Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.208.150
 
Lan man chuyện tết
Hoàng Xuân

 

Phần một. Chuyện lì xì

 

Tết đã đi qua, mọi hoạt động trở lại bình thường, nhưng với bao người, tết vẫn luôn in đậm trong kí ức. Với tôi, tết để lại rất nhiều kí ức buồn vui. Sáng nay lên lớp, sau khi trò chuyện với các em về tết, tôi hỏi "vì sao các em lại thích tết". Đa số các em đều đồng thanh trả lời "vì được lì xì". Tôi hỏi thêm "thế các em còn thích gì nữa không?". Một số em lại trả lời "thích được nghỉ học để đi chơi". Tôi lại hỏi "các em thích được lì xì bằng gì", nhiều em lại đồng thanh "tiền". Âu đó cũng là chuyện thường tình của cuộc sống thời nay.

Trong câu chuyện với các em, tôi lại sực nhớ đến tuổi thơ của mình. Ngày ấy, ở cái tuổi như các em, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến hai chữ "lì xì" mà chỉ biết đến hai từ "mừng tuổi". Mừng tuổi, với tuổi thơ của chúng tôi thật ý nghĩa, thật xao xuyến bâng khuâng khi được mừng bằng cái kẹo, cái bánh gai, bánh ít. Sau một buổi chơi tết, thường thì túi áo đầy no nê bánh, kẹo. Nhưng có lẽ cái thích tết của tôi ngày trước khác gần như hoàn toàn với thời nay, đó là được mặc quần áo mới. Cứ mỗi dịp chợ phiên 26 tết, mẹ tôi lại dắt tôi ra chợ, rồi cho tôi được lựa chọn 1 bộ quần áo (chỉ 1 bộ thôi nhé), hồi ấy tôi thường thích đi chợ xa, xa vừa thì chợ Ốông, xa hơn nữa là chợ Đồng Lê. Chợ Đồng Lê cách nhà tới những 8 cây số, đi bộ nhưng vẫn rất thích. Mẹ thì gồng gánh thêm khi thì mớ rau, mớ gạo, khi thì quả cam, buồng chuối, khi là giá đỗ, còn tôi lẽo đẽo theo sau bắt chuyện. Đường xa, gối mỏi, nhưng phải gồng gánh để bán rồi mới có tiền để mua áo quần. Tuổi thơ với chợ tết như thế, với tôi cũng có đến hàng chục tết. Thích nhất là được mặc áo quần, vì mỗi năm chỉ có dịp tết mới được diện áo quần mới. Ấy vậy mà, ngay ngày mùng một tết, chúng tôi đã hẹn hò nhau đi chơi người thân, hàng xóm. Cái mới để khoe với mọi người đầu tiên cũng là có áo quần mới, nhưng thú thực lúc bấy giờ không phải đứa trẻ nào cũng có để khoe...

Sau khoe sẽ được bà con, chòm xóm mừng tuổi. Mỗi cái bánh, cái kẹo là một niềm vui, một niềm phấn khởi, vui vì được đi chơi và vì được ăn. Mỗi cái tết qua đi, kí ức tuổi thơ lại ùa về. Mỗi câu chuyện nhỏ như một miền kí ức, cứ miên man, cứ rộn ràng.

 

Phần hai. Chuyện đi nhặt pháo

 

Giao thừa Canh Tý năm nay, tôi cứ tưởng hình ảnh những màn pháo hoa tự phát đã hết. Ai ngờ, vẫn kéo những hồi dài "long trời lở đất" tiếng pháo, mặc dù chính quyền đã quyết định đốt pháo để chào mừng năm mới ở thời khắc giao thừa. Và, có ít nhất 25 người đã bị xử phạt nguội trên toàn địa bàn tx. Âu đó cũng là chuyện bình thường, khi mà một số người dân đã mua pháo nghe nói từ những ngày đầu năm.

 

Trong câu chuyện nham nhở của pháo hoa nổ mù trời ấy, tôi lại nhớ đến ngày xưa của đời con nít mình. Đó là, trong một thời gian khá dài, các công ty sản xuất pháo trong nước thì ra sức sản xuất, người dân thì dành tiền để mua và đốt. Lúc bấy giờ pháo Bình Đà được coi là loại pháo đắt tiền nhất, nổ to nhất và kéo dài nhất. Ấy vậy cho nên, nhà nào được coi là giàu thì đến thời điểm giao thừa và sáng mùng 1 tết sẽ biết ngay. Pháo thường nổ vào dịp giao thừa, nhà giàu thì nổ 2 đến 3 thậm chí là 4 phong, nhà ít có điều kiện thì nổ loại pháo nhỏ, cứ nghe tiếng lẹt đẹt. Những dịp nổ nhiều nhất là đêm giao thừa, các sáng mùng 1,2,3, còn lại chỉ ai mua nhiều thì mới nổ, còn ko thì thôi.

 

Nhà tôi thuộc dạng nghèo, gần như chẳng có tết nào mua được pháo để đốt, dù tuổi con nít vẫn rất thích tiếng pháo nổ. Vậy là chúng tôi, những người có chung "số phận", hẹn nhau ngoài đi chơi tết thì căn đúng thời gian, đúng địa điểm để đi nhặt pháo. Trong mỗi phong pháo nổ thường làm theo từng dây, do đó khi đốt sẽ có một số viên pháo do bị giật mạnh nên rơi ra mà chưa kịp nổ. Đó là loại pháo tạo cơ hội cho chúng tôi đi nhặt. Ai nhặt được cái nào là tự giữ lấy để đưa về nhà mình châm lửa đốt. Từng đoàn con nít, có khi 5 hoặc 7 đứa, cứ phong pháo họ đốt xong là nhảy vào nhặt. Rất thích, rất vui nhưng cũng ẩn chứa thật nhiều nguy hiểm. Bởi rằng, vì dành nhau từng xác pháo mà có đứa cầm phải viên chưa kịp nổ, còn cháy chậm. Khi cầm lên, có đứa bị nổ ngay trên tay, thậm chí toe cả ngón tay, thật khủng khiếp. Có đứa cùng dành nhau 1 quả pháo mà dẫn đến đấm nhau tơi bời... Đúng là chuyện con nít. Dù nguy hiểm, nhưng đứa nào cũng rất thích nhặt pháo. Tuổi thơ đi nhặt pháo cứ thế lớn lên.

Và rồi, năm 1995 Chính phủ chính thức ban hành Nghị định cấm đốt pháo trên toàn quốc bởi nhiều lý do, đặc biệt lý do về kinh tế và sự nguy hiểm khi sử dụng pháo nổ. Việc cấm pháo lúc bấy giờ được đánh giá là một việc làm thiết thực và mang lại ý nghĩa lớn, tuy nhiên một số người lúc ấy vẫn cảm thấy tiếc nuối. Sự thực thì không khí tết năm 1995 lắng xuống thực sự vì không còn tiếng nổ của pháo.

Tuổi thơ của chúng tôi trong mỗi dịp tết đến xuân về là như vậy đó. Mỗi kí ức tràn qua, nghe như bâng khuâng, rạo rực, nghe như tiếng thở của thời gian cứ mơn man trong lồng ngực, trong từng nhịp đập của trái tim.

 

Phần ba. Chuyện đi hái củi tết

 

Trong không khí rộn ràng của những ngày áp tết những năm thập kỉ 80, 90 của thế kỉ XX. Nhiều bản làng chuẩn bị tất cả mọi thứ để đón tết cổ truyền của dân tộc. Rộn ràng. Hứng khởi. Háo hức... Đó là những tâm trạng rất đỗi thân thương của bao người, trong đó có bọn con nít.

Hình ảnh khói lam chiều ở nơi miền quê sơn thuỷ thật hữu tình. Ngày ấy, nhà nào ở quê tôi cũng chăn nuôi bò, ngoài bò bán lấy thịt, còn nuôi bò để cày, kéo. Chúng tôi, sau mỗi buổi học về, buổi chiều thường đi chăn bò, hái củi. Những ngày áp tết là những ngày bận rộn nhất. Chúng tôi thả bò trên các vùng đồi có nhiều cỏ, và hẹn nhau lên rừng hái củi. Củi thường bó thành từng bó rồi làm thành gánh để khiêng hoặc vác, hoặc nếu củi tươi thì chẻ nhỏ rồi phơi nắng cho khô trước khi đưa về nhà. Đứa nào khỏe thì gánh những gánh to, yếu thì gánh nhỏ. Một số đứa khỏe hơn, có kinh nghiệm rừng rú hơn thì kiếm các khúc củi to rồi đục lỗ một đầu lớn, buộc dây, quàng vào cổ cho bò kéo về. Đứa nào cũng háo hức, đứa nào cũng cố sức để làm, cái vui, cái thích và sự háo hức tết lấn át cả những mệt nhọc. Củi thường hái là loại củi chắc, không xốp như củi lẻ ngạnh, củi ran, củi táu... để mang về phục vụ những ngày tết. Vừa để nấu bánh chưng, bánh tét, bánh gai, nấu nướng thường ngày. Củi chắc thì sẽ cháy được lâu, cháy khỏe, đỡ tốn công ngồi hóng.

 

Hái củi tết cũng lắm công đoạn. Đầu tiên là hái củi khô, sau đó đến củi tươi. Củi được kiếm từ trên núi, bỏ thành từng đống. Có khi do không nhớ nên lấy lộn của nhau, vì thế mà có khi dẫn đến cải vả nhau chí chóe. Ấy vậy mà có đứa mất củi, nghi ngờ nhau, giận nhau cả ngày, thậm chí ngày này qua ngày khác. Xong công đoạn hái, đến gom củi. Gom thành đống rồi đâm xuống núi, đâm từng đoạn cho đến khi nào xuống chân núi, nơi có đàn bò gặm cỏ mới thôi. Tại chân núi mới bắt đầu chẻ, bó hoặc phơi khô rồi đưa về. Chính vì nhiều công đoạn như thế, nên có khi đưa củi về tới nhà trời đã nhá nhem tối, thậm chí là 19, 20 giờ đêm. Tiêu chí đưa ra là, mỗi đứa phải hái cho được 15 bó, mục tiêu đun nấu đến tận tháng ba. Vì sang đầu năm mới sẽ không hái nữa vì thời gian này không được động vào rừng rú.

Tuổi thơ với bò, với củi cứ như thế lớn lên. Năm này qua năm khác, mùa tết này qua mùa tết khác. Mỗi khi thấm mệt, bọn con nít chúng tôi lại nhóm lửa, trộm sắn để nướng ăn. Những bếp lửa nướng sắn có khi kéo dài đến tận chiều 30 tết. Bây giờ, với việc chăn bò, hái củi tết đã thành kí ức. Kí ức của một thời trẻ trâu, ngây ngô và bình dị.

 

Phần bốn. Chuyện mổ lợn chiều 30 tết

 

Tất bật chuẩn bị, tất bật mua sắm, tất bật hái củi.... Đến chiều 30 ngày cuối cùng của năm, là lúc vang lên khắp xóm làng tiếng lợn kêu eng éc. Tiếng lợn như báo hiệu, như thôi thúc tết về. Gần như trong mỗi nhà, mỗi người đã sẵn sàng, sẵn sàng cho một năm mới.

Làm lợn để ăn tết cũng thật công phu. Các gia đình cùng chung nhau, thường thì ưu tiên cho các gia đình anh em thân thuộc trước. Cứ từ 5 đến 7 nhà chung nhau một con lợn. Con lợn chung đó thường lợn đực, được ưu tiên nuôi từ giữa năm, thức ăn chủ yếu là cám và chuối. Mỗi con lợn khi mổ khoảng 60 đến 70 cân lợn hơi, mổ xong chia đều thành các phần có đủ đầu đuôi thủ vị như nhau. Chia nhau mỗi người một việc, đàn ông người thì nấu nước, người kiếm củi, người cạo lông. Phụ nữ thì chuẩn bị rau củ để làm lòng, chuẩn bị rổ rá để chia phần.vNhững người tham gia làm là những đàn ông khỏe, có kinh nghiệm làm thịt, ra thịt và chia thịt. Thịt chia xong, để cho công bằng thì sẽ bắt thăm, ai trúng thăm nào thì lấy phần thịt ấy. Chia và nhận xong, tất cả các gia đình ngồi lại cùng nhau thưởng thức bộ lòng (thường thì khi chia để lại khoảng 1/2 bộ lòng). Vừa ăn vừa nhâm nha vài ly rượu cuối năm. Bọn con nít chúng tôi thì tha hồ ăn, đặc biệt bộ nhồi thường làm rất ngon, ngoài các thứ khác, họ thường làm nhồi lợn bằng lá mơ rừng (người dân quê tôi gọi là lá thúi địt). Vừa ăn, vừa hàn huyên chuyện cuối năm làm râm ran cả xóm làng.

Ánh nắng cuối ngày vụt tắt, cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị lên đèn (lúc bấy giờ chưa có điện), nhà nào về nhà ấy và mang theo cả yến thịt lợn. Hồ hởi. Phấn khởi... Tất cả chuẩn bị cho một cái tết an vui, hạnh phúc. Trẻ con chúng tôi lại càng háo hức hơn vì tết đến mới có cơ hội được ăn những miếng thịt lợn ngon, bù cho cả năm thèm mà chẳng có để ăn. Và hình ảnh mổ lợn chiều 30 tết cứ thế theo hết cả tuổi thơ tôi. Bây giờ hình ảnh này không phổ biến, không như ngày ấy, song mỗi lần chung thịt lợn tết là một lần tôi được sức tìm về miền kí ức xưa.

 

Phần năm. Chuyện đi cắt cỏ cho bò

 

Ngày tết, tất bật ngoài những thứ phục vụ cho con người, còn rất cần đến những thứ phục vụ cho vật nuôi. Ngày ấy, quê tôi là vùng nông thôn với nhiều ruộng vườn, đồi núi, cho nên gần như nhà nào cũng chăn nuôi trâu, bò.

Đa số là nuôi bò, với mục đích để bán lấy thịt, nuôi bò mẹ đẻ để bán bò giống và nhà ai cũng nuôi thêm một con thật to lớn, gọi là "đực cày". Nhà nào có điều kiện thì nuôi 5, 7 con, không có điều kiện (như không có người chăn, hoàn cảnh khó khăn...) thì nuôi 1,2 con, trong đó phải có một con chuyên cho việc cày, kéo. Tuổi thơ tôi nhiều năm gắn bó với công việc chự bò (chăn bò). Bò nuôi đa số theo hình thức chăn thả. Thường thì sáng sớm tinh mơ, trước khi đến lớp đã hẹn hò nhau đưa bò vào rú (rừng) hoặc ngoài đồng ruộng, nếu như sau vụ mùa để buộc vào cần mà người dân quê tôi gọi là dàng cần. Buổi chiều, chúng tôi thả chúng ra cho đi ăn cỏ tự do, và gọi là đi chăn bò tránh trường hợp ăn ngô, khoai, lúa, sắn... của người khác.

Bình thường thì chăn thả như thế, còn đến lúc có 3 ngày tết thì bọn trẻ chúng tôi được tạm nghỉ chăn, để ở nhà đi chơi tết. Và để được nghỉ đi chơi tết, chúng tôi phải chuẩn bị đủ cơ số cỏ cho nó. Lúc bấy giờ thức ăn cho chăn nuôi đa số đều được lấy từ tự nhiên, như cỏ, lau lách, trụ bìm bìm... Để có được các thức ăn này, bọn trẻ phải tìm kiếm nhiều nơi, khi thì trên các cánh đồng ruộng lúa, ruộng khoai, sắn, khi thì phải lên rừng, trèo đèo, lội suối...

Cỏ cũng phải chọn loại tươi, ngon. Xem ra để có được vài bì cỏ cho bò ăn dịp tết cũng thật lắm công phu. Đầu tiên là bít cỏ ở các bờ ruộng, loại cỏ này thường xanh, non. Tuy nhiên hiếm, vì ai cũng đua nhau đi bít. Nếu không cẩn thận, hoặc muốn được nhiều thì bít nhanh nên có đứa bị liềm cắt phải ngón tay, thế là bị thương trong những ngày tết, ngón tay phải bó lại bằng vải. Hết cỏ ở ruộng rồi lại leo trèo lên núi bít lau lách. Lau lách mà không cẩn thận thì bàn tay cũng bị cắt như chơi. Ngoài lau lách, bọn trẻ lại tìm đến các loại lá trên cây, quê tôi gọi là đi bít trụ. Ai tìm được trụ bìm bìm là loại bò thích ăn nhất. Trụ bìm bìm có ở rú và cũng có ở lèn (núi đá vôi). Hết công đoạn tìm kiếm ở tự nhiên là đến tìm cây chuối. Chuối cũng là món ăn rất thích của trâu, bò. Và cuối cùng là rơm rạ, một loài thức ăn mà vốn xưa nay luôn được người dân chú ý dự trữ nhất.

Những ngày áp tết thật hối hả. Và rồi mọi chuyện cũng sẽ đến. Trong 3 ngày tết, trâu bò không cho đi buộc ngoài đồng mà đều để ở trong chuồng và cho ăn các loại cỏ đã được chuẩn bị sẵn. Như vậy, trâu bò lúc này cũng được ăn tết. Tuổi trẻ với chăn trâu, cắt cỏ của bọn con nít chúng tôi là như thế đấy. Bây giờ còn đâu?

Dịp tết Canh Tý 2020


Hoàng Xuân
Số lần đọc: 1601
Ngày đăng: 09.02.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trắng xóa màu đêm - Hồ Đình Nghiêm
Tí ta tí tách - Nguyễn Thị Kim Lan
Cá không ăn muối - Hồ Đình Nghiêm
Hư ảnh - Hồ Đình Nghiêm
Nỗi lười biếng ngọt ngào đêm giao thừa - Phạm Nga
Thành phố không nằm trong trí nhớ - Hoàng Nga
Mặt chuột - Hồ Đình Nghiêm
Nhà trên đồi - Hoàng Nga
Kiếp trước - Nguyễn Thị Kim Lan
Cho mẹ nghe mùi tết - Bùi Thanh Xuân
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)