“Đến đây không để lại gì
ngoài những dấu chân”
( . . . )
Có một nhà sáng tác nằm bên bờ biển. Có một nhà tu dòng kín cũng ở ngay cạnh đấy nhưng lùi sâu hơn vào phía trong. Hai ngôi nhà là thế giới tưởng như cách biệt. Những người ở trong hai ngôi nhà ấy gần như không cần biết đến sự tồn tại của nhau. Dù hầu hết cửa sổ của hai ngôi nhà đều hướng ra biển. Và vào giấc 4 giờ sáng, nhiều ô cửa của cả hai ngôi nhà đều sáng đèn. Trong lúc ở bên này các văn nghệ sĩ ra sức xoay sở tìm cách thỏa mãn cái tôi của mình, mong để lại dấu ấn mình, thì ở bên kia các nữ tu sĩ lại muốn làm tan biến mình đi để hướng tới Chúa và tha nhân. Các văn nghệ sĩ ra sức thu lượm tích luỹ kiến thức, cố làm giàu cảm xúc bằng tưởng tượng, còn các nữ tu lại mong quẳng vứt hết hành trang sao cho nhẹ nhất nghèo nhất để đến được với Thiên Chúa trong lòng. Các nữ tu đã ở trong tu viện như vậy từ thế kỉ trước đến thế kỉ này và sẽ còn ở trong đó cho đến hết cuộc đời và cả sau khi qua đời. Còn các văn nghệ sĩ chỉ ở nhà sáng tác nhiều lắm 2, 3 tuần rồi đi. Nhà sáng tác chỉ là khoảnh khắc dừng chân trong cả cuộc đời phiêu lưu dịch chuyển không ngừng của họ.
Có thể coi người quản lí nhà sáng tác là một cầu nối giữa hai ngôi nhà. Chị tên Sương (có một nhà văn đã đùa rằng vì tên chị thiếu dấu sắc nên nhìn vẻ mặt chị không được tươi). Chị Sương đã ở tuổi chớm thu. Chị không theo tôn giáo nào, càng không phải một văn nghệ sĩ. Công việc của chị là hoá đơn chứng từ thu chi quyết toán, chính xác và rõ ràng như những con số. Nhưng trên danh nghĩa chị vẫn là cán bộ của nhà sáng tác. Chị lại có mối liên hệ họ hàng huyết thống với một người nữ tu bên nhà tu kín, một người chị gọi bằng dì ruột. Chuyện này ở nhà sáng tác lâu nay không ai biết. Bởi chính chị dường như cũng không còn nhớ nữa. Cho đến khi ở nhà sáng tác xuất hiện một nữ nhà thơ trẻ tên là Cát.
Cát là một người làm thơ nổi tiếng rất sớm nhờ những câu thơ cuồng nhiệt. Nhưng cô còn là phóng viên của một tờ báo. Cát làm báo bằng tác phong của một thi sĩ. Vì vậy trên đường đi tác nghiệp qua miền Trung Cát đã ngẫu hứng dừng bước ghé chơi nhà sáng tác và cô đã “bắt” được một anh bạn hoạ sĩ trẻ đang dự trại ở đây. Anh bạn họa sĩ hơn Cát 15 tuổi nhưng vẫn là một trại viên trẻ nhất đoàn, ở chung một phòng trên lầu 3 với một nhà văn già. Cả đoàn văn nghệ sĩ dự trại lần này toàn một phái mày râu nguyên khối nguyên mảng, không có lấy một mảy đào liễu nào. Cái khối nam tính cứng chắc mạnh mẽ nhưng lại rất dễ chao đảo ấy đang ở tình trạng mất cân bằng như vậy thì bỗng dưng có một nữ thi sĩ vừa trẻ trung vừa nổi tiếng ào đến như một cơn mưa làm dịu mát cả toà nhà. Mọi người kéo đến ngồi chật cả 2 chiếc giường và 2 chiếc ghế trong phòng của anh hoạ sĩ trẻ và bác nhà văn già. Rượu rót chuyền tay. Những câu thơ hậu Bút Tre, những chuyện tiếu lâm đời mới được sáng tác ồ ạt và thi nhau xuất bản miệng ồn ã. Đáp lại nữ nhà thơ cũng đọc những câu thơ cuồng nhiệt nhất, Cát nhất, trong sự cổ vũ nhiệt tình của những người khác giới. Vui. Suốt từ ngày đầu mở trại cho đến lúc đó mới có được một đêm vui như vậy.
Nhưng vui quá hại dương buồn quá hại âm. Vui quá cũng làm người ta mệt. Lúc mọi người nhận thấy dấu hiệu mệt mỏi trên gương mặt và trong dáng ngồi khổ sở của nhà văn già “khổ chủ”, vội bấm nhau đứng dậy giải tán thì đêm đã khuya. Khi trong phòng chỉ còn 3 người, anh họa sĩ trẻ mới nhìn đồng hồ, giật mình kêu lên:
-Chết! Đã hơn 1 giờ rồi cơ à. Cát nghỉ ở đâu để anh đưa về?
-Em ở đây – Cát đáp
-Phải đấy – Nhà văn già nói – Giờ này còn đi đâu nữa. Cậu gọi lễ tân xin một phòng cho Cát nghỉ lại đi.
Anh họa sĩ trẻ nhấc máy nội bộ gọi, xong bỏ máy xuống, nói như có lỗi:
-Không được rồi. Chị quản lí nói Cát không phải trại viên nên không thể bố trí phòng được. Chị ấy có nhã ý mời Cát xuống nghỉ tạm dưới phòng trực cùng chị ấy.
-Em không đi đâu cả. Em sẽ ngủ ở phòng này. Em sẽ ngủ với anh .
Cát nói thản nhiên và vẫn ngồi im không nhúc nhích. Anh bạn họa sĩ giục:
-Cát xuống đi không chị Sương chị ấy chờ.
-Em đã nói là em không đi – Cát nói như gắt – Em không ngủ với chị sương chị gió nào hết. Hay là anh muốn đuổi em?
Anh họa sĩ trẻ chưa kịp hiểu thế này là thế nào thì Cát bỗng bật khóc tu tu. Đang giữa đêm hôm khuya khoắt, một cô gái trẻ ngồi khóc tấm tức trong phòng hai người đàn ông, sẽ giải thích với mọi người thế nào đây? Hai người đàn ông nhìn nhau bối rối. Anh họa sĩ trẻ vội đi ra mở toang cửa phòng máy lạnh và đứng luôn ở đó như muốn chứng minh mình vô tội nếu có ai chạy đến. Nhưng không có ai ngoài chị Sương quản lí. Chị nhìn Cát khoảng nửa phút, rồi hỏi hai người đàn ông: “Vậy bây giờ … sao? Cô ấy có xuống nghỉ lại phòng trực không hay đi chỗ khác? Nếu đi thì phải kêu bảo vệ mở cổng”. Cát liền đứng vụt lên cầm túi xách bước ra khỏi phòng, cứ thế đi xuống cầu thang. Vừa đi vừa lau nước mắt. Chị quản lí im lặng đi sau như đã quen với ý nghĩ các văn nghệ sĩ nổi tiếng thường không bình thường. Xuống đến phòng trực, chị mở cửa vào phòng, lên giường, đưa gối cho cô gái và nói: “Thôi ngủ đi”. Nói xong chị vươn tay tắt đèn và nằm xuống. Nhưng Cát vẫn ngồi ôm gối dựa tường không chịu ngủ. Lát sau cô nói :
-Chắc chị chẳng thích có em ngủ ở đây đâu đúng không? Em biết chứ. Chả có đàn bà con gái nào thích ngủ chung với đàn bà. Đàn ông cũng thế, còn hơn thế. Đàn ông ngủ với đàn ông, như gốc như gác như chông như chà. Đàn ông ngủ với đàn bà, như lụa như lĩnh như hoa trên cành(*). Chả ai thích món cơm chấm cơm, nhưng cứ làm ra vẻ.
Chị quản lí bắt đầu thấy khó chịu. Nhưng thôi – chị nghĩ – nó cũng như con gái mình.
-Chị có đọc cái gì của em chưa? – Cát hỏi
-Chưa, tôi ít đọc lắm – Chị quản lí đáp
-Thế thì chị hơi bị thiệt thòi đấy – Cát nói đúng như cô nghĩ – Để lần này về em sẽ gửi tặng chị một quyển. Chị sẽ thấy em viết đúng như em sống. Thoải mái. Tôi thích tôi nói tôi thích. Tôi thèm tôi bảo tôi thèm. Tội quái gì phải tam tòng với chả tứ đức, sốt ruột. Mà văn chương phải viết những chuyện ấy người đọc mới sướng, chứ không phải người ta thích cao đạo sạch sẽ đâu.
-Đấy là người ta. Thế còn em? Em có yêu thơ mình không?
Hỏi xong chị quản lí sực nhớ ra chị đã định sẽ không bắt chuyện để bắt con bé phải im, vậy mà không hiểu sao chị lại cứ bắt chuyện.
-Chị hỏi thế là thế nào? – Cát hỏi
Nhưng chị quản lí không nói nữa. Cát vẫn ngồi ôm gối dựa tường, duỗi chân. Một hồi lâu không thấy cựa quậy gì, chị quản lí tưởng cô đã chịu ngủ thì cô bỗng lại lên tiếng:
-Em buồn lắm chị ạ. Nhiều lúc em thấy cô đơn khủng khiếp. Mỗi lần mở email mà không thấy cái thư mới nào là em lại thấy cuộc đời như chẳng còn gì nữa. Mà nếu có thư cũng chưa chắc vui. Đọc xong có khi em lại càng thấy trống trải hơn. Em cũng chẳng biết mình chờ cái gì nữa.
Chị quản lí không nói gì. Nhưng Cát không để ý, cô tiếp tục tâm sự:
-Có buổi sáng vừa mở mắt ra không hiểu sao em đã thấy buồn. Buồn đến không khóc được. Chị có bao giờ như vậy không?
Giọng chị quản lí mệt mỏi:
-Tôi suốt ngày phải lo đủ thứ chuyện, chả còn lúc nào mà nghĩ đến những chuyện ấy. Thôi ngủ một chút đi.
-Em xin lỗi. Em sẽ không nói gì nữa. Chị ngủ đi.
Nhưng vừa lúc có tiếng chuông điện vang lên đâu đó, rất gần. Chị quản lí thở dài: “Bốn giờ rồi”. Cát hỏi:
-Chuông gì đó chị?
-Chuông báo thức của nhà tu đằng sau
-À có phải nhà tu kín đấy không chị? Mình sang đó được không chị?
-Không
-Chị có quen ai ở bên ấy không?
-Không.
Cát vùng dậy mở cửa đi ra ngoài. Qua mấy ô trống hình thoi của bức tường, cô nhìn thấy bóng một vài nữ tu sĩ đi lại trong khoảng sân sáng đèn. Cô lập tức bấm di động gọi anh bạn họa sĩ ở tầng 3. Tiếng anh họa sĩ hoảng hốt pha lẫn ái ngại: “Chuyện gì thế?”. “Bên này có một nhà tu kín anh biết chưa?”. Cát thoắt trở nên hào hứng.
oOo
Bà dì của chị Sương quản lí là một người nữ tu đã 86 tuổi. Bà không có chút gì giống với một nữ tu trong hình dung của thi sĩ Cát. Không lạnh lùng nghiêm nghị , không một chút khắc nghiệt. Thật ngạc nhiên khi thấy một người già ở tuổi ngoài tám mươi vẫn sôi nổi hồn nhiên, rất vui vẻ và minh mẫn nữa. Dù vậy bà vẫn không sao nhớ ra được đứa cháu này là đứa nào, con ai. Chị quản lí phải nhắc lại tên cha mẹ chị và một dây những người họ hàng khác nữa cho bà nhớ. Người ngoài người trong nói chuyện với nhau qua bức tường ngăn có những ô trống hình vuông nhỏ đủ để họ nhìn thấy mặt nhau khi tấm rèm vải đã được vén sang bên. Qua câu chuyện, Cát được biết bà vào nhà tu từ năm 18 tuổi với niềm tin “Chúa đã chọn chị”. (Bà quen xưng chị , vì trong nhà tu ngoài mẹ bề trên còn tất cả đều là chị em). Cát nghe bà, nhìn bà, rồi lại nhìn chị Sương quản lí, ngạc nhiên thấy có nhiều nét vẻ khác nhau đến vậy giữa một người đã biết Chúa và một người chưa biết Chúa, đặc biệt là đôi mắt. Đôi mắt của người nữ tu già cứ ánh lên thứ ánh sáng của một nguồn năng lượng kì lạ. Còn đôi mắt của chị Sương quản lí chỉ có một màu tro nguội mệt mỏi.
Có một điều thi sĩ Cát không biết là cả ngày hôm đó chị Sương quản lí như trở thành một người khác. Chị trở nên đa cảm, dễ tính, dễ gần. Có một cái gì đã thay đổi. Cát cũng không biết đó là lần đầu tiên chị quản lí vào thăm bà dì sau mấy chục năm lãng quên. Bà dì của chị vào nhà tu từ khi chị chưa được sinh ra. Bao lâu nay chị hầu như quên mất sự có mặt của bà trên đời, dù bà ở sát bên cạnh chỉ cách vài bước chân. Dù đêm trực nào chị cũng nghe tiếng chuông từ phía bà, nhưng tiếng chuông chưa khi nào đánh thức một tín hiệu ruột thịt nào trong chị. Cũng như từng ấy năm chị làm ở nhà sáng tác nhưng công việc của chị chỉ liên quan đến hoá đơn chứng từ thu chi quyết toán, chính xác và rõ ràng như những con số. Các văn nghệ sĩ dù tài giỏi đến đâu cũng không ai làm chị lây nhiễm được. Không ai có thể kéo sự quan tâm của chị ra khỏi chợ và những tính toán vun vén cho chồng con. Thật ra sáng hôm ấy chị Sương chưa có ý định vào thăm bà dì. Trước 4 giờ sáng chị còn chưa nghĩ đến bà. Cho đến khi nữ thi sĩ hỏi chị có quen ai ở bên đó không. Sau câu trả lời “không”, chị chợt nhớ tới bà dì thuở nhỏ. Rồi chị băn khoăn không biết bà còn sống không? Băn khoăn lớn dần thành nỗi ngậm ngùi. Và khi tiếng chuông buổi sớm vang lên chị thấy nó dồn dập khác hẳn mọi ngày. Chị ngập ngừng bước sang, đứng trước lối cổng lát đá sâu hút dọc theo bức tường. Chị đã từng đi trên lối cổng này một lần cách đây đã lâu. Đó là lần chị theo những người lớn vào thăm bà dì khi chị còn rất nhỏ. Những gì chị nhớ được là khi đó khuôn viên tu viện còn trải rộng ra tận biển. Và bà dì có khuôn mặt trái xoan thanh tú trùm chiếc khăn xanh viền trắng đã đưa tay qua ô trống vuốt má chị. Chị Sương bất chợt rùng mình như vừa có một linh hồn quanh quất đâu đây. Có một vài lần chị nghe bên nhà tu kín cử nhạc tang lễ. Mẹ chị từng bảo các nữ tu dòng kín cho đến khi chết vẫn không ra khỏi dòng tu. Xác thân họ được gửi lại ngay trong vườn sau của tu viện, nơi được gọi là đất thánh. Đang lúc chị Sương ngậm ngùi hồi tưởng lại những người thân thì Cát ở đâu ào tới nói như reo: “Cho em theo vào với. Sao chị bảo là không vào được?”. Nói xong, cô phóng đến bên cánh cổng nhà tu vừa lay vừa gọi. Và cổng mở. Chị Sương không chuẩn bị, lúng túng: “Cho tôi hỏi… tôi thăm dì Nhã tôi… Anna…Nếu còn năm nay khoảng…”. Người nữ tu bàn xoay mặc áo tu màu sim chín trùm khăn trắng, có gương mặt đẹp như thiên thần tưởng khách ở xa đến, mỉm cười gật đầu mời khách vào.
Chuyến thăm lại sau bao nhiêu năm đã bắt đầu như vậy. Chị Sương vừa ngỡ ngàng vừa mừng tủi nhìn thấy bà dì vẫn nhanh nhẹn vui vẻ chứ không như chị nghĩ. Đôi mắt bà trùm lên chị những tia nhìn ấm áp. Càng nói chuyện với bà chị càng thấy mình có quá nhiều chuyện muốn nói với bà. Con người lâu nay quen chặt chẽ chi li với tất cả mọi người, với cả bản thân mình, chỉ biết vun vén cho một nơi gọi là tổ ấm là gia đình của mình, bỗng chốc nhận ra mình trơ trọi bơ vơ.
Và khi chị quản lí bắt đầu khóc thì Cát bỏ ra ngoài.
Người nữ tu đảm nhận công việc vòng ngoài, còn gọi là bàn xoay, là người thay mặt các nữ tu trong nhà tu làm công việc giao tiếp với bên ngoài, như bán các sản phẩm các nữ tu nuôi trồng được ở sau tu viện, mua lương thực thực phẩm chất đốt, tiếp và hướng dẫn người nhà các nữ tu đến thăm … chính là người khi nãy đã mở cổng cùng với nụ cười lặng lẽ và ánh mắt thân thiện dẫn chị Sương quản lí và thi sĩ Cát vào phòng đợi thăm. Khi bưng trà đến đặt trước mặt hai người cũng vẫn nụ cười thay cho lời mời. Và khi đi ra cũng bằng cử chỉ khẽ cúi người thay cho lời chào để lui ra. Cát thấy khó mà khai thác được gì ở người nữ tu này.
Nhưng thật may khi Cát ngỏ ý muốn đi thăm vườn thì đã có một nữ tu khác đến đưa đi. Người nữ tu này còn trẻ, mới 18 tuổi, tên Nam. Nam đã vượt 700 cây số từ quê cô tới đây cũng với niềm tin “Chúa đã gọi tôi”. Nam đến chưa lâu nên còn ở ngoài nhà tạm, phụ giúp với người giữ chân bàn xoay. Từ khi vào ở nhà tạm, rồi khấn tạm, đến lúc khấn trọn đời phải trải qua thời gian hàng chục năm. Trong thời gian ấy Nam sẽ tiếp tục thử thách mình và vẫn còn kịp để thay đổi. Nhưng nói chuyện với Nam, Cát không thấy cô bạn có ý định thay đổi. Thậm chí Nam còn nói cô đã nghe tiếng Chúa gọi từ khi mới 16 tuổi. Và Nam đã dồn hết sức lực để làm lụng giúp cha mẹ trong 2 năm cuối cùng trước khi đủ 18 tuổi để đến nhà tu. Thật sao? Nghĩa là Nam cũng sẽ tự nguyện giam mình bên trong ngôi nhà này từ nay (khi mới 18 tuổi) cho đến sáu, bảy mươi năm sau thành một bà già, cho đến hết cuộc đời như bà dì của chị Sương quản lí mà sẽ không một lần nào nữa bước ra ngoài? Thói quen nghề nghiệp làm Cát bật ra câu phỏng vấn:
-Ở đây bạn sẽ làm gì?
-Em phải luôn giữ tỉnh thức để chiến đấu với cám dỗ và yếu đuối, giữ cho được ba điều khó nghèo, vâng lời, khiết trinh .
-Bạn sẽ tìm được gì ở đây?
-Em tìm thấy an bình. Em muốn được sống với Chúa.
-Cha mẹ bạn có bằng lòng cho bạn vào đây không?
-Không. Cha em đã khóc vì sợ mất con. Vì khi đã khấn trọn đời rồi thì không bao giờ về nhà nữa.
-Bạn có thương cha mẹ mình không?
-Thương chứ. Thương lắm. Nhưng đứa con đi tu mới là đứa con có hiếu nhất. Chỉ khi nào mình có được tình thương lớn rồi thì mới được ơn Chúa gọi.
Toàn những điều Cát không thể hiểu. Cũng như cô không hiểu tại sao lại có cả những ngôi mộ của các nữ tu người Pháp trong vườn. Những người phụ nữ lạ lùng. Cái gì đã làm họ từ bỏ gia đình quê hương đến đây để rồi chết ở một nơi xa lạ như thế này. Cát không hiểu. Nữ thi sĩ chỉ biết rằng cô sẽ không bao giờ làm một tu sĩ được.
Nam đưa Cát đi thăm vườn hoa, sẵn sàng cho Cát bẻ cành hoa đẹp nhất. Cát muốn một trái sakê, Nam cầm sào bẻ ngay một trái trên cây sakê trước sân như đã được sự bằng lòng của bề trên từ trước. Đó là trái sakê to nhất trên cây đã bắt đầu ngả vàng, nghĩa là nó đã già và đến lúc có thể hái xuống được. Rất có thể nó đã được nhắm để làm thức ăn cho bữa trưa nay của các nữ tu. Sakê hẳn là thứ trái cây rất hữu ích cho nhà tu vì nó vừa làm thực phẩm vừa có thể làm lương thực được.
Khi nhận trái sakê từ tay Nam, Cát bỗng cảm thấy tuyệt đối yên lòng, tuyệt đối tin tưởng. Tin rằng cô bạn ở bên cạnh mình đây sẽ không bao giờ là nguy cơ của mình, không cần đến một mảy may dè chừng cảnh giác.
Dù vậy cũng đã đến lúc Cát thấy chán. Một nơi quá sạch sẽ ngăn nắp, một nơi có những người tự nguyện dâng hiến gần trọn cuộc đời để tìm kiếm, hướng về, thì đối với cô chỉ sau một tiếng đồng hồ đã không còn gì hấp dẫn nữa. Chẳng có nơi nào tẻ nhạt hơn một nơi chỉ có tĩnh lặng, an bình.
Cát đi ra cổng chỗ chị Sương quản lí đang đợi, hỏi: “Chị đợi lâu chưa? Sao chị không đi xem vườn?”. “Muộn rồi, tôi còn phải về đi chợ”, chị quản lí đáp. Hai người chào các nữ tu bàn xoay và đi ra. Cánh cổng từ từ khép lại sau lưngï họ.
Cát chạy một mạch lên cầu thang nhà sáng tác. Cô phải kể ngay cho anh bạn họa sĩ nghe về những gì cô vừa thấy. Cát luôn cần có ai đó để trút về bất cứ chuyện gì. Cái cô cần tìm kiếm là một người để trút, để yêu, để sống hết mình theo ý mình. Là những câu thơ có thể thoả mãn mình. Là số đông những người có tên chung là Người Đọc. Là cái gì đó, những ai đó khác ngoài mình. Cát không hiểu và không tin người ta có thể tìm được an bình bằng cách từ bỏ cả khổ lẫn vui. Làm sao người ta có thể vâng lời, khiết trinh cả trong ý nghĩ . Làm sao người ta có thể suốt đời chiến đấu với cám dỗ mà không mệt mỏi. Và tại sao lại phải vào nhà tu. Thơ cũng hướng tới tha nhân, cũng cứu vớt tâm hồn đấy thôi …
Đang sôi nổi phấn khích Cát bỗng im bặt như chợt nhớ ra điều gì. Có lẽ cô nhớ đến việc mình đã bị mời ra khỏi phòng này hồi đêm. Đôi mắt to vụt trở nên trống vắng khủng khiếp. Cô nói, giọng lạc đi như sắp khóc: “Em xin lỗi. Hình như ở đây chẳng có gì dành cho em”.
Cát rời khỏi nhà sáng tác ngay sáng hôm đó, làm anh họa sĩ trẻ và bác nhà văn già chưa kịp hiểu họ vừa được ban ân sủng hay vừa bị trừng phạt. Bữa trưa hôm đó ở nhà sáng tác vui nhộn hẳn lên nhờ những lời đàm tiếu về Cát. Về một đứa con gái làm thơ điên khùng, ảo tưởng, đáng thương. “Đây gọi là ma đưa lối quỉ đem đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi(**). Cái chỗ vui vẻ này đâu phải chỗ của nó. Chỗ của nó là ở bếp, ở chợ, ở nhà”. “Rồi nó sẽ chững dần lại thôi. Nếu không đời nó sẽ thành bi kịch. Muốn điên cho đến nơi đến chốn cũng cần phải có bản lĩnh.” . “Thì cũng phải có những nhân vật như vậy mới vui, không thì có chuyện gì để nói, rồi các ông lại kêu buồn”. Vân vân. Chỉ có anh họa sĩ trẻ và bác nhà văn già – hai nhân vật liên quan trực tiếp - là không tham gia gì. Nhưng mãi đến cuối chiều, nghĩa là 8 tiếng đồng hồ sau khi Cát bay đi họ vẫn còn nghĩ đến cô. Khi tiếng chuông chiều vừa dứt , anh họa sĩ trẻ mới dè dặt nói với nhà văn cùng phòng:
-Em đang nghĩ không biết người ta có cần phải điên điên một chút không. Có lẽ phải điên lên ít nhất một lần thì mới mau tỉnh ra được.
Nhà văn già trước kia vốn là một nhà giáo, nói:
- Tôi biết có hai loại người dám đánh đổi đời mình để tìm kiếm. Một là những người dám làm thân muối lặn xuống biển cả, xuống đến tận đáy, đến chỗ tan hoà vào biển để xem biển là thế nào. Hai là những người dám làm con cá thử ném mình ra khỏi nước, để cho biết nước là thế nào. Có lẽ đấy mới là những người biết được cuộc sống thật sự là gì.
Anh họa sĩ nhìn nhà văn già rồi nhìn ra cửa sổ theo hướng ông đang nhìn. Vẫn chỉ thấy biển. Biển mênh mông xanh thẳm. Xanh đến tuyệt đường ngôn ngữ, không lời nào tả được. Trên bãi cát chi chít dấu chân, còn trên mặt biển chẳng hề in dấu một con tàu nào. Ngoài cửa lao xao tiếng người gọi nhau đi ăn cơm. Đã đến giờ cơm chiều. Anh họa sĩ trẻ và nhà văn già cũng đóng cửa đi ăn cơm.
Đêm ấy và các đêm tiếp theo các văn nghệ sĩ lại ai ở trong phòng nấy, không có cuộc tụ tập nào nữa. Sau khi nữ thi sĩ Cát đi, nhà sáng tác trở lại trạng thái lặng lờ như cũ. Yên tĩnh đã được trả lại cho những người không chịu được yên tĩnh.
Bên nhà tu kín phía sau, tiếng chuông vẫn vậy từ thế kỉ trước đến thế kỉ này. Biển ngoài kia muôn đời vẫn sóng vẫn gió. Người chẳng biết khi nào thôi kiếm tìm. Những nhà hàng đặc sản đông đúc xung quanh đó cũng chẳng biết khi nào hết khách.
________________________
* Ca dao
** Nguyễn Du.