Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.214.342
 
Lại nói về Ba Tàu và các Chú
Thiếu Khanh

 

 

 

Trong một bài viết, “Cớ sao gọi người Trung Quốc là “Tàu”!” đăng trên website báo Người Lao Động (https://nld.com.vn/tieng-viet-tinh-tuy/co-sao-goi-nguoi-trung-quoc-la-tau-20141122214910842.htm), tác giả, học giả An Chi cho rằng (trích) “Tàu là một yếu tố Hán cổ và trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt còn có nghĩa là “xe”. Tàu (trong tàu bè) là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “thuyền”. Chữ tào này cũng thông với chữ tào , mà theo biện luận của Lưu Quân Kiệt trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) thì đều còn có nghĩa là “xe”. Cái nghĩa “xe” của từ tàu vẫn hiện hành trong tiếng Việt. Cứ so sánh tiếng Bắc, tiếng Nam thì thấy ngay. Cái mà trong Nam gọi là tàu thì ngoài Bắc gọi là thuyền. Rồi ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe lửa. Thế là cái nghĩa “xe” đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa (nếu không đi sâu vào từ nguyên thì dễ hiểu lầm đây là cách dùng theo ẩn dụ). Rồi ngược lên đầu thế kỷ XX, cả trong Nam ngoài Bắc đều gọi máy bay là tàu bay. Thế là cái nghĩa “xe”, mở rộng là “phương tiện chuyên chở”, đã nằm ngay trong danh ngữ tàu bay. Cho nên, trong thành ngữ tàu bay tàu bò thì cả hai thứ “tàu” này chẳng qua đều cùng là “xe”. Vậy thì có lẽ ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa Tàu sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi họ là “Tàu” chăng? Nên nhớ rằng họ đã sang ta từ xưa và sang thành nhiều đợt, lẻ tẻ có, thành đoàn có và đây là cả một câu chuyện dài. (ngưng trích)

Ông An Chi nói Tàu có nghĩa là “Xe, thuyền” tôi cảm thấy ngờ ngợ. Tiếng Việt vừa có Tàu vừa có cả Xe. Xe là phương tiện chuyên chở có hay không có động cơ (xe bò, xe kéo…) chạy trên bộ. Các phương tiện chuyên chở khác không chạy trên mặt đất thì kêu bằng Tàu: tàu bay, tàu thủy. Riêng một phương tiện đường bộ vừa tàu lại vừa xe: người Nam gọi là xe lửa; người Bắc gọi là tàu hỏa (có lẽ vì nó không chạy trực tiếp trên mặt đất mà chạy trên đường ray chăng?) Theo cấu trúc từ vựng như ta thấy, Tàu là một từ tiếng Việt có lẽ không liên quan gì đến chữ Tàu của tiếng Hán mà ông An Chi nói. (Tiếng Hán có thể nói hỏa xa, hay hỏa… tàu (!) chớ không nói tàu hỏa!)

Ông An Chi đã nhầm lẫn ngay cả trong tiếng Việt khi nói “Cái mà trong Nam gọi là tàu thì ngoài Bắc gọi là thuyền (!).” Thực ra, cái mà trong nam gọi là Tàu thì ngoài bắc cũng gọi là… Tàu! Còn cái ngoài Bắc gọi là thuyền thì trong Nam gọi là ghe hay xuồng, một dạng nhỏ hơn tàu. Tuy nhiên Thuyền là một từ Hán Việt, cũng dùng chỉ một chiếc tàu trong ngữ cảnh từ Hán Việt, như chiến thuyền là tàu chiến. giang thuyền, hải thuyền là loại tàu quân sự cỡ nhỏ chạy trên sông hay trên biển. (Ngoài ra, phi thuyền chỉ một loại tàu bay ngoài không gian, có lẽ để phân biệt với phi cơtàu bay trong khí quyển)…. Dùng như một từ đơn, thuyền trở thành một từ Việt và đó là một chiếc… ghe.

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo… của Nguyễn Khuyến chỉ là một chiếc ghe, không thể là… tàu được.  

Ông An Chi nói: “Vậy thì có lẽ ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa Tàu sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi họ là “Tàu” chăng?”

Không phải đâu. Trong tiếng Hán có từ Xa nghĩa là Xe. Theo lý luận như vậy, nếu ngày xưa người Tàu qua Việt Nam bằng xe, thì phải gọi họ là người … Xa hay người.. Xe chớ, sao gọi là người Tàu để phải suy diễn “tàu là… xe” cho lôi thôi! Mà bằng chứng lịch sử cũng cho thấy người Tàu, ngay cả các phái bộ sứ giả, sang ta cũng đi bộ, không thấy sử sách nào nói họ đi xe. Mà nếu có thì chỉ một lần duy nhất và họ đi chiều ngược lại, từ Việt Nam về Tàu. Đó là lần Tôn Sĩ Nghị chui vào một cái ống đồng bỏ lên xe chở quân lương cho quân sĩ kéo chạy thoát sự truy đuổi của quân đội Nguyễn Huệ.

Cho đến năm 1945 khi đội quân Tàu phù của tướng Lư Hán sang giảỉ giới quân đội Nhật cũng gồng gánh bồng bế dắt díu nhau đi bộ lang thang lướt thướt như một đám ăn mày. Thế thì bọn Tàu di dân lếch thếch càng không thể đi bằng xe.

Một là xe không phải là phương tiện di chuyển phổ biến ở bên Tàu cho đến đầu thế kỷ XX, làm gì có nhiều xe vào thời thượng cổ!

Thời Chiến quốc người ta quan niệm sức mạnh của quốc gia bằng số xe họ có, một nước “vạn thặng” có vạn chiếc xe thì lớn hơn một nước “thiên thặng” chỉ có một ngàn chiếc xe. Thực ra số xe đó là của triều đình, và là phương tiện chiến đấu trong lực lượng quân sự đi xâm lược nước khác thôi, không phải phương tiện giao thông trong đời sống xã hội. Vả lại, thiên thặng hay vạn thặng chỉ là tiếng thậm xưng, nói vống lên như nói “vạn tuế” chớ không phải có một vạn chiếc xe thực. Vì đâu có ai sống được… vạn tuổi?

Hai, vào thời thượng cổ, xe là phương tiện sang trọng và biểu hiệu quyền lực của vua quan triều đình, ngay cả giới thượng lưu trong dân chúng cũng chưa chắc dám sắm xe (cạnh tranh với vua cho mà mất đầu!), trong khi di dân là hạng dân cùng khổ đi tìm đất sống, làm gì có xe mà đi “sang thành nhiều đợt, lẻ tẻ có, thành đoàn có” như ông An Chi nói đến nỗi thành danh là người Tàu (với nghĩa người di cư bằng xe!) Không lẽ ông An Chi nghĩ dân Tàu di cư bằng… xe đò? Ngay cả khi triều đình của chúng cử binh đi đánh nước ta, chúng cần “thần tốc” và giữ sức khỏe cho binh sĩ mà cũng phải đi bộ hàng tháng trời, quân chưa tới nơi đã có lắm đứa bỏ mạng vì kiệt sức. Tàu (xe) ở đâu ra cho bọn cùng đinh di cư để được gọi là người Tàu?

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huình Tịnh Paulus Của giải thích:

“Tàu: c.n. Thuyền lớn, thuyền đi biển, nước Trung quốc; người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi nước Tàu, người Tàu.

Người Tàu: người có nhiều Tàu, người Trung quốc.

Bên Tàu: bên Trung quốc.”

Giải thích của Đại Nam Quấc Âm Tự Vị có vẻ “nôm na” dân dã, nhưng có lẽ hợp lý và khả thủ hơn. Người ta thấy tàu buôn của họ đi lại ngoài biển thì gọi họ là Tàu, chớ không phải thấy xe hay thấy họ qua Việt Nam bằng xe mà gọi là… Tàu!

Ông An Chi lại “khẳng định rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “cơ quan triều đình”, hiểu rộng ra là “quan”. Trong thời Bắc thuộc, nói chung giới cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là “tàu”, nghĩa là “quan” (sic.)

Tôi động lòng nhớ lại, khi còn nhỏ tôi nhiều lần chứng kiến bọn quân Pháp hành quân càn quét (thời đó chúng gọi là đi pa-trui – patrouille) đến các làng quê, bắt bớ hay sát hại những người chúng nghi là Việt Minh và chúng hãm hiếp phụ nữ. Chuyện này rất phổ biến ở các vùng quê xa thành phố. Dân làng chỉ còn biết quỳ lạy van xin chúng, gọi chúng là “quan lớn,” và bất cứ “thằng Tây” nào kể cả những tên lính “lê dương”[1] người châu Phi da đen rạch mặt, cũng tự xưng quan lớn (qua miệng bọn thông ngôn người Việt). Thế nên tôi nghĩ, từ thời Bắc thuộc người Việt có thể đã gọi bọn Tàu đô hộ là “quan” – nghĩa là … Tàu như ông An Chi nói chăng?

Tuy nhiên, các nạn nhân của bọn lính Pháp trong cơn nguy nan sinh tử dù có quỳ lạy chúng gọi chúng là “quan lớn” để xin chúng tha mạng đi nữa, trong lòng họ vẫn căm hờn chúng; chúng đi qua rồi, người ta lại nguyền rủa chúng, hễ có cơ hội là phục kích giết chúng, chớ có ai thực sự coi chúng là quan lớn cho đến ngày… chúng lên tàu về nước đâu, nói chi đến hàng ngàn năm sau khi người Việt thoát khỏi ách đô hộ của Tàu mà vẫn gọi chúng là quan!

Vả lại, tiếng Hán cũng có chữ Quan để gọi người làm quan, thì việc gì phải gọi và suy diễn tàuquan! Việc gì ông An Chi phải gò ép mọi thứ cho thành Tàu như kiểu gọt chân cho vừa giầy như thế.

Bài viết của học giả An Chi bị nhiều người phản đối trên mạng. Rất tiếc hầu như tất cả chỉ phản đối bằng cảm tính, chỉ bằng trực giác cảm thấy lý lẽ của tác giả không đúng, nhưng chưa ai đưa ra một biện giải nào có tính học thuật chắc chắn. Dù vậy, ta hẵn cứ gọi họ, người Trung quốc, là người Tàu như thói quen trước giờ, hoặc theo như Quấc Âm Tự Vị nói, còn nguồn gốc của từ đó thực sự thế nào cứ tạm để lại chờ các nhà nghiên cứu khác đưa ra thêm những luận giải nào nữa chăng.

Người Việt không những gọi người Trung quốc là Tàu mà còn gọi họ là Ba Tàu.

Tại sao gọi họ là Ba Tàu? Ba Tàu là gì?

Có người, có lẽ biết rõ ngày xưa di dân Tàu không thể đến Việt Nam bằng xe, và tàu là… tàu chớ không phải là xe, cho nên đã cho rằng người Tàu di cư sang Việt Nam bằng… tàu (tức là ghe/thuyền). Vì số tàu khá nhiều, không biết chính xác là bao nhiêu, nên người ta nói đại là… ba tàu, cũng như nói ăn ba hột cơm, nói ba câu chuyện

Lại có thuyết khác nói vì thấy các tàu di dân của người Trung quốc thường đi từng ba chiếc một, hoặc xúm chụm lại nghỉ ở đâu đó từng ba chiếc một để dễ bảo vệ nhau nên người ta mới gọi chúng là người … ba tàu!

Những lý giải khôi hài này có lẽ giúp cho không khí tìm hiểu đỡ căng thẳng.

Mới đây trong một bài viết “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Những chữ vay mượn” (https://groups.google.com/forum/#!topic/khoa69-74ktdn/7pM8-rgoFhQ)  khi đề cập những từ “Ba Tàu,” và “Các chú,” tác giả Bericht Van đã tham khảo một bài phiếm luận (được gọi là “tạp vụ”) trên tờ Gia Định Báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam ra đời tại Sài Gòn từ năm 1865, trong số ra ngày 16/2/1870, nói rằng: (trích) “Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu...” (ngưng trích)

Bài phiếm luận trên tờ Gia Định Báo này xuất hiện chỉ 50 năm sau thời điểm xảy ra lý do đưa đến sự ra đời của từ Ba Tàu, thế mà tác giả và nhà báo đã quên mất sự kiện đó, để nói chuyện một cách vu vơ.  Nếu người Tàu vì được cho ở tại ba vùng đất mà gọi là người Ba Tàu, thì người Việt ở trên ba miền đất nước sao không gọi mình là người… Ba Việt?

Những lý giải tào lao trong bài viết đó được chia sẻ lại trên (ít nhất) một website khác và trên mạng xã hội Facebook có thể khiến sự suy diễn vô căn cứ này càng phổ biến hơn.

Thực ra, từ người Tàu vốn đã có từ lâu như đã nói trên, và cũng được gọi phổ biến là người Hoa. Từ Ba Tàu chỉ mới xuất hiện từ đầu thập niên 30 của thế kỷ XIX, là kết quả của một sự kỵ húy của triều đình nhà Nguyễn dành cho bà Hồ Thị Hoa, vợ chánh của vua Minh Mạng, mẹ của vua Thiệu Trị.

Năm 1806, vua Gia Long và vợ (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) kén chọn con gái của các quan đại thần làm vợ cho thái tử Nguyễn Phúc Đảm, người về sau là Vua Minh Mạng. Cô Hồ Thị Hoa, 16 tuổi, con gái của Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi người Biên Hòa được chọn. Một năm sau, 1807, Hồ Thị Hoa sinh hạ hoàng tôn Nguyễn Phúc Miên Tông, tức về sau là vua Thiệu Trị. Nhưng chỉ 13 ngày sau khi sinh, bà Hoa qua đời. Vua Gia Long rất thương tiếc đứa con dâu hiếu thuậu, ban lệnh kỵ húy cho bà. Nhưng chỉ sau khi vua Minh Mạng lên ngôi (1821) mới chính thức ban chiếu về sự kỵ húy cho người vợ vắn số. Từ đó, tất cả những từ Hoa trong dân gian khi nói hay viết được đổi sang nhiều từ khác. Tỉnh Thanh Hoa đổi thành tỉnh Thanh Hóa, Cầu Hoa (trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Sài Gòn) được đổi thành Cầu Bông. Cửa (gate) Đông Hoa của Hoàng thành Huế đổi thành cửa Đông Ba. Và chợ Đông Hoa ngoài cửa Đông Hoa cũng đổi tên thành chợ Đông Ba

Sao người ta không đổi từ Hoa này thành Bông (như cầu Bông) mà đổi thành Ba? Có lẽ vì Bông là một tiếng thuần Việt (Nôm) đi với Cầu cũng là tiếng Việt, thành Cầu Bông, nhưng không thể ghép được với chữ Đông là từ Hán Việt để thành cửa Đông Bông và chợ Đông Bông nửa Tàu nửa ta rất dị hợm. Gọi Cửa Đông Hóa hay chợ Đông Hóa (như tỉnh Thanh Hóa) có lẽ chẳng có ý nghĩa gì hay ho cả. Sự biến đổi đầu tiên xảy ra ở kinh đô, với cửa Đông Hoa thành cửa Đông Ba rồi từ đó từ “Ba” thay cho từ “Hoa” lan vào Quảng Nam, với Hội An là cái “ổ Hoa kiều” lâu đời. Cho đến nay, người Quảng Nam không còn nói “ba” thay cho “hoa”, nhưng họ vẫn còn giữ lại câu ca dao xưa:

Thủng thỉnh lượm bông ba rơi

Lượm cho có cách hơn người trèo cao.

Từ đó trên cả nước không còn nơi nào và có ai còn gọi người Hoa là người Hoa nữa. Từ Hoa được thay bằng từ Ba, nhưng gọi người Hoa thì ai cũng hiểu, trái lại gọi người Ba thì vừa lạ hoắc vừa vô nghĩa, chẳng ai biết đó là gì. Họ vốn là người Tàu. Thế thì gọi luôn Ba Tàu, mà không cần giải thích gì thêm, ai cũng biết. Chỉ có vậy thôi, chẳng có ý gì là miệt thị cả.

Còn về từ “Các chú,” bài phiếm luận vu vơ trên tờ Gia Định Báo gần một trăm rưỡi năm trước viết: (trích) “Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy...” (hết trích)

Thực ra, “Các chú” chỉ là cách nói trệch từ “Khách Trú” (Sojourners) mà từ gốc chữ Hán của nó là 寄居者 (ký cư giả). Nói về những người Tàu di dân sang Việt Nam qua các thời đại, trong tác phẩm lịch sử The Birth of Vietnam, tác giả, giáo sư sử học Keith Weller Taylor cũng dịch chữ ký cư giả trong sử liệu chữ Hán thành Sojourners – khách trú.

Có thể có người muốn hỏi khó: Trong thực tế có bao giờ người Việt gọi những người Hoa ở Việt Nam là Khách trú không?

Cớ chớ. Bình thường mà. Cho đến trước năm 1975, nhiều người vẫn gọi người Tàu Chợ Lớn là Khách trú đấy. Đọc sách của cụ Vương Hồng Sển thường gặp từ này.

Trong nhiều thập niên đầu của thế kỷ XX, khách trú là một thế lực lớn thao túng xã hội Việt Nam nhiều mặt, là vấn đề quan tâm của nhiều giới người Việt.  Dở lại sách báo xuất bản thời đó thì thấy ngay. Thậm chí khi nhà báo Đào Trinh Nhất xuất bản tác phẩm biên khảo “Thế Lực Khách Trú Và Vấn Đề Di Dân Vào Nam Kỳ” của ông (Nhiêu Ký xuất bản, 1924), cái thế lực khách trú này tung tiền ra cho người tới canh cửa nhà xuất bản, chờ sách được đưa ra, chúng thu mua hết để đem đốt.

Ngay từ xưa lực lượng khách trú đã nắm giữ hầu hết các nguồn lợi thương mãi của Việt Nam, và thao túng nền kinh tế Việt Nam nên người ta đã nói trệch hai chữ Khách trú thành “các chú” để mỉa mai chăng?

 

   



[1] tiếng Pháp: Légion étrangère, tiếng Anh: French Foreign Legion.

 

 

 

Thiếu Khanh
Số lần đọc: 1670
Ngày đăng: 15.09.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Nhật - Đỗ Nhựt Thư
Thủ pháp Show, do not Tell - Nguyên Lạc
Châu Đốc xứ Hành Hương - Vĩnh Thông
Cảm nhận sau khi đọc tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của tác giả Trương Văn Dân - Nguyễn Thiện Luân
Feb 08, 2015 : Nhà Văn Nhật Chiêu phát biểu và giới thiệu về tập truyện “ Một phút tự do” của nhà văn Elena Pucillo Trương - Nhật Chiêu
Chữ Bậu trong hò, ca dao và lục bát - Nguyên Lạc
Bước thời gian (*).Chặng đường thơ mới của Tùng Bách - Yến Nhi
Tản mạn với CAFE - Phan Văn Thạnh
Người xưa không cho như thế là “Đạo văn” - Thiếu Khanh
Linh hồn của một cá thể - Võ Công Liêm