Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.156
123.224.926
 
Mật ngọt của rừng
Tạ văn Sĩ

Buổi sáng đầu xuân, sau những đợt lạnh muộn kéo dài, trời Tây Nguyên đang ấm dần lên trong cái nắng vàng ong ong như mật. Bất giác nhớ lời ca trong một bài hát viết về Tây nguyên: Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật...” Nhân được ngày thư thả, tôi đánh xe về khu rừng cao su Thanh Trung bạt ngàn cách thị xã Kon Tum 7km về hướng Bắc dọc theo đường Hồ Chí Minh, nơi Công ty Ong mật Kon Tum (Kohob) đóng đại bản doanh vừa để thăm chơi hai người bạn Nguyễn Thành Vinh và Trần Viết Dũng là (Giám đốc và Phó Giám đốc), vừa tìm hiểu cái nghề nuôi ong mật đang phát triển mạnh ở Tây Nguyên.

 

Ngồi trong phòng khách ấm áp của ngôi nhà xây theo kiểu Thái sang trọng- là trụ sở Công ty- trước hai chai rượn đặc sản được bày ngay ngắn trên bàn. Tôi gọi đặc sản  vì đây là loại rượn đế Bầu Đá nổi tiếng của xứ Bình Định (quê của hai anh Vinh và Dũng) được pha ngâm với các loại sản phẩm lấy từ ong (cũng chính do hai anh làm nên). Một chai màu vàng mơ vì pha với mật và một chai sóng sánh sậm ngà vì ngâm với phấn hoa. Sau dăm ba ly rượu vừa ngọt thơm hương mật vừa hăng hắc hương rừng (chữ dùng của Xuân Diệu), tôi được hai anh kể cho nghe bao nhiêu chuyện về ong.

 

Giống ong mà Công ty Ong mật Kon Tum đang nuôi có nguồn gốc từ nước ý xa xôi được du nhập vào Việt Nam từ năm 1960. Đến nay đã gần như nội hóa qua quá trình thuần dưỡng để thích hợp với điều kiện ở nước ta. Trước năm 1975 ở miền Nam có một số ít người tổ chức nuôi với qui mô nhỏ nên hiệu quả không cao. Sau năm 1975 một số bà con Hoa Kiều ở Chợ Lớn, Thành Phố Hồ Chí Minh có điều kiện kinh tế tốt hơn đã tổ chức nuôi với qui mô lớn và đạt thành công. Từ đó nghề nuôi ong có cơ hội lan truyền, nhiều người vào cuộc với ý thức kinh doanh nên đến nay đàn ong đã được nhân lên rộng rãi.

 

Nói là đã được nội hóa nhưng kỳ thật ong cũng chỉ là một giống côn trùng nên tuổi thọ rất ngắn vì rất hay bị lây nhiễm bệnh và chết, đặc biệt là các bệnh về ký sinh trùng như ve, chấy, thoái hóa trùng... Nhất là sau mùa lấy mật thì lượng ong bị mất đi rất đáng kể. Có nhiều người không chống đỡ nổi việc thất thoát ấy đành phải bỏ nghề. Những trường hợp này thì đúng là... nuôi ong tay áo! - Ví dụ năm 1990 gần như toàn bộ ong ở nước ta đều bị dịch rầy, rồi tiếp theo năm 1993 đàn ong cả nước chết gần hết đã làm cho giới nuôi ong lao đao khốn đốn ngỡ không vực dậy nổi nữa. Do đó việc chăm dưỡng đàn ong là một việc làm vất vả và cần sự quan tâm của chủ nuôi ong nhiều hơn cả.

 

ở Tây nguyên, mùa chăm dưỡng ong để bảo trì và phát triển tăng đàn là vào khoảng từ tháng Năm tháng Sáu đến tháng Mười Hai. Nghĩa là sau mùa lấy mật. Mùa lấy mật kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Tư tháng Năm- Thảo nào nhạc sĩ đã viết Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật!

 

Ong đi lấy mật những đâu? Trước hết là từ nguồn thiên nhiên. Rừng núi Tây Nguyên mênh mông, muôn kỳ hoa dị thảo điệp trùng, ong mặc sức tìm kiếm chắt chiu từ nguồn bách hoa ấy. Thêm nữa đất đỏ ba-zan của Tây Nguyên là vương quốc của cây cà phê và cao su. Bây giờ những nông trường cao su, cà phê bạt ngàn- Nông trường ta rộng mênh mông, trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài! (Tế Hanh) -Tới mùa hoa nở các chủ ong lại di chuyển đàn đến những nơi đã chọn. Ong ở đâu người ở đấy. Cứ hàng tháng trời ăn bờ ở bụi với ong, lang thang khắp các nông trường, khắp các cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên. Cực đấy nhưng vui. Khi nhìn những chú ong bé nhỏ li ti cần mẫn đi về, tiếng vỗ cánh u u suốt ngày cứ quẩn bên tai, thấy mà thương đáo để! Thương hơn nữa khi tưởng tượng đến cái nhà máy nhỏ tí xíu kia (là cơ thể con ong) thế mà đã  tinh chế từng giọt mật li ti của hoa lá để thành một thứ thức ăn thức uống giàu hàm chất dinh dưỡng và giàu dược tính để phục vụ con người.

 

Nói Tây Nguyên bạt ngàn đồi núi cũng chỉ là một cách nói thôi chứ có phải lúc nào và ở đâu cũng là của kho vô tận cả đâu! Vào những khi giáp hạt cũng phải di chuyển đến những nơi xa khác mà ở đó có những mùa hoa trái đang đơm. Có lúc xuôi Nam vào đến An Giang, Châu Đốc.Có khi ngược Bắc lên tận Bắc Giang, Lạng Sơn kia chứ! Những chuyến đi xa ấy, nếu không khéo tính toan và ứng xử sẽ rất dễ bị... lời ong tiếng ve rầy rà lắm! ấy là nói thi thoảng (thi thoảng thôi) cũng gặp phải một vài hộ nông dân nào đó vì nhận thức chưa tường, sợ ong bu bám làm rụng hoa dẫn đến thất thu mùa vụ đã có phản ứng gay gắt và manh động tấn công đập phá thùng ong; những lúc ấy chủ ong ngao ngán mà than rằng tại sao nhiều nơi người ta còn mướn những đàn ong về thả để thụ phấn cho hoa, để bảo vệ sinh thái nữa là!... Hãy tưởng tượng hệ thực vật trên trái đất này không ong, không bướm thì sao?

 

Sản phẩm lấy được từ ong có nhiều thứ mà thứ nào cũng ích lợi cả. Ngoài mật ong là loại thông dụng nhất còn có sáp ong, keo ong... dùng trong công nghiệp; sữa ong chúa, phấn hoa ... dùng trong y dược v.v...

 

Nhân nói đến tính chất cần mẫn, chắt chiu và lợi ích của ong, tôi sực nhớ ý thơ của thi hào Chế Lan Viên đã viết để ví những nhà thơ giữa đời thường như loài ong mật ấy, anh Trần Viết Dũng ( Phó Giám đốc) gật gù tâm đắc và cười vui vì chính anh cũng là một nhà thơ rất tài hoa ở đất Tây Sơn, Bình Định.

 

Nhân đà vui vẻ, tôi gợi ý hỏi thăm việc nội bộ của Công ty và được anh Nguyễn Thành Vinh ( Giám đốc) nhiệt tình cho biết vì yêu thích ong, tự mua sách vở tài liệu về nghiên cứu và ...vào nghề ong lúc nào không hay!

 

Công ty được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy phép thành lập ngày 2-6-2003. Hiện Công ty có 3.000 thùng ong ( mỗi thùng một ong chúa). Bình quân thu hoạch hằng năm là 120 tấn mật (tương đương 85.000 lít). Tính giá dao động từ 12.000 đến 15.000 đồng l Kg ( nghĩa là khoảng 20.000 đồng 1 lít) thì bình quân mỗi năm doanh thu của Công ty áng chừng l tỷ 700 triệu đồng.

 

Các anh còn cho biết mặc dù con ong có giá trị kinh tế cao là thế nhưng giá cả thị trường lại không được ổn định. Đấy cũng là nỗi lo âu, hồi hộp của người nuôi. Ví dụ năm 2002 cả Việt Nam xuất khẩu được rất tốt những 12.000 tấn mật, thu lãi lớn. Nhưng qua năm 2003 vừa rồi thì bị lỗ nặng, không xuất khẩu được. Nguyên do có một số người hám lãi đã trộn mật ong thật với đường sacaro, đặc biệt là trộn với mật ong từ Trung Quốc nhập lậu sang ta. ở Trung Quốc có giống ong mà người nuôi đã dùng kháng sinh để bảo dưỡng đàn (Trong khi nuôi ong tuyệt đối không được dùng tới loại thuốc này). Do vậy trong mật ong Trung Quốc lượng kháng sinh lắng đọng trong thành phẩm rất cao, lại bán sang ta với giá quá rẻ, chỉ từ 5 đến 6.000 đồng l lít, trong khi mật ong Việt Nam giá từ 25.000 đến 26.000 đồng l lít.

 

Phát xuất từ tính toán kinh doanh, đồng thời cũng từ  lời ong tiếng ve về chất lượng mật ong Việt Nam nói trên nên các anh quyết định thành lập Công ty để bảo vệ cho thương hiệu KOHOB (Kon Tum Honey Bee - Công ty Ong mật Kon Tum) của mình làm sao chiếm lại được sự tin cậy của người tiêu dùng và cũng mong gửi tí hương vị ngọt ngào của núi rừng Tây Nguyên về khắp mọi miền đất nước.

 

Rời Công ty Ong mật Kon Tum, tôi ra về với cơn say váng vất, lâng lâng hương vị mật ong và phấn hoa rừng.

Tạ văn Sĩ
Số lần đọc: 2902
Ngày đăng: 18.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng ngựa Đức Hoà - Lê Phú Khải
Đất phèn - Lê Phú Khải
Về xứ nhãn tiêu hồng - Trần Đổ Liêm
Báo động một tuyến đường huyết mạch - Trần Đổ Liêm
Ghi lại CUỘC TRIỂN LÃM tháng 9 & 10/1996. - Dương Ðình Hùng
Dự đám cưới xứ ngòai… - Dương Ðình Hùng
Về thăm Đất Mũi - Lê Phú Khải
Xa Đầm Thị Tường - Nguyễn Ngọc Tư
Bất ngờ sim - Hồ Hùng
Bức xúc chuyện dạy và học ở miền tây nam bộ - Huỳnh Kim