Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.156
123.224.921
 
Nhà toàn con gái
Nguyễn Đại Duẫn
 

 

Tuy là  gái nhưng ông Tín lại đặt tên con là Ngọ. Ông nói. Đặt tên con ngựa cho nó chạy nhảy đây đó, chứ như ông ở cái “xó xỉnh” khỉ ho cò gáy này, nhạt quá.

Căn nhà lâu nay bình yên. Từ khi Ngọ sinh ra ngày nào cũng om sòm tiếng vợ chồng cãi nhau. Tiếng ông Tín: “ Bà không biết đẻ thì tôi đi nhờ người đẻ hộ”. Bà Thanh cũng không vừa: “Ai rước được ông cho tôi nhờ, ngày nào cũng say, cũng xỉn ai mà chịu thấu”. Ngày qua tháng lại “tiếng bấc tiếng chì” giữa hai người cũng thành quen.

Hương là con cả, có khuôn mặt thanh tú, đôi môi lúc nào cũng mộng đỏ như dưa hấu, mắt lá răm ươn ướt, nước da trắng nõn nà. Mỗi lần đi học vén quần lội qua suối, bọn con trai  mắt cứ trợn ngược lên, nuốt không khí ừng ực.  Lại thêm có giọng hát hay, trong trẻo. Giọng dân ca của Hương bay cao, bay xa mỗi khi lên biểu diễn trước trường, ai cũng tấm tắc khen. Nhưng tính đanh đá của Hương cũng không vừa. Hương thường cãi lại bố khi nghe những lời bố nói không thuận. Dám đánh nhau với cả con trai trong lớp. Hạnh kiểm không khi nào đạt được loại tốt. Bà Thanh hay than phiền về Hương. “Mặc! Bà có sống cho mình đâu!”  Nhiều khi Hương thốt lên những câu đại loại như thế…

Hoa là con thứ, tính tình hiền lành, ít nói. Cái nốt ruồi bên mép mỗi khi cười tạo nên cái nét duyên ngầm cho mấy chàng học lớp trên  trêu chọc. Bị trêu chọc là phận gái, Hoa bỏ qua .

Chăm chỉ học tập, miệt mài kinh sử, hay lam hay làm là bản tính của cô. 

Quý  thứ ba. Ông Tín  bảo đặt tên Quý cho chúng nó khỏi buồn, chứ cái ngữ toàn “vịt giời” thì quý hóa gì. Càng lớn, Quý biết bố nói cho bỏ tức chứ bố cũng thương mấy chị em lắm. Quý là người vui tính, lúc nào cũng cười. Ai có mắng nhiếc cũng, chê bai cũng cười. Nụ cười của Quý lúc nào cũng rạng rỡ.

Bốn chị em lớn lên trong sự yêu thương của mẹ, sự hằn học vì không có con trai của bố; cứ lớn lên như cây măng mọc chen chúc , ấm áp trong bụi tre bên bờ suối.

Quê Ngọ, đồi núi nhiều hơn ruộng, sắn ngô nhiều hơn lúa. Cứ chiều chiều mấy chị em hái củi về đi ngang qua suối, rửa mặt ngắm nhìn thân hình bên dòng nước trong vắt  mà tự hào với làn da trắng trẻo mịn màng của tuổi dậy thì. Hương lúng liếng ánh mắt trên dòng suối rồi cất lên một làn điệu dân ca. Lời hát hòa vào tiếng róc rách của dòng suối, dội vào vách đá nghe như tiếng loa phóng thanh trên sân khấu. Hoa bảo: “ Chị cả sau này đi thi giọng hát hay thế nào chả được giải!”. Quý đùa: “Chị cả mà đi thi giọng hát hay thì thế nào chả  được giai!”  rồi cười như nắc nẻ. Mất cả hứng Hương thôi không hát, lấy tay khoát nước làm Quý ướt hết. Mấy chị gánh củi về. Ngọ  lẽo đẽo theo sau mang một bao sim chín. Thế nào mai mẹ đi chợ bán có tiền rồi mua cho mỗi đứa một tập vở, sắp khai giảng năm học mới rồi.

Như thường lệ, cứ mỗi sáng, sau khi gà ra chuồng là ông Tín  dậy. Hôm nay, ông dậy sớm hơn mọi ngày. Chân vừa chạm đất, ông lớn tiếng:

- Mấy “con vịt giời” đâu rồi! Dậy đun cho bố ấm nước chè xanh nhá! Sáng nay các cụ, các bác, các chú…trong xóm sang nhà ta uống nước chè đấy nhé!

Không hiểu từ bao giờ, như một thông lệ, cứ thay phiên nhau, mỗi nhà sáng nấu ấm chè xanh, nồi khoai lang rồi mời cả xóm. Họ uống nước, ăn khoai, hút thuốc lào phả khói đầy nhà. Chuyện trên trời dưới đất chán chê rồi giải tán về làm đồng. Sáng nay đến phiên ông Tín. Từ sớm, mấy chị em đã dậy quét nhà, lau ấm chén, sắp xếp lại đòn ngồi cho ngay ngắn, rồi bê rổ khoai đang nghi ngút bốc hơi lên nhà để bố tiếp khách.

Ông Ba,   người đến sớm nhất cất tiếng:

- Chú Tín đâu rồi? Chà! Nhà cửa tinh tươm sạch sẽ quá. Đẻ toàn con gái lúc này mới thấy sướng làm sao! Mấy thằng quí tử nhà tôi không bằng cái móng tay của con gái chú!

- Này! Bác “chỉ trích” tôi đấy à? Ừ ! Nhà tôi toàn con gái thì đã sao. Bác đừng có chọc tức tôi đấy nhé! Nhà bác toàn con trai nên nói cạnh, nói khóe  tôi chứ gì? Bác có nghe người ta nói: “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là sao không đấy hả? Thế là hai người to tiếng với nhau…Bà Thanh can ngăn thế nào hai ông cũng cứ lời qua tiếng lại. Khi các cụ, các bác… trong xóm lần lượt sang nhà thì hai ông mới hết cãi nhau. Ông Năm nghe chuyện cũng chen vào:

- Hai bác cãi nhau làm gì cho mất cái tình. Người ta nói “ngũ nữ bất bần” đấy thôi! Bác Tín cố đẻ lấy một đứa nữa cho đủ ngũ nữ  nhé! Ông Tín ấm ức lắm, nhưng nhịn vì đang có khách. Vậy là cuộc vui chùng xuống. Ai cũng đăm đăm, khó chịu. Rồi mọi người lặng lẻ ra về.

Ngọ cũng lờ mờ hiểu câu: “ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nên cũng buồn. Cứ nghĩ, sao các ông cứ  trọng nam, khinh nữ đến thế. Như trong sử sách có viết đến Bà Trưng, Bà Triệu là nữ mà đánh Đông, dẹp Bắc làm cho quân giặc nhiều phen khiếp vía đấy thôi!  Người buồn nhất vẫn là bà Thanh. Mọi tức giận của ông Tín rồi sẽ đổ lên đầu bà mà thôi.

Lớn lên, Ngọ ước ao, giá mình có một người anh để khi bọn con trai bắt nạt thì có anh che chở hay có một đứa em trai để được yêu thương, chiều chuộng . Nhiều lúc ngẫu hứng Ngọ muốn nói với mẹ, nhưng từng ấy chị em đã làm bà vất vả lắm rồi. Ông Tín thì sáng cầm cuốc lầm lũi ruộng vườn, tối về xỉn rượu nói oang oang, chẳng cho ai nghỉ ngơi gì cả. Bà Thanh, tinh sương nấu nướng xong đòn gánh lại oằn cong xuống chợ bán mớ rau, trái bí lấy tiền. Chiều lam lũ ruộng đồng, tối về nghe chồng ca bài ca muôn thưở.

            Hương không thi vào cấp 3 . Hương bảo, đi học xa nhà phải ở nội trú nên không thích. Ở quê Hương, đi học cấp 3 trường huyện xa nhà gần ba chục cây số, đường rừng quanh co, lội suối trèo đèo  vất vả lắm. Lại phải ở nội trú. Hằng tuần đi bộ,  tiếp tế gạo, muối, lỉnh kỉnh quần áo nên cũng cực. Tính Hương chỉ thích trau chuốt, ăn diện. Tuy nhà nghèo nhưng cũng tập son phấn, đàn hát. Bà Thanh chẳng than phiền gì vì Hương cũng đảm đang gánh vác việc nhà chứ không quá ham chơi. Ông Tín  lúc nào cũng mắng: “ Cái ngữ ấy làm gì mà ăn, chỉ có cạp đất!”. Mỗi lần bố mắng, Hương nhìn bố lườm một cái, cặp mắt sắc như dao cau. Rồi Hương xuống phố huyện bán cà phê và hát cho khách.

            Hoa, Quý lần lượt đi học trường huyện. Hai chị em học giỏi lắm. Nhất là Quý, năm nào đi thi học sinh giỏi toán cũng đạt giải. Bà Thanh vui lắm, nhưng trong niềm vui đó chiếc đòn gánh của bà lại oằn hơn, lưng còng thêm. Thương mẹ, Ngọ ở nhà ngoài học hành cố  băm bèo, thái chuối chăm con lợn, con gà có thêm đồng tiền để các chị yên tâm học tập.

  Một hôm, bà Thanh lên phố thăm Hương xem làm ăn thế nào, có phải vất vả không. Đi học về, Ngọ  thấy bà nằm trên giường mệt mỏi, nước mắt lưng tròng. Bà bảo: “ Chị Hương mày đi đâu biệt tăm, biệt tích rồi”. Bà ôm Ngọ vào lòng khóc nức nở. Gặng hỏi mãi bà mới nói với Ngọ. Bà kể: “Khi mẹ lên đến nơi làm việc của chị Hương, chủ nhà không phải ông chủ tiệm cà phê nữa. Nghe đâu, con trai ông ta đã bán nhà, rồi bị bắt vì tội sử dụng ma túy. Ông chủ quán cà phê cũng đã bỏ xứ đi đâu không rõ. Chị Hương mày phải lòng thằng con trai ông chủ. Con trai ông chủ thì lêu lỏng ăn chơi, có bao nhiêu tiền bạc đều nướng vào hút hít, rượu chè. Quần áo đắt tiền, trang sức chị Hương có được là do hắn mua sắm cho. Thấy chị xinh gái, hiền lành ông chủ cũng đem lòng nhớ trộm. Vợ ông ta mất đã lâu nên cũng khao khát đàn bà, con gái. Thằng con ông ta biết vậy nên làm cuộc giao kèo với bố, nếu ông ta có chị Hương thì gia sản thuộc về con trai. Oái ăm! Một hôm lợi dụng bữa nhậu, hắn ép chị mày uống rượu đến say mềm. Sáng ra, hốt hoảng thấy mình đang nằm trên giường với ông chủ. Thế là cuộc đổi chác giữa hai bố con chủ tiệm cà phê thành công. Rồi đứa con “quí tử” ấy bán nhà, trả nợ hút hít. Ông bố mất nhà, không còn cơ nghiệp. Xấu hổ ông bỏ nhà, bỏ phố đi đâu không hay.  Chị Hương mày cũng uất ức bố con ông chủ lắm.  Về nhà thì sợ bố đánh chết nên cũng đi đâu không biết. Chuyện đã rõ ràng, con đừng nói với bố và các chị nhé!”

            Hoa thi đậu vào  đại học, ông Tín lặng lẽ làm thịt gà, sắm bữa cơm chia tay. Nhấp xong li rượu,  ông nói:

- Bây giờ gia đình ta, cả xóm ta vinh dự chỉ mình con đậu đại học. Con cố gắng học giỏi không phụ công cha mẹ, đừng lo gì cho nhà ta. Mọi người sẽ chăm chỉ làm ăn để cho con có đủ điều kiện học tập…! Bà Thanh nghe ông nói vậy thì cảm động quá , tự nhiên hai hàng lệ trào ra. Có lúc nào bà nghe ông nói một câu mát ruột như thế bao giờ! Ông Tín thấy bà  sụt sùi liền lên giọng:

- Cái bà này thật mau nước mắt. Con nó đi học đại học chứ có  đi làm tình làm tội  gì mà…Nói chưa dứt câu, ông  cũng quay mặt đi, đôi mắt chớp chớp…

Quê Hoa, con gái  đậu đại học là chuyện hiếm. Ông bà Tín vui mừng  đến rơi nước mắt là đúng quá đi rồi. Cả làng này, người giàu có, người vai vế trong dòng họ mà đã có con ai đậu đại học đâu! Nhìn Hoa là người ta nể lắm. Niềm vui đã làm ông Tín  có những thay đổi cũng đúng thôi. Con trai vùng này có đứa nào bằng con gái của ông đâu!  Ngày chia tay Hoa vào đại học, cả nhà lỉnh kỉnh ba lô, túi xách  đầy cả xe đạp. Hoa chia tay bố mẹ mà lòng nghẹn ngào không nói được câu nào.

Giấu mãi, rồi ông Tín cũng biết chuyện của Hương. Hôm nay, ông bỏ việc đồng, tay cầm cây mác nhọn mài đi mài lại đến sáng quắc.  Cầm cây mác trên tay, ông chém lia lịa vào không khí miệng lẩm bẩm: “ Tao, tao phải giết mày để trả thù cho con gái!”.  Cây mác lâu ngày không dùng nên lưỡi long cán bay ra. Ông né người tránh vội nhưng lưỡi mác rơi nhanh vào chân cứa một đường ngọt lịm. Ông ngồi xuống đè tay vào vết thương miệng kêu cứu. Ngọ dưới bếp nghe tiếng, chạy lên thấy máu  bê bết, mặt tái ngắt. Rồi như có phản xạ, chạy nhanh đến tủ thuốc bông băng, Ngọ ga rô, băng bó cho bố rồi gọi người đưa ông đi bệnh viện.  Đêm hôm ấy, Ngọ ở lại bệnh viện chăm sóc bố. Nhìn vết thương phủ băng trắng toát, Ngọ thấy thương bố lắm. Ngồi bên bố, Ngọ nói chuyện cho ông dịu đi nỗi đau:

 - Bố à! Bố có thương chúng con không? Chúng con toàn con gái mà làm được ối việc đấy thôi!  Mà sao lúc nào trong lòng bố cũng muốn chúng con là con trai nhĩ? Bố thấy con trai nhà bác Ba toàn uống rượu đánh nhau, lúc nào cũng quát mắng bố mẹ. Bao nhiêu tiền của cứ nướng vào cờ bạc đấy thôi! Sao bố cứ thích con trai mà không phải là con gái nhĩ…? Ông  xoa đầu Ngọ âu yếm:

- Vậy là con gái của bố đã lớn rồi đấy! Biết nghĩ thế là tốt, nhưng con gái nghĩ ít thôi kẻo sau này lại khổ đấy con ạ!

            Từ ngày ở bệnh viện về, ông không còn say rượu nữa,  có phần trầm tư hơn. Nhiều đêm ông khó ngủ, chắc trong lòng ông có điều gì mông lung lắm. Một hôm, ông  gọi bà Thanh:

- Bà vào đây, tôi có chuyện!

Lại chuyện gì đây? Bà lo lắng xét nét đi vào ngồi đối diện với chồng. E hèm một tiếng ông lên tiếng:

- Bà nó ạ! Lâu nay tôi làm khổ bà nhiều rồi. Tôi thấy có lỗi với bà, với các con. Tôi chưa làm gì được nhiều cho chúng nó. Bây giờ con Hoa đã vào đại học nhà ta lại neo người. Của cải cũng chẳng có gì để cho các con ăn học. Con Quí, con Ngọ lại đang học cấp 3, không biết bao nhiêu khoản phải chi. Mọi công việc đều trên vai trên cổ bà. Tôi tính thế này…! Dừng lại giây lát như có điều gì lưỡng lự, rồi ông cũng nói được cái điều ông muốn nói. Bà Thanh nghe ông nói xong  lòng thấy nhẹ nhõm vì chồng đã nhận ra những sai trái của mình.  Lâu nay bà phải nín chịu với những cơn thịnh nộ, những trận đòn do ông say rượu phang gậy vào lưng bà, mắng nhiếc bà…Nhưng bà cũng nặng trĩu với những nỗi lo canh cánh trong lòng. Vài ngày nữa thôi, ông sẽ theo đoàn sơn tràng của hợp tác xã đi khai thác gỗ trên mạn ngược. Đi khai thác gỗ đâu có dễ gì. Bao nhiêu nguy hiểm rình rập, nào là rắn độc, thú dữ, nào sốt rét,  rồi cây đổ đè người. ...Không biết bao nhiêu người đã mất mạng đó sao? Rồi ở nhà, mưa gió, lụt bão ai che cho mái nhà, ai chống cho cây chuối…! Nhưng không đi thì lấy tiền đâu nuôi con ăn học, chi tiêu?  Lo lắng, nhiều đêm bà Thanh không ngủ được cứ thở ngắn than dài…Ông Tín biết bà Thanh  đang nghĩ gì, nhưng ông đã quyết rồi. Tính ông thế, đã nói thì  làm.

Quý vào đại học hai năm thì Ngọ cũng đậu vào Trường đại học kiến trúc. Ngày chia tay Quý đi đại học ông Tín không về được vì ông đang đóng dở bè gỗ chuẩn bị xuôi dòng. Ngày Ngọ đi học ông cũng không về vì ông đang cùng đội sơn tràng chuyển gỗ xuống sông.

Hoa học về ngành Hải dương học, ra trường với bằng tốt nghiệp loại ưu nên được phân về Viện Hải dương học. Từ khi có việc làm, có lương trang trải cuộc sống nên đã bớt đi gánh nặng cho mẹ. Cứ tháng một lần, ông Tín về lấy gạo, lấy thực phẩm lại đưa tiền về cho bà Thanh trang trải. Cuộc sống gia đình có phần được nâng lên, cái lưng của bà giờ có thời gian nghỉ ngơi, đòn gánh đỡ oằn hơn.

Ngọ đang học năm nhất. Ngoài việc học còn kiếm việc làm thêm như rửa bát cho nhà hàng, dạy kèm cho mấy đứa con nhà có điều kiện…cũng có tiền chi tiêu. Hè sắp hết Ngọ mới về nhà với mẹ ít hôm cho bà vui, cho đỡ nhớ nhà. Không hiểu sao năm nay trời trái tính. Mới đầu tháng tám mà mưa gió ầm ầm. Nước lũ dâng lên ngập cả khúc suối đầu xóm.. Cây đổ ngổn ngang, đất đá sạt lở. Đường tắc nghẽn. Bà Thanh cứ đi vào đi ra, lòng dạ không yên. Bà quàng chiếc áo mưa định đi đâu đó thì ông  Ba hớt hải chạy sang:

- Thím có nghe tin gì về chú Tín chưa? Nghe đâu đoàn sơn tràng bị lũ cuốn trôi mấy người, không biết chú ấy có làm sao không? Vừa nghe chỉ vậy, bà Thanh ngã vật xuống nền nhà, bất tỉnh. Ngọ, ông Ba chạy vội đỡ bà  lên giường kiếm dầu xoa cho bà. Bà tỉnh dần nằm yên,  mắt nhìn trân lên mái nhà, không nói năng gì. Bà bị huyết áp cao.

Rồi trời cũng tạnh. Con suối đầu xóm đã bớt gầm gào. Tin về ông Tín  và đoàn sơn tràng đã rõ. Ông Tín cùng hai người nữa bị lũ cuốn trôi, còn mấy người bị thương do cây gãy đè lên. Nghe đâu đội sơn tràng đã chèo thuyền đi cứu hộ cho dân bản nơi khai thác gỗ. Dân làng tổ chức đi tìm người. Các Ban ngành trong xã, dân quân địa phương phối hợp với bộ đội Biên phòng cũng được huy động. Ba ngày sau, xác mấy người đã tìm thấy. Bà Thanh cùng anh em họ hàng lo đám ma cho ông Tín. Hôm chuẩn bị đưa ông ra đồng, ông Ba cứ lẩm bẩm: “ Sao chú ấy không sinh lấy một đứa con trai nhĩ? Bây giờ không biết tính sao đây!”  Ngọ nghe ông  Ba  nói vậy liền hỏi: 

-  Để làm gì hở bác?

-  Để có người chống gậy đi lùi! Nghe vậy Ngọ chêm vào:

- Để cháu làm cho! Tiến mới khó chứ lùi thì khó khăn gì!

- Giờ này mà mày còn đùa được à?

- Cháu nói thật đấy. Ngày còn sống bố cháu coi cháu là “thằng” mà!

Phá lệ, ông Ba đồng ý cho Ngọ được đi lùi trước quan tài như con trai theo tập quán. Đám tang cũng được tiến hành theo nghi lễ, theo phong tục của địa phương. Hoa, Quý cũng về kịp. Mọi việc tang lễ được mẹ con bà Thanh và bà con cô bác lo lắng chu toàn. Ông Tín được mồ yên mã đẹp, an nghỉ suối vàng. Xong đám tang, lối xóm ai cũng khen con gái mà có hiếu, nhà có phúc mới đẻ được mấy đứa con như thế!

Người khổ nhất vẫn là bà Thanh. Bà khổ vì công việc thì lâu nay đã quen rồi, giờ phải chịu khổ về tinh thần. Mất chồng, bà mất đi chỗ dựa vững chải. Mấy năm lại đây, ông Tín đã quan tâm chăm sóc bà nên cái tình yêu thương, nhung nhớ bây giờ càng làm cho bà khổ thêm. Rồi đây, bà  biết dựa dẫm vào ai? 

Ngọ ra trường với tấm Bằng tốt nghiệp đỏ chói và được nhận vào làm cho một Công ty xây dựng thành phố. Công việc không giản đơn như cô đã từng học. Mới ra trường, mức lương thử việc thấp nhưng cường độ công việc đòi hỏi cao. Suốt ngày vật lộn với tính toán, đem những lý thuyết giải tích, vật lý, tĩnh học và cơ học kết cấu ra đối chiếu, áp dụng. Sau đó lại phải tiếp tục nghiên cứu tính toán dầm, sàn, cột gỗ, thép và bê tông…. Rồi phải biết sáng tạo, cạnh tranh….Dù có cố gắng mấy cũng không thể có những lỗi nhỏ trong thiết kế mà không ngờ tới. Nhiều khi Ngọ  phải lặn lội trở lại trường để nhờ sự giúp đỡ của thầy, của bạn. Ngọ vừa làm vừa học thêm để lấy bằng thạc sĩ. Sáng kiến nâng chỉnh nhà nghiêng và xử lý chống lún của cô  được Bộ Xây dựng cấp Bằng chứng nhận và đó cũng là Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ. Được sự giúp đỡ và động viên của thầy Quang, sự tín nhiệm của nhà trường Ngọ được nhận về giảng dạy tại Trường đại học Kiến trúc. Ngày về trường cô vui mừng như về lại chính ngôi nhà của mình và thầy Quang cũng  là người vui không kém.

Rồi Ngọ  lấy chồng. Người chồng của cô không ai khác ngoài thầy Quang. Ngày còn đi học, thầy luôn săn sóc, giúp đỡ Ngọ tận tình chu đáo. Mấy đứa bạn bảo: “Tao thấy như thầy Quang phải lòng mày đấy!”. Mặc kệ! Ngọ không biết, cô mong sao chăm chỉ học hành sau này có việc làm cho mẹ đỡ khổ là điều cô mong đợi.

Đám cưới nếp sống mới không làm cỗ, chỉ có hoa quả, bánh ngọt…, chỉ có thanh niên đến dự. Quê Ngọ tuy nghèo nhưng cưới là phải có cỗ thì họ hàng mới đến dự. Hôm tổ chức hôn lễ, tiếng loa, tiếng nhạc, tiếng hát của các bạn trẻ đã làm vui nhộn cả một góc xóm. Một phần do hiếu kì, một phần thấy vui tai rồi  lần lượt bà con cô bác …cũng đến chật cả rạp. Ai cũng muốn đăng ký tham gia văn nghệ, nhất là các chị, các bà lâu nay chưa từng được cầm micro để hát bao giờ. Thật vui. Rồi ai cũng bảo. Cưới “nếp sống văn hóa mới” cũng hay đáo để, khỏi phải tốn kém, khỏi phải còng lưng trả nợ. Con nhà bà Thanh giỏi, giỏi thật. Đúng là có học có khác. Bà Thanh nghe làng xóm khen mà sướng cái bụng.

Ngọ lên xe hoa về nhà chồng. Hoa phải vào cơ quan, cô đang nghiên cứu công trình “Phục hồi, tái tạo rạn san hô” phục vụ khách du lịch sinh thái biển Khánh Hòa. Quý cũng phải vào trường  để đưa sinh viên đi thực tập. Vậy là chỉ còn lại bà Thanh ở nhà một mình. Buồn, mắt bà ươn ướt.

Mấy năm sau.

Bà Thanh ốm nặng. Hoa định đưa bà vào Nha Trang để có điều kiện chăm sóc vì khí hậu trong đó tốt cho sức khỏe. Bà không nghe. Giọng bà yếu ớt:

- Mẹ già rồi, cũng chẳng sống được bao lâu, có chết mẹ cũng chết nơi chôn nhau cắt rốn này!

Rồi ông trời cũng đưa bà  về với tổ tiên. 

Ngày tang lễ bà Thanh, một chiếc ô tô sang trọng đỗ xịch trước cổng. Bước xuống xe, đi đầu là một phụ nữ khuôn mặt trong còn trẻ, nhưng nếp nhăn ở đuôi mắt cũng cho biết chị khoảng chừng bốn lăm, bốn bảy tuổi . Đi sau là một người đàn ông tóc bạc trắng, nhưng khuôn mặt thì đang còn sung sức lắm. Bốn cô con gái tay xách túi lỉnh kỉnh theo sau. Cả đoàn người đi vội vàng vào nhà trong sự ngạc nhiên của bà con cô bác, họ hàng và chòm xóm. Người phụ nữ chạy ào vào trong nhà, nơi đang quàn chiếc quan tài vội khóc lớn lên:

- Mẹ ơi! Con đã về với mẹ đây! Con bất hiếu, con bất hiếu..! Xong, cô ra trước bàn thờ bà Thanh vái hai vái và quay lại với bà con:

- Con xin lỗi mẹ, xin lỗi bà con! Con là Hương đây! Đứa con bất hiếu đã về để tang cho mẹ đây!

Mọi người vây quanh Hương.  Hoa, Quý, Ngọ sau phút ngỡ ngàng ôm chị khóc nức nở.

                   Xong tang mẹ, mấy chị em quây quần tâm sự sau những ngày chị em xa cách. Hương kể. Sau cơn ê chề do đứa con ông chủ tiệm cà phê đặt bẫy, cô đi lang thang khắp nơi. Rồi trên một chuyến xe cô ngủ quên, vô tình đưa cô đến Đắk Lắk. Hương vào một nhà hàng để nghỉ ngơi và ăn uống. Mấy tên giang hồ thấy cô có chút nhan sắc, có đồ trang sức nên đã lừa bắt đi. Chúng lấy hết đồ đạc và thay nhau hãm hiếp cho đến khi cô ngất xỉu chúng mới chịu buông. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong căn lều. Một người đàn ông mua cháo về cho cô. Hương nhận ra ông chủ tiệm cà phê mà trước đây đã ăn nằm với cô. Cô vùng dậy bỏ chạy ra đường, chiếc xe máy đang đà đâm sầm vào người. Bị tai nạn đi viện. Khi ra viện Hương mất trí nhớ và cũng không biết mình là ai. Ông chủ cà phê kể lại mọi chuyện cho cô nghe, nhưng cô không tin. Rồi để xua đi những éo le cuộc đời, những lo toan cuộc sống, hai người nên vợ chồng. Xin được một mảnh đất, hai người dựng nhà,  tần tảo trồng cà phê, trồng sắn…sinh con đẻ cái. Với tài tháo vát, lanh lợi và kinh nghiệm làm ăn, hai người dần dần trở thành chủ trang trại trồng, thu mua chế biến cà phê. Trang trại ngày càng mở mang, phát triển doanh thu cũng khá. Bây giờ về già, cơ ngơi giao dần cho con quản lý. Bốn đứa con gái cũng ngoan, chăm chỉ, xinh đẹp. Hoa nói:

                   - Chúng em cứ tưởng sẽ không còn gặp lại chị nữa, thật đúng là quả đất tròn cho chị em mình đoàn tụ. Nhưng sao chị lại biết mẹ mất mà về. Mà chị phục hồi trí nhớ như thế nào?

                   - Chị được anh rể mua các loại thuốc tăng cường trí nhớ, bổ não. Một thời gian, trí nhớ chị phục hồi và anh rể đã giúp chị hình dung lại tất cả sự việc xảy ra. Chị không còn oán trách anh mà ngược lại cảm ơn rất nhiều. Trong lúc như cây bị khô, anh là người đã tưới dòng nước mát đầy năng lượng giúp cho cuộc đời của chị thăng hoa! Rồi con gái chị đọc trên “Pây” của dì út báo tin buồn, mới biết mẹ đã mất nên tức tốc rủ nhau về tang mẹ.  Quý hồ hởi:

                   - Vậy là tốt rồi! Ông trời cũng có mắt. Chắc nơi suối vàng bố mẹ cũng vui lắm khi biết chị em mình có ngày hôm nay.

                   Sau ba ngày an táng mẹ, mấy chị em cùng bà con thân thích  và thầy cúng ra mộ, cúng mở cửa mả, đắp thêm mộ bà cho được  cao ráo đẹp đẽ. Đợi mọi người về hết mấy chị em nán lại bên phần mộ thắp nhang lần cuối. Ngồi quì bên mộ bố mẹ, Hương khấn vái và tỏ lời tâm sự:

                   - Bố mẹ ơi! Con là Hương đứa con đã bỏ nhà ra  đi, giờ về với bố mẹ đây! Nén hương này thắp viếng, bố mẹ tha lỗi cho con. Bố mẹ ơi! Nhà mình toàn con gái, nhưng có sao đâu! Chúng con đều sống tốt cả đấy thôi! Phải không ạ? Rồi đây, chúng con sẽ  xây lăng cho bố mẹ để chúng con còn có chỗ về thắp hương, con cháu có nơi đi về với ông bà, về với cội nguồn…!

                        Ngọn gió thu chiều muộn lay nhẹ, tiếng xạc xào của những lá bàng khô rơi nhè nhẹ như báo hiệu hoàng hôn đang xuống. Trong tiếng xạc xào, Ngọ nghe như có tiếng bố đang thì thầm: “ Các con toàn là con gái, nhưng  có sao đâu ! Con gái  cũng làm được ối việc đấy thôi, miễn sống tốt là được!”

 

 

 

 

Nguyễn Đại Duẫn
Số lần đọc: 1399
Ngày đăng: 12.04.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cánh hoa gạo cuối mùa - Xuân Tuynh
Quán rượu - Nguyễn Thỵ
Cuộc chạy đua với thời gian. - Elena Pucillo Truong
Sau mù sương - Nguyễn Thị Kim Lan
Nhớ làng - Vinh Anh
Đá thiêng - Vân Hạ
Mắt Phượng - Nguyễn Thỵ
Mây Cô Ban - Nguyễn Thị Kim Lan
Bán chữ - Trần Yên Hòa
Phong thư tình - Hồ Đình Nghiêm
Cùng một tác giả
Con sáo biết nói (truyện ngắn)
Nàng thơ (truyện ngắn)
Con mèo đen (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mùa phượng vĩ (truyện ngắn)
Lão hen (truyện ngắn)
Nhà toàn con gái (truyện ngắn)
Thằng hoang (truyện ngắn)
Bún riêu mẹ nấu (truyện ngắn)
Sự đời (truyện ngắn)
Món quà Xuân (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Sinh nhật của Lỳ (truyện ngắn)
Hoa sứ nở trái mùa (truyện ngắn)
Ba tôi (ký)
Thằng Luật (truyện ngắn)
Đôi bạn (truyện ngắn)