Trước sự ra đi vĩnh viễn của người bạn văn Larry C Heinemann (11.12.2019) xin gửi đến Văn Chương Việt với niềm tiếc thương!
Qua sự giới thiệu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, tôi được biết Nhà văn Larry C Heinemann sinh năm 1944 ở Chicago (Hoa Kỳ), là một tiểu thuyết gia với các tiểu thuyết, hồi ký liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Larry C Heinemann đã từng ở chiến trường Việt Nam với sư đoàn bộ binh 25, tham chiến tại khu vực gần núi Bà Đen Tây Ninh vào năm 1967 -1968.
Cũng như nhiều lính Mỹ khác, Larry C Heinemann cũng đã phải nếm trải từng nỗi kinh hoàng, khiếp đảm của chiến tranh; không tránh được mối ám ảnh bởi “hội chứng Việt Nam” và từ đó với ông viết văn như là một biện pháp hữu hiệu nhằm giải tỏa những dằn vặt, bức xúc của một thời tham chiến và văn chương với ông đã trở thành một phương pháp trị liệu tốt.Tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Hà Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và Việt Nam.
Ông đã hoàn thành ba tác phẩm về chiến tranh Việt Nam là "Giáp lá cà" (tiểu thuyết), "Trở về núi bà Đen" (ký), "Chuyện của Paco" và "Chuyện của Paco" đã được công chúng chú ý, đã nhận giải thưởng quốc gia Hoa Kỳ năm 1978; đây là cuốn sách của ông lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt và được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành vào mùa Thu năm 2010. "Chuyện của Paco" kể chuyện 93 người thuộc đại đội Alpha khi tham chiến tại Việt Nam đã bị chết, chỉ còn lại một mình Paco. Và câu chuyện do chính 93 oan hồn lính đã bị chết kể lại. Dưới bút pháp của Larry C Heinemann chuyện trở nên ly kỳ, hấp dẫn, cuốn hút người đọc.
Bằng một tình yêu Việt Nam sâu đậm, nhà văn Larry C Heinemann đã nhiều lần sang Việt Nam, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc, giao lưu, nói chuyện với bạn đọc Việt Nam. Riêng với thành phố Huế cổ kính, thơ mộng ông cũng đã đến nhiều lần, mà chuyến về ở Huế lâu nhất là 6 tháng vào năm 2003 để nghiên cứu, lấy tư liệu tìm hiểu về văn học dân gian Việt Nam và Thừa Thiên Huế. Chính thời gian đó, tôi đã có dịp tìm hiểu thêm về tình cảm, trí tuệ của các nhà văn Mỹ khi họ thật sự gắn bó, ưu ái đến một đất nước mà họ đã từng tham chiến. Tôi trực nhận rằng vượt lên trên mọi dị biệt, mọi đối nghịch, các nhà văn Mỹ ở Trung tâm William Joiner và các nhà văn Việt Nam luôn đề cao các giá trị nhân văn sâu sắc cũng như khát vọng hòa bình trên khắp hành tinh. Cuộc sống quý giá từ trái đất này đáng trân trọng biết bao!
Để kết thúc bài viết này cho phép tôi mượn lời của Larry C Heinemann như một sự đồng cảm lớn lao về tình yêu, về lòng nhân đạo, về thiên chức của nhà văn:
"Nhân đạo tức là biết xúc động, biết cảm thông, thấy "động tâm" (empathy) trước tha nhân và muôn loài và vạn vật của đất trời. Từ một quang cảnh bao la kỳ vĩ cho tới những vật nhỏ mọn như một cái lông chim, một hòn đất, một cái vỏ bào quăn queo; đôi mắt của một con kiến, một cái vẫy tay chào...”