Ăn cơm mẻ bát xứ người,
vẫn còn canh cánh góc trời chân quê.
Đó là ý nghĩ đột nhiên, bột phát đến lúc đang xem cái ảnh về Hà Nội xưa, Hà Nội cách đây cả trăm năm. Mải mê nhìn những rêu phong cổ xưa, lan man và bỗng nghĩ về làng, cái làng không phải là nơi tôi sinh ra, cũng không nhiều gắn bó, nhưng là nơi quê cha đất tổ, về nơi đó, tôi vẫn được đón tiếp như những người thân. Thực ra, tôi đâu có sống nhiều ở làng, nghĩa là ở quê ấy, ở quê mình ấy. Cái làng quê đó của tôi, bình thường, nó chỉ tồn tại trong đầu như một dấu chấm bé xíu thôi. Làng ở đây là những làng quê, nơi tôi đã được sống trong suốt mấy chục năm rong ruổi. Những nơi đó cũng là những dấu chấm bé xíu, đã tồn tại trong đầu tôi cho đến hôm nay.
Hóa ra, cái Hà Nội hào hoa cách đây cả trăm năm cũng là cái làng, mà khi nghĩ về nó, nó cũng chỉ như một cái chấm nhỏ xíu. Nhìn cái ảnh xưa, thấy Hà Nội rất “làng” và vì thế thấy yêu, yêu vì lẽ thấy nó đơn sơ, vì đơn sơ nên thấy thân thiết, gần gũi. Bởi vì lẽ, cái hào nhoáng hôm nay nó dễ trở nên xa cách. Cứ ngẫm mà xem, gặp người đơn giản, mộc mạc, chất phác, chân quê sẽ dễ nói chuyện hơn ông com-lê, kính trắng, cà vạt, cổ cồn. Đúng vậy không?
Cái nhớ làng hóa ra cũng thật giản dị, đó chính là nỗi nhớ về cái thanh bình, cái yên ả, cái ngày xưa của một miền quê yên tĩnh mà ngày còn bé tí teo, tôi được hưởng. Cái ảnh ngày xưa cho tôi nỗi nhớ đó. Đó là con đường làng bằng đất quanh co đầy cỏ dại, qua một con sông nhỏ bằng một chiếc cầu tre đơn sơ, ẽo ợt. Có thể từ đó nối dài thêm con đường, vươn ra ngoài tầm lũy tre, mắt người quê nhìn được xa hơn.
Bóng những người đàn bà váy chùng thâm, bạc màu và hình ảnh các cô gái làng chiều chiều gánh nước ngoài bến sông cho tôi nhận ra sự an phận nhưng thanh bình của người quê bên bến quê. Tôi nhớ về cái nghèo, cái nghèo cứ lộ ra từ đống rạ, đống rơm đến cái chum cái vại; từ cái chõng tre đến mái gianh tiều tụy hay vài con gà túc tắc, lẫm chẫm bới đất kiếm ăn… Cái nghèo nhìn thấy từ vài cây cau gầy guộc trơ trọi vươn lên trời như đòi sự sống, đòi ánh sáng… Cái nghèo từ mấy đứa trẻ đang nghịch đất trước sân… Cái nghèo từ bến sông với con thuyền nan cũ kỹ, nằm im ắng, nghe ngóng mặt nước lặng lờ… Ôi, nhớ thế… làng ơi… Tất cả đều toát ra cái quê mùa, cũ kỹ từ ngàn đời, nó hòa vào thân thể ta, ngấm đẫm vào máu thịt ta từ khi nào thế nhỉ? Không biết!
Nhớ về làng ngày thơ bé thì những đêm trăng sáng chơi trận giả, là không thể quên. Tổ chức được buổi chơi công phu lắm, công phu là phải chia bên địch-ta cho công bằng. Bọn trẻ choai choai đủ các loại tuổi, đứa bé nhất chỉ mới lên bốn, lên năm, đứa lớn đã gộc ghệch mười ba, mười bốn. Đứa nào cũng có công việc. Bọn nhỏ cho ở nhà làm chân lon ton, vặt vãnh như liên lạc, thằng lớn là chỉ huy, hò hét ra lệnh oai phết. Sẩm tối lò dò, lom khom đi tìm chỗ mai phục trên thảm cỏ để bắt quân địch làm tù binh, đứa nào cũng được trang bị súng bằng sống là chuối, mỗi lần cho nổ phải vuốt tay trên sống lá, phát ra tiếng kêu rốp rốp, đứa khéo tay thì tạo ra súng có tiếng kêu to và giòn. Nhiều đứa bị muỗi đốt không dám kêu, bí mật mà. Trận đánh cuối cùng là trận xung phong, hai bên địch ta ào lên, gào thét. Lá ngụy trang rung rinh, rùng rùng, roàn roạt, tiếng hô xung phong ầm cả góc trời. Rồi vật nhau, rồi bắt tù binh và hò hét. Kết quả chẳng thắng chẳng thua, chỉ có tiếng gào thét, tranh cãi của mấy thằng lớn gộc ghệch, bọn bé có đứa còn khóc vì bị ngã đau. Bây giờ nghĩ lại, thấy sao mà yêu thời trẻ thơ thế.
Ngoài ra còn nhiều trò chơi lắm. Đánh khăng, chơi đáo cũng là những trò chơi mà tôi thích. Nhưng thích hơn là bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi. Chẳng hiểu sao, tất cả bọn trẻ chúng tôi đều tin như vậy. Tôi đã dùng nhựa mít gắn vào đầu gậy, bắt được con chuồn chuồn ngô to tướng. Bắt được rồi vén áo lên, cứ dập dờn cho nó cắn rốn mà lại sợ đau. Cũng có lúc liều cho nó cắn, thấy ngưa ngứa, nhoi nhói lại vội giật ra, có lẽ vì chưa bị chuồn chuồn cắn thật đau, nên tôi không biết bơi. Sau này học bơi, cứ bì bụp, đập nước tung tóe mãi mới nhích được một chút dưới nước, cũng gọi là biết bơi.
Sau những năm tháng ngắn ngủi đó, tôi rời làng ra phố. Bọn trẻ ở phố cũng có đánh đáo, chơi khăng. Đánh đáo thì bọn phố thiện nghệ hơn, chơi khăng thì bọn quê ăn đứt bọn phố. Mấy trò đó bây giờ không còn nữa. Bọn trẻ bận học và nhiều trò tân tiến chứ không quê mùa, dân dã như bọn tôi ngày xưa. Các trò xưa của tôi đã mất theo cái làng xưa nghèo khổ rồi. Cái bến sông cũng mất, cái đồi đánh trận giả cũng mất. Người ta bảo làng quê đi lên, còn tôi thì nghĩ đến bến sông xưa, cứ thấy tiếc, tôi chỉ nghĩ đến cái đã mất. Tôi nhìn lại, chẳng thấy làng tôi nữa. Cái lũy tre làng cũng chỉ còn vài cụm thưa thớt, không ken dày đặc, râm mát cho mọi ngõ ngách bụi bặm và lổn nhổn sỏi đá, mà những đúa trẻ chân trần như tụi chúng tôi chẳng hề sợ. Nếu chẳng may đạp phải gai thì nhảy nhảy mấy bước rồi cắn răng rút ra, tuyệt không như mấy đứa thành phố, mỗi lần về cứ nhún chân, chăm chăm nhìn xuống đất vì sợ. Có thể vì thế mà tầm nhìn người làng tôi đã xa hơn?
Với tôi, nói về làng là nói về cái xưa, ẩn dấu trong tôi “làng” là cổ tích, như chuyện về công chúa và hoàng tử, như chuyện kể về phù thủy độc ác và bụt hiền hòa chuyên hiện ra giúp người khó. Làng với tôi là kho tư liệu về gia đình và hàng xóm, những cô dì chú bác và bất cứ ai, bất cứ điều gì xảy ra với người làng, cứ về hỏi “làng” là biết mọi sự. Mọi chuyện xảy ra, tôi đều có thể liên hệ với cái xưa, dẫu tôi sống ở làng không lâu, mọi người đã coi tôi là cư dân của phố thị, của những cái gì mà người ta (hay là tôi nghĩ nhỉ) nghĩ là sang hơn, giàu có hơn, văn minh hơn. Nhưng mà tôi vẫn nhớ làng, lạ là thế. Có lẽ chính vì những lý do đó mà tôi nghĩ, làng là phải cũ kỹ, cổ kính rêu phong và phải chứa đựng vô cùng tận những câu chuyện bí ẩn.
Làng với tôi cũng luôn là nơi chốn đi về, là chỗ dựa và luôn tỏa bóng mát, che chở cho cư dân của làng. Như bao làng khác ở xứ này, làng tôi có một cây đa rất to, lâu lắm rồi, các cụ ai cũng nói, từ khi sinh ra, đã có và nó cũng đã rất to. Tôi và mọi người đều rất thích ngồi nghỉ ở cây đa xum xuê, đầy những chuyện linh thiêng, sừng sững đứng ở đầu làng, nơi có bà Còng với cái chõng tre, mấy cái bát xam xám màu gio, ngồi bán nước vối.
Tôi rất nhớ bà, bà hay cho tôi những quả táo đã héo, xâu trên một cái que dài hơn gang tay hay những quả dâu da xoan cũng héo hắt, nhăn nhúm và chua loét, chẳng ai mua. Vậy mà thích lắm. Tôi ngồi ăn và nghe bà nói chuyện xửa xừa xưa, những chuyện ngày nay nhưng nghe như cổ tích và cả những chuyện chả liên quan gì đến tôi, vậy mà bà cứ kể, bà có trí nhớ tuyệt vời về mọi sự xảy ra trong làng. Bà hay liên hệ cách hành xử của người trong chuyện với những lý lẽ của chuyện cổ tích và rút ra cái điều đáng phải làm. Bà nói và tôi nghe, bà cứ nhỏ nhẹ,êm êm rót vào tai tôi. Vậy nên tôi biết rất nhiều chuyện của làng. Bà và cây đa là chứng nhân của làng tôi đấy.
Tôi nhớ nhất, sau mỗi khi bà kể chuyện cho tôi, bà lại chép miệng: kiếp người khổ lắm cháu ạ! Tôi chưa hiểu hết ý của bà, nhưng tôi thấy bà nghèo khổ mà lại tốt bụng và tôi thương bà. Bà và tôi chỉ quan hệ có thế nhưng sau này, mà mỗi khi về đến làng là tôi bồi hồi, nhớ bà rơm rớm mắt.
Thời bé, tôi có nhiều ước mơ mỗi khi nghe bà Còng kể xong một câu chuyện, tôi ước mình sẽ giống như nhân vật đáng yêu trong chuyện bà kể. Toàn ước mơ đẹp. Bà Còng có cô cháu gái sống chung, ngang tuổi tôi, tôi không mấy khi giáp mặt nó, nó lúc nào cũng bận rộn với công việc. Đất bãi ven sông và rất nhiều đất ruộng khác, là của ông nội tôi, ông cho người cùng quê cấy rẽ, có người trong họ làm quản lý, đến kỳ thu hoạch nộp tô cho ông, nó cùng người làng làm việc ở đó. Bà nhặt nó về từ gốc đa trong một đêm rét buốt, còn đỏ hỏn. Người làng bảo nó xinh mà số phận khốn khó. Và tôi từng ước, sau này lớn lên, tôi sẽ lấy vợ siêng năng và xinh như nó. Cái quan niệm “xinh” của tôi ngày đó là sự chăm ngoan, nghèo khổ và tốt bụng, như cô Tấm ấy.
Con bé tên là Mơ. Bà Còng đặt tên cho nó với ước mong nó sẽ là nguồn vui, ước vọng và mãi là giấc mơ của bà. Bà vui vì có người quấn quít bên cạnh, có người để săn sóc. Tôi sau này mới biết, nhiều chuyện bà kể cho tôi chỉ là những giấc mơ của bà, những chuyện như cổ tích mà bà “tích cóp, chắt chiu” lại từ cuộc sống. Bà cứ âm thầm như vậy sống với cái Mơ, giấc mơ của bà.
Nhưng nhớ về làng thì không thể không nhớ về những ngày mùa. Những ngày đó, làng rộn ràng, tất bật nhưng chan hòa không khí đầm ấm, vui vẻ. Những nụ cười rạng rỡ của những người chủ gia đình, những ánh mắt long lanh của các cô gái, những cặp má hây hây, đôi môi đỏ trong nhớp nháp mồ hôi mà cứ rạng ngời. Có phải những lời hẹn ước của tình yêu sau ngày mùa sẽ thành hiện thực? Nhưng đậm hơn, lan tỏa hơn là mùi thơm rơm rạ ngập tràn mọi ngóc ngách, cái mùi thơm no ấm. Lẫn với mùi rơm là mùi cơm mới bên bếp lửa, mái tranh. Mùi cơm mới có ý nghĩa đặc biệt với những người làm ra hạt lúa. Từ lâu, tôi đã nhận ra vẻ mặt hạnh phúc, tự hào, sung sướng của những người nông dân chất phác khi bưng bát cơm mới ngày mùa lên miệng. Tôi cũng còn nhận ra mùi cơm mới có mùi khác lạ, cái khác lạ của niềm hạnh phúc, dẫu chẳng bền lâu, chỉ vui chớp nhoáng trong mấy ngày mùa.
Con bé Mơ cũng tất bật trong đám trẻ đi mót lúa ngoài ruộng. Phần mót này là của riêng nó, nó nuôi gà. Đàn gà ngày mùa cũng no đủ hơn, con nào con đấy trông đều đẹp mã, béo tốt, rất ngon mắt. Cái Mơ nó đã tính bán đàn gà để may cho bà Còng cái áo bông, cái áo rất cần cho bà nó trong những ngày đông tháng giá sắp tới. Có điều buồn xảy ra với nó và cả với tôi, bà Còng mất trước khi có được chiếc áo bông mới mà nó dự định mua tặng bà. Cũng là một kiếp người, tôi nhớ lại câu nói của bà. Số bà cứ vậy lận đận đến tận khi chết. Chẳng rõ bà vui được mấy năm, từ ngày nào con bé Mơ có ý thức được về cuộc sống chung, cần có nhau, của hai bà cháu.
Sau đó, tôi ít về làng. Cuộc đời đưa tôi đi nhiều nơi. Tôi được sống trong rất nhiều làng xóm khác nhau của đất này. Tôi thấy mọi nơi đều có nét nhang nhác giống nhau. Hay là tôi đã hòa cuộc sống từ cái làng của tôi vào mọi cái làng của cả nước. Nhưng chỉ biết, mỗi khi nhớ về làng, không bao giờ tôi quên được bà Còng và cái Mơ. Tôi mong những câu chuyện như cổ tích của bà sẽ được thực hiện ở cuộc đời cái Mơ. Bà vẫn nói với tôi: “ Ở hiền gặp lành cháu ạ”.
1/11/19