Học viện Langbiang nằm trên một quả đồi tròn, chung quanh học viện không có hàng rào như những trường học khác, chỉ có những hàng cây thông đỏ quanh năm toả bóng mát khắp sân trường. Bây giờ ta chấp nhận dùng chữ “học viện” cho dễ hiểu nhưng trong thời điểm đó, nơi này là một chốn sâm nghiêm cấm người lạ mặt vãng lai, học viên được học những môn học mà ngoài đời không ai được học.
Học sinh được tuyển khắp xứ, kể cả những nơi xa xôi hẻo lánh tít tắp có những ngọn núi cao thấu trời xanh. Thông thường học viện chỉ chọn 100 học sinh cho khoá học 10 năm. Hết 10 năm đó, trường tiếp tục tuyển sinh khoá mới. Vì vậy độ tuổi của học viên chênh lệch nhau nhiều lắm, có khi một bạn chừng 5 tuổi ngồi học chung với một chàng thiếu niên lún phún râu tơ cũng là chuyện thường ở ngôi trường đặc biệt này. Thầy giáo Râu Dài dạy năm lớp Nhập môn. Hôm nay thầy lên lớp với một vẻ mặt khó đăm đăm. Đêm qua thầy không ngủ được, thầy hết đi ra rồi lại đi vào căn phòng bé nhỏ của thầy. Nơi đây là chốn riêng tư, nơi thầy cất giấu những bí mật nhất của mình. Không ngủ được thì con người ta đâm ra cau có cũng là điều dễ hiểu. Sự cau có của thầy được nâng lên cao độ khi trong lớp vắng mặt hai anh em nhà K’RaJan Đích và K’RaJan Đa. Đích và Đa là hai anh em ruột, cả hai vào trường học chỉ chưa tới một năm. Cả hai lại là trường hợp đặc biệt từ ngày thành lập trường đến nay vì chưa bao giờ trường nhận hai anh em sinh đôi vào học tại trường.
- Tại sao K’RaJan Đích và K’RaJan Đa vắng mặt?
Không ai trả lời được câu hỏi vì sao của thầy. Sáng sớm, như thường lệ nhóm học viên của lớp Nhập môn dậy từ lúc con gà rừng gáy lần thứ nhất. Chúng phải chạy vào chân núi phía sau trường trên những lối mòn chúng tự tìm ra cho mình và theo chúng đó là con đường ngắn nhất. Chúng phải tìm mọi cách để những sinh vật trong rừng không thấy chúng; nghĩa là những con chim ăn đêm không hốt hoảng bay vụt lên khi phát hiện ra chúng hay những con thú săn mồi không phải giật mình vì một sự biến động của tự nhiên. Chúng đang tự học “Ẩn thân thuật”, chúng học cho đến khi nào đi không tiếng về không tăm thì mới thành tài. Thầy Râu Dài có nhiệm vụ truyền cho bọn chúng những kinh nghiệm của thầy, mà kinh nghiệm của thầy thì vô cùng phong phú, ngoài những mánh khoé trong việc thực hiện thuật ẩn thân, thầy còn có biết bao những kinh nghiệm khác.
- Sáng nay ai trông thấy anh em nhà K’RaJan sau cùng?
Không ai trông thấy cả, đã học ẩn thân thuật mà để người ta trông thấy thì chỉ là những lũ nhải ranh lúc mới vào trường! Còn lớp Nhập môn này những học viên dù sao cũng đã qua mấy mùa trăng, chúng đã thích nghi với môi trường chung quanh từ hồi nào. Thầy Râu Dài biết rõ điều này nhưng thầy vẫn quát lên:
- Huệ, mi có trông thấy anh em nhà nó không?
Vương Đình Huệ là một chàng trai lún phún râu tơ, anh đã mười lăm tuổi rưỡi là người cao tuổi nhất trong lớp Nhập môn này. Anh trả lời thầy:
- Thưa Mat con không thấy!
Ở lớp Nhập môn ai cũng gọi thầy Râu Dài là Mat, chỉ một từ Mat thôi dù chẳng ai hiểu vì sao thầy lại thích gọi như vậy. Thấy người học trò lớn nhất lớp trả lời như vậy, thầy Râu Dài lại càng giận dữ:
- Cả một lũ ngu! Tại sao các con không toả ra đi tìm ngay hử?
Đến lúc này cả lớp mới nhớ ra việc phải làm. Dưới sự phân công của Huệ, lớp học chia làm bốn tổ theo bốn hướng đi tìm anh em nhà K’RaJan.
Huệ theo hướng chính tây mà đi, sau lưng Huệ là thằng nhỏ kém Vương Đình Huệ chừng 1 tuổi nhưng nó vạm vỡ vô cùng, ai cũng nghĩ nó phải mười tám tuổi chứ không thể ít hơn. Nó tên là Tư Đực, một cái tên ngô nghê và buồn cười nhưng nó không cho đó là một cái tên xấu xí. Vừa đi Huệ vừa nói với Tư:
- Lâu nay tao quên hỏi vì sao mày tên là Tư Đực vậy?
Tư trả lời với một giọng chắc nịch:
- Vì tui thứ tư, tía lấy tên loại tre đực đặt tên cho tui đó mà!
- À ra vậy. Vậy mày có rắn chắc như cây tre không?
- Anh cứ thử đi thì biết?
- Tốt! Tao với mày chạy thi, ai lên đến đỉnh núi kia trước thì thắng cuộc.
Tư Đực hỏi:
- Nhưng nếu tui thắng cuộc anh Vương mất tui cái gì?
Vương Đình Huệ trả lời:
- Tao có cục đá thần nếu mày thắng tao sẽ cho mày. Còn nếu mày thua mày mất cho tao cái gì chứ?
- Tui có một cục…đá lửa, tui sẽ chỉ cho anh cách lấy lửa nhanh nhất!
- Tốt, nào bắt đầu.
Trên trời mây trắng bay bay, buổi sáng hôm ấy trời cực tốt. Một đàn chim lông hai màu đen trắng bay vút lên bầu trời theo hình mũi tên, con đầu đàn dẫn đầu: chúng cũng có hướng bay đến đỉnh núi xa xa như hai người đang chạy thi.
Dưới đất Tư Đực ra sức chạy. Tư học theo cách ngựa phi, nó sải từng bước chân dài cứ như vó ngựa. Còn Vương anh không vội vã, Vương biết mình chạy nhanh nhất trường thì thằng Tư Đực bé con đâu phải là đối thủ của anh? Anh thong thả vừa đi vừa ngắm phong cảnh chung quanh. Thiên nhiên hoang dã chung quanh trường thật là hùng vĩ. Thác nước bên phía trái Vương tung bọt trắng xoá ồn ào suốt cả ngày. Ngược lại con suối phía hạ lưu dòng nước lặng lờ chảy xuyên qua từng đám lau sậy phát ra những tiếng rì rào. Vương ngơ ngẩn ngắm nhìn không chán mắt. Này là một bụi hoa dại mọc ven đường mòn, đoá hoa e ấp khoe màu tím biếc, cánh hoa còn đượm hơi sương. Vương băn khoăn nhìn đoá hoa, bỗng nhiên anh thấy xao xuyến trong lòng vì màu tím đoá hoa rừng gợi nhớ đến quê nhà.
Cho đến khi Vương sực nhớ đến cuộc chạy thi với Tư Đực mặt trời đã mọc hơn một con sào. Anh xả hết tốc lực để níu lại thờ gian đã mất bằng đôi chân cứ như chân con nai đang hốt hoảng bỏ chạy phía bên kia đồi khi phát hiện ra Vương. Nhưng đã trễ, khi Vương lên đến đỉnh núi anh đã thấy Tư Đực chờ anh với một nụ cười chiến thắng:
- Anh thua rồi, sao hòn đá thần của anh đâu?
Vương công nhận với chút bối rối khi anh nhớ lại cảm xúc khi bắt gặp đoá hoa ven đường, nguyên nhân khiến anh thua cuộc:
- Tao để ở nhà, chút về tao đưa nhé?
Anh và Tư Đực nhìn ra chung quanh ngọn núi là điểm cao nhất vùng nên bọn Vương nhanh chóng phát hiện xa xa về hương tây nam có một đụn khói. Đụn khói nhắc nhở nhiệm vụ của anh em Vương. Huệ nói:
- Mày thấy đụn khói kia không, tao chắc anh em nhà K’RaJan đốt chứ ai dám héo lánh đến vùng này?
Quả thật không ai dám đến vùng phụ cận của học viện Langbiang khi chưa có trong tay một mũi tên khắc dấu hiệu của trường, là tín vật trường chỉ giao cho những người cung cấp lương thực, vật dụng cho trường. Nhưng đoàn giao thương cũng mới đến trường tuần trăng vừa rồi, nhanh nhất phải ba tuần trăng nữa họ mới trở lại. Tư Đực công nhận Vương Đình Huệ nhận xét có lý:
- Hay là anh và tui tới thử xem sao?
- Khoan đã, tao sợ có biến đối với anh em nhà K’RaJan. Như vậy đi: tao sẽ hoá thân thành con chó sói, còn mày thành con lợn lòi khi đến gần, mày đồng ý không?
- Anh khôn lắm, tui mà là lợn lòi à… nhưng thôi được, lợn lòi thì lợn lòi. Nào ta đi thôi.
Nói về anh em nhà K’RaJan. Sáng hôm nay như thường lệ, Đích và Đa cũng thức giấc lúc con gà rừng cất tiếng hồi thứ nhất. Uống vội một gáo nước lạnh, anh em K’RaJan cùng lên đường luyện thuật ẩn thân. Khác với các đồng môn, anh em nó học chung, nghĩa là chúng cùng đi với nhau, cùng trao đổi với nhau về những mánh lới trong việc ứng dụng địa hình, địa vật để che mắt địch nhân. Như vậy chúng tiến bộ nhanh lắm. So với Vương Đình Huệ chúng tự cho là mình hơn hẳn Huệ …một cái đầu; tại học viện Langbiang chúng chỉ thua có mỗi thầy Râu Dài – tức thua Mat mà thôi.
Sáng hôm nay cũng vậy chúng chạy nhanh vào chân núi phía sau học viện, trên đường đi chúng làm một con cá phóng nhanh xuống nước khi phát hiện ra chúng. Đó là loại cá quả rừng. Vào mùa sinh sản buổi sáng tinh mơ chúng thường lóc lên bờ, da khô nhơn nhớt và nhất là mùi tanh tao từ thân hình chúng phát ra đánh thức khứu giác của lũ kiến rừng, kiến bu đen bu đỏ quanh thứ quà trời cho đó. Lũ kiến đâu biết rằng khi lượng giá đã đủ thức ăn cho đám con háu đói, lóc mẹ vĩ đại sẽ lăn xuống nước và kiến trở thành mồi béo bở cho đám con háu ăn kia!
K’RaJan Đích cau mày:
- Mày coi chừng, mày để con cá quả rừng thấy mày rồi đó.
K’RaJan Đa cãi:
- Nó đâu có thấy em, nó đang tìm mồi cho con nó mà!
- Mày không để ý, mắt nó ánh lên khi phát hiện ra vật lạ. Mày phải quan sát kỹ ngay lúc đó phải biến hình thành một đám lá khô!
- Nhưng nó có thấy em đâu?
- Lại cãi nữa, nếu mày gặp không phải là con cá quả rừng, dù sao cá phải nhảy xuống suối, mà là một con hoẵng non vừa chạy vừa kêu hoảng hốt làm gãy những cọng cỏ non, chân in guốc xuống đám đất ẩm ướt thì sẽ ra sao nếu như có người đang săn lùng mày?
Lúc này K’RaJan Đa mới chịu thua:
- Vậy em phải làm sao?
Vừa đi Đích chỉ cho Đa từng chút một bài học và kinh nghiệm của Mat, K’RaJan Đa phục sát đất người anh có trí nhớ siêu phàm của mình. Đến chân núi bài học của K’RaJan Đích vừa kết thúc với lời giáo huấn:
- Luôn luôn nhớ: không được để lại một dấu vết nào!
Bỗng nhiên hai anh em trông thấy bóng một người lạ. Ở cấm địa này không ai được phép bén mãng tới cả, anh em nhà K’RaJan biết rõ điều đó nên cả hai không hẹn mà cùng chạy thật nhanh về hướng người lạ mặt. Nhưng bên kia đồi, nơi anh em K’RaJan vừa đến không có một ai! Đa nhăn mặt hỏi anh:
- Rõ ràng em thấy bóng người đứng trên đỉnh đồi này mà?
Không trả lời Đích quan sát kỹ mặt đất. Không có gì lạ cả, hàng thông vẫn rì rào trong gió, cây cỏ vẫn đẫm hơi sương. Không có một chút dấu vết nào chứng tỏ có người lạ mặt xuất hiện ở đây. Đích vòng ra xa. Đây rồi, một vệt mờ mờ trên lối nhỏ mà lũ thú rừng tạo nên. Trên con đường hoang đó vài giọt sương nhỏ xuống mặt đất để lại những đốm màu đậm khác hẳn với đất chung quanh. Đang là mùa nắng nên dấu vết này nói lên rất nhiều ý nghĩa.
- Đi theo hướng tây nam.
K’RaJan Đích nói với em bằng một giọng chắc nịch. Hai anh em vừa đi vừa quan sát cảnh vật chung quanh. Lối nhỏ trong rừng dẫn anh em nhà K’RaJan đến một thung lũng trống trải và mất hút vào cửa rừng bên kia trảng cỏ.
Cẩn thận từng chút một, không có bất cứ một cọng cỏ nào lay động dưới chân của Đích và Đa, hai anh em tiến vào cửa rừng. Bên trong là một khu rừng nguyên sinh cỏ cây mọc xen nhau dầy đặc. Tại đây dấu vết để lộ ra nhiều hơn. Phải có từ ba người trở lên mới để lại dấu vết nhiều như vậy. Những cành cây oằn xuống chưa kịp trở lại vị trí tự nhiên ban đầu, những bụi cỏ bị dẫm lên đã nói lên điều đó. K’RaJan Đích hít một hơi dài. Trong không khí buổi ban mai, ngoài làn thanh khí của núi rừng Đích nhận ra còn tàng ẩn một chút hơi người. Đây là những người thường, K’RaJan Đích khẳng định như vậy. Với học viên Langbiang, đi trong rừng ngoài việc không để lại dấu vết, bắt buộc không để cả mùi người. Với một người được học tại trường Langbiang, việc này rất dễ dàng, Mat thường căn dặn học trò của mình:
- Mùi cơ thể người nhanh chóng tố cáo chúng ta với địch nhân, nếu có. Cả với muôn thú nữa, chúng đánh hơi mùi người nhanh lắm, không ai theo kịp.
Trong một tuần trăng, ít nhất các học viên phải có tới mười ngày luyện cho cơ thể không còn mùi nữa. Có rất nhiều phương pháp nhưng anh em nhà K’RaJan thích dùng phương pháp tẩm lá cây kết hợp với vùi thân mình trong bùn lỏng. Ngoài ra anh em Đích Đa còn phát hiện ra một phương pháp riêng: đó là mỗi tối chúng chịu khó phơi sương chừng một canh giờ thì mùi cơ thể chúng không khác gì những bụi dẽ gai mọc đầy trong rừng hay phảng phất mùi ngải rừng mọc trong các khe núi ẩm ướt.
K’RaJan Đa cũng đồng ý với anh mình:
- Mùi người, phải bắt chúng về cho Mat thôi!
Hai người tiếp tục đi theo dấu vết, mũi thính, tai thính và thuật ẩn thân của anh em nhà họ là những vũ khí bí mật và mạnh mẽ. Họ vô cùng hưng phấn, đây là lần đầu tiên họ thực hành những bài học của Mat để tìm kiếm một đối thủ có thực, chứ không phải là những điều giả định như những bài học trong trường. Thân thể lùn thấp của anh em nhà K’RaJan là một lợi khí khi đi lại trong rừng, họ luồn lách qua những lùm bụi dễ như không. Hình như cánh rừng này là nhà của họ vậy, nó quen thuộc đến nỗi họ cảm nhận mình là một thành viên trong rừng nguyên sinh dầy đặc này.
Rồi rừng rậm cũng hết, dấu vết dẫn anh em nhà K’RaJan đến một cánh rừng thưa. Khi vừa bước ra cửa rừng, K’RaJan Đa không thấy anh mình đâu nữa? Nó quái lạ tự hỏi nhưng vụt hiểu ra ngay và bỗng chốc nó cũng biến mất. Bài học đầu tiên là phải hoá thân vào cảnh vật chung quanh, hai anh em nhà K’RaJan biến hình thành hai tổ mối nhỏ bên cạnh một tổ mối to đùng cạnh bìa rừng. Họ giống đến nỗi mấy con mối thợ đi săn mồi về ngơ ngác bước lên người họ, chúng dè dặt đặt từng bước một lên ngôi nhà xa lạ của mình. Nhưng anh em nhà K’RaJan không hơi đâu mà để ý đến chúng, họ căng mắt – bây giờ là một lỗ thông hơi của tổ mối phụ - nhìn chăm chăm vào một gốc cây cổ thụ phía xa xa. Cây cổ thụ quả thật là quá to, có thể nó đã sống trên nhiều ngàn năm, bóng râm của nó che phủ gần như kín một quả đồi con. Trên những cành cha, cành mẹ, lũ chim đủ loại tha hồ làm tổ vào những nơi chúng thích. Một bầy khỉ ở đâu kéo đến viếng thăm cây cổ thụ. Chúng đùa giỡn với nhau phát ra những âm thanh chí choé, những con lớn và đặc biệt con đầu đàn nghiêm nghị và lười nhác phơi nắng hoặc bắt chí cho nhau. Vài con khỉ leo tót lên ngọn cây và chúng phát hiện ra những quả trứng chim, chúng thò những bàn tay đầy lông lá vào tổ và bỏ ngay những quả trứng hồng hồng vào miệng với tiếng gầm gừ thích thú.
Nhưng anh em nhà K’RaJan không chú ý đến cây cổ thụ và những trò diễn ra trên ấy như từng diễn ra từ ngàn xưa, đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Họ chú ý đến gốc cây. Dưới ấy có bốn người đang nói với nhau điều gì đó, mùi cơ thể họ phát ra đậm đặc, khác hẳn với thứ không khí trong lành anh em nhà K’RaJan thường hít thở. Đích lắng nghe những âm thanh lạ lẫm, không phải tiếng K’Ho, cũng không phải tiếng Ê Đê, đây là loại ngôn ngữ Đích chưa từng được học. Vì vậy anh em nhà K’RaJan càng trở nên thận trọng, họ tiến từng bước nhỏ đến nhóm người lạ đang nghỉ dưới gốc cây. Tất nhiên họ không quên bài học vỡ lòng, họ biến thân vào những cành cây bụi cỏ chung quanh để che dấu thân mình.
Anh em nhà K’RaJan đã đến đích, bây giờ họ đã là một hòn đá lẫn vào vô số đá chung quanh gốc cây. Ba người đàn ông vẫn không biết sự hiện diện của anh em nhà K’RaJan, họ vẫn tranh luận với nhau một điều gì đó và ra vẻ chờ đợi một người trong bọn. Đó là nhận định của Đích khi đã yên vị và lắng nghe những âm thanh trầm bỗng của nhóm người xâm phạm lãnh địa của trường. Bỗng nhiên K’RaJan Đích nghe hai người đàn ông, một người già, một người trẻ nói với nhau bằng tiếng K’Ho Lạch. Người lớn tuổi nói:
- K’Quang à, sao lâu quá không thấy K’Thái theo kịp à?
Người trẻ tuổi lắng nghe một hồi rồi trả lời:
- Không nghe tiếng con chim báo là K’Thái sắp đến, hay là nó đi lạc hả bác?
- Không thể, thằng nhỏ đó thuộc rừng như thuộc bàn tay mình mà!
Rồi thôi, họ im lặng không nói gì nữa. K’RaJan Đích chú ý lắng nghe để tìm hiểu nhóm người này nhưng Đích thất vọng. Vô số câu hỏi nảy sinh trong lòng Đích. Họ là ai? Từ đâu tới? Tới với mục đích gì?....Chỉ có bắt được họ thì những điều ấy mới được thông suốt thôi, Đích biết rõ như vậy.
Đích nói với Đa tất nhiên bằng cách nói của lá rừng như anh em họ được học:
- Mày đi về phía bên kia đón lỏng, tao sẽ đốt….Đích giơ một ngón tay lên. Tất nhiên Đa hiểu ngay ý định của anh nó. Đa cũng đồng tình với anh mình, nó im lặng trườn qua những rễ cây đa cổ thụ và thích thú biết bao khi bốn người lạ mặt không hề hay biết! Đến bên kia gốc cây, Đa lấy trong túi nhỏ mà nó luôn mang theo bên mình một chiếc lá khô màu nâu nhạt. Nó cho chiếc lá vào miệng và nuốt trộng, Đa hồi hộp quá chừng. Đây là lần đầu tiên nó thực hiện bài học Mat dạy, chiếc lá nâu nhỏ bé sẽ giúp nó không ngất xỉu khi Đích đốt một loại lá khác, cũng màu nâu nhưng to bản hơn, Đích cũng đang thực hiện một bài học khác do Mat dạy.
Đám người đang ngồi nghỉ dưới bóng râm cây đa cổ thụ vẫn không hề hay biết, họ trao đổi với nhau bằng một thứ tiếng lạ lẫm, hình như họ đang lo lắng một điều gì thì phải, thái độ của họ nói lên điều đó. Người lớn tuổi nhất đang nói bỗng nhiên im lặng, ông ta ngáp một tiếng rõ to. Tiếng ngáp của ông hình như là hiệu lệnh bắt đầu cho cơn buồn ngủ, tất cả những người còn lại thi nhau ngáp. Mắt họ bỗng nhiên nổi lên màu đỏ như thể họ đã mất ngủ nhiều ngày, và cùng một lúc tất cả lăn quay ra ngủ!
K’RaJan Đích xuất hiện với một nụ cười hãnh diện trên đôi môi, nó nói:
- Đa đâu rồi, ta đã thành công, mày mau đốt lửa lên báo cho mọi người biết!
Đa cũng vui mừng không kém anh nó, nó hăng hái đi gom những cành cây khô vương vãi chung quanh và móc trong túi nhỏ ra hai hòn đá lửa. Nó nhanh chóng gom một ít cỏ khô, loại cỏ thân mềm và nhỏ như sợi chỉ làm mồi dẫn lửa. K’RaJan Đa đập hai hòn đá vào nhau, một tia lửa nhỏ xíu xẹt ra nhưng chưa trúng vào đống cỏ khô. Đa tiếp tục công việc với một thái độ thận trọng, nhìn nó làm người ta liên tưởng đến công việc của một người thầy cúng. Nghĩa là nó đang thực hiện bài học của Mat, việc làm ra lửa không chỉ là phục vụ nhu cầu của con người mà còn là công việc chạm đến thần linh, vì vậy phải thành kính thì mới được thần lửa chấp thuận. Ánh lửa đem lại cho con người sự ấm áp, niềm vui sướng khi được ăn những loại thức ăn chín và còn truyền tin tức đi xa tận phía cuối chân trời.
Tin tức nhanh chóng đến với Vương Đình Huệ, Tư Đực và những người khác. Trong một canh giờ sau đó tất cả có mặt và ngạc nhiên nhìn ngắm những khuôn mặt người lạ xâm nhập lãnh thổ của học viện, còn khuôn mặt của anh em họ K’RaJan thì cứ ngước lên trời với cái miệng cười cười và cặp mắt cứ như muốn nói “chiến công của anh em tao đó, chúng mày có được như vậy không?”.
Vương Đình Huệ không lý gì đến thái độ của anh em nhà K’RaJan, Huệ ra lệnh:
- Tư Đực và hai người nữa về báo ngay với Mat, với chừng này người ta không thể mang bốn tên tù binh này về tới trường được. Tao không muốn bị xổng một tên nào, chúng ta phải giải từng tên về trường riêng lẻ, không để chúng đi chung. Còn mày, K’RaJan Đích, mày dùng lá ngủ bao nhiêu?
Kiêu hãnh Đích giơ ra ba ngón tay, Vương Đình Huệ trợn mắt:
- Ba lá à, mày dùng nhiều quá rồi đó, như vậy tụi này chỉ có thể hoạt động vào ban đêm thôi, để rồi tụi mày coi!
Đám học trò nhập môn ngạc nhiên nhìn Huệ nhưng anh không nói gì thêm nữa, làm như những lời phát biểu vừa qua là vô tình lộ ra một chút sự hiểu biết hơn người của mình. Những học sinh nhỏ tuổi là những đứa trẻ hiếu động - tất nhiên rồi, bởi chúng vẫn chưa hết nét thơ ngây trên khuôn mặt cho dù Mat cố tình đào tạo chúng trở thành những người bí hiểm, một đức tính mà theo lý luận của học viện là đức tính đầu tiên phải có của những nhà tiên tri hay ông thầy cúng ngày mai!
Chúng leo lên rồi trụt xuống người những tên tù binh. Đứa thì ngồi trên đầu, đứa lại thích nằm giữa hai chân, có đứa lại nghịch ác, thò hẳn tay vào chiếc khố của người tù binh lớn tuổi nhất và cười rộ lên. Vương Đình Hụê nhìn thấy tất cả nhưng anh không nói gì, dù sao anh vẫn là người lớn tuổi nhất ở đây, anh phải là người chỉ huy, cho dù Mat chưa bao giờ giao cho anh trọng trách này. Là người chỉ huy thì không phải lúc nào cũng vui đùa cùng những đứa trẻ tinh nghịch, cho dù đôi khi cũng phải hoà đồng với chúng để nhìn thấy những ý nghĩ sâu xa trong mỗi đứa, có như vậy mới trở thành thủ lãnh đám trẻ lắm tài nhiều tật này! Vương nhận thức rõ được điều đó nên anh trèo lên cây đa cổ thụ và cố đứng ở nhánh cao nhất có thể. Mắt anh nhìn ra xa và đảo quanh bốn hướng. Ở vị trí này ngôi trường Langbiang xa tít tắp ở hướng tây, hướng mặt trời sẽ lặn mất tăm mất tích và nhường cho bóng đêm làm chủ với biết bao điều bí mật.
Mat tới! Ông thầy Râu Dài tới nhanh như cơn gió. Mat tới khi Tư Đực vẫn chưa về đến trường như lời dặn của Huệ. Mat gật đầu khi cả đám học trò chào:
- Ai làm?
Cả đám học trò lớp Nhập môn nhìn về anh em nhà K’RaJan Đích. Đích và Đa hãnh diện ngước mắt nhìn Mat chờ đợi một lời khen. Chúng ỷ y rằng trong lớp chưa có đứa nào lập được một chiến công như chúng cả. Bắt được tới bốn tên tù binh xâm phạm lãnh địa của học viện chứ có phải là trò đùa đâu? Nhưng Mat chỉ nhìn anh em nhà K’RaJan mà không cười, có nghĩa rằng họ không làm Mat hài lòng một điều gì đó. Quả nhiên là như vậy, Mat hắng giọng:
- Anh em mi có tới ba điều sai lầm, đã biết tội chưa?
Ngơ ngát như vừa trên trời cao rớt xuống, anh em nhà K’RaJan thoáng rùng mình. Mỗi khi Mat dùng từ “sai lầm” có nghĩa là người phạm phải sẽ chịu hình phạt tương xứng. Mà Mat là một ông thầy rất nghiêm, nhiệm vụ của Mat trong học viện rất rõ: tạo nếp ăn nếp ở cho học trò đủ sức học lớp cao hơn!
- Thưa Mat con không biết?
Giọng K’RaJan Đích hơi có vẻ run run. Mat đanh giọng:
- Thứ nhất anh em mi không phát tín hiệu khi phát hiện ra kẻ xâm phạm lãnh địa của học viện. Thứ hai, anh em mi đã dùng ba lá ngủ để chỉ bắt có bốn tên này, mi có biết rằng ta phải tốn bao nhiêu công mới tìm và luyện được chừng ấy lá và chỉ phát cho mỗi người ba chiếc lá thôi sao? Tại sao mi không nhớ chỉ cần một chút lá cộng thêm một nắm lá rừng khô là đủ để hạ gục một đàn trâu rừng trên mười con trâu mộng? Sao mi phí phạm quá thể như vậy? Còn điều thứ ba, hừ, một chiến công nhỏ nhoi như thế mà trong mắt anh em mi như không còn thấy ai nữa!
Anh em nhà K’RaJan tái mặt, thì ra Mat đọc được tư tưởng trong óc người ta. Từ nãy tới giờ anh em nhà K’RaJan chưa có một lời nào ra vẻ tự cao tự đại nhưng ông thầy vẫn đọc trong mất họ những điều đó, Mat mới ghê gớm làm sao!
Mat ra lệnh:
- Tất cả về trường!
Nói xong thân hình bé nhỏ của Mat biến mất vào trảng cỏ như chưa hề xuất hiện dưới gốc cổ thụ này. Đám học trò le lưỡi thán phục ông thầy của mình, chúng dong bốn tên tù binh về trường như Mat dặn.
CHƯƠNG 7
CUỘC HỎI CUNG