Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.277
 
Theo thuyền đơm mực lá
Nguyễn Tiến Nên

                                   

 

      Một chiều hè bên cửa biển Nhật Lệ, tôi được một người bạn mời dùng món mực lá hấp tại quán bia tươi trên đường Trương Pháp. Gần ba mươi năm làm máy trưởng trên tàu đánh cá biển của Nhà nước, sản phẩm khai thác có tới hàng trăm loại nhưng với loài mực chúng tôi chỉ gặp mực ống và mực nang. Vào vụ cá nam, đội tàu giã đôi chúng tôi kéo mỗi ngày hàng tấn mực ống, còn với mực nang thường trúng về vụ bắc, giờ đây nghe bạn gọi món này hấp dẫn quá… Thì ra, mực lá ngắn hơn nhưng to và dày hơn mực ống, màu sắc gần giống mực nang nhưng không có chiếc nang trên lưng. Quả thực, mực lá khá ngon, ngọt, giòn, dễ chế biến, rất bắt mắt và lôi cuốn thực khách… Món ngon dễ nhớ và nhớ lâu, từ sau bữa ấy tôi bắt đầu để tâm tìm hiểu cách đánh bắt loại hải sản này.   

                                                                  *

      Ấp ủ ý định, tình cờ một hôm tôi về làng biển Nhân Trạch huyện Bố Trạch. Đang giữa vụ cá nam, phần lớn tàu thuyền đã ra khơi, bên bờ chỉ còn lại gần chục tàu loại vừa đang thả neo để bốc bán hải sản. Từ chiếc thuyền thúng, phương tiện trung chuyển từ tàu vào bờ, người ta ì ạch khênh lên những thùng xốp, các thương lái đổ ra lựa chọn qua loa rồi tranh nhau cân lấy cân để. Thì ra những con tàu này chuyên khai thác mực lá, cái anh đặc sản mà tôi đang tìm tòi tư liệu để viết bài. Đêm ấy tôi ở lại làng biển Lý Nhân Nam (tên gọi trước đây của xã Nhân Trạch), xả láng cùng các bạn thuyền để thu thập thông tin. Họ là những ngư dân ở huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Qua họ phần nào tôi được biết, mực lá chủ yếu sinh trưởng và tồn tại theo mùa vụ, thường trong một năm chỉ đánh bắt được 6 tháng (từ tháng ba đến tháng chín). Té ra khai thác mực lá không phải dùng lưới, cũng không sử dụng đồ câu, mà được đánh bắt bằng một loại ngư cụ hết sức đơn giản. Nhìn nó, tôi nhớ đến những chiếc “bóng lờ” đan bằng tre mà thủa nhỏ chúng tôi say sưa đơm cá rô đồng. Đó là những chiếc rập được bao bằng lưới ni lông, phía trên phủ lá cây, bên trong treo một ít trứng của chính loài mực này, nhằm tạo chiếc tổ thật khêu gợi để mời mọc chúng vào, người ta thường gọi là “bóng mực lá”. Vật liệu để kết cấu một chiếc bóng mực lá chủ yếu là các loại cây ở rừng. Cây dẻ non, đường kính 20-25mm dùng đóng phần khung, dây mù u đường kính 15-20mm dùng uốn làm sườn, lá cây đùng đình - loại lá rừng mà bộ đội, dân quân, dân công hỏa tuyến… thường dùng kết vòng ngụy trang trong những năm chiến tranh - để tạo bóng râm thu hút sự chú ý từ xa của những chú mực. Có “cầu” phải có “cung”, các lâm sản trên đã giúp tạo việc làm cho nhiều lao động ở các xã vùng núi.

       Nói về nguồn gốc nghề này, một ngư dân đứng tuổi say sưa kể, nghề bóng mực lá xuất xứ từ vùng Kiên Giang. Thời kỳ năm 2000-2005 một số bà con ở Kỳ Anh vào huyện đảo Phú Quốc đi biển đánh cá đã phát hiện. Thấy nghề mới, lại hiệu quả, họ tìm hiểu cách thức và kinh nghiệm rồi đưa về quê làm nghề mưu sinh. Tới đây tôi đã hiểu, vì sao trước đây đội tàu giã đôi của chúng tôi chưa từng đánh bắt được mực lá. Bởi chúng rất tinh khôn, di chuyển nhanh, không phàm ăn mồi, không dễ mắc lưới… Thú vị thật, thế mới biết bà con mình rất sáng tạo, chẳng có cái khó nào bó được cái khôn…! 

       Từ năm 2006 trở lên, không chỉ ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, nghề bóng mực lá đã đến với ngư dân Quảng Bình. Có thể nói, xã Cảnh Dương huyện Quảng Trạch là địa phương nhạy bén trong tiếp thu nghề mới. Ở nhiều nơi khác người ta vừa đánh vừa kéo bóng trong ngày, riêng ở Cảnh Dương bóng mực lá được đánh từ ngày trước, hôm sau mới dong thuyền ra kéo, nhờ vậy mà tăng được thời gian đơm mực. Ban đầu toàn xã mới có 5-7 hộ, đến nay trên 50 hộ làm nghề bóng mực. Đặc tính của nó, nước biển càng trong thì năng suất càng cao, nên năm nào gió nam nhiều thì đánh bắt rất tốt, những năm qua nhiều hộ đã khá lên nhờ nghề này. Nhận thấy hiệu quả, bước đầu tôi đã có bài viết trên Báo Quảng Bình “Thu nhập cao nhờ đánh bắt mực lá”. Tuy nhiên, nuôi ước mơ đi thực tế để nâng lên một bài viết tương đối hơn, tôi quyết tâm thực hiện bằng được chuyến hành trình theo thuyền đơm mực lá. Người nhận giúp tôi thực hiện chuyến đi là anh Nguyễn Nhân Nam ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương, người được không ít ngư dân yêu mến đặt cho biệt danh là “trạm khí tượng di động”. Nhiều người đồn rằng, ngư dân này nhìn thấu từng “hòn” rạn, vị trí, hình dáng và kích thước của nó. Không chỉ thế, anh Nam còn nắm bắt cụ thể, tình trạng chất đáy, hướng chảy dòng hải lưu và những loại hải sản nào thường cư trú để vận dụng đánh bắt cho kết quả…

                                                                 *

       Chúng tôi đang ra cửa lạch Roòn, liên tiếp những con sóng ập vào phía trước, con thuyền công suất 24 sức ngựa dằn mạnh, sóng biển tung tóe tạt cả lên thuyền, áo quần và cả những chiếc máy ảnh, dụng cụ tác nghiệp của chúng tôi. Đang giữa thu, nắng chiều vàng ngọt trải đều trên mặt biển biêng biếc cho tôi một cảm giác xốn xang. Ngoài kia, hòn Gió (đảo Chim) hiện rõ dần, người thuyền trưởng của chúng tôi giữ yên tay lái cho con thuyền phăm phăm lướt đi. Tôi không bỏ sót từng cử chỉ, động tác của anh, tuyệt nhiên không thấy anh sử dụng la bàn, máy định vị hay bất cứ một thiết bị gì khác (dù vẫn có mang theo). Bổng tiếng máy từ từ giảm ga, con thuyền không hề đổi hướng, thì ra ở phía trước cách chúng tôi chừng vài chục mét, một chiếc phao xốp rất nhỏ nổi trên mặt nước. Tài công cho dừng hẳn máy, ngay lập tức tay anh cầm lưỡi khấu - một chiếc lưỡi câu bằng thép đường kính khoảng 6mm, dài 50mm gắn vào một đoạn tre - khều chiếc phao lên. Theo tay anh, chiếc bóng mực lá đầu tiên được vớt lên, dây giềng chính được cho vào rảnh trượt, anh đẩy cần số cho máy dịch tới, chừng ba chục mét đến chiếc bóng thứ hai, rồi thứ ba…  Mỗi chiếc bóng được kéo lên, chúng tôi hong hóng dồn mọi sự chú ý, nếu có từng tia nước màu đen phụt ra thì đích thị là có mực. Bằng một động tác khéo léo, tài công lật nghiêng chiếc bóng chộp lấy những chú mực, trong khi theo phản xạ tự nhiên chúng vẫn gồng mình xì xụt, cố gắng sử dụng kho vũ khí tự vệ mong tìm kiếm một cơ hội thoát thân. Một mình vừa thuyền trưởng, máy trưởng và thủy thủ, cứ thế anh “tốp” máy, buông tay lái để kéo bóng, bắt mực, kiểm tra mồi, đánh bóng xuống như cũ, lại trở về đẩy số để kéo bóng tiếp theo. Nhìn anh thao tác, một chu trình được thực hiện thuần thục, chính xác. Tôi chợt nghĩ đó là lúc sóng gió bình thường, lúc gặp giông tố người làm nghề này đòi hỏi phải thật lanh lẹ và dày dặn kinh nghiệm…

       Kéo xong “vàng” bóng chừng hai chục cái ở độ sâu 10 sải nước (hơn 15m), con thuyền tiếp tục dong ra khơi, trong chiếc thùng nhựa những chú mực lá thi nhau phì phụt, tôi dội vào mấy gáo nước biển, chúng có vẻ yên tâm hơn, bơi lội vô tư hơn. Vàng bóng thứ hai ở 12 sải nước, cũng không cần nhìn một thông số nào của máy móc, chiếc phao bé tí được kéo lên thực hiện tuần tự, có điều lần này mực khá hơn, cách một hai cái đã có một chiếc bóng có mực, có chiếc còn được mấy con liền. Vẻ mặt rạng rỡ, anh liên tục nhoài người, cơ bắp, gân cốt vừa dồn hết vào đường dây vừa kể chuyện những năm trước. Hồi đó chưa có chuyện sự cố môi trường gì đâu, cả mùa hè tui đánh trung bình ngày từ 10-20 cân, có những ngày trên 30 cân mực lá. Ở các nhà hàng, do đã quen khẩu vị nên khách thường gọi mực lá, giá mực tăng ngày một, cao điểm nhất là 300.000 đồng, tui thu hoạch ngày từ 3-8 triệu đồng. Nghề này tuy đầu tư không lớn nhưng đòi hỏi khéo tay trong kết cấu, kỷ thuật đánh bắt, lựa chọn ngư trường, ngoài ra còn đòi hỏi sức khỏe tốt để “trục” (kéo) bóng. Mỗi chiếc bóng mực được buộc vào một viên bê-tông để định vị không cho trôi dạt, như vậy đồng nghĩa kéo một chiếc bóng là phải kéo cả viên bê-tông, nếu người không có sức khỏe tốt thì không thể làm nghề bóng mực. Vất vả nữa là việc chùi rửa, cạo hàu hà, làm sạch chiếc bóng sau một thời gian nằm dưới biển, việc này không chỉ người đi biển làm mà cần có sự hỗ trợ của vợ, con…

                                                                   *

      Xin nói thêm chút ít về người thuyền trưởng của chúng tôi, không chỉ thông thạo luồng lạch, rạn lố, các vùng thủy sinh để khai thác, anh còn nắm chắc diễn biến của thời tiết qua ra-đi-ô và các trang dự báo khí tượng thủy văn. Tôi để ý suốt buổi chiều trên biển, ít ra cũng gần chục cuộc điện thoại gọi đến hỏi anh về thời tiết. Trong đó có người sắp đi đánh lưới, người chuẩn bị “lấy tổn” để đi khơi, người đang sản xuất ở biển xa có kết quả tốt muốn ở thêm một hai hôm nữa… đều muốn biết chính xác diễn biến thời tiết của những ngày tới. Một câu hỏi mới hình thành trong tôi, lý do nào giúp ngư dân này có được những hiểu biết đáng tin cậy về thời tiết như vậy? Vốn rất vui tính, anh nhoẻn cười rồi bộc bạch, lúc nhỏ anh chỉ học hết Trung học cơ sở rồi đi làm biển giúp gia đình nuôi dạy các em. Tuy nghỉ học ở nhà trường nhưng anh rất say mê tìm hiểu các lĩnh vực trong cuộc sống, nhất là các lĩnh vực liên quan đến nghề biển. Ngoài ti-vi, ra-đi-ô, khi công nghệ thông tin ngày càng phát huy tác dụng, anh đầu tư lắp đặt in-tơ-nét cho gia đình. Từ đó anh đã kết hợp các thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương với thông tin của Đài Duyên hải và các Trang dự báo của nước ngoài để phân tích, nhận định tình hình thời tiết. Mỗi khi bà con điện tới, dù bận rộn bao nhiêu anh cũng dành thời gian trả lời họ đầy đủ, dần dà người nọ mách người kia, thành thử trước khi đi biển ai cũng muốn tham khảo ý kiến anh Nam để yên tâm hơn. Trường hợp đang đánh bắt ở vùng biển xa hoặc ngư trường Hoàng Sa, điện thoại di động không thể liên lạc trực tiếp, nhiều anh em đã gọi trung gian qua các tàu được trang bị ICOM (máy liên lạc tầm xa) để nhờ anh tư vấn thời tiết… Dạo tháng 5-2017, anh Nam còn dùng thuyền của mình đưa đoàn làm phim “Ký sự miền trung” của Kênh Truyền hình Nhân Dân ra tận ngư trường để hoàn thành phóng sự “Cảnh Dương - Làng biển cổ”, các thành viên của đoàn vừa cám ơn và khâm phục những khả năng nổi trội ở người ngư dân chất phác này. Nhớ lại cái biệt danh nhiều bà con tặng cho anh là “trạm khí tượng di động” thật cấm có sai. Đúng là, người nông dân hiện nay luôn sáng tạo trong sản xuất, có trách nhiệm với xã hội và không chấp nhận lạc hậu, đói nghèo, lòng tôi lâng lâng…

                                                                   *

       Trước đây tôi đã từng đi biển nhưng với chuyến theo thuyền đơm mực lá cùng thuyền trưởng Nam làm tôi nhớ mãi. Qua công việc anh làm và tâm sự của anh về nghề bóng mực lá, cái nghề không đòi hỏi vốn lớn, việc đánh bắt không ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển. Mỗi năm chỉ làm sáu tháng, khi hết vụ thì đưa bóng về bảo quản tới vụ sau. Chỉ sáu tháng nhưng thu nhập khá đều, những năm thời tiết thuận lợi có thể tích lũy từ 150-200 triệu đồng, thời gian còn lại chuyển qua đánh bắt nghề khác như lưới ghẹ, cá cháo, tôm bạc, ốc hương… thì bà con lại có thêm nguồn thu nhập từ vụ đông. Và một tương lai không xa, ngành Du lịch đang chủ trương tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương để thu hút du khách về với Quảng Bình, chắc chắn rằng những khám phá xung quanh nghề này sẽ là những chi tiết hết sức thú vị và ấn tượng…

 

                                                                                                                   Quảng Bình

                                                                                                                       9-2017

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 1448
Ngày đăng: 17.10.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bánh tráng và đủ thứ cuốn - Phạm Nga
Một Thành Tôn khác - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (Phần 42) Ngàn Thương – Nhà thơ sống thanh bần vì thơ - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 41) Phạm Chu Sa – nhà thơ của Sóng Ngầm vẫn còn đó - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 40) Viêm Tịnh – Nhà thơ riêng một góc trời… - Trần Dzạ Lữ
Một Chút Hoang Dã Cuối Tuần - Phạm Nga
Vượt qua nghèo khó “Nghị lực phi thường của một con người bình thường” - Hoàng Thị Thu Thủy
Một tiếng kêu “Thầy” (Bài 2) - Phạm Nga
Người đàn ông đi về phía biển - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ ( phần 38) Nguyễn Minh Nữu – nhà văn của niềm đam mê cháy bỏng - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)