bánh xe, đường ray không còn là sự chuyển dịch, va đập đưa con tàu xuyên đêm mà đó còn là sự chuyển dịch, va đạp của sắt thép. Sự chuyển dịch, va đập ấy như làm nên những chấn động lịch sử. Hình ảnh so sánh con tàu “đi như cơn điên đảo” cùng với  hình ảnh ẩn dụ “sắt thép kinh hoàng” về chuyến tàu đêm như cô đặc nỗi đau, như sự thật đã rồi của thế sự:

          “Tàu đi như một cơn điên đảo
          Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
          Ta tưởng chừng nghe thời đại động
          Xô đi ầm ĩ một cơn đau”

      Trong “Thân phận của thi sĩ” (thơ tuyển 1995), cái tôi của nhà thơ là cái tôi tự do. Không ràng buộc bởi chữ nghĩa, triết thuyết. Không thờ lạy một thần thánh nào cả. Trước sau vẫn ung dung, tự tại; bởi thi sĩ, hơn ai hết phải thể hiện mình là con người tự do. Thi sĩ phải nhận thức được mình như Hegel đã định nghĩa về tự do: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Hoặc như Jean Paul Sartre khẳng định: “Chúng ta phải tự do chỉ để được hiện hữu một cách nào đó. Hiện hữu của con người là tự do. Kẻ không có tự do không phải là con người”. Do vậy, dù đớn đau, trăn trở, dù khát vọng, yêu thương, dù đủ cả thất tình lục dục, thi sĩ phải thể hiện được thân phận mình trong cõi nhân gian:

          “Có đọc thuộc thánh thư
          Linh hồn tôi vẫn vậy
          Tôi vẫn không thể lạy
          Dù đứng trước hư vô”

      Trong “Ánh tàn dư” (thơ tuyển 1995), tôi như thấy cái tôi của thi nhân hỏi cùng nhân thế: “Tôi là ai trên thế gian này? A, đó là một câu đố lớn” (Lewis Carroll). Vẫn biết khi rời cõi tạm này, có chăng vạn vật vẫn vô thường. Đá vẫn tồn sinh, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Mây, gió vẫn đi về chốn nảo chốn nao. Và trời, đất, nắng, mưa cứ ngùi ngùi luân chuyển. Chỉ có riêng “ta” ra đi như giấc chiêm bao nhòa nhạt, chẳng có ai theo cùng. Mong mãi là thiên thu, không biết có ai nhớ ta không?

          “Ta ra đi
          Đá ở lại
          Thiên thu mòn mỏi giấc phiêu bồng
          Chiêm bao nhòa nhạt...

          Mãi mãi
          Kể từ nay
          Mây, gió, chim bay...
          Không có ta cùng theo

          Mãi mãi
          Kể từ nay
          Trời đất ngùi ngùi
          Mưa nắng mới...

          Ôi điều ước cùng thiên thu họa hoằn người sực nhớ ra chưa?”

      Khi đọc những dòng thơ trên, tôi nghĩ đến nhà thơ sẽ hạnh phúc biết bao khi có người chợt nhớ đến mình như Benjamin Disraeli từng nghĩ: “Cảm giác tồn tại là niềm hạnh phúc vô bờ”.

      Còn trong bài “Chim bay biển Bắc” (8-1972), tôi bắt gặp cái tôi của nhà thơ hòa trong cái danh phận vốn có của mọi vật. Trong “Đạo đức kinh” của Lão Tử có câu: Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh” (Tạm dịch: Đạo có thể coi là đạo thì không là đạo vĩnh viễn; tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn). Cũng thế, đâu có cần danh phận, cỏ vẫn là cỏ kia mà! Gió đâu cần âm thanh, bởi gió chỉ là gió! Mỗi thứ có trên đời này như vốn là nó, không thể là khác được:

          “Ngọn cỏ cần chăng danh phận cỏ?
          Gió thuần túy gió vốn vô thanh

          Lẽ nào ta bận tâm ngày tháng
          Nói khác đi điều đã quá xưa?
          Lẽ nào ta bận tâm ngày tháng
          Kiếm hoài công cái có nơi ta?

          Thật ra ta có kể gì đâu
          Cuối cùng cũng vẫn là im lặng
          Im lặng trùm phô diễn mọi điều”

      Biết là vậy, nhưng rồi thi nhân cũng trút bỏ mọi điều phiền trược của thế gian, để trở về với chính mình, trở về nguồn cội thiên nhiên. Chỉ có gian nhà cỏ với tâm hồn thi sĩ dẫu qua bao thăng trầm vẫn mênh mông, rộng mở đón nhận bao điều, dẫu thời gian không còn nhiều, như tuột mất làm kinh động càn khôn vô thủy vô chung, để cho hết đời, để mình đối diện với chính mình, để như “tử tội mừng ơn lịch sử tha”:

          “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
          Tử tội mừng ơn lịch sử tha
          Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
          Ngày qua ngày cho hết đời ta”

              (“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”, tháng 7 - 1972)

      Đọc câu thơ “Tử tội mừng ơn lịch sử tha”, tôi lại nhớ đến Bùi Giáng. Theo nhà phê bình Đặng Tiến khi viết về Bùi Giáng cho rằng: “Trong hàng vạn trang sách để lại, Bùi Giáng thường dùng từ Sử Lịch. Chỉ một lần dùng chữ Lịch Sử để chối bỏ: Sử Lịch phai trang/ Chạy quàng/ Là Lịch Sử (Lá Hoa Cồn, tr.55)”. Chỉ mượn lời nhận xét trên của Đặng Tiến để mà suy nghiệm cuộc đời của Tô Thùy Yên.

      Cũng với tâm trạng trở về nơi chốn yêu thương, cũng vẫn giọng điệu khí khái như trong “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”, ta còn bắt gặp giọng điệu bất cần, ngạo đời trong “Tưởng tượng ta về nơi bản trạch” (thơ tuyển 1995):
          “Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
          Áo phơi xanh phới nhánh đào hồng
          Mùa xuân bay múa bên trời biếc
          Ta búng văng tàn thuốc xuống sông”

      Hành động “búng văng tàn thuốc xuống sông” như ném nỗi buồn, niềm vui, ném mọi cảm xúc trong thân thể, vứt bỏ thói trò đời ma mị, cuốn phăng tất cả vào con sông – dòng đời. Mặc cho thế sự thăng trầm! Đời thi nhân vốn vậy! Vốn coi sự đời có có không không. Dẫu đớn đau, cũng chỉ là cuộc cờ Con Tạo. Không có trách móc, oán hờn, có chăng chỉ là chiêm nghiệm những gì đã qua, coi như đó là những gì, đã là thi nhân, phải gánh lấy.

      Khi nghe tin Tô Thùy Yên từ giã cõi trần, tôi đọc rời lại những bài thơ của ông như là một chút tâm tình, một chút hiểu thêm về ông. Tôi như thấy ông đang trở về cùng nguồn cội, bên “bếp lửa nhân quần”, đang nâng chén rượu hồng, rưới xuống đời, như thấy ông đọc vần thơ “giải oan cho cuộc biển dâu này”:

          “Ta về như hạc vàng thương nhớ
          Một thuở trần gian bay lướt qua
          Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
          Đành không trải hết được lòng ta”

                        Ta về (7-1985)

 

Tháng 5/2019

 

 

 

Phan Trang Hy
Số lần đọc: 1833
Ngày đăng: 04.06.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vậy mà tôi đã bỏ đó mà đi! - Trương Văn Dân
Siddhartha Tất – Đạt - Đa - Võ Công Liêm
Tô Thùy Yên, chia xẻ chút tình cay mặn cũ - Nguyễn Đức Tùng
Mãi đừng xa tôi – Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm Trâm
Tấn Hoài Dạ Vũ – Hồn thơ dạt dào đa cảm - Hoàng Thị Bích Hà
Dấu ấn văn hóa sông nước đồng bằng sông cửu long trong Lớp Lớp Phù Sa của Kiệt Tân - Cao Thị Hồng
Chekhov với sân khấu cuộc đời - Võ Công Liêm
EDGAR ALLAN POE với văn học thế giới và văn học Việt Nam - Hoàng Kim Oanh
Khuất Nguyên trong trái tim Nguyễn Du. Bài III : Bạn đồng tâm xưa nay được mấy người ? - Nguyễn Anh Tuấn
Con người hiện hữu tồn lưu - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Khỏa Thân (truyện ngắn)
Bán Chữ (truyện dài)
Phóng Sinh Chữ Nghĩa (truyện ngắn)
Làng cuồng mê (truyện ngắn)
Bao La Tình Mẹ (tạp văn)
VŨ ĐIỆU BIKINI (truyện ngắn)
Blogger sợ chữ (truyện ngắn)
Đau đáu Hoàng Sa (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Hát giữa trần gian (truyện ngắn)
Có hậu (truyện ngắn)
Đảo gọi (truyện ngắn)
Nụ cười xứ Nẫu (truyện ngắn)
Vòng ký ức tháng ba (truyện ngắn)
Ấm áp mùa Noel (truyện ngắn)
Mơ về lại Hoàng Sa (truyện ngắn)
Nghe mưa chờ tết (truyện ngắn)
Vàng mai rực rỡ (truyện ngắn)