Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.708
 
Mặt đất vững chãi
Vân Hạ

 

 

Năm lên 8 tuổi Lượm được chị  Hai Nhiên đưa đến chùa Bích Sơn cho quy y với thầy Khô Mộc.  Thầy Khô Mộc đặt pháp danh cho chú là Chân Quả.  Từ đó chú có thêm một tên nữa là Chân Quả. Chùa Bích Sơn ở tận bên kia đèo, phải đi hai chặng xe, một chặng đi bộ mỏi rời chân theo con đường men chân núi mấp mô trồi sụt, đến nơi thì đã gần trưa. Sau khi tắm gội làm lễ xong, chú vừa mệt vừa đói xuống bếp ngồi chờ cơm, nghe chị Hai thủ thỉ : “Chân Quả. Từ nay em phải biết chuyện nầy. Em có phước được mẹ chúng ta mang về nuôi. Mẹ chúng ta vì thương em mà nuôi em, chứ không phải mẹ muốn tạo phước để  mong đời sau thọ hưởng, không cần em trả ơn, nên phướcc đức của mẹ là vô lượng. Còn những người cha người mẹ sanh ra em chắc kiếp trước  là một loài súc sanh, kiếp này đã được mang thân người  nhưng nghiệp tội còn nặng. Vậy nên em phải ráng tu tập cho đạt đạo mới mong cứu cha mẹ em thoát khỏi địa ngục được. Pháp của thầy Khô Mộc hay lắm, gặp được thầy là em có phước lớn em biết không?”

            Chú Chân Quả gật đầu, nhìn đôi đũa trong tay chị Hai đang đảo món nấm xào măng trên chảo. Mắt chú sáng lên khi nhìn thấy chén cơm nóng hổi toả mùi thơm chín tới vừa được chị đặt xuống trước mặt. Phần thức ăn cho chú chỉ có một đũa chao mặn và một gắp măng, vẫn ngon.  Chú ngồi xúc một mạch hết chén cơm, rửa miệng uống nước vội vàng rồi về phòng vì cơn buồn ngủ đã kéo tới . Vậy mà khi đã leo lên chiếc đơn nằm dang tay xoải chân rồi chú vẫn không sao ngủ được. Căn phòng lạ, mùi gối chiếu lạ, ý nghĩ từ nay sẽ phải ở lại đây xa nhà làm chú lo lắng. Đang nằm lăn qua trở lại thì nghe có tiếng người bên ngoài, Chú Chân Quả nhỏm ngay dậy, hớn hở chạy ra mở rộng cánh cổng. Hai người khách lạ chắp tay chào chú: “A Di Đà Phật”, xong họ xách giỏ thanh long chín đỏ tiếp tục đi thẳng qua sân. Chú Chân Quả đi theo một đoạn thì đứng lại. Chẳng có ai. Thầy Khô Mộc đang ngồi công phu. Chị Hai đang bận dọn dẹp dưới bếp, chẳng có ai chơi với chú. Hồi sáng chú háo hức tưởng được đi chơi xa ở đâu, ai ngờ lại đến cái nơi buồn hiu buồn hắt này. Chú té nước hồ lên làm mưa, cầm cuống hoa rung rung cho những cánh sen trắng rơi lả tả xuống mặt hồ. Cũng chán, chú tha thẩn theo lối đi lát đá dẫn xuống vườn cây có những ô vuông trồng cỏ và rải sỏi. Ồ sỏi! Những hòn sỏi tròn dẹt nhẵn nhụi dễ ghét quá. Chú ngồi thụp xuống lượm đầy một tay, thấy thương sỏi hơn bất cứ món đồ chơi nào. Ta sẽ mang mấy hòn sỏi này về chơi một mình, nó sẽ là của ta. Bỗng chú nhìn thấy giữa đám sỏi nhỏ có một hòn sỏi mẹ lớn hơn hẳn, trông như một mẹ gà nằm giữa bầy con. Chú ngồi ngẩn ra nhớ bầy gà mới nở ở nhà. Những lời nói lơ mơ của chị Hai bỗng chốc trở lại rành rõ. Vậy là những người cha người mẹ của chú kiếp trước không là sỏi, cũng không là gà…. Lâu nay mọi người trong xóm đều biết chú là thằng bé con nằm la khóc ngọ ngoạy trong cái bọc tã kiến bâu dưới chân hàng rào ven đường, có nhiều người nhìn thấy nhưng cuối cùng thì  mẹ mang chú về nuôi. Vậy đời trước mẹ là gì? Sao chị Hai cũng phải tu?  Chợt thấy một đàn kiến đang leo thành một vệt dài trên bức tường trước mặt, chú bỏ vội những hòn sỏi xuống, đứng lên trật quần ra định phun cho lũ kiến tan tác một trận chơi, nhưng chưa kịp gây tội thì  nghe tiếng chị Hai gọi. Chú kéo vội quần lên, không quên cúi lượm mấy hòn sỏi rồi mới chạy  lại. Chị Hai đã đội nón xách giỏ đang đứng trên sân, nhìn chú vẻ phiền trách

            -Sao không ngủ ra đó làm gì vậy?

            Rồi chị nhíu mày chăm chăm nhìn xuống tay tiểu em, chú Chân Quả vội thả tay ra cho mấy hòn sỏi rơi xuống đất, yên chí vì vẫn còn mấy viên nữa trong túi áo. Vừa lúc  thầy Khô Mộc đi ra, thầy nhìn chú rồi cúi xuống lượm các hòn sỏi lên đưa lại cho chú. Thầy nói:

            -Đạo hữu thích thì cứ giữ  lấy mà chơi. Nếu ta từ bỏ chúng mà vẫn còn thấy luyến tiếc đau đớn thì dù có liệng đi xa mấy chúng cũng vẫn còn trong tâm nhớ tiếc của ta, càng làm ta  khổ  hơn. Có phải vậy không?

            -Dạ- Chú Chân Quả rụt dè nhìn chị rồi xoè tay ra đón lấy.

Sau khi chị Hai về rồi, bữa cơm chiều của hai thầy trò chỉ có  một đĩa rau luộc chấm xì dầu, tô canh chua nấu đậu khuôn với lá me non và lưng hũ chao ăn dở. Chú Chân Quả gắp một ngọn rau khoai, định nói: “Ở nhà con ăn rau này phải có nước mắm tỏi ”, nhưng thầy Khô Mộc đã giơ tay ra hiệu im lặng. Lát sau, đợi chú ăn một bụng no, bỏ chén xuống, thầy Khô Mộc mới hỏi:

-Đạo hữu có biết vì sao chúng ta im lặng ăn cơm không?

-Thưa thầy không – Chú lắc đầu.

-Để chúng ta biết là mình đang ăn. Khi ăn cơm ta phải luôn biết mình đang ăn cơm. Vậy có biết cơm gạo này ở đâu mình có không? 

-Thưa, con không biết.

-Đây là cơm gạo của các chúng phật tử gom góp cúng dường, có cả gạo của Chân Tâm cư sĩ là chị Hai con. Vậy nên chúng ta ăn cơm này phải nỗ lực tu tập, nếu không nợ này có ngày phải trả. Ở trường học, nếu có bạn hữu nào mời ta ăn một ly chè, một cây kem hay một bữa cơm thì ta chỉ nợ một người đó thôi. Còn ở chùa, ăn một chén cơm là nợ không biết bao nhiêu người. Thôi con đi rửa chén đũa đi. Rửa chén có cần luôn biết mình đang rửa chén không?

-Dạ… cần.

Thầy Khô Mộc đứng dậy, cùng đi ra bể nước dạy chú rửa chén.

Buổi tối, chú Chân Quả về phòng mình. Có tới 3 phòng liền nhau bỏ không, chú tha hồ chọn lựa. Trong phòng lại có tới 2 chiếc đơn bỏ không, nghĩa là đã có những vị tăng đến ở đây rồi ra đi. Chú vặn đèn sáng lên cho bớt sợ, bày mấy hòn sỏi ra chơi,  vừa dỏng tai  lắng nghe tiếng gió bên ngoài vừa nhắc lại lời chị Hai: “Chẳng có gì đáng sợ hết, chỉ có ta là đáng sợ nhất với ta thôi”. Thế nhưng vừa thấy bóng thầy Khô Mộc bước vào, chú đã giật mình gạt vội các hòn sỏi vào một góc, gạt luôn phải ly nước làm cái ly lăn tròn rồi rớt choang xuống nền nhà. Chú đứng ngây người, sợ hãi nhìn thầy Khô Mộc cúi dọn những mảnh ly vỡ. Dọn xong thầy đứng thẳng lên, mỉm cười nói :

-Có sao đâu, không có ly thì uống nước bằng chén cũng được, phải không?

-Dạ.

Chú Chân Quả ngỏn ngoẻn cười, bớt sợ. Nhưng thầy lại hỏi:

-Tại sao cái  ly bị bể?

-Thưa thầy, tại nó rớt xuống.

-Tại nó rớt hay tại ta hoảng hốt không yên?  Cái ly rớt xuống thì tan, vậy mấy hòn sỏi này mang đập có tan không?

-Thưa thầy… có…ó – Chú Chân Quả đáp, lo lắng liếc nhìn đám sỏi .

-Như vậy đạo hữu đã thấy chúng vô thường chưa. Khi nào ta nhìn thấy chúng đẹp, biết là chúng đẹp, vậy thôi, không khởi lên ý muốn chiếm giữ chúng cho riêng mình, thì dù chúng có bị đập nát hay bị ai lấy mất, ta cũng vẫn an nhiên tự tại không đau khổ. Có phải vậy không?

-Dạ …

-Ừ. Trưa nay con có ngủ được không?

-Thưa thầy không.

-Con muốn ngủ, định đi ngủ một giấc để chiều dậy học bài, nhưng lại không ngủ được, nó không cho con ngủ, nên con phải dậy ra vườn chơi, đúng không?

-Dạ – Chú  Chân Quả ngạc nhiên .

            -Vậy cái gì làm con không ngủ được?

-Thưa, con không biết.

-Nó là cái tâm cuồng loạn của ta. Khi thân này đã nằm yên một chỗ rồi mà nó vẫn không ngừng lăng xăng nghĩ này nghĩ nọ. Chừng nào ta chưa trị được nó, chưa hàng phục được nó, thì ta chưa làm chủ được mình, con có hiểu không?

-Dạ …

-Ừ. Muốn hàng phục nó ta phải làm sao?

- Thưa… Con không biết.

-Phải trị bệnh cho nó. Mỗi khi thân này bị bệnh chúng ta liền uống thuốc để chữa trị, nhưng trong tâm đầy bệnh sân hận, tham đắm, si mê, đố kỵ, buồn phiền, nhớ nhung, đủ thứ  hết thì chúng ta không muốn trị, phải vậy không?

-Dạ …

-Ừ.  Nói vậy chứ con chưa hiểu được đâu. Không sao. Bây giờ chưa hiểu cũng không sao.

Chú Chân Quả lại ngồi im, hai tay thừa thãi nắm lấy nhau. Thầy Khô Mộc hỏi:

-Con có muốn hỏi gì không?

Cái nhìn của thầy như khuyến khích, chú ngập ngừng rồi mạnh dạn hỏi:

-Thưa thầy,  những người cha người mẹ sanh ra con là ai?

-Là ai? Thầy không biết những người đó là ai, tên gì. Nhưng thầy biết họ đang ở trong con. Họ cũng có ông Bụt trong lòng như con, nhưng vì bụi mê muội phủ dày quá nên chưa thấy được  .

-Vậy hở thầy? – Chú Chân Quả cười phô hai chiếc răng cửa to tướng mới mọc - Vậy thì con sẽ cứu cha mẹ con. Thầy ơi, khi nào thì ta biết mình thành Bụt?

-Muôn dặm không mây muôn dặm trời. Khi nào tâm ta hoàn toàn rỗng lặng, dừng bặt mọi sự nghĩ ngợi, ta sẽ thấy ông Bụt ở trong ta hiện ra…

-Vậy…  Thưa thầy, thầy thành Bụt chưa?

            -Chưa, thầy đã thấy chứng được nhưng chưa thành được.

            -Thưa thầy, chị Hai nói bây giờ người tu như lông mà người đạt đạo như rừng là sao ?

            -Người tu như lông mà người đạt đạo như sừng, không phải như rừng. Nghĩa là người tu thì nhiều mà người đạt đạo không bao nhiêu, bởi vì chúng ta sinh vào thời mạt pháp. Cái này con không cần biết. Khi nào con lớn có trí lực rồi, thầy sẽ trao truyền cho con một pháp tu Thẳng Mau Rõ Đúng, nếu lúc đó vô thường nó chưa đến với thầy. Được chưa?

            Chú Chân Quả liền nghĩ chuyện để hỏi, vì nếu chú không hỏi thì thầy sẽ đứng dậy về phòng, chú lại chỉ còn một mình.

            -Thưa thầy,  thầy…  ở chùa mấy năm rồi?

            -Năm mươi năm.

            -Hễ mình ở chùa nào năm mươi năm thì chùa đó linh hở thầy?

            -Ai nói với con như vậy?

            -Hồi chiều có hai người tới cúng chùa, con nghe họ nói chùa nầy linh lắm.

            - Tội nghiệp. Đó là những người đi chùa mà không biết đạo Bụt. Họ đi lễ chùa mà tham hơn cả người không đi. Con có thấy vậy không?

            -Dạ không.

            -Con có thấy họ mang tới lễ Bụt một dĩa trái cây, một bình hoa rồi đứng cầu cả hai mươi phút đồng hồ không. Họ cầu đủ thứ, tiền bạc, sức khoẻ, danh lợi, con cái. Đi lễ Bụt như vậy có hết khổ được không?

            -Dạ không.

            -Ừ. Tu ngoài tâm thì làm sao mà hết khổ được. Đừng tựa vào ai khác ngoài ta.

Chú Chân Quả nghênh đầu không hiểu, thầy Khô Mộc lại nói không sao, bây giờ chưa hiểu cũng không sao. Chỉ cần con biết lúc này thầy đang nói những lời này. 

 

o0o

 

            Kể từ buổi tối đầu tiên đó đã 9 năm trôi qua. Bây giờ chú Chân Quả đã học lớp 12- lớp cuối cùng của bậc phổ thông. Bây giờ chú đã có thể thay thầy đọc kệ và thỉnh chuông  vào các thời sáng và tối mỗi ngày. Chú đã tự biết dừng lại khi vẫn còn muốn ăn, tự ngồi dậy khi vẫn còn muốn ngủ. Biết thở nhịp thở bình thường khi đi qua vườn trường ngát hương hoa, hay một quán ăn toả mùi xào nấu vào giờ tan học buổi trưa. Biết bình thản không xao xuyến khi nghe bản nhạc buồn vọng ra từ ngôi nhà bên đường. Cả những lời nói hay dở, những vui buồn, yêu ghét của mọi người đều không làm chú phóng tâm chạy theo. Chú biết phải cố gắng không phân biệt đối đãi, dù ở lớp học của chú mọi người đều phân biệt đối đãi. Có lẽ chú sẽ cứ vậy tiến tu nếu không có một lần cô bạn ngồi cùng bàn rủ chú đi ăn kem.

 Cô bạn đẹp nhất lớp nhưng lại có cái tên là Hận. Trong lúc Hận ngồi ngả người vào lưng ghế, duỗi chân thoải mái chờ kem, thì chú vẫn một thế ngồi không đổi. Hận như chợt phát hiện ra, hỏi chú :

            -Sao không khi nào thấy Lượm ngồi dựa lưng vào đâu cả, sao vậy?

            -Tôi muốn được tự do.

            -Là sao?

            -Là khi mình không thấy thiếu nó thì sẽ được tự do đối với nó. Người khác khi có thì tựa, khi không có cũng không thấy thiếu, nhưng tôi chưa được như vậy. Tốt nhất là đừng ăn thịt rồng thì không thèm thịt rồng.

            -Ra vậy… Lượm thích kem gì? Sầu riêng hay cà phê?

            -Kem nào cũng được. Tôi không thích gì cũng không ghét gì.

            -Vậy thì còn nói làm gì. Nếu không thích kem sao Lượm không nói trước?

          -Không phải vậy. Tôi muốn nói cái gì người ta ăn được thì tôi ăn được. Ăn thấy ngon cũng không vui thích rồi thèm, thấy dở cũng không buồn phiền rồi ghét. Vì khổ đau bắt đầu từ  sự yêu ghét ấy.

-Đúng là người không biết thưởng thức. Lượm này, sao Lượm lại đi tu?

            -Tôi phải giải thoát được cho mình rồi mới có thể giúp những người sanh ra tôi thoát khỏi địa ngục được.

            -Mắc gì phải cứu với giúp. Cứ để họ ở trong địa ngục với tội lỗi của họ.

            -Nhưng ngày nào họ còn sống trong địa ngục thì ngày đó họ còn tự làm khổ mình rồi làm khổ người khác. Chúng ta cứ vậy làm khổ nhau.

            -Sao Lượm không ở chùa khác mà lại đến ở chùa Bích Sơn buồn vậy? Ở đó đâu có nhiều phật tử đâu ?

            - Tại vì chỉ  ở Bích Sơn tự mới có thầy Khô Mộc. Thầy Khô Mộc là một dòng sông lớn ở trong rừng. Sông sâu vốn lặng im, nhưng nước thấm vào nhiều cây cỏ.  Khi nào Hận đến gặp thầy thì biết, Hận sẽ cảm thấy được yên ổn ngay.  

-Gặp Lượm cũng được vậy. Hễ hôm nào có Lượm ngồi bên là Hận cũng thấy yên ổn. Nhưng sắp hết năm học rồi… Sau đây Lượm định làm gì?

-Tôi không định gì cả. Tôi có đường đi của mình rồi.

- Nhưng sao Lượm lại phải khổ như vậy? Chả lẽ cứ ở chùa đến hết đời sao?  Hận nghĩ mình cứ sống bình thường như mọi người, miễn mình làm ăn lương thiện, không hại ai là được.

-Nhưng như vậy thì mình vẫn đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong biển khổ. Hận phải biết là thân người khó được. Đời này chúng ta được thân người đã là may phước lắm, vậy mà không biết tu thì uổng, vì chỉ làm người mới có trí tuệ, mới biết suy tư… 

- Hận không biết. Hận chỉ biết đời người sống có một lần, nay còn chưa biết mai nói gì đến kiếp sau. Mà kiếp sau nếu mình còn gặp lại nhau kìa, chứ kiếp sau mà sống bằng một cuộc đời khác thì cũng bằng không.

- Ta không biết ngày mai của ta ra sao là vì ta bị nghiệp lực lôi đi. Chỉ khi nào sạch hết nghiệp, thoát khỏi sinh tử, ta mới được tự do làm chủ mình.  Hay là… Hận không cần phải cắt tóc đi ở chùa, cứ tu tại nhà như chị Hai tôi cũng được.

-Rồi không biết tình yêu là gì, không biết du lịch là gì. Không biết chinh phục đỉnh cao là gì . Không xem kịch, không nghe nhạc,  không biết thế nào là buồn vui sướng khổ. Vậy thì sống còn có ý nghĩa gì nữa.

-Vậy ý nghĩa của cuộc đời Hận là gì?

-Hận … chưa nghĩ tới. Nhưng Hận phải làm được những gì mình muốn. Trước tiên Hận sẽ là nhà kinh doanh, Hận phải là người thật giàu có.

-Rồi sao nữa?

-Khi có tiền làm phương tiện rồi, Hận sẽ có cách để đạt được những cái mình muốn.

-Nhưng Hận có biết được hết những cái mình muốn không, có biết bao nhiêu là đủ không?  Có luôn được an lành thảnh thơi trong lòng không? Chưa kể nếu kinh doanh vào  những ham thích bản năng của người đời, có thể Hận sẽ rất giàu tiền nhưng không giàu phước đức.

            -Nếu vậy Hận sẽ đem tiền đó cúng chùa, cứu giúp người nghèo để làm phước.

-Đem tiền giúp người ta bớt khổ trong chốc lát chẳng bằng giúp người ta được yên ổn một đời. Như bữa trước Hận xả thân can gián hai người đánh nhau chẳng bằng làm cho họ thương nhau.  Còn đem tiền làm phước để cầu được hưởng quả phước thì đó là tính toán của lòng tham. Tôi có một phương tiện nầy muốn trao cho Hận lắm, nếu biết sử dụng nó Hận sẽ có tất cả mà không cần đến tiền. Hận có biết phương tiện quý báu đó là gì không? 

-Thôi được rồi đó Lượm, đừng thuyết giáo nữa. Hận chỉ muốn Lượm được sống một cuộc sống như mọi người. Chỉ vì Hận… thương Lượm. Lượm có biết ý  nghĩa của cuộc đời Hận là gì không? Là Lượm, Lượm biết chưa! Nếu không có Lượm thì đời Hận chẳng còn nghĩa lý gì nữa.

-Không phải đâu, Hận. Ý nghĩa của cuộc đời ta đúng ra chỉ có hai thứ thôi, một là cái túi tiêu hóa lủng hai đầu, hai là …

            Nhưng Hận đã đứng bật dậy kêu trả tiền và liền đó chú Chân Quả thấy hai má mình nóng ran vì xúc chạm với bàn tay ấm nóng của Hận. Hận ấp hai tay vào má chú rồi  buông vội ra, xô ghế đi nhanh ra cửa. Hình như trong mắt Hận có nước.

            Chú Chân Quả ngồi sững , bối rối như vừa bị chạm điện, cảm giác mà chú chưa từng biết đến bao giờ. Bên kia đường lao xao tiếng cười đùa của đám bạn cùng lớp đang kéo nhau vào quán: “Hận ơi, tha cho thầy tiểu đi Hận ơi!”.

 

o0o

 

Sau lần đó, Hận không thèm nhìn không thèm nói gì với chú nữa. Nhưng càng ngày chú càng thấy rõ có những đổi  thay đang đến với mình, cả ngoài cơ thể lẫn trong tâm ý. Một hôm chú về phòng gom hết mấy hòn sỏi khi xưa mang ra trả lại vườn chùa. Khi những hòn sỏi của tuổi lên 8 vừa lách cách rơi xuống, chú bỗng thảng thốt nhận ra ngọn gió chuyển mùa vừa đi qua, thời gian đang đi qua, năm học sắp hết. Chú bắt quả tang mình vừa xao xuyến khi thấy một cái hoa vừa rụng. Từ đó chú bắt đầu để ý nhiều hơn đến những bông hoa rụng, rồi cả những chiếc lá rụng. Mỗi khi đi qua quán kem cũ nghe thấy bản nhạc hôm đó chú lại thấy lòng nao nao chùn bước. Chú biết đó là sự khổ nhưng không muốn diệt. Thế là nó xuất hiện thường xuyên hơn, làm tâm chú liên tục chao đảo. Không phải tại hoa lá, không phải tại bản nhạc, tại ta chưa được “đối cảnh vô tâm”, ta tự  làm mình khổ. Việc công phu của chú ngày càng khó khăn hơn. Chú càng cố sức diệt mọi sự nhớ nghĩ thì chúng càng nổi lên như sóng. Hận đến với chú cả trong lúc ăn, trong lúc ngủ, cả khi học bài, quét dọn, làm vườn… Chú liên tục làm đổ vỡ quên sai. “Hận ơi, tha cho thầy tiểu đi Hận ơi!”.  “Tha cho Lượm đi Hận ơi!”. Không phải tại Hận, tại chú muốn ôm giữ Hận cho riêng mình.

 

o0o

 

Thầy Khô Mộc hỏi  : “Con đã nghĩ kĩ chưa?”   

            -Thưa thầy, con nghĩ kĩ rồi. –  Chú  Chân Quả đáp

            Thầy Khô Mộc lại hỏi :   

            -Nhưng con có thấy pháp tu  này đúng là pháp rửa tâm tiêu nghiệp không?

            -Thưa thầy con thấy.

            -Con thấy như thế nào?

            -Mọi ý nghĩ buồn vui thiện ác của chúng ta đều được lưu giữ vào tàng  thức, những hột giống đó thành nghiệp của ta. Chỉ cần tâm lặng không còn một ý niệm, không sợ hãi gì, không mong cầu gì, thì nghiệp chướng  sẽ tiêu đi.

            -Con đã nhận ra đường hướng, sao lại không đi nữa?

            -Thưa thầy, con sợ con không đi đến tận cùng rốt ráo được. Con không sao chế ngự được cái tâm cuồng loạn nầy. Con không tìm thấy an lạc nữa.

            -Tất nhiên là khó lắm. Nếu chỉ  là lễ bái bằng tay tụng kinh bằng miệng, thì hẳn đã đông vui hơn nhiều. Con nói xem, có phải con đã vướng vào cô gái đó rồi không?

            Chú Chân Quả ngước nhìn thầy rồi cúi xuống, sự đau khổ của chú đã thay lời thú nhận.

            -Chân Quả. Con hãy nhìn xuống chân. Con có còn đứng trên mặt đất vững chãi không, hay con đã sa xuống biển khổ rồi.

            -Thưa thầy, con đã đứng bên bờ biển khổ rồi.  Con đang đau đớn lắm.

            -Con đau ở chỗ nào. Cái gì trong con biết đau? Cái biết đó nó có đau không?

            -Bây giờ con không thể ngồi yên để tìm  nó được, thầy ơi!

            -Không sao. Khi tuổi trẻ ai cũng thường phải qua khúc đoạn này.  Ái tình có sinh diệt không?

            -Thưa thầy, có sinh thì có diệt.

            -Vậy thì chuyện nay ghét mai thương, nay thương mai hết là chuyện tự nhiên, sao con lại đau khổ?    

-Thưa thầy, con biết vậy.  Con biết chúng ta vẫn thường thích sung sướng, sợ đau khổ, nhưng lại cứ lao vào vòng khổ đau để tìm sung sướng. Nếu bảo chúng ta hãy dừng lại, dứt  hết mọi vui thú đam mê đi để được an ổn,  thì chẳng khác nào bắt chúng ta phải từ bỏ hết đắng cay. Con thấy khổ đau cũng giống như đắng cay, như chất độc, nó có sức quyến rũ của ma quỉ. Con không làm sao thắng nó được.

            -Cái biết mà con nói  nãy giờ thật ra chưa phải là biết, con chỉ học lại lời thầy như một con vẹt mà thôi, không phải là cái thấy biết do chính con tự đạt được.  Nếu thật biết thì con phải thấy rằng muốn thức tỉnh cô bạn của con không phải chỉ nói như vậy mà được. Trước hết con phải lột trần thần tượng của cô ấy ra, phải phơi cái ô uế giả tạm của thân này ra trước  mọi người. Rồi sau đó hãy cho cô ấy thấy rằng nếu ái dục là cao đẹp vì nó tạo ra con người, thì tại sao khi tạo ra rồi người ta lại vứt bỏ?

Không sao. Hãy chờ đến khi nào con  trở thành một cái sừng quí hiếm, con sẽ mang lại hạnh phúc cho cô ấy. 

Nói xong, thầy Khô Mộc thản nhiên trải tọa cụ, chuẩn bị ngồi hạ thủ công phu.

            Chú Chân Quả hoang mang đi ra vườn nhìn những hòn sỏi năm xưa. Phải mất 9 năm chú mới được hoàn toàn tự do với chúng. Còn với một người thì phải bao lâu? Nếu để thức tỉnh Hận mà phải làm mình xấu đi trước mọi người thì chú không ngại. Nhưng phải xấu cách nào để đừng làm Hận thất vọng quá mà càng thêm hận đời rồi gieo nhân xấu cho chính cô thọ quả sau này. Bởi vì sau này chúng ta sẽ không mang theo được gì ngoài những cái quả ấy.

Thế là mấy ngày sau, mọi người trong lớp đều tròn mắt che miệng rỉ tai nhau một tin bất ngờ, rằng “cái ấy” của chàng Lượm có vấn đề, rằng chàng ta không thể làm cái công việc của một người đàn ông, người chồng được, chắc vậy nên mới đi tu…

Mặc cho mọi người cứ thoải mái nhìn trộm chú mà xì xào, chú chỉ quan tâm đến Hận thôi.  Hận khác hẳn như đã hiểu ra vì sao chú cự tuyệt. Vẻ mặt xa cách lạnh lùng biến mất, Hận quay sang ân cần với chú. Ân cần chăm sóc chú như bà chị dịu dàng chăm sóc thằng em tội nghiệp, nhưng không hề nghe Hận nhắc gì đến chuyện thuyết phục chú ra sống đời trần tục nữa. Chú lẳng lặng nhìn Hận vui cười thân thiết với những người bạn trai khác. Phép thử thành công nhưng sao lòng chú không thấy vui?

Sau những buổi học, chú Chân Quả lại về chùa, nhưng chú càng không bình yên được. Không ngờ người thất vọng lại là chú. Người được thức tỉnh cũng chính là chú. Hoá ra chú vẫn còn muốn được ôm giữ Hận cho riêng mình. Không ngờ chỉ một lần xúc chạm với hai bàn tay Hận đã làm tất cả những mong cầu trong chú thức dậy, làm sống lại nguyên vẹn những ngày tuổi thơ trong căn nhà xưa có bàn tay chăm sóc của mẹ và chị. Vẫn còn nguyên cảm giác thèm thiếu mỗi khi nhìn thấy đĩa rau luộc mà không có nước mắm. Cái tâm vốn chưa lúc nào ngừng nghĩ ngợi lung tung giờ càng điên đảo vì những thất vọng, khổ đau, thèm khát… Chú không sao quy phục được nó, không thể nào chỉ huy được mình. Trong chú lại quay quắt trở lại câu hỏi ai là những người sinh ra ta?  Bây giờ họ ở đâu? Họ là những người như thế nào? Cùng với câu hỏi lớn về những đấng sinh thành, chú còn cảm thấy những hột giống phiêu lưu giang hồ đang cựa quậy.  Vậy là chú mới đứng ngoài cổng thiền chứ chưa bước vào. Lạy thầy. Con không muốn phụ công thầy, nhưng vượt cái cổng mình sao khó quá.

Đúng vào lúc chú Chân Quả quyết định quay đi, chạy theo cuộc sống bên ngoài bức tường với vô số cảnh mùi âm thanh hấp dẫn, thì cũng là lúc chú trực nhận được hết những khô cứng, ẩm ướt, êm ái, xù xì, nóng lạnh… của đất cát dưới bàn chân mình. Và hơn hết là một thứ tình yêu rộng lớn, bao dung, vững vàng của đất, như đất.    

 ______________________________    

 

  

           

 

              

 

 

Vân Hạ
Số lần đọc: 755
Ngày đăng: 10.03.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dáng lụa - Hồ Đình Nghiêm
Thầm lặng - Nguyễn Thị Kim Lan
Đỉnh trời gió bấc - Nguyễn Thị Kim Lan
Đơn thân - Hồ Đình Nghiêm
Người trở về - Trần Yên Hòa
Lan man chuyện tết - Hoàng Xuân
Trắng xóa màu đêm - Hồ Đình Nghiêm
Tí ta tí tách - Nguyễn Thị Kim Lan
Cá không ăn muối - Hồ Đình Nghiêm
Hư ảnh - Hồ Đình Nghiêm