Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.247
 
Vài nét về hai khuôn mặt nổi bậtcủa nhạc Việt đương đại:Lê Cát Trọng Lý và Vũ Cát Tường
Bùi Đức Hào

 

 

 

 

 

Trong tưởng nhớ đến Thái Thanh,

giọng hát toàn bích, vô song, đã thổi hồn

cho từng con chữ nốt ca tân nhạc Việt Nam

                                                                                                   

                                                                                                                                      Bùi Đức Hào


                                                                                                  

 

 

 

 

 

Nghệ thuật là một sự kiên trì lao động lâu dài, là quá trình thai nghén, chắt chiu từng ý tưởng, cảm hứng, là nỗ lực không ngừng đưa ra cái mới.

Vượt lên trên những biến thiên thời cuộc bằng tầm cao và độ lùi cần thiết, nó là tấm gương phản chiếu thực tại và, với thời gian, lưu lại hậu thế những chất liệu cho phép nhiều góc nhìn tán dương hoặc phê phán khác nhau về thời đã qua. Nghệ sĩ, vì thế, vừa là kẻ đồng hành điểm tô cuộc sống vừa là chứng nhân đặc biệt – có khi là người dự báo – gom góp những sắc màu riêng lạ nhất để vẽ nên con người và xã hội trong mọi chiều kích khả hữu.

Song, dù ở bất cứ xứ nào, sau một giai đoạn phát triển nghệ thuật với những đỉnh cao rực rỡ, người nghệ sĩ kế tục thường bị đứng trước một tình huống tế nhị: bằng mọi cách, họ phải vượt thắng chính mình, để khỏi bị « khớp » đến độ có thể bị nhụt chí chùn tay, không dám sáng tác nữa…

Riêng đối với nước ta, trong lĩnh vực các ca khúc, sau lớp đàn anh đại thụ điển hình là những Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…, thế hệ nhạc sĩ hậu sinh – dù có thể chưa đạt được mức 100% thành tựu do thiếu đều tay và hãy còn non trẻ – vẫn tỏ ra xứng đáng với nhiệm vụ tiếp tục đi tới và đã đông đảo trả lời có mặt trên trang sử mới bài hát Việt.

Đã ló dạng những nhân tố tinh khôi qua sự ra đời có khi còn nóng hổi của nhiều sản phẩm âm nhạc ấn tượng đến từ một Jack[1] “tân binh” tài hoa, một Hoàng Thùy Linh “hóa thân” ngoạn mục – với kỷ lục là nghệ sĩ đầu tiên thắng cùng lúc cả bốn hạng mục chính của Giải Cống Hiến năm nay[2] – hay, xa hơn, một Suboi rất thuyết phục, đã từng chững chạc trổ tài trước mặt Tổng Thống Mỹ Obama[3], chẳng hạn.

Nhưng, trong khuôn khổ bài viết này – như một lời cầu ước trông mưa giữa cơn khô hạn phê bình nghệ thuật –, xin được phép chỉ đề cập đến hai nhà sáng tác-thể hiện ca khúc trẻ tuổi đã lập nhiều thành tích rất đáng chú ý những năm gần đây, là hai nàng « dáng trai » (tomboys) độc đáo, mang tên na ná giống nhau khúc đầu: Lê Cát và Vũ Cát, hai phong cách gần như đối cực, hai tâm hồn dẫu mang nhiều khác biệt vẫn gặp nhau ở chỗ cùng hết sức năng động, trung thực với chính mình và say mê khai phá trong hành trình sáng tạo.

 

 

 

 

1-Từ hiện tượng đến hiện diện: Lê Cát Trọng Lý trên bước đường tìm mới trọng… tình

 

Lê Cát Trọng Lý tại một buổi trình diễn

 

ảnh sưu tầm trên mạng (sttm)

Với tác phẩm Chênh vênh xuất sắc giật giải « Bài hát của năm » trong chương trình Bài Hát Việt 2008[4], Lê Cát Trọng Lý – cùng lúc đoạt danh hiệu “Nhạc sĩ trẻ triển vọng”– đã xuất hiện vào thời điểm ấy như một hiện tượng đầy hứa hẹn. Mười hai năm trôi qua từ đó, đã khẳng định vị trí của cô gái đầy cá tính và tài năng này.

Không phải tình cờ mà nữ nghệ sĩ từng có biệt danh “con chim sẻ tóc xù”[5] đã được mời hát trong đêm trình diễn nhạc của Francis Cabrel tại Việt Nam năm 2009[6], hoặc trước “bá quan văn võ” vào dịp Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018[7] tại Hà Nội. Cũng như không phải ngẫu nhiên mà Lê Cát Trọng Lý liên tục nhận giải thưởng: hết giải “Cống Hiến” 2010 (Nhạc sĩ của năm)[8] rồi đến "Album ấn tượng" 2011[9] và gần đây hơn là giải “Âm nhạc xuất sắc” tại Liên hoan phim Việt Nam 2015.[10]

Rất nhiều trang đã được dành cho người nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng của đất Quảng Nam quả lắm anh tài ấy. Nhưng một trong những bài giới thiệu cô đọng mà có lẽ cũng đủ nét chủ yếu nhất về Lê Cát Trọng Lý – ở mốc năm phát hành 2014 – là của một nhà thiết kế vải lụa thời trang cha Pháp mẹ Việt[11], và nó còn lại được cẩn thận viết bằng tiếng của đại văn hào Shakespeare, nên hẳn đã tăng phần thuận lợi cho việc quảng bá. Tác giả Magali An Berthon hào hứng cho biết như thế là Trọng Lý của chúng ta đã từng được so sánh – dĩ nhiên trong kích cỡ và bối cảnh Việt Nam – với những nghệ sĩ lừng danh như Joni Mitchell và Tracy Chapman: một sự nồng nhiệt có thể khiến ta cảm kích mừng vui, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy ta tìm hiểu sát hơn, với những phân tích thấu đáo, cụ thể.


 

     Lê Cát Trọng Lý tại một khóa dạy sáng tác được tổ chức cùng Nguyễn Thanh Tú [sttm]


 

Lê Cát Trọng Lý, theo Wikipedia [12], sinh năm 1987 và lớn lên ở Đà Nẵng ; cha là ca sĩ, mẹ là giáo viên dạy văn. Sau khi tốt nghiệp trung học Phan Châu Trinh (2005), cô được nhận vào khoa tiếng Nga Đại học Đà Nẵng nhưng rồi bỏ ngang (2006), để vào Sài Gòn. Nhập Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Lý học viola ở khoa violon và bắt đầu sáng tác ca khúc.

 

Như chính cô đã phát biểu trên trang mạng BBC News [13]Mùa Yêu là ca khúc đầu tay được viết lúc 18 tuổi : nó hầu như đã chất chứa nhiều nét đặc trưng của phần lớn các bài hát về sau. Trong sáng tác, cô cho biết chịu nhiều ảnh hưởng dân ca, như rất nhiều nhạc sĩ khác. Tuy nhiên, ở Lê Cát Trọng Lý, ta thấy hơi hướng đồng giao nguyên thủy ấy, khi có, thường được hòa quyện, cuốn theo những cách ngắt câu, chuyển phách, cài nốt « đột biến » và cấu tạo âm tiết tân kỳ: những thủ pháp khá chung, thường gặp trong ca nhạc đương đại nhưng đồng thời – tùy theo lối sắp xếp – cũng làm nên « thương hiệu » riêng của từng tác giả.

 

Ta có thể nêu trường hợp tác phẩm Mùa Yêu chẳng hạn – mà đoạn giữa không khỏi nhắc đến những cung bậc bài hát « huyền thoại » Chênh Vênh – có những nốt đặc trưng chợt lên cao hoặc xuống thấp một cách bất ngờ. Hay trong Lúng Ta Lúng Túng: một bài ca ngộ nghĩnh, đầy chất dân gian, cũng tạo cảm giác lạ từ những dấu lặng « bỏ nhỏ » rơi đột ngột, ngẩn ngơ ! Ở tác phẩm Mộng Du (Người Lang Thang), giai điệu nghe khá mới và được đệm bằng những nhạc khí mang âm hưởng vùng cao. Đến Không Sao Về Bắt Đầu [14] trong Album cùng tên ra năm 2017 thì chất núi rừng tây bắc tuôn tràn. Nhưng, cũng trong chiều hướng này, có lẽ Hương Lạc mới đúng là bài ca độc đáo mà tính dân dã được nâng lên tầm hiện đại một cách rõ nét nhất qua ngôn ngữ biểu hiện : một tuyệt tác.

 

Trên phương diện thuần túy âm nhạc, Lê Cát Trọng Lý có những nỗ lực tìm tòi đã làm nên tên tuổi như thế. Cô không ngại bỏ lối mòn để phiêu du vào những miền đất mới. Nhưng thử nghiệm không phải lúc nào cũng dẫn đến thành công. Nếu có những bản nhạc khá đạt như Là Con Gái Thật Tuyệt – vui, tiết tấu khác thường – hay Nhanh Nhanh Quá vừa lạ lại vừa có nhịp điệu…thần tốc, hiếm thấy trong làng nhạc Việt, thì cũng có những bản phải nói chân thành là rất thường do giai điệu nghèo, cấu trúc quá giản đơn, chẳng hạn như: Ngày Hôm Qua Ở Đâu, Lẩn Thẩn…

 

Trong trường hợp những sáng tác như Thu Lu hay Em đứng trên cánh đồng – cũng như Cao Hơn Vì Sao, Này Sao Ơi – thì, tuy không có gì xuất sắc, nhưng nhờ dựa vào phần hòa âm vượt trội, đã được nâng cao lên hẳn về giá trị thẩm mỹ. Chính vì thế, ta không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của Nguyễn Thanh Tú, người đồng hành phụ trách phối khí cho hầu hết các ca khúc Lê Cát Trọng Lý: một ưu điểm đáng được nhấn mạnh đặc biệt trong làng nhạc Việt bởi vì, cho mãi đến thời kỳ gần đây, ta thường thua xa nhạc phương Tây trên mặt này.

Qua những tác phẩm mới nhất hiện nay, người ta dễ nhận ra nơi Lý sự cố gắng vượt cái cũ, của thời đại cũng như của chính mình. Điều này đáng mừng và hoàn toàn dễ hiểu. Song, cũng tương tự một động tử cần vượt khỏi sức hút trọng trường (pesanteur), trong nghệ thuật, điều kiện tiên quyết để đột phá là tác giả phải tích lũy cho được một năng lượng sáng tạo đủ lớn.

 

Trên một bài báo cách đây 10 năm, khi được hỏi về « bóng dáng nhạc Trịnh Công Sơn » trong tác phẩm của mình, Trọng Lý có khiêm tốn thổ lộ: « nhạc Trịnh giống như một nền văn hoá mà có thể, tôi bị ảnh hưởng lúc nào không biết […] như thể từ trong tiềm thức. »[15]

Công bằng mà nói, điều này rất khớp với cảm giác của nhiều người khi nghe kỹ giai điệu lẫn ca từ một số bài Lê Cát như Nghe Tôi Kể Này, Giấc Mộng Lớn, Con Đường Lạ (ngoại trừ cách ngắt câu, khác Trịnh), Chưa Ai (nếu không tính đoạn giữa)… Dầu vậy, cũng qua báo chí nhưng gần đây hơn[16], Lý lại có một cách trả lời khác hẳn, dứt khoát phủ nhận: <<… tôi không bị ảnh hưởng âm nhạc của ông. Những sáng tác của tôi là do cảm xúc của mình, không liên quan đến ai khác. Nghe đến việc bị ảnh hưởng nhạc Trịnh, tôi thấy sợ, bởi người nghệ sĩ làm việc nghệ thuật độc lập, không muốn làm “phiên bản” của ai cả >>.

Di sản về cảm quan nghệ thuật là một hằng số văn hóa ăn thấm tự nhiên trong mỗi tế bào nhân sinh, phần nào có tính « bất khả kháng » đối với từng cá nhân. Do đó, chuyện bị ảnh hưởng đôi chút cũng là hệ luận tất yếu của sự kế thừa, không có gì đáng chê trách hay ngạc nhiên. Tuy nhiên, ở đây, câu trả lời có pha lẫn đôi chút nặng nề của Lý hình như cũng là để « trả lễ » cho câu hỏi khá vụng về, nếu không nói thiếu tế nhị, của phóng viên chăng ?

 

Đằng khác, Lê Cát Trọng Lý không phải chỉ có một kiểu nhạc. Bên cạnh những bản trữ tình nổi tiếng, cô còn viết nhiều tác phẩm đa dạng như Chuyến Xe mang dấu ấn nhạc phương Tây, hoặc Con Quỷ Ăn Tên với âm điệu lạ, hao hao giống kiểu dân ca châu Phi. Hay như trường hợp bài Điều Muôn Thuở, một thứ « nhạc nói » tựa lối cầu kinh. Trong lãnh vực điện ảnh, cô đã từng có nhạc cho phim tư liệu xuất sắc Công Binh[17] của đạo diễn Pháp-Việt Lâm Lê, cũng như ta có thể kể một số ca khúc Lê Cát Trọng Lý đã được xử dụng trên màn ảnh lớn nhỏ tại Việt Nam như Đi Qua Bóng Đêm và Tám Chữ Có (phim Cuộc Đời Của Yến), Ta Hứa Sẽ Nhận Ra (phim Tấm Cám- Chuyện Chưa Kể), Trời Ơi (phim Scandal - Bí mật thảm đỏ), Nhiều Người Ôm Giấc Mơ (phim Tối Nay 8 giờ!). Đặc biệt trong những sáng tác gần đây, cô chọn những khung cảnh hoặc đề tài vượt ngoài khuôn khổ cổ điển. Tiếc thay, phần lớn đều trở thành tương đối khó nghe, thậm chí – trên một số bài trong loạt này – yếu tố nhạc, và ngay cả ca từ, có lúc bị …tụt dốc bất thường: Dưới mưa dừng bước, Bài hùng ca hay lời ai oán, Vì sao cố giấu đi thật thà (Bài hát của Bờm), Tóc tai người quên chưa chải, Anh chưa từng có tên, Và ta đã không hát như lúc xưa, Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần…

 

Người ta có cảm tưởng, riêng về chủ đề, Trọng Lý có vẻ bị lạc lối giữa những trần tình, lý sự hay chuyện vụn vặt cuộc đời, mà cô dường như, trong một ý hướng cách tân đáng trân trọng, đã cố ý chọn làm điểm xuất phát thực tế cho nhiều tác phẩm « đời mới ». Nó cho thấy ít nhất hai nghịch lý không nhỏ.

Một là, như vừa nói, Lê Cát Trọng Lý vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi vòng cương tỏa của cái mà cô gọi là « lý trí », mặc dù cách đây 8, 9 năm Lý đã từng tuyên bố « hãy nhảy múa, đọc thơ, là nghệ sĩ. Đừng làm một người logic »[18], mặc dù những lời lẽ giải bày thẳng thắn, đại loại như thế này với báo chí[19]: « Bây giờ nhìn lại, tôi đối diện với thực tế rằng mình đã từng lý trí và từng tạo cho mình những công thức riêng trong âm nhạc. Khi ấy âm nhạc của tôi tìm đến sự đồng cảm của số đông. Tiết chế nhiều trong sáng tác. Bây giờ tôi hiểu không thể có cả trăm ngàn người thích mình, không thể có sự đồng cảm từ nhiều người. Mình chỉ cần chia sẻ với một nhóm nhỏ, được đồng cảm với họ là đủ rồi. Điều đó khiến âm nhạc chân thật hơn. Nếu kiên trì, thì nhóm nhỏ đồng cảm đó sẽ lớn dần lên. »

Có điều gì hơi khó hiểu. Vì « tìm đến sự đồng cảm của số đông » thì có gì là « lý trí » ? Quan niệm « chỉ cần chia sẻ với một nhóm nhỏ, được đồng cảm với họ là đủ rồi » lại càng kém… hữu lý hơn nữa : vấn đề là chọn lựa và viết cho đạt, nghĩa là cho có người nghe.

Hơn ai hết, Trọng Lý biết rất rõ tầm quan trọng của chữ tình so với , bởi chính cô xác nhận gần đây: « Sau 12 năm làm nghề tôi nhận ra, nhu cầu cuối cùng của con người là được yêu thương, nên bài hát viết ra phải có tình cảm, cao siêu đến đâu mà không tình cảm cũng không còn được gọi là hay nữa. Mà tình cảm lạ lắm, nếu có, nó sẽ chạm đến mọi người. »[20]

Đó cũng là một trong những định đề mỹ học. Đã vậy, thì làm sao cắt nghĩa được – và đây chính là điểm thứ nhì trong hai điều vừa nêu – sự kiện Lý tỏ ra quá tự tin vào giá trị tự tại của những đứa con tinh thần mới khai sinh của mình. Đến độ cô trịnh trọng tuyên bố: "Trải qua 10 năm làm nghề, cho đến những bài hát gần đây, tôi mới thấy bớt xấu hổ khi nghe lại"[21], trong khi đó, rõ ràng « một số khán giả nhận xét nhạc của Lý "khó nghe hơn", "cần tính chuyên môn cao" ». Sự cách biệt về đánh giá tác phẩm giữa đôi bên – tác giả và khán giả – càng lộ rõ khi ta đọc những lời tường thuật như dưới đây, ở trong cùng bài báo, (mà nội dung còn được lặp lại trên một trang mạng khác[20] cũng vào năm 2019): « Trong một buổi gặp gỡ ở Hà Nội, khi nhận được câu hỏi "Vì sao Lý không hát những ca khúc được nhiều người yêu mến trước kia ?", cô trả lời gọn lỏn: "Lý không thích nữa". Trên sân khấu một chương trình ở L'espace năm ngoái, cô kể: "Đi đâu, tôi cũng được yêu cầu biểu diễn bài này, nhưng hôm nay nhất định không". »

Một cách biệt dẫu tự nhiên và nhỏ đến mấy, nếu tiếp tục kéo dài, có thể dẫn đến sự cách ly tai hại giữa nghệ sĩ với quần chúng. Nó bắt nguồn từ việc người sáng tác, đặc biệt trong trào lưu hậu hiện đại, hay lẫn lộn Nghệ thuật với ý tưởng nghệ thuật : cái trước – kỳ diệu, khách quan và toàn diện – không nhất thiết là hệ quả của cái sau, vốn có khi khiên cưỡng, chủ quan và cục bộ, mà thực chất thường là sự phô trương, bất luận có ý thức hay không, của những sắp đặt trí thức phức tạp[22] !Tác giả muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, nhưng tác phẩm một khi đã ra đời thì trở thành của quần chúng và khi đó chỉ còn lại duy nhất có một tiêu chuẩn đánh giá : sự yêu thích hay không của người thưởng ngoạn.

Riêng đối với tình trạng "nhiều nhạc sĩ trẻ muốn chứng tỏ sự khác biệt của mình bằng sự gai góc, xù xì về mặt âm thanh, giai điệu, ca từ nhưng đa phần khá khó nuốt với công chúng ", như nguyên văn lời bình luận trong một bài báo đã dẫn[18], ta sẵn sàng tin tưởng ghi nhận ý kiến thuận lợi đầy lạc quan của tác giả chua ở cuối câu: " Lý không nằm ngoài dòng chảy kiếm tìm sự khác biệt, nhưng có một điều cô luôn đảm bảo - đó là giai điệu hay". Dù rằng, như đã thấy trên, sự « bảo đảm » này – tiếc thay – không phải lúc nào cũng được kiểm chứng…

Toàn bộ những nhận định trên đây đều không ngoài mục đích tránh rơi vào sự ưu ái đôi khi có hơi quá mức của giới truyền thông, nhằm đặt đúng chỗ vị trí của Lê Cát Trọng Lý trong bức tranh toàn cảnh nhạc Việt. Việc các buổi trình diễn thường niên dự kiến[23] cho đầu năm 2020 bị dời lại do cơn đại dịch Covid-19[24] đã khiến ta bị thiếu mất những dữ liệu mới nhất để đo lường mức hưởng ứng công chúng đối với nhạc của cô và, do đó, cũng khó lòng xác định đúng đắn về tình hình thực địa hiện nay.

 

Tuy vậy, điều hiển hiên là Trọng Lý có một uy tín và hào quang không chối cãi. Lời tường thuật có đôi chút giai thoại sau đây là một ví dụ: « Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong một lần đi công tác tại Mỹ đã nghe thấy âm nhạc của cô vang lên tại đây, ông ngạc nhiên hỏi cậu thanh niên trẻ, tại sao lại biết và nghe nhạc của Lê Cát Trọng Lý, anh chàng bèn nói: “Dù tôi không hiểu những ca từ của cô ấy nói gì nhưng tôi cảm nhận được tâm hồn và nỗi buồn của cô ấy. Tôi thấy sự sẻ chia và âm nhạc của cô ấy cuốn hút tôi ngay từ lần đầu tiên khi tôi click chuột vào một bản demo của cô ấy trên mạng. Lê Cát Trọng Lý có quen ông à?”. Nhà thơ Đỗ Trung Quân trả lời: “Phải nói là tôi có quen cô ấy hay không chứ. Tôi cũng là một người yêu âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý” ».[18]

Và nhà báo cho biết thêm: « Fan của cô ở đủ mọi lứa tuổi, trình độ học thức, học sinh, sinh viên thậm chí những nghệ sỹ nổi tiếng khó tính như họa sỹ Lê Kinh Tài, nhạc sĩ Thanh Tùng… cũng yêu âm nhạc của cô nhạc sĩ tóc xù này. »

Tất nhiên, ngược lại, cũng có người như nhạc sĩ Trần Tiến đã tỏ ra rất khắt khe trong phê phán, sau câu giáo đầu ví von, rằng « Lê Cát Trọng Lý như một ngọn cỏ xanh mơn mởn trong veo và hồn nhiên […] Lý không phải là nhạc sĩ mà cũng chưa phải là ca sĩ, cô cũng chẳng cần sự nổi tiếng »[9] (!). Nhưng rồi, theo một nguồn khác[25], ông đã tự biết « điều chỉnh » lại phát biểu của mình cho được cân bằng hơn, sau khi nghe xong album Lê Cát Trọng Lý“Nếu nhìn nhận Lý ở khía cạnh nhạc sĩ, bạn ấy xứng đáng được tôn vinh nhưng Lý không phải là một ca sĩ hay”.

Về phần mình, Magali An Berthon đã rất có lý khi nhấn mạnh đến chất thơ trong sáng tác Lê Cát Trọng Lý, mà cô không ngần ngại gọi là một « poetic icon » trong nhạc Việt.

Điểm mạnh của Trọng Lý hình như nằm ở đây, ở phong cách rất riêng của cô dựa trên một quan niệm nhất quán – đồng thời cũng là chìa khóa lý giải các mâu thuẫn cảm nhận –, có thể được rút gọn thành một phương châm: nhạc là để chuyển lời, nghệ thuật là để đi với đời.

Cho vế thứ nhất, một trong những minh họa phù hợp hay nhất có lẽ đến từ một người hâm mộ nhiều mẫn cảm, qua mấy dòng anh để lại trên trang facebook của cô[26]: « Lê Cát Trọng Lý thật thong dong, tự tại, em như người duy nhất thế hệ em mượn nhạc ghi lại lịch sử tâm tư, cảm xúc mỗi con người thời nay lưu cho mai sau. Thế hệ trước anh trân trọng TrCS, đến giờ có em, mỗi ca từ như chắt chiu, níu giữ hạt mầm thiện lành trong cõi nhân gian. Nghe và ngấm như có hàm lượng tư tưởng triết học, phật học, thiền định trước những xô bồ, vật vã, tranh giành, hơn thua, được mất, khóc hờn, đau khổ, giết chóc, căm hờn, thù hận. Mong có nhiều LCTrL như em trong cõi thế này. »

Không chỉ riêng nội dung mà cả về mặt hình thức, giá trị ca từ trong phần lớn các ca khúc của tác giả Chênh Vênh cũng đã được đa số nhìn nhận, và đặc biệt mới đây còn được đề cao bởi một cây bút thuộc loại“ người giữ đền khó tính trên báo Văn Nghệ Quân Đội: sau khi đánh giá « Bài hát Việt từ sau 2007 cũng như ca khúc đương đại nói chung không có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng như trước, trừ một trường hợp: Lê Cát Trọng Lý », nhà phê bình này xác nhận rằng « âm nhạc của Trọng Lý có hơi thở riêng […] và nhiều dòng ca từ đẹp như thơ. »[27]

Trung thành với vế thứ hai của phương châm, Trọng Lý quả thực đã không ngớt triển khai những hoạt động mang tính cộng đồng : nhạc, cùng lúc, trở thành phương tiện hỗ trợ để thực hiện nhiều dự án xã hội.

Đầu tiên, phải nhắc tới « Khù khờ Tour », một dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động của Lý, đã từng đưa cô đi xuyên suốt các tỉnh miền núi phía Bắc, « đến gần hơn với những người dân vùng cao, mang âm nhạc để kết nối và giúp đỡ những em nhỏ ham học có cơ hội đến trường. »[28]

Tiếp theo là cả một chương trình dài hơi, lớn tham vọng và giàu thiện ý, tới tận « các vùng nông thôn khắp đất nước, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, kết nối các em nhỏ với những nhà hảo tâm... Tất cả được Lý miêu tả ngắn gọn "không chỉ để ca hát". Cô cho biết muốn kết nối những người bạn có năng lực và sự tử tế với nhau để cùng làm những điều tươi đẹp, tập trung vào niềm vui, bớt đi sợ hãi, chần chừ, nghi ngại trong cuộc sống. »[29]

Chẳng những thế, Lê Cát Trọng Lý còn biết hướng tới những đối tượng rộng lớn hơn, khởi từ “những chuyến đi thực tế giúp cô thêm yêu thiên nhiên. Cô quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu […] và muốn dùng âm nhạc để truyền tải những vấn đề này.” Đúng là một cái nhìn xứng đáng tiêu biểu cho tuổi trẻ thế kỷ XXI.

Mặt khác, trước những nhu cầu thực tế hiện tại và cũng để nhắm đến tương lai, người nghệ sĩ năng động này mới đây còn có sáng kiến xây dựng một cơ sở đào tạo, chủ yếu về âm nhạc, qua kế hoạch góp quỹ lập Trường Nghệ thuật Cẩm Chướng tại Măng Đen (Kon Tum)[30-31] , rộng rãi dành cho đại chúng: học viên đủ thành phần, sẽ là bất cứ ai “trên 15 tuổi từ khắp nơi: người lớn đã xong hết công việc, con cái đi du học, buồn và thích học nhạc; người lớn muốn thay đổi nhịp sống hiện tại, tạm nghỉ việc trước khi chuyển sang giai đoạn mới; người lớn lạc lối, kìm nén ước mơ nghệ thuật thuở thiếu thời; thanh thiếu niên có nhiều ước mơ về nghệ thuật.”

Lý ngày càng có nhiều chuyến đi xa, trên nhiều châu lục. Được thêm tiếp xúc, tâm hồn thêm rộng mở, cô nhanh chóng thể hiện các ý tưởng mới, đặc biệt qua dự án Dreamers Concert World Music kết hợp cùng với các nghệ sĩ ở Mông Cổ, Bhutan và Châu Phi, mà “phát súng đầu” vào cuối tháng 9 năm 2019 là một MV phong phú, mới mẻ – lần đầu tiên được cô thực hiện – đã tạo nhiều tiếng vang, đánh dấu một bước ngoặt về tầm nhìn lẫn quan niệm nghệ thuật của tác giả.[32-33] Một nhãn quan vượt mọi biên giới không gian, chủng tộc, điều kiện xã hội, như chính sự nhiệm mầu của Âm Nhạc phổ quát, siêu ngôn ngữ: niềm thông-giao trực diện đó kết nối người với người qua nhịp cầu làm bởi tiếng đàn giọng hát, chan hòa toát ra từ những hình ảnh sống thực và cảm động[34] mà Lý và Tú đã tinh tế thu được, trên nền hiện thực một khu « ổ chuột » dân nghèo chen chúc châu Phi...

 

Lê Cát Trọng Lý hát cho trẻ em nghèo ở Kibera, Nairobi [sttm]


 

       Lê Cát Trọng Lý (phải), Nguyễn Thanh Tú (trái) và ban hợp xướng Kenyan Boys Choir

[sttm]

 

Trong văn học nghệ thuật,các tác giả thành danh hay có những lúc xuất thần làm nên tuyệt phẩm. Cái phút giây « ân huệ » diệu kỳ đó thường vụt mất ra đi như thể sẽ không bao giờ trở lại, nhưng rồi cũng có khi nó lại bất ngờ tái xuất: sự ngẫu nhiên bất định là một trong những đặc tính của huyền nhiệm sáng tạo và, do đó, luôn đẩy ta về phía trước, với những kỳ vọng ấp ủ cho ngày mai…Đằng khác, cũng không nên quên rằng ngay cả đối với những thiên tài âm nhạc của nhân loại cỡ Mozart, Beethoven, không phải tác phẩm nào họ viết ra cũng đều là hay hết.

Cho nên, nếu Lê Cát Trọng Lý không bị sẩy chân theo những sáng tác « bác học » có thể lắm chất trí tuệ nhưng lại thiếu giai điệu lẫn cảm xúc, thì những thành công mới không có lý do gì lại không nằm ở tầm tay.

Đã qua rồi, sự đóng khung trong dòng nhạc “ao làng” quen thuộc êm tai nhưng lại quá ư hạn hẹp giữa thời đại thế giới phẳng. Hy vọng rằng Lê Cát Trọng Lý, với óc cách tân và trái tim yêu nhạc, yêu người vốn có, sớm muộn gì rồi cũng sẽ chín muồi cảm hứng và chiến lược sáng tác – đặc biệt trong viễn tượng đầy hứa hẹn của một sự giao thoa chẳng hạn như với dòng nhạc World Music [35] đương đạixem ra rất hợp với “tạng” làm nghệ thuật của cô – , và do đó biết đâu sẽ chóng hoan hỉ “truất ngôi” bài Chênh Vênh kia, ra mắt đã từ hơn mười hai năm trước, bằng những tác phẩm mới mẻ, thật sự bắt tai, bứt phá[36] và nhất là sẽ không chút kém đi sức lay động lòng người…

Trong niềm tin đó ở phong độ và tiềm năng người kỳ nữ sông Hàn, tại sao ta lại không thể tự cho phép “mộng mơ” đôi chút, để hình dung tới một vị trí sẽ còn xa cao hơn nữa cho cô ở tương lai, vượt ngoài biên giới khu vực, sánh vai cùng những ngôi sao ca nhạc quốc tế – cũng mang đặc điểm có chủ bài đa văn hóa y như Lê Cát chúng ta – đã và đang thành công rực rỡ ở trời Tây: một Ayo[37] dân Đức gốc Nigeria, hay một Katie Melua[38] dân Anh gốc Géorgie chẳng hạn ?

Bởi, nói cho cùng – một khi đã quan sát thật kỹ –, họ đều hầu như không sở hữu một tuyệt chiêu nào, mà cũng chẳng khiến ta phải kiêng dè có ẩn chứa đâu đó yếu tố chi « siêu phàm », ngoài cái khiếu tiếp thị đúng là hiệu quả và vận số may mắn họ sẵn được Trời cho.

Phần còn lại – về phía ta – chỉ tùy thuộc vào thực lực và ý chí, là những gì vốn hoàn toàn không thiếu nơi cả hai nghệ sĩ, họ Lê cũng như họ Vũ. Và điều đó lại càng đúng khi ta nhìn qua những hoạt động sôi nổi của nhân vật thứ hai này.
 

2- Vũ Cát Tường hay thách thức tiếp cận tính hiện đại qua âm nhạc toàn cầu hóa


 

Nếu Lê Cát Trọng Lý nổi tiếng với những bài ca đượm vẻ “hiền triết trước tuổi, thiền, lạnh, xa, bế tắc, mượt mà, lục cục và êm êm…, như nản, như xoáy, như tiếng tụng kinh, như tiếng của đêm, như tiếng than thở, như tiếng kể chuyện cổ tích rù rì thăm thẳm” – như có người đã từng văn vẻ nhận xét[25] –, thì vị trí mà Vũ Cát Tường chiếm lĩnh trên địa bàn nhạc Việt hiện nay có lẽ phải nằm ở tận đầu kia trục đối xứng: một ngôi sao của “V-pop”, dòng nhạc trẻ sôi động mà trong đó nhịp điệu lôi cuốn là lõi cốt và hiệu ứng diễn xuất sân khấu nắm phần chủ đạo.

Cho nên, nếu Lý là tĩnh thì Tường là động. Lê Cát có thể sẵn sàng hát chỉ chừng với năm, bảy chục người nghe, trong khi Vũ Cát thường chuộng biểu diễn trước không gian rộng lớn chứa hàng ngàn khán giả. Hai lối sáng tác và thể hiện không thể so sánh. Hai phân khúc thị trường âm nhạc hoàn toàn dị biệt.

Nói như một nhà báo, nếu Lý hay đi “tìm cảm hứng trong những dòng chảy âm nhạc cục bộ, địa phương của những miền đất xa xôi, ít người lưu ý”[39] thì Tường, giống như phần đông các nhà viết nhạc trẻ Việt Nam trên phương diện hình thức biểu hiện, chủ trương hướng tới “những trào lưu âm nhạc có sức ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới.

Ý hướng này, tự nó, là một dự phóng đáng trân trọng. Trong chừng mực nào đó, thái độ say sưa tiếp thu cái mới bây giờ cũng có nhiều điểm tương đồng với tâm thế những người tiên phong trong văn học nghệ thuật nước ta hồi đầu thế kỷ XX, khi họ du nhập chẳng những thơ mới, tiểu thuyết, học thuật tư tưởng phương Tây mà cả âm nhạc, kịch nghệ, ca múa và điện ảnh.

Như vậy, trước hết, người nghệ sĩ hôm nay phải chọn thể loại, ngôn ngữ nào để làm nhạc, cho ai và với ai ?

Vũ Cát Tường xem ra đã giải thỏa đáng các phương trình định hướng hoạt động cho chính mình đồng thời, qua đó, cũng góp phần – nếu không nói là đóng vai trò tiền đạo – cho sự hiện đại hóa và lan tỏa của ca nhạc Việt Nam.

Mặc dù xuất thân là « dân khoa học », tốt nghiệp hạng giỏi khoa Kỹ thuật Y Sinh Trường Đại Học Quốc Tế TP HCM – thuộc top 10 sinh viên xuất sắc nhất Việt Nam nhận học bổng GE Foundation Scholar-Leaders 2011 –, Tường đã nhất quyết chọn con đường âm nhạc mà không qua lối chính thống, ngay khi còn đi học. Á quân ở chương trình Giọng hát Việt mùa thứ 2 năm 2013, cô gái An Giang sinh năm 1992 đa tài này, ngoài khiếu ca hát, còn gây chú ý qua những sáng tác đầu tay được rộng rãi đón nhận và yêu thích, như Đông (2012), Vết Mưa và nhiều « hit » khác theo sau. Trong đó, đặc biệt Yêu Xa là tác phẩm đã được vinh danh là « Ca khúc được yêu thích nhất » do khán giả bình chọn cùng lúc với « giải Hội đồng báo chí bình chọn » và « giải Đam mê - sáng tạo » tại lễ trao giải thưởng Bài hát Việt, tháng giêng 2015.

Khởi đi từ những bản ballad êm ái đã làm nên bệ phóng « thương hiệu » vững vàng, Vũ Cát Tường dường như muốn đánh cuộc ăn chắc với người hâm mộ khi cô chọn rời khỏi vùng « tiện nghi » an toàn đó để dấn thân vào thế giới đa dạng của ca nhạc đương đại, lần lượt thử sức với hầu hết các thể loại cũ mới khác: từ R&B, neo Soul, Pop đến Rap-Hip hop, Electropop, qua những Blues, Jazz, Alternative rock, Funk[40]. Là ca sĩ có giọng tuy không xuất sắc nhưng « rất đặc trưng […] tự nhiên, gần gũi »[41], cô biết cách hát chinh phục người nghe, chơi dương cầm, trống, biểu diễn vũ đạo, liên tục ra CD, MV, và đã đạt thành tích là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có album được nhà sản xuất số 1 thế giới Universal Music Group phân phối trên toàn cầu.[42]

Vũ Cát không như Lê Cát chịu đứng mãi ở « qui chế » nghệ sĩ độc lập – « Indie » như người ta nói hiện nay – mà nhanh chóng trở thành một nhân vật của showbiz, mỗi lúc một tăng cường sự hợp tác với giới truyền thông và làm âm nhạc thế giới.


 

Vũ Cát Tường mở màn concert Inner Me trên lưng chú báo với ca khúc Leader,
tối 15-12- 2019 tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM) 
[sttm]


 

Như lời một công ty đầu ngành khu vực Đông Nam Á phỏng vấn cô vào cuối năm 2018, (nguyên văn: « Vietnam has more to offer the world than its tourist attractions. Enter Vũ Cát Tường, the latest Vietnamese artist to be signed by Universal Music Singapore »)[43]Tường không ngừng đầu tư vào việc làm tăng uy tín và ảnh hưởng của mình. Như chính sự kiện mới đây cô tâm đắc thực hiện việc thu âm tại United Recording Studio ở Los Angeles, nơi đã từng được nhiều thế hệ thần tượng âm nhạc « chọn mặt gửi vàng », từ Nat King Cole, Ray Charles, Frank Sinatra đến Michael Jackson, Madonna, Adele…

Tháng ba 2020, tên tuổi Vũ Cát Tường được đưa lên tạp chí Mỹ hàng đầu của kỹ nghệ dĩa hát Billboard[44], khẳng định những bước tiến mới – với chỉ tiêu nhắm đến người nước ngoài – của người nữ nhạc sĩ luôn cầu tiến này, mà hai nhà sản xuất nhạc Benjamin James và Michael Choi đã hoàn toàn đặt tin tưởng ở sức lực lẫn tiềm năng.

Ngay trong những tác phẩm hiện hành, Tường đã tỏ ra có sẵn tầm nhìn xa. Không như các đồng nghiệp phạm lỗi lạm dụng tiếng Anh một cách quá dễ dãi trong cách chọn nghệ danh cũng như ca từ[45], cô chủ tâm chỉ đưa câu chữ tiếng Anh vào một số bài hát cho có thêm màu sắc quốc tế, hoặc mạnh dạn sản xuất hẳn hoi những ca khúc song ngữ Việt Anh – có khi hoàn toàn bằng Anh ngữ – nhằm mục đích giúp nhạc mình dễ đến với giới trẻ khắp nơi, đặc biệt là châu Á. Song, đây là điều tế nhị và sự đồng thuận xã hội trên mặt này còn tùy thuộc vào cái nhìn đã đủ rộng thoáng hay chưa của người nghe. Những vị « giữ đền » cho tiếng mẹ đẻ hay khán giả bảo thủ thì dĩ nhiên sẽ lấy làm khó chịu, thậm chí lên án, như chuyện đã thường xảy ra trong lịch sử nghệ thuật – dẫu là ở mức độ cao hơn –, qua những cuộc « đụng đầu » giữa hai phe tân và cổ. Riêng về vấn đề chấp nhận trên thực tế cái mốt pha tiếng Anh trong ca từ bởi các chuyên gia trong nghề, ta có thể đơn cử ví dụ đáng suy ngẫm mới đây của nước Pháp, mà vị thế ngôn ngữ so khắp năm châu rõ ràng là không tệ: ca khúc chính thức đại diện cho quốc gia này tại Eurovision 2020 – trước khi cuộc tranh tài bị hủy vào giờ chót do nạn dịch Coronavirus – có tựa đề, cùng với nhiều đoạn trong bài, bằng tiếng… Anh[46]!

Tất nhiên, mọi sự đã không trơn tru, đơn giản. Mặc dù cả hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi xuất hiện bài hát… Pháp nổi tiếng mang tên Love, Please Love Me[47] của Michel Polnareff, ban phụ trách tuyển bài dự thi cho xứ sở của Molière năm nay vẫn còn phải đối phó với một số dư luận hoài nghi hoặc bất đồng bằng những biện minh cặn kẽ. Họ đặc biệt nhấn mạnh đến 3 tiêu chuẩn quyết định việc đã chọn bản The Best In Me này, bất chấp sự pha trộn ngôn ngữ: tính phổ quát, cảm xúc và khả năng bài hát làm cho người nghe được « sống qua một trải nghiệm » (nguyên văn: “ l’universalité, l’émotion et la capacité du morceau à faire « vivre une expérience » à l’auditoire ”).[48]

Chính xác đó cũng là những ưu điểm đem lợi thế đến cho các sáng tác Vũ Cát Tường của chúng ta.

Trước hết là tính phổ quát. Nó đã khiến nhiều người – bất luận tuổi tác, gốc gác, ngôn ngữ – dễ dàng cảm thụ những ca khúc của Tường. Sự đón nhận rộng rãi của công chúng đối với một bài như Buổi Sáng Bình Thường chẳng hạn, là một bằng cớ thú vị. Điển hình là các chia sẻ trên mạng, nhất là của những người nước ngoài không thông hiểu tiếng Việt, ví dụ một thính giả ký tên Alex Pilgrim, nguyên văn như sau: “I am a foreign English teacher, who is working in Vietnam and I just heard this song in a mall. I think this song is great, and this singer should sing in English for the whole world.” [49]

Một dấu ngoặc nhỏ, tuy vậy, vẫn cần được mở ra ở đây cho một chuyện lạ lùng gần như giai thoại, khá oái oăm, đã xảy ra: có lẽ cũng chính cái tính chất phổ quát này – hẳn là nằm ngay giữa lòng mạch sáng tạo, khi Vũ Cát Tường viết bản Vết Mưa – đã cho nó có diện mạo giống một bài hát mang tên Rain In The Park của nữ nghệ sĩ Nhật Marika Takeuchi, khiến Vũ Cát Tường bị nghi oan là « đạo nhạc »[50] trong suốt một thời gian…

Nói về khía cạnh cảm xúc và khả năng chia sẻ trải nghiệm qua trung gian bài bát, hầu như tất cả những thành tựu âm nhạc của người nghệ sĩ Long Xuyên này đều mang đậm nét hai thuộc tính đó. Bởi cảm xúc bao giờ cũng vừa là điểm đi và điểm đến của nghệ thuật đích thực. Còn trải nghiệm cá nhân ư? Trước hết, đứng từ phía tác giả, nó là cái vốn liếng ban đầu của chủ thể, tích lũy từ cuộc sống, rồi bỗng chốc – trong một phút giây thần diệu – được chuyển hóa, thăng hoa thành tác phẩm, một tác phẩm biết nói với người xem.

Xin hãy lắng nghe lời một phóng viên, qua bài tường thuật đêm trình diễn "Dear Hanoi" của Tường vào cuối hè 2019:

« Không màn hình led, không clip hậu kỳ chia sẻ dài dòng, nữ ca sĩ vẫn đưa người nghe đi qua nhiều cung bậc cảm xúc bằng chính âm nhạc của mình […] Nhiều năm qua, âm nhạc của Vũ Cát Tường không chỉ để nghe rồi thôi mà còn đưa đến cho khán giả những trải nghiệm. “Âm nhạc của Tường không biết nói dối. Tường không quen nói những lời ngọt ngào, ai hỏi Tường là người thế nào, sống ra sao, yêu ghét kiểu gì…, Tường đều nói họ hãy nghe nhạc của mình bởi mọi thứ, kể cả những gì riêng tư nhất, Tường đều kể bằng âm nhạc. Tường không giấu cảm xúc của bản thân, vui buồn đều nói ra, kể cả những lúc đau đớn hay run rẩy, Tường chưa một lần nói dối khán giả của mình” – cô bộc bạch. »[51]

Dĩ nhiên, về phần người nghệ sĩ, tất cả đều đã có sự chủ động từ trước – bởi “xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ diễn ra concert, Vũ Cát Tường không chỉ hát mà còn đóng vai trò của một người kể chuyện” – đặc biệt là đối với những gì thuộc về cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện để đánh thức giác cảm: “Với mong muốn mang đến cho khán giả những cảm xúc chân thật nhất, Vũ Cát Tường đã đầu tư mạnh tay vào dàn âm thanh và kết hợp với band nhạc Màu Nước. Cô cũng đầu tư cho hệ thống ánh sáng dù tổ chức trong nhà hát nhưng được so sánh như một liveshow ở sân vận động.” Thậm chí « sân khấu cũng thoang thoảng mùi hoa Lavender mà theo Vũ Cát Tường là cô muốn khán giả không chỉ nghe mà còn có thể “ngửi” được âm nhạc của mình. »

Không có gì là lạ: Tường còn là một nhà kinh doanh nhạy bén trong nhiều lãnh vực khác nhau – bên cạnh các hoạt động liên quan đến âm nhạc[52] – đi từ ngành sản xuất và phân phối nước hoa[53] đến bộ môn thiết kế thời trang...[54] Với cô, âm nhạc không chỉ dừng lại ở tai nghe mà còn phải chạm đến hết thảy mọi giác quan có thể, để nắm bắt trọn vẹn cái thế giới khả sắc hữu tình. Nhất là khi mà những ứng dụng khoa học ngày càng giúp con người đạt đến hiệu quả tối đa: Vũ Cát Tường là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên xử dụng công nghệ hologram[55] trong trình diễn sân khấu.

Và sau cùng, đứng về phía người nghe, nhạc phẩm Vũ Cát Tường dường như luôn có ma lực kéo họ gần lại với khu vườn riêng tư những cảm nhận sâu lắng nhất, mà trải nghiệm cá nhân chính là độc đạo đưa lối dẫn vào. Đó là một tiến trình tâm lý tự nhiên, sung mãn (fécond) – có khi diễn ra như một liệu pháp (thérapie) –, mà kẻ thưởng ngoạn vừa làm tác nhân vừa gặt hái thành quả, khởi đi từ một tác phẩm gây đồng cảm.

 

Trong viễn tượng này, những phản hồi phong phú trên mạng nói chung là chất liệu giúp ta dễ dàng tìm hiểu xa hơn, đến mức có thể thực hiện được một thứ phân tích xã hội học về hình ảnh tác giả và tiếng vang tác phẩm trong lòng công chúng, nếu muốn. Nhưng, ngay cả khi chỉ giới hạn trên một vài cảm nghĩ góp nhặt đối với ví dụ bài hát Buổi Sáng Bình Thường đã dẫn trên –, ta không thể không ghi nhận sự quan tâm thích thú của nhiều người thuộc thế hệ cha anh của giới trẻ hiện nay, thể hiện qua những lời lẽ có khi rất thân tình, như trường hợp nhà báo Trân Nguyễn dưới đây chẳng hạn: « Quá tài năng. Tôi thích hình minh họa của bài hát vô cùng. Thật thú vị và nhẹ nhõm khi nghe xong bài hát. Tôi mong cô bé này liên tục cho ra tác phẩm, để âm nhạc Việt bớt đi những bài hát thị trường, nhảm nhí, đạo nhạc,đạo ý tưởng. Cô bé này đã góp phần đưa nhạc Việt gần đến âm nhac thế giới thời hội nhập. Cảm ơn vùng đất Long Xuyên đã sinh ra một cô bé đầy nhân cách và tài năng. Cô yêu con vô cùng, con gái. »[49]

Đáng nói là, cũng trên cùng trang bình luận, ta được gặp song song mấy câu tán thưởng ngắn gọn dễ thương này, của một thính giả xem ra hãy còn rất nhỏ tuổi: « Con rất thích bài BSBT của cô Tường. Lúc rảnh con hay mượn điện thoại của mẹ để nghe. Con thuộc luôn rồi. Cô Tường sáng tác 1 bài cho thiếu nhi đi ! »

Như vậy phải chăng Vũ Cát Tường, người đã từng được Hồng Nhung khen tặng[56] là nghệ sĩ « xuyên giới tính[57] , xuyên quốc gia », bây giờ có thể còn được gắn thêm danh hiệu « xuyên tuổi tác »? Trong tinh thần đó, có lẽ phát biểu sau đây của một bạn trẻ cũng giải thích được phần nào, ít ra là trên mặt nội dung, cho sự thành công khá đều đặn của nhà sáng tác:

« Âm nhạc của Tường bây giờ như một quyển nhật ký hàng ngày vậy đó. Mỗi bài hát là những trang, những dòng ghi chép lại từng việc nhỏ nhặt hàng ngày, những điều đơn giản […] Âm nhạc của Tường có những trang là những góc tối, những góc khuất khó bày tỏ, và cũng có những trang viết là những điều đơn giản đến ngô nghê, dễ thương[…] Đối với mình, một người nghệ sĩ không phải là người tạo ra những tác phẩm cao siêu, mà là một người tạo ra tác phẩm không quá ra rời thực tế, là những điều bình dị, ai ai cũng hiểu, ai ai cũng cảm nhận được. »[49]

Điều này được đa số nhìn nhận – mỗi người theo cách nói của mình –, như một sự nối tiếp đáng phấn khởi trên cùng trang mạng: « Những sản phẩm của Tường không quá ấn tượng, không quá cầu kì, không theo mốt, nhưng cái tâm và sự cố gắng lại được hiện rất rõ. Mưa và nắng không phải là quá ấn tượng, nhưng đó chính là điều thường ngày của cuộc sống, Tường như viết lên một câu chuyện truyền cảm vào bài hát để khán giả nghe và thấu hiểu, đó là những sản phẩm âm nhạc hay thật sự ! »

 

 


 

 

Vũ Cát Tường (VCT) gặp gỡ khán giả Liên hoan ca khúc
châu Á 2019 tại sân vận động Ulsan, Hàn Quốc 
[sttm]


 

 

Đúng thế. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đề tài, hoặc cách mô tả, mà trước tiên là phải có nhạc hay. Rồi từ đó, sẽ không kém phần thú vị khi ta thử tìm cách trả lời cho câu hỏi hay ở chỗ nào.

Nhạc Vũ Cát, khác với Lê Cát, là nhạc đô thị. Nhưng nó không thuộc loại đem đến những âm vang cơ khí ầm ỉ hay hò hét kích động mà là một dòng nhạc tương đối giản dị, dễ nghe – có khi sâu lắng – giàu chuyển biến ngay giữa lòng một ca khúc, qua nhiều cung bậc khác nhau từ tiết tấu đến giai điệu và nhờ đó, tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ tổng hợp được gọi là màu sắc thanh âm. Đặc điểm sau này chủ yếu bắt nguồn từ chất nhạc nội tại đã đành, nhưng đồng thời cũng cho cái cảm giác như đến từ một thứ biên độ mở mà bài hát để sẵn, trên một số nốt, dành cho cách thể hiện tùy cảm hứng của người hát. Thêm vào đó, nhiều sáng tác của Tường được viết ra với một phong cách quốc tế ghép « đúng liều lượng » nên đã góp phần không nhỏ cho việc cô là ca sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự Liên Hoan Ca Khúc Châu Á trong liên tiếp hai năm liền, 2018[58] và 2019.[59]

Có thể nói Vũ Cát Tường, ngoài trực giác sáng tạo, còn làm chủ một mô thức sáng tác hiệu quả dựa trên ba nguyên tắc chính – được xử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp chung với nhau –, mà ta có thể dễ dàng nhận diện qua các bài hát đã ra đời.

Nguyên tắc thứ nhất – thường thấy trong quá trình xây dựng ca khúc của hầu hết những người viết nhạc mới hiện nay – là động tác ban đầu cơ bản nhằm tái cấu trúc ngôn ngữ đơn âm đa dấu của ta cho nó trở nên thích hợp với giọng nhạc đương đại, chủ yếu đến từ những xứ nói tiếng đa âm không dấu. Nó có thể được phân tích, một cách tuy hơi dài dòng nhưng là cần thiết cho sự lãnh hội, thành ba công đoạn: bước một, làm mất dấu để trung hòa cách phát âm bình thường của tiếng Việt ; theo sau là bước thứ hai được làm nhẩm trong đầu, chỉ có tính chuyển tiếp, với mục đích « gỡ tháo » (déconstruire), nghĩa là tách từ, chiết đoạn các các mệnh đề của phần lời hát sẽ nhập theo dòng nhạc trước khi đi đến bước thứ ba, có tính tổng hợp, là lúc tác giả ghép nối lại các « phân mảnh » trung gian vừa kể, để thành những cụm từ « tái tạo » cho lời hát sau cùng, hoàn toàn tương thích và đi sát với những khúc nhạc quanh co nghịch ngữ, chứa nhiều nốt trái dấu hoặc không khớp với cách chấm câu tiếng Việt: những câu chữ liên kết cứ lướt nhanh từng đợt như thế sẽ cho ta cảm giác nghe rất giống với ca từ đa âm các bài hát Âu Mỹ. Đặc tính này gần như là chung cho toàn bộ các nhạc phẩm Vũ Cát Tường, mà ta có thể kể ra vài tựa tiêu biểu, không nhất thiết là theo thứ tự độ tương ứng nhiều ít: Gió[60], Dõi Theo, Gucci In Town (tựa Anh nhưng lời toàn Việt), Phai, If, Ngày Hôm Qua, Đông …

 

Nguyên tắc thứ hai, mang tính chiết trung (éclectisme), là sự lai tạo (métissage) – ngay trong cùng một bài – giữa nhiều âm hưởng đặc thù, hoặc nhiều thể loại nhạc khác biệt mà Tường thích đọ sức như đã nêu ở phần trên. Một ví dụ điển hình là bài Mơ [61], trong đó phảng phất một chút hà há ha giọng hò dân tộc. Hay trường hợp – tuy khá hiếm – của bài Hôn[62] mà hiển nhiên, sau phần mở đầu mang hơi thở hiện đại, là cả những mảng màu hoài niệm quen thuộc của nhạc Trịnh… Ta có thể nhận định một cách tổng quát rằng phần lớn, nếu không nói là hết thảy, các sáng tác Vũ Cát Tường đều không đơn thể độc khối, mà thấm đẫm tư duy hòa trộn (mélange des genres) rất thời thượng này, khởi từ một tiếp cận đa nguyên đáng quý các nguồn điệu.

 

Và, « cuối mà chẳng kém » là sự năng động hóa – tức nguyên tắc chót – tạo cho bài hát của Tường thường có một sức hút đặc biệt. Chủ yếu dựa trên sự biến hóa về tiết tấu, xen kẽ các nhịp nhanh chậm (mà bài Có Người[63] là một ví dụ). Nhưng nó có thể xuất hiện dưới nhiều dạng, nhiều mặt, chẳng hạn như qua một kiểu thao tác giọng bằng cách khởi đầu chậm, dừng câu ngắn, như thể đang lấy đà, « căng cung » cho tiếng hát, trước khi nó được phóng vút lên tít tắp tầng cao : đó là điểm nhấn của những bản như If [64], Cô Gái Ngày Hôm Qua[65] hay Góc Ban Công[66]. Rồi cũng có thể treo lửng lơ một khúc hát. Hoặc làm chuyển màu câu nhạc bằng những dấu lặng, dấu hóa (thăng, giáng) bất ngờ, tê tái… Hay cho một ca từ ôm cùng lúc nhiều nốt để tạo luyến láy, phá vỡ sự đơn điệu. Nguyên tắc sống động này không chỉ giới hạn ở khuông nhạc thôi, mà còn có thể được áp dụng chẳng hạn cho việc xử dụng phương tiện hoạt hình thay vì quay cảnh trí thông thường trong các MV, như trường hợp những hình ảnh ngộ nghĩnh dễ thương của bài Buổi Sáng Bình Thường[49] đã dẫn trên.Tuy không thể kể ra hết, ta không thể không nhắc thêm rằng chính nguyên tắc này cũng là ngọn nguồn đưa tới cách viết tượng thanh rất… gợi hình trong tuyệt phẩm Vết Mưa[67], một trong hai sáng tác đầu tay của nữ nhạc sĩ: bản nhạc mở ra bằng những câu nhịp ngắn, mạnh, tựa cơn mưa ồ ạt đập vào cửa, để rồi từ từ trải ra, êm ái, phẳng rộng, thành tiếng những giọt mưa thánh thót rơi nhẹ vào hồn, mênh mang như nỗi nhớ người yêu…

Có phân tích nhạc Vũ Cát Tường như vậy ta mới rõ thêm cái lô-gic đưa cô tới những thành tích đáng kể trong mấy năm qua, như là « Nhạc sĩ của năm » ở Giải Cống Hiến 2019[68] sau khi đã đoạt cùng lúc 4 hạng mục khác thuộc giải Keeng Young Awards 2018[69]: Nữ ca sĩ được yêu thích nhất, Nhạc sĩ được yêu thích nhất, Album của năm và Nghệ sĩ của sự đổi mới. Điều đó cũng giải thích vì sao hầu như tất cả các tác phẩm của Tường đều rất đạt, kể cả khi viết hoàn toàn bằng tiếng Anh (như bài The Old You, mà cô hát rất tốt[70]), song ngữ Anh-Việt (như You Are MineDon’t you go, Ticket For Two…) hay lời Việt thêm câu chữ tiếng Anh (như Come Back Home, San Francisco…). Và ngay như trong trường hợp bản nhạc không được đặc sắc lắm, như bài Niềm Yêu Khác[71] – một trong vài ví dụ hiếm hoi, theo thiển ý –, người ta vẫn thấy thích, nhờ Tường có một cách hát rất riêng.

 

Nhạc Vũ Cát Tường thường mang nhiều chất tự sự, nhưng với một điểm nổi bật là – trên chủ đề chuyện đôi lứa – ngay cả trong tình huống những trăn trở xót xa, những cuộc tình không thỏa nguyện, bài hát vẫn không bị rơi vào bi lụy mà thường là ngược lại, khiến người nghe cảm thấy lòng được vơi nhẹ. Đó là trường hợp của các bản như Cách Xa, Chơ Vơ hay Anh Và Anh chẳng hạn, là tác phẩm đã nhận được phản hồi dưới đây trên YouTube: « Tôi từng có một tình yêu đẹp […], nhưng rồi người đã bỏ tôi theo tình yêu mới Sau khoảng thời gian đau đớn, stress, trầm cảm, tôi đã tìm lại chính bản thân mình […] Tất cả cũng nhờ vào âm nhạc của Tường ; trước đây nghe bài này tôi lại có động lực tìm lại chính mình, giờ nghe lại thì thấy bài hát như viết cho mình. »[72]

Tác dụng tích cực ấy còn được xác nhận bởi số đông nhiều thính giả khác, có khi chỉ bằng một câu ngắn ngủi nhưng đủ làm mát lòng tác giả: « Mình cũng mới li hôn xong buồn lắm và chán lắm muốn từ bỏ buông hết xuống nhưng khi nghe nhạc của Vũ Cát Tường mọi suy nghĩ tiêu cực đều được xua tan đi, cảm thấy được an ủi dễ chịu hơn hẳn. »[73]

Được như vậy, không phải do ngẫu nhiên mà là phát xuất từ một cái nhìn lạc quan, một tâm chí chinh phục và một quan niệm sáng tác nghiêm túc, chặt chẽ, như chính Tường đã có lần bày tỏ: « Nút thắt trong mỗi bài hát của tôi là độ sâu của tầng nghĩa. Về mặt cấu trúc âm nhạc, nhạc sĩ khi đã quen viết thì dễ tạo nên những đoạn catchy, là một kỹ thuật. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là về mặt tâm hồn, là tầng nghĩa được gửi gắm trong phần lời. Tôi luôn muốn âm nhạc của mình dù ở nhiều năm sau, khán giả nghe vẫn tìm thấy được sự liên kết và vẫn trân quý.»[74]

Do đó, người ta sẽ không lấy chi làm ngạc nhiên trước những thông tin cho biết « Vũ Cát Tường nổi tiếng khó tính và kỹ tính […], cô quyết định dời ngày phát hành album Giải mã vào giờ cuối vì nhận thấy bìa album không mấy phù hợp với nội dung âm nhạc. Riêng ca khúc Vết mưa […] đã sửa đến 30 lần mới ưng ý.»[75]

« Kỹ chất lượng là mẹ thành công », người đọc chỉ có thể đồng tình với công thức lao động nghệ thuật bảo đảm ấy khi nhìn lại kết quả trên những trang tóm lược thành tích Vũ Cát Tường.[76]

Duy có một điều hơi đáng tiếc là, đến hôm nay, trên các bảng « chiến lợi phẩm » của Tường vẫn còn hở hai ô trống bất thường, lẽ ra phải được điền vào ngay bằng hai bài hát xứng đáng, vượt trội – khác hẳn kiểu khai thác theo lối mòn những chủ đề cũ kỹ của ca nhạc Việt Nam –, đó là: Góc Đa Hình  Tomorrow (Ngày Mai).

Bài thứ nhất[77], dồn dập lôi cuốn, là một tuyên ngôn vinh danh giá trị con người cá thể, một cách rất thanh lịch, tự nhiên như con suối chảy, không chút chi là cường điệu hay mô phạm đạo đức, khởi từ cái biên bản thường nhật : « Con đường quen, mỗi sáng là những lần kẹt xe hối hả/ Hai hàng cây, mỗi sáng lặng ngắm dòng người trôi dưới chân mình/ Cuộc sống trở nên thật vô vị/ Khi mọi thứ chỉ có một góc nhìn/Khi từng ngày trôi qua trôi qua vẫn thế. »

Nó cô đọng nhãn quan độc lập của con mắt mới – được phóng vào thực giới dưới nhiều góc độ – từ một chủ thể tự tin, tự quyết, muốn lay chuyển mọi sự trên đời đến tận cùng gốc rễ: « Hãy đi và nhìn cuộc sống/ Đừng ngại lúc làm ngược dòng người đông/ Hãy đi và nhìn cuộc sống/ Ghi lại hết bằng một cách riêng mình… »

 VCT dùng âm nhạc quyên góp chống dịch và hạn mặn miền Tây [sttm]


 

Bài thứ hai[78], do Tường viết ra giữa mùa Coronavirus, với những lời nôm na giản dị nhưng đầy ý nghĩa, vượt lên trên cả chủ đề khủng khoảng dịch bệnh[79] – nghiêm trọng nhưng không thể vì thế mà mãi độc tôn – để đặt lại vấn đề cốt tử, rộng sâu hơn là mục đích của chính cuộc sống: « Lặng nhìn người mình thương ra đi/ Đôi chân chẳng thể bước đến gần/ Khi xưa tham lam hay chi chi/ Giờ nhìn lại em có ích gì? »

Cùng với tiếng dương cầm đệm theo ngọt ngào, giọng hát khi thì thầm khi vút cao, đến vỗ về như một giấc mơ hay – đúng hơn –, một sự tỉnh thức. Tất cả bây giờ đều tan biến để nhường chỗ cho một niềm hy vọng, đơn sơ mà vĩ đại, trong suốt và bao trùm như một phút giây đốn ngộ thiền nghiệm : « Ngày mai thức giấc mong bình yên/ Chẳng còn mất mát và ưu phiền/Ngày mai tia nắng đan vào nhau/ Chở che trái đất thôi đớn đau/Yêu thương xin dài lâu. »

Bài hát gây xúc động và đặc biệt đã tạo cảm hứng cho Bạch Tuyết làm ra một phiên bản vọng cổ [80] để đưa thông điệp tác phẩm đi xa hơn, đến được với công chúng âm nhạc truyền thống.

Vũ Cát Tường nói chung đã được đánh giá cao trong giới tân nhạc: danh ca Hồng Nhung[81] gọi cô là « ngọc trong đá », còn nhạc sĩ Huy Tuấn[82] thì cho rằng "lâu rồi […] mới thấy một ca sĩ trẻ có khả năng viết nhạc hay, có chiều sâu và hợp thời". Bây giờ thì đến phiên giới cổ nhạc, đặc biệt là qua lời thổ lộ chí tình của « Cải lương chi bảo »: “Tình cờ nghe được bài hát của ca - nhạc sĩ Vũ Cát Tường. Bao nhiêu xúc cảm buộc mình phải chấp bút viết nên bản version đặc biệt […] Rất trân trọng những tài năng trẻ đã làm cho âm nhạc Việt Nam trở nên thú vị và phong phú hơn. »[80]

Có lẽ đó là một trong những dấu hiệu đẹp nhất trong cộng đồng âm nhạc Việt. Và quả là thật đáng mừng, như có người đã hóm hỉnh dựa trên nghĩa của từ Hán Việt Cát Tường 吉祥 trong tên cô gái họ Vũ để khẳng định niềm tin về những điều lành sẽ đến…[41]

 

 

 

*

*     *

 

Trong cái rủi của thảm họa Coronavirus cũng có cái may, bởi nó đã khiến nhân loại được mở mắt trên nhiều phương diện, từ quan hệ giữa người với người cũng như với thế giới, đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, môi trường... Và một trong những « rơi rớt » khác, bất ngờ, lan tỏa, và hoàn toàn không phải là nhỏ đối với chúng ta, đó là sự kiện nhạc trẻ nước ta – qua bài hát cổ động chống dịch Ghen Cô Vy,[83] được cải biên lời từ bản gốc Ghen (2017) của Khắc Hưng, kèm theo "Vũ điệu rửa tay" của Quang Đăng – đã có cơ hội được công chúng và truyền thông thế giới biết đến: từ đài truyền hình SBS Hàn Quốc, đến BFM TV[84] của Pháp, qua báo chí Đức (Stern), Mỹ, tất cả đã đưa ra nhiều lời khen tặng trong đó bình luận của tờ Billboard, tạp san chuyên môn số một toàn cầu, đã đánh giá ca khúc đại diện Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt này là "cực kỳ hấp dẫn và nghe lọt lỗ tai".[85]

Quá đúng lúc. Như vậy, những điều ta phác họa trên kia về khả năng tỏa sáng trong tương lai của nhạc Việt đương đại là hoàn toàn có cơ sở. Hai cô Lê và Vũ đều có trong tay chìa khóa mở đền thiêng ma lực của ngôn ngữ và nhịp điệu. Cả hai đều đem lại một hơi thở mới hậu-Trịnh Công Sơn cho những ca khúc tươi tắn của chúng ta. Lê Cát Trọng Lý đặc biệt với gam màu huyền thoại Quê hương ở đầu này, và Vũ Cát Tường ở đầu kia với âm sắc hội nhập, có thể khách quan trở thành một bộ đôi độc đáo, bản lĩnh, xứng đáng cho cuộc vươn ra biển lớn.

Trong hiện thực nhạc Việt hôm nay, Lý và Tường là phần nổi sáng giá. Nhưng phần chìm còn lại cũng không kém hấp dẫn, hứa hẹn, và thực sự sẽ là một khám phá mới lạ cho bất cứ ai quan tâm: thế hệ trẻ nước ta bây giờ tiềm tàng đầy sức sáng tạo. Họ bền tâm nuôi dưỡng sinh hoạt văn nghệ « tay trái »: tự viết nhạc, trình diễn, sản xuất với tư cách nghệ sĩ độc lập[86] trong thời đại internet, và qua đó được nhiều người tâm huyết ủng hộ hết mình, đến độ như nhạc sĩ Dương Thụ đã dốc cả tiền túi để giúp cho tác phẩm họ có cơ hội ra mắt công chúng.[87]

Cho dù có mang những nghệ danh nhiều khi nghe rất xa lạ– thậm chí chướng tai – đi nữa, họ cũng đã và đang thể hiện qua dòng nhạc tự phát lành mạnh một sức sống cuồn cuộn, một năng lượng tràn bờ, một ý thức vươn đến cái Mỹ – thường song hành cùng cái Chân, cái Thiện – trong một xã hội còn lắm lạc hậu, một xứ sở nhược tiểu, bị phản bội từ bên trên: trước tình thế đó, nghệ thuật, bất luận có underground hay không, phải chăng là nơi trú tạm, để trau dồi sáng tạo, tích trữ tinh hoa, bồi dưỡng sức mạnh cho một cuộc chuyển mình toàn diện, cuộc phản tỉnh hồi sinh dân tộc?
 

                                                                             

Nguồn : Diễn Đàn Forum, bản cập nhật của tác giả gửi


 

Chú thích

 

[0] Trên phương diện từ vựng, trong tựa bài này, thay vì nói gương mặt như theo thói quen hiện nay, chúng tôi dùng chữ khuôn mặt bởi đó là từ thích hợp, thông dụng trong văn chương trước 1975, lịch sự, thanh tao, gợi tưởng, nghĩa rộng hơn nhiều so với chữ kia mà đồng thời lại ăn khớp với cách diễn tả chung của thế giới, ít ra là Anh và Pháp (figure).

[1] Jack là ai? Tiểu sử, sự nghiệp và đời tư ca sĩ Trịnh Trần Phương Tuấn (31/05/2019);

 https://www.yan.vn/jack-la-ai-tieu-su-su-nghiep-va-doi-tu-ca-si-trinh-tran-phuong-tuan-203735.html ; Jack - 'trai quê' thành thế lực Vpop trong vài tháng (20/12/2019), https://news.zing.vn/jack-trai-que-thanh-the-luc-vpop-trong-vai-thang-post1027286.html ; Jack - từ trai quê đến ca sĩ được săn đón ở showbiz (22/02/2020, https://news.zing.vn/jack-tu-trai-que-den-ca-si-duoc-san-don-o-showbiz-post1050342.html

[2] Năm 2007, Hoàng Thuỳ Linh bị tai tiếng trong một scandal khi một đoạn phim quay cảnh nóng giữa cô và bạn trai bị phát tán và lan truyền lên mạng Internet (Xem thêm : https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_Th%C3%B9y_Linh ), nhưng sau một thời gian tạm lánh xa sân khấu, cô đã trở lại tiếp tục hoạt động và đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi. Đặc biệt tác phẩm đã đưa Hoàng Thuỳ Linh lên tột đỉnh hiện nay mang tên Để Mị Nói Cho Mà Nghe:

https://www.lecourrier.vn/15e-prix-cong-hien-quadruple-consecration-pour-hoang-thuy-linh/714846.htmlhttp://baodansinh.vn/hoang-thuy-linh-lap-ky-luc-voi-4-giai-tai-cong-hien-2020-20200326132902541.htm.

[3] https://www.youtube.com/watch?v=Nc_j2pl4j8o - Về Suboi, xem thêm  : https://en.wikipedia.org/wiki/Suboi ; https://vi.wikipedia.org/wiki/Suboi ; http://youtv.vn/su-kien/tin-hoat-dong/suboi-nu-hoang-nhac-hip-hop-dai-dien-viet-nam-tranh-tai-tai-giai-thuong-am-nhac-chau-au-mtv-ema-2019-16619.imc

[4] Chúng tôi đã có dịp nêu sự kiện này : https://www.diendan.org/viet-nam/san-khau-am-nhac-vn

[5] https://tuoitre.vn/le-cat-trong-ly-co-gai-nho-khien-nguoi-nghe-doi-cho-1169526.htm

(11/09/2016)

[6] Francis Cabrel hát cùng Lê Cát Trọng Lý (6/10/2009), https://vnexpress.net/giai-tri/francis-cabrel-hat-cung-le-cat-trong-ly-1904998.html

[7] https://www.facebook.com/wefasia/videos/closing-plenary/243155389729263/ ; https://www.nguoiduatin.vn/video-le-cat-trong-ly-bieu-dien-chenh-venh-tai-wef-asean-2018-a402375.html

[8] https://dantri.com.vn/giai-tri/tung-duong-doat-cu-dup-giai-cong-hien-1302350200.htm

[9] Lê Cát Trọng Lý gặp 'số đỏ'? (12/04/2011), https://news.zing.vn/le-cat-trong-ly-gap-so-do-post112215.html

https://2sao.vn/le-cat-trong-ly-gay-sot-voi-nhac-phim-cuoc-doi-cua-yen-n-32071.html

[11] Lê Cát Trọng Lý, a unique voice in Viet Nam, Magali An Berthon , https://culture360.asef.org/magazine/le-cat-trong-ly-unique-voice-viet-nam/

[12] https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_C%C3%A1t_Tr%E1%BB%8Dng_L%C3%BD

[13] Asia Beats: Le Cat Trong Ly, Vietnam ( BBC News, 13/02/2014), https://www.bbc.com/news/av/world-asia-26172798/asia-beats-le-cat-trong-ly-vietnam

[14] Không sao về bắt đầuhttps://www.youtube.com/watch?v=OZdhg9EVlzQ

[15] https://news.zing.vn/le-cat-trong-ly-lay-chong-nam-18-tuoi-post78722.html

[16] https://saostar.vn/am-nhac/le-cat-trong-ly-toi-cung-tung-bat-chuoc-mot-ban-tre-di-choi-mac-dep-roi-vao-quan-bar-478935.html
 

[17] https://fr.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_Binh,_la_longue_nuit_indochinoise

[18] Lê Cát Trọng Lý: "Lạ - quen, gần - xa" , http://giadinh.net.vn/giai-tri/le-cat-trong-ly-la-quen-gan-xa-20110808030240684.htm

[19] Lê Cát Trọng Lý: Thế thôi, đừng lý trí nữa , https://dep.com.vn/le-cat-trong-ly-the-thoi-dung-ly-tri-nua/

[20] https://channels.vlive.tv/D065D9/celeb/0.10235388

[21] https://vnexpress.net/giai-tri/le-cat-trong-ly-ke-khu-kho-choi-nhac-3887555.html

[22] Về vấn nạn chung của nghệ thuật đương đại, mời xem:
 

a/ Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học, https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19765

Ý muốn của nhạc sĩ thích viết nhạc kiểu mới, bất chấp việc nó trở nên khó nghe đối với quần chúng, không phải là chuyện lạ. Chẳng hạn một ví dụ, trích từ nguồn trên:

“…việc nhiều nhạc sĩ đương đại tuyên bố chỉ sáng tác « cho mình chứ không cần người nghe » (một thái độ rất gần với lập trường của Schönberg!) là không đứng vững. Bởi vì, « nếu người ta đẩy một số ý niệm nào đó xa đến mức chẳng còn quan hệ chi nữa giữa cái tai ta nghe biết với cái nó không biết, thì sẽ rất khó cho nhạc sĩ diễn đạt ». Rồi anh đưa luôn ra một nhận xét búa bổ: « Tuy nhiên, tôi nhận thấy trong nhạc đương đại thế kỷ XXI có một trào lưu mới trở về với giai điệu [...]Tôi tin chắc rằng đó là loại nhạc đương đại sẽ sống sót». Phát biểu này đáng được xem là một lời cáo chung cho cuộc phiêu lưu bất thành của nhạc hiện đại”.

b/ Mấy vấn đề chung quanh việc tiếp cận tư tưởng và nghệ thuật đương đại – Phác thảo phân tích nguyên nhân khủng khoảng cùng triển vọng giải pháp (phần “Nguyên nhân chủ quan của khủng khoảng nghệ thuật”), https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19779

[23] https://www.facebook.com/lecattronglyworks/posts/2722733351108538/

[24] https://www.songkick.com/artists/10104034-le-cat-trong-ly/calendar

[25] Hiện tượng Lê Cát Trọng Lý (09-04-2011),https://nld.com.vn/ca-nhac/hien-tuong-le-cat-trong-ly-2011040910360478.htm

[26] Phan Đăng Nhật Minh https://www.facebook.com/lecattronglyworks/posts/2850364008345471?__tn__=K-R

[27] Ca từ âm nhạc và vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,Trầm Ngư (21/12/2019): http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/ca-tu-am-nhac-va-van-de-giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet_9760.html

[28] Lê Cát Trọng Lý – “khù khờ” sống và hát để cảm nhận cuộc đời (16/09/ 2019),

http://acrossmag.com/le-cat-trong-ly-khu-kho-song-va-hat-de-cam-nhan-cuoc-doi/

[29] Lê Cát Trọng Lý - kẻ 'khù khờ' chơi nhạc (5/3/2019),https://vnexpress.net/giai-tri/le-cat-trong-ly-ke-khu-kho-choi-nhac-3887555.html

[30] https://saostar.vn/giai-tri/hau-truong/le-cat-trong-ly-keu-goi-ung-ho-du-an-xay-truong-nghe-thuat-tai-kon-tum-5584987.html

[31] Ngôi trường Cẩm Chướng của những kẻ mộng mơ (09/02/2020),https://nguoidothi.net.vn/ngoi-truong-cam-chuong-cua-nhung-ke-mong-mo-22198.html

[32] https://tuoitre.vn/le-cat-trong-ly-ra-mv-dau-tien-trong-su-nghiep-20190930011514053.htm

 [33] https://news.zing.vn/giai-ma-mv-dau-tay-sau-13-nam-ca-hat-cua-le-cat-trong-ly-post996032.html

[34] https://www.youtube.com/watch?v=r2WMjO9fDuo

[35] Sự kết hợp thú vị,
https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/world-music-su-ket-hop-thu-vi-20130411095727739.htm

[36] Một nhận xét đáng chú ý của ca sĩ Thanh Lam về Lê Cát Trọng Lý: “Lý là một mảng màu riêng. Âm nhạc đáng yêu, dễ nghe, không có chất chứa gì nhiều. Nhưng dù sao, tôi vẫn mong muốn Lý có nhiều bứt phá hơn nữa”
https://vietgiaitri.com/thanh-lam-indie-nhu-ly-la-rat-quy-nhung-di-duong-dai-khong-de-20190123i3731720/

[37] Ayo, la voix royale,https://www.youtube.com/watch?v=Cgovi1Tfo8s;
 https://people.bfmtv.com/musique/ayo-de-retour-avec-royal-cet-album-amenera-de-la-lumiere-a-tous-ceux-qui-sont-dans-les-tenebres-1851596.html

[38] Katie Melua cũng ra album đầu tiên vào năm 2003 với những cảm hứng lấy từ các thể điệu Pop, Jazz và Blues: https://fr.wikipedia.org/wiki/Katie_Melua

[39] https://tuoitre.vn/le-cat-trong-ly-ngot-va-nguon-cam-hung-phi-bien-gioi-20191019225324092.htm

[40] Vũ Cát Tường https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_C%C3%A1t_T%C6%B0%E1%BB%9Dng

[41] Vũ Cát Tường - ca lạ của nhạc Việt, Quang Đức (25/07/2019), https://zingnews.vn/vu-cat-tuong-ca-la-cua-nhac-viet-post970802.html

[42] https://vi.wikipedia.org/wiki/Stardom

[43] Meet Vietnamese artist Vũ Cát Tường, the pop star with a difference, Michelle Arteche (19 November 2018),

https://www.bandwagon.asia/articles/meet-vietnamese-artist-v%C5%A9-c%C3%A1t-t%C6%B0%E1%BB%9Dng,-the-pop-star-with-a-difference

[44] Vietnam's Vu Cat Tuong Reveals Softer 'Inner Me' With Bilingual Third Album (1/3/2020),

https://www.billboard.com/articles/news/international/8547299/vietnam-vu-cat-tuong-inner-me-bilingual-album-interview;

https://ione.net/tin-tuc/sao/viet-nam/vu-cat-tuong-len-tap-chi-billboard-my-4038907.html

[45] Âm nhạc thời kỳ hội nhập: Nếu không có định hướng sẽ thành thảm họa (23/11/2017),

http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=91681

[46] Eurovision 2020: Tom Leeb dévoile la chanson de la France... sur la Tour Eiffel!, https://www.dailymotion.com/video/x7rw6h8 .

Tuy nhiên, trước phản ứng bất thuận lợi của một số dư luận và ý kiến không đồng tình của Bộ trưởng Văn Hóa Pháp, tên bài hát đã được sửa lại thành Mon Alliée

(xem: https://www.huffingtonpost.fr/entry/eurovision-2020-apres-les-critiques-la-chanson-de-la-france-ne-ressemble-plus-a-ca_fr_5e6b8757c5b6dda30fc7a770 ), mặc dù Tom Leeb có nói không phải vì lý do đó, trong cuộc phỏng vấn ở đây, sau khi cuộc thi bị hủy bỏ vào giờ chót : https://www.programme-tv.net/news/evenement/eurovision-Eurovision%202020/254270-eurovision-europe-shine-a-light-son-eventuelle-participation-en-2021-les-critiques-sur-sa-chanson-tom-leeb-se-confie/

[47] Love Me, Please Love Me là album đầu tiên của ca sĩ kiêm nhạc sĩ Pháp Michel Polnareff, phát hành năm 1966

(xem: https://fr.wikipedia.org/wiki/Love_Me,_Please_Love_Me ). Thực ra, vào những thời điểm trước đó – hoặc cùng thời kỳ –, nhiều ca sĩ Pháp đã hay hát những bài có tựa hoặc ca từ bằng tiếng Anh rồi: Maurice Chevalier (1930), Edith Piaf (1950), Françoise Hardy (1966)…

[48] https://www.20minutes.fr/arts-stars/culture/2695151-20200114-eurovision-2020-comment-choisie-chanson-laquelle-tom-leeb-representera-france

[49] Vũ Cát Tường ft. Hoàng Phong - Buổi Sáng BìnhThường, https://www.youtube.com/watch?v=LtdM7A0KzUI

[50] Vũ Cát Tường chính thức được minh oan trong scandal đạo nhạc (18/08/2016),https://tinnhac.com/vu-cat-tuong-chinh-thuc-duoc-minh-oan-trong-scandal-dao-nhac-84825.htmlNghệ sĩ Nhật công nhận Vũ Cát Tường không đạo nhạc (17/08/2016), https://zingnews.vn/nghe-si-nhat-cong-nhan-vu-cat-tuong-khong-dao-nhac-post674564.html

[51] https://baomoi.com/vu-cat-tuong-thang-hoa-cung-khan-gia-thu-do-tren-tieu-tinh-cau-dear-hanoi/c/32036938.epi

[52] http://masocongty.vn/company/2229613/cong-ty-tnhh-hoang-tu-be-music.html

[53] https://thanhnien.vn/van-hoa/vu-cat-tuong-ra-mat-dong-nuoc-hoa-cua-rieng-minh-911062.html

[54] https://tuoitre.vn/vu-cat-tuong-ra-mat-bo-suu-tap-thoi-trang-unisex-dau-tay-20180525181818851.htm;

http://fcviet.com.vn/vu-cat-tuong-doi-non-thiet-ke-rieng-tiet-lo-ca-khuc-se-bieu-dien-tai-quotasia-song-festival-2019quot-44995.html

[55] https://vtc.vn/giai-tri/concert-stardom-cua-vu-cat-tuong-khi-su-sang-tao-khong-gioi-han-di-cung-but-pha-ar438359.html

[56] Hồng Nhung sexy quyến rũ bên cạnh 4 học trò cưng The Voice (10/11/2013),https://zingnews.vn/hong-nhung-sexy-quyen-ru-ben-canh-4-hoc-tro-cung-the-voice-post367483.html

[57] Khi được hỏi trực tiếp về giới tính của mình, Vũ Cát Tường thường trả lời khá « gãy gọn » và có vẻ muốn lấy hết trách nhiệm về cái riêng của mình, như trong cuộc phỏng vấn ở đây: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/vu-cat-tuong-len-tieng-ve-gioi-tinh-that-cua-minh-227260.html

[58] Vũ Cát Tường hát IF & LEADER tại ASIA SONG FESTIVAL 2018,

https://www.vlive.tv/video/93062https://saostar.vn/giai-tri/vu-cat-tuong-duoi-ong-kinh-bao-chi-han-quoc-tai-tham-do-su-kien-asia-song-festival-3778160.html

[59] Khán giả người Mỹ khóc khi xem Vũ Cát Tường trình diễn tại Asia Song Festival, nguyên nhân đầy bất ngờ!(12/10/2019),

https://kenh14.vn/khan-gia-nguoi-my-khoc-khi-xem-vu-cat-tuong-trinh-dien-tai-asia-song-festival-nguyen-nhan-day-bat-ngo-20191012183456796.chn

[60] Gió, http://keeng.vn/audio/Gio-(Wind)-Vu-Cat-Tuong-431/F12E7F1C

[61] Mơ, https://www.youtube.com/watch?time_continue=40&v=2YM4j-oP_qQ  ; https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_(b%C3%A0i_h%C3%A1t)

[62] Hônhttps://www.youtube.com/watch?v=FMPFsOaJAH0

[63] Có Người ,https://www.youtube.com/watch?v=BhbETPFyuaY&list=PLJDP35iGR3S7fR1HouHPdrYZLyvpLSuq8

[64] If, https://www.youtube.com/watch?v=G12V5_HLYIQ

[65] Cô Gái Ngày Hôm Qua, https://www.youtube.com/watch?v=4CurOcB6aTo

[66] Góc Ban Công, https://www.youtube.com/watch?v=ZgI4VMgXTI8

[67] Vết Mưa, https://www.youtube.com/watch?v=jAKQSm9PiSQ

[68] https://www.lecourrier.vn/14e-prix-cong-hien-des-jeunes-tres-prometteurs-a-lhonneur/603989.html

[69] https://tuoitre.vn/dong-nhi-vu-cat-tuong-bich-phuong-gom-giai-keeng-young-awards-20190104002930561.htm

[70] Cô có ưu điểm biết học hỏi và cải tiến, như qua phát biểu này sau khi sang Mỹ thu âm: “Ngày đầu tiên làm việc, ai vừa vào cũng xong ngay trong khi giọng của mình chưa được ổn định và có rất nhiều sai sót. Ở Việt Nam, nhiều người nói Vũ Cát Tường hát tiếng Anh ổn nhưng khi làm việc với những người chuyên nghiệp, tôi mới thấy bản thân không biết gì cả, các producer phải chỉnh sửa cho tôi rất nhiều trong cách hát tiếng Anh. Bởi đôi khi với câu hát đó, bạn hát ra nhưng người bản xứ lại nghe không hiểu gì cả, tôi đã phải khắc phục rất nhiều khi thu 3 bài hát bằng tiếng Anh trong album này”

https://www.24h.com.vn/giai-tri/vu-cat-tuong-coi-ao-ho-hung-khoe-than-gay-soc-khi-vua-tro-lai-c731a1104620.html )

[71] Bài thứ hai trong Album Giải Mã ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=YjU2xacMy6Y

[72] https://www.youtube.com/watch?v=yu6Vcn5JQhU&list=OLAK5uy_nmvlJ5q5Kv0ED2fqcGI5IxutXPCk-5QV0

[73] https://www.youtube.com/watch?v=T0ctHE1ZFQ4

[74] https://xonefm.com/vu-cat-tuong-am-nhac-khong-con-la-thu-nong-bong-ma-toi-lao-theo-va-mong-muon-chiem-huu/

[75] https://zingnews.vn/vu-cat-tuong-chan-dung-hiem-cua-lang-nhac-viet-post516537.html

[76] Danh sách giải thưởng và đề cử của Vũ Cát Tường,

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_gi%E1%BA%A3i_th%C6%B0%E1%BB%9Fng_v%C3%A0_%C4%91%E1%BB%81_c%E1%BB%AD_c%E1%BB%A7a_V%C5%A9_C%C3%A1t_T%C6%B0%E1%BB%9Dng

[77] Góc Đa Hìnhhttps://www.youtube.com/watch?v=jNd0HBYNJQc

[78] Vũ Cát Tường cùng cộng đồng trong dịch COVID-19 và hạn mặn (7/4/2020),

https://plo.vn/giai-tri/chuyen-sao/vu-cat-tuong-cung-cong-dong-trong-dich-covid19-va-han-man-903644.html ; https://www.youtube.com/watch?v=cPZYoSS2iwg

[79] Vũ Cát Tường không chỉ giới hạn đối tượng giúp đỡ ở dịch Covid-19 mà cả nạn hạn mặn

(https://dantri.com.vn/giai-tri/vu-cat-tuong-va-khan-gia-gui-tang-200-trieu-dong-chong-covid-19-va-han-man-20200417075900631.htm ).
Và cô cũng thường tham gia nhiều việc từ thiện như viết ca khúc Giáng sinh giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS
https://tuoitre.vn/vu-cat-tuong-ra-ca-khuc-giang-sinh-giup-tre-em-nhiem-hiv-aids-20181213131142355.htm )

[80] Yêu thích Tomorrow của Vũ Cát Tường, NSND Bạch Tuyết tung liền tay clip cover phiên bản… cải lương,

https://saostar.vn/am-nhac/nsnd-bach-tuyet-cover-tomorrow-cua-vu-cat-tuong-phien-ban-cai-luong-7337571.html

[81] Nguyên văn câu của Hồng Nhung: "Tường là ngọc trong đá. Với tài năng của mình, Tường đã chứng minh rằng Hồng Nhung không sai. Bên cạnh đó, Vũ Cát Tường đang ngày càng khẳng định bản thân là một nghệ sĩ chứ không đơn thuần chỉ là ca sĩ vì bạn hát tốt và sáng tác rất văn minh" ( https://eva.vn/lang-sao/hong-nhung-lan-dau-tien-trong-doi-toi-bi-nem-da-vi-chon-vu-cat-tuong-c20a334526.html )

[82] https://vnexpress.net/hong-nhung-thay-cat-tuong-truong-thanh-nhanh-chong-3124767.html

[83] https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Ghen_C%C3%B4_Vy

[84] https://www.bfmtv.com/mediaplayer/video/au-vietnam-une-chanson-aux-accents-pop-pour-prevenir-du-coronavirus-1227371.html

[85] https://tuoitre.vn/billboard-ghen-co-vy-cuc-ky-hap-dan-nghe-lot-lo-tai-va-hieu-qua-20200303161552199.htm

[86] Dòng nhạc indie: Khám phá âm nhạc đa sắc màu cùng năm nghệ sĩ indie Việt ; Vũ Đinh Trọng Thắng – Ngọt: Thiền và sáng tạo

[87] https://tuoitre.vn/nhac-indie-ho-la-dong-chay-cua-nhung-guong-mat-dep-voi-am-nhac-dep-20190702095042926.htm

 

Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 1617
Ngày đăng: 27.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài hát “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Nguyễn Phú Yên
Những hình thức biểu diễn ca nhạc - Tuấn Giang
Nguồn gốc âm nhạc Mông (Hmômgz) - Tuấn Giang
Nhạc tình Boléro trở lại - Phan Văn Thạnh
Nhạc sĩ Xuân Hồng – Trẻ mãi một giai điệu màu xuân - Nguyễn Thanh
Từ lâu đã có Boléro bụi đời, hát rong... - Phạm Nga
Bài ca cứu nước - Nguyễn Thanh
Hát nhạc Trịnh cũng là cách tự ru mình - Trần Dzạ Lữ
Niềm lạc quan vui sống trong nhạc đồng quê Mỹ Quốc - Phạm Nga
Người và đất miền Nam trong ca từ "Tình ca" và trường ca " con đường cái quan" của Phạm Duy - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả