Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.122
123.228.492
 
“Cha và con lính trận” Tài sản lớn nhất của tác giả
Nguyễn Tiến Nên

                                

 

 

       Tháng 12 năm 2017, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình mở Trại sáng tác tại cửa biển Nhật Lệ, Trần Khởi được giao phụ trách Trại Trưởng và đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông. Ngoài thời gian đi dạo trên bãi biển tìm cảm hứng, những đêm chong đèn làm phu chữ, nhiều lúc tôi tự tìm cơ hội gần ông để trao đổi về đề tài của mình. Ông rất vui và sẵn sàng dành ít phút cho tôi. Từ đây, tôi nhận ra ông, một con người chỉ có làm việc, làm việc một cách miệt mài, say sưa nhưng không kém phần sôi nổi… Có lần, ông mở máy tính cho tôi xem bản thảo cuốn sách chưa được đặt tên, ông tạm gọi là tập “Hồi ký chiến trường”. Ông thường trăn trở, làm sao để cuốn sách được xuất bản sớm trước khi tuổi già ập đến… Dịp sau, tôi về thăm gia đình ông, Trần Khởi vẫn không rời bàn viết. Ông rối rít cho hay, cuốn sách đã được đặt tên và đang chuẩn bị xin giấy phép xuất bản. Tôi chúc ông thuận lợi trong quá trình sinh nở, mẹ tròn con vuông… Đầu năm 2019, tôi nhận tin vui “Cha và con lính trận” đã chào đời. Ít hôm sau, một bưu phẩm dạng “chuyển phát nhanh” đến với tôi, đó là cuốn sách của ông kèm theo lời đề tặng, tôi phấn khởi không tả…

 

      Mỗi trang sách như một mảnh ghép của cuộc sống thời chiến, tranh chấp từng li giữa cái sống và cái chết, rất thực tế, rất đời và cũng rất giàu kịch tính. Khi gặp thủ trưởng Trần Khôi (bố của Trần Khởi), một người lính lái xe đã “đứng bật dậy, xin được bắt tay thủ trưởng vì ngày mai không còn gặp lại được nữa đâu”! Được nghe một câu nói rất thật của một con người rất thật, Trần Khởi đặt câu hỏi: “Họ đi vào cái chết nhẹ nhàng và đơn giản vậy sao?”. Và hôm sau, bom Mỹ đánh trúng xe tại trọng điểm Văng Mu, người lính trẻ đó đã hy sinh mà không tìm được thi thể. Hay một chi tiết khác, Trần Khởi vác trên vai cô giao liên ở Trà Bồng - Quảng Ngãi bị thương rất nặng, người nữ giao liên anh dũng đó chỉ xin được “hôn anh một cái”, để rồi tắt thở ngay trên lưng anh lính trẻ…

 

      Bản chất bao trùm của cuốn sách là tính chân thực, với hai mươi sáu câu chuyện mà trong đó tác giả vừa là nhân thuật vừa là một trong những nhân vật chính, cuốn hút tôi ngay từ trang đầu. Hơn 50 năm đã đi qua, Trần Khởi đã thể hiện xuất sắc cả hai nhiệm vụ, vừa là anh lính trận với hai danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, vừa là người phóng viên chiến trường thực thụ. Nếu không vậy, làm sao ông có được một khối lượng tư liệu đồ sộ đến thế. Trong điều kiện phương tiện cập nhật, ghi chép, lưu trữ… được ví như “tay không bắt giặc”, ông vừa trực tiếp chiến đấu, vừa ghi nhớ diễn biến của từng trận đánh, từng chuyến điều nghiên, từng mối quan hệ giữa ta với ta, với dân, với địch và cả với những người thân của họ... Những câu chuyện được thâu tóm tỉ mỉ, chi tiết và trung thực qua “bộ nhớ” của Trần Khởi, chứng tỏ ngay trong khói lửa ông rất lạc quan, nên ông đã ấp ủ một công việc rất có ý nghĩa cho sau này. Để đến ngày ông được nghỉ hưu mà việc vẫn không hưu, ông ngồi lục lọi từng ngăn tủ quá khứ và ghi chép lại. Ông đã viết bằng sự thôi thúc của trái tim, ông lo nếu để chậm ngày nào, tuổi tác sẽ không cho ông cơ hội… Và đáng mừng, cuốn sách ra đời gần năm nay, không tính hết những cơn gió lành về đứa con tinh thần của ông thổi đến từ mọi hướng, trong nước, ngoài nước, phía bên này và cả bên kia. Tôi thầm mừng cho ông!

 

      Vào đầu sách tôi đã khâm phục quyết tâm đi đánh Mỹ của tác giả. Mặc dù có giấy báo đi học nước ngoài cách đó một tuần, Trần Khởi vẫn viết đơn tình nguyện ra trận. Đọc lá đơn của ông, Chủ tịch xã phải thốt lên: “Ông cụ (bố của Trần Khởi) cách mạng thật, định đưa cả gia đình đi đánh Mỹ chắc?”. Tim ông “đập thon thót trong lồng ngực”, cho đến khi Chủ tịch xã với vẻ mặt dứt khoát: “Theo tôi, cậu nên ở nhà. Hoàn cảnh gia đình neo đơn lắm! Cha chú đều ra mặt trận cả!”. Trần Khởi “như vừa bị dội một gáo nước lạnh trên đầu”. Ông lấy lại bình tĩnh: “Bây giờ mà không ra trận, đợi lúc nào nữa, chú?”. Đến đây, câu chuyện ngỡ như pha “hài” nhưng “thực” một trăm phần trăm. Chủ tịch xã dịu giọng: “Nhưng đơn vị nào tuyển cậu?”, Trần Khởi được dịp: “Thưa, ba cháu tuyển chứ còn ai nữa!”, làm Chủ tịch xã “cười ngất, cười rất to, có vẻ khoái trá” và chấp nhận: “Thôi được, chú cho cháu đi!”.

 

      Vẫn biết rằng, ở nước ta việc thanh niên tình nguyện nhập ngũ không hiếm nhưng với Trần Khởi là một trường hợp kỳ lạ. Chính người cha của ông, một Phó Chủ nhiệm chính trị Binh trạm 32 trên đường Trường Sơn, là người đã nhận ông vào lính, đây là chi tiết đã giúp ông thuyết phục được chính quyền để cùng cha lên đường. Chưa hết, dọc đường lên Trường Sơn khi qua vùng Cộn, nơi sơ tán của các cơ quan tỉnh, bố ông đưa cậu con trai “tân binh” ghé thăm ông Nguyễn Tư Thoan - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Thấy “cháu còn bé quá, lại chưa được huấn luyện ngày nào”, vị Bí thư đề nghị “hay anh gửi cháu lại đơn vị Tỉnh đội… huấn luyện một thời gian rồi vào sau cũng được”. Không đắn đo, Trần Khởi “ôm chặt lấy ông Thoan: Chú phải cho cháu đi đánh Mỹ!”, đến nước này hai vị cấp trên chỉ biết nhìn nhau cười và “gắp thức ăn đầy bát” cho ông.

      Tôi không đủ thời gian để soi chiếu từng lát cắt của tác phẩm nhưng xuyên suốt cuốn sách là thực tế gấp gáp, bề bộn của cuộc sống và chiến đấu đầy ắp những sự kiện, địa danh đầy bi hùng mà “cha và con” ông cùng đồng đội từng trải qua. Khác với tựa đề, ông không tập trung vào “cha”“con”, hai người lính thuộc hai thế hệ. Ở “Cha và con lính trận”, ông thật khéo khi đưa cá nhân “tôi” vào tổ chức, vào đội ngũ, cùng với họ làm nên tư thế của người lính trận, làm cho người đọc vừa nhận ra đồng đội, vừa nhận ra ông qua các trận đánh và trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ đó.

 

      Chiến tranh, qua ngòi bút của ông đúng như nó đã xảy ra. Đó là cuộc chiến tranh ác liệt và tàn khốc: Ngày bố ông ghé qua nhà rồi đưa cậu con trai lên đường, Lệ Thủy “tiêu điều xơ xác” vì bom đạn Mỹ: “Làng Quy Hậu chết mười ba người. Trên dòng Kiến Giang, một nhóm học sinh trường tôi qua đò bị bắn chết ba đứa. Ngay cạnh nách nhà tôi, bom ném chết một lúc mười hai người nữa”. Trong cảnh tang thương, Trần Khởi “chia tay mẹ và các em với bữa cơm đạm bạc, trong căn hầm chữ A chật chội… bên ngoài… tiếng bom bi nổ chát chúa”

      Tôi thêm khâm phục Trần Khởi ở tính cách, không bao giờ ông dựa dẫm vào cha, bởi ông đã quyết ra chiến trường. Được phân công phá bom, mở đường cho xe ra trận, ông trở thành kiện tướng đánh mìn trên cao điểm Văng Mu nhưng “đêm đêm những binh đoàn rầm rập ra trận, làm tim tôi như lửa đốt”. Ước mơ ra mặt trận, “khát vọng được trực tiếp đánh Mỹ” đã làm cho người lính ấy “trốn” cha và đơn vị, vào địa bàn Khu 5 ác liệt, trở thành chiến sỹ quân báo, trinh sát kỹ thuật của Sư đoàn 3 Sao Vàng, để không bao lâu ông đoạt hai danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 3 và cấp 2. Cuộc đời ông có hai mốc thời gian đáng nhớ: Ngày 25/8/1967 tạm biệt quê hương và 27/8/1968, tức sau một năm hai ngày, Trần Khởi đã quyết định một việc không phải người lính nào cũng dám làm, ông chỉ kịp viết cho cha mấy dòng ngắn ngủi trước khi rời đơn vị…      

      Mùa xuân 1975, Sư đoàn ông có mặt trong cánh quân duyên hải, thần tốc đuổi giặc về sào huyệt, chọc thủng phòng tuyến kiên cố của chúng, mở toang cửa ngõ để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chính giữa lúc này, ông bị thương ở Ngã ba Xuân Lộc, dù suốt chặng đường chinh chiến ông đã bị thương không dưới chục lần nhưng đây là trường hợp khá nặng, xương đùi bị gãy và giập nát. Lúc này, không để lỡ thời cơ, toàn đơn vị chỉ biết xông lên, ông mê man giữa rừng cao su khét lẹt khói súng, miệng ú ớ hai tiếng “Mẹ ơi!” và dòng máu nóng hổi từ trái tim ông cứ thế loang đỏ mặt đất nơi ông nằm. Thật may mắn cho ông, nếu như “Người con gái ở ngã ba Xuân Lộc”, một diễn viên văn công của Sư đoàn không có mặt kịp thời, chắc chắn tình hình còn “tệ” hơn…

       Thiệt thòi nhất của Trần Khởi là không được chứng kiến ngày toàn thắng, do tình trạng vết thương phải điều trị dài ngày… Mùa hè 1976, ông cùng đôi nạng gỗ nhấc từng bước trở lại làng quê thân yêu sau gần 10 năm biền biệt.

      Rời quân ngũ, Trần Khởi hóa thân thành con người bình dị, học hết đại học về làm thầy giáo dạy văn trường huyện, nghỉ hưu cùng vợ bươn chải nuôi con. Càng ngày Trần Khởi càng bận rộn hơn, nhiều chuyến đò đã được ông chèo lái sang sông, đến đâu trong huyện người ta cũng gọi ông là “thầy” nhưng nếu mỗi ngày không viết ra được một câu chuyện, một tình tiết nào đó là ông không chịu nổi. Bản năng sáng tạo lúc đối mặt với kẻ thù đã tôi rèn cho ông nhiều khả năng sáng tạo trong đời sống, ông vừa viết văn, làm thơ, trồng hoa, cây cảnh, viết thư pháp, đặt lời phục dựng điệu hò khoan quê nhà…

 

       Lặn ngụp trong cuộc chiến ác liệt nhưng niềm tin chiến thắng đã giúp những người lính không chút bi lụy, Trần Khởi đã lưu giữ nhiều kí ức hào sảng của cả một thế hệ, hơn thế của cả dân tộc về cuộc chiến tranh, trở thành tài sản lớn nhất của một nhà văn. Đó là kí ức về đêm tổ chức sinh nhật Bác Hồ trên đồi 282 thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định; những trận đánh và địa danh đã đi vào lịch sử như Hòn Chè, Đèo Nhông, Gò Loi, Hang Chùa, Phan Rang, Xuân Lộc, Vũng Tàu… Đó còn là ký ức về cái đêm của “hai cha con” trong hang đá tại Cổng Trời, những lần “đón giao thừa trên cao điểm Văng Mu” và chiến trường Khu 5, thậm chí có lần ông còn được giao “đạo diễn” một chương trình văn nghệ để đón giao thừa giữa chiến trường nóng bỏng… Cùng nhiều ký ức đẹp về những ân nhân mà nếu như không gặp họ, tính mạng ông chắc khó bảo toàn, đó là nữ “thầy thuốc bên kia chiến tuyến”, là “người con gái ở ngã ba Xuân Lộc”

 

      Sau thời cầm súng, cầm phấn, những ký ức đẫm chất bi-hùng này luôn thổn thức, hối thúc ông phải cầm bút để xoa dịu phần nào những nỗi đau sau cuộc chiến, nói lên khát vọng hôm qua và đồng vọng hôm nay của đồng đội, của nhân dân tới cuộc đời và hậu thế, giúp họ có dịp chiêm nghiệm và yêu quý giá trị của độc lập tự do, được xây trên thân phận của hàng triệu con người. Đó còn là nén nhang của sự ước ao, dồn nén, được thắp cho đồng đội, người đã về với đất mẹ cũng như người đang nằm lại đâu đó ngót năm mươi năm qua trên các chiến trường. Tôi mạnh dạn xin phép nhà văn Chu Lai, được trích từ bài viết của ông giúp bạn đọc liên kết những dòng cảm xúc về những người lính, về các thế hệ lính trận như “Cha và con…” Trần Khởi: “Loại lính chỉ có làm không có nói, chỉ có xông lên chứ không có bàn lùi. Lặng lẽ nghĩ suy, lặng lẽ hiến dâng và lặng lẽ nằm xuống như đất đai cây cỏ, như sông suối, triền đồi...”.

                                                                                     

   10-2019                                                                                   

                                                                                    

                                                                           

                                                                    

                                                                                                   

 

 

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 1393
Ngày đăng: 31.10.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ thuật của tâm trí - Võ Công Liêm
Chỉ là đợt thử mắt bên phải (Tham luận tại Hội thảo “Văn học hải ngoại: thành tựu và tiềm năng” - California, 27/1/2007) - Đỗ Quyên
Đọc “Lục bát chiều” Võ Miên Trường - Nguyên Bình BRVT
Du Tử Lê và Tôi - Võ Công Liêm
Ngày tôi đưa tang mình. - Trương Văn Dân
Chiến tranh – nỗi ám ảnh đáng sợ của loài người - Nguyễn Tiến Nên
Ninh Giang Thu Cúc - Một nữ lưu xứ Huế với truyện Kiều - Hoàng Thị Bích Hà
Một vài ý kiến xung quanh việc gọi tên thể loại “ Hát nhà trò” ở Quảng Bình - Dương Bích Hà
Chiến tranh – Thân phận và ý thức hòa giải – hòa hợp: sự gặp gỡ giữa Lưu Quang Vũ với Trịnh Công Sơn - Mai Bá Ấn
Lại nói về Ba Tàu và các Chú - Thiếu Khanh
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)