Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.176
123.222.812
 
Vượt
Trần Yên Hòa

 

 

Phố đạp xe đạp dọc theo đuờng Trần Huy Liệu. Ở đây là khu bán đồ "lạc xon" phồn thịnh nhất quận Phú Nhuận. Cũng là một hình thức chợ trời thu nhỏ. Sách báo cũ, quần áo cũ, giày dép cũ, đồ điện, radio, casette cũ. Hằm bà lằng đủ thứ. Phố đến đây để thu hàng. Cư dân thành phố sau cuộc đổi đời, không có việc gì làm nên thường tuồn những đồ đạc dư thừa trong nhà ra ngoài để kiếm tiền đi chợ. Với con mắt nhà nghề của một sĩ quan truyền tin cũ, Phố tìm mua lại những đồ dùng điện, máy móc, với cách đánh giá chính xác nên nhiều khi Phố trúng mánh. Hôm trước, có chiếc radio Philip cũ của nhà ai thải ra, trông bên ngoài hư cũ lắm, nhưng Phố coi máy móc biết còn tốt, anh mua về tân trang lại, bán cho một chàng bộ đội bắc kỳ, lời cả năm trăm đồng.

Cho nên khi có Soại về làm chung, Phố hay lấy xe đạp đi long rong ở các nơi bán hàng lạc xon, thấy món gì đuợc là mua.

Phố tấp vào một sạp lạc xon quen thuộc để lựa vài cái radio hay vài cái đồng hồ. Thứ này anh đem về chà láng, chỉnh sửa lại, bán cho bộ đội dễ dàng.

Nguời chủ sạp quen mặt anh, vồn vã nói:

- Có mấy cái đài cũ ngoài kia, anh có muốn mua ra ngoài bàn kia mà xem. Hàng cũng còn tốt chán.

- Rồi, để tôi ra xem thử sao.

Phố đi ra chỗ để radio cũ. Mấy cái radio ấp chiến lược, loại này Mỹ thường thả xuống cho bộ đội bắc việt vượt trường sơn, nếu họ lượm được sẽ mở nghe, đài chỉ mở nghe được những làn sóng phát thanh của Việt Nam Cộng Hòa với những chương trình kêu gọi hồi chánh. Số radio này Mỹ cũng phát xuống xã ấp để cho cán bộ hay hội đồng, nên phổ biến cũng nhiều. Bây giờ bộ đội tràn vào, nghèo tiền, nên có loại đài này rẻ, họ thường mua lắm. Phố loay hoay dò tìm tần số để nghe tiếng nói có còn rõ không, thì có ai đang đập vai anh.

Phố ngước đầu lên, một cô gái còn rất trẻ nhìn anh cuời. Phố trông thấy cô ta quen quen nhưng chưa đoán ra đuợc là ai. Cô gái lên tiếng trước:

- Anh là anh Phố phải không? Đại uý Phố đại đội truởng truyền tin trên Pleiku phải không?

Phố hơi choáng người. Cô ta là ai mà biết về Phố rành rẻ như vậy cà? Nhìn nét mặt Phố có chút ngạc nhiên lẫn lo sợ, cô gái bật cuời thành tiếng:

- Anh đừng sợ, em là Thủy Trúc đây, ca sĩ ở tiểu đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị đây. Em đã đến hát ở đơn vị anh mấy lần, anh còn nhớ không?

Phố à ra một tiếng, cái à ra và thở phào nhẹ nhõm làm Thủy Trúc càng cuời. Anh chàng đại úy ngày xưa chạy xe jeep lùn, ba hoa mai đen trên ve áo, cách đây chỉ mấy tháng, oai vệ bao nhiêu, bây giờ chỉ nghe một nguời lạ gọi đến tên và cấp bậc đã sợ xanh mặt rồi. Phố lấy bình tĩnh trở lại và cuời lớn:

- Thủy Trúc phải không? thế mà cô làm tôi hết hồn, tưởng là ai xa lạ chứ. Cô về đây bình yên chứ? Ông tướng đâu?

Phố biết Thủy Trúc là bồ nhí của ông tướng tư lệnh vùng hồi còn ở Pleiku. Thủy Trúc hát trong ban văn nghệ tiểu đoàn 20. Cô có giọng ca buồn, khàn đục làm cho mấy anh lính xa nhà trấn đóng ở vùng đất đỏ bụi mù này, nhớ nguời yêu không sao chịu thấu. "Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên mắt em ướt và tóc em ướt, nên em mềm như mây chiều trong. Phố núi cao, phố núi trời gần, phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút trở về chốn cũ, còn một chút gì để nhớ để quên". Giọng hát ấy đã cất lên trong một đêm văn nghệ do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn tổ chức. Ông tướng ngồi duới, đăm đăm nhìn lên khuôn mặt ấy, mái tóc ấy, thân hình ấy. Thân hình mảnh mai của cô gái hai mươi tuổi, một giọng ca đang lên. Trong thời đại các "sứ quân" cát cứ từng vùng, tướng công muốn là trời muốn.

Bây giờ Thủy Trúc hiện nguyên hình một người thiếu nữ hai mươi bốn tuổi. Vẫn còn đẹp não nùng với chiếc quần jean bó sát, với chiếc áo thun xanh ôm sát thân thể căng tròn.

Thủy Trúc nói:

- Khi Pleiku ruc rịch di tản, ông tướng có phone cho em, báo cho em theo trực thăng về Nha Trang, nhưng em không đi được vì em còn mẹ và mấy đứa em, bỏ đi sao đành. Đến khi có lệnh di tản thật sự, em đi theo xe nhà binh của tiểu đoàn hai mươi. Giữa đuờng thì thất lạc hết. Cả mười ngày sau em mới về đến Sài Gòn đó anh.

Phố cũng nói về mình:

- Tôi cũng di tản theo Quân Đoàn, nhưng sau đó thì mạnh ai nấy chạy, quan chạy theo quan, lính chạy theo lính. Tôi lạc gần một tuần trong núi, may mà có chiếc trực thăng bay qua vớt, không thì cũng chết trên núi rồi.

Hai người cùng một hoàn cảnh giống nhau. Ngày trước khi Thủy Trúc qua hát ở đơn vị anh, Phố thấy cô bé kháu khỉnh quá, anh theo đuổi và trồng cây si. Nhưng sau đó anh biết ông tuớng chiếu cố đến Thủy Trúc nên anh rút lui, như nhiều chàng thanh niên si tình khác lần lượt rút lui ra khỏi luới tình này. Ông tướng hung bạo và đê tiện, ai cũng biết điều đó, nên không dại gì dây vào để mang họa vào thân. Thủy Trúc như con nai lạc vào một nơi hang hùm miệng sói không lối thoát.

Những ngày ở thành phố Pleiku lại trở về với anh, thành phố đầy bụi mù trong những buổi sáng ở cà phê Diệp Kính, ngồi nhìn cà phê nhỏ từng giọt trong ly mà nhớ đến nguời con gái có giọng hát trầm buồn mê hoặc. Phố tự dưng thấy như mình sống lại giữa một vùng sương mù lãng đãng của dĩ vãng.

Anh nói thật nhẹ với Thủy Trúc:

- Anh về đây thất nghiệp, nên đi buôn bán chợ trời kiếm tiền độ nhật, đợi ngày đi trình diện học tập cải tạo. Còn Thủy Trúc làm gì?

Thủy Trúc vẻ mặt buồn thiu. Nàng kể lễ:

- Em chạy về đây một mình, ba má còn ở lại Pleiku, em chưa liên lạc được gì hết. Em ở tạm nhà con bạn làm ca sĩ hát phòng trà ở đây. Nhưng tình hình này thì hát hò gì nữa. Em chán quá. Một là em về lại Pleiku với ba má em. Hai là em tìm đuờng vượt biên. Biết anh là sĩ quan nên em mới nói thế.

Phố nghe đến chuyện vượt biên, tự nhiên lòng anh cảm thấy háo hức lạ thường. Về đây, anh đã bỏ hết một gia tài gom góp nhặt nhạnh từ ngày nắm giữ chức vụ chỉ huy đại đội truyền tin, anh nghĩ mình đa hết thời. Tiền bạc, gia tài, của cải, cũng là chuyện bèo giạt hoa trôi. Có ai chạy trên quốc lộ hai mươi qua những đồi núi chập chùng, cái chết chỉ là một thoáng nó đến với từng số phận. Lúc ấy, những quan quyền, công hầu khanh tuớng, giàu sang phú quý chỉ là phù du. Cái chết đến với từng người không chừa một ai. Phố đã thấy những người dân đang chạy trên đuờng, bỗng hai tay chới với đưa lên trời, quơ quào rồi ngã qụy xuống. Dòng người vẫn chạy qua, đạp lên xác chết mà chạy. Có người vừa chạy, vừa ôm cái ruột bị đạn bắn xuyên thủng, ruột đổ chảy lòng thòng ra ngoài, chạy một đoạn xa mới quỵ xuống. Trong giây phút ấy, Phố đã khấn nguyện Phật Trời, cho gia đình anh tai qua nạn khỏi, anh sẽ sống hiền lành, không bon chen giành giựt với đời nữa. Anh sẽ tu tĩnh làm ăn theo đúng nghĩa của nó. Kiếm đủ chén cơm mà bỏ vô miệng với một đời sống bình an là đuợc rồi. Nhưng thời gian đó đã qua, đưa đẩy anh đi buôn chợ trời, với một sinh hoạt mới, với những lợi nhuận anh cần có, anh cũng đã quên đi phần nào ý nghĩ hiền lành nhân hậu mà anh đã có trong đoạn đường di tản.

Đến bây giờ, nghe Thủy Trúc nói đến chuyện vượt biên, tự nhiên trong lòng Phố gợi lên một ý muốn ra đi cực kỳ. Một tháng trôi qua, ở trên khu lầu ba khu cư xá Thanh Đa, nơi gia đinh anh cư ngụ, buổi tối đi buôn bán về, đạp chiếc xe đạp qua con kinh nước đục ngầu, ngập mùi tanh tưởi, xú uế, từ dưới lòng kinh bốc lên. Anh bước từng bước chập choạng lên cầu thang tối om, đầy tiếng muỗi vo ve. Căn phòng không điện đóm vì khu này chưa xây cất xong. Cả nhà ngồi ăn cơm trong ánh đèn dầu leo lắt, tiếng người vợ thở than, tiếng con khóc. Anh nuốt vội miếng cơm rồi vô mùng nằm. Cuộc sống! Cuộc sống là như vậy sao?

Cho nên con nguời Phố như bật dậy với câu nói của Thủy Trúc. Anh nghĩ đến những tay tướng tá chỉ huy anh đã bỏ lính, bỏ đơn vị, bỏ đất, chạy từ lúc địch mới rập rình bên ngoài Sài Gòn. Miệng người nào cũng hô tử thủ, tử thủ! Tử thủ cái con khỉ mẹ nhà nó. Khi còn tại chức thì quyền hành, lính ma lính kiểng, tham nhũng, hối mại quyền thế. Đến lúc đất nước lâm nguy xách đít chạy ra nước ngoài trước tiên.

Phố nói nhỏ với Thủy Trúc:

- Thủy Trúc tính vậy cũng phải. Có điều kiện mình nên đi. Tôi thì chịu. Chạy từ Pleiku về đây hết sạch cả vốn liếng, còn cái xác đây là may rồi. Tôi không giám mong chi chuyện ra đi.

Thủy Trúc nhìn truớc nhìn sau rồi nói nhỏ với Phố:

- Anh muốn đi không? Em có người dì ruột có chồng dưới miệt Rạch Giá, dượng em làm nghề đánh cá. Em muốn xuống đó tìm đường đi, nhưng Rạch Giá em chưa biết bao giờ, em thân gái một mình đi sợ lắm. Hay anh đi với em, em còn một số vàng.

Phố nghe Thủy Trúc nói, anh rất cảm động. Cái tình cảm con người thật là quái dị. Ngày truớc, khi còn là sĩ quan, anh có thích Thủy Trúc nhưng nàng cách xa anh quá. Khi biết nàng là bồ nhí của ông tướng, anh bỏ ngay ý định theo đuổi mê muội ấy đi. Vì anh biết rõ tính tình ông tướng. Dây vào mà ông biết được, anh sẽ không còn được ở đơn vị truyền tin đâu, và cái chức đại đội trưởng béo bở sẽ không còn trong tay anh nữa. Lúc đó anh sẽ thân bại danh liệt vì một đứa con gái. Bây giờ, hai người gặp nhau trong hoàn cảnh này, hoàn cảnh của con người đã mất hết, không còn gì, họ dễ thông cảm nhau hơn, gần gủi nhau hơn.

Phố chợt chùng lòng khi nghĩ đến vợ con. Ba đứa con và một nguời vợ làm gì để sống khi anh bỏ đi. Nhưng anh chợt nghĩ đến người vợ lúc nào cũng nheo nhéo bên tai khi anh một ngày không làm ra tiền, cảnh này anh làm sao kéo dài được đây.

Anh nói:

- Anh không còn tiền vàng gì hết làm sao chung với em mà đi. Chỉ còn mấy chục ngàn chung với người bạn bán chợ trời câu cơm thôi. Anh không có điều kiện.

Thủy Trúc nói:

- Em thì rất cần đi, cần một người đàn ông để đi cùng, anh có bao nhiêu cũng đuợc, chuyện đó không quan trọng. Em có vàng, trong lúc tranh tối tranh sáng này, mình nên đi ngay. Anh về tính lại đi rồi mai em gặp anh lại ở đây, anh quyết định gấp và cho em biết ý của anh, không được thì em tìm người khác.

Thủy Trúc nói xong liền bỏ đi. Phố ngẩn ngơ đứng nhìn theo một hồi lâu mới trở lại công việc mua hàng. Bây giờ chuyện làm ăn nghe sao cũng chán quá. Anh không còn đầu óc đâu mà lựa tìm mua những cái radio cũ để bán lại cho mấy chàng bộ đội bắc kỳ, kiếm mấy trăm tiền lời. Bây giờ anh đang suy nghĩ đến lời nói của Thủy Trúc và lời chiêu dụ của nàng: Ra đi.

 

 

                                                                                              o 0 o




Cô gái ấy xuất thân từ một gia đình trồng cà phê ở Pleiku. Mấy mẫu cà phê cha mẹ nàng trồng và chăm sóc đủ nuôi ăn cho cả gia đình. Khi còn học trung học, Thủy Trúc khám phá ra mình có giọng ca hay. Nàng bắt đầu hát trong những đêm thi đua văn nghệ toàn trường. Đứng trên sân khấu, với chiếc áo dài tím, Thủy Trúc ca bài Hoa Tím Ngày Xưa được đám học sinh con trai hoan hô vỗ tay nồng nhiệt. Với thân hình mỏng manh, Thủy Trúc mang hình ảnh huyền hoặc, liêu trai, lãng đãng. Nàng ưa hát những bản nhạc tình buồn bã, những nhớ nhung thương tiếc, đắm đuối mê ly. Những "chàng" học sinh của phố bụi đỏ sương mù mê nàng như điếu đổ. Nhưng chưa lọt vào mắt xanh nàng một chàng thư sinh nào.

Pleiku là một thành phố lính, đủ mọi sắc lính. Thứ bảy, chủ nhật, bước ra phố là thấy những chiếc xe jeep nhà binh chạy chật đường với đủ mọi cấp bậc sĩ quan. Những bông mai đen được may vào cổ áo của những chàng trai trấn thủ lưu đồn tại miền đất tây nguyên này. Nàng đi học lúc nào cũng có một vài chiếc xe jeep kè kè phía sau. Nhưng nàng chưa yêu ai, chưa yêu ai thực sự.

Thi rớt trung học đệ nhất cấp, Thủy Trúc buồn bã và chán đời. Nàng xin vào Ban Văn Nghệ Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị. Từ đó giọng hát nàng vang vang khắp các đơn vị quân đội tại Quân Đoàn II, Quân khu 2. Tiếng hát đó muốn được vuợt lên cao để về Sài Gòn như một Khánh Ly đã từ bỏ Đà Lạt về Sài Gòn, đi chân đất hát rong ở sân truờng đại học Văn Khoa và nổi tiếng. Tiếng hát này bị chận lại trong một đêm văn nghệ mừng ngày tái chiếm Tân Cảnh. Ngoài các tướng tá, sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, còn có thêm mấy ông tướng trong Bộ Tổng Tham Muu ra tham dự nữa. Đêm đó là đêm định mệnh cuộc đời của Thủy Trúc.

"Tướng công" là sứ quân lừng lẫy của quân đội miền Nam. Ông đã một thời làm mưa làm gió ở sư đoàn bộ binh, với nhiều thành tích động trời như buôn bán quế khắp cả vùng, cuỡng hiếp gái vị thành niên. Hồi còn ở sư đoàn, ông lập ra câu lạc bộ Phượng Hoàng cho sĩ quan ăn chơi, nhảy đầm thâu đêm suốt sáng, còn ông thì dùng nơi này để tuyển lựa những em còn trinh mà huởng thụ. Báo chí lên tiếng tố cáo, ông bị đổi đi, nhưng sau đó ông được nắm chức vụ cao hơn, quyền hành hơn. Bây giờ ông lên làm tư lệnh Quân Đoàn với uy quyền hét ra lửa cả một vùng, thì ai mà giám cuỡng nỗi lịnh của ông.

Tuớng công ngồi trên dãy ghế danh dự đầu tiên sát sân khấu. Thủy Trúc mặc cái mini jupe ngắn củn cởn phơi bày cặp đùi thon trắng ngần. Bộ ngực vươn cao, thanh tú. Khuôn mặt nhẹ nhàng mà huyền hoặc vô cùng. Nàng hát bản Nguời Yêu Của Lính, nếu em không là nguời yêu của lính, ai thương nhớ em chiều rừng hành quân... Một cái nhìn đầy ham hố và dục vọng từ khuôn mặt như con heo nọc của ông tướng xoáy quanh nguời Thủy Trúc. Ông tướng nghĩ đến thân thể còn trinh nguyên này mà đuợc đặt lên giuờng và ông cúi xuống...thì tuyệt bao nhiêu. Ông búng tay kêu sĩ quan cận vệ nói, mày lịnh cho thằng trưởng ban văn nghệ, bảo con bé sau khi hát xong lên phòng tư lịnh trình diện tao. Người cận vệ nói, tuân lệnh, rồi lui ra phía sau hội trường sân khấu.

Đêm đó, và nhiều lần sau đó, Thủy Trúc rơi vào tay ông tướng. Làm bồ nhí của ông tướng, nàng cũng có những quyền lợi riêng và những hãnh diện ngầm, như nàng đã đưa được người anh ruột đang tác chiến ở sư đoàn 22 bộ binh về làm việc ở Bộ Tư Lệnh. Những anh em thân sơ của nàng cũng lần lượt được về đơn vị không tác chiến. Sau đó là những vụ áp phe, mua quan bán tước mà nàng là môi giới. Nàng đã trổ tài vặt như một người đan bà kinh nghiệm sành sỏi, đã ỉ ôi với ông tướng để nàng được toại nguyện những đòi hỏi vật chất. Một nguyên tắc mà ai ai cũng biết, đã trở thành hiển nhiên trong cuộc sống, đó là đi "ngõ sau" bao giờ cũng linh nghiệm hơn đi ngõ truớc. Nàng chấp nhận cái thân hình phi nộn của ông tướng, mùi mô hôi dầu, râu ria lởm chởm, nhất là cái bụng phệ và cái đầu hớt ngắn của ông, như một sự đấu giá, một đánh đổi. Đánh đổi. Đấu giá cuộc đời nàng.

Ai ở cao nguyên cũng biết điều đó, với quyền uy ngất trời của tướng quân. Ai cũng bợ đỡ nàng để được lợi lộc hay tránh xa nàng để khỏi mang họa vào thân. Với Phố cũng vậy. Đem Thủy Trúc hát ở đơn vị anh, anh ngồi ở hàng ghế đầu và anh đã mê giọng hát trầm buồn đó, mê tấm thân mảnh dẻ nhu sương khói, cùng đôi chân thun dài nhún nhẩy của nàng. Nhưng anh cũng "de" ra ngay, sau khi biết nàng là bồ nhí của ông tướng. Cho nên, đến mãi bây giờ, trong anh, những thèm muốn âm thầm vẫn còn tuôn chảy, đó là nổi khát khao chiếm hữu.

Tình cờ hôm nay Thủy Trúc đến và rủ anh đi vuợt biên, anh thấy phấn kích lạ thuờng. Mọi thất vọng, an phận của những ngày qua đã tắt ngấm trong anh. Bây giờ là sự ham hố uớc muốn vuợt thoát ra khỏi đất nuớc quá mạnh, khiến anh bị choáng ngợp, rủ rê anh đến những mộng tưởng khôn cùng.

Trong thâm tâm anh đã hình thành một tính toán, dự định sẽ hành động trong những ngày tới.



 

 

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 1518
Ngày đăng: 05.12.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trở lại - Nguyễn Thị Kim Lan
Chuyện của “Đàn ông xịn” - Đặng Xuân Xuyến
Chuyện vui buồn của cái Tivi đời cũ - Trang Thùy
Thư tình cho bươm bướm - Ngô Lạp
Cuốn sổ tay bìa xanh - Vân Hạ
Mùa nấm mối - Trang Thùy
Chuyện anh chàng đào hoa nở muộn - Đặng Xuân Xuyến
Cơn bão nóng - Trần Yên Hòa
Học trò của thầy - Lê Hứa Huyền Trân
Bức thư tuyệt mệnh của cô bé Anne Frank Đất Việt - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)