Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.685
 
Bích Ngân, người hay cây cô đơn?
Trương Văn Dân

Tr

                        Những sắc màu của Bích Ngân

 

Trong tháng 9-2019, nhà văn Bích Ngân ra mắt cùng lúc 3 quyển sách: Tiếng gọi bến bờ, Anh nhớ em muốn chết! và Đường đến cây cô đơn. (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành).

 

 

            Tiếng gọi bến bờ là tập tạp bút nhẹ nhàng, ghi chép những quan sát về cuộc sống, những vui - buồn, được - mất và trong đó cũng nêu những tấm gương trí thức, những gương mặt văn nghệ sĩ để cùng họ tạo nên những “giá trị tinh thần, cùng những day dứt và những khát vọng sáng tạo”.

 Anh nhớ em muốn chết, qua một hình thức khác chị dùng tiếng cười để nhìn đời sống, qua góc nhìn hóm hỉnh của người cầm bút.

Đường đến cây cô đơn là tập truyện ngắn, có lẽ sẽ mang lại nhiều dư vị cho độc giả dưới góc độ văn chương và để lại những suy tư, ray rứt và trăn trở trong lòng độc giả.

Theo tác giả thì “Cây cô đơn” nổi tiếng ở Đà Lạt chính là cảm hứng sáng tác sau một chuyến đi thực tế. Một bức ảnh về cây thông đơn độc bên một góc núi thoai thoải nhô ra mặt hồ Đan Kia - Suối Vàng nhờ mạng internet mà đã được huyền thoại hóa thành  “cây thông cô đơn” và trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của xứ sương mù: giữa khung cảnh lãng mạn cây đứng đơn độc trong không gian rộng lớn, trước mặt là hồ nước rộng mênh mông, sau lưng là rừng xanh bạt ngàn.

Thế nhưng truyện ngắn được chọn làm tên cho tập truyện không để lại cho tôi nhiều ấn tượng bằng khi đọc Một đám rước! Có thể truyện này đã làm tôi liên tưởng đến truyện ngắn “Hai người tài xế” [1]của nhà văn Ý Dino  Buzzati, tuy phong cách viết khác nhau nhưng cả hai  đều có những phân tích tâm lý sâu sắc về niềm ân hận:

Người anh trai là lãnh đạo cao trong bộ máy công quyền ở một tỉnh đang đón xác em trai từ nhà xác bệnh viện về nhà với quãng đường dài 300 cây số. Nếu Buzzati, chạy xe theo sau xe tang, không biết hai người tài xế đang nói gì với nhau trong cái quãng đường ra nghĩa trang, cái tiếng nói cuối cùng của loài người mà mẹ ông còn nghe được thì người anh trai trong truyện ngắn của BN, ngồi nhìn xác em trên xe tang và hồi tưởng đến thái độ vô tâm của mình đối với em trai. Vì không có thời gian ông đã không gặp em sau 6, 7 tháng, cho đến khi em nằm trên bàn cấp cứu… Niềm ân hận và ray rức mà Bích Ngân viết về tâm trạng của người anh trai đã làm tôi xúc động và nhiều lần rơi nước mắt. Sau đó, khi trong đứng giữa tang lễ, người anh giật mình vì nghe người ta kể bao nhiêu chuyện về em trai mà ông chưa biết. Ông nhận thấy “khi lợi danh phình to thì phần yêu thương nơi trái tim teo tóp lại”, “Cái mắt xích trong guồng máy hỏng hóc đã từng lôi cuốn ông, làm ông bào mòn và biến hình biến dạng mà lương tâm không đủ mạnh để chống đỡ, và quyền lợi vật chất càng lúc càng nhiều”. Nắm lấy bàn tay lạnh giá của em, ông mới hiểu “em trai là phần đời của tôi, cái phần thua thiệt, đã vì tôi mà bỏ học vì mẹ goá không thể cùng lúc cho hai đứa đến trường. Chưa một lần tôi nghe  nó nói về sự hy sinh, chưa một lần trách cứ tôi điều gì”. Khi họ đọc điếu văn về những chiếc cầu bê tông mà Minh đã xây cho trẻ đến trường, hay nhiều việc tương ái tương thân trong xã thì ông không còn bình tĩnh để nghe: “Tôi có cảm giác chính tôi là người chết, tuy không nằm trong quan tài. Còn nó, thằng em trai tôi, cái thằng ngu không biết lo cho bản thân mình, mới là người không bao giờ chết, dù thân xác nó đang trương phình lên trong chiếc quan tài kín mít kia”.

                                                  &

 

Tên tập truyện là “Đường đến cây cô đơn” nhưng tác giả dành nhiều thời gian để viết 13 truyện ngắn chắc chắn không phải để nói về một cây thông. Nhân vật chính trong tập truyện là những người đàn bà và phần lớn là nỗi buồn và cô đơn dù họ sống đời độc thân, ly dị hay sống cùng chồng. Sự ngột ngạt bao quanh đời họ như bốn bức tường giam hãm xác thân nhưng trong tâm tưởng họ không ngớt giấu mình lặng lẽ tìm kiếm sẻ chia, kiếm tìm hạnh phúc.

Trong “Chuỗi ngọc từ cao xanh” bà Tuyết nói: “Cô đơn, có lẽ là người bạn đồng hành thủy chung duy nhất đối với những người dày vỏ bởi những điều mà người khác thường thờ ơ”. Bà mơ đến chuyện tình lãng mạn của hai nhân vật trong phim “Những chiếc cầu ở quận Madison” và thổ lộ là mình đang yêu một người đàn ông đã có gia đình. Nếu không cởi được những sợi xích bằng vàng của ràng buộc hôn nhân thì chắc chắn nỗi cô đơn của bà sẽ kéo dài cho đến suốt đời!

Một người đàn bà khác, sau một đêm mất ngủ đã bị tách khỏi đoàn và khi thức dậy đành theo một hướng riêng, bước chân đưa chị lạc vào trong “cánh rừng vĩnh cữu”. Nơi đó chị gặp một người đàn ông, chào hỏi làm quen và anh ta dắt chị qua những đường mòn đầy sắc màu và hương thơm để chụp hình. Chị bước theo anh ta như bị thôi miên, cảm giác sợ hãi, bị bỏ quên… biến mất và trong không gian tự do bát ngát và bất ngờ ấy thì cảm xúc lãng mạn bỗng trào dâng trong lòng chị. Rồi trong khoảng hẹp của rừng cây thâm u, chỉ một cái choàng tay rất khẽ chị đã buông thả và ngã vào vòng tay người đàn ông lạ. Sau này nhớ lại, trong lòng chị không có chút dày vò lương tâm nào về cơn say nắng mà chỉ xem đó là tâm trạng háo hức về những khát khao hạnh phúc và khám phá chính mình trong sự tồn sinh giữa rừng đời. Vì sao? Cái cảm giác yêu thương được chia sẻ ấy nó lấp đầy “cái khoảng trống lúc nào cũng chực chờ, ngay cả khi được ghì siết trong cơn ân ái của chồng”.

Trên đường trở về khách sạn, chị biết đó là “hiện thực mình trải qua chứ không phải là ảo giác hay khao khát đưa mình giạt vào bến mơ” vì trong vòng tay của người đàn ông lạ những “mạch ngầm khao khát mà từ lâu tưởng đã ngủ yên đã bừng dậy”. Chị còn biết chắc là ngay chính trong lúc ấy, ở nhà, “chồng mình vẫn đang khật khưỡng trong một quán nhậu, trong  tay cầm ly bia trào bọt.

Trong “Thời gian vẫn đang trôi” cô diễn viên tên Vy có người yêu nhưng 5 năm rồi anh không chịu làm đám cưới. Anh cho rằng “hôn thú chỉ là tờ giấy lộn nếu hai người không cần có nhau”, đúng thôi, nhưng về sau cô phát hiện ra triết lý đó chỉ là “sự tránh né và vô tâm” và hiểu rằng trong tất cả những mối quan hệ, tuy mình “có nhiều mối giao du nhưng lại nhận được quá ít tình cảm chân thành” và thấm thía nỗi cô đơn.

Thế thì hôn nhân, cô đơn, hạnh phúc là gì mà nhà văn Anton Cechov đã phải thốt lên: “Nếu bạn sợ cô đơn thì không nên kết hôn!”. Tất nhiên về chủ đề này có nhiều góc nhìn khác nhau, thí dụ như Friedrich Nietzsche: “Sự cô đơn của tôi không tùy thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt một người nào đó; ngược lại tôi rất ghét ai lấy mất sự cô đơn của mình, mà không đổi lại bằng một sự chia sẻ”. Còn đạo diễn Ý Bernardo Bertolucci thì không đứng về “phe” nào: “Sự cô đơn có thể là một hình phạt ghê gớm nhưng cũng có thể là  một sự chinh phục tuyệt vời!”

Tất nhiên ngoài cô đơn thân xác còn có cả cô đơn tâm hồn… Trong truyện ngắn “Khoảnh khắc trăm năm cô đơn” có những đoạn đối thoại mà khi thử “đọc theo cách riêng” hoán vị thứ tự đã làm tôi… giật mình. “Cô và chồng, cả hai gắng gỏi lấp đi khoảng trống khác biệt và hóa giải những bất hòa bằng nỗ lực mỗi ngày, trong đó có nỗ lực ái ân.” Giật mình vì khi gắng gỏi thì ái ân không còn là hiến dâng mà chỉ là miễn cưỡng hay cam chịu.Và người đàn bà nhiều lúc đã “rơi vào trạng thái bấp bênh dù đã neo đậu được vào cái bến yên bình.” Bởi người vợ ấy mơ mộng và thích đọc sách. Nàng nhạy cảm nên khi có sách nàng như được lấp đầy. “Buông sách ra, nhân vật từ trang sách vẫn không rời bỏ cô. Họ quanh quẩn đâu đó. Họ lắng nghe, họ sẻ chia và tường tận cả nỗi khao khát âm thầm.” “Sách khiến cô thường tách khỏi đám đông mà không cảm thấy cô đơn. Rất khác với những phút giây đắm say chồng vợ.”  

Nhưng chồng nàng thì cho cô dành quá nhiều tâm trí cho những quyển sách…  Một lần anh ném lời lẽ vào mặt vợ: “Anh cũng đọc, nhưng anh biết chọn những quyển sách để giải trí, để thư giãn. Còn em, em chỉ đọc loại sách làm mình chia trí, chia tâm!”. Sự khác biệt tính tình giữa hai người quá rõ. Và  “Nàng thấy mình không oan. Chỉ thấy oan cho sách.”

Vậy đó, đứng một thân giữa đất trời nỗi cô đơn sẽ làm ta tự gặm nhấm mình, còn bao quanh bởi những người không đồng điệu thì họ sẽ gặm nhấm ta. Đó phải chăng là bi kịch của con người?

                                                            &

            Trong xã hội hiện đại cô đơn là hệ quả lâu dài của một hệ thống kinh tế trong đó chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh nhưng mâu thuẫn là sau đó mỗi người phải tìm một nơi trú ẩn để thấm thía về sự cô đơn của mình. Sự cô đơn ấy khiến chúng ta sợ hãi kẻ lạ. Khái niệm “láng giềng” dường như biến mất nên cái môi trường sống trong các thành phố lớn làm chúng ta cảm thấy bị hăm dọa bởi những người chưa quen.

Xã hội đô thị vì thế mà được cấu thành bởi những con người cô đơn, hằng ngày gặm nhắm sự cô độc trong căn phòng đóng kín. Ngày xưa con người sống thành cộng đồng, trong làng ai cũng biết nhau, mỗi lễ hội, vui buồn, cưới hỏi, tang chế đều chia sẽ còn trong gia đình và quan hệ giữa các thành viên chặt chẽ.

Nhờ phát triển kỹ thuật và phương tiện tân kỳ giúp kết nối rộng rãi nhưng chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ là những sinh vật buồn thảm với chiếc điện thoại luôn cầm trên tay, ngồi một mình, gửi hay nhận những thông điệp, mà thật ra chỉ để tự an ủi là mình đang kết nối.

Nhưng phương tiện, rất tiếc, không  phải là liều thuốc giải cô đơn!

Mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến người ta càng thấy cô đơn: Trong tình yêu (hay hôn nhân) khi nhìn thấy những gì “tốt đẹp ảo” mà người khác phô bày, nảy sinh so sánh, phụ nữ sẽ cảm thấy đời mình không đủ tốt đẹp. Và nỗi cô đơn lạnh lùng nhưng kinh khủng nhất là khi thể xác tuy gần gũi nhưng tình cảm thì cách xa. Hiện nay có rất nhiều cuộc hôn nhân mà nhiều cặp đôi cảm giác lạc lõng dù mỗi ngày vẫn ở bên nhau. Ngay cả trong những cuộc hôn nhân tưởng chừng vững chắc vẫn có lúc một hay cả hai cảm thấy tâm hồn xa cách.

Nhà văn Kiệt Tấn viết nhiều lần trong tác phẩm của mình: “Tôi rất sợ bệnh tật và cô đơn”. Và tôi cũng từng nghĩ nỗi sợ hãi cô đơn chính là một trong những hình phạt tàn khốc mà thượng đế dành cho loài người. Lọt thỏm trong đó tâm hồn chúng ta chơ vơ những con thuyền neo bến mà không có kẻ qua sông.

                                                     &

Nếu tất cả chúng ta đều khát khao đi tìm hạnh phúc, thế thì nỗi cô đơn hiện tại có phải là  nền văn hoá toàn cầu đang sai lầm một điều gì đó chăng? Rằng người trẻ thì bôn ba, người già thì cô đơn, trẻ hay già đều không sống bình an, thoã mãn  hay hạnh phúc mà là ngược lại?

Nhạc sĩ Vũ Thành An từng hỏi: Triệu người quen có mấy người thân? Và ta thử nghĩ xem, quen biết bao nhiêu người, chụp hình với nhiều người mà mấy ai có quan hệ chiều sâu để mở ra cánh cửa đi vào tâm hồn xây dựng niềm tin và thông cảm?

Tận cùng của sự cô độc là cái buồn khiến ta thấy cuộc đời không có gì đáng để sống. Nó chẳng khác chi cõi chết. Vì sống cũng là để chia sẻ điều gì với một ai đó, nếu chỉ sống cho bản thân thì tự mình đánh mất những điều tốt đẹp nhất.

Sự thực là chúng ta sinh ra và chết trong cô đơn. Trong tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” tôi có viết là đứa bé khi còn trong bụng mẹ thì nguyên vẹn, nhưng khi sinh ra thì chỉ còn một nửa. Nó sẽ phải đi tìm xung quanh mình một người tình, người bạn, người thân… chia sẻ tâm can về một số giá trị tinh thần, quan niệm sống, khuynh hướng đạo lý, niềm tin hay phản ứng giống nhau trước một hoàn cảnh nhất định. Nhưng những người đi qua đời nó hình như chỉ là một thoáng, một sự vay mượn.

Trong tình yêu đứa bé ấy nhất định phải tìm được một nửa của mình. Cái nửa mà Thượng đế, nhằm trừng phạt về tội tham lam và độc ác, đã chia thành hai mảnh, buộc mỗi người phải bôn ba khắp quả địa cầu để tìm lại nửa mảnh khít khao của mình. Kể từ ấy, con người đã vất vả, lao đao. Không mấy ai trên cõi đời may mắn tìm thấy nửa phần thất lạc của mình. Phần lớn chỉ làm những ghép nhặt không ăn khớp. Để thay vì khoả lấp nỗi cô đơn, trống trải lại nhân lớn thêm lên. Để thay vì sống chung hạnh phúc, họ chỉ gây cho nhau nhiều điều bất hạnh. Để thay vì vui hưởng bình an, họ chỉ nhấn chìm nhau vào cơn bão lửa, hận thù. 

Trong khổ đau, môi vẫn gượng cười vì không ai có quyền được khóc!

Nếu nghĩ cho cùng thì cuộc đời chỉ là một chuyến xe chạy rất nhanh và chuyến đi chưa kéo dài được bao lâu thì chúng ta đã già rồi. Hiện nay tình trạng lão hoá, ly dị, sống một mình tăng nhanh trên toàn cầu, nhưng có lẽ chỉ mới có Thủ tướng Anh Theresa May là tiên phong thiết lập một Bộ Cô Đơn[2] nhằm điều phối và giải quyết các vấn đề liên quan đến sự cô đơn đang tác động tiêu cực đến hằng triệu người trong đó có rất nhiều người già hay em bé bị bỏ rơi, cô độc và bệnh tật.

 Trừ vài trường hợp cá biệt, cô đơn là một sự chọn lựa thì phần lớn đều bắt nguồn từ thời đại mà chúng ta đang sống. Càng ngày ảnh hưởng của kỹ thuật sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tâm lý của chúng ta và sự tiếp xúc cơ học sẽ thắng thế trên tiếp xúc giữa người.

                                                &      

Phần lớn các nhân vật trong tập truyện Đường đến Cây cô đơn của Bích Ngân là phụ nữ. Điều đó cho thấy nhà văn biết khai thác cái thế mạnh về hiểu biết tâm trạng của những bạn bè mà mình quen biết. Các truyện thường được kể tưởng như nhẹ nhàng qua những diễn biến tâm lý của nhân vật chính: họ tự dằn vặt, tự phân tâm, nhận thức hoàn cảnh và ngẫm ngợi về thân phận của chính mình và thường kết thúc bằng những tình tiết lãng mạn hay có khi cũng mãnh liệt để lại những dư âm trong lòng người đọc.

 

Nhà văn Bích Ngân là cây bút đa năng, viết truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết và cả kịch bản sân khấu. Ba cuốn sách ra mắt cùng một lúc đã minh chứng cho nhận định chị là người có niềm tin thực sự vào sức mạnh của chữ nghĩa.

Từ năm 2003 đến năm 2015, là Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Văn nghệ Tp.HCM rồi Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh nên nhà văn Bích Ngân đã hết lòng và góp phần giới thiệu và in ấn những tác phẩm văn học có giá trị, nhiều hơn hết là khám phá và nâng đỡ những người viết trẻ. Là người thấm thía nỗi đơn độc của người cầm bút nên chị muốn góp phần làm điều gì đó để giúp nhiều tác giả trẻ vượt qua những khó khăn để đưa những trang viết đến với công chúng.

Có thể nói là nhiều năm qua chị đã gíup khơi nguồn dòng chảy văn học, đánh thức văn hóa đọc và có nhiều đóng góp cho việc quảng bá rộng rãi hơn văn học Việt Nam ra thế giới.

Tôi thường thân mật gọi chị là “người kết nối văn chương” với lòng trân quý.

Sài Gòn 11-2019



[2] Bộ trưởng là bà Tracey Crouch. Bên cạnh bộ này còn có Bộ Chống Tự Tử, bà Doyle-Price là bộ trưởng, có mục tiêu giảm số lượng các vụ tự tử và khắc phục những rào cản ngăn những người có vấn đề về tâm lý tìm kiếm sự giúp đỡ.

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 2291
Ngày đăng: 13.12.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời bình ngắn về “Em” của Đặng Xuân Xuyến * - Đặng Xuân Xuyến
“Phù Sa” bồi đắp quê hương - Ninh Giang Thu Cúc
Tiếp nhận vết nám trong tình yêu từ thơ Phan Thanh Bình - Hoàng Thị Thu Thủy
Chùm tản thơ về Huế của Lê Hưng Tiến - Lê Hưng Tiến
Bình thơ: ngồi lại khói hương của Tần Hoài Dạ Vũ - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Huy Cận trong tiếp nhận của lý luận - phê bình văn học ở miền Nam giai đoạn 1954 -1975 - Trần Hoài Anh
Thư về thơ - Đỗ Quyên
Giọt đàn bầu sâu lắng đẹp trong thơ - Võ Quê
Khế Iêm và Tân hình thức - Nguyễn Đức Tùng
Những giai điệu tình yêu - Nguyễn Thanh Huyền
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)