Đang thân, bỗng lạnh mặt mày
Lạ xa, thoắt cái bắt tay hẹn thề
Ngưòi chậm đến, kẻ sớm về
Chốn đây đã thuận, nẻo kia lại dừng.
Ngưồi chọn rồi. Ta chọn không?
Rốì tung đen đỏ, chơi cùng quỉ ma
Ta chọn người. Ngưòi chọn ta
Ngọt vào khoảnh khắc, đắng ra một thời.
Cái rủi may bám kiếp ngưòi
Lắm trang nghiêm đến từ nơi cợt đùa
Thấp: cạn nắng, cao: trũng mưa
Đây dư đòn phạt, kia thừa lộc khen
Gió lùa thêm lẻ loi đêm
Ngủ nơi xóm cạnh, thức miền xa xôi.
Ngưòi chọn ta. Ta chọn ngưòi
Tỉnh thành đã hẹp, đường đời vẫn xa./.
(Phạm Đình Ân - Tạp chí Thơ số 6-2003)
Con người đi qua bao thế kỷ cùng câu hỏi mà Hămlét đã nêu lên Sống hay không sống? Và nếu sống thì sống thế nào giữa hai phân cực: tốt - xấu. Nhân loại đã chọn, phải sống và đi về phía Cái Tốt dẫu mỗi bước đi mỗi trầy trật! Đó là chọn cách sống, còn chọn thời nào để sống? Nửa thế kỷ trước Chế Lan Viên đã chọn cho chúng ta, thời chiến đấu chống xâm lăng bảo vệ Tổ quốc là thời đẹp nhất đáng sống nhất! “Chọn thời mà sống chăng? Những ngày Ta sống đây đẹp hơn tất cả, Dù mai sau đời có muôn vạn lần hơn” ( Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?)
Rời khỏi quá khứ, trở về thực tại Phạm Đình Ân không thể chọn thời mà sống, anh phải sống với thời nay và chỉ có quyền chọn cách sống. Trong tâm thức tác giả luôn hướng về cái thật, bất bình với những nghịch lý nhưng nhập vào cuộc sống này thật khó khăn khi nhiều lúc nhiều nơi cái xấu cơ hồ lấn át điều thiện.
Cuộc sống trong cảm nhận của tác giả nhiều nghịch lý: Cái thật, cái giả sao mà lẫn lộn nhiều đến vậy. Thân đó mà xa đó, thuận ở đây nhưng dừng ở kia Đang thân, bỗng lạnh mặt mày/ Lạ xa, thoắt cái bắt tay hẹn thề .
Đen đỏ rối tung, ngọt đắng vào ra trong khoảnh khắc:
Rốì tung đen đỏ, chơi cùng quỉ ma
Ta chọn người. Ngưòi chọn ta
Ngọt vào khoảnh khắc, đắng ra một thời.
Đúng như ai nói trong thế giới này " họ luôn là một kẻ khác”, "con người hai mặt” không hiện hữu lẻ loi.
Cuộc sống không chỉ lẫn lộn thật giả mà còn đầy những nghịch cảnh, Thấp: cạn nắng, cao: trũng mưa/ Đây dư đòn phạt, kia thừa lộc khen. Cái phi lý "kẻ ăn không hết người làm không ra”, "nước chảy về chỗ cao” một thời tưởng đã lùi xa nay lại xuất hiện. Con người không còn tin vào quy luật, tin vào bản chất cuộc sống mà chỉ còn tin vào số phận vào rủi may. Cái rủi may bám kiếp ngưòi - một thức nhận mà Nguyễn Du đã bao lần thốt lên cay đắng và bất lực!
Đi trong thân phận Người, tác giả trở đi trở lại với một nỗi cô đơn, một nỗi bâng khuâng: Gió lùa thêm lẻ loi đêm …Tỉnh thành đã hẹp, đương đời vẫn xa, băn khoăn một câu hỏi về nhân thế, về thời đang sống.
Nghịch lý đã thấy nhưng câu trả lời tác giả vẫn cảm thấy mơ hồ, xa xôi. Một cảm nhận, một băn khoăn về lẽ sống, chính xác hơn một câu hỏi mang màu sắc triết lý về nhân sinh. Xin ai chớ vội trả lời hoặc nghi ngờ về nhận thức của tác giả. Đây là một câu hỏi vĩnh hằng về cuộc đời và con người mà tác giả chỉ nêu lên cụ thể trong một giới hạn hẹp ám dụ về không gian và thời gian : Ngưòi chọn ta. Ta chọn ngưòi / Tỉnh thành đã hẹp, đường đời vẫn xa để cảnh tỉnh con người. Xa nhưng không có nghĩa là không có và chúng ta không nhi ngờ về lòng tin vào mặt sáng cuộc đời của tác giả.
Bài thơ có nét mới ở câu, chữ nhưng cái đáng nói nhất nằm ở chỗ tác giả bằng một lối nói giản dị, dân dã đã thể hiện khá tinh tế nỗi băn khoăn của con người về đời sống hiện hữu./