Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.220.713
 
Bài chòi quê ngoại
Lê Ký Thương

 

 

Hăm ba tháng Chạp, cúng đưa ông Táo xong, cậu Tư tôi bắt đầu tắt lửa lò rèn, dọn dẹp đồ nghề, phủi tay mọi bận rộn cơm áo gạo tiền hàng ngày, dành thời gian trọn vẹn vui hưởng cái tết thanh bình: tổ chức hô bài chòi.

Cậu Tư là cháu ruột của bà ngoại, gọi ngoại tôi bằng cô. Mẹ kể: cha cậu ngày xưa “đi buôn Thượng”, bị Thượng ếm bùa ếm ngãi, chạy chữa đủ thầy đủ thuốc nhưng bụng càng ngày càng to, cuối cùng cũng không cứu nổi mạng. Ông mất, để lại hai người con trai mồ côi cha - cậu Ba và cậu Tư còn nhỏ dại. Bà đi thêm bước nữa. Ngoại đem hai cậu về nuôi, cho đi học nghề rèn, rồi dựng vợ cho. Ngoài nghề rèn, cậu Tư còn có tài nấu nướng. Bất kỳ đám kỵ giỗ nào ở nhà ngoại cậu cũng đều trổ tài. Tôi nhớ nhứt là món thịt đùm lá chuối, rồi hấp cách thủy, thơm ngon

Khoảng đầu thập niên của thế kỷ trước, dân làng Phú Ân Nam và quanh vùng phụ cận trên đoạn QL. 1 từ Thành (Diên Khánh) đến Nha Trang, chắc hẳn còn nhớ “rạp” bài chòi dựng cạnh con đường cái quan, ngả rẽ vô Miều Bà - thờ Mẹ Xứ sở tức Bà Thiên Y A na.

Thưở đó, mưa thuận gió hòa. Nhà nông một năm làm hai vụ ăn nước trời: vụ hè thu và vụ đông xuân, nên khoảng rằm tháng Chạp một số ruộng cấy sớm đã gặt hái xong, các cánh đồng đều trơ gốc rạ, đi chân trần gốc rạ đâm thốn gan bàn chân.

Trước khi bắt tay vào việc dựng chòi, cậu Tư đã đặt cọc gánh hô bài chòi ruột bên Phú Lộc. Mỗi vùng chỉ có vài gánh, nên Cậu nói phải đặc cọc trước và hứa chắc là mình tổ chức ngày nào tháng nào, nếu không thì lỡ bộ! Gánh hô là những nghệ nhân chân lấm tay bùn.

Sáng mồng 1 Tết: “Gió xuân phảng phất ngọn tre. Xin mời cô bác đến nghe bài chòi”. Cả làng trên xóm dưới đều tới dự. Người lớn thì tránh đạp (xông) đất sớm, lỡ nhà ai “rông” cả năm thì gia chủ đổ thừa. Còn con trẻ thì được dịp khoe áo quần mới. (Hồi đó, con trẻ nhà quê nghèo khó lắm, dịp tết được cha mẹ mua cho bộ pyjama sọc ngang sọc dọc là sang quí rồi, nhiều đứa trên mặc áo pyjama dưới diện cái quần xà lỏn cũ, đi chân đất).

Khi tiếng trống chầu đánh thúc liên hồi, báo hiệu sắp tới giờ khai hội, làng trên xóm dưới, già, trẻ, trai tráng nô nức đi trên đường tư ích, dập dìu màu sắc, hướng về rạp bài chòi. Có người ham mê bài chòi tới nỗi “bỏ con nó khóc cho lòi rún ra”, hay “tai nghe trống chiến trống chầu, xếp ba miếng kẹo (đậu phọng) trật đầu lộn đuôi”.

Rạp dựng trên một bãi đất trống gốc rạ. Chín cái chòi dựng hình chữ U, mặt trống hướng ra đường. Chính giữa rạp trải những vuông chiếu mới dành cho trống chiếng và những người tham gia trò chơi nếu trên chòi không đủ chỗ, ở chính giữa là cột thẻ bằng tre cái vừa tầm tay với của Thằng Hiệu.

Bài chòi ở quê ngoại có điểm đặc biệt là hoàn toàn khác với những bộ bài ở các tỉnh Miền Trung.

Người ta dùng hai bộ bài tứ sắc dán lên mỗi thẻ bài ba con theo hàng dọc. Tiếng trống chiến trống chầu vừa dứt khúc dạo đầu. “Nghe rao trống chiến, hổng khiến cũng đi. Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”. Sức hấp dẫn của bài chòi là vậy!

Trước tiên, Thằng Hiệu ra điệu múa chào sân rồi dõng dạc hát chay (vì hồi xưa, ở nhà quê chưa dùng micro): Xóc bài đã đủ, Hiệu thủ bài tì, con gì nó ra, bài ra con mấy, con mấy nào ra… Cả chòi đều hồi hộp chờ cờ ra con mấy. Lúc bấy giờ Thằng Hiệu vừa múa vừa ca với giọng trầm bổng,và rõ ràng:  “Thuyền ai thấp thoáng bên bờ, Hay thuyền ông Lữ đợi chờ con vua”. Cả chòi đoán ra là “tướng”, nhưng chưa biết “tướng” màu gì, thì liền sau đó Thằng Hiệu hô: tướng trắng. Chòi nào có tướng trắng thì gõ mõ báo hiệu, người phụ Thằng Hiệu đem thẻ bài tới tận chòi phát cho những người chơi có tướng trắng. Cứ thế, Thằng Hiệu ra bộ vừa hô, người phụ vừa phát thẻ , thẻ nào có đủ 3 quân bài trên cùng 1 thẻ thì hô: tới! Đôi khi cùng một con bài mà hai người tới. Khi đó tiếng trống chầu xổ một hồi dài. Thằng Hiệu bưng khay xưa hình chữ nhựt cẩn xà cừ, đựng trầu rượu và tiền trúng thưởng, vừa ca ra bộ vừa hô:               

            Hiệu tôi nay nhận lãnh khay tiền

            Lên tráng mã đem trao cho chòi tới...

            đi tới dâng tận tay người trúng.

Bài chòi quê ngoại gặp năm trúng mùa thì kéo dài tới mồng bảy mồng tám Tết. Có cả những nam thanh nữ tú - dân thành phố - trên đường  Thành (Diên Khánh) - Nha Trang, đi xe đạp hay vélo solex, mobilette rủ nhau tham gia môt hai hội bài chòi cùng dân làng lấy hên đầu năm.

 

Sài Gòn, 1994

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1280
Ngày đăng: 27.03.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua đèo Mã Pí Lèng - Phan Văn Thạnh
Nhớ vụn vặt về cả một gánh chịu thương chịu khó của Mẹ - Phạm Nga
Nỗi nhớ bạc màu - Phan Văn Thạnh
Cây vả vườn nhà - Trang Thùy
"Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà" - - Đỗ Quyên
Niềm Vui Sống - Elena Pucillo Truong
Bữa rượu lặng lẽ của các thầy giáo - Phạm Nga
Giữa Huế yêu thương - Trang Thùy
Cơm cháy nồi đồng - Lê Ký Thương
Về làng sình để yêu tranh làng sình hơn! - Trang Thùy
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)