Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.103
123.229.892
 
Kí sự ngã sáu
Phạm Lưu Vũ

Có lẽ không người Việt Nam nào là không biết đến truyền thuyết về Đức Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), người có công đuổi giặc Ân trong những buổi bình minh của dân tộc. Truyện kể rằng Thánh Gióng lên ba tuổi, nghe tiếng loa truyền kêu gọi người có tài ra đuổi giặc. Chú bé lên ba ấy nhờ mẹ ra gọi sứ giả vào mà bảo rằng: “về bảo nhà vua may cho ta một bộ giáp sắt, đúc cho ta một con ngựa sắt, một ngọn giáo sắt...” Sứ giả mừng rỡ vì đã tìm được kì nhân. Chú bé sau khi nói câu đó bỗng lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cơm cũng không đủ no. Gạo nhà không đủ, cả làng phải cùng nhau góp cơm... Khi sứ giả mang giáp sắt, ngựa sắt... đến thì chú bé bỗng vươn vai đứng dậy, thành ngay một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc giáp sắt, nhảy lên lưng ngựa sắt, ngựa hí vang trời, vừa phun lửa, vừa xông vào giữa đám giặc. Tráng sĩ đánh đến khi gãy ngọn giáo sắt, bèn nhổ cả bụi tre bên đường làm vũ khí... Giặc Ân nhanh chóng bị quét sạch. Tráng sĩ ngay sau đó cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời...

 

            Khoan hãy nói đến những dấu tích còn lại của truyền thuyết. Riêng cái việc đánh giặc xong lại lập tức cưỡi ngựa về trời của Đức Phù Đổng Thiên vương ấy là một việc chưa ai làm nổi xưa nay. Không biết truyền thuyết kia sinh ra trước hay sau vị Lão Tử đời nhà Chu bên Tàu (câu chuyện thì chắc chắn có trước). Nếu sinh ra trước thì (biết đâu), chính Lão Tử lại chẳng “căn cứ” vào đấy khi ông viết: “bậc Thánh nhân:... Làm mà không cậy công / Thành công mà không ở lại / Vì bởi không ở lại / Nên không bị bỏ đi.” (Lão Tử - Đạo Đức Kinh). “Không bị bỏ đi”! đúng là Ngài đã trở thành Đức Thánh Gióng trong cõi lòng của muôn đời dân Việt. Thế là cái triết lý: “công toại thân thối...” (công thành, thân rút lui...) ấy của bậc triết gia siêu quần bạt chúng người đời Chu kia, thực là đã trùng hợp với tư tưởng (hay mơ ước?) của người Lạc Việt trong truyền thuyết bất hủ của mình.

 

            Những ai bây giờ ngồi trên chuyến tàu Hà nội đi Yên Bái, Lào Cai, ngang qua vùng Thạch Lỗi, Phúc Yên... Nếu để ý, sẽ thấy những ao chuôm tròn vành vạnh, cách đều nhau liên tiếp dọc hai bên đường tàu. Người ta bo đó là những dấu chân ngựa của Đức Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân còn lưu lại đến ngày nay. Và đặc biệt vùng quê hương Phù Đổng của Ngài, có một loại tre mà thân cứ vàng óng. Đó là giống tre mà ngày xưa, bị con ngựa truyền thuyết kia phun lửa làm cháy đỏ cho tới tận bây giờ. Giống tre ấy có tên gọi hẳn hoi, hình như là tre “Đằng ngà” thì phải.

 

            Những bậc mở nước phưng Nam xưa cũng không quên cội nguồn đó của dân tộc. Và thế là, ở một nơi trung tâm Sài gòn, không biết từ bao giờ (hình như trước 30/4/75), đã dựng lên một pho tượng (gọi là) “Phù Đổng Thiên vương”. Nơi đặt pho tượng ấy là một ngã sáu có tên gọi ngã sáu Phù Đổng. Pho tượng màu xám đen dãi dầu sương gió, tạc một chú bé (đúng là chú bé) cởi trần, ngồi (thẳng) trên lưng ngựa, tay giương lên một đoạn... gốc tre. Tại sao lại cứ phải là chú bé mà không là một tráng sĩ lẫm liệt hẳn hoi đang đuổi giặc (hoặc đang bay lên trời)? Mặc dù đúng là mới lên ba, nhưng đã kịp vươn vai thành tráng sĩ rồi kia mà?. ấy là chưa kể bao nhiêu nồi cơm của dân làng gom góp, chẳng lẽ ăn vào mà không “lớn” nổi hay sao? Rồi còn bộ giáp sắt đâu sao không mặc, lại cứ trần trùng trục thế kia?... Giá cụ Nguyễn Khuyến còn đến bây giờ, chắc cụ lại bảo là bị... ăn bớt. Chứ ai cũng biết ý tưởng của tác giả pho tượng muốn “trung thành” với truyền thuyết, muốn cho mọi người nhớ rằng “tráng sĩ” mới... lên ba(!). Nhưng lại chỉ “trung thành” với tí ti phần đầu câu chuyện, khi chú bé còn nằm ở trong nôi(!). Hay là muốn “nhấn mạnh” rằng xứ sở này trẻ lên ba đã phải đánh giặc, đã biết đánh giặc?... Người viết bài này không tìm thấy cái “triết lý” ấy trong truyền thuyết tí nào. Như thế thì khổ quá, bởi hoà bình (ở nơi này) hẳn là mong manh lắm vậy thay?

 

            May mà một pho tượng, dẫu có làm bằng đá, dẫu đặt ở nơi đông người qua lại hàng trăm năm... thì cũng khó mà thay đổi được truyền thuyết. Đức Thánh Gióng vẫn là một tráng sĩ hùng vĩ đến muôn đời trong tâm khảm người Việt. Nếu có thắc mắc, thì có lẽ cũng chép miệng mà rằng: pho tượng bé nhỏ, tủn hoẳn kia chắc là... tạc nhầm ai đó thôi. Mới hay để tạc nên một pho tượng, có khi không phải chuyện khó khăn. Cái chính là có “tạc” được một truyền thuyết, hay một huyền thoại vào trong lòng người như lịch sử ngàn năm đã làm được hay không?

            Về sau, có kẻ cảm khái câu chuyện ấy, nhân “rách việc”, bèn làm thơ “vịnh” pho tượng kia như sau:

Áo giáp vua ban chưa kịp mặc?

Bao nồi cơm góp chẳng kịp ăn?

Cởi trần vác gậy trên lưng ngựa

Mà vẫn còn nguyên chú bé con?

 

Truyền thuyết còn đây! Tráng sĩ đâu?

Tre ngà cháy đỏ tận bây giờ

Sao người tạc tượng vô tình thế

Quên cả cơm làng, cả áo vua!

 

-Ăn cơm nhà... (25)

Sài gòn tháng 4/2005

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3618
Ngày đăng: 29.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn cơm nhà... (phần 23) - Phạm Lưu Vũ
(Lại (lạm) bàn về Dịch) - Phạm Lưu Vũ
“HAI LÚA” học FULBRIGHT - Hồ Hùng
Ăn cơm nhà... (phần 20) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 18 - 19) (Trích Quốc văn Tây du dị bản) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 16) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 17) - Phạm Lưu Vũ
Bông điên điển - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 13) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 14) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)