Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.202.837
 
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về cách dùng thì hiện tại/tương lai/quá khứ (phần 16)
Nguyễn Cung Thông

 

 

 

Phần này bàn về cách dùng thì (tiếng Anh tense ~ temps tiếng Pháp) vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là HV (Hán Việt), CNNAGN (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), CQN (Chữ Quốc Ngữ), TQ (Trung Quốc), BK (Bắc Kinh), TK (thế kỉ), các bản chữ Nôm của LM Maiorica như CTTr (Các Thánh Truyện - tháng 12), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu). Tương quan ngữ âm HV và Việt ghi trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Việt hay Hán Cổ của chúng, cần nhiều dữ kiện hơn để thêm chính xác. Trang/cột/tờ của VBL được ghi xuống để người đọc dễ tra cứu thêm. Các cách đọc phiên thiết trình bày theo thời gian (lịch đại): từ thời Hán đến thế kỉ XVII (Tự Vị, Chính Tự Thông) cho đến giọng BK hiện nay so sánh với các phương ngữ khác cũng như âm HV (đồng đại). Dấu hoa thị * đứng trước một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound), không nên lầm thanh điệu hay chỉ số đứng sau một âm tiết và số phụ chú. Người viết cũng xin được cảm ơn anh Nguyễn Trọng Thành (đang làm việc cho đài RFI, Pháp) đã có những buổi điện đàm thật chí tình về chủ đề thời gian trong tiếng Việt (đặc biệt qua cách dùng sẽ), và là một tác động lớn trong quá trình soạn bài viết phần 16 này. Hi vọng các cách nhìn tiếng Việt (đồng đại) từ Úc châu và Âu châu sẽ cho ra nhiều kết quả thú vị khi xem lại ngữ pháp tiếng Việt từ trục thời gian (lịch đại).

1. LM de Rhodes ghi lại các thì khá rõ trong BBC và VBL (1651)

Trong BBC phần "Về các động từ", LM de Rhodes đã phân biệt năm cách dùng thì (thì ~ tempus tiếng La Tinh ~ tense/A) bằng phương pháp thêm phụ từ (particula tiếng La Tinh ~ tiếng đệm vào) vào các động từ như đã, sẽ, mắc - VBL thì ghi thêm phụ từ (particula tiếng La Tinh ~ tiếng đệm vào ~ particle/A) đang (đang ăn, còn đang cày) để diễn tả hành động đang xẩy ra (nhưng lại không được BBC ghi lại[2]). Sự phân biệt trên dựa hoàn toàn vào ngữ pháp La Tinh, thuộc ngữ  hệ La Mã[3] (Romance language/A), mà LM de Rhodes đã từng được huấn luyện rất kỹ trước khi khởi hành qua Viễn Đông để giảng đạo. Có nhiều phương pháp thể hiện các thì trong ngữ pháp: từ cách chia động từ (conjugation of verb, hay thay đổi hình thái của động từ - như trong ngữ hệ Ấn-Âu) đến thêm vào một số phụ từ để chỉ trạng thái thời gian (quá khứ/tương lai như tiếng Trung Hoa, Nhật, Việt ...). Ta hãy xem qua các cách thể hiện các thì này vào thời LM dòng Tên Alexandre de Rhodes qua An Nam truyền đạo.

1.1 Cách chia thì trong tiếng La Tinh

Bảng tóm tắt sau cho thấy cách chia thì trong tiếng La Tinh: trục ngang cho thấy thời gian (time/A - quá khứ/past, hiện tại/present và tương lai/future), còn trục đứng cho thấy thể (aspect/A - tình trạng của hành động như hoàn thành hay chưa hoàn thành, lặp lại ...v.v…).

 

 

PAST TIME

PRESENT TIME

FUTURE TIME

IMPERFECTIVE ASPECT

(Past) Imperfect

(Imperfect) Present

(Imperfect) Future

SIMPLE ASPECT

Simple Past

Present

Future

PERFECTIVE ASPECT

Pluperfect (past perfect)

(Present) Perfect

Future Perfect

 

Thí dụ như tiếng La Tinh có động từ canere hay cano là ca (hát, gốc của động từ tiếng Pháp chanter), có những dạng tuỳ theo chín (9) thì gồm thời gian và thể như bảng tóm tắt sau - để ý sing là động từ tiếng Anh (nghĩa là ca/hát) không theo quy tắc[4] chung trong các dạng thuộc quá khứ (thêm hậu tố/suffix -ed vào sau động từ) mà trở thành sangsung.

 

 

quá khứ

HIỆN TẠI

TƯƠNG LAI

CHƯA HOÀN THÀNH

(Past) Imperfect
cantabam
"I was singing"

(Imperfect[5]Present
canto (tôi đang ca)
"I am singing"

(Imperfect) Future
cantabo
"I will be singing"

THỂ ĐƠN

Simple Past
cantavi (tôi đã ca)
"I sang"

Present
canto (tôi ca)
"I sing"

Future
cantabo (tôi sẽ ca)
"I will sing"

HOÀN THÀNH

Pluperfect
cantaveram
"I had sung"

(Present) Perfect
cantavi
"I have sung"

Future Perfect
cantavero
"I will have sung"

 

1.2 Năm thì của tiếng Việt theo LM de Rhodes

Khi học tiếng Việt, các giáo sĩ nhận ra ngay các từ đã, đang và sẽ dùng cho quá khứ, hiện tại và tương lai - hay là ba thì cơ bản. Sau đó là thì quá khứ hoàn thành (preterite[6] perfectum/L) và thì quá khứ chưa hoàn thành (preterite imperfectum), những khác biệt dễ nhận ra khi so sánh ngữ pháp La Tinh và Việt là động từ tiếng Việt không thay đổi trong các thì này. BBC ghi năm thì của tiếng Việt:

a) thì hiện tại (præsens/L), không cần phải thêm phụ từ nào và đôi khi cũng có như "Tôi mạc việc bây giờ". Nhận xét của BBC đáng chú ý: không cần phải thêm từ nào cho thì hiện tại. Thật ra, nhận xét này cũng có thể ứng dụng cho thì tương lai và quá khứ: tác giả Gabriel Aubaret đưa ra một thí dụ[7] "Ngày mai tôi đi" trong Grammaire Annamite, trang 42 (1867):

b) thì quá khứ chưa hoàn thành (præt. imperfectum/L) "Hôm qua tôi mạc chép thư, nói chẳng được" (mạc/BBC là mắc/VBL, VBL trang 444 cũng cho thí dụ "mắc việc")

c) thì quá khứ hoàn thành (pært. perfectum/L) như "đã về", "đã nói". VBL còn thêm cách dùng "đã làm", và còn ghi nghĩa khác hơn khi đã đứng sau như "làm đã" (hàm ý chưa làm, để làm xong rồi mới làm việc mới ...).

d) thì tiền quá khứ[8] (plus quam perfectum/L) "Hôm kia khi oũ đến đã chép thư đoạn" (hôm kia khi ông đến thì tôi đã viết thư xong rồi)

e) thì tương lai (futurum/L) như "sẽ đi".

Tóm tắt lại các nhận xét cách đây gần 4 thế kỉ của LM de Rhodes: nghĩa một câu thay đổi khi "đã" đứng ở những vị trí khác trong một câu, động từ tiếng Việt không thay đổi và các phụ từ thêm vào trong câu (đã/đang/sẽ ...) để tạo thành các thì. Sau này LM Taberd giải thích rõ hơn về năm thì của tiếng Việt - trích từ cuốn "Dictionarium Latino-Anamiticum" (1838, để ý chữ Anam/Anamiticum chỉ có một phụ âm[9] n) - xem hình chụp bên dưới. Cả hai vị đều không nhắc đến thì hiện tại tiếp diễn, hậu quả của sự đồng nhất của hai thì hiện tại đơn và hiện tại tiếp diễn trong ngữ pháp La Tinh - xem bảng chia thì tiếng La Tinh ở trang trước.

 

 

Một điểm đáng nhắc ở đây là thống kê số lần xuất hiện của đã/đang/sẽ trong một tác phẩm cho ta nhiều thông tin thú vị. Thí dụ như vì trọng quá khứ trong truyền thống văn hoá/xã hội (cụ thể là thờ cúng tổ tiên) từ một tư duy tổng hợp, nên tiếng Việt dùng nhiều thì quá khứ (đã/đà) so với thời hiện tại (đang/đương) và tương lai (sẽ):

 

PGTN               đã (455 lần xuất hiện) so với sẽ (12 lần) và đang (13 lần)

Truyện Kiều                 đã (304 lần) so với sẽ (16 lần) và đang (10 lần) ...v.v...

 

Ngoài ra, sự phân chia thời gian rất chi tiết và có khuynh hướng định lượng như tư duy phân tích, phản ánh qua ngữ hệ Ấn-Âu, làm tăng số thì/tense và thể/aspect trong ngữ pháp: td. tiếng Anh có 12 thì, tiếng Pháp có 9 thì (ngoại trừ thức giả định và điều kiên)... Trong một câu khi có trạng từ thời gian (td. bây giờ, ngày mai, hôm qua) thì tư duy tổng hợp có khuynh hướng ‘coi nhẹ đi’ (hay trở nên không bắt buộc, được "điều chỉnh") chức năng của các phụ từ chỉ thời gian đã/đang/sẽ; đây là một tính chất đặc biệt của cách nhìn tổng quát hơn khi các thành phần trong câu có khả năng ảnh hưởng ảnh hưởng lẫn nhau:

- Tôi *bị lên chức > Tôi được lên chức (thăng chức) ~ Tôi lên chức so với "Tôi bị xuống/giáng chức"

- Ngày mai tôi sẽ đi ~ Ngày mai tôi đi

- Trước đây tôi đã gặp ông ta ở Hà Nội ~ Trước đây tôi có/từng gặp ông ta ở Hà Nội ~ Trước đây tôi gặp ông ta ở Hà Nội …v.v…

Thêm vào đó, tuy BBC không nói đến, nhưng VBL còn ghi các cách dùng như xong/hết/rồi từng đứng sau phụ từ đã để chỉ trạng thái hoàn thành như

- đã làm xong

- đã hết

- đã làm rồi, bao giờ rồi

- đã từng sự ấy (~ đã từng trải nghiệm sự việc ấy/NCT)...v.v...

Cũng nên nhắc đến ở đây bài viết "To be tensed or not to be tensed: The case of Vietnamese" của các tác giả Trang Phan và Nigel Nuffield (2018): các tác giả này đã chứng minh rằng hình vị (morpheme) đứng sau động từ (post-verbal) như hết, xong, ra, được cùng với những hình vị đứng trước động từ[10] (pre-verbal, như đã/đang/sẽ) không có dùng một cách tùy tiện trong tiếng Việt - như nhận xét của một số tác giả trước đây - mà xác thực[11] là phụ từ chỉ thì.

2. Bàn thêm về các phụ từ đã, đang và sẽ

2.1 Phạm trù nghĩa của đã

2.1.1 Đã là khỏi, hết, không còn bệnh nữa (sanari/L - VBL trang 191). VBL ghi thêm cách dùng "đã đã" nghĩa là đã hết (bệnh). Thí dụ như PGTN trang 185 "Tay tôi đá đến được chân áo đức Chúa Jesu, thì tôi đã, mà tức thì đã lành", PGTN trang 188 "trên biển thì làm cho lặng sóng, và trên người ta thì chữa đã"; "kẻ tối liền sáng, kẻ có tật liền đã ... uống nước ấy thì cũng đã" CTTr trang 14. Để ý cách dùng lặp lại ý "Mày muốn đã cho lành chăng?" PGTN trang 192/193, "mà vua đã tật tức thì" CTTr trang 158;"Thân ông, con ông đã đã" KNLMPS trang 107 ...v.v...

2.1.2 Đã[12] là phụ từ (hay phó từ/particle) chỉ thời gian thuộc về quá khứ (past marker), một dạng chữ Nôm là 㐌. VBL trang 191 ghi là particula præteriti/L (phó từ chỉ quá khứ hoàn thành), không thấy ghi dạng đà cho tới thời LM Béhaine (1772/1773).

Hai nét nghĩa 2.1.1 và 2.1.2 còn có thể liên hệ: khi một tật bệnh nào thuộc về quá khứ (không còn hiện diện nữa) tức là bệnh đó “đã đã” - tiếng Việt bây giờ là “đã hết/đã lành/đã khỏi”. “Đã khát” là không còn khát nữa, hết khát[13]. Các nét nghĩa của đã bây giờ cũng tương tự như cách đây khoảng 4 thế kỉ.

2.2 Phạm trù nghĩa của đang/đương

2.2.1 Đang là phụ từ chỉ thì hiện tại tiếp diễn (present continous marker). Một dạng thường gặp của đang chữ Nôm là 當 hay 当, đây cũng là chữ đang HV.

2.2.2 Nét nghĩa 2.2.1 có thể liên hệ đến đang/đương HV. Chữ đang 當 (thanh mẫu đàng/đường 唐 vận mẫu đường 唐 hay đãng 宕 bình/khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

都郞切,黨平聲 đô lang thiết, đảng bình thanh (TVGT, ĐV, QV, TV, NT, LT, VH, CV, TVi)

丁浪切,黨去聲 đinh lãng thiết, đảng khứ thanh (ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TVi)

都浪切 đô lãng thiết (N, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 江陽 giang dương (dương bình/khứ thanh)

CV ghi cùng vần/bình thanh 當 襠 璫 鐺 東 簹 艡 (đang/đương đông)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 當 讜 瓽 儅 闣 擋 (đáng/đang đảng đáng)

丁浪反 đinh lãng phản (KH)

丁郞切 đinh lang thiết (TTTH)

都昌切,黨平聲 đồ xương thiết, đảng bình thanh (CTT) - thời CTT, xương đọc gần như chāng so với đang (đọc là dāng) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là dāng dáng dǎng so với giọng Quảng Đông dong1 dong3 dong2 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] dong1 dong5 [客英字典] dong1 dong5 [陆丰腔] dong1 dong5 [宝安腔] dong1 | dong5 [海陆丰腔] dong1 dong5 [台湾四县腔] dong1 dong5 [梅县腔] dang5 dong1 dong5 [东莞腔] dong1 [客语拼音字汇] dong1 dong4 [梅县腔] dong5 潮州话:多秧1 多安3 多秧3 ,deng1(tng) dang3(tàng) deng3(tg), giọng Mân Nam/Đài Loan tang1, tiếng Nhật tou và tiếng Hàn tang.

Đang HV có các nghĩa là chịu trách nhiệm, gánh vác (đảm đang), cáng đáng, hợp/thích hợp (thích đáng), cầm, đợ, chủ - các dạng biến âm của đangđáng, đươngđành[14] (td. 彭 băng/bang/bàng và bành, 凭 bằng > bành, 命 mạng > *mạnh > mệnh, 江 giang > gianh, 良 lang/lương > lành, 當 đang > đành ...). Chính nét nghĩa gánh vác/chịu đã trở thành dấu chỉ thời hiện tại trong tiếng Việt (đang làm, đang gánh vác chuyện gì). Thí dụ của BBC "Tôi mạc việc bây giờ" cũng cho thấy khái niệm bận việc (mắc việc) trong hành động chỉ thời hiện tại, phản ánh chủ ý của cá nhân, người làm chủ hành động của mình. Trong khi đó tiếng Trung (Hoa) không dùng đang để chỉ thì hiện tại. Tiếng Trung (Hoa) dùng các trạng từ thời gian (adverb of time) để chỉ thì hiện tại và các động từ thì không thay đổi (tương tự như tiếng Việt). Các trạng từ thời gian có thể là 每天 mỗi thiên (mỗi ngày), 每年 mỗi niên (mỗi năm), 經常 kinh thường (thường), 有時 hữu thì (có khi, đôi lúc) ... Để chỉ một hành động đang xẩy ra (thì hiện tại tiếp diễn) thì thêm các trạng từ thời gian như 現在 hiện tại, 正在 chính tại, 此刻 thử khắc, 目前 mục tiền ...v.v... Khuynh hướng thay đổi nghĩa cũng hiện diện trong cách dùng đang thì vào thời VBL. Đang/đương thì 當時 nghĩa là thời xuân sanh (thời còn trẻ, xuân thì) ngoài nét nghĩa khi đó/lúc đó hay tức thì trong tiếng Hán. PGTN trang 235 ghi "Hãy suy, hãy xét Chúa rất sang, rứt trọng, khi đang thì nên người, coi có xuống đầu, mà chịu chết rứt xấu hổ vì bạn". Vào thời VBL, cách dùng sinh thì 生時 cũng có thêm nét nghĩa là chết (qua đời) - xem thêm loạt bài "Sinh thì là chết?" cùng tác giả (NCT).

2.3 Phạm trù nghĩa của sẽ (chữ Nôm là )

2.3.1 Sẽ[15] trong từ láy sẽ sẽ là chậm chạp, từ từ (VBL trang 684 ghi de vagar[16], lente/L parcate/L). VBL ghi các các cụm từ tương đương là khoan khoan, khoan thai, thong thả: tất cả đều liên hệ đến thời gian kéo dài ra (hay chậm lại, từ từ).

Câu 379 của truyện Kiều cho thấy nét nghĩa 2.3.1 của sẽ (~ từ từ, nhẹ nhàng - tính từ), rất dễ nhầm lẫn với nét nghĩa 2.3.2 (phụ từ chỉ tương lai) - đặc biệt với khả năng có thể đứng trước hay sau động từ (sẽ nói ~ nói sẽ, sẽ dặng ~ dặng sẽ …):

隔花仕?㗂鐄

Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng

2.3.2 Sẽ là phụ từ chỉ tương lai[17]: VBL ghi các cách dùng "Tôi sẽ đi, sẽ hay, mầy sẽ về, làm đoạn tôi sẽ đi". Câu 724 truyện Kiều cho thấy cách dùng này:

??朱姉?耒仕

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

So với tiếng Mường Bi, khẽ là sẽ và cũng có hai nét nghĩa 2.3.1 và 2.3.2 như trên - không thấy các LM de Rhodes, Béhaine/Taberd ghi dạng khẽ[18] trong tiếng Việt. Để ý thêm "Khẽ là" tiếng Mường Bi là làm từ từ, làm cẩn thận ... "khẽ dỗng" là thong dong dạo chơi.

Có liên hệ nào giữa nét nghĩa chậm 2.3.1 và cách dùng sẽ để chỉ thì tương lai của 2.3.2? Một cách giải thích tương quan trên là đặt cá nhân mình trong hoàn cảnh nghĩ đến tương lai: thời gian dường như chậm lại vì ở phía sau (tương lai trong tiếng Việt là ở phía sau: ngày sau, đời sau ... hậu kiếp, hậu sinh ...); ta không "thấy" được trực tiếp như ở trước mặt, các sự việc mới mẻ/không biết trước hay lường được làm “đầy bộ nhớ” và làm thời gian của tương lai "thấy" như đi chậm lại! Đây cũng chính là "cảm giác thấy" thời gian đi chậm lại khi ta đến tìm một địa chỉ nào đó, khi về (tuy là đi cùng một đường lúc đến) thì thường cảm thấy thời gian đi nhanh hơn. Trong những trường hợp đòi hỏi sự cố gắng, chịu đựng (vì không biết chuyện gì xẩy ra, hay trong trường hợp khẩn cấp và bất ngờ ...) thì thời gian cũng thấy như đi chậm lại: hiện tượng tâm lý[19] này có tính chất phổ quát (universal) và còn để dấu ấn trong câu "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại[20]". Ngoài ra, tiếng Việt "từ từ đã" hàm ý chuyện gì sẽ tới (tương lai) và ngay cả khi nói "khoan đã" thì có ý chỉ đến chuyện để về sau sẽ tính (tương lai) tuy đều có chữ đã: tất cả cách nói trên lại có một tính chất chung liên hệ đến thời gian khi đi chậm lại.

Các nét nghĩa của sẽ bây giờ cũng tương tự như cách đây khoảng 4 thế kỉ.

3. Bàn thêm về khái niệm thì và thời gian trong tiếng Việt

3.1 LM de Rhodes rất sâu sắc khi ghi nhận ra động từ không thay đổi cho các thì quá khứ/tương lai, nhất là ảnh hưởng của thứ tự chữ (~trật tự từ/word order/A) dẫn đến sự khác biệt của cách dùng "đã làm" (hành động đã hoàn thành) và "làm đã" (hành động chưa hoàn thành). VBL trang 27 cũng ghi nhận sự khác biệt về nghĩa của (a) "bao giờ đến" và (b) "đến bao giờ":

(a) Bao giờ đến hàm ý trong tương lai, bao giờ anh/nó sẽ đến

(b) Đến bao giờ hàm ý anh/nó đã đến lúc nào (trong quá khứ)

BBC cũng lặp lại ý trên, bao giờ đứng trước động từ thì cấu tạo thì tương lai, và cho thí dụ "Thầy bao giờ đi" (khi nào thầy sẽ đi). Khi bao giờ đứng sau động từ thì làm thành thì quá khứ, BBC cho thí dụ "Thầy về bao giờ" (thầy đã về khi nào). Có khi bao giờ chỉ thời hiên tại, tùy theo các tiếng đi trước hay sau (ngữ cảnh/NCT), mà xác định nghĩa - BBC cho thí dụ "Xem thấy ông bao giờ thì tôi mừng" (khi xem thấy ông thì tôi mừng). VBL trang 27 còn ghi hai cách dùng mà tiếng Việt bây giờ không còn tồn tại (c) Những bao giờ (quo tempore/L ~ những khi mà) (d) Bao giờ bấy giờ (quandocunque/L bất kỳ lúc nào), VBL cũng ghi cụm từ này ở trang 20: cấu trúc này cho thấy bấy giờ chỉ mốc thời gian trong quá khứ cho đến tương lai. Vị trí của bao giờ, đứng trước hay sau động từ đến, thay đổi hoàn toàn nghĩa của cách dùng này, thí dụ như so sánh hai câu nói:

(a1) Tôi không biết nó bao giờ đến ~ (a2) Tôi không biết nó bao giờ (lúc/khi nào) sẽ (mới) đến - I don't know when he will come/A ~ Je ne sais pas quand il viendra/P

(b1) Tôi không biết nó đến bao giờ ~ (b2) Tôi không biết nó đã đến (từ) bao giờ (lúc/khi nào) - I don't know when he came/A ~ Je ne sais pas quand il est arrive/P

Thật ra khả năng ghi nhận sắc sảo trên của LM de Rhodes là một kết quả tự nhiên của nhiều năm học tập tiếng La Tinh (và các ngôn ngữ khác[21] như Pháp, Bồ-Đào-Nha, Ý, Hi Lạp, Do Thái ...). Tiếng La Tinh có nhiều trường hợp phải chia (thay đổi) động từ, danh từ tuỳ theo chức năng ngữ pháp (chủ từ hay túc từ, thì, thể ...v.v...). Do đó, nhiều khi thay đổi vị trí một chữ mà một câu La Tinh thường không đổi nghĩa vì có nhiều thông tin từ các chữ chung quanh đã biến đổi rồi - trường hợp này rất khác biệt với tiếng Việt[22]. Một điểm nên nhắc thêm ở đây là "đến bao giờ" có nghĩa như trên (b, b1, b2) khi đến là động từ liên hệ đến không gian (đến đâu, đến chỗ nào) và thuộc về quá khứ; tuy nhiên cũng có thể đến dùng hoàn toàn cho thời gian như "đến trưa nay, đến mai ...". Do đó, đến bao giờ còn có thể chỉ tương lai không biết khi nào: đến bao giờ ~ đến lúc nào ~ đến khi nào ... Td. "Đến khi nào trở về thăm lại trường xưa". Ta cần phải nhìn rộng ra xem tình huống phát ngôn để nắm vững ý của người nói, cũng như câu nói sau

- Tôi không biết anh ấy đi (vào) lúc nào (bao giờ)

Có thể hàm ý

a3) Tôi không biết anh ấy sẽ đi (vào) lúc nào - thuộc về tương lai

b3) Tôi không biết anh ấy đã đi (vào) lúc nào - thuộc về quá khứ

Phải nhìn rộng ra xem tình trạng hay ngữ cảnh của câu a3 và b3 để xác định nghĩa chính xác hơn. Đây cũng là kết quả của tư duy tổng hợp phản ánh ảnh hưởng của người phát ngôn (speaker) và những liên hệ với môi trường chung quanh (tổng quát).

3.2 Ý kiến của người ngoại quốc học tiếng Việt cách đây vài năm (anh George Millo Ayancan) - dịch ra tiếng Việt/NCT từ bài viết "9 Reasons Vietnamese is Easier Than You Think” (9 lí do tại sao học tiếng Việt thì dễ[23] hơn như anh tưởng/NCT), trích một đoạn từ trang này https://www.fluentin3months.com/vietnamese/ , phỏng dịch/NCT:

Bạn có thể học các thì trong tiếng Việt trong vòng hai phút. Thì trong tiếng Việt đơn giản đến độ ta có cảm tưởng là mình ăn gian trong việc dùng thì. Trong 99% các trường hợp bạn chỉ cần học năm chữ (đã, mới, đang, sắp, sẽ) để thêm trước động từ là xong chẳng hạn như: tôi ăn cơm, tôi đã ăn cơm, tôi mới ăn cơm,  tôi đang ăn cơm, tôi sắp ăn cơm, tôi sẽ ăn cơm. Đôi khi chúng ta không cầm thêm những chữ này nếu ngữ cảnh đã rõ rệt như: "tôi ăn cơm hôm qua" (hết trích). Còn theo anh Jeck Halpern thì "Tenses are easy. Vietnamese tenses are formed by a small number of particles placed before the verb, such đã for past and sẽ for future. One can thus master the Vietnamese tenses in a few minutes" (thì trong tiếng Việt dùng dễ lắm  - bằng cách dùng một số phụ từ trước động từ, như đã chỉ quá khứ và sẽ chỉ tương lai/phỏng dịch NCT) - xem thêm trang http://www.kanji.org/kanji/jack/vietnamese/.

Nhận xét trích ở trên cho thấy tiếng Việt, nếu có thì như theo cảm nhận đầu tiên (first impression) của LM de Rhodes từ cách đây khoảng 4 thế kỉ, thì cách dùng không phức tạp như trong ngữ hệ Ấn-Âu. Đi xa hơn nữa, trong 5 thập niên gần đây cũng có ý kiến cho rằng tiếng Việt không có thì như tóm tắt ở phần 3.4 - tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm của bài viết nhỏ này.

3.3 Thì quá khứ/hiện tại/tương lai gần, vừa xẩy ra

Để diễn đạt chuyện gì sắp xẩy ra, tiếng Việt vào thời LM de Rhodes có nhiều cách thể hiện như dùng phụ từ hầu, rình, dọn so với sắp, gần thông dụng hơn trong tiếng Việt hiện đại

- Hầu chết (gần chết, sắp chết), gạo hầu hết (gạo sắp chết): VBL trang 317

- Rình chết (gần chết), rình ngã (sắp ngã), rình đẻ (sắp đẻ): VBL trang 649

- Dọn sinh thì (sắp chết): VBL trang 169

Khái niệm không gian "gần" đã được mở rộng để chỉ thời gian trong cách dùng rình (ở gần đâu đó), dọn (sắp xếp), hầu (ở gần để giúp đỡ, chầu chực, rình). Hiện tượng này cũng giống như cách dùng các trạng từ tiếng Anh nearly, (be) about to - hay tiếng Pháp près ...v.v... Để diễn đạt một hành động vừa xẩy ra trong quá khứ, hiện tại hay tương lai (trước đó thì chưa có): VBL ghi cách dùng mới như

- Mới làm, thầy mới đến, khi đến thì mới nói, từ mới đến đã nghe tin ấy, mới rày có việc này: VBL trang 479.

3.4 Tiếng Việt có thì (tense) hay không?

Tranh luận khá chi tiết và sôi nổi về thì cùng cách dùng đã/đang/sẽ trong tiếng Việt đã hiện diện từ thập niên 1940, khi cuốn Việt Nam Văn Phạm[24] của các học giả Trần Trọng Kim/Bùi Kỷ/Phạm Duy Khiêm ra đời. Nếu các học giả trên chú trọng đến trạng từ thời gian bây giờ, hôm qua, mai để "biểu diễn các thì", thì học giả Phan Khôi trong "Việt Ngữ nghiên cứu" trang 114 (sđd) lại cho rằng "Cái chủ trương ấy của ông Trần không đúng. Đã nói rõ là bây giờ, hôm qua, mai thì các thì ấy đã rành rành ra đó, còn biểu diễn gì nữa? ... Những chữ như đã, đang, sẽ mới thật là "biểu diễn" được cái hồn của thì. Vì nó là những chữ có tính linh hoạt, có sức làm nổi bật lên cái ý nghĩa vững chắc sâu sắc của quá khứ, hiện tại và vị lai … Nói cho thật đúng ra thì chữ đã không hẳn chỉ quá khứ mà chỉ sự hoàn thành của quá khứ, lại cũng chỉ được sự hoàn thành của hiện tại và vị lại nữa. Cử lệ ... Kìa, anh Nam đã đến kia (hoàn thành của hiện tại). Hãy ở lại chơi với anh Nam một hôm, kẻo đến mai anh ấy đã lại đi rồi (hoàn thành của vị lai)" (hết trích/NCT). Từ khi Ngôn Ngữ Học trở thành "chính thống" trong trường học ở VN, một số nhà nghiên cứu[25] từng cho rằng tiếng Việt không có thì, đặc biệt là GS Cao Xuân Hạo/CXH cho rằng "... tiếng Việt không biểu hiện ý nghĩa thì khi không cần định vị sự việc trong thời gian. Nói một cách khác, tiếng Việt tuyệt nhiên không có thì. Khi cần định vị một sự tình trong thời quá khứ hay trong thời hiện tại, tiếng Việt dùng đến những khung để có nghĩa từ vựng thích hợp như xưa kia, cách đây, hiện nay, bây giờ ...v.v..." trang 549 "Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa" (sđd). Trong bài tham luận (1999) "Ngôn ngữ học có thể đóng góp gì vào việc tìm hiểu tư duy và văn hoá Việt-Nam?" CXH nhắc lại rằng "Trong thư tịch cổ kim có thể tìm ra hàng trăm triệu thí dụ cho thấy rằng ba từ này được dùng cho cả ba thời gian “quá khứ”, “hiện tại” và “tương lai”. Nhưng không ai quan tâm đến điều đó. Quan trọng hơn nhiều là phải tìm cho ra ba từ có thể nói là “chỉ quá khứ”, “chỉ hiện tại” và “chỉ tương lai”: ba từ ấy “dĩ nhiên” phải có, vì tiếng Âu châu có ba hình thái “thì”. Và khi đã tìm ra được rồi, thì ta đã có được một chân lý thiêng liêng cao hơn mọi tri thức, mọi sự thật của tiếng mẹ đẻ".

Tiếp theo loạt bài viết của CXH,  các nhà ngôn ngữ khác như GS Đinh Văn Đức[26], GS Nguyễn Đức Dân, Huỳnh Văn Thông, Trần Kim Phượng, Phan Thị Minh Thúy, Nguyễn Hoàng Trung, Nghiêm Thị Thu Hương, Phạm Thị Thu Phương … cũng khảo sát sâu xa hơn về thì và thể của tiếng Việt. Gần đây hơn, tác giả Trang Phan và Nigel Duffield (2018, xem thêm chi tiết ở phần 4) đã đặt lại vấn đề và chứng minh rằng thì và thể thực sự hiện diện trong tiếng Việt chứ không phải là loại ngôn ngữ "hữu thể vô thì" như nhận xét của CXH vào hai thập niên trước (1998). Vấn đề thì, thể và hình thái của tiếng Việt qua cách dùng phó từ đã/đang/sẽ vẫn còn tạo nhiều tranh luận và chưa có quan điểm thống nhất và hoàn toàn thuyết phục. Một yếu tố mà không tác giả nào nêu ra là tư duy về thời gian của người Việt: xuất phát từ tư duy tổng hợp truyền thống (nông nghiệp), khác hẳn với tư duy phân tích của Tây phương về thời gian - điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến ngữ pháp tiếng Việt khi sử dụng các tương quan về thời gian như đã đề cập bên trên. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì (phần 6.2)" cùng tác giả (NCT, xem chi tiết trong phần 4).

Tóm lại, tiếng Việt thời LM de Rhodes cho thấy các cách dùng rất linh hoạt của đã/đang/sẽ và rồi, hết, xong ... Các từ trên dùng để chỉ thời gian, tuy nhiên lại được điều chỉnh (moderated) bởi các trạng từ thời gian ‘quan trọng’ và 'ưu tiên' hơn trong cùng một ngữ cảnh nên nhiều khi khó nhận ra. Đây có thể là một kết quả của tư duy tổng hợp truyền thống thiên về định phẩm, khác hẳn với tư duy phân tích của Tây phương lại chú trọng vào chi tiết định lượng hơn: td. tiếng Anh có 12 thì rất rõ ràng gồm có 4 thể cho 3 khung thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Một câu phát ngôn trong ngữ hệ Ấn-Âu có đủ thông tin cho ta xác định khung cảnh thời gian của nó, không như một câu nói bình thường trong tiếng Việt như "Tôi không biết anh ấy đi lúc nào" (có thể anh ấy đã đi hay sẽ đi). Tư duy tổng hợp dựa vào thông tin từ các câu trước đó, tình cảnh/môi trường chung quanh cuộc trao đổi để hiểu câu nói chính xác hơn. Một kết quả tương tự là khi khảo sát cách dùng đại từ nhân xưng tiếng Việt, không dễ nhận ra khi tư duy tổng hợp đã đưa các liên hệ xã hội/gia đình truyền thống ‘quan trọng’ hơn vào trong ngữ cảnh - làm mờ nhạt vai trò của đại từ nhân xưng (truyền thống ngữ hệ Ấn-Âu) - dẫn đến một kết luận có thể là tiếng Việt không có hệ thống đại từ nhân xưng đóng (closed system) như các ngôn ngữ khác. Hi vọng bài viết nhỏ này là một động cơ thúc đẩy bạn đọc tìm hiểu thêm về tiếng Việt phong phú của chúng ta, cũng như khám phá nhiều điều thú vị về các cách diễn đạt thời gian qua ngữ pháp.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Gabriel Aubaret (1867) "Vocabulaire français-annamite & annamite-français & grammaire" in năm 1867, viết xong năm 1863. Sĩ quan hải quân Pháp Aubaret thông thạo chữ Nho và chữ quốc ngữ. Mục 93 đến 97 bàn về các thì hiện tại, quá khứ và tương lai.

2) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

3) Jean Bonet (1898) "Dictionnaire annamite-français, langue officielle et langue vulgaire" Imprimerie nationale, E. Leroux (Paris).

4) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

5) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

6) Nguyễn Đức Dân (2009) "Tri nhận thời gian trong tiếng Việt" đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ 12 - có thể đọc toàn bài trên trang http://www.ngonngu.org/tri_nhan_tri_thuc_trong_thoi_gian.html ...v.v...

7) Édouard Diguet (1904) "Éléments de grammaire annamite" Trang 86-88 bàn về các thì trong tiếng Việt.

8) Đinh Văn Đức (2012) "THỜI và THỂ trong tiếng Việt: nhìn từ hai phía NGỮ PHÁP và TÌNH THÁI" có thể đọc toàn bài trên trang này http://www.vietlex.com/ngon-ngu-hoc/118-THOI_va_THE_trong_tieng_Viet-_nhin_tu_hai_phia_NGU_PHAP_va_TINH_THAI v.v…

9) Cao Xuân Hạo (1998) "Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa" NXB Giáo Dục, Hà Nội.

                               (1999) "Ngôn ngữ học có thể đóng góp gì vào việc tìm hiểu tư duy và văn hoá Việt-Nam?" Tham luận đọc tại Hội nghị Quốc Tế về Các giá trị văn hoá phương Đông, Hà Nội 1999.

10) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

11) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai Dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

12) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

13) Phan Khôi (1954) "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng in lại (1997).

14) Trần Trọng Kim/Bùi Kỷ/Phạm Duy Khiêm (1940) "Việt Nam Văn Phạm" NXB Lê Thăng (Hà Nội). Ban văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức chuẩn-y.

15) Vương Lộc (2002) "Từ điển từ cổ" NXB Đà Nẵng - Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

16) Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) "Từ điển Tày-Nùng-Việt" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

17) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) "Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỷ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica" Luận án TS Ngữ Văn - Đại Học Sư Phạm Hà Nội

18) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

19) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

20) V. S. Panfilov (2008) "Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt" NXB Giáo Dục (Hà Nội).

21) Trần Kim Phượng (2003, 2004) "Phụ từ 'đã' và việc biểu thị ý nghĩa thời trong tiếng Việt", "Về khả năng của sẽ trong vai trò đánh dấu thời tương lai tiếng Việt", " Ý nghĩa thời, thể, tình thái của phó từ đang và cách sử dụng nó trong tiếng Việt" … Có thể đọc các bài viết liên hệ trên trang này chẳng hạn https://voer.edu.vn/m/ve-kha-nang-cua-se-trong-vai-tro-danh-dau-thoi-tuong-lai-tieng-viet/f75d98ea (hay tham khảo Tạp Chí Ngôn Ngữ).

22) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                     (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                    "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

23) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) "Từ điển từ Việt cổ" NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

24) Jean Louis Taberd (1838) - cố Từ "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

25) Nguyễn Cung Thông (2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

                                          (2015) "Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì (phần 6.2)" - có thể xem toàn bài trang này https://cvdvn.net/2015/12/04/tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

                                          (2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf         

                                          (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5947-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-ngh%C4%A9a-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B1c-t%C3%A0u-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%93-la-ph%E1%BA%A7n-1.html  hay trang  http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm

26) Trang Phan/Nigel Duffield (2018) "To be tensed or not to be tensed: The case of Vietnamese" - có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://www.academia.edu/33252709/To_be_tensed_or_not_to_be_tensed_The_case_of_Vietnamese ...v.v...

27) Nguyễn Hoàng Trung (2015) "Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ (1651) và những ảnh hưởng của nó trong việc miêu tả ngữ pháp tiếng Việt" nguồn từ bài viết đăng trên trang mạng của khoa Văn Học và Ngôn Ngữ, Trường Đại Học KHXH và NV, Thành phố HCM, hay trang http://vci.vnu.edu.vn/an-pham/ngu-phap-tieng-viet-cua-dac-lo-1651-va-nhung-anh-huong-cua-no-trong-viec-mieu-ta-ngu-phap-tieng-viet.html, hay bài viết "Sao phỏng - con dao hai lưỡi trong miêu tả ngữ pháp tiếng Việt" – xem trang http://www.vns.edu.vn/index.php/en/researches/vietnamese-linguistics-and-teaching-vietnamese-as-a-second-language/819-sao-phong-a-con-dao-hai-luoi-trong-mieu-ta-ngu-phap-tieng-viet …v.v...



[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Điều này cho thấy LM de Rhodes và sau này LM Taberd đã dựa hoàn toàn vào ngữ pháp La Tinh vì tiếng La Tinh không phân biệt thì hiện tại đơn và thì hiện tại tiếp diễn, cũng như thì tương lai đơn và tương lai tiếp diễn (xem bảng chia động từ La Tinh canere hay cano ở trang sau).

[3] Ngữ hệ La Mã gồm có các ngôn ngữ như La Tinh (ngôn ngữ chính thức CG và quốc tế), tiếng Pháp (tiếng mẹ đẻ của LM de Rhodes), tiếng Ý, tiếng Bồ-Đào-Nha, tiếng Tây-Ban-Nha ... LM de Rhodes đã từng học qua và sử dụng trong các trường Dòng Tên. Các LM Dòng Tên cũng như các dòng khác đều đã học ngữ pháp La Tinh kỹ lưỡng trong quá trình huấn luyện ngoài những kinh kệ bằng La Tinh dùng hàng ngày, nên đều có khả năng ghi chép một ngoại ngữ qua ‘mẫu có sẵn’ hay ngữ pháp La Tinh. Kết quả là tài liệu ghi lại ngôn ngữ địa phương vào thế kỷ XVI và XVII trở nên cần thiết trong việc tìm hiểu lịch sử hình thành chúng.

[4] Đây là động từ bất quy tắc (Irregular verbs) trong tiếng Anh như drink - drank - drunk, sing - sang - sung ...

[5] Còn gọi là continuous hay progressive aspect - tương tự như simple aspect cho thì hiện tại và tương lai trong tiếng La Tinh - trích từ trang https://classics.osu.edu/Undergraduate-Studies/Latin-Program/Grammar/Tense - xem bảng chia thì động từ canere hay cano ở trên. Nếu giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người Anh (tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh) thì có thể có thêm thì hiện tại tiếp diễn trong BBC, hay là có ít nhất sáu thì tất cả.

[6] BBC ghi là Præt. hay là viết tắt của præterite, chỉ hành động đã hoàn thành trong quá khứ - tiếng Anh gọi là preterite hay simple past, past tense.

[7] Khoảng hai trăm năm sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng dùng thì tương lai mà không dùng sẽ trong bài "Biển nhớ" (Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về ... Hôm nao em về ...).

[8] Thì tiền quá khứ hay pluperfect (tiếng Anh, hay còn gọi là past perfect, plusquamperfect).

[9] LM Philiphê Bỉnh cũng thường ghi An Nam là Anam trong "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" (1822), hay ngay trong đầu đề tác phẩm như "Truyện Anam" (1822) ...v.v....

[10] Hình vị đứng trước động từ (pre-verbal morpheme) đã/đang/sẽ còn được gọi là trạng từ (Trần Trọng Kim/Bùi Kỷ/Phạm Duy Khiêm), phụ từ, phó từ (Nguyễn Hữu Quỳnh), trợ động từ (Nguyễn Thiên Giáp/Đoàn Thiện Thuật/Nguyễn Minh Thuyết), hư từ (Panfilov), từ hư (Mai Ngọc Chừ/Vũ Đức Nghiệu/Hoàng Trọng Phiến), vị từ tình thái (Cao Xuân Hạo), phụ động từ (Đinh Văn Đức), phụ tố thời gian (Nguyễn Lân Trung) ...v.v...

[11] “… genuine tense and aspect tense markers” Trang Phan/Nigel Duffield (xem thêm chi tiết trong phần 4).

[12] Theo học giả Jean Bonet (1899, sđd) thì đã có liên hệ HV - cũng như GS Lê Ngọc Trụ (Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam, 1993) đề nghị đã liên hệ đến 已 HV. Để ý là Quảng Vận từng ghi dĩ là 過事語辭 quá sự ngữ từ (chữ dùng để chỉ sự việc trong quá khứ), một dạng âm cổ phục nguyên của dĩ là *klɯʔ (so với dạng *đỡ - đã).

[13] "Đã khát" có thể chỉ "đã từng bị khát, bây giờ có thể không còn khát nữa" hay "thỏa mãn sự khát rồi, như sau khi uống một ly nước" (td. đã thèm, đã ngứa ...). Phải dựa vào ngữ cảnh (tình trạng trước và sau) của câu nói mà ta có thể xác định nghĩa chính xác hơn.

[14] VBL ghi dưới các mục đang khi, đang ăn, yêu đang thì có mục "coi chẳng đang" hay là coi chẳng đành (không nỡ coi/không đành coi) trong tiếng Việt hiện đại. Thí dụ từ tác phẩm Nôm của LM Maiorica: "các quỷ trong địa ngục run sợ nghe chẳng đang (đương)" TCTM quyển thượng trang 30, "lẽ thì Đức Bà xem chẳng đang ... Có khi ngửa mặt lên xem mặt con, mà bỗng chốc cúi đầu xuống xem chẳng đang" TCTM quyển thượng trang 90, 91.

[15] Theo gợi ý của học giả Jean Bonet (1899, sđd), sẽ (từ từ, nhẹ nhàng) có thể liên hệ đến sĩ 俟 là đợi (đợi hàm ý chờ đến thời gian sau/tương lai); để ý từ láy sĩ sĩ 俟俟 nghĩa là từ từ (so với sẽ sẽ) đã hiện diện từ thời Kinh Thi.

[16] Tiếng Bồ-Đào-Nha de vagar nghĩa là từ từ, chậm chạp.

[17] Có thể xem các ghi nhận tinh tế trong VBL "Tôi sẽ đi, sẽ hay, mầy sẽ về" là tương lai tuyệt đối (so với mốc thời gian là hiện tại/bây giờ), và cách nói "làm đoạn tôi sẽ đi" là chỉ tương lai tương đối (so với mốc thời gian tương lai khi làm xong việc thì tôi sẽ đi).

[18] Sau này, như vào thời Génibrel (1898) trang 357 (sđd) mới ghi nhận cách dùng khẽ ở Đàng Ngoài "khẽ (T) (sẽ) A voix basse". ĐNQATV (1895) ở Đàng Trong (Sài Gòn) cũng không thấy ghi dạng khẽ.

[19] Đọc thêm bài viết "The science behind why a minute can last forever, and a year can pass in a moment" của GS Michael Flaherty trên trang này chẳng hạn https://www.weforum.org/agenda/2017/01/the-paradox-of-why-you-feel-time-either-flies-by-or-crawls. Các tình huống tiêu cực như sự chán nản, sự ngã lòng, sự buồn rầu, sự phiền muộn (~ depression/A) cũng tạo ra cảm giác thời gian đi chậm lại hay ngừng hẳn, bạn đọc có thể tham khảo bài viết https://psychcentral.com/news/2015/03/13/depression-influences-perception-of-time/82277.html tóm tắt các kết quả nghiên cứu về tâm lý con người liên hệ đến hiện tượng này. Dấu ấn của hiện tượng tâm lý này còn để lại trong bài hát "Nửa đêm ngoài phố" của nhạc sĩ Trúc Phương: "Ngày buồn dài lê thê...".

[20] Câu tục ngữ HV nổi tiếng - có nghĩa là một ngày trong nhà giam/tù thì dài bằng nghìn năm ở bên ngoài - hàm ý thời gian đi rất chậm khi ở trong tù. Cũng là tựa đề một bài thơ của nhà ái quốc Phan Chu Trinh (1872-1926).

[21] Đến cuối đời, khi đến Ba Tư (Persia), LM de Rhodes vẫn cố gắng học tiếng Ba Tư để giúp việc truyền đạo CG ở đây: đây là ngôn ngữ thứ 13 mà ông đã đọc và viết được - xem bài viết liên hệ trang https://www.medicographia.com/2015/06/a-touch-of-france-and-vietnam-2/.

[22] LM de Rhodes đặc biệt chú ý đến thứ tự chữ (ordre des mots/P) - ông đưa ra các thí dụ: Thầy bao giờ đi so với Thầy về bao giờ trong mục động từ và thì của BBC; mầy cười so với cười mầy, tôi mến Chúa so với Chúa mến tôi trong hai luật về ngữ pháp trong BBC. Trong VBL, ông đưa ra các cách nói: Bao giờ đến so với đến bao giờ, Mười hai so với hai mươi, Tháng ba so với ba tháng, Mười bảy so với bảy mươi, Mười tám so với tám mươi, Mười sáu so với sáu mươi ...v.v...

[23] Ý kiến của George Millo Ayancan cũng giống như sự ghi nhận của Jack Halpern - xem thêm chi tiết trên trang       http://www.vietlex.com/ngon-ngu-hoc/150-TIENG_VIET_CO_PHAI_LA_MOT_NGON_NGU_KHO_KHONG. Thật ra vấn đề không thật đơn giản như anh George hay anh Jack tưởng: thí dụ đang không thể dùng cho các động từ chỉ nhận thức như biết, quen, nhận, hiểu ... Đối với một người bản xứ thì cách dùng đã ăn thì lại khác hẳn với ăn đã, cũng như đã không hoàn toàn chỉ hành động vào thời quá khứ như đã tham thì thâm (ca dao), đã là người Hà Nội thì phải thanh lịch (khẩu ngữ), đã bước ra khỏi cửa là em phải mang kính râm để sau này đỡ loá mắt (trích từ bài viết của Trần Kim Phượng, xem nguồn trích trong phần 4) …v.v…

[24] Việt Nam Văn Phạm - NXB Lê Thăng (Hà Nội) 1940 - mục 235 – 241 (các thì quá khứ, hiện tại và tương lai) và mục 267 (trạng tự chỉ thời gian).

[25] Thí dụ như các GS Robert B. Jones Jr và Huỳnh Sanh Thông trong cuốn "Introduction to Spoken Vietnamese" NXB American Council of Learned Societies (Washington) in năm 1957, tái bản 1960 ...

[26] "Thì và Thể chỉ có trong hoạt động ngữ pháp của động từ, nghĩa là trong khi động từ tham gia vào truyền đạt một nhận định. Nếu xét theo cái nghĩa như thế, thì tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, tất không có phạm trù ngữ pháp (Thì, Thể)" trích từ bài 'THỜI và THỂ trong tiếng Việt: nhìn từ hai phía NGỮ PHÁP và TÌNH THÁI' GS Đinh Văn Đức (xem nguồn trích trong phần 4).

 

Nguyễn Cung Thông
Số lần đọc: 1982
Ngày đăng: 16.06.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng con và cái (phần 14) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5B) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột cho đến vật âm mình! (phần 13) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về tiếng Việt - Nguyễn Cung Thông
Chánh Tả Việt Ngữ với hai phụ âm đầu d/gi(1) - Phan Văn Thạnh
Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes (phần 2) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về tên gọi và cách đọc (phần 11) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài suy nghĩ về ‘Phép Giảng Tám Ngày’ (phần 9) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6) - Nguyễn Cung Thông
Cùng một tác giả