Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.202.621
 
Thơ văn hóa và Thơ văn học - Nước sông không phạm nước giếng
Đỗ Quyên

 

Hải Hà: Chào nhà thơ Đỗ Quyên. Thưa ông, được biết ông có quá trình hoạt động văn chương lâu năm tại các nước châu Âu như Nga, Đức rồi qua Úc, Canada. Ông có thể kể khái quát hiện trạng văn học Việt Nam ở ngoài nước (còn gọi là hải ngoại)?

 

Đỗ Quyên: Chào nhà báo Hải Hà cùng bạn đọc. Tôi vốn thích nói hoài nói hủy về thi ca nói chung. Và cũng vậy khi bàn về… văn học Việt Nam ở ngoài nước! Hai đối tượng ấy cùng mang độ bất định khi ảo khi thực nếu muốn “khái quát” chúng. Về thơ, biết bao nhận định, định nghĩa đều không thoát nổi cái ảo ảo thực thực của thơ.

 

Để rõ hơn hiện tình văn chương người Việt ở ngoài hình chữ S, nên có vài câu phi lộ.

Trước và trong thời Đổi mới 1986-1989, ngoài giới chuyên môn sâu ở một số ít viện nghiên cứu và cơ quan chức năng, hầu như bạn đọc trong nước chẳng có thông tin là bao. Văn học sử Việt Nam đã sang trang ở vụ này tại thời kì đầu của Hậu đổi mới (mà mốc của nó hiện chưa thống nhất giữa giới nghiên cứu); ở đây tôi thử tính từ cuối năm 1990 (khi nhà văn Nguyễn Đình Thi coi như chấm dứt “giai đoạn ‘khủng hoảng’, bắt đầu chuyển sang thời ‘dân chủ hóa một cách có lãnh đạo’ xã hội Việt Nam”) đến cuối 1997 (khi Internet tới Việt Nam).

 

Vài bài tổng quan đầu tiên và có giá trị của các tác giả trong nước về văn học Việt ở ngoài nước đã được thực thi bởi Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến. Và các bài tương tự của các tác giả “chính chủ” ở ngoài nước như Võ Phiến, Đặng Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng... được lan truyền không chính thức ở trong nước mà chủ yếu giữa một số nhà nghiên cứu, nhà văn. Để thấy, trong văn chương, sáng tác là một chuyện, còn ảnh hưởng lại là chuyện khác. Đâu dễ "hữu xạ tự nhiên hương"? Cái hư ảo bất định ở dòng văn học Việt ở ngoài nước phần nhiều bởi vậy.

 

Thật khó cho tôi khi toan gói ghém hiện trạng dòng văn học đặc biệt như thế vào một bài phỏng vấn bỏ túi ba gang.

Vậy xin bạn đọc chịu khó “liên văn bản” với bài tổng quan tôi viết mươi năm trước và bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn Hóa Nghệ An với nhà báo Phan Thắng 3 năm trước. (Mời xem tên bài, đường dẫn ở Chú thích). Khoe tí: Bài tổng quan do tuần báo Văn Nghệ "order", rồi đã in trên tuần báo Người Hà Nội số 27 - 2/7/2010, sau đó rả rích cho đến tận đầu năm nay được đăng lại tại hơn 20 báo chí, trang mạng văn học khắp nơi.

 

Tóm tắt: So với hiện tại, ngoài thông tin chi tiết về tác giả, tác phẩm, báo chí, diễn đàn... đã thay đổi, có 5 điều khác của tình hình văn học Việt ngoài nước trong mươi năm qua:

1) Sự hiểu và sự biết giữa văn giới trong-ngoài Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết, về quan hệ, giao tình cũng như sáng tác, thông tin. Song riêng về quan hệ, thậm tiếc là ở không ít tác giả, báo chí, cơ quan quan trọng của cả trong lẫn ngoài thì sự hiểu nhau và biết nhau đó không/chưa đưa đến sự chia sẻ, đồng cảm, đồng điệu. (Ấy là mỹ từ, còn nói thẳng theo ngôn ngữ thời cuộc là chưa thực sự hòa hợp - hòa giải).

2) Tính phân tán trong sáng tác cao hơn trước về nội dung, nghệ thuật và về cách phổ biến tác phẩm;

3) Càng rất khó định danh chính xác đâu là đề tài chính của dòng văn học này;

4) Khuynh hướng Hậu hiện đại và cách tân nói chung xem chừng đã yếu oải cả trong thơ lẫn văn. Riêng lối thơ Tân hình thức Việt thì “xung” hơn về mặt diễn đàn, xuất bản sách báo, quảng bá, còn chất lượng thơ và nhất là số lượng tác giả lại đi xuống. Nhấn mạnh: Thơ Tân hình thức Việt chính là thành quả giao lưu mạnh nhất, đẹp nhất giữa văn chương trong-ngoài mà công đầu thuộc về tạp chí Sông HươngBáo giấy “Thơ Tân hình thức” qua đại diện là 2 nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (trong) và Khế Iêm (ngoài);

5) Ít có tác phẩm, tác giả tạo sự kiện lớn ở ngoài này lẫn bên nhà như mươi năm trước, ngoài trang mạng Văn Việt (của trong nước nhưng) với phân nửa số tác giả là từ ngoài này.

 

Còn với 3 đặc điểm lớn của sinh hoạt văn học Việt ngoài nước từ sau 1975 thì trong mươi năm gần như ít thay đổi:

1) Nguồn gốc: Không kể ở các nước Đông Âu, Liên Xô cũ, đấy là dòng chảy tiếp tục của văn chương miền Nam trước 1975;

2) Mục đích chính: Giải tỏa trăn trở về thời cuộc, mà hơn cả là về chính trị (nhất là ở những cây bút gắn bó với thể chế Việt Nam Cộng Hòa cũ) và gần đây là về bảo toàn lãnh thổ, biển đảo, an toàn môi trường, đất đai... ở Việt Nam. Chính do mục đích viết để “giải tỏa” mà tính co cụm, bè phái (ghetto) của văn học ở ngoài nước phải nói là cao. Phụ thuộc vào chính kiến của từng nhóm. Gần đây các tác giả độc lập, trẻ và viết vì lý do văn chương ngày càng tăng đã phá dần cái ghetto này;

3) Cảm hứng viết: Ý thức tự do sáng tác và tính độc lập cá nhân.

 

Hải Hà: Nhiều người đã nói về sự khác biệt của văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước. Vậy thì, lại muốn biết điểm gặp nhau của văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước là gì?

 

Đỗ Quyên: Một câu hỏi hay! Tưởng dễ mà không dễ, nếu muốn nói cho hay. Thú thiệt, tôi chưa được đọc ở đâu cách hỏi tương tự. Thưa vâng, theo tôi, có ít nhất 2 điểm chung ở 2 dòng văn học ấy.

Một là cùng viết tiếng Việt và tạo ảnh hưởng lớn đến độc giả Việt. Hiển nhiên với văn học trong nước lâu nay, nhưng với văn học ngoài nước điều đó không chỉ là một hình thức hiển nhiên. Văn hóa tiếng Việt ở ngoài Tổ quốc hình thành từ rất lâu. Còn văn học Việt ở ngoài nước, đặc biệt phần chính là văn học hải ngoại thì chỉ sau 30/4/1975 mới thật sự được coi như một thực thể văn học. Sáng tác văn học của người Việt viết bằng tiếng Việt và một số tiếng ở quốc gia thứ hai đã thực sự làm nơi chốn thiết yếu để khối 4 triệu người Việt ở ngoài nước vịn vào mà đứng lên trong đời xa xứ của mình.

Hai là cùng phát triển chậm, chưa xứng với kỳ vọng của độc giả. Các tác giả ở ngoài nước chúng tôi chịu lỗi nhiều: Được viết trong môi trường nói chung là “ngon lành cành đào” cả về tinh thần lẫn vật chất mà đâu có “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” lương tâm nhà văn giao phó?!

 

Hải Hà: Đọc những tác phẩm của các nhà văn xa xứ, luôn có một điểm chung là nỗi nhớ thương hướng về nguồn cội. Ông có thể nói rõ hơn điều này trong các tác phẩm của mình?

 

Đỗ Quyên: Vâng, hiếm tác giả nào có bàn viết ở ngoài biên giới lại không sáng tác ít nhiều về cái gọi là tình hoài hương, và cao hơn là hướng về xuất xứ  - đó là quê cha đất mẹ, nguồn cội tổ tiên.

Tôi còn muốn xem đó chính là hàn thử biểu cho tâm thức văn nghệ sĩ. Và nó cũng là rào cản, nếu như chỉ tối ngày chầm bập, mân mê cái đề tài mềm nhũn niềm hưng phấn. Một nhà văn xa xứ chỉ trưởng thành sau khi "biết chùi nước mắt” (cách nói của nhà thơ Đỗ Kh. ở Mỹ), biết hóa nước mắt thành máu nuôi các đề tài khác.

 

Với tôi (và rất nhiều tác giả khác) riêng câu hỏi này cũng dư làm một bài phỏng vấn dài hơi riêng rẽ. Nói nhanh, trong thơ tôi có vài câu ở “thời kì nước mắt” như:

 

“Anh còn lại một ngày

Mà Đông phương xa quá

Ơi Đỗ Quyên mãi là

Cánh chim buồn không xứ.”

(Trường ca Buồn muộn cùng thế kỷ)

 

Hoặc:

“Bản đồ Việt Nam trên đầu giường

Hình Tổ quốc như chiếc đinh giáng xuống”.

(Trường ca Năm năm lìa nước)

 

Hải Hà: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại, tất nhiên bao gồm cả văn chương. Ông có thể cho độc giả trong nước biết Internet đã tác động thế nào đến văn học Việt Nam ở ngoài nước?

 

Đỗ Quyên: Nói cho oách, hồi 1991 ở Đức khi rủ rê chúng bạn lần đầu tiên trong đời mầy mò làm báo tự phát (bằng cách thủ công: đánh máy chữ, bỏ dấu tiếng Việt bằng tay, ghép tranh ảnh, cắt dán từng trang lẻ rồi photocopy, đóng lại thành “báo”) tôi - do kém thông tin! - đâu ngờ Internet đã được sinh hạ từ năm 1969 lận, để rồi làm khuynh đảo thiên địa (bắt đầu đúng lúc chúng tôi tự ra báo!) cho đến tận bây giờ.

 

Tới hôm nay thật tình tôi vẫn không thể hiểu vì sao kỹ thuật công nghệ nó “bay như hỏa tiễn”, trong khi suy nghĩ, sáng tác của mình vẫn như “cưỡi trâu”. Ngó sang các đồng nghiệp thân tình ở cả ngoài lẫn trong nước, số tác giả “hỏa tiễn” không là bao (tỷ như tay bạn Đỗ Kh. nói trên có thể coi là một). Xét về diễn đàn, báo chí... số lượng “hỏa tiễn” cũng không quá số ngón trên hai bàn tay. (Trước đây có tạp chí Hợp Lưu là một, báo mạng Talawas là hai, tạp chí rồi mạng Tiền Vệ là ba; và mạng Da Màu - đang vẫn còn sống bảnh - là bốn. Đại khái thế…)

 

Đương nhiên văn học Việt ở ngoài nước mang các điểm yếu đầy mình mẩy, lí do chính là tính chất “tự bảo vệ”. Tá lả các cây bút uy tín ở ngoài này đã tự phê bình, kiểm thảo suốt hai thập niên rồi, nay tôi cho nó “cưỡi trâu” một lần nữa thì cũng… phải đạo.

 

Ta khỏi cần nói thêm về ảnh hưởng tốt của Internet cho văn học Việt ngoài nước (với mạng Talawas thời 2002-2011 là điển hình hiếm có), chỉ nhấn vào một cái hại của nó: Phá banh hệ thống báo chí, diễn đàn, nhà xuất bản của người Việt mình ở ngoài nước. Chính sự ghetto/co cụm giữa các bè nhóm (là điều dở) của văn học Việt ngoài nước đã làm nên thời kỳ vàng son với hàng loạt tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản, nhà sách hữu hiệu trong mươi năm sau 1986 - mốc Đổi mới ở trong nước.

 

Khác ở một số bộ môn văn nghệ, trong văn học việc sáng tác hay-dở không phụ thuộc vào phương tiện sáng tác. Xưa thi bá Tản Đà từng có ý gần như thế trong cuộc cách mạng cây bút “đổi lông ra sắt”. Tôi không thấy Internet đã ảnh hưởng đến chất lượng văn học Việt ở ngoài này. Còn về số lượng cũng chưa hẳn đã tăng? Mà có thể giảm, vì sự tan rã của các diễn đàn, báo chí kéo theo giảm hứng thú sáng tác của từng nhà văn. Với riêng tôi, trong một sáng tác cụ thể, Internet đã giúp viết và gửi nhanh, thuận tiện hơn (hiển nhiên!); và tôi vẫn ngờ rằng chất lượng và số lượng tác phẩm của mình (của đáng tội đều tăng lên hẳn) lại không đến từ bàn phím?

 

Không thể nào quên “bá cáo bình tích” cùng bạn đọc 2 cái đáng kể mà kẻ hèn là tôi cùng đồng nghiệp toàn cầu, sướng nhất là với bạn văn ở trong nước, đã làm được với siêu công cụ Internet: Bàn tròn mạng Diễn đàn Trí thức Việt Nam (2001) và Hội luận Văn học Việt Nam (2008). Tuy là các diễn đàn ngắn hạn  trong mục tiêu thảo luận các đề tài cụ thể, nhưng cả hai đã được dư luận ghi nhận là các địa chỉ đầu tiên của văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng gặp nhau “trên trời” giữa các vấn đề rộng lớn sát sạt mặt đất của văn chương, văn hóa nước nhà.

 

Hải Hà: Hiện nay văn học trong nước có 2 quan niệm: một số ủng hộ cái gọi là “xã hội hóa Thơ”, tức là người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, các câu lạc bộ, hội nhóm Thơ xuất hiện từ thôn, xã, phường… Mà như thế, ai cũng có thể trở thành “nhà thơ” và có thể in sách, tung hô nhau nhiễu loạn. Một số khác lại quan niệm “chuyên nghiệp hóa Thơ”, tức là nhà thơ phải học trong trường lớp chuyên ngành, có sự hướng dẫn kĩ năng từ các nhà thơ tên tuổi đi trước rồi sau đó phải trở thành hội viên của một hội văn chương danh giá thì mới có thể gọi là “Nhà thơ chuyên nghiệp”.

Ông có thể cho biết văn học ở một số nước khác có tình trạng này không?

 

Đỗ Quyên: Cũng từng để tâm vào các sinh hoạt đó, qua nhiều ý kiến trên báo chí từ các bạn thơ như Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Văn Giá, Võ Thị Xuân Hà và các tác giả khác, tôi xin có vài ý riêng...

Bỏ phiếu cho cả 2 phe: Sự giằng co giữa 2 quan niệm tôi thấy không cần thiết và khó có thể san định ai thắng ai. Xã hội và văn chương Việt mình xưa nay đã bị cái danh làm u mờ cái thực. Đó là gốc của vấn nạn. Nếu trong xã hội, dư luận, thậm chí trên báo chí, diễn đàn, lúc nào cũng có mấy cô bác giơ cái mũ "tiến sĩ" ở những nơi không cần mũ này bảo hiểm, thì thiếu gì dăm cậu mợ chẳng ngán mà giương cái danh "thi sĩ" quá ngọn cau?

Thật ra, đâu dễ định nghĩa, định danh “nhà thơ” khi chỉ dùng các hình thức vừa nêu. (Lại thêm một ví dụ tốt cho tính bất định của thơ!) Cả hai cung cách đều có lý có tình. Một xã hội văn minh, một nền văn học chân chính cần dung hòa để hai cách cùng được tự do thể hiện mình, sao cho “nước sông không phạm nước giếng”.

 

Tại các nước tôi từng sinh sống, ngay cả ở nước Nga hồi những năm cuối thập niên 1980 với cấu trúc xã hội giống Việt Nam, hình như chẳng thấy câu chuyện loạn thơ như thế. Không hội nhập sâu đời sống văn chương bản địa, song tôi cũng nhận ra, ngay như ở Canada hiện giờ, thơ “chẳng là cái đinh mục gì” trong xã hội đại chúng thường nhật, còn trong vòng hàn lâm, đại học, thư viện… thơ luôn là một trong các đỉnh cao.

 

Tiêu chí nghệ thuật đầu tiên và cuối cùng của thơ là hay, và cũng cần có sự phân định loại hình giữa thơ đại chúng và thơ chuyên nghiệp.

Nhân đây, tôi muốn được đưa ra cách gọi như sau, thiển nghĩ vừa có lý về nội dung lại có tình về hình thức: Thơ-văn-hóa và Thơ-văn-học. Tỷ như, thơ Nguyễn Bảo Sinh không thể gọi là thơ văn học; đó là thơ đại chúng, mang phẩm chất văn hóa cao và là thơ hay. Trong khi thơ Đồng Đức Bốn hiển nhiên là thơ văn học mang nhiều sắc thái đại chúng, văn hóa đến mức xuất thần:

"Ối mẹ ơi vỡ đê rồi

Mộ cha liệu có lên giời được không?"

 

Phân định rõ ràng sẽ kéo theo phân chia chức phận của các cơ quan, hội đoàn, trường học... chăm sóc thơ theo loại hình phù hợp. Góp ý nhỏ: Cách nói “xã hội hóa Thơ” dễ bị hiểu nhầm là kỳ thị thơ đại chúng/thơ văn hóa - một dòng thơ chảy suốt chiều dài lịch sử và văn hóa dân tộc Việt, từ đó sản sinh ra ca dao vốn là một thể loại văn học, một sản phẩm văn hóa mà có thể không nhiều ngôn ngữ trên thế giới được sở hữu như ở tiếng Việt.

 

Chẳng thể sùng bái việc đào tạo văn nghệ sĩ, nhất là thi sĩ. Thế nhưng nhà văn, nhà thơ cần qua trường lớp ở bậc đại học hoặc tương đương đã từng là một thực tế sáng rỡ, như ở các nước Xã hội chủ nghĩa cũ (với Liên Xô qua Đại học Viết văn Maxim Gorky; Việt Nam qua Trường Viết văn Nguyễn Du, từ năm 1996 đến nay là Khoa Viết văn-Báo chí trường Đại học Văn hóa). Tại các nước phương Tây như Anh, Hoa Kỳ, Canada lâu nay, dường như ở các đại học có khoa học nhân văn thì dễ dàng tìm thấy khoa Viết văn (Creative writing), chưa kể các khóa học không định kỳ không chỉ dành cho sinh viên (Literary fiction workshop).

 

Mấy tuần qua, nhân các sự kiện kỷ niệm "tứ thập (nhi bất hoặc)" cho một địa chỉ đẹp mà đa đoan của lịch sử nhà văn Việt Nam đương đại, đó là Trường Viết văn Nguyễn Du - Khoa Viết văn-Báo chí (1979-2019), thêm một lần nữa nan đề "Nhà văn có cần đào tạo hay không?" được khơi dậy. Mà bổ ích và thú vị nhất, với tôi, là chuỗi bài nửa thực nửa hư trên Facebook của nhà văn, PGS-TS Văn Giá, nguyên Trưởng khoa này thời 2007-2018.

Cập nhật câu thơ Tản Đà vô ngần thâm thúy "Dân gần 100 triệu ai người lớn/ Nước 4000 năm vẫn trẻ con", tôi ngờ rằng, riêng trong vụ coi sáng tạo văn nghệ là cảm hứng, thi ca là cảm xúc thì không ít trong số ngót trăm triệu dân ta vẫn còn bị "bất hoặc".

 

Cảm ơn nhà báo cho tôi nhớ về một kỉ niệm đẹp và dang dở: Mươi năm trước về Việt Nam, có dịp được 2 bạn thơ Chu Văn Sơn và Văn Giá khao bữa nhậu đằm thắm trong một nhà hàng rất chân quê ven Hà Thành. Trước khi đến, đã nhủ dù lu bù vui chuyện cũng không được quên 2 việc văn. Việc đầu đã hoàn thành: tặng 2 bạn mới cái tập photocopy tuyển 8 trường ca của mình. Còn việc sau thì mãi tới hôm nay mới dám say sưa... cùng bạn đọc: Đó là lạm bàn chuyện rằng, nên nhân rộng Khoa Viết văn-Báo chí ra khắp 3 miền, ví như ở Huế và TP. HCM. Dang dở là bởi sau men rượu làng Vân ngà say tôi mới tỉnh ra, tự vấn: "Này ĐQ, mi là cái đinh gì lại dám đóng vào bàn đại sự văn chương nước nhà với các VIP này?"

 

Hải Hà: Ông là một người rất ủng hộ cho trường phái thơ Hậu hiện đại. Theo ông nó có thể trở thành một trào lưu thơ Việt trong tương lai?

 

Đỗ Quyên: Hậu hiện đại vốn là chuyện dễ gây tranh cãi, không chỉ trên thế giới từ lâu mà cả ở Việt Nam chừng 15 năm qua. Tôi chưa rành rẽ vấn đề và đủ công tâm để bàn luận chu đáo trong một phỏng vấn chứa đủ thứ chuyện này. Nếu bổn báo thấy được, ta hẹn bữa khác khi rủ các tay chơi Hậu hiện đại và cả các tay không chơi Hậu hiện đại cùng đấu cho vui vẻ và công bình.

 

Tạm vài điều:

Một “hỏa tiễn” khác cũng ở Mỹ về Hậu hiện đại trong thơ trên cả 3 mảng sáng tác, dịch thuật và biên khảo là Ngu Yên, vừa có bài trên mạng Da Màu với câu “Khó mà phân định chính xác ranh giới thời điểm giữa thời kỳ Hiện đại và thời kỳ Hậu hiện đại. Ngay cả chủ nghĩa Hiện đại chấm dứt lúc nào, chủ nghĩa Hậu hiện đại bắt đầu từ bao giờ, cũng không có câu trả lời đồng thuận giữa các chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn học Tây phương.”

 

Theo tôi thấy, từ cuối thập niên 1990 tới đầu thập niên 2000 một lối viết khác lạ để tạm có thể gọi là Hậu hiện đại, nhất là trong thơ, đã trở thành hướng sáng tác mới của văn chương Việt ngoài nước và rất nhanh sau đó là ở Việt Nam. Trong vụ này, phải nói là các nhà thơ gốc Việt ở Mỹ, Anh (như Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường…) cùng các dịch giả, nhà phê bình gốc Việt ở Úc (Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn...) đã đi đầu. Dần dần tới một “trào lưu" Hậu hiện đại trong văn học tiếng Việt nói chung, trong thơ nói riêng, có lẽ khoảng các năm 2006-2010 mà mạnh hơn cả là ở Sài Gòn. Nói chặt chẽ, với một số tác phẩm, tác giả nổi tiếng ở Việt Nam trước đó, tức là sau thời Đổi mới - mà gần đây đã trở thành mẫu mực cho các phê bình, lí luận về đề tài này trong toàn bộ bức tranh văn học Việt Nam đương đại - thì ở các tác phẩm, tác giả ấy thường chỉ có những biểu hiện, dấu ấn Hậu hiện đại thông qua các thủ pháp nghệ thuật, cấu trúc, ngôn ngữ... mà không/chưa có yếu tố tiên quyết của lối viết này, đó là tâm thức Hậu hiện đại. Thiếu tâm thức ấy viết kiểu gì thì rồi cũng còn vương vấn với đại tự sự; mà văn chương Hậu hiện đại là cái thứ - hay dở thế nào không biết - luôn luôn khước từ đại tự sự; nôm na là "nói Không với Chân lý".

 

Bản thân tôi cũng vô thức nhập cuộc lúc nào không hay, qua các trường ca và thơ dài là Thơ Thời Gian (2005), Phóng tác từ tiểu thuyết (2007), Trường ca Thơ Sao (2009), Trường Ca Song Sinh (2010); và nối tiếp qua 2 cuốn tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung (2016) và Đẻ Sách (2018).

 

Để hiểu văn chương Hậu hiện đại đã trở thành một thực thể rất bình thường ở chính tại Việt Nam bất chấp các đặc tính bất bình thường của nó, tôi có 3 ví dụ còn nóng:

 

Một: Với tập đại trường ca Phồn Sinh (2018) của Nguyễn Linh Khiếu, trong nhiều tháng qua trên báo chí ở trong nước, từ báo giấy Nhân Dân cho đến trang mạng của Trần Nhương, đã công bố gần 2 tá bài phê bình, nhận định chủ yếu là khen ngợi, cổ súy. Là kẻ trong cuộc cả ở trường ca lẫn Hậu hiện đại, nhiều năm trước tôi lưu tâm ngay tác phẩm kỳ khôi ấy khi được tác giả cho đọc bản thảo. Ở Phồn Sinh, tâm thức Hậu hiện đại phủ sóng toàn bộ 710 trang thơ in khổ 16x24, 150 chương sách, hơn 130 ngàn chữ và 13 ngàn dòng thơ.

 

Hai: Bài tiểu luận của Đào Cư Phú (“Sự pha tạp sắc màu ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hậu hiện đại” trên trang mạng Văn Nghệ Quân Đội giữa tháng 11 này) đã được minh họa qua các tác phẩm quen thuộc của nhiều cây bút nổi tiếng trong và ngoài nước là Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Nguyễn Việt Hà và Đặng Thân.

 

Ba: Một thi sĩ khá có tên tuổi làm thơ Hậu hiện đại rất ngầu với vài tác phẩm khá nổi tiếng bên cạnh chút tai tiếng, đầu tháng này còm trên FB, theo tôi hiểu là nghiêm chỉnh dù diễn ngôn theo kiểu “chợ Phây”: “Nghiên cứu về thơ Hậu hiện đại ở Việt Nam rất tiếc là chưa có công trình nào nghiêm túc đáng tin cậy và thực sự khoa học (...)! Đây đó manh mún, khoác lác, viết sai sự thật, bè phái, cánh hẩu và tuyệt nhiên không có một kiến thức gì hiểu biết về Hậu hiện đại!”; “Có những ông đi đâu cũng vỗ ngực 'Tân hậu hình thức hiện đại' mà thực ra không hiểu gì về nó cả! Lại viết bậy bạ tung hô chính mình và đám cánh hẩu nữa! Tội nghiệp!” Chủ nhân của trích dẫn trên còn là phê bình gia với sách phê bình thơ Việt Nam hậu chiến sắp ra mắt với cả ngàn trang.

 

Phải kể đến một anh lưu tâm "sôi sùng sục" đến ba cái vụ Hậu hiện đại ở xứ ta - đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu-phê bình Inrasara, hôm rồi cũng thấy giương lên Phây của ảnh cái câu viết từ năm 2009 lận: "Nhà văn Hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào cuộc sống nông thôn lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ hoặc sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà ngay tại làng mình sống để giúp chính quyền địa phương giải quyết tệ nạn xã hội. Mà không vấn đề gì cả!" Hẳn là chàng thi sĩ gốc Chăm nhớ lại 3 năm trước từng biến cái Bàn Tròn Văn Chương (từng khá đình đám!) của mình thành Cà Phê Thứ Bảy Văn Học ở Sài Gòn mang chủ đề "Thế nào là Nhà văn Hậu hiện đại & Thái độ Hậu hiện đại?” với số người tham dự cũng được ngót 30-40.

 

Hải Hà: Ông có mong ước gì cho văn học Việt Nam?

 

Đỗ Quyên: Nhớn chuyện rồi! Theo dõi văn tình dễ thấy các quan tâm tương tự thường tụ lại ở: Bao giờ nước Nam dân Việt mình ẵm giải Nobel văn chương nhẩy? Cớ gì văn học ta chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm thời đại? Mần răng để quảng bá văn học Việt Nam ra ngoại quốc? Vân vân và vân vi… Thật lòng, tôi cũng vân vi không dưới ba lần. Thậm chí - cho mở lòng nhé - còn tự cho phép mình có bổn phận với các câu hỏi trên...

Nhưng lúc này, bị hỏi trực tiếp, tôi vụt trở về con người thực tế. Khi chưa với được quả táo trên cành cao thì chú cào cào bò dưới đất cũng là của giời cho: Tôi thực sự mong sao các sáng tác bằng tiếng Việt ở khắp nơi hãy tạo nên một dòng văn học đàng hoàng và tử tế, trước hết là trong chính lãnh địa của mình, sau làm cho cái tử tế đó, cái đàng hoàng ấy trở thành của tất cả.

 

Hải Hà: Xin cho biết dự định mới về văn chương trong thời gian tới của mình?

 

Đỗ Quyên: Cho phép được “giữ Bem” các dự án văn học. Câu răn của các cụ “nói trước, viết không qua” sao mà trúng với kẻ cầm bút này! Tuy nhiên cũng có thể nói, người viết ở tuổi tôi chỉ cần lấy cần cù bù tài năng thì bản thảo sẽ đầy nhóc. Với 2 cuốn tiểu thuyết nêu trên, cuốn đầu mất 5-6 năm soạn tư liệu, 2 năm viết; cuốn sau 6-7 năm tư liệu, 10 năm viết, nhưng đến nay mỗi ngày 2 kho tư liệu cũ “Trung-Việt Việt-Trung - tập 2” và “Đẻ Sách - các tập sauvẫn như nhiên đầy thêm. Sẽ chẳng có tập 2, tập sau nào sất, nhưng không nhẽ lại liệng đi của giời cho? Rồi các trường ca, thơ lẻ nằm im cóc cụ trong những tập bản thảo mốc. Lâu lâu cóc được mở miệng bằng các cú lật nhanh ngó lẹ, ê đít cho vơi buồn tình. Mà cũng chẳng thể in. Rồi mớ ba mớ bảy các thứ phê bình, tiểu luận, phỏng vấn, tản bút nhằm lúc ở không cũng bị lôi ra ớp đết, bổn cũ soạn lại. Mà cũng chẳng thể in.  

Chốt lại: Trong sáng tác văn chương, các bản thảo đã làm nên thực trạng của nhà văn.

 

Hải Hà: Rất cám ơn nhà thơ Đỗ Quyên đã dành thời gian chuyện trò. Chúc nhà thơ sức khỏe, nhiều ý tưởng sáng tạo và hẹn gặp lại ông...  

 

 

HẢI HÀ thực hiện - cuối tháng 11/2019

[Sửa chữa nhỏ 2/2/2020;

Phiên bản rút gọn của bài đã in lần đầu trên tạp chí "Văn Nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu" số 161 (12/2019)]

 

 

Chú thích:

 

- Đỗ Quyên: “Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua

https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13199

 

- Đỗ Quyên & Phan Thắng: “Toàn cầu hóa là một định mệnh khả ái”

http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/khach-moi-cua-tap-chi45/toan-cau-hoa-la-mot-dinh-menh-kha-ai

 

*

 

 

 

 

 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 1589
Ngày đăng: 06.02.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện Lục Vân Tiên với tranh minh họa đã bị lãng quên 120 năm tại Pháp - Vương Kiều
Đặng Thơ Thơ, không có biên độ giữa thực và hư - Đặng Phú Phong
Phỏng vấn về Nguyễn Viện - Bùi Hoằng Vị
Phút giây nhìn lại… - Nguyễn Hòa vcv
TRÒ CHUYỆN VỚI "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille" - Trần Trung Sáng
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Đặng Phú Phong
Nói chuyện với suối hoa và khoảnh khắc trong thiên nhiên(*) - Đinh Cường
Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật - Nhật Chiêu
Sự Đau Khổ Của Những Người Vô Tội - Nguyễn Hồng Nhung
ÁNH SÁNG TRÁI TIM VÀ NHAN SẮC CỦA GIỌT LỆ TRÊN MI NGƯỜI THIẾU NỮ - Nguyễn Hàng Tình
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)