Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.395
 
Tìm nơi trú ngụ văn chương
Phạm Xuân Nguyên

Bìa sách “Milano Sài Gòn đang về hay sang?” của Trương Văn Dân,

        Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2018

 

 

Bạn có nhớ một câu chuyện cảm động trong cơn dịch bệnh do Corona virus gây ra đang hoành hành hiện nay. Khi đại dịch Covid-19 bùng ra toàn cầu và nhiều người Việt từ nước ngoài vội vã về nước thì có một người Việt lại từ trong nước bay sang Italia, quốc gia châu Âu có nhiều người nhiễm bệnh và có nhiều ca tử vong nhất. Anh sang đó vì người vợ Italia của anh đang bị mắc kẹt tại quê nhà Milano khi đất nước chuẩn bị có lệnh đóng cửa biên giới vì dịch bệnh. Bức thư của người vợ gửi cho chồng đã được anh dịch ra tiếng Việt và báo chí nước ta đã đăng, từ đó câu chuyện của anh chị, cặp vợ chồng Việt – Ý, đã làm xúc động nhiều người. Anh là Trương Văn Dân, là tác giả cuốn sách “Milano Sài Gòn đang về hay sang?” mà hôm nay tôi giới thiệu cùng bạn.

 

Nửa thế kỷ trước anh là chàng trai 18 tuổi rời quê hương Bình Định sang Italia học nghề hóa dược. Trải bao nỗi vất vả khó khăn để học tập và sinh sống ở xứ người, anh đã tạo lập được cho mình một vị trí trong xã hội khi trở thành giám đốc kỹ thuật và trưởng phòng nghiên cứu phát triển dược thú y cho một công ty thuộc tập đoàn lớn nhất nước Ý (Perruzzi Group). Anh đã có một gia đình hạnh phúc với người vợ yêu – hằng số Elena, như cách anh gọi, một tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài tại Đại học Milano. Mối tình của anh chị kéo dài 13 năm từ khi yêu nhau năm 1972 đến đám cưới năm 1985. Chị đã về quê anh, thắp hương trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng và quyết tâm chung thủy làm một người con dâu Việt Nam. Nhưng sau bốn chục năm sống tại Milano, kinh đô thời trang của Italia và thế giới, anh và chị đã quyết định chuyển hẳn cuộc sống của mình về Việt Nam, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và cả Bình Định. Anh viết văn, và chị cũng viết văn, và rồi anh trở thành dịch giả cho những cái viết bằng tiếng Ý của vợ đến với bạn đọc Việt Nam. Bạn có thể tìm đọc  các tập truyện ngắn và tản văn của Elena Pucillo đã xuất bản như “Bóng của ngày” (2012), “Một phút tự do” (2014), “Vàng trên biển đá đen” (2018). Anh đã viết những dòng đầy ân tình biết ơn vợ “người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen”.

 

                                 

“Milano Sài Gòn đang về hay sang?” là nỗi niềm tâm sự của Trương Văn Dân giữa quê mình và quê người. Tên sách được anh lấy ý từ bài thơ của nhà thơ dân gian Bảo Sinh: “Cùng trên một chuyến đò ngang / Kẻ thì sang bến người đang trở về / Lái đò lái mãi thành mê / Sang về chẳng biết mình về hay sang”. Như vậy sang về ở đây không chỉ là trên địa lý mà còn trong tâm tưởng cuộc đời. Khi sang lại Milano chuyển đồ đạc về nước, anh đã ngậm ngùi xúc động: “Bốn mươi năm. Tôi đã gắn bó với đất nước này thật mật thiết, bạn bè Ý rất đông, lấy vợ người Ý, học, làm việc, kinh nghiệm tích lũy nhờ học hỏi với các nhà khoa học rất giỏi và khiêm tốn. Sống đời sống ở phương Tây mọi việc đều rõ ràng, sòng phẳng, thế nhưng lòng tôi luôn canh cánh một món nợ. Nợ nước Ý. Nợ tình yêu của Elena” (tr. 115-116). Nhưng bước chân anh đã quay về cố quận và người con gái Ý của đời anh đã vui vẻ theo tâm nguyện của chồng quy cố hương. Sài Gòn và Việt Nam cho anh mở rộng và khơi sâu mạch văn của mình.

Trước “Milano Sài Gòn đang về hay sang?”, Trương Văn Dân đã có truyện ngắn “Hành trang ngày trở lại” (2007), tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” (2011) và tiểu thuyết dịch của nhà văn Ý Cesare Pavese “Mùa hè tươi đẹp”(2011). Trong tập sách mới này có truyện ngắn, có những tản văn du ký, có những bài viết phê bình đọc sách, có bài viết điểm phim, có trích đoạn tiểu thuyết đã xuất bản và sắp xuất bản. Một cuốn sách tổng hợp nhiều thể loại, có thể nói vậy, và tư tưởng xuyên suốt của tác giả là hãy thoát những vây bủa của cuộc sống hiện đại để sống hòa mình với thiên nhiên, với chính mình. Ở mảng văn phi hư cấu, người đọc được biết cuộc sống của vợ chồng anh mỗi lần trở lại Milano trong những hồi ức kỷ niệm, những cảm xúc suy tư khi chẳng biết mình về hay sang nơi đã gắn bó bốn mươi năm cuộc đời. Độc giả được sống lại cùng tác giả kỷ niệm với người thầy dạy Việt văn hồi nhỏ mà sau này tương ngộ trở thành bạn văn chương trong nước. Đặc biệt Trương Văn Dân dành nhiều trang trong nhiều bài kể cho bạn đọc nghe về những cuộc hành trình của mình cùng các bạn hữu của “Quán Văn”, một ấn phẩm văn chương xuất bản trong nước đến Mỹ và châu Âu trong tình hòa hợp những người viết văn Việt. Những cuộc gặp gỡ tiếp xúc nhiều nụ cười nước mắt, nhiều cảm thông hạnh ngộ, được kể lại bằng một giọng văn hồn hậu, chân thật như trò chuyện tâm tình.

 

Trương Văn Dân trở về từ một nước công nghiệp phát triển nhưng anh lại rất lo âu cho đất nước mình, và rộng ra là cả thế giới, chạy theo sự phát triển toàn cầu hóa mà hủy hoại môi trường và phá hoại sinh thái cả tự nhiên và nhân văn. Anh đồng cảm với những trang văn thấm đẫm thiên nhiên của người thầy nhà văn Huỳnh Kim Bửu và nhà văn hải ngoại Kiệt Tấn. Anh buồn vì chỉ trong khoảng thời gian giữa hai cuốn sách anh đi lại giữa quê trong quê ngoài mà Việt Nam đã và đang bị Tây phương hóa. “Tôi đã mệt mỏi với những xô bồ. Cần sống chậm lại. Đó có thể là cách kìm hãm sự thao túng của kỹ thuật lên văn hóa, văn minh và thiên nhiên” (tr. 112). Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” đã được anh viết trong cảm thức ấy. Trong truyện có cuộc đối thoại của các nhân vật xoay quanh sự sống còn của con người khi cứ mải chạy theo tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Anh đặt tên chương sách đó là “Thiên Đường và Địa Ngục” và đưa lại vào cuốn sách mới này như muốn thêm lần nữa cất lên tiếng kêu cảnh báo. Một nhân vật trong tiểu thuyết nghĩ tới một cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ ba: “Mục đích là loại bỏ nguồn năng lượng dựa vào nhiên liệu hóa thạch và triệt để sử dụng năng lượng tái tạo trong thế kỷ XXI”. Theo tác giả cũng có thể gọi đó là cuộc tiến hóa mới của loài người, nhưng trước hết con người phải làm cuộc cách mạng nội tâm cho mình để sống nhân ái, thân thiện với người và thiên nhiên. Trương Văn Dân hết sức tha thiết khắc khoải điều này. Trong cuốn tiểu thuyết mới “Trò chuyện với thiên thần“ sắp xuất bản, anh cũng xoáy sâu vào những vấn đề cốt tử đó thông qua những lời trò chuyện của bố mẹ với đứa con sẽ ra đời.

Khi tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” đưa in, tôi có viết lời bạt cho cuốn sách. Tôi muốn đưa nó lại đây vì xuyên suốt cuốn đó và cuốn này, và cả hành trình viết văn của Trương Văn Dân cho tới nay, là một lòng yêu sống âm thầm và nhẫn nại.

Nội dung cuốn tiểu thuyết là kể về tình yêu của một người con gái tên Gấm. Gấm đã trải qua hai cuộc hôn nhân không tìm thấy hạnh phúc. Trong lúc đau khổ và tuyệt vọng nhất Gấm đã gặp được người đàn ông của đời mình, người đã mang lại cho Gấm không chỉ một tình cảm lứa đôi (tuy không làm vợ chồng) trọn vẹn, đằm thắm, mà còn cả một cuộc sống làm người đầy đủ, phong phú. Đọc nó tôi nghĩ đó là một khúc ca trầm về lòng yêu sống. Không chỉ yêu tình yêu mà còn yêu sự sống, một sự sống đang có nguy cơ bị hủy diệt bởi chính con người. Tình yêu của Gấm và người đàn ông lý tưởng của cô được tác giả đặt vào trong một môi trường xã hội và tự nhiên đang bị con người vấy bẩn, làm ô nhiễm, tàn phá, hủy hoại. Khác với những khung cảnh lãng mạn nên thơ của tình yêu truyền thống. Phần này của truyện lồng ghép một cách trực tiếp, trực diện, có thể chưa phải đã tự nhiên, khéo léo về nghệ thuật, nhưng thông điệp tác giả muốn truyền đi thì đã rõ. Nó giúp tác giả nói lên lòng yêu sống toát ra từ tình yêu của Gấm.

Tôi gọi “Bàn tay nhỏ dưới mưa“ là khúc ca trầm vì tác giả dùng hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất thông qua cuốn nhật ký của Gấm ghi chép về cuộc đời mình. Những ghi chép này làm thành phần đầu cuốn truyện. Chúng được nhân vật người đàn ông của cuộc đời cô tìm thấy và công bố khi cô không còn hiện hữu về thể xác trên cõi đời. Và đó là phần sau cuốn truyện. Trong những ghi chép của mình, Gấm soi chiếu toàn bộ cuộc đời cô dưới ánh sáng của cuộc tình cuối cùng. Chủ yếu ở đây là chiêm nghiêm tâm trạng. Những sự kiện, tình tiết được kể lại hay nhắc đến chỉ để khơi gợi nỗi yêu và nỗi đau của Gấm, cho cô những trường hợp để trăn trở nghĩ suy về cuộc đời, tình yêu, và lòng người. Nhân vật người đàn ông nhà báo đã cứu vớt cuộc đời cô, đã yêu cô làm cô hồi sinh và hạnh phúc, được Gấm ngợi ca như một con người toàn bích, lý tưởng. Nhưng lắng sâu vẫn là nỗi buồn lo, phấp phỏng cho sự mong manh của kiếp người, của cái đẹp, cái thiện trong đời. Tác giả dùng lời cho Gấm nhiều những câu dài miên man cảm xúc, nhiều những nhịp điệu thăng trầm tâm trạng. Đồng vọng tương cảm với những ghi chép của Gấm là những cảm nhận, suy tư của người đàn ông nhà báo khi đọc chúng. Người đọc tiểu thuyết vì thế được dòng tình cảm của hai nhân vật cuốn đi mê mải buồn. Dừng ngắt ở chỗ nào cũng là chưa đủ. Mà bắt đầu từ ở chỗ nào cũng vẫn kịp. Có thể đấy là một dụng công viết của tác giả, phải chăng. Câu truyện trong tiểu thuyết có thể là một phần đời đã sống của tác giả, cũng có thể chỉ là hư cấu, điều này tùy thuộc cảm nhận của mỗi người đọc sách. Nhưng khát vọng sống, khát vọng yêu cho con người hạnh phúc giản dị thường ngày, vượt qua và vượt lên những oan trái, khổ đau, cả những bất trắc rình rập từ những hiểm họa thiên tai và nhân tai, đó là điều tác giả tìm mọi cách trình bày và truyền tải đến người đọc qua nhiều lớp ngôn từ được huy động và sử dụng. Cảm tưởng như tác giả muốn rung lắc độc giả lay động theo từng con chữ anh viết để chia sẻ cùng anh những điều tin lo.

Trương Văn Dân nhiều năm sống xa xứ, làm một ngành nghề không dính tới văn chương. Nhưng anh cầm bút trước hết để được sống cho mình, sống với mình, từ những hồi ức kỷ niệm về quê hương, người thân, mà đã là người Việt nặng tâm tình thì dù ở đâu đi đâu làm gì cũng đều canh cánh bên lòng và vấn vương trong hồn. Lòng yêu sống ở anh thấm vào trong câu chữ mộc mạc, chân tình, ngay ở tác phẩm đầu tiên – tập truyện ngắn “Hành trang ngày trở lại”. Viết tiểu thuyết với Trương Văn Dân còn hơn một sự thử bút ở thể loại dài, đó là sự trang trải, giãi bày một tình yêu, một lòng yêu, của mình cho mình, và cho người. Đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, tôi không để mình bận tâm lắm về kỹ thuật viết, tôi để lòng mình cho rung động theo lòng tác giả và nhân vật, và tôi thương cô Gấm như tác giả thương. Có một lòng thương người như thế mới có một lòng thương đời đến thế.

Trương Văn Dân đã đi một hành trình Sài Gòn – Milano – Sài Gòn trọn một đời mình với những trang văn mang nặng nỗi sầu xa xứ (nostalgia).

                                            

   17/4/2020

 

 

 

Phạm Xuân Nguyên
Số lần đọc: 1497
Ngày đăng: 27.04.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ sinh lý đến tâm lý - Võ Công Liêm
Quán Thủy Thần như là mỹ học của ngôn từ - Đặng Văn Sinh
Giáo dục tính nhân văn qua chương trình, sách giáo khoa Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Đại dịch - Võ Công Liêm
Văn chương là gì - Võ Công Liêm
Vàng xưa đầy dấu chân - Nguyễn Đức Tùng
Cảm thức lịch sử trong Việt Nam diễn nghĩa của Cao Văn Liên - Trần Hoài Anh
Cao Bá Quát ” Ngạo vì thất chí hay ngạo vì phẫn nộ” - Võ Công Liêm
Giải thoát và sáng tạo - Võ Công Liêm
Tinh thần hòa giải và yêu thương trong thơ Trần Nhân Tông - Hoàng Thị Thu Thủy