Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.797
 
Tản mạn về nhà thơ Du Tử Lê
Phan Trang Hy

 

     

      Với tôi, tuy chưa một lần gặp nhà thơ Du Tử Lê, dù trước đây, ông có viết giới thiệu tiểu thuyết “Người Hay Là Những Cơn Mơ Mạo Danh” (Nxb Hội Nhà Văn, 2015) của tôi trên trang dutule.com và được in trong tạp chí Quán Văn số 35 (Tháng 01/2016), cũng như có lần ông về nước, ghé thăm Đà Nẵng. Trong thâm tâm, tôi nghĩ thôi thì, nếu có duyên rồi cũng gặp nhau theo lẽ thường tình. Thế nhưng, quả là tiếc cho tôi khi nghe tin nhà thơ từ giã chốn nhân gian vào ngày 07/ 10/2019 tại nhà riêng ở Garden Grove, Hoa Kỳ, thọ 77 tuổi.

 

       Tuy chưa được tâm tình cùng ông, thế nhưng, tôi biết ông vẫn cứ đam mê sáng tạo. Ông vẽ hàng chục bức tranh. Xin được nêu tên một số: “Cảm Ơn Sách Vở Nuôi Em Lớn”, “Chẳng Gió Nào Thổi Nữa”, “Thế Sự Như Gai Đâm Đầy Mắt Bạn”, “Như Gió Nuôi Trời Lúc Bão Lên”, “Chúng Ta Càng Lớn, Khôn Càng Chia Xa”, “Em Nồng Nàn Như Biển”, “Hoa Cỏ Cũng Lên Trời”, “Sương Với Lá Trong Lòng Nhau Quấn Quít”, “Ngọn Nến/ Tôi/ Cháy Hết Vẫn Ngậm Ngùi”, “ Vô Chấp Em Ngồi Như Quán Âm”, “Vai Chưa Hiểu Gánh Đời Sao Quá Nặng”, “Tươi Tốt Nào Hơn Em Khỏa Thân”… Đọc tên tranh, sao mà đầy chất thơ quá! Theo tôi, chất thơ là máu thịt, là hơi thở của ông nên ông đặt tên như vậy. Và tôi tin chắc một điều là chỉ có Du Tử Lê mới đặt tên tranh chính mình vẽ như là câu thơ. Ngoài ra, ông còn phê bình, biên khảo. Nhiều tác giả trong nước ngoài nước đều được ông giới thiệu trong mục “Giới thiệu 1 Chân Dung” trên trang dutule.com. Bên cạnh đó, công trình biên khảo “Phác Họa Toàn Cảnh Sinh Hoạt 20 Năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam (1954 – 1975) - quyển 1 & quyển 2, góp phần giúp người đọc, nghiên cứu các lĩnh vực Âm nhạc, Báo chí, truyền thanh, xuất bản, Điện ảnh, sân khấu, Hội họa, Thi ca, Văn xuôi của nền Văn học Nghệ thuật miền Nam, Việt Nam.

     Và nổi trội nhất, có thể nói, ông được nhiều người nhắc nhớ là nhà thơ tình. Ngay nhan đề bài thơ, chất tình lộ rõ tạo phong cách riêng Du Tử Lê. Thơ ca dân gian, thường người ta đặt nhan đề lấy câu đầu tiên của bài như “Cày Đồng Đang Buổi Ban Trưa”, “Trong Đầm Gì Đẹp Bằng Sen”, “Đêm Qua Ra Đứng Bờ Ao” … Còn Du Tử Lê lại lấy câu thơ trong bài thơ đặt thành nhan đề như: “Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay”, “Chữ Cũng Như Người Đau Biết Bao”, “Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi”, “Ân Nghĩa Nghìn Sau Vẫn Chói Lòa”, “Vì Em Tôi Đã Làm Sa-Di”, “Thấy Trăm Năm Chỉ Tựa Một Đôi Giờ”, “Những Năm, Tháng Trải Rơm Cho Kiếp Khác”, “Mất Hay Còn Chưa Hẳn Khác Nhau Đâu”, “Em Về Thăm Thẳm Núi, Non”, “Ta Tiếc Thiên Đàng Sớm Lập Xong”, “Điều Duy Nhất Cuối Đời Em Nên Biết”, “Em Dạy Tôi: - Gìn Giữ Trái Tim Mình”, “Tôi Có Người Để Nhớ Đến Tương Tư”, “Lại Thấy Bàn Tay Tìm Chỗ Lau”, “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”, “Nên Môi Cười Đã Tựa Máu Xương Riêng”… Mỗi một nhan đề là câu thơ chắt lọc, cô đọng làm nổi bật ý của bài thơ. Có thể, nhà thơ hy vọng người đọc nhớ cái nhan đề ấy cũng đủ là niềm hạnh phúc cho mình. Chỉ cần nhớ nhan đề là nhớ bài thơ và cũng là nhớ đến Du Tử Lê. Cách đặt nhan đề như thế tạo nên một Du Tử Lê có những đề bài rất mượt mà, có nét đẹp riêng không lẫn với các nhà thơ khác.

 

      Thơ ông được nhiều người biết, nhất là những bài được phổ nhạc như “Khúc Thụy Du” (nhạc Anh Bằng), “Như Bài Hát Cũ” (nhạc Đình Nguyên), “Như Xa Miền Yên Vui” (nhạc Phạm Duy), “Khi Cuộc Tình Đã Chết” (nhạc Phạm Đình Chương) v.v… Theo tôi, chắc ai đó cũng một lần nhẩm hát theo những ca từ trong các bài hát được các nhạc sĩ phổ nhạc ở trên. Và hơn hết, riêng tôi, muốn bày tỏ chút tình của mình đối với nhà thơ Du Tử Lê qua bài thơ “Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi” được nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ thành ca khúc “Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời”.

      Bài thơ có nhan đề “Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi”. Nhan đề bài thơ cho người đọc cảm nhận rằng chuyện lẻ đôi trong duyên tình thường là do chiến chinh. Từng có cảnh lẻ bóng đơn chiếc của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Và trong mỗi chúng ta, ai cũng từng đọc, từng nghe những bài thơ bài nhạc viết về chuyện tình trong chiến tranh. Chiến tranh không những đe dọa sự sống của bao người trong đó có biết bao người con gái hậu phương. Trong bài thơ “Núi Đôi”, nhà thơ Vũ Cao đã đau nỗi mất người yêu: “Núi vẫn đôi, mà anh mất em!”. Cũng thế, trong “Màu Tím Hoa Sim”, Hữu Loan đã khóc người vợ Lê Đỗ Thị Ninh bé bỏng của mình, cũng là khóc duyên tình của mình, khóc cho mình lẻ bạn. Nội dung bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên. Và có cả nhạc sĩ Dzũng Chinh với “Những Đồi Hoa Sim”, Anh Bằng với “Chuyện Hoa Sim”… Rõ là đối với nhà thơ, chỉ có chiến chinh mới làm đôi lứa yêu nhau lẻ đôi. Thế mà, giờ chẳng có chiến chinh mà lại lẻ đôi. Đó là nỗi đau buồn cho duyên kiếp. Nhà thơ không giải thích cớ sao lại lẻ đôi. Lẻ đôi ở đây nào ai biết duyên cớ vì đâu? Chính vì không giải thích, nên nhan đề bài thơ như là lời tự trách mình, thì thôi chịu vậy. Phải chấp nhận lẻ đôi, chớ làm sao khác được.

 

      Cả bài thơ gồm 6 khổ bày tỏ tâm trạng lẻ đôi. Trong 5 khổ đầu, câu thơ “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”, mở đầu trong từng khổ và được lặp đi lặp lại. Rõ là nỗi nhớ cứ chồng chất, chất chồng khi lẻ đôi. Ai đã từng yêu, từng hạnh phúc bên nhau mới thấm thía nỗi đau khi cuộc tình dang dở, chia lìa. Cũng vậy, nhà thơ Du Tử Lê với lòng yêu vô hạn, đã buồn đau khi tình yêu của mình vở tan. Đọc nhiều thông tin, tôi biết ông là người đa tình. Mà đã là đàn ông, kể cả con trai, không đa tình mới là lạ. Và khi tình duyên tan vở, nhớ lại cố nhân đâu chỉ ngày một ngày hai, mà là khi “hết đời” mới hết nhớ. Giờ em như bóng chim tăm cá, làm sao gặp lại được em, làm sao thấy hình bóng em? Không thể không nhớ về em:

          “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời

          Chim về góc biển . Bóng ra khơi
          Lòng tôi lũng thấp . Tâm hiu quạnh
          Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

      Khi lẻ đôi, buồn ơi là buồn. Khi lẻ đôi, tới chăn gối cũng buồn khi thiếu hơi ai. Thiếu hơi ai đó, chỉ còn hồn thơ dại của thi nhân buồn như vó câu ly biệt:

          “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
          Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
          Em đi để lại hồn thơ dại
          Tôi vó câu buồn sâu sớm mai”

      Nỗi nhớ trong cảnh lẻ đôi càng thấm thía. Thi nhân như thấy hình ảnh em với gương lược, tóc thơm. Hình ảnh ấy ám ảnh thi nhân cả trong giấc mơ như chiếm cả khoảng trời xanh rợn người mộng mị:

          “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
          Em còn gương lược dấu đường ngôi
          Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
          Và khoảng trời xanh đến rợn người”

      Lẻ đôi để đến độ thấy bàn tay vô vị. Bàn tay ấy, khi còn yêu nhau, nào là âu yếm, ve vuốt, ôm ấp, nâng đỡ, dìu dắt nhau lúc cần, lúc yêu thương. Còn khi lẻ đôi, không những vô vị, mà bàn tay như dư “mấy ngón chia phôi”. Cả ngón tay đeo nhẫn cũng đâu còn ràng buộc, kết duyên cả đời, chỉ còn những tàn phai chất chồng theo ngày tháng:

          “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
          Bàn tay dư mấy ngón chia phôi
          (Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)
          Và những tàn phai đầy tuổi tôi"

      Lẻ đôi đến độ tưởng đất trời cũng như người. Trời đất nhớ nhau, nắng mưa nhớ cả hàng hiên đợi. Nhớ đến độ như “Thư nhớ hồi âm - Lệ nhớ môi”:

          “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
          Như trời nhớ đất (rất xa xôi)
          Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
          Thư nhớ hồi âm - Lệ nhớ môi”

      Riêng khổ cuối, trong trang dutule.com ghi là bis và được mở đầu là “Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn” càng làm cho nỗi nhớ người đớn đau vô hạn. Nhưng chuyện tình đã rồi, không trách nhau, không làm tình làm tội nhau, chỉ là sự chấp nhận, chứ biết nói gì cho duyên kiếp. Chỉ còn tự mình an ủi với chính mình trong tình cảnh lẻ đôi:

          “Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
          Nói gì kiếp khác với đời sau
          Đôi khi nghe ấm trên da thịt
          Như thể ai đi mới trở về”

      Viết tản mạn như trên, với tôi, coi như đó là chút tình với nhà thơ, coi như một phần nào biết được sự đóng góp của ông cho văn học nghệ thuật Việt Nam. Và tôi tin chắc một điều, những gì ông cống hiến cho đời mãi còn trong cõi nhân gian.

 

Tháng 10/ 2019

 

 

 

 

Phan Trang Hy
Số lần đọc: 3224
Ngày đăng: 08.11.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi dòng cảm nhận bài thơ “Tình mộng của Lê Giao Văn” - Nguyên Bình BRVT
Bình thơ: KIỀU NỮ của tác giả Trần Dzạ Lữ - Hoàng Thị Bích Hà
Nỗi đau Chí Phèo - Hoàng Thị Bích Hà
Đôi dòng cảm nhận cánh cửa hiện sinh (Nguyễn Thụy Sơn) - Nguyên Bình BRVT
Đọc tác phẩm Ngón tay mặt trời (Phạm Đức Mạnh) - Nguyên Bình BRVT
Người đàn bà trên cỏ - Mai Bá Ấn
Vài cảm nhận về tập thơ “Nhà không có đàn bà” của Phan Võ Hoàng Nam * - Đặng Xuân Xuyến
Huyền thoại thơ Ovid - Nhật Chiêu
Người đàn bà chuyên canh đào xới cánh đồng văn chương Việt Nam - Ninh Giang Thu Cúc
Chủ nghĩa siêu thực - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Khỏa Thân (truyện ngắn)
Bán Chữ (truyện dài)
Phóng Sinh Chữ Nghĩa (truyện ngắn)
Làng cuồng mê (truyện ngắn)
Bao La Tình Mẹ (tạp văn)
VŨ ĐIỆU BIKINI (truyện ngắn)
Blogger sợ chữ (truyện ngắn)
Đau đáu Hoàng Sa (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Hát giữa trần gian (truyện ngắn)
Có hậu (truyện ngắn)
Đảo gọi (truyện ngắn)
Nụ cười xứ Nẫu (truyện ngắn)
Vòng ký ức tháng ba (truyện ngắn)
Ấm áp mùa Noel (truyện ngắn)
Mơ về lại Hoàng Sa (truyện ngắn)
Nghe mưa chờ tết (truyện ngắn)
Vàng mai rực rỡ (truyện ngắn)