Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.213.579
 
Khi ông Bình Vôi nghìn tuổi trở về
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Mấy năm trước, Phạm Đình Ân có một bài thơ hay được nhiều người nhắc đến: "Đầu năm mua muối". Và như để góp phần hoàn chỉnh cái cảm quan về đời sống nằm đằng sau câu tục ngữ: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" ( hoặc "cuối năm mua dầu"), anh đã làm bài thơ sau:

 

Mua vôi ngày áp tết

 

Vắng trầu, thưa nhạt mùi vôi

 Xi măng, sắt thép vào thời thắng thua

Ông Bình Vôi buổi bão mưa

Đem đi nghìn tuổi mà chưa thấy về.

 

Cuối năm vôi hẹn chợ quê

Tiếng mời xoắn xuýt bốn bề cỏ hoa

Trắng trong buộc thít mặn mà

Ngỡ tan biến hết hoá ra vẫn còn.

 

Về nhà quét mảng tường con

Lòng run chạm thuở nắng mòn mái hiên

Ngẫm người phận bạc đỏ đen

Mặt hề trắng phếch kim tiền trơ trơ…

 

Ngõ ngoài con trẻ đùa nô

Động cây thảng thốt bãi bờ lá bay

Ông Bình Vôi cưỡi gió mây

Đem về nghìn tuổi chất đầy gốc đa.

 

Để có thể thấy được cái sâu sắc, thú vị của bài thơ, chúng ta cần biết qua về phong tục Việt ở câu tục ngữ  "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" mà không ít nhà nghiên cứu văn hóa đã giải thích ( Toan Ánh, Nguyễn Hùng Vĩ, v.v.). Phiên chợ cuối năm, người ta thường mua một ít vôi; và phiên chợ đầu năm người ta thể nào cũng phải mua một bát muối. Mua muối đầu năm là để mong đưa về nhà mình sự mặn mà quanh năm trong các quan hệ ứng xử, làm ăn. Còn mua vôi cuối năm gắn với tục ăn trầu và những kiêng kỵ quanh vôi và ông Bình vôi... Ông Bình Vôi là vật dùng để đựng vôi ăn trầu, làm bằng sành hoặc sứ, xuất hiện từ xưa, hiện đã thành đồ vật xa lạ với nhiều lớp người - đặc biệt là thế hệ A-còng. Khi đi mua ông Bình Vôi, người ta mang theo một vuông vải đỏ hay nâu, gói cẩn thận đặt vào rổ giá đội lên đầu rước về nhà, đặt ở chỗ kín đáo gần đầu giường...Tâm lý dân gian coi ông Bình Vôi là một vật thiêng, ngay các vành khuyên vôi trên miệng Ông cũng là vật được treo trên cửa mạch (cửa ma quỷ hay ra vào) để trừ tà. Khi ông Bình Vôi đã hỏng, người ta đem rước Ông cùng xâu miệng vôi ra đình, chùa, điện, để dưới gốc đa, gốc mít cùng cối đá thủng, chày đá mòn, vại muối dưa cà cũ... Vì quan niệm "bạc như vôi" nên người ta lo cho ông Bình Vôi ăn vôi vào giáp tết, để vào dịp đầu năm cái gì cũng đầy đặn, mong có lộc cả năm.

    Bốn khổ thơ lục bát không hiểu tác giả vô tình hay hữu ý mà lại cấu trúc giống như 4 phần Đề - Thực - Luận - Kết khá nghiêm ngặt của một bài thơ thất ngôn bát cú. Chúng ta hãy thử men theo cái cấu trúc đặc biệt này để khám phá ý vị của bài thơ.

    Trong khổ Đề, tác giả vẽ ra cái hoàn cảnh chung thời "xi măng sắt thép" mà trong đó tục ăn trầu tự ngàn đời đã thiếu vắng, dẫn tới "thưa nhạt mùi vôi", để bắt đầu dựng "chân dung" ông Bình Vôi qua hồi ức của mình. Cái "buổi bão mưa" của những biến thiên lịch sử dẫn tới thay đổi phong tục tập quán cùng sự đảo điên của tình người khiến ông Bình Vôi chỉ còn sống trong niềm hoài nhớ: "Đem đi nghìn tuổi mà chưa thấy về."

    Tới phần Thực, bằng những câu thơ ngọt ngào duyên dáng tựa ca dao, có phần thực ảo lẫn lộn, tác giả đẫn người đọc về một vùng quê hiện tại, đồng thời giúp họ sống lại một thời xa trong những vùng quê từng tồn tại như miền cổ tích mà tuổi thơ tác giả từng sống, giúp người đọc hiểu thêm cái nguyên cớ hoài niệm nói trên. Những câu thơ như tiếng lòng "xoắn xuýt" diễn tả đời sống tâm hồn tình nghĩa của người dân quê đồng bằng Bắc Bộ trong quan hệ ứng xử, trong những sinh hoạt đời thường; những người trải qua bao đắng cay khốn khổ mà vẫn giữ được sự "trắng trong" của tấm lòng nhân hậu vốn "thương người như thể thương thân", luôn luôn coi "người ta là hoa đất"... Và ở đây, thông qua tục lệ mua vôi cuối năm mua muối đầu năm như một dấu tích đáng quý của tình đồng bào, tác giả cho chúng ta thấy anh đã từng tuyệt vọng đau đớn ra sao để rồi phải rưng rưng trước sự phát hiện giản dị này: "Trắng trong buộc thít mặn mà/ Ngỡ tan biến hết hoá ra vẫn còn."

    Sang phần Luận, tác giả tiếp tục khía sâu vào cái mạch hồi ức sâu thẳm đã khơi ra từ khổ đầu, để đưa ra bình luận về nhân tình thế thái xưa - nay. Những nhà dù nghèo đến đâu cũng cố mua vôi để "quét mảng tường con" đem chút sáng sủa tươi vui đầu năm sắp tới, và có thể trên mảng tường trống trải ấy còn được dán một bức tranh dân gian: tranh gà, lợn, cá chép, đám cưới, nhất là tranh "Hương chủ" của dòng tranh Hàng Trống - một bức tranh có đủ bàn thờ gia tiên, mâm ngũ vị, câu đối đánh lừa thị giác và vị giác mấy ngày Tết cổ truyền. Cái nghèo không nỡ cướp đi những mơ mộng của tuổi hoa niên mà tác giả diễn đạt khá thi vị:" Lòng run chạm thuở nắng mòn mái hiên". Nhưng khi đã có va chạm và biết nghĩ đôi chút thì cái thực tế đen bạc ngoài đời mau chóng "mở mắt" cho bất cứ "con nai vàng ngơ ngác" nào! Chút vôi làm thắm miếng trầu cũng là thứ liên tưởng tới sự bạc bẽo: "Phận sao phận bạc như vôi..." Và đọc câu thơ: "Mặt hề trắng phếch kim tiền trơ trơ", chúng ta bỗng nhớ lại nhân vật anh hề phải làm trò kiếm sống trong khi cha già ốm nặng gần chết, miệng thì cười mà nước mắt chảy nhòa son phấn trong một truyện ngắn Nguyễn Công Hoan! Bi kịch đó hiện giờ như đang gặp đất thuận lợi để phát triển như nấm sau mưa! Thói đời bạc như vôi, sự tráo trở, tình trạng đỏ đen lẫn lộn đục ngầu đang đe dọa nhấn chìm xã hội cùng mọi điều "trắng trong"! Hai câu sau của phần Luận có thể nói là một sự khái quát đầy rung cảm bằng hình tượng về cuộc đời xưa - nay. Nếu liên hệ với câu "Trắng trong buộc thít mặn mà" ở khổ thơ trên, có thể hiểu đó là mơ ước thầm kín cháy lòng của nhà thơ trước thực tế đen bạc, nhiều sự khốn nạn đểu cáng thống trị...

    Và đến phần Kết, trước tiếng "con trẻ đùa nô" trong hiện tại- những âm thanh trong trẻo có khả năng thần diệu "Động cây thảng thốt bãi bờ lá bay", tác giả như chợt tỉnh mộng, và càng có dịp để thấm thía một điều: những vẻ đẹp của tình nghĩa từ quá khứ ngàn xưa vẫn thao thức, vẫn len lỏi sống cho tới hôm nay mà không một thế lực hắc ám nào hủy diệt nổi. Ông Bình Vôi được nhắc đến từ đầu bây giờ mới quay trở lại, như một nhân chứng, một người quan sát thời cuộc một cách lặng lẽ khiêm nhường. Trong cái thời buổi "thắng thua" không khoan nhượng của thị trường méo mó, không thèm đếm xỉa đến chữ "Tình" của sắt thép xi măng và các thứ tàn phá môi trường, ông Bình Vôi tạm lánh trong xó quê, nơi đền chùa, thở than cùng Thạch Sanh bên gốc đa cổ thụ, đợi lúc thuận lợi sẽ bất chợt quay về. Và cuộc trở về ngoạn mục, trở về giữa lòng mong đợi của bao tâm hồn hoài nhớ những gì trong lành của ông cha đó đã được thi sĩ hiện đại hỗ trợ bởi trí tưởng tượng dồi dào, xúc cảm mặn mà và một nền tảng văn hóa chắc chắn: "Ông Bình Vôi cưỡi gió mây/ Đem về nghìn tuổi chất đầy gốc đa." Cách nói thậm xưng "nghìn tuổi chất đầy gốc đa" được người đọc dễ dàng thụ cảm là bởi nó đã được chuẩn bị tâm lý từ đầu, được nuôi dưỡng bằng một nỗi buồn thấm sâu, và qua những câu thơ lục bát viết như chơi mà thực ra rất kỳ công chữ nghĩa... Ông Bình Vôi không còn dáng vẻ cũ kỹ, tồi tội, mà chợt mang một hào khí mới mẻ! Ông Bình Vôi "cưỡi gió mây" bay trở về không phải để thực hiện chức phận đựng vôi têm trầu như trước kia mà là để nhắc nhở: hồn dân tộc thiêng liêng chớ bao giờ có quyền được quên lãng!

 

            Cám ơn Ông Bình Vôi! Cám ơn nhà thơ!

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1492
Ngày đăng: 30.01.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chữ Văn Long*… - Trần Hoài Anh
Đọc bài thơ Hãy quên tôi đi! - Hoàng Thị Bích Hà
Cảm thức xuân trong thơ Nguyên Sa* - Trần Hoài Anh
Đến với bài thơ hay “Cảm ơn tình yêu” của Hành Giả - Nguyên Bình BRVT
Biên bản thặng dư – một vẻ đẹp nhân văn - Hoàng Thị Thu Thủy
Ma lực một làn hương - Nguyễn Thánh Ngã
“Màu thổ cẩm” của Bùi Minh Vũ – Những con ngựa hoang trên cánh đồng thi ca - Bùi Minh Vũ
Có một cõi chưa qua - Nguyễn Thánh Ngã
Trần Kinh Thượng với tập thơ: “Khúc tình phố núi” - Hoàng Thị Bích Hà
Người không lạ - Trần Hạ Vi
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)