Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.210.504
 
Dọc đường văn nghệ (Phần 41) Phạm Chu Sa – nhà thơ của Sóng Ngầm vẫn còn đó
Trần Dzạ Lữ

 


Tôi quen Phạm Chu Sa từ năm 1973 lúc ghé thăm toà soạn tuần báo Tuổi Ngọc.Lúc này anh ở trong ban biên tập của báo và đã viết nhiều trên Vấn Đề,Văn, Khởi Hành…Nhưng thực sự gần gũi là sau biến cố 75.Cũng như các bạn cùng thời” cơm áo không đùa với khách thơ” PCS cũng lăn ra kiếm sống ở chợ trời.Và nổi tiếng ở khu Nguyễn Thông khác chi một Lương Sơn Bạc…Ấy là nhờ vào cái đầu biết dẫn dắt trái tim lục tung cuộc sống.Cho nên thời gian này, bạn bè cũ tụ hội ở đây với anh mà không áy náy.Khi cà phê, thuốc lá.Lúc là những chầu nhậu thân tình thực sự cho dù thời gian có cuồng bạo , gió muộn phiền thị phi bất chợt ngang qua...Anh vẫn lồ lộ trái tim của tình văn nghệ không biên giới…Nhưng…hoa nở có lúc tàn.Ngọn đèn trong bão dữ cũng phải tắt.Phạm Chu Sa trấn ngự ở Nguyễn Thông được một thời gian rồi cũng phải cuốn gói tìm kế sinh nhai khác.Mở quán bán đủ thứ rồi cũng dẹp tiệm.Lại thấy anh làm báo Thanh Niên,Gia Đình và Xã Hội… phụ trách trang văn nghệ, làm phóng viên.Mấy năm rồi cũng phải giã từ.Anh lại mở quán nhậu.Thời gian mở quán nhậu và bán cà phê nhiều hơn thời gian làm báo.Từ quận 1, qua quận 3 , chạy lui chạy tới rồi cũng không trụ lại được.Những nghề bất đắc dĩ này có lẽ anh đã hết duyên.Anh lại đi tìm đất khai hoang, trồng cây ăn trái đâu gần, Định Quán, Đà Lạt gì đó.Cũng thất bại.Đời anh như những đợt sóng ngầm tuôn vào bờ, lại dội ra.Mấy năm sau này tôi không còn gặp anh, chỉ nghe bạn bè nói lại anh đã “gác kiếm giang hồ” sống ẩn dật đâu bên quận 2 với người vợ sau cùng.Thôi.Mài nhẵn đời mình rồi sống ẩn cũng là một cách thế.Dù gì tôi vẫn tin Phạm Chu Sa không bao giờ bỏ Nàng Thơ bởi lỡ mang” kiếp tằm phải nhả tơ…”
Tiểu sử PHẠM CHU SA
Tên thật: Phạm Đình Thống
Sanh năm 1949 tại Bình Định, Trung phần VN

Cựu sinh viên ĐH Vạn Hạnh
Trước 1975,cộng tác với Tuổi Ngọc, Vấn Đề, Văn, Khởi Hành…
Sau 1975, làm nhiều nghề kiếm sống, rồi làm Phóng viên, Biên tập viên các báo:Thanh Niên, Gia Đình& xã Hội;Phụ trách phía Nam tạp chí Ngày Nay ( Hiệp Hội UNESCO-VN).Cộng tác với các báo, tạp chí: Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Phụ Nữ TP.HCM, Kiến Thức Ngày Nay, Xưa &Nay …
Thơ đã xuất bản:
-Những nụ tình xanh, NXB Đồng Dao (1972) 
-Qua đồi sương phủ, Tác giả XB (tháng 2-1975)
-Một nửa, NXB Thanh Niên (2011)

THƠ PHẠM CHU SA
BÀI CA CHIM NHỎ
Con chim nhỏ bay về hong nắng ấm
Dưới sân nhà hoa sứ rụng bâng khuâng
Trong hồn tôi những mùa xanh lay động
Một hôm kia chim nhỏ ngậm môi hờn

Chim cũng biết hát sầu ca tuổi trẻ
Đậu trên cành thơ ấu trái sầu đau
Những nụ cười vội vã tan theo nhau
Như khói thuốc ủ vàng tay kỉ niệm

BẮC PHƯƠNG HÀNH
Trời cao gió thấp ngăn mây đục
Đùn quanh trí nhớ một vì sao
Rừng đêm thoắt chốc đầy men rượu
Rượu ngát mùi hương một thuở nào

Đêm cũng dậy mùa xanh ký ức
Những mùa đời tiếp nối chìm sâu
Khi ta nhìn lại ngàn xanh ngắt
Đời đã buồn như một giấc sầu.

Những nụ xanh liền tay quá khứ
Trên đồng xanh bát ngát thương yêu.
Hãy nở ôi cành non lộc mới
Vươn cao trên đổ nát tiêu điều.

Những tình thân cũ theo chiều tắt
Bếp lửa thời gian cũng lụi tàn
Đứng đây ngó lại nhân gian lạnh
Sầu suốt thời gian qua mênh mang.

TRƯỜNG SƠN HÀNH
Núi chẻ đèo cao rừng thăm thẳm
Núi tiếp rừng xanh nắng trải thảm
Chân bước dò trên xác lá khô
Hồn mở vào cửa mộng hư vô.

Đi về một phương trời thẳng đứng
Bước lên lịch sử máu xương dựng
Sá gì rừng thẳm đèo quanh co
Ngại gì một bóng đời chơ vơ.

Lá rừng ai đốt khói hiu hắt
Khói làm nhớ nhung, khói cay mắt
Rừng dạt ngày tàn mưa xa khơi
Người tan thành sương khói chơi vơi.

Sầu nối mây chiều giăng lớp lớp
Mưa trắng rừng xanh trời đất ngợp
Nỗi nhớ dâng tràn mùa sương buông
Bời bời lắng đọng tiếng quê hương.

MỘT NỬA
Quá nửa đời anh đi tìm một nửa
Một nửa nào thất lạc của anh xưa
Khi tìm được thì nửa anh vụn vỡ
Nên làm sao ta ráp lại cho vừa

Hàn gắn lại, em ơi, đời tạm bợ
Một chiều say, một tối tỉnh, một khuya buồn
Một tiếng hát, một giọng cười khúc khích
Cũng tràn đầy cả hạnh-phúc-đau-thương

GỬI EM MỘT NỤ TÌNH XANH
Này em yêu
Anh muốn kể em nghe
Điều anh vừa khám phá ra chiều nay
Có niềm vui vỡ tràn trong tim
Chạy nhảy trên rừng cao biển rộng
Bay lượn khắp bầu trời xanh
Niềm hạnh phúc vô bờ
Hòa nhập trong cây cỏ
Như gió như mưa như khí trời như ánh sáng
Nhìn mặt nhau sớm mai
Tình lên cao vời vợi
Anh cũng vừa khám phá ra chiều nay
Có nỗi buồn sâu như biển xanh rộng như vũ trụ
Chìm lắng tận đáy hồn
Len trong từng hơi thở
Nỗi buồn òa vỡ chiều thác lũ
Chiều mưa rưng rức sầu trên hàng cây trên môi mắt
Đêm mưa trỗi nhạc mưa đong đưa bài ca mộng ảo
PCS
Khép lại bài viết về nhà thơ Phạm Chu Sa, mời ace đọc nhận định của thi sĩ Du Tử Lê về anh như sau:
“…Và người đọc đã bắt gặp một cái gì đó, một cái gì chỉ có thể nhìn như một Phạm Chu Sa.Một cái gì không thể mang tên gọi khác.Những giòng bảy và tám chữ của ông mang cái ngọt ngào của khuyến dụ, của dỗ dành, của nâng niu, ve vuốt, nhưng ẩn sau những dỗ dành kia, mặt trái của nâng niu đó có một chút gì chua xót, chút gì đắng cay lẩn khuất.Tôi muốn ví những giòng thơ này như một dòng sông, một dòng sông xanh nhưng dưới đáy lại ẩn sẳn khá nhiều sóng ngầm…
Có thể ngay chính y, gã thi sĩ, y cũng chẳng hiểu được như một bài toán ra đáp số về những gì y đã viết.Thi sĩ, tên lừa bịp, gã phỉnh phờ đáng yêu và đáng thương.Y đáng yêu ở chỗ y thành thực( ít ra y thành thực trong lúc đó) với chính y.Và nói như thế có khác chi, thi sĩ, tên nạn nhân đầu tiên của chính những phỉnh phờ gạt gẫm nọ !Phạm Chu Sa cho chúng ta, cho người đọc, sau khi đã cho chính ông, khá nhiều phỉnh phờ, khá nhiều gạt gẫm, nhưng ở bên cạnh cái phỉnh phờ đó, vẫn thấp thoáng cái mà tôi coi như là phần tạo thêm cái cá biệt của thơ ông.Đó là ý thức.Một ý thức não nùng buồn bã.Cái ý thức bần hàn của những bước chân đi, của những tiếng dội đập từ những cánh chim nào trên vòm trời bi thiết.
…Cái bất toàn của gã thi sĩ, cái phỉnh phờ, gạt gẫm của y, còn được cả một lớp bóng tối bao trùm, phủ kín.Đêm.Phải.Tôi muốn nói tới đêm trong thơ Phạm Chu sa, như một dấu hỏi( lại một dấu hỏi) được đánh xuống những giòng thơ chảy xiết trên một triền dốc thảm phiền.Và câu hỏi cũng chỉ là câu hỏi( như một cách nói ) gửi vào trong đêm, trong bóng tối, dưới những cành hoa sứ, trong những phố sầu bó rọ.
Xin cảm ơn gã thi sĩ ngây thơ.Và chúng ta hãy chia xẻ cùng y những bất toàn làm nên y đó.


DU TỬ LÊ ( 1973)

( SG 25.8.2019)
Hình 1: Nhà thơ Phạm Chu Sa
 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 1655
Ngày đăng: 31.08.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 40) Viêm Tịnh – Nhà thơ riêng một góc trời… - Trần Dzạ Lữ
Một Chút Hoang Dã Cuối Tuần - Phạm Nga
Vượt qua nghèo khó “Nghị lực phi thường của một con người bình thường” - Hoàng Thị Thu Thủy
Một tiếng kêu “Thầy” (Bài 2) - Phạm Nga
Người đàn ông đi về phía biển - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ ( phần 38) Nguyễn Minh Nữu – nhà văn của niềm đam mê cháy bỏng - Trần Dzạ Lữ
Một tiếng kêu “Thầy” - Phạm Nga
Sa Pa Du Ký - Giang Hiền Sơn
Vẫn Chuyện Trên Tàu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Bữa cơm bình dân đường phố - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)