Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.364
 
Thoảng gió tháng Tư
Nguyễn Thị Kim Lan

                                                                                   

  1. Dù tiệc mới chỉ bắt đầu và được coi như khách quan trọng nhất, nhưng Vàng Anh cáo lỗi, ra về. Chủ nhân dư sức biết là có chuyện chi đây trong đầu cô bạn gái, nhưng anh kẹt khách khứa, và ý nghĩ rồi đâu có đó, trước lo trước sau tính sau của một tay dạn dày kinh nghiệm trường đời và trường tình đã khiến anh đứng lên, mở cửa, cầm túi đưa nàng, hơi chạm nhẹ môi lên vai khi nàng quay đi : Tạm biệt em,  sẽ nhắn tin ngay. Vàng Anh hơi so vai lại trước hơi thở ấy, không rõ vì làn hơi lạnh từ cửa phả vào hay vì một mơ hồ khó tách phân nào đó, không nhìn anh, cô khẽ gật đầu, vịn tay vào cửa sau khi cài khuy giày, đứng lên tựa như người kiệt sức, và loạng choạng ra cửa, xuống bậc thang, đi về phía hàng cây ven hồ, xa hơn nữa là trạm xe buýt.
  2. Trong lúc ngồi trên chiếc ghế tựa, dưới mái che bằng hợp kim màu ghi, Vàng Anh bất giác nhớ trạm xe ở Hà Nội, trên đường Kim Mã. Hàng ngay, khi đi đến viện nghiên cứu, cô ngồi chờ trên chiếc ghế  I nốc, dài, dưới mái tôn xanh, phủ thêm tán hoa giấy ngũ sắc. Thiết kế ấy khá điệu theo kiểu Hàn Quốc, nếu không có những người bán hàng nước chè chén với các ghế nhựa, không có các hàng xôi với những chiếc thúng và các vỉ nâu sẫm phủ lên, không có dăm người xe ôm, xích lô, thợ xây ngồi quanh thả khói thuốc lào và đôi khi thảng hoặc cả những tràng cười hô hố, tiếng chửi thề… thì bến xe hàng ngày của Vàng Anh đã có thể là bến thơ hoặc tiểu thuyết ngôn tình của cô. Nhiều khi cô mong ngày mưa, hay những ngày lễ, để những hình ảnh lam lũ không đâu vào đâu kia đừng đan xen vào phiến cảnh Hà Nội tiểu thư của cô. Mong quá, rồi thở dài, khi xe buýt đến, hối hả lên, hối hả tan vào. Người ta bảo đi chợ là biết giàu nghèo của một vùng, thì đi xe buýt Việt Nam biết được hết những nhếch nhác, nhộm nhoạm, phấp phỏng của tầng lớp thị dân bậc dưới. Biết cả lao động công nghiệp và qui hoạch đô thị còn sơ khai. Biết cả cái đuôi của văn minh bao cấp còn kép dài ở giá vé xe buýt rẻ như cho không. Ở đâu mà giá rẻ ( nhà nước bù lỗ  phần không rẻ) thì ở đó có mùi ôi ả, hiu hắt và tan rã. Vàng Anh không nằm trong tầng lớp sinh viên, thợ thuyền, người già, người cơ nhỡ. Cô đi xe buýt để nhàn và để được hưởng cảm giác như ngày còn thơ bé với những xê dịch trên xe buýt và tàu điện, tàu hỏa. Tha hồ mộng tưởng theo tiếng bánh xe lăn và ngăn với bụi bậm nắng nôi bên ngoài bằng tấm kính, thấy đời sống sao mịn màng. Chính trên xe buýt, cô chát với anh- người đàn ông đang sống độc thân ở tận xứ tuyết, nghe anh tả những  viễn cảnh khi cô sang, họ sẽ rong ruổi trên xe do anh lái, đi khắp nước Mỹ, sông suối, biển hồ. Và cô thì thích họ đi bằng tàu hỏa, thứ tàu hỏa đi xuyên lục địa giàu có và khoáng đạt, một lục địa mà tưởng tượng là thiên nhiên và cảnh quan không nheo nhếch như ở quê nhà. Cô tưởng tượng thấy bao nhiêu mùi thi vị, tươi non và cô đã nhận lời hò hẹn với anh. Bữa tiệc hôm nay, anh dự định giới thiệu cô với bạn bè anh. Họ đã chuẩn bị cả tuần nay cho party này, thức ăn, rượu, hoa trái. Vàng Anh đang nghĩ đến câu chuyện anh và cô nói trong khi gọt hoa quả thì xe buýt của cô tới.
  3. Về đến chỗ ở, có lẽ đã đến 30 phút. Vàng Anh ở nhà một chị bạn. Chị ấy bán thời giản ở Hà Nội và Cali, đi lại để có cớ đi hết các đôi giày và mặc hết các bộ váy áo, để chờ tóc bạc và chồng đủ già thì khỏi phải dịch chuyển. Nàng sang đó với ổng đi rồi để tôi ở hẳn, ta rong ruổi, nàng viết còn tôi chơi bài. Chị ấy bảo Vàng Anh thế, và vật trao chìa khóa ngôi nhà cho Vàng Anh. Anh đã đến đây cùng nàng. Chắc anh nghĩ  nàng ở phương đông sang, xứ man di ấy đàn ông coi phụ nữ như vật nuôi giết thịt, không tôn trọng và yêu thương gì, nên anh chú tâm chăm chút và yêu nàng tân kì nhất, văn hóa nhất như anh nghĩ. Từ xách đồ, mở cửa, đến cùng rửa chén, dọn phòng; đến nụ hôn. Anh dạy nàng cẩn trọng cách đặt nụ hôn tình nhân của người bên đó, cách để thể hiện sự bình quyền ai làm gì ai chỗ nào ai trao ai nhận. Nàng nhớ có đến khoảng 101 định nghĩa về đàn ông , đàn bà, hạnh phúc, yêu thương. Không hiểu sao cái gì nàng cũng thấy thiếu. Cà phê thiếu, bánh kẹp thiếu, li vang thiếu, chiếc gối, và… Dần dần, tuần qua, Vàng Anh thấy đắng miệng, thân nhiệt thấp hẳn, cô luôn thấy lạnh ở chân, hai cánh tay, gò má. Đêm khuya, trong căn phòng khá đẹp của nhà anh, anh yêu nàng. Cố tự giấu, nhưng Vàng Anh có cảm giác ruột gan mình bị trôi hết đi đâu. Cô chỉ còn là một chiếc đồng hồ quả lắc đã mất dây cót. Một ổ bánh mì đã không còn ruột. Cô đợi ngày đặt vé về khó khăn như ngày tụt huyết áp mà phải đi một bài gym nâng cao. Muốn khóc. Cho đến trưa nay. Lúc nàng đang lau ly rượu trong bếp, nghe tiếng anh nói với cộng sự về một ai đó. Hình như nhân viên của họ không hoàn thành nhiệm vụ. Anh nói với cộng sự cho  nghỉ việc và trợ cấp  theo hợp đồng. Vàng Anh bỗng nhớ đến một chuyện tương tự đã xảy ra ở cơ quan cô, giữa Tuấn – chồng cũ của cô- và cô văn thư. Cô văn thư ấy hay làm hỏng đồ dùng, hay chuyển nhầm công văn và pha trà rất dở. Vàng Anh băn khoăn quá. Sếp phó của Tuấn rầy la cô ấy từng ngày, rồi lập ra cam kết với điều kiện cô ta mà vi phạm nữa thì chấm dứt hợp đồng. Tuấn  điềm đạm : Nếu cậu đòi hỏi mức độ hoàn thiện với chất lượng công việc cao thì cậu phải xem xét khả năng đáp ứng. Hoặc  cậu giao nhiều việc quá, hoặc năng lực người lao động có hạn. Ép quá mức cho phép cô ấy sẽ ốm, sẽ gặp nguy hiểm. Thứ hai. Thi thoảng nhà tôi có làm thay thì việc có thể tốt hơn. Nhưng một người làm suốt một việc thì tần số sai lầm và kém sáng tạo sẽ cao hơn. Cậu nên để ý các yếu tố rồi tư vấn thúc đẩy sau khi cân đối. Xem sau đó thế nào. Trả tiền và cho người ta nghỉ việc không phải là cách xử lí tốt nhất. Con người chỉ thực sự được sống khi có công việc. Vả lại, việc tìm người thay thế sẽ rất khó và thời gian họ quen việc ta sẽ khó khăn. Hãy thử lùi bớt lại các yêu cầu thiếu thực tế của mình xem sao.” Tuy Tuấn không nói thêm, nhưng Vàng Anh biết, anh cho rằng có một phân số, mà mẫu số là sức khỏe người lao động. Tử số chính là  công việc và đòi hỏi mà ta giao cho họ.
  4. Em đang có gì trong đầu thế? Khắc Tiệp  hỏi cô, đúng lúc cô  cắt dao vào tay. Anh có đủ đồ cứu thương trong nhà, nhưng anh không biết cách làm. Ở xứ này, dù chỉ húng hắng đã có đốc tờ nên ai cần chi đến tính tháo vát. Vàng Anh tự cầm máu và băng cho mình. Cô không kêu ca gì và bình thản lau dọn chỗ máu rỏ. Anh bảo: Anh ghét tính chịu đựng và chịu thiệt của đàn bà phương đông, ghét tính thô thiển và vô cảm của đàn ông bên đó. Nhìn cách em tự cứu thương anh biết em không được cưng chiều. Cho anh xin lỗi đã nói thật thế. Anh xin lỗi lần này chắc có lẽ là 21 lần trong ba ngày. Hơn hẳn Tuấn trong 10 năm chưa từng nói một lần. Nhưng không hiểu sao, lúc này, Vàng Anh nhớ câu chuyện Tuấn khi anh bị ngã xe. Ba năm sau, khi rửa xe cô thấy có mảng da và lông bò, kinh ngạc hỏi, mới biết anh vì tránh mà bị chấn thương đầu gối. Phải cấp cứu. Cả cơ quan biết. Vàng Anh không. Vì anh đâu có nói. Cô bình thản với sự không biết của mình cũng bởi sự bình thản của Tuấn. Anh không cố ý làm tốt quá mức cho cô mọi thứ và ngược lại, không khi nào đòi hỏi hay than phiền về cô, về xung quanh. Đó là Tuấn. Tuấn thường bảo : Cuộc sống vốn đã khó. Làm khó thêm làm gì. Nhàn mới là giỏi. Bề bộn thì mệt chết. Ồ. Sao mình hay nghĩ đến Tuấn thế nhỉ. Anh ấy nóng ruột mất.
  5. Khắc Tiệp rất tự hào là anh phi chính trị và không định kiến. Thật ra anh có vấn đề gì về di dân đâu. Cha anh là công chức sở Pháp. Anh đi theo diện tị nạn nhân đạo. Nhưng gia đình anh không ai mất mát trong chiến tranh. Cũng không gây thù oán gì với người ở lại. Khi sang đó, anh lại làm công chức. Thế nên, từ cảm xúc đến quan hệ xã hội, anh như người chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn. Chưa kể, cân nhắc kĩ, con cái anh được lợi hơn rất nhiều từ cuộc di cư của anh. Anh luôn sôi nổi mỗi khi nói với cô về Hà Nội, món ăn, bài hát, về ba sáu phố phường. Anh nói ít hơn đến thói bia rượu, vũ phu gia trưởng, hủ nho của đàn ông Việt. Và anh nói rất cảm xúc về bình quyền đàn ông đàn bà ở đất mới. Vàng Anh lờ mờ nghĩ rằng anh cho là cô là tù nhân lương tâm, tù nhân văn hóa, cô có đầu óc tối tăm do sống ở thiên đường mù, và anh cần có trách nhiệm yêu thương và khai sáng cô. Thiện ý ấy cô biết. Nhưng chính cô không rõ tại sao mình không chỉ ơ hờ, mà còn sốt ruột. Giống hệt cảm giác nghe một huấn luyện viên bơi giáo huấn về kĩ thuật chống đuối nước; khi mà mình đã tự ngoi từ đáy vực vào bờ, ướt sũng, và chỉ cần anh ta đốt cho đống lửa, bọc mình vào một tấm chăn và nhìn sâu vào mắt : em thiệt kì lạ, cô giáo ít lời của anh.

Thôi, không sao. Biết đâu anh ấy đúng. Cho đến khi, cô nghe thấy anh và cô bạn anh bàn về một bài thơ của một văn sĩ nổi tiếng. Bài thơ ấy đại ý nói về yêu hoa hồng mà phải chịu cái gai của nó thì tội tình. Anh nói gì nghe không rõ. Nhưng cô bạn nhanh nhẩu, cao giọng “ Hoa hồng là cuộc kháng chiến cứu quốc còn những cái gai là những người cách mạng”. Lời của cô ấy  tuy nhỏ nhẹ mà Vàng Anh cứ lạnh hết cả người, y như những  nhát dao đâm vào tim cô. Cô nhớ tới  ông ngoại cô bị một viên cai thầu người Pháp đá từ giàn giáo xuống, ốm, chết. Cô nhớ tới hai bác cô là vệ quốc đoàn, chết đều 20 tuổi, chưa vợ con,  sau ra lính từ năm 16 tuổi, trong những trận chống càn. Họ là gai đấy ư? Vậy thì hoa ở đâu? Thay tiêu chí  thế nào để  gọi tên khác đi về những sự thực đã diễn ra ?San phẳng những nấm mồ trên khắp mặt đất thì được gọi là công bình ư? Bỗng nhiên Vàng Anh xây xẩm, ngồi thụp xuống để khỏi ngã. Cô nhớ đến Tuấn khi anh kể về bố anh lúc ông dẫn lữ đoàn đặc công của ông vào Phnom Pênh chi viện cho bạn ông. Khi đó,  tự ông lao vào làn đạn cối, vác đại tá bạn ông ra khỏi vòng vây và ở lại thay thế từ lúc bạn ông tử trận cho đến ngày giải phóng Phnom Penh. Tuấn bảo : ta ở gần quá, ta chỉ thấy điều thiếu điều dở, mà ta không điều đặc biết quí giá ở họ. Họ thực sự can đảm và có lí tưởng. Họ luôn muốn  cứu giúp, che chở, và bảo vệ. Dù, để làm được điều ấy trong hoàn cảnh của họ, họ chỉ biết dũng cảm và liều chết. Câu chuyện của bông hoa kia, khiến Vàng Anh hiểu ra, cô và Khắc Tiệp là hai thế giới khác biệt. Không thể bắt mối liên lạc. Đó chính là lí do cô từ biệt khi bữa tiệc vừa bắt đầu.

  1. Đêm, Khắc Tiệp gọi. Anh nói gì đó ý là cô không nên mặc cảm. Cô cần mở lòng và thay đổi. Cô vâng. Anh dặn cô này nọ. Cô cũng vâng. Anh nói gì cô cũng vâng. Vì cô biết, cô không thể và cũng không muốn đáp khác. Rồi  anh hỏi cô mai cô muốn thay đổi không khí thì anh sẽ cưng chiều. Cô bỗng nhớ rằng, khi Tuấn và cô chia tay, Tuấn bảo : Nghĩa thì còn nhiều. Nhưng ta nên dừng lại. Vì mảnh đất của hai  ta dường như bạc mầu rồi. chúng ta nên cho chính chúng ta những cơ hội. Dù anh luôn ước em mãi  là của anh. Nhưng muốn là một chuyện. Cuộc sống lại là chuyện khác. Em không thuộc về thế giới này. Về căn bản, tự do là để con người được sống thoải mái với chính họ. Vàng Anh luôn nghe lời Tuấn. Bởi cô biết, anh đã làm gì thì việc đó anh đã thấu hiểu nó. Thấu hiểu đến từng hơi thở.
  2.  Đổi vé và Vàng Anh bay về nhà. Cô biết sẽ tìm Tuấn để hỏi quan điểm của anh về chuyện bông hoa kia. Như mọi chuyện trên đời, việc gì cô cũng luôn tìm anh, như thí sinh cần  tra từ điển. Thì ra, rồi thì cô lại về anh. Dù đường vòng, dù tên gọi khác, chứng niệm khác. Thậm chí cơm ăn nước uống khác. Nụ hôn khác. Nghĩ đến đây, cô nhớ cảm giác lần đầu cái nhìn của anh khiến má cô chín đỏ. Đó là cái nhìn lâu hơn một chút của anh vào gương mặt cô, khi cô ốm, anh cùng cơ quan đến thăm, sau nửa năm anh và cô yêu nhau. Và nửa năm sau nữa, lần đầu, ở sông Đà, anh hôn cô. Nụ hôn ấy, khiến nhà máy thủy điện Sông Đà tung thác trắng mãi bao năm sau trong tâm trí cô.
  3. Vàng Anh lại lên xe buýt. Cô đưa mắt kiếm tìm những hàng quán. Khẩn thiết như tìm người thân. Trừ khi bất đắc dĩ, con người như con kiến mới phải rời tổ khi mưa lũ cuốn đi. Còn thì, nó sẽ ở yên đó trong một rằng rịt bí ẩn hay khổ lụy nào đó, Vàng Anh không hiểu hết. Cô chỉ thấy má mình nóng, chân mình ấm. Và cô ngả đầu lên ghế, chợp mắt. Trong lúc thiếp đi ấy, cô thấy Tuấn. anh bảo: “ Nên thực tế và can đảm thì có nhiều cơ may hơn. Còn lại, cái gì chấp nhận được thì cứ chấp nhận thôi, đơn giản mọi thứ, em sẽ nhẹ. Về cơ bản, con người không có trách nhiệm thay đổi thế giới. Chỉ cần học cách tôn trọng và chung sống.”. Và Tuấn trao cho cô tấm áo chống nắng dày. Thay vì em kêu ca xứ nóng ẩm, thay vì em cô chấp để ốm. Thay vì em so sánh để tự hắt hủi. Anh vẫn nhớ cô rất dễ bỏng nắng. Xe cua vào khu đường cũ, Vàng Anh giật mình. Nước mắt cô  ướt cả vai. Tuấn hay trêu cô : Khóc chút cho sáng mắt. Khi em  hờn, khi em ốm, phỉ phui miệng anh, anh thấy rất xinh. Cô giãy nảy: Không đánh trống lảng lời xin lỗi đâu. Tuấn nói khẽ: Anh chuẩn bị nói rồi. Nhưng còn băn khoăn xem còn cơ hội nói không. Trời ơi. Tuấn luôn thế. Người đàn ông không một lần  nói lên lời hai tiếng xin lỗi. Không nói như một chiếc máy ghi âm. Anh làm chậm lại, đi vòng quanh. Để cô cảm thấy anh. Cảm thấy mấp mô con đường họ tìm nhau. Cảm thấy các vết đau. Và buông rơi. Sâu thẳm. Như thoảng tháng tư gió.

27.4.2020.

 

 

Nguyễn Thị Kim Lan
Số lần đọc: 1363
Ngày đăng: 06.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Buổi sáng, ngày cách ly. - Trương Văn Dân
Từ tro tàn bóng chữ bay lên - Trương Văn Dân
Người mẹ mù - Bùi Thanh Xuân
Bôi trơn - Trần Yên Hòa
Dưới hàng gió bách - Nguyễn Thị Kim Lan
Tệ thiệt - Bùi Thanh Xuân
Một chút hạnh phúc - Elena Pucillo Truong
Cúng cơm cho mẹ - Bùi Thanh Xuân
Đời đổi thay biết bao lần. - Trương Văn Dân
Nhớ mẹ - Bùi Thanh Xuân
Cùng một tác giả
Trở lại (truyện ngắn)
Midi&Tidi (truyện ngắn)
Kiếp trước (truyện ngắn)
Tí ta tí tách (truyện ngắn)
Đỉnh trời gió bấc (truyện ngắn)
Thầm lặng (truyện ngắn)
Nhẹ rơi bồ công anh (truyện ngắn)
Mây Cô Ban (truyện ngắn)
Sau mù sương (truyện ngắn)
Dưới hàng gió bách (truyện ngắn)
Thoảng gió tháng Tư (truyện ngắn)
Hồ đào lá vát (truyện ngắn)
Chênh vênh (truyện ngắn)
Đêm tìm em (truyện ngắn)
Phóng xạ (truyện ngắn)