Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.217.136
 
Vụ án hơn 900 năm trên hồ Mù Sương
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Một chiều mùa đông, tôi có dịp lang thang trên mặt nước hồ Tây (còn gọi là hồ Dâm Đàm, tức hồ Mù Sương) - nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử vô giá, là một kho tàng huyền tích và giai thoại văn học quý báu... Hồ Tây lúc này dày đặc sương. Sương phủ khắp bến bờ. Sương phủ lên cây cối hoa cỏ. Sương phủ lên chùa chiền, phủ kín những văn bia, những nét chữ trên đình đền miếu mạo. Sương như phủ kín cả cuộc đời này, với bao dáng người mờ mờ nhân ảnh...

    Cũng chính trên mặt nước mù sương khiến cho hồ mang tên Dâm Đàm từ xa xưa này, hơn chín thế kỷ trước đã xảy ra một câu chuyện thực bi thảm...

    Đó là vào năm 1096, vị thái sư đương triều Lê Văn Thịnh mà công lao phụ quốc đang lớn tựa núi thái sơn bỗng dưng bị mắc tội tày đình, cái tội đáng phải giết cả ba họ! Chuyện xảy ra chớp nhoáng trên mặt nước phía Tây kinh thành Thăng Long này, trong buổi chiều ấy đã thiêu hủy toàn bộ công lao và thanh danh của một vị đệ nhất công thần thời Lý! Tất cả sử sách chính thống trong nhiều thế kỷ và các lời truyền miệng - dù chi tiết có khác nhau, có nhiều dị bản, và tuy có nghi vấn, nhưng tựu chung lại đều kể về chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ trên hồ Dâm Đàm để dọa vua Lý Nhân Tông, nhằm đoạt ngôi báu... Có một điều trùng hợp khá lạ lùng là: Thái sư Lê Văn Thịnh sinh vào năm Canh Dần (1050), tới nay là hơn 16 Hoa Giáp! Sinh thời, ông có dáng người đi và ngồi tựa hổ, và định mệnh quái ác lại khoác cho ông cái án hóa hổ dọa vua!

    Cũng trên sóng nước màu huyền thoại của chiều đông tàn, tôi chợt nhớ lại hình ảnh một con thủy quái bằng đá kỳ lạ mà người đời vẫn quen gọi là rồng từng gặp trên núi Thiên Thai vùng Kinh Bắc xưa...

    Con vật này được tìm thấy dưới chân đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh, sau nhiều thế kỷ bị chôn vùi trong lòng đất và sự quên lãng...Từ lúc được phát hiện cho tới nay, chưa đầy hai chục năm, nó đã gây nên một nỗi sững sờ, kinh ngạc, và xúc động tận đáy lòng nhiều tầng lớp người khi tận mắt nhìn thấy nó, hay chỉ được ngắm nó qua ảnh chụp...

    Vậy con rồng đá dưới chân núi Thiên Thai đó biểu tượng cho ai, nó muốn diễn tả nỗi niềm gì của ngươì nghệ nhân dân gian? Nó có liên quan gì đến vụ án hồ Dâm Đàm? Đâu là sự thật đằng sau sương mù hồ Tây và sương mù của lịch sử?

    Tôi đã tìm đến Văn Miếu tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây có bảng vàng bia đá lưu danh thơm của nhiều vị khoa bảng đất Kinh Bắc xưa. Và ở một trong những tấm bia Kim bảng lưu phương, dưới ánh nến của học trò trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, tôi nhanh chóng tìm thấy tên tuổi vị tiến sĩ đứng đầu bảng 10 người, ở khoa thi nho học tam trường đầu tiên ở nước ta để chọn người tài làm quan: khoa thi Minh kinh bác sĩ lần đầu được mở ra tại Quốc tử giám - Thăng Long năm Ất Mão (1075)- vị tiến sĩ khai khoa đó chính là Lê Văn Thịnh, mở đầu cho truyền thống khoa bảng rạng rỡ của cả vùng Kinh Bắc với 599 vị tiến sĩ nho học! Sử sách cũ chép lại, ngay sau khi đậu thủ khoa, Lê Văn Thịnh được vào hầu vua học (thực chất là dạy vua). Lúc này vua Lý Nhân Tông mới khoảng 10 tuổi.

    Năm Giáp Tý (1084), nhờ có nhà ngoại giao có tài Lê Văn Thịnh, nhà Tống đã buộc phải trả cho nhà Lý 6 huyện và 3 động mà hai bên không mất một mũi tên, một giọt máu!

   Năm Ất Sửu (1085), Lê Văn Thịnh được phong chức Thái sư - chức quan đại thần to nhất trong triều. Đất nước lúc này đang trong thời kỳ thái bình, dân an, nước mạnh. Nhiều chùa tháp được xây dựng trong thời gian đó. Lê Văn Thịnh còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng luật pháp thời Lý, và ông đang  tiến hành những dự án cải cách quan trọng cho quốc gia.

    Nhưng lịch sử thật trớ trêu, ai có thể ngờ rằng, vị Tiến sĩ - Thái sư đó đang phát huy tài năng chấn hưng Đất Nước thì tai họa đã giáng xuống nhấn chìm ông trong sóng nước hồ Tây! Tai họa ấy đã được kể lại một cách mơ hồ, đầy tính hoang đường như sau trong hai cuốn sách Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái thời Trần: Quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một tên gia nô người Đại Lý (Vân Nam) có phép thuật kỳ lạ: đọc thần chú xong biến hình thành hổ báo, Văn Thịnh cố dỗ để dạy mình thuật ấy, học được thuật rồi liền lập mưu giết tên gia nô và định dùng thuật hại vua để cướp ngôi. Tháng 3 năm Bính Tý 1096, vua Trần Nhân Tông cùng thái sư đi thuyền chơi hồ, xem đánh cá. Bỗng nhiên sương mù nổi lên dày đặc, rồi có tiếng chèo rào rào của một chiếc thuyền xáp đến. Vua cầm giáo phóng, thì sương tan, trên chiếc thuyền xáp đến nọ thấy một con hổ chực vồ vua. Người chài lưới là Mục Thận quăng lưới chụp lấy, thì trong lưới lại chính là… Lê Văn Thịnh! Ông bị bắt ngay, lẽ ra phải tội tru di, nhưng vua xét người có công, “thương tình” cho đi đày biệt xứ miền Thao giang, đến tận ngày qua đời…Vua khen Mục Thận đã có công cứu vua, cất làm Đô uý và sau thăng tới Phụ quốc tướng quân. Khi mất, tặng chức Thái uý. Vua sai dựng đền tạc tượng thờ. (Đền thờ Mục Thận chính là đình làng Võng Thị, quận Tây Hồ ngày nay).

    Điều đáng nói là, từ câu chuyện đầy hoang đường đó đã hình thành một nghi án mà trong suốt mấy trăm năm sau đó, sách sử phong kiến đã không một lần tìm cách lý giải tới cội nguồn sự thật. Trước sau trong sử không hề ghi ông có hiềm khích, thù oán, xung khắc gì với triều đình, với vua và Hoàng Thái hậu; sử sách cũng không hề ghi ông có phe nhóm, bè đảng và âm mưu gì. Hơn 900 năm trôi qua, sự việc ở hồ Dâm Đàm vẫn treo trên đầu các thời đại một câu hỏi lớn.

    Sách Đại Việt sử ký toàn thư và các bộ sử khác ở nhiều triều đại đều chép lại gần như nguyên xi Việt điện u linh và cho rằng Lê Văn Thịnh mắc tội phản nghịch là có thực, lẽ ra phải khép vào tội chết. Có trọng “tội” mà không bị giết nhưng vẫn là một nhân vật mưu phản trong suy nghĩ của nhiều người.

    Các sách khác như Việt sử lược, Lịch triều hiến chương loại chí, v.v cũng không thoát khỏi sự nhìn nhận khắt khe đối với cái gọi là tội lỗi của Lê Văn Thịnh! Vua Tự Đức là người nổi tiếng về văn chương khi ra Thăng Long, đi trên hồ Tây đã làm thơ về Lê Văn Thịnh như sau (có trong đình làng Võng Thị, quận Tây Hồ):

Văn học toàn dùng để tiến thân/ Học thâm tôi tớ thuật kỳ gian/ Giáo thần ném tới tà ma hết/ Hổ quỷ nguyên hình chính đại thần (Dịch từ chữ Hán).

    Sương mù hồ Tây dường như muốn nhấn chìm mọi trang sử sách trong ẩn số, hay muốn thử thách lòng trung thực và sự dũng cảm của con người trước công lý?

    Cho đến già nửa sau thế kỷ 20 - dựa trên những sử liệu và dư luận sẵn có, một tác giả viết kịch hát có uy tín đã dựng lên một nhân vật gian thần ác độc, nhiều mưu mô thâm hiểm và nhiều tội lỗi khủng khiếp, nhân vật đó mang tên: Thái sư Lê Văn Thịnh! Vở chèo này đã được trình diễn ở nhiều nhà hát, nhiều chiếu chèo trên toàn quốc, được khán giả say mê hoan nghênh rầm rộ, và được giải thưởng hội diễn không ít lần! Gần chục cuốn sách thời nay viết về đền miếu, thành hoàng làng mà tôi có trong tay cũng cố tình "lờ" đi tên tuổi Lê Văn Thịnh - dù ông được thờ làm phúc thần ở không ít nơi!

 

    Nỗi hàm oan gần 900 năm của Thái sư Lê Văn Thịnh vào những năm cuối thế kỷ XX đã được giới sử học nhìn nhận lại, và có cả một hội thảo khoa học khá quy mô. Người đầu tiên bào chữa cho Lê Văn Thịnh, đánh giá một cách toàn diện công lao, tài năng lừng lẫy của ông là giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nhà khoa học cho vụ án Lê Văn Thịnh chỉ là một sự hiểu lầm đáng tiếc và giải thích như sau: "Chuyện trên đây tiêu biểu cho sự mê tín có ảnh hưởng lớn đến chính trị ở triều Lý. Sử còn cho biết nhiều chuyện nói rằng vua Nhân Tông, cũng như các vua đời Lý sau, rất tin ảo thuật và dễ cảm xúc. Cho nên, chỉ vì một việc xảy ra thất thường, mà Văn Thịnh suýt bị chết. Về thời tiết lúc đó, một trận mù thình lình tới bên hồ là một sự thường gặp. Nhưng với tâm thần hay bị xúc cảm của vua Lý khi thấy trời tối mà mình còn ở trên mặt nước, thì vua đâm ra hoảng hốt. Có lẽ Lê Văn Thịnh cũng vì thấy trời tối mà vội vã sai chèo thuyền gấp tới để hộ vua về. Ngồi trên thuyền bị tròng trành không vững, Văn Thịnh phải ngồi khom mình, tay chống vào thuyền cho vững. Hình dáng trông như con hổ. Một mặt khác, có lẽ Văn Thịnh cũng tin vào các thuật và có tiếng sẵn là đã học được phép hoá hổ (từ một đạo sĩ người Đại Lý). Cho nên, kẻ trông thấy con hổ trong thuyền lại càng nghi cho ý muốn hại vua".

 

    Thực ra, chuyện hóa hổ xuất phát từ các đạo sĩ bắt nguồn từ thời Đường Trung Quốc truyền sang VN, và bên cạnh vụ hóa hổ Lê Văn Thịnh còn có vụ hóa hổ Lý Thần Tông. Hoàn toàn huyễn hoặc và thần bí! Vậy mà nó lại có sức sống dai dẳng trong suốt bao thế kỷ!

    Sau những thành công lớn lao của Lê Văn Thịnh cùng với tiếng tăm lẫy lừng mà ông đạt được, hẳn Lê Văn Thịnh đã trở thành một mối lo âu đối với  triều đình bấy giờ. Vua thì sợ Lê Văn Thịnh ngày kia có thể làm nguy hại ngôi báu của mình; quan thì sợ Lê Văn Thịnh có biệt tài, có quyền uy to lớn có thể làm phương hại đến địa vị mà họ đang hưởng. Phải chăng, vì thế họ đã dựng nên "sự kiện hồ Dâm Đàm" để loại trừ một đối thủ đáng ngại?

 

    Qua nhiều tranh luận, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những lý lẽ có sức thuyết phục vạch trần sự xảo trá của vụ án hồ Dâm Đàm, và dần đi tới sự thống nhất về thực chất lịch sử: vụ án Lê Văn Thịnh phản ánh cuộc đấu tranh ý thức hệ Nho - Phật - Đạo giáo thời Lý, khi mà Phật giáo đang đạt tới mức cực thịnh ở nước ta. Lê văn Thịnh không phải chỉ có kẻ thù là giặc bên ngoài, bên trong, ông còn có cả kẻ thù tư tưởng. Vụ án hoá hổ chỉ là một màn kịch phản ánh cuộc xung đột giữa hai hệ tư tưởng một bên là Nho giáo mà Lê Văn Thịnh là người đại diện, và một bên khác do những người sùng Phật giáo ủng hộ - trong đó có cả thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Đó cũng là tấn bi kịch của một bên là vị thái sư hết lòng cống hiến tài năng nhiệt huyết cho sự nghiệp quốc gia, một bên là hoàng tộc cùng đám quan lại quý tộc chỉ quanh quẩn với quyền lợi của chính mình! Việc quan thái sư Lê Văn Thịnh đi theo con đường Nho giáo để quản lý đất nước vấp phải tinh thần Phật giáo pha màu sắc ma thuật của đạo giáo đang bắt đầu lộng hành và áp đảo trong xã hội.

 

    Nhưng sử sách, ngay cả kẻ thù của Lê Văn Thịnh ở trong triều, cũng không thấy viết một dòng nào phủ định tài năng và công lao của ông. Lý Nhân Tông muốn minh oan cho ông, nhưng ông đã qua đời. Triều đình phong kiến các thời sau đã cho soạn thần tích về công trạng của ông và nhiều lần ban sắc phong… Sau vụ án, tên tuổi ông vẫn được khắc trên bia đá bảng vàng ở Văn Miếu tỉnh Bắc Ninh. Những tác gia lớn như Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, v.v đều ghi rõ Lê Văn Thịnh là người đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác sĩ đầu tiên, và có công lớn trong việc đòi đất cho quốc gia. Giở bộ sách Đại Việt thông sử của nhà bác học Lê Quý Đôn, tôi thấy các quyển viết về những kẻ nghịch thần không hề nói tới Lê Văn Thịnh!

 

    Và trong dân gian, từ xa xưa người dân đã có cách nhìn nhận trái ngược hẳn so với các sử gia chính thống về vụ án hồ Dâm Đàm. Tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, trong đền thờ Lê Văn Thịnh người dân đã sửng sốt khi tìm thấy một pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rồng lớn trong tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" từng chìm sâu trong lòng đất hàng trăm năm nay. Pho tượng toát lên nỗi đau đớn, phẫn uất... Nhà văn Nguyên Ngọc có những dòng cảm nghĩ sâu sắc đầy rung động về con rồng đá này như sau: "Hai tai rồng được tạc rất rõ, bên tai phải rỗng, thông, tai trái lại bịt kín. Dường như từ nghìn năm trước, con người tài ba xuất chúng mà số phận đau thương đó đã dự liệu được bao tiếng thị phi của các thế hệ nối tiếp người đời, ông muốn chỉ nghe một nửa, một nửa khinh bỉ gạt ra ngoài tai... Có lẽ trong lịch sử nghệ thuật Đông Tây, chưa bao giờ nỗi oan câm lặng nghìn năm của con người lại được thể hiện quyết liệt, dữ dội đến thế...."

 

    Ngôi đền ở sườn núi Thiên Thai vốn là nhà học của ông thuở thiếu thời. Dân gian vẫn gọi là đền thờ Quan Trạng. Tại đây, tôi được ông thủ đền thận trọng mở hòm bọc lụa cho xem (và cho cả quay phim) bản Ngọc phả cùng các đạo sắc phong. Ngọc phả do sử thần Nguyễn Bính, quan Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ biên soạn vào năm 1572, khẳng định Lê Văn Thịnh là một vị công thần của triều Lý Nhân Tông. Về sự kiện hồ Dâm Đàm, Ngọc phả tuy còn ảnh hưởng về cách nghĩ truyền thống như: Lê Văn Thịnh hóa hổ, bởi ông sinh năm Canh Dần- năm hổ, bình sinh lại có dáng ngồi như hổ, nhưng đã cho ta thấy tấm lòng trung quân ái quốc của vị đại công thần, phủ nhận hùng hồn cái tội âm mưu giết vua đoạt ngôi từng chụp xuống đầu ông trước đó 5 thế kỷ! Các vua hai triều Lê - Nguyễn đã ban 10 đạo sắc phong, cho nhân dân Bảo Tháp quê hương Lê Văn Thịnh dựng đình và lập đền, thờ ông làm thần hoàng làng. Mười làng thuộc các xã Đông Cứu, xã Đại Lai, xã Song Giang, xã Giang Sơn- những nơi ông dạy học xưa kia cũng đều tôn ông làm phúc thần, thờ thành hoàng làng, và hàng năm cùng nhau mở lễ hội chung ở Bảo Tháp gọi là hội Thập đình vào ngày 7 tháng giêng Âm lịch... Tại quê mẹ ông thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ, ông cũng được tôn thờ thành hoàng làng, có lễ hội tưởng nhớ hàng năm. Giới chính thống của các triều đại có thể sai, chứ dân gian bao giờ cũng sáng tỏ minh triết, công tội bao giờ cũng phân minh và độ lượng. Ngay lúc sương mù nhấn chìm chính sử, thì người dân vẫn lặng lẽ trong sương mù làm những việc minh oan và đền bù cho người chân chính.

 

    Cạnh chùa Bút Tháp nổi tiếng ở thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ - huyện Thuận Thành, có ngôi Đình hiện còn lưu giữ 11 sắc phong của các triều đình phong kiến, cùng nhiều đại tự, câu đối đánh giá công lao của Lê Văn Thịnh, như: "Tiền triều lương sứ "- "Khai quốc trạng nguyên", đặc biệt là vế đối: "Nam thiên hiển thánh như trường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tích trấn liên đàm" (Trời Nam thánh hiện tựa mây dài, tựa sao sáng, tựa mặt trời, vạn năm linh hồn lưu lại chốn hồ sen). Ở nơi Lê Văn Thịnh dừng chân trên đường về quê cha rồi mất, tôi đã được người dân Đình Tổ xúc động kể cho nghe về sự kiện này. Xưa kia, đây là làng Điềng, sau được đổi tên là Đình Tổ để ghi nhớ về Lê Văn Thịnh. Bên dấu vết còn lại của sông Dâu xưa, tôi bồi hồi nghĩ tới tấm lòng người dân Đình Tổ đã chăm sóc Lê Văn Thịnh trong giờ phút cuối đời, và mãi mãi trông coi phần mộ của ông như một vị đại ân đại đức... Nhưng đến bao giờ mới có được một ngôi trường, một đường phố, một nhà văn hóa... mang tên Lê Văn Thịnh?

 

    Trên sóng nước của hồ Mù Sương năm xưa đang chuyển dần vào màn sương xám xịt, tôi thầm nghĩ, sẽ có lúc phải đến vùng Thao Giang xưa, tìm lại nơi Lê Văn Thịnh bị lưu đày. Còn giờ đây, tôi chợt hình dung sương Hồ Tây tan hẳn, đúng hơn là các làn sương cứ cuộn vào nhau và cuốn về bờ xa, để lại một mặt hồ quang minh, vạn vật đều tỏ rạng, sắc nét... Và tôi lại thêm một lần nữa cảm thông với nỗi đau oan ức của danh nhân lịch sử suốt gần 10 thế kỷ qua, càng thêm thấm thía vào niềm tin ở lẽ công bằng của cuộc đời này…

           

 Hà Nội - Bắc Ninh, cuối năm 2015

 

Chú thích ảnh:

1. Tác giả và nhà Hán Nôm học Phạm Đức Huân trong đền thờ Lê Văn Thịnh

2. Tranh minh họa cho phim tài liệu:  “Vụ án hồ Mù Sương” (họa sĩ Nguyễn Anh Lanh)

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1883
Ngày đăng: 01.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Quên Tô Thùy Yên thì quá tệ đấy…” (Hay là vấn đề 3 nhà thơ) - Đỗ Quyên
Huyền thoại về một nhà thơ Huế - Võ Công Liêm
Mùa Đông Âu Châu và “Một phút tự do.” - Trương Văn Dân
"Nguyễn Ngọc Hạnh" Con sóng nhỏ của Thi Ca - Võ Quê
“Miên man lục bát” Man mác tình đầy - Trang Thùy
Biên khảo về sự hình thành tên: Trường trung học Nguyễn Tri Phương – Huế - Tôn Thất Tài
Cuộc đời và sự lớn dần của trí tuệ - Võ Công Liêm
Nam Phương Hoàng Hậu “Đức tin và lòng yêu nước” - Võ Quê
Tìm nơi trú ngụ văn chương - Phạm Xuân Nguyên
Từ sinh lý đến tâm lý - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)