Từ gần 50 tài liệu và trích dẫn của các học giả, nhà nghiên cứu và báo chí trong, ngoài nước, tác giả Lê Lan Khanh, một phụ nữ Sài Gòn, hiện nay là Giám đốc phát triển kinh doanh tại Laguna, Lăng Cô, Huế sau hơn một năm tập trung nghiên cứu, biên soạn đã cho ra mắt độc giả vào mùa xuân 2020 cuốn sách Nam Phương Hoàng Hậu do Nhà xuất bản Thế giới cấp giấy phép.
Đây là một tác phẩm thuộc thể loại nghiên cứu lịch sử dày 326 trang gồm 7 chương, được trình bày đẹp, trang nhã, giới thiệu nhiều hình ảnh minh họa quý hóa, có giá trị lịch sử về lâu dài.
Mở đầu sách Nam Phương Hoàng hậu, Lê Lan Khanh cho biết: “ Bao năm tháng đã qua, hình ảnh khả kính của Hoàng hậu Nam Phương vẫn ngự trị trong tâm trí của người Việt Nam.
Hoàng hậu duy nhất của Triều Nguyễn theo đạo Thiên Chúa, Tây học đã chinh phục hàng triệu con tim của Triều thần và dân chúng vốn theo Nho giáo. Xuất thân danh gia vọng tộc, nhan sắc, trí tuệ, nhân cách cao quý, định mệnh của Hoàng hậu Nam Phương được vinh quang tột đỉnh nhưng lại cô đơn đến tận cùng.
… Vì lẽ đó, tôi biên soạn cuốn sách này để ghi lại số phận đầy thăng trầm của bà Hoàng hậu cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Nhưng trên hết để tôn vinh tình yêu sâu sắc của Hoàng hậu dành cho đất nước. Cuộc đời Hoàng hậu là một câu chuyện dẫn dắt từ giấc mơ đẹp trở thành hiện thực, đầy ánh hào quang đến những dằn vặt trong tâm tư tình cảm, nghị lực và đức tin vượt qua thử thách.”
Qua từng trang sách, từ phần 1 đến phần 3, độc giả thích thú theo dõi cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương từ chuyến tàu định mệnh cho đến những tháng năm vương giả trong cung vua Bảo Đại với những buồn vui, thăng trầm của một bậc mẫu nghi thiên hạ rồi với chuỗi ngày sống trong nỗi niềm cô đơn, giá lạnh, thân phận phiêu dạt sau khi triều đại nhà Nguyễn kết thúc, và thời gian sống ở hải ngoại cho đến cuối đời với ước vọng không thành: được trở về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!
Với tác phẩm Nam Phương Hoàng Hậu, tác giả Lê Lan Khanh đánh giá cao vai trò cá nhân của Hoàng hậu Nam Phương: “… cả cuộc đời của Bà đã trở thành hương thơm mà bà để lại, như Hoàng đế Bảo Đại đã đặt tên cho Hoàng hậu của mình “Nam Phương có nghĩa là hương thơm của phương Nam (Parfume du Sud)” .
Các phần tiếp theo của tác phẩm Nam Phương Hoàng Hậu, Lê Lan Khanh giới thiệu cặn kẽ, chi tiết nhân thân của các hoàng tử, công chúa giúp độc giả hiểu thêm quá trình nuôi dưỡng, giáo dục và trưởng thành các người con thân yêu của Hoàng hậu Nam Phương.
Riêng dòng họ bên ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, tác giả Lê Lan Khanh đưa vào phần 5, 6 với tiêu đề Dòng họ đại phú hào của Việt Nam cuối thế kỷ 19 với Các công trình đóng góp cho xã hội (phần 7), trong đó có nhà thờ Huyện Sỹ (tên hiệu: nhà thờ Thánh Philippe Tông đồ) do ông ngoại Nam Phương Hoàng hậu là Lê Tất Đạt, tức Huyện Sĩ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng theo thiết kế của linh mục Charles Boutier; cũng đã nói lên được phần nào những ảnh hưởng tích cực của dòng tộc đối với quá trình hình thành nhân cách tốt đời, đẹp đạo và tinh thần yêu quê hương dân tộc của Hoàng hậu Nam Phương.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến phần Phụ lục của cuốn sách giới thiệu nhà văn Pháp ngữ Nguyễn Tiến Lãng, người bí thư đặc biệt của Hoàng hậu Nam Phương, ông đã cất giữ những thư từ của Bà trong hộp kim loại như giữ vàng bạc châu báu của gia đình. Chính từ những tư liệu quý báu này đã góp phần không nhỏ để những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, trong đó có Lê Lan Khanh viết chân thật, tương đối hoàn thiện về cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương.
Huế, ngày 29.3.2020.
.