Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.120
123.228.854
 
Về làng sình để yêu tranh làng sình hơn!
Trang Thùy

 

 

     "Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá. Đò về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình. Lờ đờ bóng ngã trăng chênh. Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non”.

     Lần theo câu ca dao xưa chúng tôi về thăm làng Sình vào một chiều cuối đông nắng vàng ươm mật. Men theo đường Nguyễn Sinh Cung chúng tôi rẽ về con đường vào làng thẳng hướng xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, thong dong chúng tôi vừa đi vừa ngắm những vườn hoa cúc đang chờ đón Tết còn xanh màu hứa hẹn.

     Cầu Mậu Tài hiện ra để chúng tôi bồi hồi nhắc thầm nhau câu hò ru em ngày xưa: "...Chợ Dinh bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim...” Làng Sình đây rồi! Sở dĩ có tên gọi ngã ba Sình vì đây là nơi hợp lưu giữa hai nhánh sông: sông Hương và sông Bồ, trước khi xuôi về Phá Tam Giang đổ ra biển.

      Khi đến vùng quê này, chúng tôi mới biết vì sao nơi đây quanh năm hoa thơm quả ngọt cây cối tốt tươi đến thế. Thiên nhiên thật ưu ái cho làng Sình với mảnh đất phù sa đắp bồi màu mỡ nên xóm làng trù phú dọc hai bên bờ sông, phong cảnh yên ả hữu tình.

     Đến với làng Sình, bạn không những được chiêm ngưỡng cảnh sắc bến nước, con đò với những người dân hiền lành bình dị mà còn để cảm nhận về một vùng đất với những làng nghề truyền thống như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, cùng những hoạt động đậm chất văn hoá dân gian như đấu vật, đua ghe...

 

     Đặc biệt, tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất của xứ Huế với những nét độc đáo, in đậm cái hồn dân dã, thanh cao mà mộc mạc rất riêng bên cạnh những dòng tranh cùng thời như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống của xứ Kinh Bắc. Hôm nay chúng tôi ghé thăm bác Kỳ Hữu Phước - một nghệ nhân trong số rất hiếm hoi còn giữ lại ngọn lửa đam mê nghề tranh gia truyền làng Sình.

    Rót chén nước chè xanh ngắt mời tôi, bác chậm rãi giới thiệu ý nghĩa từng bức tranh, cách để làm nên một bức tranh dân gian làng Sình... Những bức tranh mộc mạc, đặc tả những sinh hoạt rất đời thường bình dị, gợi cho ta cả một vùng nông thôn Việt Nam thuở ấy. Những bức tranh mô tả những trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, bịt mắt bắt dê, những bức tranh bát âm của nhã nhạc cung đình, những bức tranh mô tả cánh đồng vào mùa vụ, nông dân cày cấy, gặt lúa, rồi những bức tranh mẹ chăm sóc con, quạt, âu yếm ru con ngủ... Tất cả cho tôi một cảm giác thật yên bình, thật tự hào về quê hương xứ sở.

 

     Tôi vụng về và thích thú khi được bác bày cho cách tự làm một bức tranh theo con giáp của mình, cảm giác được tự tay mình tạo ra một sản phẩm thật thú vị biết bao. Nhưng sao tôi bỗng cảm thấy có một chút gì đó chạnh lòng, theo dòng phát triển của đất nước, dường như tranh làng Sình cũng dần dần không còn phù hợp lắm với những sản phẩm hiện đại, tân tiến nên tranh làng Sình đã dần mai một đi nhiều. Người đến với tranh làng Sình giờ đây không còn nườm nượp mua về để treo chơi như trước nữa, nhưng tôi hiểu vẫn còn một lớp người vẫn luôn yêu và gắn bó cùng tranh làng Sình, những người này đến với làng nghề như một sự trân trọng, muốn tìm những hồn cốt trong sáng nhẹ nhàng qua từng ý nghĩa của bức tranh, cũng như muốn tìm về những hồi ức tươi đẹp một thời gắn bó.

 

      Rồi niềm vui chợt hân hoan đến với tôi khi bác Phước tâm sự bây giờ đã có rất nhiều những thế hệ măng non, những em học sinh và sinh viên đã biết tìm đến thưởng thức tranh làng Sình bằng niềm say mê thực sự, rất nhiều em như tôi rất muốn tự tay mình tạo ra những bức tranh mang nét độc đáo riêng biệt và đem về làm kỉ niệm. Người bạn đi cùng tôi đã trao đổi với bác Phước về vấn đề tranh làng Sình từ bao đời đã đưa 12 con Giáp vào tranh mộc bản thì nên chăng ta cũng đưa những con Giáp của người Tây phương vào tranh làng Sình, từ đó sẽ có cơ hội để tranh làng Sình tạo nên sự gần gũi, vươn mình hoà chung sự hội nhập và phát triển cùng thế giới. Tôi nghĩ đó cũng là một lời góp ý thật sâu rộng và hữu ích cho tranh làng Sình.

 

     Giã biệt những bức tranh mộc mạc, giã biệt những người dân làng Sình với những tâm hồn hiền hậu tôi mang theo một làng quê còn in đậm những nét văn hoá dân gian độc đáo. Xin mượn câu nói của bác Phước làm lời kết cho chuyến thăm làng Sình lần này của tôi: "Đất nước ta còn, xứ Huế còn thì làng Sình và những nét văn hoá như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình sẽ còn lưu truyền mãi đến muôn đời sau!"

     Vâng, tôi cũng tin chắc vậy, "tre tàn thì măng mọc", còn những người như bác Phước, còn những thế hệ tìm về bên tranh làng Sình thì câu hò ru em ấy vẫn mãi mãi đưa ta hữu duyên cùng sông nước, sới vật, hoa giấy và những bức tranh dân gian: "Đò về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình…"!

.
 

**

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 1285
Ngày đăng: 15.02.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tuổi nào em trở thành thiếu nữ? - Vinh Anh
Cơm Hến bên Cồn quen lối tìm nhau… - Trang Thùy
Giai điệu xanh, Quãng lặng màu hồng lạp và người chơi đá - Văn Thành Lê
Hoa Xoan mưa nhẹ nở đầy sân… - Hoàng Thị Thu Thủy
Tôi bán hoa tết - Trang Thùy
Lại ‘dzui’ Xuân. - Đỗ Nhựt Thư
Hương vạn thọ - Lê Ký Thương
Nhà mình - Nguyễn Thanh Huyền
Tản mạn chiều Thu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dấu ấn từ một dòng sông - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)