Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê có cái tên gọi rất dân dã: ”làng Chuồn”. Từ nơi này tôi được nghe lời ru của mẹ, của chị, của bên nhà hàng xóm vọng sang.
Thời ấy đang tuổi thiếu niên tôi chỉ biết cảm nhận giọng bổng trầm, êm ái của người ru, thuộc nằm lòng những câu ca dìu dặt:
Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau nam Phổ mua trầu chợ Dinh…
hay:
Đông Ba Gia Hội hai cầu
Ngó qua Diệu Đế trống lầu gác chuông…
Đến lúc lớn khôn, được tiếp cận văn học nhà trường tôi mới biết lời ru xưa mà tôi từng thích thú mê say nghe là thơ lục bát. Biết thơ lục bát rồi mê thơ lục bát; cố tìm, cố đọc, cố học thuộc lòng thật nhiều câu ca dao đầy ắp chuyện kỳ thú của bốn mùa thiên nhiên, yêu thương lứa đôi, nhân tình thế thái, phong tục, tập quán, hương sắc quê nhà...; Rồi được nghe người cha ngâm thơ Kiều của Nguyễn Du trong những đêm thanh vắng. Khi có em, bắt chước mẹ tôi cũng ru em tôi bằng thơ lục bát, bằng truyện Kiều khi đã thuộc hằng trăm câu; khi nên vợ nên chồng, có con tôi lại tiếp tục ru con với ca dao Việt, với truyện Kiều tha thiết dịu êm.
Những năm học trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, thời ấy nhà nghèo, em đông vừa bán mì, cà-rem, lơ xe vừa đi học được thầy Nguyễn Viết Trác thương tình cho tiền mua sách, tạp chí Bách Khoa, Văn, Trình Bày, Đối Diện… ở nhà sách Tùng Sơn nên thú đọc sách, mê văn chương từ ấy được hình thành; ngày càng gần hơn với lục bát Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng... Nhắc Bùi Giáng không thế quên lục bát viết về Huế "Dạ thưa xứ Huế bây chừ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương".
Năm 1969 khi còn là học sinh Quốc Học tôi đã viết tặng cô nữ sinh Đồng Khánh, Huế 16 bài thơ lục bát khi biết nàng 16 tuổi. Cho đến bây giờ vẫn đọng trong lòng tôi 2 câu thơ trong 16 bài thơ ấy:
Thơ bay trên đỉnh trăng tròn
Tình em mười sáu hãy còn thơ ngây
Bên cạnh 16 bài thơ lục bát, tôi còn viết tặng nàng bài “Ca Dao Mẹ” đăng trên báo Tuổi Hoa cùng trong năm 1969. Đến khi được kết hôn và có con trai đầu lòng, nàng hỏi tôi đặt tên con trai là gì, tôi cười nói với nàng ngày trước anh viết tặng em “Ca Dao Mẹ” mà nay em là Mẹ Ca Dao, vậy tên con là Ca Dao. Không ngờ mái ấm hạnh phúc của tôi đã có những kỷ niệm đẹp, dễ thương về thơ lục bát.
Năm 1972 từ nhà tù Côn Đảo, thơ lục bát đã thành động lực mới giúp tôi tự tin, lạc quan vượt qua những nỗi gian lao, khốn khó, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần. Tập thơ “Lục bát Côn Đảo” được nhà thơ Fred Marchant và nhà thơ Nguyễn Bá Chung (Mỹ) dịch ra tiếng Anh sau này đã hình thành trong chốn lao tù ấy: Lá bàng từng chiếc rơi rơi/ cho ta viết trọn từng lời ca dao…
Những năm 80 khi bắt đầu gắn kết, say mê nghệ thuật ca Huế tôi dần hiểu ra rằng thơ lục bát – cụ thể là ca dao - có thế mạnh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam được chuyển thể thành các làn điệu Lý từ Nam chí Bắc; dân ca Quan Họ, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên cùng nhiều vùng miền khác…
Riêng với dân ca Huế, thơ lục bát có thể trình bày qua hình thức Vè – là một loại diễn xướng dân gian có tính cách kể chuyện. Nghệ sĩ Châu Loan đã rất tài hoa khi trình bày rất thành công bài thơ lục bát “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu từ ngâm thơ sang làn điệu vè quen thuộc của miền Trung; gần đây NSƯT Thu Hằng cũng đã biểu diễn thuần thục bài thơ lục bát “Nữ sinh Đồng Khánh” của nhà thơ Mai Văn Hoan theo điệu nói vè. Qua cách diễn xướng này bài thơ lục bát “Nữ sinh Đồng Khánh” đã có sức lan tỏa lớn trong công chúng yêu thơ. Bên cạnh các điệu lý, như lý Tiểu khúc, lý Mười thương, lý Tử Vi, lý Năm canh, lý Ngựa ô, lý Giao duyên... nói vè, thơ lục bát còn để hát ru con, hò giã gạo, hò chèo thuyền, hò đạp nước, hát chầu văn, hò giả gạo…
Phải chăng đất nước mình nhờ có một kho tàng ca dao phong phú, sinh động mà phần lớn người Việt Nam ai cũng yêu thơ để từ đó thuộc lòng hay sáng tác nhiều bài lục bát ngợi ca phong hoa tuyết nguyệt, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, bình luận thế thái nhân tình, có khi lại khinh khoái hài hước, trào lộng, Nhà thơ Xuân Đài đã rất dí dỏm khi viết về người Huế thích làm thơ:
Huế mình có chợ Đông Ba
Cũng là cái chợ người ra người vào
Huế ta rất đổi tự hào
Đói cơm rách áo xừ nào cũng làm thơ!
Thời gian qua tôi được đọc nhiều bài thơ chỉ vỏn vẹn hai câu như ca dao của nhiều tác giả lạ và quen. Trong cuốn vở học trò viết bằng mực tím, nhà thơ Trần Vàng Sao đã sáng tác nhiều bài lục bát hai câu. Từ đây, tình cờ tôi đọc và thuộc lòng hình ảnh: “Say rồi tôi mới vẽ ông, Thấy hai con mắt trợn trừng ngó tôi”. Làm thơ lục bát hai câu và vẽ chân dung Đạt Ma giờ đã thành niềm vui lớn của nhà thơ Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ, Huế.
Trong bộn bề nhiêu khê phức tạp buồn vui hiện nay tôi nghĩ thơ lục bát vẫn lặng lẽ, bền bỉ ươm nguồn sữa mới ngọt, thơm. Nhịp thơ, vần điệu, câu chữ có y nguyên nhưng nội dung thơ lục bát đã và đang thiên hình vạn trạng, muôn hồng nghìn tía, đủ sắc thanh hương với nhiều biến tấu mới đồng hành cùng cuộc sống qua ngọn bút, phím chữ tài hoa của những tâm hồn điệu nghệ, nòi tình.