Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.202.416
 
Về thăm Đất Mũi
Lê Phú Khải

Tháng 9-1985

 

Đã hai buổi chiều tôi đứng trên cầu xi măng lớn giữa thị xã Cà Mau, loay hoay mãi mà chưa chụp được tấm hình dòng sông bên dưới dày đặc những ghe thuyền đi lại. Thị xã, thị tứ nào ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng là cảnh trên bến dưới thuyền, nhà xây trên mép nước. Phố chạy bên sông hay sông chạy giữa phố. Đường phố chính là một dòng sông. "Xe cộ" đi lại trên "con lộ" chính đó là đủ thứ ghe thuyền! Tôi đã có lần đi từ bến cảng Nhà Rồng Thành phố Hồ Chí Minh theo rạch Cây Khô xuống Nhà Bè, ra Rạch Cát, sang kênh Nước Mặn cắt sông Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An, nối với kinh Chợ Gạo ra sông Tiền đến Mỹ Tho, rồi ngược sông Tiền rẽ kinh Lấp Vò đi trên đất Đồng Tháp, tạt ngang qua sông Hậu, chạy một mạch trên kinh Rạch Sỏi thẳng tới Thị trấn Rạch Sỏi, ngược tới Rạch Giá ra tận Vịnh Thái Lan, Rồi lại trở về Đồng Tháp Mười, qua Long An, về thành phố Hồ Chí Minh bằng một đường sông ngả khác.

 

Đi khắp ĐBSCL, len lỏi đến tận các hòn cù lao hẻo lánh, xã ấp vùng sâu rồi lại đậu ngay giữa các thành phố, thị xã ánh điện sáng trưng và không phải bước chân lên bộ là chuyện bình thường quen thuộc ở ĐBSCL. Vậy mà chỉ có đứng trên cầu Cà Mau, nhìn những ghe thuyền bên dưới đi lại như mắc cửu, tôi mới thấy hết ý nghĩa nền "văn minh kinh rạch" ở ĐBSCL như nhà văn Sơn Nam viết. Mảnh đất tột cùng của Tổ quốc ở phía Nam nay hoàn toàn là đất mới. Đất phù sa mới bồi, còn trũng. Nhất là từ Gia Rai, Cà Mau đổ xuống Cái Nước, Năm Căn ra đến đất Mũi lại càng trũng nữa, thuỷ triều vẫn tràn vào những rừng sác, rừng đước, rừng tràm…nơi đây. Về mùa mưa, từ thị xã Cà Mau đi về vùng đất còn mênh mông ở phía Nam của tam giác Minh Hải thì chỉ có một phương tiện duy nhất là ghe xuồng! Cà Mau, Minh Hải mưa nhiều, nhiều nhất ở Nam Bộ. Mỗi năm mưa đến hơn 160 ngày, lượng mưa đến 2.400 mm nước. Mưa nhiều nhất vào các tháng đầu mùa mưa (tháng Tư, Năm) và cuối mùa (tháng Mười, Mười một). Vì thế , hai buổi chiều nay, tôi cứ loay hoay mãi mà chưa ghi được tấm hình nào thật đẹp. Nắng loé lên, cố chờ cho nắng thiệt ngọt thì lại bị một đoàn người đi qua che mất ống kính. Lúc thuyền bè đang tấp nập nhất, đủ mọi "binh chủng" thì lại bị một đám mây ập đến, mưa đánh ào một cái rất vô duyên rồi lại nắng ong ong…

 

Không chụp được hình tôi xuống chợ Cà Mau

 

Càng về chiều, chợ Cà Mau càng đông vui. Thị xã Cà Mau là cái "rốn" của nhiều huyện biển xung quanh nó đổ cá tôm về đây. Là cái thị xã duy nhất trong cả nước mà hai bên sườn của nó là biển, biển Đông và cả biển Tây bao la của Tổ quốc. Từ phía biển Đông, theo cửa sông Gành Hào, từ phía biển Tây, theo cửa sông Ông Đốc, hai con sông từ hai phía Đông Tây này là hai con đường chuyên chở sản vật của biển cả vào thị xã Cà Mau. Có lẽ vì thế mà Cà Mau, tuy ở nơi xa xôi, hẻo lánh này của đất nước mà tôi thấy con người có vẻ thư thái ung dung. Chợ đông người nhưng ít chen lấn. Những cô gái mập tròn, tươi tỉnh, đang trao tay nhau chọn lựa những cái ô đủ màu sắc sặc sỡ. Lúc trời sáng hẳn, tôi chui ra khỏi cái quán hủ tiếu, có lẽ là bán suốt đêm ngày, để ra bến sông chờ lên tàu đi Năm Căn. Đất Mũi thật là rộn ràng. Còn tàu không lớn nhưng chứa được nhiều người. Sát nóc của nó là một dãy võng được mắc rất khéo, cái nọ nối tiếp cái kia, những người xuống tàu sớm đã giăng được võng để nằm, đa phần là những người già. Hai hàng ghế trong lòng tàu đã ngồi đông kín các bà các cô. Chỉ có mấy thanh niên là dông ra ngồi ở phía sau và đằng mũi tàu. Trên mui con tàu đủ các thứ hàng hoá cần cho miền quê xa thị tứ như bóng đèn, đồ thiếc, đồ nhựa, giấy bút học trò, kẹo bánh…

 

Sau phút lựa chọn, tôi tìm được một chỗ ngồi tốt, rộng rãi ở cuối con tàu. Tôi mừng thầm là từ đây đi Năm Căn, theo bà con mách là phải 7-8 tiếng đồng hồ, mãi xế chiều mới tới, kiếm được một chỗ ngồi thế này là hên rồi! Nhưng chưa kịp mừng thì một tấm ván đã bật ra, đập vào tay tôi, một người từ trong chui ra! Thì ra đây là cái cửa của phòng vệ sinh nên không có ai ngồi cả. Thấy mình "quê quá" nên tôi lại trèo lên mui! Ngồi trên mui "ngắm toàn cảnh" dòng sông buổi sớm thật thú vị. Bầu trời Cà Mau vừa cao lại vừa thấp xuống trong ánh ban mai. Từ xa đến gần, những con thuyền lớn nhỏ đủ cỡ, đủ dạng chèo tay, chạy máy ùn ùn tiến lại, len lỏi, né tránh những con thuyền đi ngược dòng với nó. Đằng phía chân trời kia là Đất Mũi xa xăm…

 

Tôi mơ màng nghĩ đến những điều hấp dẫn sẽ đến với những ngày ở Đất Mũi sắp tới, bỗng có một giọng nam trầm cất lên ở phía sau. Người đang ca là một thanh niên khá đẹp trai, nước da đen, mắt sâu, hàm răng đều và trắng, anh ta đeo một cái túi khá to và dầy ở bên vai trái, tay trái đỡ cái cần đàn, tay phải ôm cây đàn ghi ta vừa đàn, vừa hát, giọng vừa đủ để tôi nghe rõ. Vừa lúc đó, mặt trời cũng vừa xuất hiện ở phía chân trời, toả những tia vàng trên mặt sông lấp loáng. Con tàu nổ máy khởi động…Mọi người lục tục kéo nhau lên bờ! Tôi còn bàng hoàng đứng trên mui, chưa biết làm gì. Một bà mẹ chèo ghe qua đó thấy tôi không chịu lên bờ liền nói với lên cho hay: Chú không lên bờ mà đi đổi tiền à?

 

Sáng nay Đài đã nói rồi! Tôi xem đồng hồ, lúc đó là 6 giờ 46 phút ngày 14/9/1985!

 

Cái thị xã Cà Mau thanh bình và yên tĩnh cho tới tận sáng hôm nay, lúc tôi ăn xong tô hủ tiếu và bước xuống tàu…bây giờ bỗng nhốn nháo. Mọi người đều đi lại với tốc độ nhanh hơn. Người ta đứng tụm đông dưới các loa phóng thanh nghe thông báo. Trên mặt sông thuyền bè vơi hẳn đi. Tôi nhận được tờ giấy khai đổi tiền cho "khách vãng lai" của bàn đổi tiền được đặt ngay trên bến đò này.

 

Tôi đã phải bỏ chuyến đi Năm Căn lần ấy, bỏ mất cái khát khao được đặt chân lên đất Mũi, mảnh đất tột cùng ở phía trời Nam vì trong những ngày đổi đổi tiền, mọi dòng sông, con rạch trong vùng như đã chết, mọi tàu thuyền bị cấm đi lại. Tôi bất giác nghĩ đến cảnh thanh bình của thị xã Cà Mau trước ngày đổi tiền. Nghĩ đến những cô gái bình thản chọn mua ô trong chợ chiều hôm trước ngày đổi tiền. Có phải vì Cà Mau quá xa xôi mà mọi biến động đều đến chậm so với mọi miền đất nước.

 

Tháng 12-1990

 

Bây giờ thì con tàu chở chúng tôi đã rời khu trung tâm Năm Căn để nhằm hướng Đất Mũi rẽ sóng. Hai bên bờ xanh ngắt rừng đước bạt ngàn. Mặt sông Cửa Lớn rung rinh những lượn sóng, phả lên mặt người hơi thở mát mẻ kì diệu của sông nước. Chỉ chạy hơn một giờ nữa, tàu của chúng tôi sẽ tới vịnh Ông Trang. Từ đó có thể nhìn xuôi xuống mũi Cà Mau. Mũi đất tận cùng ấy của Tổ quốc nhô ra biển, mềm mại như cái chấm ở đầu ngọn bút, đêm ngày siêng năng chép bài thơ hùng tráng của rừng đước lên sóng đại dương…

 

Tôi đứng trên boong tàu lặng ngắm những nhà chòi cất hai bên bờ sông Cửa Lớn canh lưới đáy. Nhiều cần ăng ten truyền hình nhô lên từ những căn lều bé nhỏ ấy, như cố sức thu lấy tín hiệu của văn minh về cái sứ sở xa xôi này. ..Phù sa mịn màng của bãi bồi, rừng đước nín lặng hai bên bờ…Và, ánh sáng. Tất cả hoà quện vào nhau để làm nên sự mỡ màng đến kì diệu của các tầng sinh thái. Tôi run rẩy vì sự trong lành của không khí nơi đây. Đêm qua, đài báo Hà Nội rét đến 9-10 độ nên sớm nay mùa đông se se lạnh những tà áo Năm Căn! Tôi chợt phát hiện ra rằng mùa xuân sẽ đi về phía cực Nam của Tổ quốc, từ màu xanh đau đáu của rừng được Cà Mau lần lên màu vàng của hoa mai, rồi sẽ thành màu đỏ của những cánh hoa đào phương Bắc…

 

Làng cá Viên An Đông đây rồi! Xã Viên An Đông trước kía thuộc địa phận xã Viên An. xã cuối cùng , cực nam của dải đất hình công chữ S. Nay Viên An vì quá rộng mà phải san sẻ thành ba xã: Viên An Đông, Viên An tây và Đất Mũi.

 

Chẳng phải vô tình hay hữu ý mà người đầu tiên tôi được gặp ở Viên An Đông lại là anh Tư Mưa, người đầu tiên "phát minh" ra nghề nuôi tôm xứ này. Tư Mưa kể: Ngày trước dân chúng tôi sống lang thang trong rừng đước, bắt cua, bắt ốc, làm rẫy, làm đáy trong sông rạch…

 

…Năm 1980, Tư Mưa đắp bờ ao 22 hecta đất rẫy và dẫn nước mặn vào để nuôi tôm. Sau 22 ngày, anh sổ nước lần đầu và bắt được tám tấn tôm. Nghề nuôi tôm trong rừng đước ngập mặn ở Viên An Đông ra đời từ đấy. Nhưng nghề này chỉ dừng ở trạng thái tự phát manh mún mà phải đợi đến khi Chi nhánh liên doanh thuỷ sản huyện đóng tại xã đầu tư tiền vốn, vật tư, kĩ thuật rồi gom những mái nhà heo hút tối tăm phân tán trong rừng đước kia về tập trung thành làng cá như hiện nay thì nghề nuôi tôm mới phát triển, có thế mạnh vững chãi đến bây giờ…

 

Chiều nay, tôi ngồi bên bìa làng, tại nhà chú Ba Mến làm nghề lưới đáy trên sông Cửa Lớn. Sàn gỗ đước bóng loáng. Chạm vào mặt sàn, bàn chân mát rượi. Thớ gỗ đanh chắc đen kít như lim. Xoè bàn tay đo chiều ngang ván gỗ còn thấy hụt. Đước là tất cả cuộc sống ở đây. Con người cũng siêng năng như đước. Vừa lúc đó đám con chú Ba Mến gỡ đáy, khệ nệ khiêng lên một cần xé tôm cá. Bọn trẻ xúm xít chung quanh đống tôm các vừa mới được đổ ra sàn đước để phân loại to nhỏ…Những người khách từ xa đến ai nấy đều ngỡ ngàng về sự giàu có của sông rạch phía cực Nam của Tổ quốc. Nhưng sự giàu có đó đang ngày một mai một vì rừng đước và rừng tràm Minh Hải đa bị tàn phá. Đến năm 1993 rừng Minh Hải chỉ còn 95.655 hec ta. Trong đó rừng ngập mặn Năm Căn là 65.000 hec ta, rừng Tràm U Minh hạ thuộc hai huyện Thới Bình và Trần Văn Thời là trên 30.000 hec ta. Nói 95.000hecta là kể cả rừng non, rừng già, đất có độ che phủ là rừng hỗn giao, không phải rừng thuần chủng.

 

Rừng Minh Hải đã trải qua bao thăng trầm đầy kịch tính. Trước năm 1945, diện tích rừng của Minh Hải xấp xỉ 300.000hec ta. Trong đó 2/3 là đước, vẹt, mắm, còn lại là rừng Tràm. Các nhà am hiểu về rừng đã cho biết, rừng ngập mặn Minh Hải đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau có rừng ngập mặn sông A- ma- zôn Nam Mỹ. Trong chiến tranh, từ năm 1962 đến năm 1972 đế quốc Mỹ dùng chất độc hoá học huỷ diệt gần 70.000hec ta rừng đước, hầu hết rừng tràm…ước tính đến 5 triệu khối gỗ. Sau hoà bình 1975, được nỗ lực khôi phục lại, rừng lên đến gần 150.000 hecta. Nhưng từ năm 1980 trở đi, do những chủ trương sai lầm như phá rừng để xây dựng các nông trường lúa, vùng chuyên canh đậu nành xuất khẩu, di dân vào khẩn hoang.v.v… rừng bị triệt phá nặng. Đến cuối năm 1983, chỉ còn 118.000hécta. Từ năm 1983 trở đi tình hình lại phức tạp hơn. Với chủ trương giải thể lâm trường, giao đất cho dân nhưng không có chính sách cụ thể bảo vệ rừng, đã dẫn tới rừng ở một số nơi bị phá sạch để nuôi tôm. Như ở nông trường Bông Văn Dĩa, trong vòng 5 năm, 10.000 hécta rừng đã bị phá hết.

 

Muốn tìm một giải pháp cho rừng Minh Hải không cách nào khác là phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích các nguyên nhân và đề ra các chính sách đúng, rồi có cơ chế đúng, được dân ủng hộ.

 

Về nguyên nhân, Đất Mũi là vùng đất mới, sức ép dân số ở Đất Mũi rất lớn. Tốc độ tăng trưởng dân số cơ học tới 9%. Mười năm trước huyện Ngọc Hiển chỉ có vài chục ngàn dân, nay đã lên đến hàng trăm ngàn. Cho nên việc bao rừng nuôi tôm theo lối quảng canh, dựa vào thiên nhiên ưu đãi để sống, đã được bà con khai thác triệt để. Vì thế mà rừng không thể nào giữ được. Nhưng Minh Hải còn có một số mô hình giữ rừng và sản xuất kinh doanh rừng rất tốt. Các tổ chức quốc tế cũng phải thừa nhận, những nơi nào giữ được rừng thì giữ rất tốt. Trong khu vực rừng đước có các lâm trường Kiến Vàng, Tam Giang 3, Lâm trường 184 được xem là điển hình tốt. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, các lâm trường này đều có những biện pháp quản lí, kết hợp giữa nuôi tôm và trồng rừng, bảo vệ rừng rất tốt. ở các lâm trường Tam Giang 3, Kiến Vàng hiện nay, có hàng ngàn hecta rừng có độ tuổi 19-20 năm. ở đây rừng đước thuần thục, cao trên 20 mét và có đường kính 40 - 50 cách mạng. Chúng tôi đã được nhìn tận mắt những rừng đước như thế ở lâm trường TG3. Khác với đất nông nghiệp, với rừng, phải hàng chục năm mới xây dựng được mô hình có kết quả. Và kết quả đó đã tới. Với những kết quả những kinh nghiệm quản lí, kinh doanh của các lâm, ngư trường, Minh Hải đã có cơ sở để chỉ đạo nhân các điển hình này.

 

Minh Hải đã định hình lâm phần là 176.000 hecta, phấn đấu đến năm 1995, khôi phục được diện tích đất rừng là 132.000ha. Năm 1995 đã sắp hết. Vì thế, về Cà Mau lần này, việc đầu tiên là tôi tìm đến các anh ở Sở lâm nghiệp để hỏi về rừng?

 

Tháng 12/1998

 

Anh Năm Trung- Phó giám đốc Sở lâm nghiệp Minh Hải, người cựu chiến binh từng trải năm xưa cười biểu tôi: "Đến Thủ tướng bây giờ cũng không tin là Minh Hải chúng tôi còn rừng, vì thế vừa qua Thủ tướng mới hỏi: "Rừng còn 10% phải không? Tôi nóng ruột hỏi anh Trung: "Thế còn bao nhiêu?" Anh Năm Trung lại cười (!)

 

Sự thực thì đến nay Minh Hải còn 104 ha rừng, trong đó 71.000ha rừng đước, còn lại là rừng tràm. Năm 1995 trồng mới được 11.000ha. Vị chi tất cả rừng Minh Hải hiện có là: 115.000ha xấp xỉ dự kiến 132.000ha rừng vào năm 1995 mà anh Năm đã nói với tôi hơn hai năm về trước, cũng tại căn phòng này. Điều đáng nói là, để bảo vệ rừng, kiên quyết thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 432/TTG, kí ngày 7/8/1995. Vừa qua, Minh Hải đã trục xuất 2.241 hộ gia đình " được giao đất kết hợp trồng rừng và nuôi tôm và không thực hiện nghiêm chỉnh, chỉ khai thác tôm dẫn đến huỷ hoại rừng…" ra khỏi rừng, như nguyên văn lời lẽ trong quyết định của Thủ tướng Chính Phủ.

 

Minh Hải làm cuộc giải toả bãi bồi lần này có bài bản.119 cán bộ đủ các ngành các cấp của tỉnh phối hợp với huyện xã đã xuống dân vận động giải thích có tình có lí, nhưng kiên quyết thi hành pháp luật…Về phía người dân, số đông đã nhận thấy phải bảo vệ rừng vì tương lai lâu dài của con cháu. Một số khá đông gần đây đã trồng rừng và đang tiếp tục trồng mới, họ đề nghị được ở lại để giữ vững đã trồng và đang trồng…

 

Trời phú cho đất rừng Minh Hải có độ tái sinh rất lớn. Chỉ cần Không phá là rừng lại hồi xuân.

 

Người không phá thì thiên nhiên lại phá! Cơn bão số 5 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 11 năm 1997 đã tàn phá nặng hơn 40.000 ha rừng của tỉnh Cà Mau (lúc này Minh Hải đã được tách thành Bạc Liêu và Cà Mau) 141 người chết và 464 người bị thương, mất tích 273 người cùng 429 tàu cá bị chìm, 206 tàu mất tích…

 

Tôi đã trở lại Cà Mau lần thứ 4 trong cái tháng 11-1997 đau thương không bao giờ có thể quên đó. Đây là thiên tai thế kỉ đối với mảnh đất vốn mưa thuận gió hoà quanh năm này…Đây là điều bất ngờ lớn nhất đối với người dân đất Mũi vì cả đời không hay biết bão là cái gì (!)

 

Cái cơn bão chưa bao giờ thấy đó, đã tàn phá nặng 500ha rừng đước nguyên thuỷ ở Lâm ngư trường Tam Giang III được giữ gìn nghiêm ngặt trong nhiều năm vì nó là rừng cung cấp trái đước cho kế hoạch khôi phục hàng chục nghìn hecta rừng ngập mặn của Cà Mau. Những thân đước một người ôm không hết, gục ngã lên nhau như có trận bom vừa trút xuống…Nhưng khủng khiếp hơn khi nghe Giám đốc Hai On trả lời một nhà văn:

 

- Để tái tạo một khu rừng như thế này, phải mất bao nhiêu năm?

 

Đáp gọn lỏn:

 

- 40 năm!

 

Ôi! Giá như chỉ mất của mà còn người sau cơn bão! Đó còn là điều ước không bao giờ có. Đó là tiếng gào thét của những phụ nữ như chị Phan Thị Lệ ở ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi. Cơn bão đã cướp đi của chị 1 chiếc ghe biển cùng với người chồng và hai đứa con trai. Bão số 5 đã để lại người vợ, người mẹ mỏi mòn ngóng chờ người thân…không bao giờ về nữa…

 

Chuyến đi quặn xé lòng tôi nỗi đau thương của Đất Mũi tưởng như không bao giờ có thể nguôi ngoai được…

 

Vậy là đúng 19 năm lần về thăm Đất Mũi lần thứ 5 vào dịp cuối năm 2004 này, tôi đi thẳng xuống Vàm Ông Đốc. ở đây, đúng 50 năm về trước, tàu Ba Lan tên Kilinxki đã trở chuyến đầu tiên 5-11-1954 đưa cán bộ chiến sĩ Phân liên khu Miền Tây nam Bộ ra bắc tập kết.

 

Từ Cà Mau, tôi đi tàu khách cao tốc để ra Vàm Ông Đốc. Người ta bảo rằng, những con sông ở đất Mũi Cà Mau không có nguồn. Không bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ, mà nguồn của nó là biển cả, vì thế mà sông lúc nào cũng đầy ắp, mênh mông…Riêng tôi thì lại thấy, những dòng sông ở đây như muốn chảy…lên trời, chớ không muốn ra biển nữa. Vì nó đã đi ra từ biển! Đúng như thế. Cứ nhìn thẳng lên bản đồ sẽ thấy, sông Gành Hào "bắt nguồn", từ biển Đông, chảy vô Cà Mau thì nó hội tụ với nhiều dòng rồi sông Ông Đốc lại bắt đầu từ đó mà chẩy ra biển Tây…Từ Vàm Ông Đốc, nhìn xuôi xuống là Mũi Cà Mau…Đó là nơi duy nhất ở nước ta, người dân có thể nhìn thấy mặt trời mọc lên từ biển Đông và lặn ở biển Tây.

 

Cũng tại Vàm sông này, đúng 50 năm về trước, nơi đây được chọn là một trong những nơi chuyển quân quan trọng ra Bắc. Con tàu Ba Lan mang tên Kilinxki đã ra vào nhiều lần cửa Ông Đốc chở cán bộ chiến sĩ phân khu miền Tây Nam Bộ rời quê hương ra Bắc tập kết theo hiệp định Giơ- ne- vơ.

 

Vậy là từ Vàm ông đốc, tàu Ba Lan Kilinxki sẽ chạy vòng xuống mũi Cà Mau để rồi ngược theo đường biển Đông đưa các anh ra Vũng Tàu để đi tiếp ra Bắc! Tôi bồi hồi lặng ngắm Vàm Ông Đốc đang chiều xuống. Nước và trời như gần nhau lắm. Mỗi lần về Đất Mũi tôi đều có cảm nhận như thế. Nhưng ở cửa Ông Đốc chiều nay, điều đó như không còn là cảm nhận…mà như thực…Vì tôi đang rất bồi hồi…Mà chẳng cứ gì tôi, từ lúc nghe tin tỉnh sẽ lấy ngày 26/11 làm kỉ niệm 50 năm ngày chuyển quân đi tập kết, thì cả vùng Đất Mũi, đặc biệt là Ông Đốc, nơi sẽ diễn ra lễ kỉ niệm trọng thể ngày 26/11…cán bộ nhân dân đều bồi hồi…50 năm thời gian ấy là ngắn với lịch sử, nhưng là dài, rất dài với một đời người…Còn bao nhiêu người mẹ, người chị, người con nào đã đi tiễn con, tiễn chồng, tiễn cha…tại vàm sông này. 50 năm về trước còn, mất đến hôm nay…. Sẽ có bao nhiêu các cụ, các bác, các anh từ bến sông này ra đi ngày ấy còn có dịp tìm về bến sông này để nhớ lại…ngày ấy…50 năm! Nhưng người ở lại, lại càng ít hơn. Đồng chí Tư Chung- Phó bí thư trị trấn Ông Đốc cho hay, có những xã như Khánh An ở U Minh Hạ, lúc ở lại những 144 đảng viên, sau đồng khởi chỉ còn 44! Như chợt nhớ ra, vị phó bí thư ngoài 40 tuổi này, tức ngày ấy chưa có mặt trên thế gian…mừng rỡ kể:- Mấy hôm trước có chú Trần Tấn Đức ra Uỷ ban thị trấn xin giấy…có khoe còn giữ được bức ảnh hai cha con, lúc đó chú mới 10 tuổi, theo cha lên tàu tập kết…, chúng tôi đã xin địa chỉ của chú Đức…Có thể nói, cả thị trấn Ông Đốc đang sống trong hồi tưởng. Những người lớn tuổi thì cố nhớ lại kỉ niệm…còn người trẻ thì chẳng mấy khi được dịp nghe cổ tích ở cái thời làm ăn chộn rộn kinh tế thị trường này…. Thị trấn Ông Đốc những ngày tháng 11 năm nay là như thế. Thật bận rộn, thật vui…

 

Rời Cà Mau, tôi về TP. Hồ Chí Minh lần này bằng máy bay. Đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm sau ngày giải phóng Miền Nam, Cà Mau có đường bay ngày một chuyến đi về. Cách đây đã lâu lắm rồi, Cà Mau có đường bay nhưng được vài chục chuyến rồi bỏ…Dạo đó còn qua hai lần phà, đường xá lại xấu, vì thế chỉ hơn 350 km mà nói đến đất Mũi Cà Mau lại đi kèm với hai chữ "xa xôi"…Bài báo đã đành, có đến 2-3 cuốn sách tôi đọc được mang cái tựa đề ngoài bìa như thế này: "Xa xa mũi đất Cà Mau", "Xa xôi Mũi Cà Mau. Cái bài hát được xem như "Quốc ca" của tỉnh Cà Mau, bài "Về đất Mũi" cũng có câu: "Về thăm quê em Đất Mũi xa xôi"…Người Cà Mau ý thức rõ rệt quê hương mình xa xôi, vì thế đến được "quê em Đất Mũi" là "em thương mến rồi!" Còn người ở xa Đất Mũi nhất là ở ngoài Trung, ngoài Bắc về được Đất Mũi thì có người cậy một mảnh vỏ đước Năm Căn, lột mảnh vỏ tràm rừng U Minh Hạ đem về khoe với bố mẹ, vợ con, khoe với bạn bè là tôi đã đi đến được Đất Mũi Cà Mau!…Chính vì vậy mà lúc cầm tấm vé có mấy chữ đậm ở góc vé "Cà Mau airport" tôi cứ bồi hồi…

 

Lúc ra sân bay lại càng bồi hồi…Đã đến hầu hết các sân bay quốc nội, cả sân bay lớn quốc tế, vậy mà sao lúc trên đường ra sân bay Cà Mau tôi lại bồi hồi đến thế…

 

Giám đốc cảng hàng không Cà Mau, thạc sĩ đặng Kiều Bá, người từng học ở Học viện Quân sự Gagarin thời Liên Xô, chừng hơn 50 tuổi người đậm đà, nét mặt cương nghị cho tôi hay, Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam Vasco thuê trọn gói, cả máy bay và tổ lái chiếc AN38 này của Nga để mở đường bay Cà Mau - TP. Hồ Chí Minh; còn có máy bay lớn hơn cho đường bay Cà Mau- TP. Hồ Chí Minh sắp tới thì phải công ty mới biết. Tôi nhờ Giám đốc Bá vạch hộ đường bay trên chiếc bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long mang theo. Và, sau khi được biết chiếc AN38 chỉ bay ở độ cao 3.000met, trời lúc này lại nắng đẹp, ít mây, tôi vô cùng sung sướng. Vậy là tôi sẽ được quan sát từ trên cao và chụp hình Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ, điều mơ ước bấy lâu nay bây giờ mới có dịp thực thi. Lúc này máy bay bắt đầu lăn bánh trên đường băng, tôi đếm chỉ có 25 hành khách ngồi kín trong lòng chiếc AN38, còn nhỏ hơn một chiếc xe đò. Một vị người Nga cao to ngồi ở cửa lên xuống đằng sau cùng của máy bay, mà người ta bảo với tôi là thợ máy. Phía buồng lái đằng trước, cửa không đóng, tôi nhìn rõ hai phi công Nga cao to quá khổ, người ngồi ghế chính đang thao tác.

 

50 phút sau chúng tôi có mặt ở Tân Sơn Nhất TP. Hồ Chí Minh. Ôi Đất Mũi Cà Mau xa xôi mà không cách biệt nữa rồi.

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 2904
Ngày đăng: 11.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim
Chuyện bây giờ mới kể - Vĩnh Nguyên
Món ngon nhớ lâu - 4 - Lê Xuân Quang
Người mê vàng-trắng và triết lý Kinh Dịch - Nguyễn Hoàn
Nỗi niềm sông nước - Trần Đổ Liêm
Thuyền trưởng tàu sông - Trần Đổ Liêm
Chuyện ở VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG - Trương Công Khế
Những kho tàng vô giá - Hồ Hùng