Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.577
 
Báo động một tuyến đường huyết mạch
Trần Đổ Liêm

Từ Mỹ Tho xuôi dòng sông Tiền chừng chín kilômét tới một ngã ba sông mênh mông sóng vỗ, nếu bạn cho tàu rẽ trái thì có nghĩa là bạn đã đi vào cửa Vàm Kỳ Hôn, một địa danh nổi tiếng của vùng sông nước Nam bộ mà bất kể ai làm nghề vận tải thủy ở đây đều không thể không biết tới. Qua Vàm Kỳ Hôn bạn sẽ vào kênh Chợ Gạo -  đúng ra là sông Chợ Gạo. Tại sao lại có người gọi là kinh (hoặc kênh), có người gọi là sông? Bởi thực ra con đường giao thông thủy nối liền hai hệ thống sông lớn ở đồng bằng Nam bộ là hệ thống sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ, là một tuyến đường vừa nhân tạo vừa thiên tạo. Trong khi thuật ngữ dùng để chỉ những tuyến đường thủy nội địa thiên tạo là sông thì những đoạn đường nhân tạo được gọi là kinh (hay kênh), bởi vậy cho nên mới có việc gọi sông, kinh Chợ Gạo là như vậy. Trong ký này tác giả chỉ dùng một thuật ngữ "kinh" vì theo tác giả thì trên tuyến này số kilômét kinh nhiều hơn số kilômét sông.

 

Kinh Chợ Gạo gần như nằm trọn trên địa giới tỉnh Tiền Giang, tương đối thẳng và sâu, tuy không dài nhưng lại là tuyến đường thủy cực kỳ quan trọng của hệ thống vận tải sông ở Nam bộ. Nó là đường huyết mạch duy nhất (độc đạo) cho phương tiện vận tải sông có trọng tải lớn (80 tấn trở lên) lưu thông từ đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của đất nước, nơi tập trung gần mười bảy triệu dân sinh sống, với yêu cầu trao đổi hàng hóa hàng chục triệu tấn một năm với Tp.HCM - một trung tâm kinh tế chính trị văn hóa lớn của quốc gia. Thống kê gần đây cho thấy mật độ phương tiện thủy lưu thông trên kinh đã đạt con số trên dưới bốn ngàn phương tiện/ngày, với vận tốc trung bình 5-6km/h, thì có thể nói là phương tiện đang xếp hàng nhích dần qua kinh, nhất là trên những đoạn sông hẹp như đoạn qua thị trấn, cầu Chợ Gạo.

 

Đứng giữa cầu Chợ Gạo phóng tầm mắt về phía nam hoặc ra phía bắc, bạn sẽ được chứng kiến một cảnh khá hoành tráng và ngoạn mục của một tuyến đường thủy thời kỳ kinh tế đang chuyển mình. Đó là pônton chở cát lấp đầy như những mâm xôi di động, sà lan tự hành màu sơn xanh tươi rói; ghe vỏ gỗ cũ kỹ, tàu kéo dây dài loằng ngoằng kéo hai ba hàng phương tiện lại còn một mớ xuồng ba lá nhỏ đu bám theo để khỏi phải chèo tay, nối đuôi, song hành nhau qua lại… Tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng còi tàu, tiếng sóng nước vỗ ì oạp vào mạn tàu, tiếng nói, tiếng la… tạo thành một thứ âm thanh đặc trưng của con đường vận tải sông nhộn nhịp…

 

Song từ đây đang nảy sinh những vấn đề cực kỳ nguy hiểm có thể tác hại sẽ rất to lớn về kinh tế và con người của một vùng quan trọng của đất nước, đó là vấn đề an toàn giao thông vận tải trên kinh Chợ Gạo. Hậu quả sẽ rất khó lường nếu tại đây (đoạn đường hẹp, gần cầu Chợ Gạo) chẳng may do chủ quan hay khách quan, có một vài phương tiện X, Y nào đó, một ponton chở cát hoặc một sà lan chở dầu… bị rủi ro gặp nạn làm hẹp hoặc cản mất lòng kinh thì… Ôi cái cảnh kẹt xe cầu Bến Lức Tết năm nào khi cầu bị sà lan đụng rung rinh sẽ được tái diễn trên kinh này. Và quả thật tôi không dám nghĩ tới thiệt hại kinh tế, xã hội và tính mạng con người sẽ là bao nhiêu?

Sự nguy hiểm này không chỉ một mình người viết nghĩ tới và lo lắng. Có rất nhiều người, từ người dân sống hai bên bờ, đến những người làm nghề kinh doanh vận tải hoặc thường xuyên đi lại trên luồng, từ những cán bộ quản lý giám sát chuyên ngành, ở Trung ương, địa phương đến cả những cán bộ cao cấp, đại biểu Quốc hội cũng đã tận mắt chứng kiến. Ai nấy đều chung một nhận xét, nhận định như nhau, đó là sự báo động cấp ba về tình trạng nguy hiểm, tắc nghẽn giao thông thủy nội địa trong một vùng đất mà ngành nghề vận tải trên sông có điều kiện và thực tế đang phát triển rất nhanh -  đó là tuyến đường yết hầu duy nhất của hệ thống giao thông đường sông giữa đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp khối lượng lớn lương thực, nông phẩm cho xuất khẩu, cho Tp.HCM và Nam trung bộ.

 

Đó chỉ là những thiệt hại về vật chất có thể xảy ra, còn về ô nhiễm môi trường, tâm lý xã hội v.v và v.v…   chưa thể nào tính được.

 

Nghề vận tải trên sông chẳng ai dám nói mạnh bởi ngoài lý do chủ quan thì lý do khách quan như tác động của gió, nước, thời tiết… chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy nếu chỉ riêng những người làm nghề sông nước chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn trong vận chuyển thì không thỏa đáng và không khả thi trong thực tế hàng ngày. Cơ quan công quyền chuyên ngành cũng phải vào cuộc, tức là phải tăng cường đầu tư kinh phí cho việc nạo vét làm thông thoáng luồng lạch thả, cắm phao, tiêu báo hiệu, trang bị hệ thống chiếu sáng ở các cầu, đoạn đường khó đi… để luồng thông bãi thoáng, mở rộng tầm nhìn cho thuyền trưởng khiến họ có thể vi vu cùng sóng gió đưa tàu tới bến, tới nơi.

 

Đã là giao thông vận tải thì từ cổ chí kim người ta sợ nhất là đường độc đạo. Hiện nay từ đồng bằng sông Cửu Long đi Tp.HCM đều phải dồn qua "cuống họng" độc nhất đó là kinh Chợ Gạo, chỉ có kinh này mới chuyển tải nổi những phương tiện có trọng tải trên một trăm tấn. Còn một số lối đi khác (không kể đường vòng ra biển) nếu có đi cũng chỉ khai thác hạn chế theo mùa nước cho những phương tiện có trọng tải nhỏ hơn một trăm tấn. Nói dại nếu không may tuyến Chợ Gạo gặp rủi ro làm tắc nghẽn giao thông nhiều ngày thì sao nhỉ? Khi mà mọi hoạt động kinh tế xã hội giữa hai vùng kinh tế lớn đang sôi động như nước ở nhiệt độ một trăm hiện nay! Nên chăng cần mở rộng, đào sâu, nắn dòng, làm âu tàu… một tuyến sông kênh mới từ hệ thống kênh xáng Long Định -  Nguyễn Văn Tiếp, Rạch Chanh - Vàm Cỏ Thủ Thừa như tuyến kinh Chợ Gạo thứ hai mà người Pháp đã làm cách đây gần hai phần ba thế kỷ giúp cho ghe tàu không phải vòng ra biển mà đi thẳng từ Chợ Dinh sang Mỹ Tho.

 

Nếu những ước mơ trên được thực hiện thì nguồn của cải trời cho vô giá là hệ thống sông rạch của đồng bằng Nam bộ sẽ không chỉ có tác dụng giúp ích tối đa cho đời sống kinh tế dân cư sinh sống trên nó mà còn thúc đẩy cho nghề vận tải, thủy lợi, thủy sản trong vùng phát triển, dân sẽ giàu hơn, nước sẽ mạnh hơn, Tổ quốc mình chắc sẽ đẹp hơn muôn lần.

 

2004 -  2005

Trần Đổ Liêm
Số lần đọc: 3074
Ngày đăng: 14.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi lại CUỘC TRIỂN LÃM tháng 9 & 10/1996. - Dương Ðình Hùng
Dự đám cưới xứ ngòai… - Dương Ðình Hùng
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim
Chuyện bây giờ mới kể - Vĩnh Nguyên
Món ngon nhớ lâu - 4 - Lê Xuân Quang
Người mê vàng-trắng và triết lý Kinh Dịch - Nguyễn Hoàn
Nỗi niềm sông nước - Trần Đổ Liêm