Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.402
 
Những cánh hoa gạo cuối mùa
Xuân Tuynh

 

 

Ba mươi tháng tư, năm một nghìn chín trăm bảy lăm, giải phóng miền Nam (theo cách gọi của bên thắng cuộc), mãi giữa tháng năm năm ấy Mai mới được đơn vị cho ra quân.

Mai vừa ra khỏi Trường Sơn, nơi cô cùng đồng đội mở đường, san lấp hố bom, tải hàng... suốt chục năm trời, người gầy ốm, da đen sạm, môi thâm xì bởi những trận sốt rét triền miên. Khoác trên lưng chiếc ba lô con cóc bên trong đựng mấy bộ quân phục cũ mèm cùng vài phong lương khô, hộp thịt bạn bè gửi mang về làm quà cho gia đình. Trải qua hai ngày hai đêm ngồi trên chiếc xe tải cũ kỹ, đi ì ạch như bò trên quốc lộ 1, còn lở loét những vết đạn cày xới, những hố bom sâu hoáy hai bên đường, mãi tới chiều ngày mười sáu tháng năm Mai mới về tới nhà; về với vùng Kinh Bắc thân quen của mình. Vừa bước chân tới đầu ngõ, nhìn vào trong nhà thấy có mấy chú bác trong xóm đang đứng trong sân, còn bố đang ôm bó cỏ tranh to từ sau vườn về bỏ vào sân. Mai kêu to:

- Bố.

Ông Thuân nghe tiếng gọi, giật mình quay lại, nhìn thấy con gái, ông bỏ vội bó cỏ tranh xuống sân, kêu to:

- Con gái tôi đã về!

Mọi người dừng tay, có người đang ngồi trên nóc nhà cũng tụt xuống đứng vây quanh Mai. Người xoa đầu, người nắn tay... xuýt xoa nói: “Còn sống về được là phúc rồi. Làng này thanh niên nam nữ đi cả thảy trăm người, giờ còn sống về được chưa đầy chục. Chiến tranh chua xót quá!”

Mai rời khỏi vòng tay của bố, đưa tay áo lên lau những giọt nước mắt chảy trên gương mặt còn lấm bụi chiến trường, hỏi bố:

- Bố, mẹ con và anh cả đâu?

Ông Thuân, nghe con gái hỏi tới mẹ và anh nó, ông đứng lặng như trời trồng, hai mắt ứa lệ. Mọi người có mặt trong sân lắc đầu quay đi. Mai cầm hai tay bố lắc mạnh:

- Bố, trả lời con đi. Mẹ và anh con đâu?

Ông Thuân ôm chặt lấy thân hình nhỏ bé, gầy guộc của con gái, cổ nghẹn ngào nói trong tiếng nấc:

- Mẹ... con chết trong trận bom trút xuống đầu làng ta hồi năm bảy hai (1972), anh cả con hy sinh trong trận mười hai ngày đêm ở Hà Nội. Khi ấy anh con là tiểu đội trưởng pháo phòng không.

Nghe bố nói, Mai thét lên, xé tan màn sương mù chiều trung du:

- Trời! Sao lại nghiệt ngã thế này hỡi trời? Mẹ ơi, anh ơi! 

Mai chạy vội vào trong nhà, đứng bên bàn thờ thắp nhang khấn mẹ và anh. Trong lòng xót xa như đang đứt từng khúc ruột! Ngoài đầu làng tiếng loa phóng thanh vẫn oang oang phát những bài hát “Giải phóng Miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”... mà tâm trạng Mai thì ngổn ngang, rối bời.

Mấy hôm về nhà có bao chuyện buồn đến với Mai, Mai không để ý tới cây gạo đầu xóm mà Mai và và bạn trồng từ ngày còn học cấp hai, giờ nó đã cao to, vươn rộng cả một khoảng trời. Mai trèo lên hái hai chùm to về đặt lên bàn thờ thắp nhang cho mẹ và anh. Ông Thuân nói:

- Từ ngày con đi xa nhà, mỗi khi nhớ con mẹ con lại ra đắp đất cho cây gạo. Tới mùa gạo ra hoa, mẹ con cùng bà con trong xóm rủ nhau ra ngồi dưới gốc cây gạo ngắm hoa, nhắc nhớ về con, về bọn thanh niên nam, nữ trong làng chiến đấu ngoài mặt trận. À mà cái bài thơ: “Hoa gạo” con gửi về bố vẫn cất kỹ trong rương ấy.

Mai nghe bố nhắc đến bài thơ Hoa gạo, bỗng reo lên:

- Vui quá! Bố còn giữ hả bố? Đấy là kỷ niệm Mạnh tặng con ở Trường Sơn đấy, ngày chúng con mới yêu nhau.

Ông Thuân mở rương lấy bài thơ đưa cho Mai, Mai cầm bài thơ đã úa vàng theo thời gian khe khẽ đọc:

Tháng ba hoa gạo tươi

Thắp lên đốm lửa giữa trời cao xanh

Hoa gạo là trái tim anh

Gửi cho em tấm lòng thành thiết tha...

Bài thơ dài nhưng Mai chỉ tâm đắc khổ đầu.

***

Sau một tháng nghỉ, phụ công việc nhà với bố, Mai thấy người khỏe trở lại, da thịt hồng hào, khác hẳn ngày đầu mới về. Mai xin phép bố về Hà Nam, thăm gia đình Mạnh. Ông Thuân, sáng dậy sớm, nấu xôi, nắm cho Mai một nắm xôi to mang theo ăn đường. Ông dặn dò con:

- Từ đây đi Hà Nam ngót trăm cây số, con đi cẩn thận, thời buổi nay không hiếm kẻ lừa gạt.

- Dạ. Con biết mà bố.

Mai lên xe đạp đi trong nắng sớm, những giọt sương đêm còn ướt đẫm hai bên bờ đê như muôn vàn viên ngọc lấp lánh. Trong xóm ngoài làng, bà con hợp tác xã đã kéo nhau ra đồng làm cỏ lúa xuân hè.

Xuống đến Hà Nội, tàu nhanh đã vừa đi chừng ba mươi phút, Mai phải ngồi chờ đi tàu chợ, xe đạp gửi nhà người quen ở gần ga. Ngồi đợi mãi tới mười giờ mới có tàu, tàu đông người ngồi chật cứng, Mai khó khăn lắm mới tìm được một chỗ ngồi. Từ Hà Nội về Phủ Lý có năm mươi cây số mà tàu phải đi mất hơn hai giờ đồng hồ mới tới nơi. Lúc này đã quá ngọ, Mai muốn tìm đường đến thị xã Thanh Hà, quê của Mạnh theo địa chỉ Mạnh viết vào sổ tay của mình. Kẹt một nỗi lần đầu về đất Hà Nam lạ nước, lạ cái, chưa biết hỏi thăm ai đường về Hà Thanh. Mai đang đứng trước cửa nhà ga phân vân không biết đi về hướng nào. May quá có một anh bộ đội từ trong nhà ga bước ra, lưng đeo ba lô, tay phải xách chiếc khung xe đạp, Mai nhìn biết anh này mới trong Nam ra, thanh niên xung phong gặp bộ đội chẳng khác nào gặp người thân. Mai liền vồn vã hỏi:

- Anh bộ đội, anh về đâu?

- Tôi về gần đây. Đồng chí là...

- Em là thanh niên xung phong Trường Sơn.

- Lính binh trạm nào?

- Binh trạm 20 đường Chín.

Vậy cùng chung một binh trạm rồi. Tôi là lính pháo cao xạ. Chị về mô mà còn đứng đây?

Tôi về xã Thanh Hà thăm gia đình người thân.

Người thân hay... người thương? - Người lính nhìn Mai mỉm cười tủm tỉm.

Anh hiểu thế nào cũng được - Mai hơi đỏ mặt.

Tôi cũng người Hà Thanh, đi với tôi. Đây về đó chừng ba cây số thôi. Chúng ta cùng nhau đi bộ, lính Trường Sơn sợ gì.

Hai người vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ quên đi cái nắng tháng tư oi bức. Mai hỏi:

Anh tên gì, cho em biết để xưng hô cho tiện?

Tôi tên Hùng, Hùng Lém, bởi ở đơn vị tôi là người hay nói nên anh em đặt cho biệt danh Hùng Lém. Còn chị tên gì?

Tôi tên Mai, anh Hùng cứ kêu tôi bằng em, anh kêu chị tôi ngượng lắm.

Hùng mỉm cười:

- Ok. Mai về thôn Hạ thăm nhà ai?

- Mai về thăm gia đình anh Mạnh.

- Mạnh con bà Hiền?

- Đúng rồi. Sao anh Hùng biết?

- Mạnh và tôi học chung một lớp từ cấp 2 lên cấp 3 và cùng nhập ngũ một đợt. Hùng sẽ đưa Mai về tận nhà.

- Vậy thì tốt quá!

Hùng và Mai vừa bước vào đầu ngõ, bà con trong xóm đã reo hò: “Anh Hùng, con bà Vạn - ông Tú đã về, còn dắt theo một cô bộ đội xinh đẹp nữa...”.

Ông Tú - bà Vạn chạy ra tận cổng đón con, tay bắt mặt mừng. Bà Vạn dắt tay Mai vào nhà, ông Tú đỡ chiếc ba lô nặng trên lưng Hùng. Mọi người cùng vào nhà cười nói vui như Tết. Hùng giới thiệu Mai với cha mẹ cùng mọi người, khi ấy mọi người mới hiểu Hùng và Mai chỉ là bạn bè, là đồng đội.

Cơm nước xong, Hùng lấy xe đạp chở Mai xuống nhà Mạnh.

Nhà Mạnh - một ngôi nhà tranh vách đất, nằm sâu trong ngõ nhỏ, xung quanh những ngôi nhà ngói trắng. Nhìn vào trong nhà thấy vắng vẻ, Hùng lên tiếng gọi:

- Trong nhà có ai không?

Nghe tiếng người gọi ngoài cổng, bà Hiền ở trong nhà mở cửa bước ra, chợt nhìn thấy một cô, một cậu bộ đội, bà đứng sững trước cổng, đưa tay lên dụi mắt. Hùng nhìn bà Hiền liền reo lên:

- Bác Hiền, bác không nhận ra con sao? Con là Hùng ở làng Thượng, bạn học với Mạnh, bác không nhận ra con sao?

Bà Hiền nhìn Hùng một hồi lâu mới lên tiếng:

- Anh Hùng đấy à? Khác quá bác không nhận ra. Anh về khi nào? Còn cô gái...

- Con vừa về, cô gái này là người yêu của Mạnh, tên là Mai, Lê Thị Mai, mới từ Hà Bắc ra đây, chúng con gặp nhau ở ga Phủ Lý, con đưa Mai về thăm bác.

Bà Hiền ngắm nhìn Mai từ đầu đến chân rồi chạy lại nắm tay Mai và Hùng dắt vào trong nhà, bà nghẹn ngào chỉ lên bàn thờ mếu máo nói:

- Thằng Mạnh nhà bác hy sinh rồi các cháu ạ!

Hùng và Mai nhìn lên bàn thờ thấy hình Mạnh, thời còn nhỏ, hai người không nhận ra đó là Mạnh. Hùng và Mai đi đến bên bàn thờ thắp nhang, cả hai nhạt nhòa trong nước mắt. Thắp nhang, khấn vái xong, quay ra nói với bà Hiền:

- Bác thờ di ảnh Mạnh thuở nhỏ, con nhận không ra?

- Bác chẳng có tấm hình nào của Mạnh, may mà còn tấm hình chụp khi Mạnh hai tuổi, chị nó kêu thợ chụp hình trên thị xã về chụp, còn giữ được mãi đến giờ.

Lúc này đã năm giờ chiều, ánh hoàng hôn nhuộm vàng trước sân nhà, Hùng xin phép bà Hiền và Mai ra về. Hùng nói:

- Muộn rồi con xin phép bác về, Mai ở lại với bác, khi nào Mai về, báo cho Hùng biết, Hùng đến chở ra ga.

Bà Hiền cùng Mai tiễn Hùng ra tận đầu làng.

***

Trong những ngày ở với bà Hiền, tình cờ Mai phát hiện phía sau nhà bà cũng có cây hoa gạo cao lớn, mỗi buổi sớm Mai ra sau vườn hái hoa gạo về đặt lên bàn thờ. Bà Hiền nói:

- Con yêu hoa gạo lắm phải không? 

- Dạ. Thưa mẹ con rất yêu!

- Cây gạo đấy là thằng Mạnh trồng trước ngày nhập ngũ đó.

- Vậy hở mẹ. Sao lại có sự trùng hợp vậy?

- Con bảo trùng hợp là cái chi trùng hợp?

- Dạ thưa, ở nhà con ngoài đầu ngõ xóm, trước khi đi Thanh Niên xung phong con cũng trồng một cây gạo, giờ nó cũng cao to như cây gạo anh Mạnh trồng.

Bà Hiền mỉm cười:

- Vậy là duyên số rồi đấy con.

 

Mai ở chơi với bà Hiền một tuần lễ, Mai thuê người về lợp lại mái nhà dột và trát lại những chỗ bức vách lâu ngày bị sụt lở. Hằng ngày cùng bà Hiền làm lụng, chăm bón vườn rau, cây trái quanh nhà, buổi tối hai mẹ con nằm tâm sự. Mai kể cho bà nghe về Mạnh, về đồng đội những năm chiến đấu gian khổ ác liệt ở Trường Sơn. Bà Hiền nghe chỉ biết thương cảm và khóc cạn cả nước mắt. 

- Các mẹ ở hậu phương đâu hiểu hết các con ở chiến trường khổ cực nhường vậy!

Mai nói:

- Con không tin anh Mạnh hy sinh mẹ ạ. Anh Mạnh là người kiên cường, dũng cảm; một người cán bộ đại đội trưởng mưu trí không dễ gì chết được. Linh tính mách bảo với con Mạnh còn sống, một ngày nào đó anh Mạnh sẽ về với mẹ, với con.

- Mẹ cũng hy vọng điều con nói là sự thật.

***

Chia tay bà Hiền, Mai về quê sống làm việc phụng dưỡng bố. Ông Thuân lúc này đã bước sang tuổi bát tuần, lại có bệnh cao huyết áp. Ông Thuân khuyên con xây dựng gia đình nhưng Mai không chịu. Mai nói với bố:

- Con lớn tuổi rồi, ai người ta lấy, hơn nữa con vẫn có linh cảm Mạnh còn sống, biết đâu một ngày nào đó anh về, con biết nói sao với anh.

Ông Thuân nghe con nói vậy, đành chiều theo ý con:

- Con đã nói vậy thì tùy con. Bố già rồi, chẳng còn sống được bao, cuộc đời con, số phận con, con tự định đoạt lấy.

- Con cảm ơn bố, bố đã hiểu cho con.

Từ đó, ngày làm lụng, chăm lo ruộng vườn, tối về đọc sách. Mai rất yêu thích sách văn học. Đặc biệt văn học viết về chiến tranh như “Bến không chồng” của nhà văn Dương  Hướng; “Sống ở đáy sông” của Lê Lựu; “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh...

***  

Về Mạnh, sau buổi chia tay với Mai ở Dâu Miếu, đại đội của Mạnh được điều vào tăng cường cho một trung đoàn chủ lực ở mặt trận Tây Nam. Đầu năm một nghìn chín trăm bảy ba (1973), trong một trận đánh không cân sức với quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở Tây Ninh. Về phía quân địch có cả một sư đoàn thủy quân lục chiến được trang bị hùng hậu, xe tăng, pháo các loại, có cả máy bay yểm trợ. Về phía ta chỉ có một tiểu đoàn trang bị chỉ có súng AK, lựu đạn, súng B40 và súng cao xạ 12 ly 7. Một trận đánh không cân sức, lại rơi vào một địa hình bất lợi, quân ta bị bao vây tứ phía, không có đường rút và tiếp viện bên ngoài vào không được. Chỉ còn một phương án là cố thủ chiến đấu đến cùng. Sau hai ngày hai đêm chiến đấu cam go, cả tiểu đoàn bị thương vong, bị hy sinh chỉ còn một phần tư quân số. Sau nửa ngày chiến đấu tiếp theo, quân ta bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn ba người sống sót, chạy được vào sâu trong rừng già Tây Ninh - nơi tiếp giáp với nước bạn Căm-pu-chia. Trong số đó có Lê Viết Mạnh. Sau ba ngày sống trong rừng thiêng nước độc, hai người bị thương nặng đã hy sinh, một mình Mạnh sống sót, anh phải hái hoa quả, đào củ mài ăn sống qua ngày. Do địa bàn xa lạ, không quen thuộc nên Mạnh không tìm được lối ra. Anh kiếm được một chiếc hang sâu, to lớn, ngày ở bên ngoài tìm kiếm thức ăn, tối vào hang ngủ. Để đề phòng thú giữ tấn công, Mạnh dùng cây rừng đan thành một tấm phên làm cửa vững chắc, trên tấm phên Mạnh kiếm những vỏ hộp treo vào, nếu có con thú nào đụng vào vỏ hộp kêu, báo động cho Mạnh biết, anh liền nổ súng tiêu diệt. Mạnh khi lạc trong rừng có giữ được một khẩu AK với hai băng đạn, ngoài ra còn bốn băng đạn và hai quả lựu đạn của hai chiến sĩ hy sinh để lại.

Suốt bốn năm lạc trong rừng, từ cuối năm bảy ba đến năm bảy mươi bảy, Mạnh đã thành một người rừng, râu tóc mọc dài đến ngang thắt lưng, da đen sạm như gỗ mun, áo quần rách hết, chỉ còn mỗi một chiếc quần đùi, cũng thủng nhiều chỗ. Mạnh lâu không giao tiếp với ai, tiếng nói cũng quên, chỉ biết hú như tiếng thú gọi bầy trong rừng. Hòa bình đã hơn hai năm mà Mạnh không biết, cứ tưởng vẫn còn chiến tranh.

Một buổi sáng tháng năm, năm một nghìn chín trăm bảy mươi bảy (1977), một tiểu đội bộ đội biên phòng trong khi đi tuần tra sâu trong rừng phát hiện ra có khói bốc lên trong một cái hang, sau rừng cây săng lẻ, tiểu đội trưởng ra hiệu cho toàn tiểu đội súng đạn lên nòng tiến lại gần, vạch cửa hang nhìn vào thấy có người mình mẩy lông mọc um tùm. Nghe tiếng động bên ngoài cửa hang, Mạnh cầm súng lên đạn, sẵn sàng chiến đấu, tiểu đội trưởng lên tiếng quát lớn:

- Ai ở trong hang ra ngay, chúng tôi là bộ đội Biên Phòng Việt Nam, chống đối chúng tôi tiêu diệt ngay.

Mạnh liền đáp trả:

- Tôi là bộ đội Cộng Sản, nếu các người là ngụy quân Sài Gòn thì ta chiến đấu đến cùng.

Cả tiểu đội lùi ra xa cửa hang chừng vài mét để hội ý, nhận định đây không phải địch, mà là bộ đội ta bị lạc trong rừng, chúng ta phải có trách nhiệm đưa người này về đơn vị. Hội ý chớp nhoáng xong, cả tiểu đội quay lại cửa hang, tiểu đội trưởng đưa hai tay lên miệng hướng vào trong hang nói to:

- Chúng tôi là bộ đội  Biên Phòng, bộ đội Việt Nam dân chủ cộng hòa, không phải lính ngụy quân Sài Gòn, đất nước hòa bình rồi, nếu là quân giải phóng bị lạc hãy ra đi, chúng tôi bảo vệ an toàn.

Mạnh giơ súng lên cao, ra khỏi hang. Mấy chiến sĩ thấy Mạnh giống người rừng, lùi ra xa. Tiểu đội trưởng tiến lại thu vũ khí, mời Mạnh ngồi xuống hỏi chuyện:

- Anh tên chi, trước ở đơn vị mô, bị lạc trong hoàn cảnh nào?

Mạnh đưa tay gãi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu mới chậm chạp nói:

- Tôi là Mạnh, quê miền Bắc, chức vụ đại đội trưởng, đội ba, tiểu đoàn hai, trung đoàn một miền Tây bị lạc trong trận chiến cuối năm một nghìn chín trăm bảy ba (1973) ở Tây Ninh. Tôi trước đây là lính Trường Sơn được tăng cường vào nên không quen địa hình. Khi đơn vị chiến đấu hy sinh hết, còn mình tôi sống sót rồi bị lạc.

- Bây giờ chúng tôi đưa anh về đơn vị.

Mạnh mừng vui: 

- Cảm... ơn... các đồng... chí!

Về đơn vị, Mạnh được đưa lên gặp ban chỉ huy đại đội, đại đội trưởng Mẫn hỏi thăm ân cần rồi cho Mạnh đi hớt tóc, tắm rửa sạch sẽ, Mạnh được phát một bộ đồ mới, nghỉ ngơi ăn uống sau hai ngày đại đội đưa Mạnh lên gặp ban chỉ huy bộ đội Biên Phòng tỉnh Tây Ninh. Lên gặp ban chỉ huy tỉnh, rất may Mạnh gặp lại được trung đoàn phó, trung đoàn hai khi xưa của mình là Nguyễn Hữu, Nguyễn Hữu bây giờ là chỉ huy trưởng bộ đội Biên Phòng tỉnh. Hai người gặp lại nhau tay bắt, mặt mừng, họ ôm lấy nhau thân thiết. Chỉ huy trưởng nói với lãnh đạo trong ban chỉ huy:

- Giới thiệu với các đồng chí đây là Lê Tiến Mạnh, một đại đội trưởng chỉ huy giỏi, dũng cảm. 

Mạnh được chỉ huy trưởng bộ đội Biên Phòng tỉnh Tây Ninh xác nhận là cán bộ của trung đoàn Hai Tây Nam Bộ năm xưa, về điều dưỡng ở trại an dưỡng Tây Ninh. Qua một tháng an dưỡng, sức khỏe Mạnh bình phục, cấp trên có ý định đưa Mạnh đi học trung cao, nhưng Mạnh thương mẹ già không ai chăm sóc; mặt khác nhớ tới Mai, người yêu, không biết giờ Mai ở đâu? Mạnh xin với cấp trên được về phục viên. Được cấp trên chấp thuận, đầu năm một nghìn chín trăm tám mươi Mạnh về phục viên.

Một sáng tháng tư năm tám mươi, Mạnh khoác ba lô về đến nhà làm mọi người ngỡ ngàng, có người nói, hồn ma của Mạnh hiện về. Mọi người sợ không dám tới gần. Chỉ bà Hiền nhận ra đúng là con mình bằng xương, bằng thịt chứ không phải ma, bà chạy lại ôm chầm lấy con.

Sáng hôm sau Mạnh ra xã xuất trình giấy tờ. Lãnh đạo xã không chấp nhận Mạnh về là quân nhân phục viên. Lãnh đạo xã nói: “Anh đã hy sinh, giấy báo tử của tỉnh gửi xã, chúng tôi không chấp nhận bất cứ giấy tờ nào khác, trừ khi có giấy tờ của tỉnh. Không được xã chấp nhận đồng nghĩa với không có hộ khẩu, không có đất canh tác, không có sổ gạo và tem phiếu. Vậy thì Mạnh sống bằng gì?

Cuộc chiến bây giờ mới bắt đầu với bọn “cường hào mới” ở địa phương. Xã lúc này có gã Chu Văn Quýt, gã cùng tuổi với Mạnh, khi xưa gã học dốt, hai năm chưa qua một lớp. Hắn thù Mạnh năm học lớp bốn không cho hắn cóp bi môn toán, làm cho gã trượt không vào được lớp năm. Học hết lớp bốn, hắn bỏ học, trốn nghĩa vụ quân sự ở nhà, chẳng biết sao giờ gã là thường vụ xã ủy, trưởng công an xã. Một quyền sinh, quyền sát trong xã, hắn muốn bắt ai thì bắt. Hắn cho thuộc hạ loan tin Mạnh là kẻ chiêu hồi, làm cho cả xã nghi kỵ Mạnh; xa lánh Mạnh. Mạnh vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi từ huyện lên tỉnh... nơi nào cũng bị từ chối, bởi nhẽ ở huyện, tỉnh chỗ nào cũng có người anh em ruột thịt của gã che chắn. 

Mạnh sống trong uất ức, tủi nhục mà không biết bày tỏ cùng ai. Đây là một cuộc chiến âm thầm mà quyết liệt, nó làm cho bao người dân khổ đau.

***

Mạnh có ý định sau khi về, có công việc ổn định mới về Bắc Ninh gặp gia đình Mai và tổ chức cưới hỏi đàng hoàng. Nhưng xã làm tới mức này, Mạnh quyết định về Bắc Ninh  gặp Mai ngay. Mạnh đang chuẩn bị đồ đạc để sáng mai đi sớm thì người em họ làm việc ở xã đoàn Hà Thanh vội vã đến nhà báo tin: Anh phải đi ngay thôi, gã Chu Văn  Quýt sáng mai cho người tới bắt anh đó. 

Được người em họ báo, Mạnh lập tức từ giã mẹ đi ngay trong đêm.

Về Bắc Ninh gặp được Mai, hai người mừng vui khôn xiết. Bố Mai, ông Thuân, lần đầu gặp mặt con rể tương lai, ông vui mừng, nét mặt rạng rỡ nhìn ông trẻ hẳn ra. Nghỉ ở nhà mấy hôm, Mai và Mạnh ra xã làm giấy kết hôn. Ra xã, tình cờ Mạnh gặp được Thuyết, người em kết nghĩa của Mạnh, ngày ở chiến trường Khe Xanh. Thuyết là đại đội phó, cấp dưới của Mạnh, hai lãnh đạo luôn hợp ý nhau, chỉ huy nhiều trận thắng giòn giã. Thuyết nay là chủ tịch xã, gặp được Mạnh, Thuyết mừng lắm! 

Thủ tục kết hôn diễn ra nhanh chóng, Thuyết mời vợ chồng Mạnh ra nhà hàng phố huyện chiêu đãi đặc sản của sông Cầu.

Sau đó đám cưới của Mạnh và Mai diễn ra tốt đẹp, Thuyết đã huy động cả xã đoàn ra giúp. Mạnh và Mai vui lắm!

Đêm tân hôn như các cặp hôn nhân trẻ thì phải là một đêm tràn đầy hạnh phúc. Nhưng giữa Mạnh với Mai thì có bao điều trăn trở. Mai ôm lấy Mạnh nói trong tiếng nấc:

- Anh à, không biết số phận vợ chồng mình sẽ ra sao. Chúng ta, cả hai đều trải qua những năm tháng sống ở chiến trường và cả hai hẳn không khỏi bị nhiễm chất độc màu da cam, nếu khi chúng mình sinh con, con của chúng mình bị nhiễm chất độc đi-ô-xin giống mấy đứa bạn của em thì sao anh?

- Anh cũng nghĩ đến điều đó. Nhưng biết làm sao được em. Tất cả đều do chiến tranh, một cuộc chiến tranh ghê sợ, có bao người dân Việt hy sinh, kể cả hai bên chiến tuyến.

Mạnh vuốt nhẹ lên mái tóc mềm, óng mượt của Mai, giọng trầm buồn:

 -  Em ạ, nỗi đau của chiến tranh còn ám ảnh những người lính chúng ta đến bao giờ? Anh chẳng quên những tháng năm gian khổ mở đường, thồ những xe hàng nặng hàng tạ qua cua Chữ A, qua Đèo Gió... Anh nhớ câu thơ: “Mọi cuộc chiến tranh không có kẻ thắng người thua. Chỉ nhân dân là thất bại”(*).

Hai người ôm nhau thức trắng đêm. Sáng ra khi mặt trời lên cao mới ra ngoài, đón ánh bình minh, ngắm cây hoa gạo, nhưng sáng nay bỗng dưng trời đổ mưa, trận mưa đầu hạ làm những cánh hoa gạo cuối mùa rơi xuống đất đỏ như mầu máu!

Tháng 4-2020

-----------------

(*) Ý thơ của Nguyễn Duy.

 

 

 

Xuân Tuynh
Số lần đọc: 1297
Ngày đăng: 10.04.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quán rượu - Nguyễn Thỵ
Cuộc chạy đua với thời gian. - Elena Pucillo Truong
Sau mù sương - Nguyễn Thị Kim Lan
Nhớ làng - Vinh Anh
Đá thiêng - Vân Hạ
Mắt Phượng - Nguyễn Thỵ
Mây Cô Ban - Nguyễn Thị Kim Lan
Bán chữ - Trần Yên Hòa
Phong thư tình - Hồ Đình Nghiêm
Điểm trang - Ngô Nguyên Dũng