Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.455
 
Về xứ nhãn tiêu hồng
Trần Đổ Liêm

Sông Mê Kông mênh mông hùng vĩ, bắt nguồn từ dãy núi Hymalaya phía tây nam Trung Quốc chảy qua một số nước Đông Nam Á rồi đổ ra biển đông qua chín cửa trên lãnh thổ nước ta. Trên đường vận chuyển nước và phù sa ra biển, sông Mê Kông có một nhánh lớn chảy qua tỉnh Tiền Giang. Tại đây nhánh sông này sau hàng trăm năm cần cù bồi đắp đã tạo nên tại địa phận thành phố Mỹ Tho và Bến Tre bốn cù lao để ban tặng cho người dân khu vực. Ngày nay người ta đặt tên cho nó là vùng đất tứ linh, gồm bốn cồn: Long -  Lân -  Quy -  Phụng. Các cù lao mang tên những con vật linh đó có kích thước khác nhau, thời gian hình thành khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là rất giàu có phù sa, xanh tươi bạt ngàn cây lá, ngạt ngào hương thơm hoa trái bốn mùa. Bốn cù lao chụm đầu vào một vùng nước ngọt mênh mông. Nắng chiều vàng lấp lánh, gió đông nhẹ thổi, sóng gợn lăn tăn làm cho người ta có cảm giác đang ngồi thuyền bồng bềnh trôi trên sông Ngân.

 

Trong một buổi chiều thu đậm đà hương sắc phương Nam, tôi cùng bạn bè rời thành phố Mỹ Tho thơ mộng, khoảng hai mươi lăm phút trên một con đò lướt sóng sông Ngân tới thăm một trong bốn cù lao được coi là tứ linh, đó là cù lao Thới Sơn. Vì là cù lao to nhất có hình thù như thế lân chầu nên người ta gọi là cồn Lân. Có thể cồn Lân là một cồn có tuổi đời cao nhất, có diện tích lớn nhất trong bốn cồn. Cồn Lân hiện là một xã thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang và là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất của Tiền Giang và đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đặt chân lên bến đò được xây dựng bằng bê-tông cốt thép (điểm tiếp khách đầu tiên của một trong nhiều điểm tiếp khách của Công ty du lịch Tiền Giang). Trước mắt tôi là một vườn cây trái xanh tươi bát ngát, chim hót líu lo, bướm say ong lượn. Những con đường đá đỏ, đá xanh, lát bê tông ngoằn ngoèo luồn lách trong vườn nhãn, vườn cam tưởng chừng không dứt. Tôi sững sờ khi đứng trước một khu vườn ở đó có cây sầu riêng cổ thụ gốc to cỡ năm sáu người ôm, cao xanh sừng sững chiếm lĩnh một vùng trời; mấy cặp chim trao trảo chao tới chao lui trên ngọn ríu rít vui tai. Người ta bảo rằng tuổi thọ của cây sầu riêng có lẽ cũng chỉ kém tuổi thọ của cồn Lân dăm ba năm mà thôi.

 

Tiếng đàn kìm réo rắt cùng sông Tiền gõ nhịp kéo chúng tôi vòng sang khu nhà chữ đinh gần đó, có sân lát gạch Tàu đỏ au rộng rãi với những bộ bàn tròn ghế đẩu bằng gỗ dùng để cho khách ngồi uống trà mật ong không mất tiền. Nghe ca nhạc tài tử Nam bộ do những nghệ nhân chính gốc con em miệt vườn biểu diễn, hồn tôi bay bổng theo lời ca tiếng hát ngọt ngào chẳng kém nước trà mật ong và kẹo dừa đặc sản ở đây.

Nắng thu rải những bóng nắng vàng lấp lánh trên lối đi làm tôi nghĩ tới câu thơ của một nhà thơ ở địa phương:

Ở đây ong bướm ngất ngây say

Ríu rít chim ca dưới vòm cây

Nhẹ nhàng giọt nắng rơi trên áo

Rải vội trên đường, trên tóc mây…

 

Theo người bạn hiện đang sinh sống tại cồn, chúng tôi xuống đò, bơi luồn lách một vòng qua mấy con rạch hai bên dừa nước và bần de chen nhau mọc đầy vẻ hoang sơ do thiên nhiên tạo dựng. Một cảm giác vừa quen vừa lạ đến say sưa ngây ngất… rồi đổ bộ lên một khu vườn nhãn trĩu quả thơm lừng. Giữa khu vườn đó nổi lên những căn nhà hai tầng mới xây rất mô-đen còn tươi màu sơn nước. Chúng tôi tới thăm gia đình bác Hai laze (cha mẹ của người bạn). Sở dĩ người ta gọi ông là "ông Hai laze" vì thời xưa ông là chủ ghe vận chuyển bia cho hãng bia BGI của Pháp. Ông Hai laze đã xấp xỉ bát tuần nhưng ông vẫn rất mạnh khỏe, có thể tham dự "3 đám nhậu" một ngày mà vẫn tỉnh queo. Trời đất bao la sinh ra con người hào phóng, ngọt nước phù sa nuôi dưỡng nên con người giàu tình cảm dễ mến dễ gần. Trong đoàn chúng tôi có nhiều người quê tận ngoài Bắc, lần đầu tiên tới đất Thới Sơn, lần đầu tiên gặp bác Hai, nhưng chỉ sau câu chào và cái cánh tay cứng cáp của bác Hai quàng lên cổ, hôn lên đầu là chúng tôi đã thành bà con của bác. Chỉ vài phút sau trên bàn tròn ở hàng ba (ngoài hiên) đã có buổi tiệc rượu với trái cây và khô cá biển. Chẳng thể nào tả nổi sự vui vẻ náo nhiệt thân tình chung quanh chiếc bàn tròn với gần  chục người cả nam lẫn nữ. Chiếc ly "xê chừng" cứ quay vòng "cắt hai" "cắt ba" liên tục. Bác Hai laze sau khi uống hai ba lần rượu bác đặt ly xuống bàn và gọi với vào trong nhà: "Bưng mớ nhãn tiêu hồng, Út ơi!". Ít phút sau người con trai út của bác Hai đưa lên một đĩa lớn nhãn đặt chính giữa bàn, mùi thơm ngạt ngào, quả nào quả ấy to bằng ngón chân cái, lớp vỏ căng tròn như mọng nước, ngoài da trắng đục như vỏ trứng gà và có lốm đốm hồng nhạt. Quả thật trong đời tôi và các bạn bè của tôi từ Bắc vào, lần đầu tiên nhìn thấy loại nhãn này, có người còn hỏi "quả gì", vì bên ngoài nó không hề giống quả nhãn ngoài Bắc tí nào. Sau những lời trầm trồ bình luận, mọi người được thưởng thức thứ đặc sản trên đất cồn giữa sông Cửu Long Nam bộ. Quả thật ruột nhãn tiêu hồng cũng đặc biệt ngon, khi ăn nó sướng chẳng thua gì lúc ngắm nó trên bàn, cùi nhãn dày cắn ngập răng, ngọt sắc, thơm và rất giòn khi nhai, hạt chỉ bằng hạt đậu đen, ngón tay ai sau khi bóc nhãn đều bị chất keo của cùi nhãn bám vào dính nham nháp… Gần hết ba phần tư đời người, đi cũng nhiều, thưởng thức cũng lắm sơn hào thủy vị, đặc sản miệt vườn, nhưng chưa bao giờ tôi được nhâm nhi một thứ nhãn đặc biệt như vậy.

 

Ăn đã ngon nhưng được tận mắt nhìn cây thấy lá, hái quả bỏ miệng thì mới thú. Thế là chúng tôi được rời bàn tiệc tràn ra vườn ngay bên hông nhà, bước qua đầu liếp, qua vài miếng cây kê ngang mương đó là những liếp chiều ngang chừng dăm bảy mét chạy dài dọc vườn chừng cả trăm mét. Những cây nhãn xếp hàng lúp xúp cao hơn đầu người chừng một mét, cành lá sum suê xanh biếc và sà xuống những chùm nhãn lúc lỉu quả trắng hồng căng mọng thơm lừng. "Bọn bay ăn thoải mái, muốn lấy về làm quà cũng được" - Bác Hai laze phán như vậy. Chắc các bạn đã tưởng tượng ra cảnh gần chục người xứ Bắc, ở thành phố lần đầu tiên được vào tận vườn nhãn đặc sản mênh mông giữa dòng sông Cửu Long để tự do thưởng thức trực tiếp quả hái từ trên cây thì sự phấn khởi và hạnh phúc sẽ như thế nào!

 

Thưa các bạn nếu mỗi chúng ta, sống trong đất nước hòa bình, tự do đi lại mà chưa một lần rửa mặt bằng nước sông Tiền, chui qua những tán cây lá sum suê mát rượi gió chiều, hái trái nhãn tiêu hồng chín mọng trên cây, thưởng thức hương vị sản phẩm chắt lọc từ phù sa, nước ngọt, nắng gió phương Nam, thì chắc chắn bạn chưa có được niềm hạnh phúc tận cùng của con dân đất Việt.

 

Mỹ Tho 2003 -  2005

Trần Đổ Liêm
Số lần đọc: 2738
Ngày đăng: 14.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi lại CUỘC TRIỂN LÃM tháng 9 & 10/1996. - Dương Ðình Hùng
Dự đám cưới xứ ngòai… - Dương Ðình Hùng
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim
Chuyện bây giờ mới kể - Vĩnh Nguyên
Món ngon nhớ lâu - 4 - Lê Xuân Quang
Người mê vàng-trắng và triết lý Kinh Dịch - Nguyễn Hoàn
Nỗi niềm sông nước - Trần Đổ Liêm