Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.225.531
 
Tiếng trúc vi vu trong sâu lắng tâm hồn tôi
Trang Thùy

 

     Trong những năm còn là học sinh trung học, tôi có được phước duyên đọc các tác phẩm văn học của Sư bà Thích Nữ Thể Quán và tập truyện ngắn Tiếng Trúc Vi Vu là một trong những cuốn sách để lại dấu ấn mạnh mẽ trên ký ức tôi và trong sâu lắng tâm hồn tôi.

     Còn nhớ, hôm ấy mạ tôi đi chùa về và món quà bà trao cho tôi đó là cuốn sách, mạ nói: "Đây là cuốn sách của sư bà, hay lắm đó con!” Cầm Tiếng Trúc Vi Vu trên tay, tôi không vội đọc ngay mà cẩn thận đặt trang trọng trên bàn, tôi ý thức sự tinh tấn của một sư bà khi gởi gắm tiếng lòng mình vào cuốn sách nên tôi cẩn thận rửa tay sạch sẽ trước khi đưa cuốn sách lên, và mỗi lần ngưng đọc giữa chừng tôi đều nhẹ nhàng trang trọng để lại trên bàn.

 

     Cứ như thế, cuốn sách với giọng văn mộc mạc, nhẹ nhàng, không quá nhiều tình tiết bay bổng, trau chuốt đã đưa tôi qua những câu chuyện, những hồi ức của sư bà từ những ngày ấu thơ bên thân phụ, thân mẫu của mình.

     Ni Trưởng Thích Nữ Thể Quán thế danh là Thái Thị Hậu, thân phụ là Đông các đại học sĩ Thái Văn Toản, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Phước Như Nguyện thuộc dòng dõi Tùng Thiện Vương. Từ thuở nhỏ bà đã sớm được kết duyên lành với cửa Phật khi được thân phụ đưa đến quy y thọ giáo với hoà thượng Chơn Đạo Chánh Thống tại chùa Quy Thiện, được ban pháp danh là Không Luân.

     Năm 27 tuổi, người con hiếu hạnh ấy xin phép phụ mẫu, xuống tóc cầu xuất gia với cố Ni trưởng Hướng Đạo, trú trì chùa Diệu Viên. Kể từ đó, người xa rời cuộc sống vương giả, quyền quý để sống đời đạm bạc nâu sòng, ngày ngày cơm chao tương cà, chăm chỉ tu học bên tiếng mõ lời kinh.

     Trước khi cùng với Ni sư Thích Nữ Cát Tường khai sáng tịnh thất Hoàng Mai để làm nơi tịnh tu (năm 1958), tiếp dẫn đồ chúng và phụng dưỡng mẫu thân, ni trưởng đã được thân phụ gởi vào chùa Khương Ninh trong Đại Nội, ngoài những buổi công phu, người đọc sách, nghiên cứu kinh điển, thỉnh thoảng ra chùa Phước Huệ nghe ngoại giảng kinh. Sau ba năm, được sự giới thiệu của Ni Trưởng Diệu Không, người lên cầu sư với Hoà thượng Ni Trừng Ninh húy Diệu Hương - Đệ nhất Giám đốc Phật học Ni viện Diệu Đức. Năm đó sư bà được 30 tuổi.

     Năm 1956 sư bà đến chùa Hồng Ân với Ni Trưởng Diệu Không và hai năm sau người lập cạnh chùa một tịnh thất để tu hành, bây giờ là Tịnh Thất Hoàng Mai từ đó đến nay.

     Tiếng Trúc Vi Vu là một trong số rất nhiều những sáng tác trong sự nghiệp tu hành và văn học của bà. Được thừa hưởng dòng máu văn chương trong dòng tộc Tùng Thiện Vương vốn nổi tiếng văn hay chữ tốt, những sáng tác văn học của bà được xem như là những bông hoa trong vườn hoa đạo hạnh, những bài thơ, những mẫu chuyện với giọng văn nhẹ nhàng mộc mạc pha chút dí dỏm, qua đó thể hiện một tư chất đúng mực của một bậc chân tu trí huệ sáng ngời, tinh tấn.

     Một mẫu chuyện mà tôi nhớ mãi trong Tiếng Trúc Vi Vu đó là chuyện một hôm sư bà được bà ngoại gọi lên, cụ hỏi sư bà về những đồng chúng cùng tu với sư bà, sư bà đều thưa với bà ngoại về những đức tính tốt đẹp của họ nên cụ khen ngợi: "Chị được đó, tôi thử hỏi chị coi ở trong chúng mà có oán chúng, có phàn nàn các cô không. Đối với ai mình cũng nên tìm những cái hay, cái đẹp của họ để kính và yêu họ thì người ấy ở đâu cũng được cả!"

     Đó là những mẫu chuyện tuy rất đời thường, rất giản dị nhưng không hiểu sao đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong tôi. Và hình như nó ăn sâu vào tôi từ bấy đến giờ, nên tôi vẫn hay có thói quen nhìn vào những việc tốt, tính tốt khi đánh giá về một ai đó, đến nỗi đôi lúc bạn bè vẫn nói tôi cả tin, dại dột. Tôi biết vậy nhưng cũng không thể thay đổi được tính cách của mình, qua đó tôi chỉ muốn nói rằng những lời giáo huấn của sư bà qua các mẫu chuyện đã ảnh hưởng đến đông đảo các phật tử đồ chúng nhiều như thế nào.

     Sự lạc quan, dung dị, hiền hoà thánh thiện trong đạo pháp của sư bà Ni Trưởng Thích Nữ Thể Quán đã thu phục sự từ tâm của bao thế hệ Phật tử, qua đó mới thấy sức mạnh của văn học nói riêng và văn hóa Phật Giáo nói chung đều là những bông hoa chánh thiện trong vườn hoa chánh pháp, để từ đó Phật Pháp trường tồn, chúng sanh an lạc mà Ni Trưởng Thích Nữ Thể Quán là một trong những người được toàn thể Phật tử và Tăng Ni đặt trọn niềm tin yêu quý trọng.

     Suốt một đời hoằng pháp lợi sanh, Người luôn giữ chí nguyện bền vững, vượt mọi kiếp nạn chướng duyên để đem lời Phật dạy thức tỉnh, khai sáng cho bao người. Cùng với sự nghiệp Phật Pháp sư bà với tư chất anh minh, mẫn tiệp, đạo pháp tinh thông, có tài văn chương đã dịch thuật nhiều kinh luật như Kinh Pháp Hoa, kinh Phạm Võng, và những truyện ngắn mang tính giáo dục cao như: Nét đẹp đông phương, Hai lần ơn mẹ, Để lại cho vui, Hoàng Y Lan, Bóng hạnh phúc, Tiếng trúc vi vu, Tiếng than người vợ trẻ...

     Ngày 20 tháng 4 năm Nhâm Tuất nhằm ngày 11 tháng 6 năm 1982 tại Tịnh Thất Hoàng Mai, Ni trưởng đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 72 tuổi, với 38 hạ lạp, để lại niềm tiếc thương và sự mất mát lớn lao trong toàn thể Tăng Ni Phật Tử. Từ đây Tịnh Thất Hoàng Mai vắng bóng một vị Sư Trưởng mẫn tiệp, đôn hậu, nền văn học nước nhà vắng bóng một nhân sĩ tài hoa nhưng tiếng thơm của người muôn đời còn mãi!

 

*****

 


 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 1361
Ngày đăng: 06.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc “Tháng Tư màu nhớ” của Phạm Đức Mạnh - Đặng Xuân Xuyến
Đọc tản văn “ Loa kèn trắng đợi anh”. - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyên Minh với nỗi ám ảnh cô đơn và tâm thức lưu đày trong hành trình sống và viết… - Trần Hoài Anh
Bức tranh “ Thiếu nữ” đặc sắc của Đặng Xuân Xuyến - Dương Ninh Ninh
Bồ kết về đồng và không gian truyện kể của Nguyễn Hải Yến - Đặng Văn Sinh
Một bài thơ trăng trối của Phạm Ngọc Thái – Lời bình Việt Phương - Việt Phương
Những người nữ trong thơ Trần Yên Hòa - Phan Ni Tấn
Viết cho sinh nhật tôi - Nguyên Bình BRVT
Nhìn lại hiện tượng Lý Phương Liên sau bốn mươi năm - Nguyễn Anh Tuấn
Truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng: Thấu hiểu và thương xót - Trần Hạ Vi
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)