Tác giả: Bùi Việt Phương
Cũng một hôm không muốn về nhà
Sợ tra tên mình vào ổ khóa
Nhàm chán nào rồi cũng thành tàn nhẫn
Tàn nhẫn nào rồi cũng dễ quen.
Cũng một hôm muốn sống khác đi
Quyết nhẹ dạ đánh lừa người nhẹ dạ
Rồi gặp cả tin
Bấm vào tay mình
Thì nhói đau lồng ngực.
Người lạ mà... không thể lạ được đâu.
Ta nhớ cái vu vơ nào đã gặp bao giờ
Như một chấm son âm ỉ bờ vai ấy
Chưa bao giờ muốn ngọt ngào để thấy
Nhưng thấy trong nhau cả những hôm nào.
Có lẽ mình đã từng lạc nhau sao
Rồi sao nữa? Sống tiếp là để kể...
trích từ tập thơ "Ngày lạ" (NXB Hội Nhà Văn, 2019)
-------------------------------
Bài thơ "Người không lạ" của Bùi Việt Phương mang một âm hưởng mơ hồ của một tình cảm mơ hồ, nhưng giữa cái mông lung lại thấp thoáng một niềm tin vững chắc và một mơ hồ "lạ" của những điều có thể không giải thích được. Bài thơ gợi cho tôi nhiều liên tưởng ‘lạ’. Đó là lý do tôi quyết định ghi lại bài viết ngắn này.
Bài thơ mở đầu một cách chậm rãi, tác giả dẫn người đọc vào cuộc sống hàng ngày của nhân vật trữ tình. Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ hơi nhàm chán mà thôi. Ai chẳng có lúc giữa áo cơm tất bật ngày thường, thèm một hương vị lạ, một cái gì khác cho đời ấm nóng mê say. Có đôi khi không muốn về nhà “sợ tra tên mình vào ổ khóa”, rồi chua xót nhận ra 'nhàm chán nào rồi cũng thành tàn nhẫn/tàn nhẫn nào rồi cũng dễ quen". Âu cũng là mâu thuẫn của cuộc đời con người vậy, ai cũng muốn có một mái ấm êm đềm, nhưng nhiều êm đềm quá lại cảm thấy … đôi khi cần một đợt sóng trào dâng.
Và một hôm nào đó, ta đã làm thật. Ta đã không về nhà, ta đã dám “sống khác đi”, làm những việc ta chưa bao giờ làm, với những người ta chưa bao giờ biết. "Quyết nhẹ dạ đánh lừa người nhẹ dạ", lặp từ thật tuyệt, câu thơ phác họa rất thơ cái tâm thế của người phiêu lưu 'amateur' hy vọng ra đời gặp người ‘nhẹ dạ’ khác. Và anh đã gặp gì? "Rồi gặp cả tin/ Bấm vào tay mình/ Thì nhói đau lồng ngực”. Ừ, ta đã nhẹ dạ cả tin mà ta lại gặp một người cả tin khác, tự nhiên lòng cảm thấy nao nao. Nhưng nào đã hết. Nhịp thơ như hẫng đi, chao nghiêng đi, chùng một nhịp tim với một nhận thức mơ hồ mà rõ rệt “Người lạ mà… không thể lạ được đâu”.
Trên bước đường đời tấp nập, ắt hẳn chúng ta cũng đôi lần hoặc nhiều lần nhận thấy, tự nhiên chúng ta thân thiết hơn với một người hoặc một số người nào đó, ngay cả từ lần đầu tiên gặp mặt hoặc trò chuyện với nhau. Brian Weissman trong quyển sách “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” (tựa tiếng Anh “Only love is real”) đã giải thích thế này: “Các linh hồn có thể nhận ra nhau ngay lập tức. Đột nhiên có một cảm giác thân quen, rằng bạn biết về người lạ này sâu sắc hơn nhiều so với những gì mà tâm trí biết được.” Nếu bạn tin vào điều này thì các linh hồn đã sống qua rất nhiều kiếp và giữ lại một phần ký ức của mình, tuy các chủ thể ở các kiếp khác nhau sẽ không có những nhận thức này. Các linh hồn thân thiện với nhau sẽ luôn cảm nhận được nhau, và có một hiểu biết về nhau nhất định. Do đó, vẫn theo Weissman “Dù chỉ mới gặp gỡ một ngày, một tuần, hoặc một tháng, cảm giác an toàn và lòng tin cậy vẫn ngập tràn trong bạn.” Tôi không nhất quyết đoán định điều đó là đúng hay sai, nhưng có lẽ nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng đã trải qua những ngỡ ngàng lạ lẫm như thế với người bạn mới quen của mình “Ta nhớ cái vu vơ nào đã gặp bao giờ/ Như một chấm son âm ỉ bờ vai ấy”. Một nốt ruồi, một hình bóng thân quen, cứ phảng phất như mơ hồ, như ta đã từng thấy, tự lúc nào, quá khứ hay trong những giấc mơ. Và ta cứ bước đi, ngờ ngợ, tự mình nghi ngờ mình, rồi khẳng định mình, rồi lại nghi ngờ “Chưa bao giờ muốn ngọt ngào để thấy/ Nhưng thấy trong nhau cả những hôm nào.”
Nhân vật trữ tình của chúng ta vừa lạ vừa mơ, vừa nghi ngại vừa ngờ vực, vừa muốn tin vừa không tin “Có lẽ mình đã từng lạc nhau sao”. Anh không khẳng định, cũng không dám phủ định, chỉ dám nghĩ, hãy sống tiếp, hãy quan sát tiếp, để kể câu chuyện này tiếp theo. Bài thơ kết lại nhưng lại mở ra bao nhiêu điều mênh mang, giữa cái mơ hồ hoài nghi mà lại có phần xác quyết chắc chắn, ngờ ngợ, ngỡ ngàng, tin mà không dám tin, của nhân vật trữ tình vào mối quan hệ mới đầy đặc biệt này. Người lạ, nhưng mà không lạ.
Đến đây, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ của bạn tôi. Tôi đã lắng nghe anh ấy kể không phán xét và thuật lại một cách trung thực nhất có thể. Anh bạn ấy bảo đã tình cờ gặp và trò chuyện với một cô gái chỉ trong vòng sáu giờ đồng hồ ở một sân ga vì cả hai phải chờ tàu. Họ chưa bao giờ biết nhau trước đó và cũng không định giữ liên lạc với nhau sau đó. Nhưng, trong suốt sáu năm sau cuộc gặp gỡ đó, thường xuyên và liên tục, anh luôn thấy cô gái này trong mơ và biết cô đang làm gì, nghĩ gì. Như sống một cuộc đời thứ hai. Đôi khi anh nghĩ mình đang mất trí. Đến khi anh nhất quyết tìm cô và liên lạc được với cô thì được biết về phía cô cũng như thế. Rồi họ trò chuyện với nhau bằng điện thoại một thời gian, cả hai đều ngỡ ngàng với khả năng ‘biết’ và ‘nhận’ thông tin về nhau của đối phương. Anh hỏi tôi có nên bay đến gặp cô gái đó hay không, vì điều kiện công việc nhà cửa cách biệt, vì ngại ngần, vì không dám tin, vì sờ sợ. Tôi đã bảo anh là dẫu thực dẫu hư, hãy đến gặp lại cô gái đó một lần, cho mình một cơ hội. Nếu là chuyện lừa gạt thì chắc chắn mình sẽ nhận ra thôi, còn nếu không, chẳng lẽ anh muốn đau đáu cả cuộc đời ngờ vực đó là giấc mơ hay sự thật. Anh ấy đã bay đến thành phố xa lạ kia gặp cô gái đó, mừng mừng tủi tủi và tin cuối cùng tôi biết là họ đã kết hôn với nhau, sống một cuộc đời hạnh phúc. Tôi không dám khẳng định tiền kiếp hậu kiếp, nhưng, tôi tin, có những linh hồn thật sự thân thiện với nhau và có cách liên hệ đặc biệt với nhau, và, có những người, thật sự, lạ mà không lạ, như trong bài thơ “Người không lạ” của tác giả Bùi Việt Phương.
15.11.2019