Truyện ngắn “Lương” mới đây của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đã gợi cho tôi một vài phân tích về truyện ngắn hiện đại. Ở một tiêu chí cơ bản của nghệ thuật viết mà tôi rất đồng tình, ấy là cách diễn đạt, sự chạm khắc và phong cách viết (Xem Nguyễn Thanh Hùng: Tri thức đọc truyện ngắn hiện đại, Văn nghệ số 28). Gần đây người ta phê phán có phần đúng rằng những mô típ truyện của tác giả trẻ này có lặp lại. Đó là những số phận hẩm hiu, những oan ức đắng cay phủ lên những tâm hồn long thiện... Nhưng tôi muốn “bênh vực” Nguyễn Ngọc Tư rằng nhà văn này không hề dám dễ dãi và thỏa mãn với danh phận cô đã đạt được trên văn đàn. Căn cứ vào văn bản cụ thể, người đọc vẫn thấy Nguyễn Ngọc Tư “xông pha” trong lao động sáng tạo, để giữ vững và phát huy những đặc sắc rất cơ bản của lối viết truyện ngắn hiện đại. Ta thử phân tích đoạn trích mở đầu truyện ngắn “Lương”
Theo một nhà lý luận, mặc dù truyện ngắn hiện đại “không nhằm vào đối tượng miêu tả”, nhưng đã lấy nhân vật làm “đối tượng” chính thực hiện chủ đề tư tưởng của mình, thì người viết phải dựng được nhân vật. Đây là một sự diễn đạt nhanh, nhưng không phải lướt bên ngoài, mà mau chóng tóm gọn chính xác một số phận gieo neo: “Lương chèo đò mướn năm mười hai tuổi. Nhà Lương nghèo, chỉ là cái chòi rách tả tơi. Lương ăn ngủ trên bến đò, nên nhà bỏ hoang hẳn. Suốt ngày quần quật trên sông mà bộ mình khẳng khiu chỉ độc cái quần xà lỏn dính đầy nhựa trong của thời làm sai vặt ở các trại xuồng”. Đấy là cách diễn đạt giống như mở đầu một cuốn phim đã “đầy nhóc” hình ảnh về đoạn đầu một cuộc đời, nhanh lẹ nhưng chất chứa. Ta thấy ở đây sức “chạy” của ngôn từ còn nhanh hơn những trường đoạn phim.
Ta nói về sự chạm khắc. Đoạn văn mở đầu dẫn trên cũng đầy tính chạm khắc. Ta đọc đoạn tiếp: ... “Bây giờ Lương đã ba mươi hai tuổi. Anh đã chèo hết thảy chín xác đò (...). Ngày trăm lượt chèo nát mặt sông từ xóm Miễu qua bến chợ, anh chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi cuộc đời, người xóm Miễu già đi, những thằng con trai, đứa con gái lấy nhau sinh ra nhiều, thiệt nhiều đứa trẻ và những đứa trẻ lớn lên... Chỉ Lương là già câng già cấc, già có thùng thiếc rồi mà vẫn chưa lấy vợ. Hỏi Lương, Lương cười hì hịch: “Tôi xấu muốn chết, ai mà thèm ưng...”. Trong nhịp điệu nhanh của cách kể chuyện, ta thấy rõ sự chạm khắc: “Chèo hết thảy chín xác đò”, “Chỉ Lương là già câng già cấc, già có thùng thiếc rồi mà vẫn chưa lấy vợ”. Những chạm khắc đầy ấn tượng cụ thể này, trong khi làm cho thưởng thức của bạn đọc đầy thích thú, đã chạm khắc số phận và tính cách của nhân vật Lương. Chịu khó, chịu thương đến nhẫn nhịn, tự ti, một lòng tốt đầy đặn như chỉ biết cho đi.
Một chứng cớ tài năng của người viết vẫn là chưa cần dài trang tốn chữ, chỉ mới đọc ít dòng đã hiển hiện một phong cách viết. Nói chính xác hơn ở đây là một bút pháp. Trong khi phân tích sự diễn đạt nhanh gọn, sự chạm khắc đầy ấn tượng bằng hình ảnh, âm thanh, ta đã phần nào nói lên bút pháp của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi có cảm giác văn Nguyễn Ngọc Tư như một làn nước chảy có độ dốc, ít va vấp, không khập khiễng. Tiết tấu văn đi xuôi thuận. Dấu ấn ấy được khắc đậm bằng những từ ngữ tự nhiên nhưng chặt chẽ, sâu sắc, không chỉ tạo hình, mà còn tạo nghĩa, hàm chứa những ngân rung cảm xúc và tư duy.
Chúng ta đọc tiếp đoạn văn mở đầu truyện ngắn “Lương”: “... Lương xấu trai thiệt. Tướng Lương nhỏ xíu, teo héo. Đầu to, tóc dày cứng, cháy nắng. Một bên mắt lé xẹ. Ai cũng cười: “Cái thằng, mày chèo mà không ngó đằng trước, ngó đâu trật lất vậy”. Lương không giận, tựa như không biết giận. Cái thân nhỏ mồ côi mồ cút, nghèo xác xơ mà bày đặt giận cuộc đời thì làm sao sống nổi. Suốt ngày Lương hệch miệng ra cười, làm như vui, làm như không”. Những câu văn viết trôi chảy tự nhiên, được cài cắm bằng người từ ngữ của đời sống, như hài hước, mà ngậm ngùi, cay đắng. Cái cảm giác ngậm ngùi, cay đắng ấy Nguyễn Ngọc Tư cũng có lúc vụng về khi lên bút thuyết minh ở một vài truyện viết không thực sự tự tin lắm. Nhưng thường thì cô cứ kể theo quy luật khách quan của văn xuôi như dẫn chứng trên đây, nhưng sự phả vào, cứa vào trái tim và tư duy bạn đọc chính là hiệu uả nghệ thuật mà bút pháp riêng của cô đã thu hoạch được.