Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.207.814
 
Đi chợ ma mua chiếu
Gia Bảo

Ở Đà Lạt vào ban đêm người ta đi chợ “âm phủ” để mua rau, củ... Đồng bằng sông Cửu Long cũng có chợ đêm, nhưng ở đây chỉ bán rặt một loại hàng - đó là chiếu. Và nhiều người quen gọi là “chợ ma”, bởi người mua và bán chỉ nhóm chợ vào nửa đêm, trời chưa rạng sáng là tan chợ...

 

Đêm ở chợ chiếu...

Chúng tôi đến chợ chiếu Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng  Tháp) trời đã ngả về chiều, đang loay hoay tìm đường vào UBND xã thì chú Tư (một người chạy xe ôm) đã bắt chuyện làm quen. Tôi chưa kịp hỏi, chú đã nói: “Cô tới quay phim chợ chiếu hả? Tới 11 giờ đêm mới bắt đầu nhóm chợ”. Tôi chợt nghĩ vì sao chú đoán được ý định của tôi, trong khi tôi không hề nói mình làm báo. Lân la một hồi mới biết cái ba lô to đùng tôi mang theo đã nói lên điều đó...

 

Chuông đồng hồ điểm 11 tiếng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ngược vào chợ. chiếu. Con đường ven sông Hậu với nhiều đoạn gấp khúc và đêm tối chập chờn những bóng đèn bão treo ngoài hiên nhà của các cư dân ven sông Hậu  làm tôi dợn tóc gáy. “Đúng là đi chợ ma có khác” - anh bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi thốt lên...

 

Chúng tôi đến chợ, ánh sáng ở đây cũng không khá hơn bao nhiêu so với  đường chúng tôi vào. Chỉ có ánh lập lòe của những chiếc đèn pin, thoáng lóe lên rồi lại vụt tắt. Thảo nào, nhiều người gọi đây là “chợ ma”. Trên khoảng đất ruộng chừng 250m2 người và chiếu chen lẫn nhau, tiếng gọi nhau í ới xen lẫn tiếng cười giòn giã. Và hàng chục chiếc xe máy chở chiếu đỗ bên hông chợ để “tiếp” hàng cho người nhà. Anh Lê Văn Sơn, nhà ở ấp An Lợi B nói với tôi: “Hàng đêm, tôi cùng em gái chở chiếu ra đây bán. Hết thì tôi về nhà chở thêm. Bán một đêm cũng được 20 chục đôi”. Còn chị Võ Thị Lệ Thu mới 40 tuổi, nhưng chị đã 22 năm gắn bó với chợ chiếu, một đêm bán 20 - 50 đôi chiếu, cũng kiếm lời được 1.000 - 3.000 đồng/đôi. Chị cho biết đây là nghề của tổ tiên để lại, ruộng vườn thì ít mà chiếu bán không có lời bao nhiêu chủ yếu là lấy công làm lời...

 

2 giờ sáng, người ra vào chợ chiếu tấp nập hơn, đây là lúc họp chợ cao điểm. Dưới bến sông cũng nhộn nhịp không kém. Tiếng gọi nhau văng vẳng trên sông của chủ ghe chở lác ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) và Cà Mau... người bốc lác lên bờ, người vác chiếu  xuống ghe. Và giao dịch mua bán trong chợ lúc này cũng chỉ qua ánh sáng của đèn pin, trong khi chợ có trang bị đèn ne-on hẳn hoi. Nhiều người bán chiếu cho biết khoảng 3 giờ sáng, những người thu hoa chi mới bật điện cho bán để họ thu tiền hoa chi. Lân la ở chợ đã mấy tiếng đồng hồ, ánh sáng mờ mờ ảo ảo, tôi thật sự khó khăn trong việc ghi chép tư liệu. Không biết những người mua chiếu làm sao phân biệt chiếu tốt hay xấu. Chị Bé Ba - một bạn hàng, giải thích: “Ở đây, toàn là người quen với nhau. Tui mua chiếu được 13 năm rồi, nên chỉ can lấy tay sờ là biết chiếu tốt, xấu và biết của ai làm. Không lộn được đâu, với lại người dân Định Yên dệt chiếu khéo có tiếng. Một đêm, tui mua trên 100, đôi sang lại cho các thương lái chở đi nơi khác”. Chiếu Định Yên đa dạng với nhiều loại như: chiếu trắng, chiếu vẩy ốc, chiếu con cờ, chiếu gấm, chiếu trà niên... Dệt một đôi chiếu mất 6 - 7 ký lác và mang cái hồn rất riêng của người thợ dệt Định Yên. Chính cái “trội” này đã giữ vững vị thế của chiếu thủ công Định Yên trong cái khắc nghiệt của cơ chế thị trường, bởi một số tỉnh trong vùng ĐBSCL nghề dệt chiếu đang có nguy cơ mai một. Người thợ dệt Định Yên luôn cải tiến khung dệt và cách pha màu, móc trân...

 

Chẳng hạn chiếu con cờ ở Cà Mau móc trân “long mốt” (một sợi trân đan với 1 sợi lác) thì người thợ Định Yên móc trân long hai (một sợi trân đan 2 sợi lác) và sử dụng từ 2 đến 5 màu trong mỗi khung cờ. Lẽ đó, chiếu Định Yên không lẫn với chiếu nơi khác được. Và thêm cái lạ của chợ chiếu đêm Định Yên là người mua thì ngồi, còn người bán thì đứng. Những bó chiếu dựng đứng là chiếu đó đã bán rồi, chỉ cần ánh điện bật lên là người ta vác chiếu xuống ghe. Hàng đêm, có trên 2.000 đôi chiếu ở Định Yên được chở xuôivề các nẻo đường...

 

Và chợ chỉ họp ban đêm...

 

Điều lạ là người dân ở Định Yên không trồng lác, chỉ trồng bố (đay), nhưng  nghề dệt chiếu ở đây rất thịnh. Và vì sao chợ chiếu Định Yên chỉ họp ban đêm cũng không được giải thích rõ ràng, chỉ biết do  tập tục của ông bà xưa để lại. Bác Ba Khoan năm nay đã ngoài 60 tuổi, người đã gắn bó với chợ chiếu trên 40  năm nay kể: “Lúc tôi chào đời là đã có chợ chiếu. Tôi nghe ông bà xưa kể lại do ruộng ít, cuộc sống chật vật nên họ đã đi nơi khác học nghề dệt chiếu và truyền nghề lại cho con cháu ở Định Yên. Tính ra cũng trên 100 năm rồi! Trước đây,  đường sá không có dân, dân ở đây nhóm chợ trênsông, rồi lên chùa An Phước và mới dời về chợ này hơn một năm nay.

 

Ban ngày dệt, ban đêm đi bán, đó cũng là tập quán, thành thói quen của người dân vùng này”. Bên cạnh đó, những thương lái mua chiếu cũng góp phần giữ “cái lệ” họp chợ đêm. Anh Trương Văn Diệu, ở xã Bình Thành, huyện Cao  Lãnh đã có 24 năm mua chiếu Định Yên đi bỏ mối ở khắp nơi, nhưng khách hàng quen thuộc của anh vẫn là Cái Bè (Tiền Giang) và Vĩnh Long. Anh cho biết: “Mua bán ban đêm ở đây riết cũng thành quen rồi, mua sớm đi sớm cho kịp chuyến ghe. Một đêm tôi mua trên 200 đôi chiếu và 2 - 3 giờ sáng tôi rời  bến với 500  đôi, nếu bán hết số này, trừ chi phí mỗi chuyến cũng kiếm được 1 triệu đồng”. Rồi những thương lái như ông Trần Ai, Tư Phụng hơn 20 năm theo nghề buôn chiếu ở Định Yên cũng cùng nhận định như anh Diệu. Mỗi chuyến ghe của họ mang vài ngàn đôi chiếu Định Yên xuôi về Sóc Trăng, Cà Mau...

 

Anh Đoàn Văn Võ - Chủ tịch UBND xã Định Yên nói với tôi: “Có đến 80% dân Định Yên làm nghề dệt chiếu và mua bán chiếu. Trước đây, để đảm bảo an  ninh trật tự, chúng tôi can thiệp để nhóm chợ sớm hơn, nhưng làm không được. Bởi những người bán chiếu dạo đến đây mua chiếu trong đêm rồi họ tranh thủ chở đi bán trong ngày, tối quay về mua tiếp. Ghe lớn ở các tỉnh về đây cũng  vậy, họ giải thích là mua sớm để về kịp buổi chợ sớm mai. Hơn nữa, những người thợ dệt ban ngày phải dệt chiếu, đêm đến mới rảnh đi bán và người ở xa đến đây bán  chiếu cũng kịp mua sắm hàng hóa, thực phẩm trong buổi chợ  sáng...”.

 

Trong ánh đèn pin mờ ảo ở chợ ma, tôi bắt gặp hình ảnh lụm khụm của một cụ già đang loay hoay hỏi mua chiếu. Lân la làm quen, tôi biết ông là Nguyễn Văn Sáu đã 83 tuổi, gắn bó với chợ chiếu 30 năm. Câu chuyện giữa tôi và cụ cứ trầm bổng, có lúc tôi phải nói thật to, vì ông cụ lãng tai. Thời gian 30 năm mua chiếu ở đây không có gì lạ, bởi còn nhiều người có thâm niên trong nghề mua chiếu hơn ông. Nhưng cái lạ ở đây là mỗi đêm ông chỉ mua có 3 đôi chiếu, rồi tất tả đội chiếu lội bộ hơn 10 cây số ra phà Vàm Cống quá giang xe tới Long Xuyên (An Giang), hay Thốt Nốt (Cần Thơ) để bán. Chiều ông lại quay về nghỉ một lúc, nửa đêm lại ra chợ. Một ngày chỉ kiếm vẻn vẹn 10.000  đồng, nhưng ông bảo rằng ở nhà buồn và không có cái ăn.

 

Ngoài ra, những dịch vụ đi kèm như gánh hàng nước cà phê, hủ tiếu... và những gian hàng bán phẩm màu nhuộm chiếu, bán dây trân, lác cũng nhộn nhịp không kém. năm bán màu nhuộm chiếu, cô Nguyễn Thị Thuận nói với tôi: “Chợ chiếu bán lúc nào, tôi bán lúc đó. Mỗi đêm cũng được 5 - 10 kg màu, kiếm lời cũng được 40.000 đồng/đêm”. Hiện nay, UBND xã Định Yên đã có kế hoạch trình lên tỉnh xây dựng lại chợ chiếu  kết hợp với làm du lịch để giữ nghề chiếu và giải quyết việc làm cho người dân trong xã. Bởi hiện nay,  đang có một thực trạng là có nhiều cô gái Định Yên rất giỏi nghề dệt chiếu đang ra thành phố tìm việc. Bởi ngồi ròng rã một ngày chỉ được 12.000 đồng.

 

 3giờ sáng, ánh điện trong nhà lồng chợ vừa bật lên thì cũng là lúc chợ chiếu đêm vãng khách mua và bán. Người bán trở về nhà tranh thủ chợp mắt để sớm mai tiếp tục kéo trân, chẻ lác, dệt chiếu. Những chủ ghe dưới bến sông cũng đã nhổ sào xuôi về kịp phiên chợ sáng. Cảnh đông vui, nhộn nhịp, tấp  nập kẻ mua, người bán của chợ chiếu đã tan biến nhường chỗ cho không khí tĩnh lặng của một ngày mới. Khách qua đây buổi sáng chắc hẳn sẽ không biết rằng ở đây vừa nhóm một phiên chợ ma rất độc đáo của miệt đồng đất Nam Bộ.

 

Gia Bảo
Số lần đọc: 2824
Ngày đăng: 14.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồ Biểu Chánh (1.10.1885-4.11.1958), người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, vừa đúng 120 tuổi - Trang Quang Sen
ARAGON, Một thế kỷ trong một con người - Trần Mạnh Hảo
Du lịch trang trại - Phương Kiều
Đọc tạp văn "TRỞ GIÓ" của NGUYỄN NGỌC TƯ - Lê Phú Cường
Tự truyện lên ngôi - Trần Thiện Đạo
Nguyễn Đình Chiểu nhân cách của một nhà văn hóa lớn - Nguyễn Văn Châu
Gốm đỏ vĩnh long - Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc: - Minh Thi
Hoàng Thu Dung và những "Điều không đơn giản"(*) - Cỏ May
Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng - Nguyễn Chí Hoan
Cùng một tác giả