Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.927
 
Nhà sử học Trần Huy Liệu trong tôi
Nguyễn Anh Tuấn

 

Nhà văn Trần Chiến tặng tôi cuốn sách mới nhất của anh: "Trần Huy Liệu- cõi người" với lời đề tặng hóm hỉnh: "Tặng cậu, người đã yêu cụ Liệu hơi bị sớm." Song những lời tinh nghịch bỗ bã bạn bè đó lại chứa đựng sự thật, và gợi cho tôi biết bao kỷ niệm không thể phai nhạt gắn với cả một thời tuổi trẻ...

 

    Tôi mới chỉ được thấy ông Liệu qua ảnh, qua một số tác phẩm của ông và những trang sách báo viết về ông... Hồi học văn khoa ĐHSP Hà Nội, trong loạt sách tham khảo về văn học cổ - trung đại Việt Nam mượn được từ thư viện khoa, có một cuốn sách mà ấn tượng đầu tiên do nó tạo nên còn in hằn trong tâm trí tôi cho đến tận giờ- đó là cuốn "Nguyễn Trãi" độ hơn 200 trang in, tác giả Trần Huy Liệu. Công trình sử học lại được viết bằng một thứ văn giàu hình tượng ẩn náu rất sâu một cảm xúc thơ thổn thức qua từng sự kiện, từng con số, từng nhận định- đơn cử đoạn văn sau: "...và cái ngày đau xót không những cho Nguyễn Trãi mà còn đau xót cho cả dân tộc nữa là ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) Nguyễn Trãi và cả ba họ đã bị giết bởi lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội do chính ông đã chiến đấu luôn mười năm gian khổ để góp phần xây dựng nên." Mấy chục năm sau, chính Trần Chiến đã lý giải cho cả hai chúng tôi về cái sức lay động chủ yếu của cuốn sách cùng tâm sự "vượt trước thời đại" của tác giả mà hồi đó chúng tôi mới chỉ cảm thấy: "Loạt khảo về Nguyễn Trãi, nhất là cuốn "Nguyễn Trãi" đáng xem là một hình mẫu trong kiểu lấy xưa nói nay, dùng quá khứ lay hiện tại... Bàn kỹ về quan niệm "dân là gốc" của Nguyễn Trãi, phải chăng ông muốn cảnh tỉnh nền dân chủ mới? Số phận bất hạnh của bậc anh hùng - kẻ sĩ được phơi bầy rất sâu có phải là do "vận vào mình"? Bi kịch của Trần Huy Liệu là bi kịch của người trí thức, hay lý tưởng hóa để không bằng lòng với thực tại, nhìn ra nhưng bất lực, tiên tri, dự báo mà không được nghe. Yêu say mê dân tộc mình, ông có sợ hãi sức mạnh lắm khi vô tri của quần chúng nông dân không?". Với sự trải nghiệm hơn ba chục năm cầm bút, người con trai út của nhà sử học danh tiếng đã viết ra những điều không chỉ nói riêng về cha mình...

    Tốt nghiệp đại học, lên Sơn La nhận công tác, tôi đã có dịp được tiếp xúc nhiều với một phụ huynh học sinh của tôi- nhà thơ nhà giáo người Thái Lò Văn Mười. Ông nguyên là một phó quản trại lính khố xanh ngục Sơn La, một người được các tù chính trị cảm hóa trở thành hạt giống Cách mạng- mà người trực tiếp chính là tù nhân Trần Huy Liệu, bí thư Chi bộ đầu tiên của nhà tù. Bên bếp lửa nhà sàn Thái truyền thống, tôi đã được nghe kể biết bao câu chuyện lý thú, cảm động về những "người tù áo sạch" (theo cách gọi trìu mến của đồng bào dân tộc quanh thị xã về người tù đeo số vuông- tức tù chính trị CS), trong đó sâu đậm nhất là những câu chuyện về người tù Trần Huy Liệu. Có lần công sứ Cousseaux tức tối điều gì đó đã đâm ngọn bút chì và thộp cả bàn tay chuối mắn vào ngực viên đội Mười trẻ tuổi, khiến anh phải chạy ra vườn rau Tòa sứ khóc ấm ức vì đau và nhục. Một người tù đi làm khổ sai về thấy thế đã ân cần hỏi han, tỏ sự cảm thông sâu sắc với anh- người tù đó là Trần Huy Liệu, và đấy cũng là nguyên cớ đầu tiên cho một sự tỉnh ngộ lâu dài ở chàng thanh niên Lò Văn Mười... Câu chuyện về cuộc đụng độ giữa công sứ Cousseaux và người tù nguyên là chủ bút báo Đời Nay vốn có "ân oán giang hồ" với nhau trước đó, trước sự chứng kiến của viên đội Mười áp tải tù đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh. Sau đó, mầy mò hỏi han, tìm tòi thêm tài liệu, kết hợp với những gì tai nghe mắt thấy của chính đội Mười, tôi đã viết được một trong những truyện ngắn đầu tiên của tôi : "Nhà sử học và viên công sứ".

    Cũng chính từ những mẩu chuyện về "người tù áo sạch" Trần Huy Liệu, tôi bắt đầu mê mẩn đề tài Ngục Sơn La. Những ngày cuối tuần, hoặc cả dịp nghỉ hè, tôi đã lang thang nhiều lần quanh đồi Khau Cả, trong khu nhà ngục hoang phế, tìm đến các bản quanh thị xã để hỏi những người già, những cai đội khố xanh, y tá cũ về chuyện có liên quan đến những "người tù áo sạch" năm xưa... Ngoài truyện nói trên mà nhân vật chính mang tên Trần Huy Liệu, trong các truyện khác tôi viết về nhà ngục này, có một nhân vật được gọi là "ông Trần"- chính là nguyên mẫu của ông Liệu những năm đó. Tôi còn cộng tác cùng một người ở Bảo tàng Sơn La làm công trình sưu tầm nghiên cứu khá kỳ khu: "Thơ ca Cách mạng nhà tù Sơn La 1930-1945" với hàng trăm tác phẩm thơ ca đủ các thể loại, cả tiếng phổ thông lẫn tiếng địa phương, với hơn ba chục tác giả (Ty VH&TT Sơn La xuất bản, 1980). Và trong các "Thi sĩ đeo số tù" ở ngục Sơn La, thi sĩ họ Trần đã thu hút tôi hơn cả, bởi vượt lên tính chất tuyên truyền thường thấy (và cần có) ở thơ ca CM thời kỳ này là một tâm hồn thơ say đắm tràn đầy cái lãng mạn không lên gân lên cốt mà thấm đượm tình yêu thiên nhiên & con người: "Ô kìa cô gái sông Đen/ Non cao rừng thẳm con thuyền đợi ai?". Nhưng điều đáng quý nhất ở ông Liệu và không ít nhà cách mạng tiền bối là, dù sau này có làm tới chức vụ gì, có quyền hạn lớn đến đâu, cũng vẫn giữ được cái vẻ đẹp tâm hồn được hun đúc trong thời gian khổ và không thể sống khác đi cái ước nguyện cảm động thời tráng niên: "Dù cho sông núi bạc đầu/ Lòng ta giữ trọn một màu nước trong" (Thơ ca ngục Sơn La). Phải chăng đó cũng là một trong những cội nguồn tinh thần của một nhân cách trí thức lớn khiến nhiều người phải nể trọng?

 

    Phải đến gần chục năm sau khi viết truyện về ông Liệu, do một sự tình cờ, vì cùng ở "Ấp Thái Hà", tôi và Trần Chiến mới làm quen với nhau, và trở nên tình bạn thân thiết- đằng sau và làm nền cho tình bạn đó là tình yêu, lòng ngưỡng mộ với người mà đã từ lâu tôi coi là một người cha tinh thần...

    Nhân lễ kỷ niệm 110 năm sinh Trần Huy Liệu (1901-2011) tổ chức tại Viện KHXH, tôi đã có dịp được trò chuyện và ghi lại hình ảnh, lời nói của khá nhiều người là học trò, đồng nghiệp, cấp dưới của ông- tất cả đều chân thành xúc động bày tỏ niềm cảm phục kính trọng trước tài năng nghiên cứu, khả năng "lập ngôn" trong sách vở, và trên hết là thái độ “cầu hiền” cùng bản lĩnh sử dụng người tài của người đứng đầu "Quốc sử quán" nước ta, người "anh cả" của ngành khoa học xã hội Việt Nam... Đó là con người đã nguyện hóa thân vào sự nghiệp Khoa học lịch sử: “Tôi chết đi không có tiền bạc gì cả, chỉ có những bản thảo ghi chép và sách vở cống hiến rất quý cho việc nghiên cứu lịch sử...” (Di chúc của Trần Huy Liệu).

    Với một khối lượng tác phẩm cùng di cảo khổng lồ của người cha để lại, Trần Chiến đã và đang viết về ông, theo cách "tôi chỉ làm thao tác là nối kết các sự kiện, các tư liệu sống động về cuộc đời của Trần Huy Liệu với nhau”- mà "nét trội bật nhất trong con người Trần Huy Liệu là một "con-người-tìm-kiếm". Trần Chiến quả đã là tri âm tri kỷ của cha mình khi viết: "Địa vị làm một quả chuông leng keng bên bộ máy chuyển động thực sự  làm ông không thiết sống... Bấy nhiêu "phốt" trong hồ sơ chính trị của Trần Huy Liệu đủ để ông phải bán sới khỏi vũ đài lãnh đạo, dấn thân vào một sự nghiệp khác... Ông chính khách Trần Huy Liệu có thất sủng thì nhà sử học Trần Huy Liệu mới lớn được... Trước sau, ông chỉ có thể sống được bằng chữ nghĩa. Văn tự là đắc địa của ông... khi mất dần quyền chức, cô lẻ trong đoàn thể, đau khổ vì yêu đương, sử học trở thành cứu cánh, người bạn trung thành... Đã can trường, kiêu hãnh chịu đựng sự vất vả của kiếp mình, có sống lại, chắc ông cũng không chọn một số phận nào thư nhàn hơn" (Cảm tính bổ sung -T/c Xưa & Nay).

    Một ngày xuân, tôi có tới ngôi nhà thờ tổ của nhà báo- nhà thư pháp tranh Bùi Hạnh Cẩn ở thôn Vân Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, thắp hương trước hương án cụ Bùi Trình Khiêm- thân sinh của ông Cẩn, và sau đó được biết cụ Khiêm chính là thầy học của ông Liệu. Trong nhiều hoành phi câu đối do cụ Khiêm viết, tôi chú ý nhất đôi câu đối: “Hạng ca khả thái nhân vi lý/ Quân học phương hưng đức hữu lân” (Những câu ca trong ngõ xóm của dân gian có nhiều điều đáng học vì làng xóm là nơi ở của nhiều người nhân nghĩa/ Việc học của mọi người khởi sắc sôi nổi. Có tài đức sẽ có láng giềng). Phải chăng, đó cũng là một trong những bài học "khai tâm" sẽ theo suốt cuộc đời lên thác xuống ghềnh và khởi nguồn cho tinh thần dân tộc sâu sắc ở nhà sử học - thi sĩ xuất thân nho gia Trần Huy Liệu?

 

    Giữa một vùng quê Sơn Nam Hạ, nơi sinh ra Mẫu Liễu Hạnh, tôi chợt hình dung ra cảnh anh giáo làng Trần Huy Liệu tuổi ngoài đôi mươi đã giã biệt vợ con “hành phương Nam” ra sao, với "Hùng tâm và sinh kế, cả hai đều mờ mịt như nhau" (Hùng tâm sinh khí lưỡng mang nhiên- Nguyễn Du), để bắt đầu cuộc đời làm báo và bước vào bao cảnh nghèo túng, chia ly, tù đầy, “lên voi xuống chó”, chết hụt 4 lần, thậm chí có cả ý định tự sát nữa, trong cuộc “nhận đường” gian nan xuyên thế kỷ... Mỗi lần vào TP Hồ Chí Minh công tác, hễ có dịp rảnh là tôi lại phóng lên đường Trần Huy Liệu ở quận Phú Nhuận, chọn một quán cà phê vỉa hè ngồi ngắm cảnh vật và bồi hồi nhớ lại chặng đời làm báo đầu tiên của ông Liệu... Và cứ lâu lâu chưa có dịp quay lại Sơn la, bất giác mấy câu thơ của ông Liệu năm xưa cứ ngân nga tâm trí tôi: "Ta đi ta nhớ Sơn La/ Nhớ con hạc trắng, nhớ hoa nhạn hồng".

 

    Đọc xong, "Trần Huy Liệu- Cõi người", tôi hào hứng trao đổi ngay với Trần Chiến qua thư điện tử: "Có lần, tôi được xem bộ phim tài liệu về đạo diễn Nga Roman Carmen của người Pháp làm. Thuyết minh bằng tiếng Pháp nên trình độ tự học của tôi (thua rất xa ý chí của cụ Liệu trong việc học tiếng Pháp bằng tự vị trong tù Côn Đảo) chỉ có thể hiểu lõm bõm, tuy vậy cũng nắm được cơ bản: đại thể, ông đạo diễn này là có tài năng đấy, nhưng sự may mắn của ông ta lớn hơn, bởi ông ta đã kịp thời có mặt tại những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ, ở nhiều quốc gia để chộp lấy những diễn biến sinh động nhất, những hình ảnh thực nhất dành cho các bộ phim lừng danh- trong đó có "Việt Nam trên đường thắng lợi", v.v. Khen ngợi đấy, nhưng thực ra có vẻ ngầm hạ thấp ông đạo diễn này... Đọc xong cuốn sách của cậu, không hiểu sao tôi nhớ đến bộ phim trên, và tôi nghĩ: R. Carmen và ông Liệu- ngoài sự may mắn kỳ lạ là được làm nhân chứng sống, được ngụp lặn trong sự kiện, còn có sự dũng cảm của người nghệ sĩ (một tính từ đã bị lạm dụng)- cái dũng cảm cao hơn chuyện không sợ lửa đạn chính là quyết tìm ra những tầng sự thật khác, những triết lý của sự thật cùng quy luật của chúng nằm đằng sau những sự thật hiển nhiên- điều này thì ông Liệu, do đặc thù của sử gia (kiêm thi sĩ) thì có lẽ có phần trội hơn ông R. Carmen? Và ông Liệu còn có lợi thế hơn (cùng hạn chế hơn): là người trong cuộc, là người có ảnh hưởng trực tiếp tới sự kiện... "

 

    Trần Huy Liệu, “Con người của thế kỷ XX ”- thế kỷ có nhiều biến cố nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từng can dự vào nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, từng diện kiến nhiều nhân vật tiếng tăm đương thời, và ông đều có những nhận xét, đánh giá xuất phát từ nhiệt huyết của một công dân yêu nước cùng óc suy luận tỉnh táo của một nhà sử học bẩm sinh, mặc dù có không ít điều trong đó đã bị coi là “mơ hồ giai cấp”, “tình cảm cá nhân chi phối”, dẫn đến “tả khuynh”... Trần Chiến dẫn ra tài liệu “Dự thảo tổng kiểm thảo” tại đợt chỉnh huấn cán bộ tại chiến khu Việt Bắc 1952 - 1953, cũng như “Nhật ký” của cha anh phản ánh những quan niệm của ông về việc kháng Pháp, việc giải tán Đảng, việc tiến hành cải cách ruộng đất… Sau khi dự một cuộc đấu tố về, ông đã viết Nhật ký ngày 18 /5 /1953: “Nhọc mệt, bực bội. Một vài ấn tượng xấu trong cuộc mít tinh vẫn ám ảnh trong đầu mình”. Có lẽ đó là nguyên cớ đầu tiên để Trần Huy Liệu “mong dựng lại một sự thật lịch sử; đồng thời mong cống hiến một phần nào cho công tác sửa sai lúc này” trong công trình khảo cứu "Xét lại “hồ sơ”của giai cấp phong kiến địa chủ" viết sau đó? Biết là sẽ gặp không ít sự phiền toái, song với lòng dũng cảm và thái độ tôn trọng sự thật lịch sử của một nhà sử học chân chính, ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rõ ràng là: cần phân biệt địa chủ phong kiến câu kết với địch và địa chủ kháng chiến chống Pháp, không thể cho chung vào một rọ... Giữa khi xã hội ta còn đang bị bao phủ một không khí nặng nề sau những sai lầm của cải cách ruộng đất, mọi phát ngôn liên quan tới nó hầu như phải né tránh thì ông đã cho đăng tải công trình đó trên tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa (với bút danh nổi tiếng trước 1945 là Hải Khách). Có thể khác sao được với một người đã dám sòng phẳng đối đầu cùng viên công sứ khét tiếng tàn bạo và xảo trá, bằng bản lĩnh của một nhà báo nổi danh khắp ba kỳ, với khí phách của một chiến sĩ cách mạng, và với tiết tháo của một nhà nho, khiến Cousseaux phải nổi khùng hét lên: "Trần Huy Liệu, anh hãy nên nhớ rằng, anh chỉ là một người tù!" (Nguyên văn mà ông Lò Mười nhớ lại: Pensez-vous, Tran Huy Lieu, vous être un prisonnier!). Có thể khác sao được với một người trong cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung sang thăm nước bạn, khi ngoại trưỏng Trần Nghị ghé tai hỏi: “Các đồng chí có sợ chúng tôi không?”, dù trong thế buộc phải "giữ gìn", ông vẫn có thể khảng khái trả lời, lịch thiệp mà như một cái tát: “Các đồng chí cứ nhìn lại lịch sử!"

    Tôi và Trần Chiến từng hẹn hò sẽ đi cùng nhau lên Tuyên Quang thăm lại cơ sở đầu tiên của Viện Khoa học xã hội Việt Nam do ông Liệu khởi xướng thành lập; rồi cùng thăm lại nhà ngục Sơn La, ở đó, chúng tôi sẽ làm điệu bộ của viên công sứ Pháp nọ chỉ vào nhau mà đùa: “Păng- xê vu, Tran Chien! Păng- xê vu, Nguyen Anh Tuan! vu- zết oong pri- zon- ni- ê!

 

(TC Văn Hiến Việt Nam )

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1307
Ngày đăng: 04.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phồn sinh - Nguyễn Linh Khiếu
Nhà văn nữ - nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong phê bình văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Sonnet 97 Shakespeare (Kể Như Đông Đã Về) - Thái Huy Long
“Tơ Bông” và những bữa tiệc thi ca của Nguyễn Hồng Sơn - Nguyễn Tiến Nên
Gương mặt thơ mới ở Thị Xã Ba Đồn - Nguyễn Tiến Nên
Chữ "mình" trong tiếng Việt - Ngô Nguyên Dũng
Những tượng – mộ ô nhục bất hủ - Nguyễn Anh Tuấn
Thực tiễn xã hội hóa nghệ thuật Và những tồn tại hiện nay - Tuấn Giang
Krishnamurti tâm thức võ sư - Võ Công Liêm
Chiến tranh và thân phận con người: sự gặp gỡ giữa Lưu Quang Vũ với Trịnh Công Sơn - Mai Bá Ấn
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)