Truyện ngắn của VĂN THÀNH LÊ, giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi sáng tác Văn học – nghệ thuật do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức 1998-2000
Chơi đá nghệ thuật có khó không ư? Anh bạn trẻ ạ, nó không khó mà cũng chẳng dễ. Điều kiện nhập môn là phải có một tấm lòng, bởi thiếu nó thì cuộc chơi sẽ có thủy mà chẳng có chung. Tôi thấy mắt anh đang ánh lên một vẻ say sưa thích thú khi ngắm nhìn các hòn đá. Hãy nghe câu chuyện này, có thể nó sẽ giúp ánh mắt biết cách tỏ bày cùng tấm lòng anh một nỗi đam mê nghệ thuật chăng?
1
Tôi đến với giới chơi đá nghệ thuật thành phố cũng là tình cờ thôi. Anh thấy đấy, tôi chỉ mới có được vài tác phẩm gọi là. Là dân “tân tòng”, thấy người chơi hay hay tôi cũng tập tành chơi theo. Nghe anh em kể chuyện đi thực tế lấy đá ở một vùng bán sơn địa Quảng Nam, tôi cũng háo hức muốn làm một chuyến. Anh cứ tưởng tượng xem, hơn trăm cây số đường đi về mà ngót nghét những mười cây lội bộ đường núi dốc với lỉnh kỉnh đồ dùng tay xách nách mang. Tối mịt mới về đến nhà, người rã ra như bị dần. Đã thế lại chẳng có lấy một hòn đá nhỏ, chí ít cũng được dân sành điệu châm chước xếp vào loại tác phẩm “tàm tạm” cho bõ công!
Đam mê thôi chưa đủ, cũng cần phải có kiên nhẫn nữa anh ạ. Tôi có người bạn ba lần đi lấy đá là ba lần bị tai nạn. Lần đầu chưa đến nơi đã bị trời mưa làm đứt dây điện quấn ngang cổ. Lần thứ hai vừa chọn được một hòn đá bỏ vào ba-lô đã bị trượt chân rơi xuống vực. Lần thứ ba bị vết thương cũ làm tình làm tội lúc bơi qua suối. Quá tam ba bận, dù sau đó không đi núi thêm lần nào nữa nhưng anh ta vẫn không chịu từ bỏ “nghiệp” đá, cất công đi xin lại của anh em mà vẫn nổi tiếng.
Mà cái “nghề chơi” xem ra cũng lắm trớ trêu, nhiều khi đá của người nầy vứt đi lại được người kia nâng niu trân trọng bởi đã cảm nhận được từ đá một điều gì đó gần gũi với một cõi riêng mình. Sau chuyến đi “mở hàng” không thành ấy, tôi buồn tình dạo quanh nhà những tay chơi sành điệu, say sưa nhìn ngắm tác phẩm của họ trưng bày trên những giá những kệ sang trọng. Họ cũng ưu ái tặng tôi dăm ba hòn đá mà họ mới đem về còn trong trạng thái nguyên sơ để động viên tôi. Tôi còn tranh thủ kèm thêm mấy hòn mà từ rất lâu họ đã không buồn để mắt tới nữa. Tôi tha tất cả về nhà.
Vợ tôi đón những người khách mới đến coi bộ không được mặn mà cho lắm. Lâu nay bà vẫn chê tôi là người ham chơi nhưng mau chán. Cũng như mọi lần, bà không nói gì, nhưng ánh mắt thì ngầm bảo: để xem, những của nợ nầy rồi không chóng thì chầy cũng bị ông vứt ngang nửa chừng như các thứ trước đó thôi.
2
Có hai con đường dẫn đến tác phẩm đá nghệ thuật: người đi tìm đá hoặc đá đi tìm người. Nhưng tôi khuyên anh nên chọn con đường thứ hai, bởi nó tương đối phẳng lặng hơn. Tôi bỏ ra nguyên buổi chiều tỉ mẩn cọ rửa từng hòn đá một rồi trầm ngâm nhìn ngắm chúng theo khắp mọi hướng. Tôi lục lọi trong ký ức những kiến thức hội họa cơ bản mà một người bạn đã giảng giải cho tôi hồi còn ở trường cao đẳng. Biết đâu tôi sẽ là người may mắn được chạm đến cái khoảnh khắc hạnh phúc thần tiên - nói theo các nhà lý luận nghệ thuật, khoảnh khắc mà cái vật thể vô tri tích tụ linh khí đất trời qua hàng vạn năm giao hòa cùng cái ý tình phi vật thể của con người để cất cánh bay lên đăng quang thành tác phẩm nghệ thuật. Hóa công đã bí mật để lại một ẩn ngữ vô thanh khi tạo lập ra đá, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải chiêm nghiệm nó, giải mã nó bằng cái tâm chân thành của mình rồi đặt lên vị trí mà nó xứng đáng được hưởng.
Phát hiện - hay gọi một cách văn vẻ là “sáng tác” một tác phẩm đá nghệ thuật cho ra hồn cũng chẳng dễ dàng gì. Thành công phần lớn là do duyên may cộng với sự đột phá của từng người chứ chơi đá không có cái lệ hễ sống lâu là ra lão làng. Anh xem, như bức tượng nầy chẳng hạn, tôi phát hiện ra nó hoàn toàn là do ngẫu nhiên. Suy nghĩ hoài mà tôi vẫn chưa thể nào tìm ra một chủ đề tương thích với đá. Dường như cái tình của người còn mải mê rung cảm với một tần số xa lạ nào đó nên chưa thể giao thoa cùng cái cái ý của đá.
Hôm ấy tôi nghe một câu hát vẳng lên từ dưới nhà của bà vợ vốn vẫn giữ bộ mặt khó đăm đăm mỗi khi thấy tôi cứ suốt ngày quấn quanh những hòn đá. Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say duyên tình vui sống... Giai điệu Xuân và Tuổi trẻ của La Hối bất giác đưa tôi quay về một quãng đời đầy ắp mộng mơ giữa đất trời phố Hội. Nếu đã từng sống với Hội An - dù chỉ một ngày thôi, anh sẽ thấy khó thể nào mà quên được cái không gian bảng lảng cổ tích nơi ấy. Tôi đã sống rất nhiều ngày ở đó nên kỷ niệm trong tôi càng da diết nhớ thương.
Ngày ấy có cô học trò áo trắng bước vào trái tim tôi cùng với mối tình đầu dịu ngọt. Tiếng guốc mộc đi về đôi lúc lẫn trong tiếng xích-lô leng keng lưu lại những hồi âm giữa không gian phố chiều tĩnh lặng. Tên cô cũng gợi lên man man một mối cảm hoài trong tôi - Kim Đĩnh. Cái chữ Đĩnh dấu ngã lạ lẫm ấy cứ xoắn một dấu hỏi vào lòng tôi khá lâu, cho đến khi tôi biết có sách giảng là một thoi vàng. Tôi phụ trách văn nghệ lớp, còn Thoi Vàng thì nổi tiếng khắp phố cổ nhỏ như hộp diêm ngày ấy nhờ vào chất giọng trời cho.
Khi yêu một ai đó, anh sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với nhịp bước thời gian mỗi khi được kề cận với người mình yêu. Ba năm cuối trung học của tôi qua quá nhanh cũng vì thế. Chưa kịp nói với nhau dù chỉ một lời cho trọn nghĩa thì buổi chia tay đã vụt tới bên thềm. Tôi cùng cây đàn ghi-ta lên chiến khu làm đồng đội với những trái tim thanh xuân ca vang khúc quân hành. Thoi Vàng lưu lại trong tôi một kỷ niệm êm đềm khi chia tay trên sóng nước sông Hoài. Trên nền xanh xám của đám lục bình có đôi mắt ẩn trong bóng chiều gởi vào không gian giai điệu Xuân và Tuổi trẻ thay lời từ biệt.
Ký ức trong xanh một thời cứ lãng đãng thực hư mà có lần tôi đã vụng về tái hiện nó trên một bức tranh duy nhất có tên là Giai điệu xanh. Đó là chân dung Thoi Vàng ngày nào của tôi với một mảng xanh dưới mái tóc xõa bồng theo chiều gió. Một mảng xanh, theo như cách ông bạn dạy vẽ của tôi giảng giải thì đó là điểm nhấn của bố cục bức tranh. Một mảng xanh? Anh biết không, chính cái mảng xanh ấy đã phả một hơi thở nhân văn vào hòn đá vô tri của tôi. Tôi nhớ ra đâu đó trong các hòn đá tôi mang về cũng có một mảng như thế. Bất ngờ, tôi hét lên một tiếng rồi phá ra cười giữa cái tĩnh lặng buổi chiều ngõ hẻm. Tôi đã tìm ra cái cần tìm. Khởi từ cái mảng xanh ẩn hiện lờ mờ dưới làn đá mát lạnh, tôi đã nhận ra một khuôn mặt thiếu nữ được vẽ nên bởi những đường gân đá với đôi môi phớt chút hồng và tóc gió tung bay. Eureka! Eureka! Ôi, giá mà anh được trông thấy tôi vào lúc ấy! Nhưng thôi, hãy bước vào thế giới tĩnh lặng của đá đi, rồi thế nào anh cũng sẽ cảm nhận được cái giây phút mà tôi đã may mắn trải qua.
Tác phẩm đá nghệ thuật đầu tay của tôi đã được trình làng ngay ngày hôm sau dưới cái tên Giai điệu xanh. Cái bí ẩn dấu trong ấn tích của đá đã được tôi giải mã theo con đường riêng của mình một cách tình cờ như thế.
3
Anh bạn trẻ, xin anh đừng vội, cứ miệt mài với nghệ thuật đi, rồi anh sẽ hiểu những người chơi đá đã sáng tác nhờ vào cái gì. Hãy xem hòn đá nầy, nó đã bị bạn tôi xếp xó gần nửa năm. Số phận đã đưa đẩy nó đến với tôi, kéo tôi ra khỏi nỗi khổ tâm day dứt mà anh sẽ thấy trong câu chuyện dưới đây. Nó nặng đúng mười hai ký. Đối với một tác phẩm, như thế là chưa đạt yêu cầu. Nhưng bù lại, nó có chất liệu cũng không đến nỗi tồi lắm.
Tùy theo màu sắc, giới nghệ thuật chia đá ra làm hai loại: đá tuyền và đá pha. Quý và hiếm nhất là đá tuyền màu đỏ - còn gọi là huyết thạch. Nghe đâu ở Quy Nhơn chỉ có một hai tác phẩm đỏ tuyền gì đó thôi. Kế đến là đen tuyền và vàng tuyền. Trong khi đá đen tuyền được tìm thấy tận ngoài đảo khơi biển Nha Trang thì đá vàng tuyền có rải rác ở vùng núi Quảng Nam. Hòn đá nầy thuộc loại đá pha, loại đá hạng bét bị người ta vứt lên vứt xuống. Tôi mang về vì thấy nó được pha bởi ba màu quý hiếm nhất. Đấy anh xem, với phong thái siêu thực, từ các sắc chủ đạo đỏ đen vàng, nhà họa-sĩ-kiêm-điêu-khắc-thiên-nhiên đã ngẫu hứng phóng lên trên nền xanh xám đặc trưng của đá Quảng Nam một bức tranh hình khối bí hiểm.
Cho rằng muốn chơi đá nghệ thuật phải có kiến thức nhập môn về hội họa lẫn điêu khắc cũng chẳng ngoa chút nào. Tôi không có các kiến thức ấy, tôi chỉ may mắn có được những ý niệm mà nhờ đó tôi đã cảm nhận từ trong cái thế giới tĩnh lặng trầm mặc của đá những khúc nhạc không lời được biến tấu một cách ngẫu hứng từ những ký ức, những hồi quang về quãng đời tôi đã trải qua.
Tôi xa Hội An, xếp bút nghiên theo việc đao cung. Phố cổ, áo trắng, guốc mộc... kỷ niệm trong tôi hóa thành thơ thành nhạc. Cây đàn rời chiến khu theo tôi về học viện âm nhạc. Cái giá rét của những mùa đông Bắc Hà càng làm cháy trong tim tôi ngọn lửa nhớ phố nhớ người. Tôi yêu cái phố rêu phong cỏ phủ mà những con đường cổ tích luôn gợi lên bóng dáng nàng tiên áo trắng của riêng tôi.
Ngày hòa bình, cờ và hoa ngập phố. Giữa rừng người đổ ra mọi ngã đường reo mừng thống nhất có tôi, kẻ tha hương trở về cố quận tha thẩn đi tìm những dấu yêu ngày tháng cũ. Ngôi nhà cổ có đôi mắt nhìn ra dòng Hoài cùng với người con gái năm xưa giờ đã không còn ở đó. Một thằng bạn cùng lớp đã may mắn sở hữu được Thoi Vàng mơ ước của tôi ngày nào. Họ có một ngôi nhà, hai đứa con và bốn trái tim hạnh phúc. Buổi hội ngộ diễn ra trong ánh mắt ngỡ ngàng. Anh bạn ạ, tôi đã buồn lòng biết bao, nỗi buồn của kẻ tin vào điều đã có thể xảy ra nhưng vẫn le lói một tia hi vọng ở điều ngược lại. Mà cũng phải vậy thôi, duyên con gái chỉ một thời xuân sắc còn tháng năm thì đâu có đứng đợi cùng người...
Cho đến một ngày, ngày mà mỗi khi nhớ đến, lòng tôi lại nhói lên bởi nỗi ân hận dày vò. Tôi nhận được một cái hẹn rất gấp của nàng, ngay khi tôi sắp sửa bước vào một phiên họp quan trọng. Xong họp, tôi đến chỗ hẹn thì không còn ai ở đó. Tôi đến nhà nàng, cửa đóng then cài chìm trong bóng tối. Đang loay loay không biết hỏi ai thì một đám đông ồn ào cách đó không xa làm tôi chú ý. Anh biết chuyện gì xảy ra không? Một tai nạn giao thông thảm khốc. Một người đàn ông mặt bê bết máu nằm sóng sượt giữa đường và một người đàn bà bất động bên cột đèn giao thông. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, tôi nhận ra dáng người quen quen. Chẳng lẽ... Trời ơi, người đàn bà không ai khác hơn là nàng, là Thoi Vàng của tôi ngày xưa.
Tôi dạt đám đông đến gần nàng. Vẫn còn hơi thở thoi thóp. Người đàn ông mà tôi tin chắc là chồng nàng, khẽ kêu lên một tiếng. Tôi lờ mờ nhận ra anh ta qua khuôn mặt đã bị những vết máu loang lổ trổ thành những đường nét ma quái dị dạng. Anh nhìn tôi với một ánh mắt buồn bã pha chút giận hờn, ánh mắt của kẻ sắp sửa bước qua một thế giới khác. Anh mấp máy một điều gì đó chưa thành lời thì đôi vai đã chùng xuống, đôi đồng tử vẫn đăm đăm hướng vào tôi...
Đó là một câu chuyện thương tâm, anh ạ. Vợ chồng nàng dính vào một vụ làm ăn lớn bị thua lỗ, sắp sửa phá sản. Họ mong gặp tôi để nhờ tôi tìm cách cứu họ ra khỏi cánh cửa tòa án. Thấy tôi không đến, họ cho rằng tôi lánh mặt là muốn trả mối hận tình ngày xưa. Anh chồng buồn bực, quá chén mà ra nông nổi như thế...
Đám tang anh ta diễn ra ngay ngày hôm sau. Còn nàng thì nằm viện gần nửa tháng trời vì chấn thương, tất nhiên là chẳng hay biết gì về cái chết của chồng. Tôi tê tái cõi lòng, chẳng biết nói gì để bạn bè thông cảm. Mà biết nói gì cơ chứ, khi tất cả mọi người - ngay cả chồng nàng, đều biết tình tôi dành cho nàng sâu đậm đến dường nào. Cái ranh giới giữa tình yêu và lòng thù hận đã bị tính tị hiềm của thế nhân biến thành ra mong manh như thế đấy anh ạ.
Ra viện, sự thật đớn đau đã biến nàng thành một con người hoàn toàn khác. Còn tôi, hình ảnh hãi hùng của đêm hôm đó để lại trong lòng tôi một nỗi dằn vặt dày vò không thể tỏ cùng ai. Anh hãy nhìn vào hòn đá nầy, nhìn thật kỹ vào. Như là trời đất đã tạo nó ra cho riêng tôi, vừa rửa sạch lớp bụi mờ là tôi đã linh cảm được điều đó. Đây là khuôn mặt dị dạng bê bết máu có cái nhìn đăm đăm như thấu tim gan kẻ đối diện.
Hóa công đã phải mất hàng vạn năm mới tạo nên bức tượng, thế mà chỉ sau một khoảnh khắc phát hiện ra nó, tôi đã bị một nỗi ám ảnh vây kín tâm hồn. Tôi luôn có cảm giác bị ánh mắt nhuộm màu máu của nó dõi theo khắp nơi, từng đường đi nước bước. Tôi phủ một lớp vải lên nó với hy vọng sẽ được yên thân ít ra cũng trong chốc lát. Nhưng không, nỗi ám ảnh điên dại cứ trào lên trong tôi cùng với khuôn mặt rùng rợn ma quái hiện ra khắp phòng. Đêm đêm, tôi trằn trọc mãi mong tránh những giấc mơ hãi hùng vẫn thường dày vò tôi trong giấc ngủ. Oan hồn của thằng bạn tôi đang quay về trả thù cho sự tan tác của gia đình nó chăng? Nếu sống khôn chết thiêng, sao nó không hiểu được rằng tôi không hề có lỗi trong chuyện đó?
Tất cả các câu hỏi đều không đưa tôi ra khỏi một điều tệ hại: tôi gầy rộc người, ngày càng trở nên khó tính hơn...
Tôi oán ghét nó, tôi căm hận nó. Đã có lúc tôi nảy ra ý tưởng muốn hủy diệt nó. Nhưng khúc nhạc êm đềm vẳng ra từ Giai điệu xanh đã làm dịu cơn phẫn nộ của tôi và cứu lấy nó...
4
Ngày nọ có một ông khách Đài Loan đến chỗ tôi. Biết tay nầy sưu tầm tác phẩm đá, tôi cho giá bức Ám ảnh thật thấp để mong ông ta nhanh chóng mang cái của nợ ấy đi. Ông ta tỉ mỉ xem xét từng thớ đá, từng đường gân dưới kính lúp. Anh có tin không, cuối cùng ông ta đồng ý mua nó với con số gấp năm lần con số tôi đưa ra lúc đầu! Ông ta đặt tiền cọc, hẹn hôm sau sẽ đến.
Tôi muốn hét lên vì vui mừng được thoát nợ! Tôi tổ chức một bữa tiệc gia đình nho nhỏ để ăn mừng cái ngày đáng nhớ ấy.
Này anh bạn, đã có lần nào anh cảm thấy sự việc đến với anh như là có ai đó sắp đặt không? Riêng tôi, cuộc đời tôi mách bảo với tôi rằng có, anh bạn ạ.
Đêm ấy, lúc tôi sắp sửa đi ngủ thì đột nhiên cả khu phố mất điện, một việc rất hiếm khi xảy ra. Loay hoay mãi tôi vẫn không tìm thấy cây đèn cầy vẫn thường để ở góc trái phía trên kệ đá. Tôi nhớ ra khi chiều người khách Đài Loan đã lấy nó để thử độ bóng của đá. Cuối cùng rồi tôi cũng tìm thấy nó dưới sàn nhà, cạnh bức Ám ảnh.
Tôi đốt nến, nỗi ám ảnh của tôi lại hiện ra dưới ánh sáng chập chờn huyền ảo, nhưng giờ đây với một dung mạo hoàn toàn khác. Thật lạ lùng, vẻ rùng rợn ma quái của những vết máu trên khuôn mặt đã biến mất. Ánh nến đã sắp xếp lại các mảng sáng tối trên bức tượng, phảng phất đường nét một khuôn mặt khoan dung hiền dịu. Ánh sáng lung linh, bóng những gờ đá sần sùi trên mặt tượng ẩn hiện khi mờ khi tỏ. Tôi có cảm giác nó đang thì thầm với tôi một điều gì đó, thật gần gũi, thật thân thương...
Trong một khoảnh khắc mong manh lặng lẽ soi lòng mình trong lòng đá, tôi đã tìm thấy tôi, tìm thấy những gì mà lẽ ra tôi đã tìm thấy từ lâu. Đêm đó là một đêm tròn giấc, một đêm có những quãng lặng bình yên trở lại trong tôi.
5
Hôm sau, tôi đặt bức tượng vào chỗ mà anh đã thấy, đó là chỗ trân trọng nhất. Nó vẫn hiện ra dưới ánh sáng mặt trời như mọi ngày, nhưng vẻ dọa dẫm ám ảnh không còn nữa. Anh bạn ạ, tôi biết anh không thể cảm nhận được điều kỳ diệu ấy, bởi anh không thể là tôi. Tôi suốt đời lang thang trên con đường nghệ thuật với những kỷ niệm, những mộng mơ không hạn giới. Tôi biết ơn cái ngày đã dun dủi tôi đến với đá, và đêm mà một khoảng trời thanh thản đã lặng thầm khai mở, giải thoát tôi ra khỏi cõi muội mê trong xót xa ân hận.
Đêm có ngọn nến chập chờn đánh thức hồn tôi, níu giữ tác phẩm của tôi ở lại dưới một cái tên mới: Quãng lặng màu hồng lạp. Tháng 3-1999