Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.684
 
Có một cõi chưa qua
Nguyễn Thánh Ngã

 

 

Đọc “Nơi ấy, mùa xuân chưa qua”, tôi thảng thốt bởi chất thơ hiện đại, tài hoa. Một thi sĩ giữa cõi “chưa qua” thật lạ lùng, thơ anh viết như từ một linh cảm, vụt hiện lên từ cảm thức sâu xa. Anh định nghĩa thời gian:

               Mặt trời như con ngựa bất kham

               rời dây cương chạy suốt...

                       (Về bên phía nắng)

Chúng ta biết Mặt trời là một định tinh, có các hành tinh vây quanh như quả đất, mặt trăng, hỏa tinh vv...; nhưng trong thơ thì mặt trời “chạy suốt”, cũng phiêu lãng, bươn chải như chính người thơ và cuộc sống vậy. Bởi có một điều đoan chắc rằng:

             Chắc rồi sẽ có người không phải em

             có những người không phải là anh

             họ đi qua vùng hoang dại

             có thể nơi ấy mùa xuân

             chưa qua...

                             (Xuân qua rồi em)

Có thể lắm chứ, một vùng tiểu khí hậu nào đó, chưa có gót chân mùa xuân bước xuống cuộc đời. Nơi ấy, ong bướm chưa về hút mật loài hoa cỏ trinh nguyên. Người thơ là kẻ đăng trình cô độc, ngác ngơ trước vẻ đẹp nguyên sơ của bước trần ai:

             bước chân về đâu chưa hiểu

             thật lòng chưa hiểu...

                            (Ý niệm một tình yêu)

Vâng, nếu hiểu thì anh không còn là anh nữa, kẻ lãng du hoang dại viết về ý niệm mà không hề ý niệm gì cả. Chỉ là con chữ tự sinh:

            Con chữ nhảy trên bàn phím

            suy tưởng hiện lên

            ý niệm nẩy sinh...

                       (Chợt nhớ mùa đông)

Đúng thế, mọi nẩy sinh từ cuộc vô thường là không hề đoán định. Nó như hư vô, như mộng ảo. Mỗi con chữ là một ẩn nghĩa phi thường, được giấu trong đa tầng ngữ nghĩa:

           Con chữ nào

           giấu sâu trong ấy

           có làn sương mỏng

           bao quanh...

                     (Mơ hoang)

Một làn sương mỏng thôi, có thể che lấp cảnh vật, huống là che lấp ngoại ngôn. Nhà thơ Đăng Trình, theo tôi biết là người đã từng vật lộn với con chữ, giờ con chữ hiện lên thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Thế mới biết, cuộc chơi “cũng lắm công phu”! Chính xác là nhà thơ đã vượt qua “cái thời mơ mộng làm thơ tặng em” rồi, để trở nên một cây bút đầy năng lượng, đầy chất thơ. Hành trình ấy được anh mô tả như con đường tình cô độc đúng nghĩa:

             Con đường tình lữ thứ

             một mình tôi...

                        (Con đường tình 1)

Lãng mạn và hoang dại, là đường tình của người thơ. Bởi nếu không như thế, chắc gì đời có thơ. Nhà thơ như con sóng kia, thét gào mãi mãi, dẫu biết chỉ là vô vọng:

             Con sóng

             không biết từ bao lâu

             Đùa nhau

             Đùa nhau

             Vỗ đến bạc đầu vẫn vỗ...

                           (thơ Ohaii Du du)

Thế đấy, đấy mới là cuộc đời. Sự lặp lại “đùa nhau/ đùa nhau” ấy là cơn mộng bi hài khó ai thoát khỏi. Nhưng nhà thơ là kẻ thấu thị căn nguyên, cũng đã nhìn ra bằng cảm thức thời gian:

           Rồi một ngày em cũng bỏ quên

           những nụ hồng trong vòng tay mà đi...

                           (Xuân qua rồi em)

Cuộc đến và cuộc đi ư? Ai đến trần gian, và ai bỏ trần gian mà đi cũng thế, cũng vào quên lãng mà đi thôi. Cho nên đóa tình trên tay chỉ là bi kịch như Đại Thi hào Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều rằng:”tu là cội phúc, tình là dây oan...”. Nhà thơ Đăng Trình, diễn cảm đời người bằng cuộc ra đi của chiếc lá, đầy cung bậc mơ hồ:

             Có một chiếc lá

           như là gió bay

           từ bàn tay

           lắt lay

           rơi xuống đời

           một sớm

           tàn đêm

                (Nhìn từ mắt lá)

Từ bàn tay diệp lục được quang phổ, lá đã bay từ sắc xanh qua sắc vàng, thắm nhuộm màu của bốn mùa xuân hạ thu đông. Rồi lá rơi lắt lay trong niềm gió thổi, và rơi xuống mặt đất an nhiên tự tại cho một sớm, hay một tàn đêm nào đó không hay. Cũng là lá, nhưng chiếc lá vô tình kia, lại gõ lên tiếng nói cuối cùng, làm thức tỉnh mặt đất vốn ngủ quên:

           Một chiếc lá vô tình rơi xuống

           Bên đời nghe tiếng chiều nay...

                         (Chạm thức khúc quanh)

Ôi! Cái tiếng “chạm thức” ấy của chiếc lá vang lên, vô thanh nhưng đời chiều nghe thấy. Nhờ vậy, tiếng vang ấy là âm thanh huyền diệu đi suốt tập thơ gió bụi của nhà thơ Đăng Trình, như tiếng thơ đi suốt thời đại mình đang sống. Chỉ vang lên thôi, rồi lắng đọng lại trong lòng độc giả, để trở thành một nỗi niềm, một tiếng trở trăn đã được ngôn ngữ thơ mã hóa.

Thơ là nghệ thuật ngôn từ, nhà thơ Đăng Trình đã sử dụng nhiều thủ pháp về nhạc tính có hiệu quả. Ví như khi đứng trước dòng sông tâm tưởng, nhà thơ đã thốt lên:

          Tôi muốn tặng em câu thơ bằng lời

          Sao cứ thấy ngược dòng không chảy?

                               (Dòng sông kỷ niệm)

Tôi cho đây là câu thơ hay, đầy chất trí tuệ. Câu thơ bằng lời là câu thơ nguyên thủy của trái tim, chưa được viết bởi câu chữ đã có nhiều suy nghiệm. Chính vì vậy mà “món quà thiêng liêng” ấy, đã không được đón nhận, bởi dòng đời chảy ngược! Nhà thơ là kẻ luôn kiếm tìm nguồn cội, trở về với nguồn cội là trở về với nguyên sơ để thấy vẻ đẹp khiết trinh của tình yêu chưa bị thương mại hóa. Điều ấy phải chăng là dòng chảy ngược? Thi ca cũng vậy, có lúc đi ngược dòng là lúc khác người sẽ bị ruồng bỏ. Nhưng không, tôi nghĩ mọi cuộc trở về đều có cái giá riêng của nó...

Thì thôi cứ mặc kệ, làm kẻ lữ hành ta cứ đi, không cần hay biết ngoài kia có gì cả cho lòng thảnh thơi, mà đón nhận làn hương vô tận:

          Nào đâu biết ngoài kia

          Có nụ hoa vừa mới tỏa hương...

                            (Cảm nhận từ một nụ hoa)

Quả thật, nào đâu biết có nụ hoa vừa mới tỏa hương, như những bài thơ Đăng Trình đã viết từ cảm xúc chân thật của mình. Thơ ấy là hương hoa, là những lời từ trái tim viết về nơi ấy, nơi mùa xuân chưa qua...

                   [Sài Gòn mùa hạ 2019]

                               

 

 

Nguyễn Thánh Ngã
Số lần đọc: 1895
Ngày đăng: 05.01.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người không lạ - Trần Hạ Vi
Bình thơ: Khúc hát tình rơi - Hoàng Thị Bích Hà
Du Tử Lê, ngôn ngữ tình yêu - Nguyễn Đức Tùng
Đôi dòng cảm nhận Bài thơ “Em đi”của Thục Uyên - Nguyên Bình BRVT
Nguyễn Minh Châu với việc góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận – phê bình văn học thời kỳ đổi mới - Trần Hoài Anh
Bích Ngân, người hay cây cô đơn? - Trương Văn Dân
Lời bình ngắn về “Em” của Đặng Xuân Xuyến * - Đặng Xuân Xuyến
“Phù Sa” bồi đắp quê hương - Ninh Giang Thu Cúc
Tiếp nhận vết nám trong tình yêu từ thơ Phan Thanh Bình - Hoàng Thị Thu Thủy
Chùm tản thơ về Huế của Lê Hưng Tiến - Lê Hưng Tiến
Cùng một tác giả
Co (thơ)
...Mưa (thơ)
Ảo (thơ)
Mở (thơ)
Pleiku (thơ)