Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.116
123.229.030
 
Trắng đêm cùng tiếng sóng
Nguyễn Tiến Nên

 

                              

                                                                       

 

       Nếu nhìn nhận một cách khách quan, tốc độ phát triển sau ba mươi năm “về với địa giới cũ” của tỉnh Quảng Bình cũng không đến nỗi nào. Cũng có sân bay, sân “gôn”, cảng biển, “rì-sọt”, hang động… nhưng chưa ai dám nói Quảng Bình là một tỉnh giàu! Riêng cái “anh” kinh tế biển thì Quảng Bình đâu có kém cỏi gì. Đến các địa phương vùng biển tỉnh ta trong dịp này, tàu cá xa bờ luôn chiếm số lượng lớn. Toàn tỉnh hiện có gần 8000 tàu cá, tổng công suất trên 1,2 triệu sức ngựa, tổng đầu tư trên hai mươi nghìn tỷ đồng, quả là một con số khổng lồ. Các tàu từ 250 đến 1000 sức ngựa chuyên đánh bắt xa bờ gần 1500 chiếc, trong đó hơn 700 tàu đánh bắt trên các vùng biển xa. Đây được coi là ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh, lao động tham gia đánh bắt hải sản gần ba vạn người, đời sống bình quân không dưới trăm triệu đồng/người/năm và bốn vạn rưỡi người sinh sống bằng các loại hình dịch vụ nghề cá. Bước vào vụ cá nam năm 2019, hầu hết tàu thuyền đều rời bến đi sản xuất. Đáng vui hơn, tàu cá Quảng Bình nay không chỉ vào ra các cửa lạch trong tỉnh, hay cảng Hòn La, mà đã xuất hiện khá nhiều tại các cảng cá ngoại tỉnh, như Phò Hội (Quảng Trị), Thuận An (Thừa Thiên - Huế), Thọ Quang (Đà Nẵng)… Để chứng kiến không khí sôi động khi vào vụ cá nam, tôi đã có dịp “la cà” tại một số làng quê nổi tiếng nghề biển ở Quảng Bình và tại những nơi bà con neo đậu, nghỉ ngơi khi kì trăng đến.

                                                                  *

       Nắng chiều xiên ngang trên cầu Nhật Lệ, tăng thêm sắc biếc cho mặt sông đang độ triều lên. Sau 23 ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QB 91766TS của chủ tàu Phạm Văn Dẩn thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) vừa trở về, anh em bạn thuyền đang hào hứng chuẩn bị nhập hàng cho thương lái. Sẵn dịp may, tôi tranh thủ tiếp cận. Đang vui vì chuyến biển thắng lợi, anh Dần tâm sự mà cứ như kéo chúng tôi nhập vai vào câu chuyện: “Hải sản gần bờ chừ khan hiếm lắm, phải ra khơi mới có năng suất cao. Vả lại khi gặp thời tiết xấu, con tàu có công suất lớn chịu đựng tốt hơn, giúp anh em yên tâm để có thể trụ lại sản xuất nhiều ngày. Vì rứa, tui quyết định bán con tàu cũ 200 “ngựa” để đóng tàu con tàu ni, 450 “ngựa”, hết trên 5 tỷ đồng. Nói chung, từ khi có tàu mới làm ăn khí thế lắm, anh em ai cũng phấn khởi”.

      Anh Phạm Tuyển chủ tàu QB 91999TS cũng vừa trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày từ vùng biển xa. Một sự đặc biệt ở người ngư dân này, khiến tôi tò mò, nấn ná tìm hiểu. Mới 33 tuổi anh đã cầm lái tới 3 con tàu, anh theo cha đi biển từ lúc 12 tuổi, 5 năm sau cha anh đã giao quyền thuyền trưởng con tàu 45 “ngựa” cho con. Cũng giọng điệu như anh Dần, anh Tuyến bộc bạch: “Tàu nhỏ chỉ quanh quẩn ven bờ thôi, sức lực bỏ ra thì nhiều nhưng hiệu quả không được bao nhiêu, thời gian sau tui mua con tàu 250 “ngựa”, “mần” cũng tàm tạm, thu nhập có khá hơn nhưng sức chở “không ăn thua”, có khi đang gặp cá mà “tổn hết” phải quay về… Từ đó tui tiếp tục xoay thêm vốn liếng, đóng mới chiếc ni 600 “ngựa”, đủ khả năng hoạt động từ 20-25 ngày trên biển. Khai thác bằng con tàu lớn đỡ phải đi về, tăng thời gian đánh bắt, sản phẩm được bảo quản tốt nên giá trị cũng cao hơn”. Sau mỗi chuyến (tức mỗi tháng) đi biển, tàu anh thu lãi từ 400-500 triệu đồng.

       Không chỉ anh Dẩn, anh Tuyển…, anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Sa Động đã quyết định bán con tàu vỏ gỗ, kết hợp nguồn vốn được vay theo Nghị định 67, đóng mới tàu vỏ thép 850 “ngựa”, trị giá 23 tỷ đồng. Chuyến đầu, do thao tác trên con tàu mới, từ thuyền trưởng đến anh em bạn tàu chưa quen với các máy móc, thiết bị, nên anh chỉ thu hơn 300 triệu đồng. Sau khi rút kinh nghiệm và học hỏi thêm các tàu bạn, chuyến biển vừa qua, anh và 12 ngư dân chuyên nghề mành chụp tại ngư trường Hoàng Sa, thu về hàng chục tấn mực, cá nục suôn và nhiều hải sản khác, trị giá gần một tỷ đồng…

        Về Bố Trạch, tôi đến một làng biển bên sông Lý Hòa. Không chỉ nổi tiếng về đánh bắt hải sản, Đức Trạch còn có nền kinh tế khá đa dạng, với nhiều ngành nghề truyền thống như đóng tàu, rèn, đúc, gia công cơ khí… Cảm nhận đầu tiên khi tới đây, toàn xã như một “đại công xưởng” đang hoạt động. Là một trong những địa phương có số lượng tàu tham gia đánh bắt vùng biển xa lớn nhất ở Quảng Bình, với 290/490 tàu. Trong không khí nô nức ra quân, gần 3000 ngư dân xã Đức Trạch khẩn trương cho tàu xuất bến. Tinh thần “hướng biển” không chỉ thể hiện ở mỗi ngư dân mà cả trên gương mặt từng người dân ở đây, khiến tôi đọc được ở họ, niềm vui bước vào một mùa biển đầy hứa hẹn. Đức Trạch còn là địa phương đi đầu trong cải tạo hầm chứa sản phẩm bọc nhựa PU. Gặp chủ tàu Lê Văn Tuấn, người tiên phong ứng dụng công nghệ này, anh sẵn sàng chia sẻ: “Để làm hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU, mức đầu tư khoảng 100 triệu đồng nhưng tính bền vững rất cao, thời gian giữ lạnh đảm bảo trên 20 ngày, giải phóng nỗi lo “hết đá”, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng giá trị sản phẩm”.

                                                              *

      Chia tay bà con Đức Trạch, tôi về một phường công giáo của thị xã Ba Đồn. Quảng Phúc hôm nay tươi tắn khoe mình bên những trà lúa sớm, không khí thanh bình và cuộc sống đang đà đi tới khiến cả khách lẫn chủ thêm nao lòng, nhớ về một thời gian khó chưa xa… Tôi đến thôn Xuân Lộc, những ngôi nhà xây cất theo phong cách hiện đại đã xuất hiện khá nhiều ở ngôi làng hướng mặt ra dòng sông Gianh. Hầu hết cư dân Xuân Lộc đều làm biển. Vụ nam này, tàu thuyền trong thôn lần lượt ra khơi đánh bắt. Có tin tàu cá tỉnh bạn bị tàu nước ngoài uy hiếp, lấy đi nhiều sản phẩm, chúng tôi muốn thăm dò ông Nguyễn Văn Chuẩn, chủ tàu QB 93977TS. Với kinh nghiệm trên 40 năm đi biển, ông kể: “Tui cũng có nhiều lần bị tàu lạ khuấy rối nhưng anh em không hề nhụt chí, mà càng gắn bó với biển hơn. Biển của mình thì mình khai thác và bảo vệ, vừa giải quyết đời sống vừa giữ lấy chủ quyền của đất nước”. Khẳng định của lão ngư làm tôi thêm khâm phục, bởi sự có mặt của ngư dân trên biển còn khẳng định chủ quyền biển đảo của ta. Họ vừa làm kinh tế vừa là phên dậu giữa biển khơi, cùng các lực lượng giữ gìn vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

 

      Ngược quốc lộ 12A tôi qua Ba Đồn, thị xã đang ngày ngày chải chuốt soi mình bên sông Gianh, để đến với xã Quảng Lộc. Vừa lúc con tàu vỏ thép 850CV đóng mới theo Nghị định 67, của ông Nguyễn Chiến Trường chủ tàu kiêm thuyền trưởng, vừa hoàn thành chuyến biển thứ 12 từ ngư trường Hoàng Sa trở về, doanh thu 600 triệu đồng. Ông Trường phấn khởi: “Cả 3 chuyến biển gần đây đều đạt từ 500 - 600 triệu đồng!”. Trong lúc các phương tiện đang vận chuyển hàng hóa tới để “xuống tổn”, ông vui vẻ tâm sự: “Lúc trước tui cũng “mần” lưới rê nhưng vàng lưới dài nhất chỉ từ 5-8km. Có tàu vỏ thép, mọi thao tác bằng cơ giới, tui sắm vàng lưới dài 18km. Ông bà mình đã nói “lưới dài chài rộng”, đánh bắt kết quả lắm”. Cùng tại vị trí hạ lưu cầu Quảng Hải II, khá nhiều tàu cá vỏ thép cũng đang chuẩn bị xuất bến. Ngược lên chừng cây số, đội tàu “lưới cản” thôn Cồn Sẻ cũng sẵn sàng “tổn khô”, “tổn ướt” và đợi con nước để ra khơi… Nghề cá Quảng Bình có điểm khác biệt, có nhiều xã rất xa biển, thậm chí ở tận vùng núi nhưng vẫn sinh sống bằng nghề biển. Đó là các xã Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Văn, Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) và xã Quảng Trường (Quảng Trạch).

 

      Tạm biệt vùng nam, tôi về xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), làng biển này có gần 750 tàu cá các loại, hơn 60% đánh bắt xa bờ, trong 170 tàu khai thác ở vùng biển xa, có 21 tàu trên 800CV. Gặp Nguyễn Tuấn Anh, người mà báo chí thường gọi là “thủ lĩnh biển xa”, tôi thực sự cảm mến khi nghe anh kể: “Nhờ đóng tàu lớn để vươn ra khơi, khai thác những vùng biển mới, những ngư trường còn ít ai đánh bắt. Anh em đã phát hiện những loài cá mới, luồng cá mới và tìm ra cách đánh bắt mới. Đồng thời cũng thu về một lượng hải sản chất lượng cao, tăng thu nhập đáng kể cho các thuyền viên”. Sở hữu con tàu 90CV, Nguyễn Tuấn Anh thực hiện mỗi năm hơn 10 chuyến biển, ngoài thu nhập cho 7 thuyền viên từ 120-150 triệu đồng/người, anh còn tích lũy cho gia đình trên 500 triệu đồng. Đến nay Nguyễn Tuấn Anh có hơn 20 năm làm biển, anh thuộc từng con nước, hướng gió, con sóng, từng tọa độ ngư trường thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Hơn 10 năm qua, với vai trò là Tổ trưởng, gần 100 lao động trên 11 tàu cá thuộc Tổ đoàn kết số 12, xem Nguyễn Tuấn Anh như một “thủ lĩnh” đầy trách nhiệm. Kể về những chuyến đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ…, anh hồ hởi cho biết: “Đó là những ngư trường có nhiều loài hải sản sinh sống, việc đánh bắt rất tốt nhưng hiểm nguy luôn chực chờ. Ngoài đối mặt với sóng gió thất thường, còn phải cảnh giác với những động thái từ những tàu lạ... Hàng đêm, vừa đánh bắt nhưng một phần tư tưởng anh em luôn đề phòng các mối hiểm nguy, có thể nói “trắng đêm luôn”. Nếu không có can đảm, không có lòng yêu biển thì không thể có quyết tâm để ra ngoài đó!”. Chủ tịch Hội Nông dân xã - Nguyễn Ngọc Tiếp cho biết: “Với những thành tích trong sản xuất, xây dựng Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Nguyễn Tuấn Anh được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2017 Nguyễn Tuấn Anh được Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân xuất sắc toàn quốc”. Gần 12 năm chinh phục biển xa, anh luôn trăn trở, vì tàu mình nhỏ và yếu, nên rất khó kết nối để điều hành và hỗ trợ các tàu bạn trên biển. Với suy nghĩ đó, năm qua vợ chồng anh tiếp tục đầu tư, đóng mới một tàu cá có công suất gấp 10 lần con tàu cũ. Chị Đỗ Thị Cẩm Vân vợ anh tâm sự: “Thấy anh ao ước từ lâu nhưng do khó khăn nên bọn em còn lưỡng lự. Lần này em hy vọng sẽ giúp anh ấy thỏa mãn ý chí…”. Tôi thích thổ lộ của chị. Đó là ý chí khẳng đinh bản lĩnh trên vùng biển chủ quyền, làm giàu cho gia đình và quê hương, đồng thời thể hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp giữ nước…

                                                             *

       Không chỉ sắm con tàu lớn, các chủ tàu còn đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại như máy định vị, tầm ngư để phát hiện và lưu tọa độ luồng cá; hệ thống đèn led để dẫn dụ, gom bắt cá; sử dụng máy bộ đàm tầm xa để đảm bảo thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền… Điều khiến bà con cảm thấy an tâm khi vươn ra khơi xa, ngoài những chính sách của Nhà nước, của tỉnh, thì các xã/phường đã quan tâm, động viên đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, vận động chủ tàu tham gia các Tổ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và ứng phó với các sự cố trên biển… Tâm lý chung của bà con, quyết tâm đóng tàu to, máy lớn để tăng thời gian có mặt tại ngư trường, vừa tăng thu nhập nhưng vừa góp phần bảo vệ những gì mà ông cha đã đổ bao xương máu để giữ gìn. Chính từ đó mà bất chấp vô vàn khó khăn giữa biển khơi, hàng nghìn tàu cá của ngư dân Quảng Bình vẫn nối tiếp nhau ra ngư trường Vịnh Bắc bộ và Hoàng Sa, Trường Sa… Đến bất cứ làng biển nào, thậm chí gặp bà con ở nơi đâu, họ đều khẳng định như vậy. Trong khi cà-phê sáng tại cảng cá Thọ Quang (Ðà Nẵng), tôi rất vui được anh Phạm Văn Tứ, một ngư dân xã Bảo Ninh bày tỏ: “…Thật tự hào khi ngắm những con tàu cá, phấp phới cờ đỏ sao vàng trên các vùng biển xa!”.

       Một vụ cá nam lại về, từ bến tàu nhộn nhịp, cá lên, hàng xuống, tôi sải bước trên những con đường rải nhựa, hoặc bê-tông phẳng lỳ dẫn đến những khu du lịch, khu biệt thự cao cấp và những làng biển giàu có ở Quảng Bình. Tôi càng cảm nhận sự đổi thay của những vùng đất này và tin rằng, nay mai không chỉ Bảo Ninh, Đức Trạch, Cảnh Dương hay Quảng Phúc, Quảng Lộc… mà các làng biển khác ở Quảng Bình cũng nhanh chóng bắt nhịp, khoác lên mình diện mạo mới. Nhớ hồi đầu năm nay, Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ nam năm 2018 do Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thanh Hóa. Tổng sản lượng khai thác vụ cá nam năm 2018 cả nước đạt gần 2 triệu tấn, tăng 3,5% so với vụ cá nam năm 2017. Điều phấn khởi, Quảng Bình nằm trong “top” 9 tỉnh có sản lượng khai thác cao nhất toàn quốc. Quảng Bình còn được đánh giá là tỉnh thực hiện tốt Nghị định 67, trong khi ở một số nơi, nhiều tàu cá vỏ thép bị sự cố ngay chuyến biển đầu tiên phải nằm bờ sửa chữa, thì ở Quảng Bình không những không xảy ra tình trạng trên, mà còn có nhiều tàu đóng mới theo Nghị định 67 làm ăn thuận lợi. Điều đó giúp người dân Quảng Bình chúng ta luôn đặt niềm tin vào những ngư dân của mình, họ sẽ không ngừng đổi mới, không ngừng học hỏi để vươn tới. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, cơ quan này đang triển khai tập huấn, giúp bà con nắm bắt giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về “chống khai thác bất hợp pháp” (còn gọi là thẻ vàng châu Âu). Tuân thủ điều này, nghề cá Quảng Bình sẽ nhanh chóng hội nhập cùng cả nước, khu vực và quốc tế. Mọi hoạt động trên biển của ngư dân sẽ được hỗ trợ tích cực, Quảng Bình sẽ có thêm nhiều làng biển khang trang hơn, đời sống ngư dân ngày càng khá giả hơn...

 

      Thế đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những con người vốn đã mưu sinh cùng biển cả, luôn tìm cho mình những phương cách ứng xử phù hợp. Mọi khó khăn, thử thách càng làm cho họ kiên cường, mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Tôi nghĩ rằng, khi đã gắn bó cùng biển khơi, khi đã là chủ tàu, chủ máy móc, chủ biển trời… Thì không chỉ Nguyễn Tuấn Anh, hay ông Nguyễn Văn Chuẩn, anh Phạm Văn Tứ, anh Dần, anh Tuấn… mà phần lớn những ngư dân ra khơi, nhất là các chủ tàu, các thuyền trưởng cũng “trắng đêm cùng tiếng sóng”. Tiếng sóng lúc lách chách, lúc ì oạp, vồ vập bên mạn tàu đều báo hiệu tình hình thời tiết sắp có vấn đề. Tiếng sóng xôn xao, phía nam hay phía bắc… cho biết đàn cá sẽ di chuyển thế nào. Tôi bổng nhớ lại, đúng như câu phương ngữ mộc mạc ở một vùng quê biển: “Sóng reo Xuân Kiều lấy niêu kho cá/ Sóng reo Kẻ Xã hết cá treo niêu”. Ngoài ra, người ngư dân còn lắng trong tiếng sóng mọi thứ âm thanh, âm thanh từ những con tàu đồng nghiệp khi mẻ lưới trúng đậm, âm thanh của những con tàu tuần tra biển, đảo. Và, “trắng đêm” để cảnh giác với âm thanh của những con tàu “không bình thường”. Sắm sửa tinh thần và tư thế ứng phó, đảm bảo cho phương tiện an toàn, vùng biển an toàn để làm ăn, mưu sinh…

      Trong tôi chợt dội về âm hưởng và ca từ một ca khúc của nhạc sỹ Huy Du: “Nhớ chiều nào ra khơi. Ơi thương nhớ đầy vơi. Năm tháng lênh đênh theo lời biển gọi. Sao chỉ hướng chân trời xa vời vợi. Càng thêm thương, thêm nhớ vô vàn…”.

 

               Quảng Bình 4-2019

                                                                                                                     

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 1262
Ngày đăng: 16.01.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình Cha Mẹ - Trần Yên Hòa
Ánh mắt thầy - Tuệ Thiền
Nhà thơ Lê Văn Ngăn, người anh lớn của tôi - Võ Quê
Những vì sao ngày ấy - Vương Kiều
Đêm nằm nghe Pê – Đê hát - Phạm Nga
Thượng nguồn nước rơi,rơi,rơi - Nguyễn Hàng Tình
Lá thư cuối cùng - Trần Dzạ Lữ
Về một vùng quê - Nguyễn Tiến Nên
Theo thuyền đơm mực lá - Nguyễn Tiến Nên
Bánh tráng và đủ thứ cuốn - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)