Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.392
 
Đá thiêng
Vân Hạ

 

 

  Tâm trạng bất an và những lo sợ mơ hồ ngày càng tăng đã làm thầy giáo Huy “bỗng dưng” sinh bệnh. Bất cứ ai tới thăm, vừa định cất tiếng chưa kịp hỏi thầy đã nhanh nhạy đáp trước: “Dây thần kinh lo âu. Tôi bị rối loạn dây thần kinh lo âu”, dù trong sổ bác sĩ ghi chẩn đoán: “Rối loạn lo âu do thần kinh suy nhược”. Bác sĩ khám cho thầy tình cờ lại là một học trò cũ của thầy, một trong số những tên học trò thành công trên đường đời, như người ta hay nói về những người có nhiều bằng cấp, có một công việc tốt. Khi tên bác sĩ nhận ra thầy, hắn nhìn thầy như đứa trẻ nhìn quả bóng bay vừa xẹp. Không ngờ Mr.Huy đạo mạo điệu đà ngày xưa giờ lại thế này.

 

Từ khi chưa tới tuổi ba mươi thầy Huy đã được lũ học trò gọi lén sau lưng là Huy già và những tên kép khác như  Huy mát,  Mr.Huy. Với các em học sinh thân mến đó thầy là một ông thầy không ấn tượng. Vẻ trịnh trọng nhà giáo rất mắc cười pha với vẻ lịch sự hơi điệu đà Tây học của thầy chỉ làm chúng thấy vui vui. Chúng không sợ và không thích giờ dạy của thầy lắm. Nếu thầy cũng dạy thêm và biết mánh bắt chúng phải làm đơn xin học thêm chắc hẳn chúng đã sợ thầy vãi đạn. Hay như một thầy cô khác biết cách đem một đứa học trò nghèo nào đó mà thầy cô đó không thích ra trước lớp chế giễu làm trò cười vui, sẽ làm bọn chúng vui thích a dua hưởng ứng và hào hứng với giờ học của những thầy cô này hơn. Hãy lắng nghe lũ học trò về nhà ngồi túm tụm bàn loạn về các thầy cô, tên thầy Huy rất hiếm khi được chúng nhắc tới. Nói túm lại thầy Huy là một ông thầy không mấy ấn tượng. Vậy sao thầy lại trở nên bị rối loạn lo âu, sợ hãi, bất an, chứ không phải ai khác. Sao lại là thầy? Câu hỏi này mới thú vị làm sao.  

 

Khi tất cả thuốc của bác sĩ gần như đã chào thua không tác dụng, tiền uống thuốc cứ cạn dần, thầy Huy mất bình tĩnh và bắt đầu tin vào những chuyện trước đây thầy vẫn cho là nhảm nhí, chuyện lễ bái cầu cúng. Thầy bắt đầu tin có những qui luật hay sức mạnh nào đó đang vận hành bên ngoài ý muốn điều khiển của người ta. Thầy khấn cầu không theo một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng nào và thường quên không biết nguyện gì. Niềm tin nửa mùa kiểu “trong cơn nguy khốn không có kẻ vô thần” này, tuy vậy rất mãnh liệt và hình như cũng linh ứng.

Đó là khi có một nhóm học trò cũ tới thăm thầy đúng vào lúc thầy tuyệt vọng nhất. Một tên trong nhóm chả biết đùa hay thật, nói hắn biết một hòn đảo có rất nhiều một loại đá thiêng. Loài đá này có linh hồn, nó đẹp ngang châu báu nhưng quí hơn châu báu vì nó từng có cuộc sống. Nó đẹp tới nỗi tất cả những xui rủi xấu xa đều không tới gần nó được. Tên học trò còn ba hoa vì hắn sống ở nơi có nhiều đá thiêng hộ mệnh như vậy nên hắn chẳng sợ một cái gì.

 

Cả nhóm học trò cũ trong đó có tên bác sĩ đều cười vào sáng tác này, không ai cho đó là chuyện nghiêm túc ngoài thầy Huy. Thầy lẳng lặng ngồi nghe và nghĩ chắc chắn tên học trò này đã được dẫn dắt tới đây vì lời cầu xin của thầy. Thầy đã nhớ ra nó. Thằng này có số phận khác hẳn tên bác sĩ. Nó bỏ học rất sớm, rồi phiêu bạt. Suốt thời học sinh nó chưa bao giờ được xếp loại hạnh kiểm tốt, chỉ vì không năm nào nó đạt học sinh tiên tiến. Học lực trung bình, không đạt điểm số cao có nghĩa mày không chăm học. Một học sinh không chăm học tất nhiên không thể hạnh kiểm tốt được, đó là qui định. Thầy đã từng lấn cấn băn khoăn nhiều lần trước khi hạ bút phê hạnh kiểm cho những đứa như thằng này. Có lẽ nó đã quên hoặc không để tâm. Nó vẫn đang tếu táo bô lô ba la những chuyện về loài đá thiêng thần bí ở vùng biển nơi nó đang vùng vẫy.

*

Thầy Huy bí mật đón xe tới Đầm Y một mình vào một buổi sáng. Thầy khấp khởi gọi ngay cho tên học trò cũ. Nhưng thầy tới trễ mất một giờ. Tên học trò đã đi làm. Hắn không có mặt ở đây. Hắn nói sớm nhất cũng phải 3 giờ chiều hắn mới về.

Thầy Huy hụt hẫng thở dài. Thầy không nghĩ tới tình huống này. Thầy tưởng tên học trò sống ở đây có nghĩa lúc nào nó cũng ở đây. Bất kì lúc nào thầy tới cũng sẽ có nó. Giờ thầy mới nhớ ra nó còn trẻ, còn phải đi làm.

Biết làm gì từ đây cho tới 3 giờ chiều. Không ngờ lại có lúc thầy có cả nửa ngày dài dư thừa rỗng rênh không biết làm gì như hôm nay.

Đầm Y là một vũng biển. Người ta gọi vũng biển này là đầm vì đáy biển nông, đọng nhiều bùn và không có sóng. Bờ đầm, cũng là bãi biển, đọng nhiều rác rến lẫn những vệt bọt sóng màu nâu, lẫn màu lá xanh của những đám dây muống biển hoang dại lấm láp. Cát ven bờ cũng lẫn bùn, lún ướt và không sạch. Đây không phải một bãi biển đẹp, tất nhiên. Trên mặt đầm có rất nhiều những giàn cây từa tựa giàn mướp, thầy không biết là gì nhưng không có ai để hỏi. Có lẽ mấy chiếc ghe nhỏ nằm đổ nghiêng, nửa gối lên bờ cát nửa còn dưới mép sóng là vật trang trí duy nhất cho suốt dải bờ, như hình ảnh những con đò trong bức tranh vẽ cảnh dòng sông bến nước.

 

Sau cùng, một quần thể những đống đá ở đằng xa mới lọt vào tầm mắt khi thầy đã quá mỏi chân. Thầy đã quên không nghĩ tới lúc sẽ mỏi chân. Thầy  quay nhìn khắp xung quanh tìm một chỗ có thể ngồi và phát hiện ra quần thể những đống đá. Nhìn từ xa chúng như một nhúm những hạt cơm rơi và thóc lẫn trong cơm bị lựa ra bỏ gọn một góc mâm cơm của người nông dân. Hay những nét chấm khoanh tượng trưng một nhóm những hòn đảo nhỏ trên sơ đồ mặt vịnh trong cái nhìn của các ngư dân. Trong mắt học trò nó giống một cụm những cái mụt trứng cá trên gồ trán cao của mặt bờ đầm. Còn với ai đó khác quần thể những đống đá có thể gợi hình ảnh đổ nát của một đền đài đã thành phế tích từ lâu. Hoặc hứa hẹn một chỗ ngồi suy tư yên tĩnh vừa ý nhất. Gắng lên, tới đó sẽ được ngồi nhìn ra mặt vịnh tùy thích, bao lâu cũng được, tha hồ cho các ý nghĩ đi hoang trước khi người ta có ý muốn qui phục chúng cho lặng dần. 

 

Hăm hở vậy nhưng khi gần tới nơi thầy Huy mới biết ở đây có người! Cảm giác thất vọng khi biết mình không được một mình ở đây làm thầy mệt bã, xụi hết mọi cố gắng. Nhưng cùng lúc thầy lại thấy vui mừng vì ở đây không phải chỉ có một mình mình.

Thầy ngồi xuống dưới chân một đống đá, lẳng lặng và thờ ơ quan sát hai người dân địa phương. Họ là hai cha con, chắc vậy. Ông già tóc đã bạc. Anh con trai tất nhiên còn trẻ. Cả hai cùng ở trần đang quai búa bổ phầm phập xuống những tảng đá như bổ củi. Lưỡi búa ngập sâu tách tảng đá lớn làm hai. Rồi họ tiếp tục phân thân tảng đá lớn thành những viên đá vuông vuông, dài dài, kích cỡ gần bằng viên đá chẻ xây nhà, y hệt những viên đá trắng ở mấy đống đá bên cạnh.

 

 Phải không? Thầy Huy đứng bật dậy chăm chú nhìn. Thầy chưa bao giờ thấy có đá nào lại mềm như vậy. Những tảng đá lớn màu rêu khô xin xỉn, giống màu những bức tường hoang lâu năm (mà thầy tưởng tượng là những hạt thóc lẫn trong cơm) khi bổ ra trong ruột lại trắng mịn như thạch cao, như những tảng bột lọc người ta xắn trong thúng ra để nặn bánh. Nhìn kĩ xung quanh thầy phát hiện nhiều viên đá trắng vẫn có một, hai cạnh mang màu xin xỉn của tảng đá mẹ.

 Không tin và tò mò, thầy cúi xuống rờ thử một mảnh vụn vừa văng ra, rồi  nhấc thử một viên. Đúng là đá thật. Cạnh đá mới chặt cứng sắc đau cả tay. Và nó cũng nặng như… đá.

-Đá san hô.

Ông thợ già đáp đúng ba tiếng khi thầy Huy hỏi đây là đá gì. Rồi có lẽ đoán trước thầy sẽ hỏi tiếp, ông nói luôn: “Để bẫy tôm con”.

Nói xong ông quẳng búa, cầm chiếc khăn để cạnh chiếc áo trên đống đá lên lau mồ hôi mặt. Vắt chiếc khăn qua vai, ông ngồi xuống cạnh thùng nước đá bằng nhựa màu nâu đỏ, mở nắp thùng múc nước uống, xong ông đóng nắp lại, úp chiếc ca nhựa màu vàng lên, đốt một điếu thuốc. Anh con trai cũng bỏ búa đến ngồi. Khi anh này mở nắp thùng múc nước uống, chiếc ca nhựa chạm mạnh vào cục nước đá nổi trong đó làm thầy Huy rùng mình vì lúc đó trời đang gió lạnh. Có vẻ hai cha con ông thợ đã sẵn sàng để tiếp chuyện thầy. Thỉnh thoảng cũng có những lạ tới đây hỏi tìm nguồn tôm giống. Một số người khác tới để đặt họ làm những hòn núi giả bằng san hô. Nhưng thầy Huy đã nhìn đi nơi khác và bỏ đi. Anh con trai nói với ông già: “Ông này ổng bị sao?”.

Ông già chắc chắn không biết câu trả lời. Ông dụi tắt mẩu thuốc, uống thêm một ca nước rồi đứng lên tiếp tục làm việc. Tiện tay ông lượm mấy mảnh vụn bỏ gọn lại một chỗ.

Thầy Huy đi xuống bãi nơi có những đống đá khác hồi nãy thầy đã đi qua, đã thấy nhưng không chú ý. Xâu chuỗi các vật chứng trên bờ đầm, thầy bỗng thấy mọi vật trở nên rõ ràng. Xâu chuỗi các vật chứng trên bờ đầm, thầy thấy mọi vật trở nên rõ ràng. Đó là sau khi chặt những viên “đá chẻ” đúng kích cỡ yêu cầu, việc tiếp theo người ta sẽ khoan lỗ trên từng viên. Bằng chứng đây, một đống đá trắng đã khoan xong gồm toàn những viên có lỗ như vậy. Những lỗ khoan tròn chi chít nghịch ngợm như có một người nào đó đã chọc ngón tay vào những cục bột ướt rồi đem phơi khô. Đến mùa người ta sẽ chở hết những viên đá này ra đầm, dòng dây thả xuống nước. Những “giàn mướp” gác dày đặc cây que trên mặt đầm kia là để người ta cột dây “neo” những cục san hô vào đó. Và cứ mỗi sáng sớm những chiếc thuyền kia lại bơi ra đầm. Những người trên thuyền nắm lấy sợi dây cước màu xanh này lần lượt kéo từng cục đá lên. Họ ngó nghiêng tìm những cặp râu tôm con thò ra từ những cái lỗ khoan như hai sợi anten. Sau khi tóm bắt chúng (để bán cho những bè nuôi tôm thịt), họ lại thả tòm những cục đá xuống nước để sáng hôm sau lại bơi thuyền ra kéo lên. Mỗi cái lỗ khoan trên những cục san hô thành một cái hang kín đáo an toàn dụ lũ tôm con chui vào ẩn náu, dù chúng dòng giống tôm hùm. Biển ngoài kia càng động tôm hùm con dạt về ven đầm “lánh nạn” càng nhiều. Việc thu bắt tôm con cứ lặp đi lặp lại hàng ngày vào mỗi sáng sớm cho đến hết mùa biển động.  

Hết mùa bẫy bắt những viên đá sẽ được kéo lên gom thành đống trên bờ để đợi mùa sang năm. Cục đá nào cũng mang trên đầu hai sợi dây cước lưới màu xanh bện xoắn hình dây thừng. Hai sợi râu xanh này thật ra là hai đầu của một sợi dây xỏ xuyên qua cục đá. Độ dài của mỗi sợi dây bằng khoảng hơn hai lần độ sâu từ mặt nước xuống tới đáy đầm. Nhìn cả đống đá cứ xã xượi xanh xanh những sợi cước dài lòng thòng như những đường mạch máu ốm yếu bệch bạc, như chúng chưa từng óng ả xanh biếc lúc còn nguyên trong cuộn mang từ cửa hàng về.

Ngoài những đống san hô mùa cũ, còn có một bãi những cục san hô cũ hơn đã bỏ đi. Rõ ràng cứ sau mỗi mùa chúng lại hao mòn rất nhanh. Sóng biển bào mòn làm chúng nhỏ dần đi, biến dạng, trơn lì, không còn cạnh sắc và kích cỡ ban đầu, cũng không còn trắng nữa. Màu trắng của ruột đá lúc mới chặt ra dần dần trở lại màu rêu cũ ban đầu. Tới khi chúng bị mòn nhỏ đến mức không còn đạt tiêu chuẩn kích cỡ nữa người ta sẽ bỏ đi. Vì vậy bên cạnh số san hô cũ tàn tạ bị thải ra hàng năm, luôn phải có số đá san hô mới chặt chẻ và khoan lỗ sẵn chuẩn bị thay thế.

Thầy Huy ngồi xuống bên một bãi san hô mùa cũ đã bỏ đi. Bất chợt điện thoại rung làm thầy giật mình. Tiếng tên học trò cũ choang choang dội vào tai làm thầy nhăn mặt, đưa chiếc điện thoại dịch ra xa.

-Alo. Thầy đang ở đâu?

-Tôi đang ở đây. Tôi…

Mất sóng. Cố gọi lại mãi không được, thầy nhìn cái điện thoại rồi bỗng như sực nhớ một việc, thầy lật đật mở điện thoại thử tìm coi có thông tin nào về tên học trò cũ. Thật bất ngờ thầy thấy ngay tên hắn gắn với tên một tour du lịch đảo. Cạnh mấy hình ảnh san hô chụp qua tàu đáy kính còn có một “bài văn” hắn dán trên đó để quảng cáo. Thầy đọc và bất ngờ. Thầy không ngờ một đứa học trò suốt đời học lực trung bình lại có trong đầu nó trí tưởng tượng như này.

“… Hãy hình dung một rạn san hô như một khu rừng bon sai dưới nước. Một khu rừng nhiệt đới có những ngàn lau hoa trắng mềm mại ngả nghiêng trong gió (sóng nước), có đồi hoa sim hoa mua tím ngát, có những vạt rừng phong lan từng chùm rủ xuống sặc sỡ sắc màu. Có những cánh rừng toàn tre trúc, hay một dáng cổ thụ đơn độc cứng cáp uy nghi xòe tán trên đỉnh núi, dưới gốc cây đầy những loài nấm, rêu đá, những đàn bướm (cá) và rất nhiều cây kì cỏ lạ.

Cũng như rừng sâu hay có những loài cây cỏ quí hiếm, dưới biển sâu cũng có những loài san hô đỏ và đen.  Thời xa xưa san hô được coi là báu vật, một loại vật chất thiên tạo mang vẻ đẹp tinh thần linh thiêng.  Thổ dân Châu Mỹ xưa coi san hô là đá thần. Người Tây Tạng đeo chuỗi hạt san hô để trừ tà ma. Người Châu Âu thời trung cổ có thói quen mang theo một mảnh san hô trong người làm bùa hộ mệnh. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nữ trang bằng san hô trong hoàng cung Ai Cập. San hô cũng được dùng trang trí trên một số bảo vật và đồ thờ trong hoàng cung triều Nguyễn…       

“Tôi biết một nơi có đầy bùa hộ mệnh, có ai muốn theo tôi ra đảo không? hãy nhớ chỉ những ai không còn sợ hãi mới thấy được đá thiêng. Người nhiều sợ hãi sẽ chỉ thấy đá là đá thôi. Há há!”.     

Thầy Huy ngồi ngẩn người. Hóa ra sự thật về đá thần đá thiêng là vậy. Suýt chút nữa thầy đã thành trò cười cho đứa học trò cũ. Lũ quỉ sứ. Như vậy nó nói đang đi làm có nghĩa nó đang theo một tour ra đảo và phải 3 giờ chiều nó mới về tới đây đúng rồi.

Điện thoại lại rung. Tiếng tên học trò cũ vẫn như hét lên:

-Alo. Thầy còn đó không. Thầy đang ở đâu?

-Vẫn ở đây, nhưng tôi sắp về rồi.

-Thầy không đợi được ạ. Thầy ở lại đi. Đã tới đây rồi, em… 

Lại mất sóng. Sóng ngoài đảo mùa này dễ chập chờn. Nhưng ở lại làm gì nữa. Thầy Huy giận dỗi đứng lên.

Đi qua chỗ “công trường đá”, thầy dừng lại. Hai cha con ông thợ đã về nghỉ trưa. Thầy nhìn đống mảnh vụn. Tảng đá nào khi chặt xong cũng có một phần mảnh mẩu nhỏ bị loại ra, như vụn vải thừa sau cắt may. Ở đâu đó có lẽ chúng đã được coi là đá thiêng, nhưng ở đây chúng vung vãi như một thứ rác. Những mảnh rác xương xác san hô.

Thầy có đọc được ở đâu đó rằng ấu trùng san hô khi mới nở trong trứng ra sẽ trôi nổi trong nước cho tới khi nó gặp được một rạn san hô để bám vào, phát triển và lớn lên. Một khi đã tấp lại nơi đâu con san hô sẽ phải gắn bó thân xác nó với rạn san hô đó suốt đời, cho đến khi nó chết đi và cả sau khi chết. Sau khi chết xương xác nó vẫn dính bám tại chỗ, làm nơi đậu lại cho những ấu trùng san hô đời sau. Cứ vậy đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, chồng chất, qua hàng trăm, có khi hàng triệu năm để hình thành một đảo đá san hô, trở thành những rạn san hô vĩ đại che chở cho lũ tôm cá dại dưới biển, rồi lại bị chặt chẻ thành những cái bẫy bẫy tôm con, rồi hao mòn, thành đồ bỏ trên bờ. Đâu là ý nghĩa. Có con san hô nào sống được muôn triệu năm để thấy suốt được hành trình này.

Lũ tôm hùm có thể không oán san hô, nếu chúng thích được nuôi trong lồng no đủ, an toàn và không cần tiến hóa. Cuộc sống tự do ngoài biển cần thiết để linh hồn tiến hóa, nhưng chẳng dễ dàng gì, đầy rình rập hiểm nguy, làm sao để không sợ hãi.

Thầy Huy cầm lên một mảnh xương xác san hô tổ tiên, thầy kính cẩn để nó ngay ngắn lên đống đá cao và cúi lạy. Nước mắt bỗng ứa ra, thầy gỡ kính xuống lau. Qua màn nước mắt thầy bỗng thấy màu trắng ruột san hô đẹp thật. Vẻ đẹp của nó không giống ngọc. Thầy thấy như nó có linh hồn.

Từ nãy, hai cha con ông thợ đã xách đồ nghề ra. Họ tò mò nhìn thầy Huy. Anh con trai che miệng nín cười. Bị họ bắt gặp, thầy Huy lúng túng ngượng ngùng bỏ đi. Đã sang chiều rồi. Không nhanh sẽ không kịp đón chuyến xe cuối. Nhưng thầy vội về làm gì chứ? Dây thần kinh lo âu thì thào run rẩy. Nó sợ những thử thách quá sức lại làm nó rối loạn bất an. Thầy bỗng cảm thấy đói. Đã lâu lắm từ ngày bị bệnh thầy không biết đói, không có cảm giác thèm cơm.

 Thầy Huy quyết định ở lại gặp đứa học trò cũ để ngày mai theo nó ra biển. Mai cũng là ngày tên bác sĩ hẹn thầy tới để hắn tái kiểm tra.

Khi nghe thông báo thầy Huy đang ở biển tìm kiếm đá thần, tên bác sĩ cười ngất. Hoang mang. Hắn nói: “Bệnh nặng rồi!”.

Còn tên học trò “đá thiêng” lại thấy vui khi nhìn thầy Huy chơi với những mẩu san hô trên đảo. Hắn mừng vì ông thầy đã chịu xa được nơi phát bệnh để tới đây với hắn.

_________________________  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vân Hạ
Số lần đọc: 880
Ngày đăng: 22.03.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mắt Phượng - Nguyễn Thỵ
Mây Cô Ban - Nguyễn Thị Kim Lan
Bán chữ - Trần Yên Hòa
Phong thư tình - Hồ Đình Nghiêm
Điểm trang - Ngô Nguyên Dũng
Mặt đất vững chãi - Vân Hạ
Nhẹ rơi bồ công anh - Nguyễn Thị Kim Lan
Cho nhau một chút an lành. - Elena Pucillo Truong
Dáng lụa - Hồ Đình Nghiêm
Thầm lặng - Nguyễn Thị Kim Lan