Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.225.681
 
Đọc “Hoa cỏ may” của Vũ Thắng
Nguyễn Tiến Nên

 

          (Đọc tập thơ “HOA CỎ MAY” của Vũ Thắng

            Nhà xuất bản Thuận Hóa - 2018)                                                           

 

      Vũ Thắng tên thật là Võ Đức Thắng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Tốt nghiệp ngành Hàng hải Việt Nam với tấm bằng Thuyền trưởng hạng hai, anh về công tác ở Viện Nghiên cứu Biển. Gần bốn mươi năm gắn bó với biển cả, hiện anh sống và viết tại quê nhà, thôn Mỹ Lộc Thượng, xã An Thuỷ (Lệ Thuỷ). “Hoa cỏ may” là tập thơ thứ ba, sau “Vĩ độ không” năm 2008 và “Mũi Hào vọng” năm 2011, cùng nhiều truyện ngắn và thơ đăng trên các báo, tạp chí…

      Vốn sống giàu ân huệ, lúc nào anh cũng thấy mình mắc nợ cuộc đời. Lật mở tập thơ được khởi viết từ tuổi sáu mươi (2012) để nghe anh tâm sự: “Ta lớn lên từ dòng nước của sông/ Từ tiếng hò đôi bờ đêm thanh vắng/ Từ cái nắng hanh vàng mùa gặt/ Nghe nhịp thở trong tình yêu khao khát/ Nợ sông rồi!/ Nên trăn trở cùng sông!” (Tâm sự với sông). Một kiểu mắc nợ khác, mắc nợ những linh hồn hóa đá, những người mẹ mòn mỏi trên bậc cửa: “Người đàn bà ôm chiếc áo cuộn tròn cũ rách/ Đong đưa áp vào bộ ngực xép lẹp/ Lời ru man dại/ Đờ đẫn xoay xoáy màn đêm…/ Người đàn bà/ Cười mê/ Hát ru/ Đón từng đứa con trở về (Trên bậc cửa). Và, gì nữa đây: “Suối tóc em trong gió thổi/ Hoá trắng màu cỏ lau! (Hoa cỏ lau).

     Thơ Vũ Thắng trong tập “Hoa cỏ may” đa trạng thái cảm xúc: Tâm sự, độc thoại, tự tình, mơ, say, chờ, hẹn, nhớ, tiễn, ngậm ngùi, lặng nghe, giã từ, hờn dỗi… Người đọc cũng dễ thấy trong thơ anh sự góp mặt của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; của ngày, đêm, sớm, chiều, bình minh, hoàng hôn… giàu hình ảnh và giọng điệu vùng miền. Có thể gặp anh ở phía bắc như Hà Nội, Văn Chấn, Mường Lò, hay phía nam như Sài Gòn, sông Tiền, Bạc Liêu, đến cả Gành Hào một thị trấn nhỏ. Từ miền núi A Lưới đến miền biển và đồng sâu quê hương Lệ Thủy của anh. Phải chăng, đó chính là những trải nghiệm, hoài vọng cùng đớn đau của người thơ trước biển cả và biển đời: “Cuồng phong đi qua/ Tàn phá mồ hôi nước mắt/ Xóm làng đau vật vã/ Trắng vành khăn tang tóc trên lớp sóng biển trùng trùng/ Độc thoại gió/ Những đám mây đen mặt nạ/ Thay đổi/ Khó lường” (Độc thoại). Ta còn gặp giọng điệu khá bất ngờ của anh ở một cái “tít” đầy trắc ẩn “Qua nghèo”. Bổng dưng anh nhận đồng hương công tử Bạc Liêu, để rồi “nghĩ mà buồn trong bụng”, khi nhận ra chỉ “tại qua nghèo”: “Hổm rồi qua ngó ảnh em/ Ngó cái lúm đồng tiền/ Mèng đéc ơi/ Dễ thương chi lạ/ Con người qua toàn mùi bùn múi cá…/ Cả xẻo ni ai cũng biết qua hiền…/ Thời gian qua qua lại riết cũng mòn đường…/ Nghĩ mà buồn trong bụng…/ Tại qua nghèo, mà em thì cần ai-pát, ai-phôn gặp người yêu trên mạng” (Qua nghèo). Trong vai người thợ vẽ, anh bộc lộ nội tâm qua một cái “tit” khá đối lập và hai bức tranh: “Quê nghèo là tiếng gà eo óc khi sương bắt đầu giăng trên mái tranh/ Tiếng con bìm bịp trong lùm cây gữa cồn nổi bốn bề sóng nước/ Tiếng mái chèo nặng nhọc cố đẩy con thuyền đi buổi chợ xa…/ Phảng phất trong gió hương chanh vườn nhà ai đơm hoa kết trái/ Mùi bùn ruộng lúa, tiếng cá quẫy đuôi/ Bình minh lên tiếng nghé gọi đàn…”. Ai từng dồn cả thân mình lên mái chèo, đưa mồ hôi về kịp buổi chợ Trạm, chợ Tréo… càng đồng cảm với anh hơn. Bức tranh quê càng đẹp và đáng yêu bao nhiêu, thì khi bức tranh thứ hai xuất hiện: “Ánh đèn đủ màu giăng trên tầng cao ốc/ Âm thanh hỗn loạn lấn át ráng chiều xa/ Con chim về tổ lạc trôi/ Bức ảnh hoàng hôn chỉ để treo trong phòng ký ức/ Bức tranh hiện thực nét bút chọc trời/ Cô gái khỏa thân/ Nghệ thuật” (Bình minh hoàng hôn). Lẽ thường, sau những tháng năm rong ruỗi, nếm đủ mặn mòi, ai cũng bồi hồi khi tìm về tuổi thơ, tìm dấu chân mình trong bùn phèn một thuở. Tôi yêu cách thể hiện của Vũ Thắng: “Ơi câu hát một chiều gió lộng/ Ta ngồi nghe, nghe chính nhịp tim mình/ Đã bao lâu rồi em nhỉ/ Trời quê hương xanh thắm lạ thường” (Về lại chính mình). Thế đó, anh khéo léo thâu tóm từ “dáng mẹ tóc điểm sương-còng lưng sàng từng hạt gạo-cha vác cuốc ra đồng-cây khế đều đặn trổ bông…”. Rồi “hai đứa mình chung sách-em chụm đầu hương hoa bưởi nồng nàn”. Anh còn tự thú “trưa nắng dội trước thềm-em gội đầu chải tóc-con gái tuổi dậy thì-anh len lén nhìn sang”… Anh gom về bằng “chính nhịp tim mình” và dĩ nhiên, trước khung cảnh “trời quê hương xanh thắm lạ thường” thì nhịp đập ấy càng xốn xang, rộn rã… Ở một bức tranh khác không kém nét ẩn dụ: “Suối em mềm như dãi mây hồng vắt ngang phố/ Môi Mường Lò chúm chím/ Áo Mường Lò kín hàng khuy ngực nở bung núi đồi/ Rượu Mường Lò say từ trong say ra…” (Nhớ Mường Lò).

       Như người khách giữa phiên chợ cuối năm, phiên chợ đời người khi chiều tà xế bóng: “Ta mua gì?/ Khi năm cùng tháng tận…/ Suốt một đời ta thanh thản/ Đại dương là bạn/ Thơ phú là tình/ Manh áo miếng cơm/ Ta mua bằng mồ hôi nước mắt/ Ngay cả thời gian/ Ta phải mua bằng những đêm thức trắng…/ Và một chút khoảng lặng cuộc đời/ Thôi đành mua của chính ta” (Phiên chợ cuối năm). “Suốt một đời ta thanh thản” là vậy, thử hỏi mua đâu cho bằng là “mua của chính ta”. Anh từng tự sự: “Ta lênh đênh một đời biển không bao giờ cạn/ Bão tố khoét bờ, đảo chìm đảo nổi gian nan…/ Có những đêm biển đen như mực/ Lòng ta vẫn sáng niềm tin” (Tự tình). “Và trái tim anh hừng hực khao khát! Khao khát gì ư? Tình người trong hoang tàn tro bụi, trong định mệnh kiếp nhân sinh, trong mưa rơi gió giật” (Hà Nội - biển - và em bây giờ).

      Một người vừa buông vô-lăng, xa rời chiếc la bàn và những tấm hải đồ… sau hàng chục năm tri kỷ, trở về với một trái tim hừng hực khao khát. Cái mà thi sỹ khao khát đó là tình người, tình người trong những tình huống khiếm định của kiếp nhân sinh càng đáng quý thay. Có lẽ vì đó, sắp vào ngưỡng “thất thập” nhưng bút lực của anh vẫn sung mãn. Sau ba tập thơ và tập truyện ngắn sắp ra đời, Vũ Thắng còn là tác giả của 10 ca khúc, riêng “Lệ Thủy mùa lúa chín” đã được Nhà hát “Trống Đồng” thành phố Hồ Chí Minh công diễn. Hồn trong nhạc, tình trong thơ Vũ Thắng luôn đồng điệu với chất sống sôi nổi, say sưa. Bởi tình yêu thuỷ chung của anh vẫn da diết và trái tim luôn mang nhịp đập nóng hổi của quê hương xứ sở.

                                                                                     

                                                                                               

 

 

 

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 1603
Ngày đăng: 22.08.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai câu ca dao về Mẹ - Nguyên Lạc
Cảm đọc Gã Khờ trong “Mộng mị” của Nhụy Gialai - Đặng Xuân Xuyến
Du Tử Lê, Mẹ về Biển Đông - Nguyễn Đức Tùng
Bài 22: Nguyên Bình với tập thơ “Hoa vàng trên áo xanh” - Hoàng Thị Bích Hà
Tiếng tơ lòng trong thơ Nguyễn Khoa - Hoàng Thị Thu Thủy
Hải Âu không cô đơn - Nguyễn Thanh Huyền
Cảm nhận về tập thơ « Huế trong tim tôi » của tác giả Hoàng Uy Di - Hoàng Thị Bích Hà
Cảm nhận về thơ Trần Hồng Tâm - Hoàng Thị Bích Hà
Nơi ấy là kinh thành cổ tích: Thử khám phá chân dung thơ Nguyễn Nguyên Bảy * - Nguyễn Anh Tuấn
Lũ buồn hoang và những ám ảnh kiếp nhân sinh - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)