1.Tỉa chân các cành hoa cắt từ vườn về, cắm vào chiếc lọ tự chế từ vỏ một thùng sơn loại 3 cân, Kim Thy chạy ra vườn sau ngắt thêm ít cành cắm lót, vì hoa hồng trồng nơi thiếu nắng, nhỏ và xương, cắm vào trông ốm. Sau nhà là vô hồi vô hạn các loại cây hàng rào không tên; Kim Thy tùy tiện đặt cho chúng các tên như : Miu, Cún, Mi-sa; thèn thẹn; lau láu; ngô ngố. Hôm nay cô cắt thêm hai loại cành dại gần như cây nắc nẻ, sim đồi; và cô gọi là cành lật bật. Cắm lẫn lật bật với lan đất hoặc trâm ngọc thì cảm thấy ấm cúng hơn. Ở đây, hoa thì nhiều và có thể vì nhiều nên mọi người ít cắm; cứ để ngoài vườn. Kim Thy muốn se các cây lại với nhau cho mùi và màu và đường nét dày dặn hơn. Vả lại nếu cứ để chúng ở ngoài vườn thì các vật cố định chúng sẽ tự gây bất an nêu cứ kiễng lên mà hóng ra vườn. Cái sen nước chẳng hạn, cả đời moi ruột moi gan làm sạch mà toàn bị nhốt trong toilet, bí và ẩm và nhàm chán… mà buồn chán thế chóng gỉ sét và gẫy xương lắm.
Tự nhiên, Kim Thy bật cười khi nghĩ rằng nếu cô cứ để đầu óc như thế thì cô sẽ hỏng môn thi về chiến tranh Việt Nam mất. Thôi, hoa hiếc, lật bật lật biếc, ngoan nhé để chị học bài kẻo thầy Heppell về sẽ quở chị mất.
Vừa dứt nghĩ, Kim Thy đã nghe tiếng chuông, nghe cách nhấn cô biết ngay là ông về. Vì cách nhân chuông của ông như cách của người có học teakwondo hơi dính nhịp một chút, nghe phấn khích.
Heppell vào nhà. Mang théo cả mùi tuyết tươi rói. Khép cửa, bỏ tháo giày, treo chiếc áo khoác màu thép lên mắc, ông ngẩng lên nhìn Kim Thy, ánh nhìn như tia sáng của một ngày cuối xuân ven hồ:
- Kể anh nghe hôm nay KT ở nhà có chuyện gì vui nào?
Kim Thy giật mình như cô vừa thiếp ngủ hay lạc trôi, đưa cái đầu mình tung tinh đâu đó trở lại thế kỉ 21, tọa độ là người đàn ông đang chờ cô trả lời. Ông ấy khoảng ( chắc) áng chừng tuổi ba cô, ngoài sáu mươi, bảy mươi, một trăm, đại loại. Mái tóc bạc, cắt kiểu đầu Bill Gates, nghĩa là không kiểu gì cả, đẹp phát ốm. Chiếc quần âu màu hạt dẻ, chỉ may một li nhẹ, kiểu kén dáng thư sinh và trẻ; chiếc sơ mi kẻ màu hồ đào, ve cổ nhỏ, bên trong chiếc áo len xám cổ chữ V. Không hiểu và không thể hiểu nổi, vốn quen nhìn ba mình sơ mi trắng trong vest, nhìn ba của Kiên quân phục Hải quân; quen Kiên mặc kiểu lãng tử, Kim Thi luôn thấy khó thở trước những gì toát ra từ trang phục của Hepp.
- À, dạ. Thưa ông, em chuyện nào cũng vui ạ.
Hepp đi về phía phòng khách, để xách lên bàn, khẽ một tay nhắc
ghế, tay kia nới cà vạt, ông vắt chân qua áp ngực vào thành ghế, và thế là đối diện với hoa cô cắm và cả dáng vẻ như thế nào đó của cô trong gương: áo thùng thình pha trộn nâu và be, có chiếc cổ như miệng một chiếc lọ gốm; chân cô để trần, dù trời khá lạnh. Mặc ấm thân trên và để xuýt xoa đôi chân là cái thú của Kim Thy, mẹ nàng gọi đó là thú của hoẵng con. Hoẵng chân gầy và càng chạy giữa các bụi cây, được lá cành chạm vào quệt vào, hoẵng phấn khích và loăng quăng suốt cả ngày không biết buồn. Kim Thy không kiểu vì sao mà cứ sau khoảnh khắc nhìn thấy cô như thế trong gương, ông ấy lại có gì đó như sóng sánh đâu đó ở phía cuối mí đôi mắt thông minh.
Ờ nào, ờ nào, tập trung vào việc nào. Để em dọn bữa tối ông nhé. Ông cứ xem tin tức 9h đi, một loáng là em xong. Okie em, Kim Thy, ông
đáp bằng tiếng Việt, giọng rất dày, rất dày.
Kim Thy vừa gọt củ sen, vừa trông nồi nước canh chay cô đang nấu từ quả su su và củ cải, cô vừa nhớ lại hai năm trước. Trong nhà cô, ba cô và ba Kiên- chồng sắp cưới của KT, và Kiên và em Khanh cô luôn có tranh luận bất cứ lúc nào. Những việc từ bên nhà, không những mọi người mang theo, mà còn gia cố
từ tin tức thời sự chính trị bên nhà. Từ cá, mắm, cây cối, đặc khu, 39 mạng, Lộc Hưng, Đồng Tâm… đều được mang ra nghị sự ở buổi tối, bên bàn ăn. Kết quả là, mặc dù đôi bên đều nhân danh lương tâm, trách nhiệm, tình yêu, nhân cách, qua các ước đoán, suy diễn, đẩy quá, thì đỏ mặt, công kích cá nhân, xúc phạm mất mặn mất nhạt. Ba cô là nam việt, bên phải. Ba Kiên là nam, cộng hòa. Hai người cao tuổi thì tăng xông, ba người trẻ tuổi ngơ ngác. Buồn bã, Kiên và Kim Thy tham gia vào nhóm leo núi. Để tránh các cuộc động kinh thời sự.
Ngoài các tuần học, họ dấn bước về phía Grand Canyon, nơi có các dãy núi men theo ‘’ đại vực”. Ai leo núi, đều hiểu, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhẹ như một chiếc lông hồng. Và chính trải qua cảm giác đó, con người mất hết những ý niệm về thể chế, chính trị, mất hết cảm giác thù hằn, oán trách, phán xét hay đổ lỗi. Chữa lành tổn thương chính là sự màu nhiệm của thiên nhiên và thể thao.
Lần ấy, bỗng nhiên đang mùa thu lại có gió chướng. Kim Thy bị giật khỏi vách đá, quăng sang vách đá đối
diện , văng qua văng lại. Cô có thể vì thế mà vỡ sọ mất. Không còn cách nào khác, Kiên cởi dây đeo của cả cô và anh, cả hai rơi xuống. Mọi việc sau đó, Kim Thy chỉ còn nghe các nhân viên cứu trợ kể lại. Cô ngất, gãy tay, chấn thương đầu. Kiên thì mọi người không cứu kịp anh. Anh rơi xuống đại vực, chết đuối khô do bị ngộp thở. Nghe kể một ông Hepp nào đó ở chính phủ, trong khi đi công cán, nhìn thấy “xác ‘’ hai người, đã cho máy bay bay vòng lại, gọi cứu hộ đến giúp, rồi ông bay tiếp. Ông ấy không biết danh tính hai người này và càng không biết một trog hai người đã chết. Nhưng Kim Thy đã đi tìm ông. Biết ông hóa ra là đồng đội của ba Kiên từ ngày còn học Sĩ quan Đà Lạt. Ba Kiên viết thư và gửi gắm cô cho ông, Mong ông giác ngộ nàng
thành con người văn minh và chính nghĩa như cách nói của ba. Ba bảo cô là người bà con và chuyện cô và Kiên ông không đả động. Con cần sống tiếp và cần phải quên Kiên. Gắng để kiếp sau gặp lại nó. Muốn vậy, phải vui, an lành đi qua kiếp này mới mong. Ba Kiên dặn.
Hepp làm ở chính phủ, nhưng dày công nghiên cứu về cuộc chiến tranh Mỹ- Việt nên ông dạy thêm chuyên đề này ở trường đại học. Kim Thy đăng kí học lại ở đây, và được gửi đến nhà ông ở. Khi ấy,
Hepp đã đính hôn, đợi mùa xuân năm sau hôn thê sẽ từ Việt Nam qua và họ sẽ làm đám cưới.
Kim Thy và Hepp có quá nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều quan tâm đến chiến tranh theo cách nghiên cứu nó, chứ không xác lập lập trường đúng sai chính tà theo cách của các nhà chính trị. Họ đều chịu ảnh hưởng giáo dục Hà Nội và Châu Âu, Bắc Mĩ nên gọi là khôn ngoan cũng được mà gọi là văn minh cũng thế.
Ở nhà ông và cùng học tập với ông, Kim Thy kinh ngạc vì ông đã tây hóa gần như tất cả. không bao giờ ông cáu giận. Ông không mang chuyện chính trị vào bữa ăn. Ông quên hầu hết mọi điều về Việt Nam. Ông dạy Kim Thy cách quên đau buồn. Vì ông bảo thay vì mang năng lượng hủy diện thì em chuyển thành tăng sinh. Khi buồn thì em nên trồng cây hay học hát. Có hôm cô đi quên không báo ông, để ông lo. Khi cô về, ông đốt lò sưởi, lau tóc cho cô, từng lọn. Không một lời. Cô chảy nước mắt, hỏi: Em làm ông buồn ư? Ông nhìn mắt cô, bảo: Sao em nghĩ thế. Em có gì thắc mắc em hỏi luôn, không võ đoán hoặc suy diễn, anh sẽ luôn trả lời thành thật, và làm mọi điều có thể làm. Kim Thy được mặc định là cô út, đợi có dịp sẽ kết với Zack, em út ông. Đang làm việc ở Việt Nam.
Ông đã quay lại bàn ăn sau phần bản tin tối. Khi cầm thìa và khẽ nhấm một miếng củ sen, ông thấp giọng : Không tin nổi, hình như anh nhớ Hà Nội. Hà Nội mà anh đã xa số năm bằng đúng tuổi anh.
Mùa xuân đã đến. Hepp về Việt Nam để đón Thanh Thư sang. Ông cũng mang theo Kim Thy để giới thiệu với Zack khi đó đang làm ở lãnh sự Mỹ.
Họ hẹn nhau để cùng bay tiếp ra Hà Nội. Một thiếu phụ mũm mĩm, đôi môi được bơm colagel căng mọng, lông mày điêu khắc và mái tóc tỉa đuổi hung đỏ, chiếc đầm chật căng nhô cao một vồng ngực đã được nâng hơi quá tay. Chị quen đến nỗi Kim Thy băn khoăn không biết đã gặp hồi nào. À. Giống các quí dì quí cô hay đến spa Quỳnh nới Kim Thy phụ việc. Họ làm đẹp từng chiếc mi mắt và coi đó là đặc quyền và chứng chỉ thương hiệu quí cô.”Ồ, là con nhỏ anh tính mai cho Út hả. Cưng quá à nha. Nhưng là sao ốm nhom ốm nhếch, lại ăn vận tức cười quá vậy nhỏ ? Đàn bà đẹp ở xách ở giày . Sao em xài đồ của tụi sinh viên? Coi quê quá đi cưng.
Thanh Thư nói một hồi, Hepp đợi và nhỏ nhẹ: Bọn anh chào quí cô xinh đẹp. Xin lỗi đã không làm vừa ý em. Kim Thy là sinh viên mà . Và cô ấy thích style ấy. Ta để cô ấy thoải mái em nhé•”. Lặng thinh từ đầu, nghe Hepp , Thy thở nhẹ, nhìn ông, biết ơn” Ông có lẽ biết mang gươm ra đấu vì danh phẩm của người ông yêu mất thôi”.
Buổi tối mùa đông ở Hà Nội, rét hiu hiu Nguyễn Bính. Cả bốn người đi ăn phở Bát Đàn. Thừa nhận chủ hàng lạnh. Các nhân viên cũng rất ít nói. Nhưng phở thì đúng phải Hà Nội, phong cách và đúng nơi. Chậm và trầm dẫn đến tinh và tình. Từ chiếc lá húng Láng nhỏ như khuy áo, đến độ mềm dẻo khó
tả của bánh phở tráng từ gạo của phù sa sông Hồng; mùi gừng gié đất đồi Bắc Giang nướng than; vị ngọt của xương đuôi với sá sùng, mùi hồi Lạng Sơn và Quế Hà Giang.
Thanh Thư nhăn mặt . Cô kêu lên khi đòi bột ngọt.” Dạ gia đình không dùng bột ngọt để tra. Mong quí khách thông cảm”. “Thôi, ráng
chịu bữa nghe cưng. Mình tìm họ chứ họ không tìm mình. Mới lại, đi đâu ăn thứ ngon nơi đó sẽ thú hơn.”Hepp khẽ nói.
Kim Thy hơi xấu hổ vì cô ăn cạn. Bà ngoại cô người Cửa Đông,bảo: khôn ăn cái dại ăn nước mà. Dại là dại khôn đó con! Zack không có ý kiến gì, “ Em ăn gì cũng được, miễn là an toàn và đủ dinh dưỡng. Vả lại, Hà Nội với em vừa cầu kì quá sức vừa kín đáo đến đuối hơi. Em không biết có đủ kiên nhẫn không. À a. Kim Thy à, ơ quả mơ có hột nhé.
Rồi ba người quay về Bắc Mĩ. Nhà Hepp giờ đã có nữ chủ nhân. Kim Thy không ăn sáng và tối ở nhà nữa. Cô kiếm cớ sang nhà Linh Linh bạn cô. Giữa tuần, cô quay về, thấy đồ ăn tên Thy trong tủ lạnh đã được gom vào rác. Các lọ hoa được dẹp bỏ. Thy thu xếp mọi thứ, xin phép đi thực tế 20 ngày.
Lúc thu bàn chải và sữa rửa mặt trong toilet, nhìn thấy đồ lót của Hepp phơi cạnh đồ chắc của Thanh Thư, tim Thy đau buốt. Ê, sến, Thy. Gạt phắt đi.
Ngang qua phòng hai người, nghe tiếng Thanh Thư: Em không vấn đề. Chẳng liên quan gì Bắc cộng, mà mèo đen mèo trắng đều ok nếu giúp em phát hành sách ngon lành. Tiền một chuyện. Còn là chỗ đứng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Họ giàu là một chuyện, nhưng họ còn là lực lượng phản biện cho dân chủ; sang lắm. Như em là cái gương. Em chỉ thơ tình thôi cũng đuối. Cái lí tính đàn bà kém, làm thơ chỉ có tình làm gì có tư tưởng. Nhưng cứ có sự kiện gì về dân chủ mà mình đưa vào, hót họt luôn. Nước mình nó thế. Dại gì mình không tận dụng cơ hội.
Vậy nên anh cho nó ra khỏi nhà chúng ta đi.”.
Kim bay thẳng đến miền Bắc Canađa. Và nghĩ rằng cô sẽ không khi nào quay về nhà Hepp nữa.
Tỉnh dậy ở Nhật, Kim Thy mở mắt, nhận ra Hepp. “Em bị bệnh
máu. Ngất khi bay đi thực địa. Anh bay đến và đưa em sang đây. Sao anh biết em ốm. Anh đi trượt tuyết với Thanh Thư và nhớ giọng nói của em. Như Graham Greene đã nói: “
I can’t say what made me fall in love with Vietnam - that a woman’s voice can drug you ... They say you come to Vietnam and you understand a lot in a few minutes, but the rest has got to be lived."Tôi không biết cái gì đã làm cho tôi yêu Việt Nam”
... nơi giọng nói đàn bà có thể bỏ bùa bạn ... Họ bảo anh đến VN, anh sẽ biết rất nhiều trong vài phút, nhưng phần còn lại thì anh phải sống với nó”.
Đêm trong rừng anh mơ thấy bầy sói tìm anh. Chúng đưa anh đến cánh rừng nơi chúng tìm thấy em. Nàng công chúa yêu anh từ kiếp trước nên kiếp này, vừa ra khỏi bụng mẹ 8 ngày, nàng ấy mất.Bọn sói canh mộ em và tìm anh.Ẵm em, nghe em mấp máy: Cứu Kim Thy, núi.. Đại vực. Và anh đến, “yeah ... and I love you for who you are ...”
Thanh Thư?Cô ấy đi với ông nhà văn nổi tiếng ở Cali rồi. Cô ấy như nhiều người Việt ta, thích nổi và coi nổi là giá trị rốt ráo. Cảm ơn nỗi buồn cô ấy đã gieo em vui dốc đời anh.
- Hãy mang em theo. Em cần anh. Em tìm anh mãi.
Hepp ôm Thy, và ông ngạc nhiên về chính mình. Không phải là hận thù, nhớ tiếc, dân tộc hay chính nghĩa lúc này đang hong nắng hồn ông. Mà là sự thân mật đến vô cùng tận mà người con gái ấy trao ông trong vòng tay.
Tháng Giêng, 2020.