Bút danh Ninh Giang Thu Cúc (NGTC) có lẽ đã quen thuộc với bạn đọc miền Nam từ năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX. Miền đất sông Hương núi Ngự đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng hồn thơ, mạch văn của tác giả và mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định là nơi chị cống hiến hết mình với lao động nghệ thuật, nghiên cứu, biên khảo và sáng tác. Những trang viết của chị đầy lòng nhân ái, khiêm cung của người phụ nữ Huế cùng với tinh thần từ bi của người thấm nhuần triết lý Phật giáo. Chúng tôi gọi chị là “Con nhà Phật”.
Với số lượng tác phẩm đã xuất bản rất phong phú về nhiều thể loại là những con số biết nói, minh chứng cho sự nghiệp cầm bút bằng tất cả lòng nhiệt tình, sự đam mê cháy bỏng với văn chương trong sáu mươi năm cầm bút. Ngay cả khi có vấn đề về sức khỏe như thời điểm hiện tại chị vẫn lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. Những bài viết của chị sâu sắc và ý nghĩa, thấm đẫm tình người và giàu giá trị nhân văn. Viết - suy cho cùng là một hình thức trao đi sốt sắng chân tình, không vụ lợi. Đằng sau những con chữ “rút ruột như tằm nhả tơ” ấy là cả một tấm lòng bao dung, sẻ chia dành cho đời, cho người với tất cả chân tình, thiết tha ẩn trong sự giản dị, khiêm nhường. Các sáng tác của chị giàu chất trữ tình trong thơ, phong phú súc tích dày dặn trong truyện, tiểu luận phê bình. Ngọt ngào tinh tế khi viết tản văn. Những bài thơ viết về các danh nhân lịch sử đã làm cho người đọc bồi hồi xúc động vì tình cảm, sự ngưỡng mộ, biết ơn của hậu thế dành cho các bậc tiền bối. Đặc biệt những nhận định văn học của chị về Truyện Kiều rất đáng suy ngẫm.
Truyện Kiều ra đời đã hơn hai thế kỷ của đại thi hào Nguyễn Du đã làm say mê bao trái tim người đọc nhiều thế hệ kể cả trong và ngoài nước và đã có rất nhiều cây bút phê bình, thưởng lãm hướng đến áng thơ tuyệt tác này. Hãy cùng khám phá tác phẩm vừa mới xuất bản của một nữ lưu xứ Huế viết về Truyện Kiều có tựa đề: Đọc Kiều thương khách viễn phương, NXB Văn hóa Văn nghệ quý II năm 2019.
Tác phẩm với giọng văn giản dị, dễ hiểu và rất lôi cuốn, trình bày khúc chiết, mạch lạc những nhận định rất đáng suy ngẫm với tình thần cầu thị. Đặc biệt đối với truyện Kiều: “đã từng học và đọc Truyện Kiều đến thuộc lòng bằng tất cả niềm yêu quý với tác phẩm và sự trân quý dành cho đại thi hào Nguyễn Du”.
Theo chị “Truyện Kiều là một sáng tác vĩ đại của Nguyễn Tiên Điền chứ không phải là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân có tên gọi là Kim Vân Kiều Truyện. Nguyễn Du chỉ mượn nhân vật, bối cảnh, tình tiết của đất nước Trung Hoa, triều đại nhà Minh để chuyển tải nỗi niềm chìm đắm đau thương tranh giành đoạt lợi tương tàn tương sát của xã hội Việt Nam thời Lê mạt. Cuốn sách là một ấn phẩm nhỏ xinh dày 280 trang với hai phần trình bày:
Phần 1: Lời ngỏ và những bài viết về truyện Kiều và sáu bài thơ vịnh các nhân vật trong truyện Kiều cùng lời kết cho tác phẩm.
Phần 2: Phần phụ lục “Mấy dòng sử thi” với những bài thơ vịnh về một số danh nhân lịch sử đã có công trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Qua tác phẩm chúng ta thấy tác giả NGTC tỏ ra rất am tường văn học sử, bối cảnh thời cuộc tác phẩm ra đời, am hiểu lịch sử và văn học qua các thời kỳ. Vì vậy chị có cái nhìn thấu đáo khi viết về tác giả tác phẩm nói chung và truyện Kiều nói riêng.
Chị đã lao động tận tụy và nghiêm túc để “rút sợi tơ lòng “cống hiến cho độc giả những nhận định văn học chửng chạc và tâm huyết của một người cầm bút đầy trách nhiệm.
“Tôi đã đến với Đoạn trường tân thanh của cụ Nguyễn Tiên Điền bằng tất cả niềm quý kính”. Chị đã đọc Kiều suốt bao năm tháng với tấm lòng ngưỡng mộ thi tài. Chị “Muốn làm một cái gì đó để bày tỏ lòng ngưỡng mộ như một nén hương lòng dâng lên người thiên cổ đã để lại cho đời thiên tuyệt bút”.
Bằng những dòng tóm tắt hàm súc, đủ ý chị viết về tác gia: “Nguyễn Du là con trai thứ bảy của xuân quận công Nguyễn Nghiễm và phu nhân Trần Thị Tần- Người phụ nữ mỹ miều xứ Kinh Bắc. Cậu ấm Du sống trong nhung lụa nhưng hạnh phúc không mỉm cười lâu hơn với cậu, vừa lên mười tuổi, nỗi bất hạnh lớn ập đến là thân sinh Nguyễn Nghiễm qua đời và hai năm sau phu nhân Trần Thị Tần cũng theo chồng về thiên cổ, bỏ lại bốn anh em Nguyễn Du côi cút, đành nương tựa vào người anh cả khác mẹ là tả Thị Lang bộ hình kiêm hợp trấn xứ Sơn Tây. Hoạn lộ của người anh Nguyễn Khản gập ghềnh biến động. Tuy vậy Nguyễn Du vẫn được anh cho ăn học tử tế, thi đậu tam trường (tú tài). Nguyễn Du có mối tình đầu với cô thôn nữ đẹp như trăng mười sáu và có giọng hát trong veo như sương mai. Họ yêu nhau nồng nàn. Những dòng thơ viết khi Kim Kiều hò hẹn:
“Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”
Cũng chính là nói về mối tình đầu của Nguyễn Du và cô thôn nữ.
Chị cho rằng 3254 câu lục bát mượt như nhung và thơm hương ngọc lan dịu nhẹ toàn tập là từng khúc ruột mang thương tích trầm kha, nhức nhối của thời đại, của mỗi cá nhân tất nhiên có cả tác gia Truyện Kiều.
Nguyễn Du sinh ra cuối thế kỷ XVIII - thời cuộc đầy biến động. Ông sớm nổi trôi chiêm nghiệm những thăng trầm giông bão của xã hội và cuộc đời riêng. Trải qua những mất mát tang thương của tan vỡ, đổi thay và ly loạn.
Khi ông theo gương cha đem trí lực phụng sự nhà Lê với một chức quan nhỏ thời Lê mạt. Lê triều sụp đổ. Ông làm thân bèo dạt mây trôi vì biến thiên của lịch sử khi thì ở quê vợ Thái Bình khi “lẳng lặng phiêu bồng sương khói khắp miền non lĩnh Sông Lam đằng đẳng mười năm ngỏ hầu tìm quên thế sự.Vì vậy có nhiều ức đoán của các nhà nghiên cứu là Đoạn trường tân thanh ra đời trong giai đoạn này. Những ức đoán, khẳng định, phủ quyết về sự ra đời của tác phẩm vẫn còn là một bí ẩn…”
NGTC đưa ra những nhận định phủ quyết tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh không thể ra đời trong giai đoạn này: “Những tháng năm bất đắc dĩ phải chơi trò tiêu dao vui thú yên hà ở độ tuổi ngoài ba mươi (36), liệu có hội đủ chất liệu, sự trải nghiệm qua những trò đời đen bạc để viết nên “ những điều trông thấy”. Dẫu có ít nhiều trải nghiệm nhưng chưa đủ độ chín muồi của dâu bể cuộc đời để viết nên Đoạn trường tân thanh! Chỉ có thể sau khi được nhà Nguyễn mời ra làm quan khi tuổi đã xế chiều với tâm trạng“hàng thần lơ láo” khủng hoảng tâm lý, ốm đau bệnh tật”. “Ba xuân mang bệnh nghèo không thuốc”, rồi chứng kiến những bất cập, mặt trái, hệ lụy của đời sống quan trường “không bệnh mà vẫn phải lom khom”. Những thương ghét, đố kị dèm pha của người đời ở đâu cũng có, thời nào cũng không tránh khỏi. Khi đi sứ Trung Hoa, ông đã tìm thăm những di tích lịch sử để khóc thương, quý trọng những nhân vật lịch sử của đất nước Trung Hoa. Cảm thương số phận nhi nữ tài hoa bạc mệnh (Độc Tiểu Thanh ký- Nguyễn Du). Tất cả những trải nghiệm thăng trầm của chính cuộc đời mình cùng với những biến cố của thế sự trong và ngoài nước, ông đã tích lũy vốn sống, cảm xúc qua bao nỗi đoạn trường đầy chiêm nghiệm suy tư dồn nén để chắt lọc, lắng đọng, bật ra những trang thơ còn mãi với thời gian. Đi qua hai thế kỷ Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiếng nói nhân văn của một tâm hồn nghệ sỹ lớn với tài năng sáng tạo phi thường từ “những điều trông thấy” Nguyễn Du mới có kiệt tác truyện Kiều để lại một gia tài văn học đồ sộ cho hậu thế. Vì vậy Truyện Kiều ra đời trong khoảng 1814 là ý kiến đầy thuyết phục. Ninh Giang Thu Cúc đã tìm đọc nhiều tư liệu để mong hé lộ phần nào về thời điểm ra đời của tác phẩm Truyện Kiều: Hoàng Xuân Hãn cho rằng “Đoạn Trường Tân Thanh được viết khoảng năm 1814- 1820 (Theo nguồn gốc văn Kiều - Hoàng Xuân Hãn trang 30- Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều- Lê Xuân Lít).Tác giả Lê Quế cũng cho rằng Truyện Kiều được viết vào năm 1814 (So sánh dị bản Truyện Kiều, NXB Văn Học 2006).
Nguyễn Du đã ký thác nỗi niềm của mình hay nói cách khác là chân dung của Nguyễn Du được thể hiện qua bốn nhân vật trong truyện: “Bốn gương mặt, bốn tính cách và những bi kịch của mỗi người cộng lại thành chân dung của Nguyễn Du”: số phận tài hoa mà bị nhiều khổ ải, lên thác xuống ghềnh qua nhân vật Thúy Kiều, hình ảnh một công tử lịch lãm, phong vận thông minh hơn người qua nhân vật Kim Trọng, Tứ Vô Lượng Tâm của nhà Phật qua nhân vật khách viễn phương, thể hiện chí làm trai qua nhân vật Từ Hải. Và mối tình thuở xuân xanh với cô thôn nữ được tái hiện qua mối tình Kim Kiều.
Tác phẩm Đọc Kiều thương khách viễn phương là những dòng cảm xúc rất chân thành của tác giả NGTC với Truyện Kiều mà hơn hết là đại thi hào Nguyễn Du người đã “tái sinh lại các nhân vật bất tử, điển hình là Thúy Kiều- người phụ nữ tài sắc vẹn toàn…” phải chịu nhiều đày ải trầm luân của kiếp người. NGTC thương cho nàng Kiều tài hoa bạc mệnh bao nhiêu thì có cái nhìn nghiêm khắc với các nhân vật phản diện bấy nhiêu.
Nói về Hoạn Thư và mối nhân duyên của Hoạn Thư - Thúc Sinh.Tác giả đưa ra những luận điểm, dẫn chứng để phân tích và kết luận là Hoạn thư không phải ghen vì yêu. Bởi vì cuộc hôn nhân này không “Duyên đằng thuận nẻo gió đưa” khi mà không môn đăng hộ đối theo quan điểm thời bấy giờ. Lấy chồng rồi Hoạn Thư không về nhà chồng làm vợ hiền dâu thảo mà vẫn ở trong phủ đệ của nhà mình.Vợ chồng gì mà cả năm mới gặp nhau một lần. Đối với Hoạn Thư, Thúc sinh sợ nhiều hơn yêu. Hoạn Thư luôn tỏ ra thế bề trên đối với Thúc Sinh mặc dù xã hội phong kiến luôn trọng nam khinh nữ. Tác giả NGTC đặt vấn đề “Không yêu sao lại ghen? Và lý giải ghen để chứng tỏ uy quyền, ghen để thỏa mãn sự chiếm hữu. Mẹ của Hoạn Thư và Hoạn Thư thay nhau hành hạ Thúy Kiều:
“Trúc côn ra sức đập vào
Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh”
Và:
“Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi”
Nguyễn Du viết: “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” nhưng theo NGTC giọt khóc thầm ấy không chân tình. Gã vẫn chẳng việc gì, tan tiệc vào chung phòng với vợ để Kiều “tựa bóng đèn chong canh dài. Theo cái nhìn nhân ái của trái tim nữ giới chị cho rằng cả hai người phụ nữ đó đều đáng thương, đều là nạn nhân của kẻ chơi bời, nói ngông, ba hoa: “Trăm điều hãy cứ trông vào một ta” nhưng khi tai họa đến Thúc sinh phủi tay: “Liệu mà cao chạy xa bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”. Tính chất phi trượng phu càng bộc lộ khi được Kiều gọi đến để báo ân, báo oán“Mặt như chàm đổ mình dường dẻ run”.
Hoạn Thư là nhân vật phản diện, kẻ đã góp phần làm “cánh hoa Kiều” tan tác hơn, mà NGTC vẫn có cái nhìn độ lượng: “sau khi lòng tự tôn đã thỏa, cơn tam bành lục tặc đã được vỗ về yên giấc thì lòng nhân hậu, thiện lương của người đàn bà đã trở về …”. Hoạn Thư cho Kiều ra chép kinh ở quan âm các, giúp đỡ tư trang cho Kiều hộ thân ngầm mở cửa cho Kiều thoát khỏi vòng kiểm soát của nhà họ Hoạn. Đó cũng là “mầm thiện” mà Nguyễn Du đem đến cho Hoạn Thư. Thúc Sinh hèn nhát, bất tài, ăn chơi giá áo túi cơm, động đến việc gì là co vòi thất thủ. Thúc Sinh luôn là người có lợi. Thay vì trách phạt kẻ bạc tình thì được Kiều tặng” Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân? Tạ lòng để xứng báo ân gọi là “vừa được chiêm ngưỡng “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” hơn một năm trời, khi bị lộ, vợ cũng chỉ hành hạ người làm bé. Thúc Sinh chẳng bị gì. Theo chị “Bản chất nhân hậu bao dung luôn là tố chất của đàn bà”.
“MỘT VÀI THẰNG CON CON SAU CHÂN NGỰA CỦA KIM TRỌNG”
Theo NGTC trẻ em phải chăm sóc nuôi dạy ăn học, vậy mà chỉ để sai vặt; hầu hạ cho người lớn như pha trà, đấm bóp, ôm tráp, mang vác những vật dụng phục vụ, chạy theo chân ngựa cậu chủ. Chị còn nghĩ là chúng đói bụng và khát nước nữa đấy! Thật là một tấm lòng nhân hậu của một nữ giới cầm bút giàu lòng trắc ẩn.
Nói đến tình chị duyên em hay sự hi sinh thầm lặng của Thúy Vân theo đề nghị của chị mình để chắp mối tơ duyên với chàng Kim. Trong khi một số người trước đây cho rằng Thúy Vân hời hợt vô cảm trước biến cố của gia đình. NGTC tỏ ra không đồng tình với nhà thơ Vương Trọng: “Nhà có chuyện coi như người ngoại cuộc/ Vẫn ăn no ngủ kỹ như không”. Mặc dù “Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai” nhưng Kim Trọng và Thúy Kiều đã chọn nhau ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên, rồi hai người đã thề non hẹn biển.
“Sánh vai về chốn thư hiên
Góp lời phong nguyêt nặng nguyền non song”
Nhận người yêu của chị giao cho: “Tôi chắc Thúy vân cũng chẳng sung sướng gì khi phải chấp nhận một biện pháp tình thế do Thúy Kiều áp đặt”. Kiều bán mình chuộc cha thì Thúy Vân cũng là vật thế thân cho Kim Trọng. Thúy Vân và Kim Trọng không yêu nhau. Hôn nhân mà không dựa trên nền tảng của tình yêu mới thấy khổ tâm biết chừng nào!
NGTC yêu mến và cảm tạ đức hi sinh của Kiều đã đành, tác giả vẫn dành sự quý mến vì đức hi sinh thầm lặng cho đạo nghĩa của Thúy Vân.
QUAN CHỨC VÀ VƯƠNG ĐẠO
NGTC chỉ ra rằng trong xã hội quân chủ thời thịnh trị; mọi người thượng tôn pháp luật. Với quan niệm “Sĩ nông công thương” thì trí thức vẫn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì họ chăm lo học hành đỗ đạt làm quan phụng sự đất nước, chăm lo hạnh phúc của muôn dân, góp phần làm cho xã hội yên bình. Khi rũ áo từ quan hay hưu quan thì mở trường dạy học truyền con chữ cho thế hệ mai sau.
Các bậc sỹ phu thanh liêm quả là đáng kính, nhưng ở nước ta thời loạn thì sao? Có thể “thượng bất chính hạ tác loạn” vì vậy từ vua quan quân, đâu đâu cũng có tham nhũng bất công. Công lý ở đâu khi chỉ vì lời vu oan giá họa của thằng bán tơ mà đẩy một gia đình thiện lương tan nát. Đồng tiền lên ngôi đổi trắng thay đen “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Mọi việc đều có thể giải quyết được nếu có tiền “Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong”. Một xã hội từ những kẻ quyền cao chức trọng như quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến không chiêu hàng được Từ Hải một cách đường đường chính chính mà phải dùng mưu ma chước quỹ. Những cửa hàng buôn phấn bán người mọc lên như nấm thì làm gì có “Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Theo chị đây là cụm từ giao đãi, ngụy trang cho sự an toàn của tác phẩm “viết là phải lách” là nỗi khổ tâm của người cầm bút chân chính từ xưa cho đến nay.
Cuối bài chị có câu cảm thán: “Ôi vương đạo biết tìm đâu?” Đó là điều rất đáng suy ngẫm. Bằng vốn sống trên sáu mươi năm cầm bút và chứng kiến bao biến thiên của lịch sử và thực tế xảy ra trong cuộc sống thường ngày thì tác giả vẫn khẳng định “Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… tồn tại trong mọi thời đại”. Chúng tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn so với tuổi đời của chị, vốn sống chúng tôi chưa nhiều nhưng tôi vẫn khẳng định đó là một đúc kết hoàn toàn có cơ sở.
“VÀI VẾT XƯỚC NHỎ TRONG KHỐI NGỌC LỚN: TRUYỆN KIỀU”
Tác giả nêu ra việc Kiều đã được sư bà Giác Duyên đưa về thảo am:
“Một nhà chung chạ sớm trưa
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng”
Bối cảnh sống chung của sư bà Giác Duyên và Kiều rất yên vui thanh tịnh sao Nguyễn Tiên Điền lại hạ bút bằng từ “chung chạ” e không hợp với văn cảnh chăng? Bởi người ta thường hiểu nghĩa chung chạ dành cho trường hợp xấu, bất minh, thiếu rạch ròi… Theo ngôn ngữ hiện đại thì chị thắc mắc như vậy là hoàn toàn có lý (Xem từ điển Tiếng Việt hiện nay). Nhưng chúng tôi đồng ý với Doãn lê là “Ngôn ngữ là một thực thể linh động, ý nghĩa có thể thay đổi theo thời gian và không gian”. Từ trong những áng văn thơ cổ có một số từ nay đã biến nghĩa. Ví dụ trong cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan viết năm 1941 (Hội Nhà văn xuất bản quý IV năm 2000) bài viết về Phạm Quỳnh trang 135, 136 “Ông thường dùng bốn chữ nho đi liền một hơi trong một câu: Ví dụ “Vũ hám phong trần” thì nói nôm ngay là “Mưa dập gió lay” có phải vừa thông thường vừa dễ nghe hơn không. Đó là những điều khuyết điểm mà đối với một văn gia nào, người ta cũng có thể tìm ra được. Nó là cái tật của người có duyên nợ với văn chương không lấy gì làm quan hệ”. Vũ Ngọc Phan dùng từ “quan hệ” thì lẽ ra phải dùng từ quan trọng mới đúng theo ngôn ngữ hiện nay. Không chỉ Vũ Ngọc Phan mà tôi còn thấy các nhà nhà văn, thơ đầu thế kỷ hai mươi vẫn dùng với nghĩa như là từ “quan trọng” hiện nay vậy. Như vậy chưa đầy một thế kỷ kể từ khi chữ quốc ngữ ra đời, nay có nhiều từ đã biến nghĩa, được thay thế bằng từ khác có sức biểu đạt chính xác hơn. Vì vậy Truyện Kiều viết cách thời đại chúng ta hơn hai trăm năm thì từ “Chung chạ” có thể vẫn được xem là nghĩa tốt hoặc nghĩa trung tính, tốt xấu tùy ngữ cảnh. Với tài trí như cụ Nguyễn thì không thể có sự thiếu cân nhắc trong việc dùng từ được. Vì vậy tôi cũng đồng ý với ý kiến Doãn Lê là trong lúc chờ đợi các nhà nghiên cứu chúng ta “tạm hiểu “chung chạ” theo nghĩa trung tính.
2/ Sự “bề trên” của Hoạn Thư đối với Thúc Sinh cũng không đúng trong xã hội thời ấy. Theo tinh thần nho giáo thì bối cảnh xã hội lúc bấy giờ chị đưa ra thắc mắc ấy là đúng. Nhưng có lẽ “Nguyễn Du đã muốn người Phụ nữ thoát khỏi chế độ gia trưởng phong kiến” (GS Hà Huy Giáp) trọng nam khinh nữ chăng? Thời đó “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chứ làm gì có chuyện “Cọc đi tìm trâu” Thúy Kiều: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” Quả thật đây là quan niệm mới đầy tính hiện đại. Trai gái yêu nhau, ai tỏ tình trước đều được cả. Câu “tam tòng tứ đức đã đến lúc không còn phù hợp nữa. Phải chăng Nguyễn Du muồn đòi quyền bình đẳng cho nữ giới. Cuộc hôn phối của Hoạn Thư và Thúc Sinh không môn đăng hộ đối. Hoạn Thư là con của một vị quan quyền. Còn Thúc Sinh xuất thân tầng lớp buôn bán. Tầng lớp này theo quan niệm “sỹ nông công thương” thì được đặt cuối cùng. Lái buôn muốn quan hệ móc nối với các vị có chức có quyền để dễ dàng trong các phi vụ làm ăn… Đó là mục đích và sự lợi dụng lẫn nhau thời nào cũng có. Hoạn Thư lấy chồng không theo chồng như mọi cô dâu khác. Khi gia đình chồng có tang cũng không về chịu tang: “Tiểu thư trông mặt hỏi tra? Mới về có việc chi mà động dong”, “Sinh rằng hiếu phục vừa xong/ Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên” Rồi Hoạn Thư ban cho thúc sinh lời khen: “Khen rằng hiếu tử đã nên”. Thúc sinh buôn bán làm ăn xa, lại chời bời vụng trộm bên ngoài.Vậy đối với Hoạn Thư Thúc Sinh xuất thân tầng lớp dưới lại không đáng mặt đàn ông cho lắm. Gã còn có lỗi lớn với vợ nữa nên trước uy thế của gia đình vợ, Thúc Sinh không khỏi sợ hãi …
Ở trang 95 NGTC nêu: “Một cuộc ân oán mang tính thù hận cá nhân, có gì mà Từ Hải phải quan trọng hóa sự việc và phung phí nhân lực đến vậy “Ba quân chỉ ngọn cờ đào? Đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Truy”. Chúng tôi xin đồng ý với chị.
Còn nhiều điều hấp dẫn trong cuốn sách với những bài phân tích lý thú, sáu bài thơ vịnh về các nhân vật trong truyện Kiều… và những thắc mắc khác. Kính mời bạn đọc hãy đến với Đọc Kiều thương khách viễn phương của tác giả NGTC.
Trở lại với chủ đề chính về tác giả Truyện Kiều “Nguyễn Du đã đưa ngôn ngữ Việt nam đến chỗ tuyệt đỉnh siêu việt và tiếng nói việt Nam chính là trường sở linh nghiệm nhất của dân tộc tính, Việt tính. Nguyễn Du không chỉ là một bậc đại thi hào mà còn là một bậc đại hiền triết”. Nguyễn Du xứng đáng là “một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại cùng với Hoelderlin và Walt Whitman là ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất”. (Phạm Công Thiện - Nguyễn Du đại thi hào dân tộc).
Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn mãi là ma lực huyền diệu và bí ẩn, hấp dẫn người đọc và nghiên cứu. Càng đi sâu khám phá càng phát hiện ra những điều mới lạ và thú vị. Theo Phạm Công Thiện thì chúng ta “chỉ thấy được sự vĩ đại phi thường của Nguyễn Du khi nào chúng ta đã có khả năng đi vào nơi sâu thẳm của của văn chương và văn hóa thế giới”. Đó là điều mà người đọc và nghiên cứu không ngừng khát khao vươn tới. Chúng ta trân trọng những đóng góp tâm huyết của tác giả Ninh Giang Thu Cúc, gợi mở thêm một hướng tiếp cận tác phẩm giữa người đọc với Truyện Kiều.
Xin cảm ơn chị với “giọt nước mắt muộn màng” của hậu thế dành cho thiên tài Nguyễn Du, góp phần kích thích niềm say mê khai thác thưởng lãm Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) của độc giả nhiều thế hệ.
Huế ngày 13.9.2019